Bạn Mãn Thiên thân mến!
Quan điểm của Phật giáo nói chung, mọi biến động của đời sống tự nhiên và xã hội đều là biểu hiện của nghiệp, do nghiệp lực của nhân loại hiện hành chi phối.
Nghiệp là sự chủ ý tạo tác của thân, miệng, ý của cá nhân và tập thể được thực hiện trước đó. Nghiệp do con người tạo ra và con người phải thừa hưởng sự nghiệp của mình.
Trước biến động thịnh suy, thăng trầm của cá nhân và xã hội, Phật giáo không quy kết trách nhiệmcho bất kỳ ai, kể cả thần linh mà nhận thức rõ tất cả là do chính mình, để từ đó có những điều chỉnhvà ứng xử thích hợp.
Kinh Tăng nhất A-hàm (tập II, phẩm 34. Đẳng kiến), Đức Phật đã cho biết về một số nhân duyên dẫn đến suy vong gồm thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh như sau:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy, Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
- Thế nào Cù-đàm? Có nhân duyên gì? Có hạnh xưa nào khiến cho người dân này có tận, có diệt, có giảm bớt? Xưa là thành quách, ngày nay đã tan hoại; xưa có người dân, ngày nay hoang vắng?
Thế Tôn bảo:
- Phạm chí nên biết! Do người dân này hành phi pháp, nên khiến xưa có thành quách, ngày nay tiêu diệt, xưa có người dân ngày nay hoang vắng, đều do người dân xan tham, kiết phược, quen hành ái dục mà gây nên, khiến gió mưa không đúng thời, mưa đã không đúng thời, trồng trọt rễ không tăng trưởng. Trong đó, người dân chết đầy đường. Phạm chí nên biết, do nhân duyên này, khiến nước bị hủy hoại, dân không đông đúc.
- Lại nữa, Phạm chí, người dân hành phi pháp, khiến có sấm, chớp, sét giật tự nhiên ứng hiện; trời giáng mưa đá, hư hoại mầm sống. Bấy giờ người dân chết chóc không đếm nổi.
- Lại nữa, Phạm chí, người dân hành phi pháp, cạnh tranh lẫn nhau, hoặc lấy tay đấm, thêm gạch đá ném nhau, mỗi người đều tán mạng.
- Lại nữa, Phạm chí, người dân kia đã cạnh tranh nhau chẳng yên ở; quốc chủ không an, mỗi bên hưng binh công phạt lẫn nhau, đến nỗi đại chúng chết không kể, hoặc bị chết bởi do đao, hoặc chết bởi giáo, tên. Như thế, Phạm chí! Do nhân duyên này, khiến dân giảm thiểu, chẳng đông đúc nữa.
- Lại nữa, người dân hành phi pháp, nên khiến thần kỳ không giúp đỡ cho được tiện lợi, hoặc gặp nguy khốn, tật bệnh, liệt giường, người lành bệnh ít, người bệnh dịch chết nhiều. Đó là, này Phạm chí! Do nhân duyên này khiến dân giảm thiểu, không được đông đúc.…”.
Như vậy, theo quan điểm của Đức Phật, những tai họa và bất hạnh ập xuống đe dọa đời sống con người chính là do con người “hành phi pháp”.
Hành phi pháp là không tuân theo pháp luật hiện hành; không gìn giữ các chuẩn mực đạo đức, phép tắc truyền thống được thiết lập từ xưa; không sống và thực hành theo Chánh pháp của Phật dạy, cụ thể là bị xan tham, kiết phược và quen hành ái dục chi phối.
Chính vì ba điều này là nguyên nhân căn bản khiến cho cái ác lên ngôi, ngự trị đời sống con người, từ đó khiến cho phước đức của nhân loại bị suy giảm. Khi nguồn phước theo thời gian cứ mỏng dần, cạn dần đến một ngày nào đó hết phước thì các tai họa như thiên tai ập xuống, chiến tranh nổ ra, dịch bệnh lan tràn khắp nơi.
Bản kinh có một chi tiết quan trọng, khi nhân loại bị tổn phước do “hành phi pháp” thì chư thiên và các vị thiện thần không bảo vệ nên các loài phi nhân xấu ác như dạ xoa, la sát ra sức quấy nhiễu và não hại, gây ra dịch bệnh khiến loài người chết rất nhiều.
Giải pháp của Phật giáo là mỗi người cần nhận thức đúng để dừng lại việc “hành phi pháp” nhằm khôi phục phước đức. Vì phước đức luôn nâng đỡ thế gian, phước đức hỗ trợ cho cá nhân và gia đình, hết phước thì tất cả đều sụp đổ. Người dân thì xây dựng đạo đức công dân, nghiêm chỉnhsống theo hiến pháp và pháp luật. Người Phật tử thì nguyện sống theo Chánh pháp với căn bản là giữ giới, bố thí, tu thiền. Làm được như vậy đạo đức và phước đức sẽ tăng trưởng, nhân loại sẽ an lạc và thái bình.
Chúc bạn tinh tấn!