"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
- Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đó được nói đến với pháp tất thối.
…
- Thế nào là không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm?
- Ở đây có một hạng người thân chưa ly nhiễm, chưa ly dục, chưa ly khát, chưa ly ái. Nếu ai thân chưa ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa.
- Lại nữa, nếu ai đối với dục mà không ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, vị ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cầntĩnh tọa.
- Lại nữa, có một hạng người, đối với điều được nói tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái mà nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về sự thiểu dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi; những điều như vậy được Tỳ-kheo hay Sa-môn nói, nhưng tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa.
- Lại nữa, thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu sa, không học hỏi. Nếu ai thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu sa, không học hỏi, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh cần và chuyên cần tĩnh tọa.
- Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến, người đấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa.
- Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp tất thối vậy".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh Tâm uế, số 206 [trích, lược])
Tham ái với thân, tập trung lo cho thân tứ đại một cách thái quá, đó là trói buộc. Tham ái đối với năm dục (tiền bạc, sắc dục, danh vị, ăn uống, ngủ nghỉ) và năm trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) là những trói buộc lớn. Người tu cần sống với hạnh muốn ít và biết đủ để không tìm cầu, tùy duyên với những gì đang có cho thảnh thơi. Không vướng mắc, biết đủ thì tự đủ, biết an thì tự an, được vậy mới có thể chuyên cần tĩnh tọa.
Quan trọng hơn, đối với Thánh nghĩa (Chánh pháp và pháp môn) không có nghi ngờ, tin tưởng sâu sắc. Nhờ đó mới có thể buông bỏ trần duyên, đi sâu vào pháp hành với lòng tin tuyệt đối không có gì lay chuyển. Cần học tập giáo pháp theo thứ lớp, từ căn bản đến nâng cao; phải tìm ra pháp hànhthích hợp rồi từ đó quyết chí an trụ vào pháp hành.
Để nhất tâm, không tạp loạn thì cần tránh duyên, tránh được chừng nào hay chừng nấy. Nếu phải tụ họp hay hội hè thì cần nhiếp tâm chánh niệm. Xong việc thì buông vì chẳng có gì đáng để ưu tưhay vướng mắc. Những ai chuyên cần tĩnh tọa thì dễ dàng nhận ra dư âm loạn động của hội họp, nó thực sự chướng ngại thiền định, phải mất một thời gian tâm tư mới lắng đọng.
Khi chưa qua bờ thì chớ nên dừng lại. Đang giữa dòng mà dừng lại thì chìm. Ấy thế mà không ít người đã dừng lại hoặc rẽ ngang. Mọi thành công ở mặt hữu vi của người tu chỉ là quả phước. Vấn đề này rất tế nhị, dễ dàng lường gạt người tu, vui với “hóa thành” mà quên đi “bảo sở”. Đức Phậttừng dạy “Chớ tin vào ý của mình”, bởi dù là ý gì cũng không ngoài tự ngã, chướng ngại giải thoát.
Không tháo gỡ năm trói buộc này, sự tu sẽ thụt lùi là lời cảnh báo đáng để lưu tâm.