PHƯƠNG TRỜI SIÊU TUYỆT
Vĩnh Hảo
Làm người quét lá dễ không? – Không dễ.
Nếu dễ thì thiên hạ tranh nhau xuất gia, vào chùa hết rồi.
Thiên hạ đã không làm như thế, bởi thú vui, dục lạc ở đời hấp dẫn hơn nhiều so với đời sống chay tịnh, lặng lẽ ở thiền môn.
Những gì người thế tục đam mê theo đuổi thì người xuất gia tự nguyện từ bỏ. Nào là tiền bạc của cải, nào là sắc đẹp, danh thơm… nào là ăn ngon mặc đẹp, nào là ngủ nghỉ ngon giấc với nệm ấm chăn êm. Người đời chạy theo, người tu từ bỏ.
Người xuất gia từ bỏ đời sống thế tục là để cất bước hướng về một “phương trời siêu tuyệt” (1). Phương trời ấy, lý tưởng ấy, là giải thoát, giác ngộ; là mục tiêu tối hậu cuối con đường đầy khổ nhọc, gian truân.
Thức sớm từ canh năm (2), gióng tiếng hồng chung gửi nhân gian yên ngủ; tọa thiền bái sám, chuông mõ gội lòng chốn không môn.
Bình minh quét lá, hương đăng (3); hoàng hôn tưới cây, cúng cháo (4); lòng từ chan rưới khắp nhân gian.
Ngày đêm nghiên tầm giáo điển, thiền tọa công phu; mặc đơn sơ, ăn đạm bạc, ngủ giấc ngắn trên thiền sàng đơn chiếc; mộng phù sinh giũ sạch ngoài song.
Quét lá dễ không? – Không dễ.
Quét từ sân ngoài tới vườn tâm. Sân ngoài sạch lá thì người người vui mắt. Vườn tâm thanh tịnh thì trí tuệ siêu nhiên.
Này tham, này sân, này si… từng giây từng phút điểm mặt, quét, hốt.
Giữ tâm bình lặng khi tám gió (5) thổi qua.
Nhẫn nại quét, gom, rác về một mối. Rác đổ đi rồi, tâm địa làu làu suốt trong.
Đất sạch già-lam, tâm hạnh quét lá,
Được mấy người giữa cuộc thế đảo điên.
Căn lành đã gieo từ đời kiếp
Đến chùa gặp Phật mở thiện duyên.
Cảm mộ Pháp sâu lòng tha thiết,
Cạo tóc xa nhà vui nếp thiền (6)
Áo cơm chẳng bận lòng Thích-tử (7)
Chí lớn độ người mới ưu tiên (6)
Một mình một bóng đường xa hút
Phương trời lồng lộng ánh triêu dương
Chó nhà ai sủa người thiên lý
Bước chân độc hành cứ lên đường.
California, ngày 20 tháng 10 năm 2019
Vĩnh Hảo
_______________
(1) “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương…” (Cảnh Sách Văn, của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, hiệu Đại Viên [771 – 853], soạn viết để khuyến tấn người xuất gia).
(2) Canh 5, giờ Dần, theo cách tính của người xưa: từ 3 giờ đến 5 giờ sáng.
(3) Lau chùi, quét dọn nơi chánh điện và các bàn thờ trong chùa.
(4) Cúng cháo cho cô hồn ngạ quỷ trong thời công phu chiều.
(5) 8 ngọn gió (gồm 4 cặp đối đãi) thường khuấy động tâm người: được/mất, nhục/vinh, khen/chê, khổ/vui (lợi/suy, hủy/dự, xưng/cơ, và khổ/lạc)
(6) “Kinh Phước điền nói, sa di phải biết năm đức tính: một là phát tâm xuất gia, vì cảm bội Phật pháp; hai là hủy bỏ hình đẹp, vì thích ứng pháp y; ba là cát ái từ thân, vì không còn thân sơ; bốn là không kể thân mạng, vì tôn sùng Phật pháp; năm là chí cầu đại thừa, vì hóa độ mọi người.” (Sa di ưng cụ Ngũ Đức, Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu – HT. Thích Trí Quang dịch giải)
(7) Chữ dùng để gọi chung người xuất gia đệ tử Phật, lấy họ của Phật (Sakya – Thích) làm họ của mình.
- Tag :
- Vĩnh Hảo
Quét từ sân ngoài tới vườn tâm."
Rất hay.