- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG IV
ĐỜI SỐNG DÂN CHÚNG
IV. THÁI ĐỘ CỬ CHỈ, PHONG TỤC VÀ TÍNH TÌNH
Quả dục – Vệ sinh – Y phục – Dáng điệu bề ngoài – Sự lễ độ của người Ấn – Thói xấu và đức tốt – Trò chơi – Hội hè – Chết.
Gần như khó tin được rằng một dân tộc có những chế độ lạ lùng đó: cưới gả con nít, đền thờ là nơi buôn son bán phấn, bắt quả phụ phải hoả thiêu theo chồng, lại chính là một dân tộc hoà nhã và lễ độ. Trừ một số ít devadasi ra, tệ mãi dâm rất hiếm ở Ấn Độ, và về phương diện tính dục, thái độ bề ngoài của người Ấn thật đàng hoàng, không chê vào đâu được. Linh mục Dubois vốn nghiêm khắc mà cũng bảo: “Ta phải nhận rằng về lễ phép xã giao, tất cả các giai cấp Ấn Độ, cả những giai cấp thấp nhất, cũng như những qui tắc lễ phép, tôn trọng lẫn nhau, hơn là ở bên Âu”. Ở các nước phương Tây, trong các câu chuyện người ta thường nói đến ái tình, người Ấn không có thói đó. Phong tục Ấn cấm ngặt nam nữ tỏ tình thân mật với nhau trước công chúng, và cho rằng trong khi vũ, nam nữ chạm vào nhau là điều thô tục, dâm đãng nữa.
Một người đàn bà Ấn thời xưa có thể đi khắp nơi mà không sợ bị đàn ông làm nhục hoặc quấy phá. Xét theo phương Đông thì trái lại phía đàn ông mới đáng lo. Manou đã khuyên đàn ông phải đề phòng như sau: “Đàn bà, do bẩm sinh, luôn luôn muốn quyến rũ đàn ông, cho nên một người đàn ông phải nhớ kĩ, tránh đừng ngồi một mình một nơi nào vắng vẻ với một người đàn bà, dù người này là bà con gần gũi nhất của mình”; và thấy một người thiếu nữ đi qua thì đừng ngó lên cao quá mắt cá chân của họ.
Thực tình chúng ta có thể nói rằng ở Ấn, sự sạch sẽ là một cái gì gần như thiêng liêng; nếu ở Ấn, sự vệ sinh không phải là qui tắc luân lí duy nhất – như Anatole France nói – thì nó cũng là điều kiện cốt yếu của lòng kính tín, mộ đạo. Đã từ biết bao thế kỉ, Manou đã qui định những phép tắc nghiêm khắc về sự tắm rửa: “Sáng sớm, người Bà La Môn phải tắm, trang sức cho đẹp, chà răng, nhỏ thuốc vào mắt rồi cúng vái”. Các trường học Ấn dạy học sinh trước hết phải lễ độ và giữ gìn thân thể cho sạch sẽ. Người Ấn thuộc tập cấp nào cũng vậy mỗi ngày phải tắm một lần và giặt chiếc áo rất giản dị của họ - áo mà bận luôn hai ngày không giặt thì đáng tởm. Huân tước William Huber bảo: “Về phương diện giữ vệ sinh cơ thể thì khắp châu Á, có thể là khắp thế giới, không có dân tộc nào sạch sẽ như dân tộc Ấn. Họ nổi tiếng là tắm gội nhiều”[36].
Một ngàn ba trăm năm trước, Huyền Trang tả cách ăn uống của người Ấn như sau:
Tự họ họ sạch sẽ, chứ không ai bắt buộc. Trước mỗi bữa ăn họ rửa mặt rửa tay, thức ăn thừa không khi nào dọn lại, đồ làm bếp không dùng tới hai lần, đồ nào bằng gỗ hay đất thì dùng một lần rồi liệng đi, còn những đồ bằng vàng, bạc, đồng hay sắt thì chùi cho thật bóng. Ăn xong, họ xỉa răng rồi lau tay lau mặt, xong đâu đấy rồi mới tiếp xúc với những người khác.
Thường thường người Bà La Môn rửa tay và miệng trước và sau mỗi bữa ăn, họ bốc thức ăn đặt trên một tàu lá, vì họ cho dùng một cái đĩa, một con dao, một cái nĩa tới hai lần thì không được sạch, sau bữa ăn họ súc miệng tới bảy lần. Họ chà răng bằng một thứ vỏ cây, chà xong một lần rồi liệng đi – họ cho rằng dùng lông thú để chà răng hoặc dùng hai lần một bàn chà là không sạch sẽ, không lịch sự : loài người vẫn hay tự tạo ra những lí do để khinh lẫn nhau như vậy đấy. Người Ấn luôn miệng nhai trầu, làm cho răng đóng đen, người Âu thấy vậy cho là dơ, nhưng chính họ, họ lại thích. Họ không hút thuốc lá, không được uống rượu, nên nhờ miếng trầu và đôi khi vài điếu thuốc phiện, họ cũng được an ủi đôi phần.
Các sách Ấn viết về phép cư xử trong xã hội, cũng dạy tỉ mỉ về vệ sinh của phụ nữ khi có tháng, cả về vệ sinh khi tiểu tiện và đại tiện nữa. Một tu sĩ Bà La Môn mà đi cầu thì phải theo một nghi thức trang trọng và rắc rối làm sao. Vị “được sinh hai lần đó” – vì được chấp nhận vào hàng tu sĩ thì cũng như là được tái sinh – khi đi cầu, chỉ được dùng tay trái[37] và phải rửa bằng nước, nội một việc người Âu vào nhà, họ cũng cho rằng nhà họ bị ô uế rồi vì người Âu đi cầu, chùi bằng giấy chứ không rửa bằng nước. Nhưng những người ở ngoài các tập cấp và nhiều người trong tập cấp shudra không kĩ lưỡng như vậy và ngồi đại ngay bên đường mà “trút bầu tâm sự”. Trong khu xóm của những hạng dân đó, chẳng nhà nào có cầu tiêu và họ chỉ cần đào một cái rãnh ở giữa đường để cho thoát đi, thế là xong.
Khí hậu nóng như vậy, nên y phục hoá ra thừa, kẻ ăn xin và các ông “thánh” bỏ luôn y phục[38], thật bình đẳng, không còn chút phân biệt giai cấp. Một tập cấp ở phương Nam cũng như giáo phái Doukhobor ở Gia Nã Đại doạ nếu người ta buộc họ bận quần áo thì họ sẽ di cư đi chỗ khác. Trước thế kỉ thứ XVII, ở Nam Ấn (cũng như hiện nay ở Ba Li) có lẽ có tục đàn ông và đàn bà ra đường cũng ở trần tới dây lưng. Trẻ em thì y phục chỉ có mấy chuỗi hạt trai và mấy cái vòng. Đại đa số dân chúng đi chân không, người Ấn nào kính tín, mộ đạo thì chịu đi dép nhưng dép làm bằng vải chứ không khi nào chịu dùng dép da. Nhiều người đàn ông chỉ quấn một cái khăn ở dưới rốn, muốn che thêm thân thể thì họ khoát vào ngực một tấm vải nào đó mà một đầu vắt lên vai bên trái. Các người Rajpure bận quần, màu và hình thức khác nhau, và một chiếc áo dài có dây lưng, cổ quấn phu-la (foulard), đầu chít khăn, chân đi dép hoặc giày. Người Ấn theo tục đội khăn của người Hồi, mỗi tập cấp có một lối quấn đặc biệt, nhưng người nào quấn cũng rất kĩ lưỡng, tài tình y như có ảo thuật, có những chiếc khăn sổ ra dài tới hai mươi mét. Phụ nữ bận một chiếc áo lòng thòng – chiếc sari bằng lụa không có bông, hoặc chiếc khaddar bằng len – vắt qua hai vai, bó chặt lấy ngực rồi thòng xuống chấm gót. Đôi khi họ để lộ một chút da sạm ở dưới vú. Tóc bôi dầu cho khỏi khô cứng vì sức nóng của mặt trời, đàn ông chải tóc thành hai mái ở giữa đầu rồi kéo cả ra phía sau tai bên trái, bới lại thành một búi, đàn bà bới dựng một mái tóc lên trên đỉnh đầu rồi để cho nó rủ xuống, họ cài bông vào tóc hoặc trùm bằng một chiếc phu-la. Đàn ông thì bảnh trai, đàn bà thì kiều diễm, hết thảy đều có phong mạo rất nhã. Một người thường dân Ấn chỉ quấn một chiếc khăn choàng mà nhiều khi lại có phong thể hơn một nhà ngoại giao Âu bận lễ phục. Pierre Loti[39] bảo: “Trong các tập cấp cao quí nhất của xứ đó, người ta mới thấy những nét của nòi giống Aryen đạt tới mức tuyệt mĩ và thanh nhã nhất”. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều đánh nhiều phấn, đàn bà mà không đeo nữ trang thì tự cho là trơ trẽn. Họ đeo một cái vòng vào cánh mũi bên trái để tỏ rằng mình đã có chồng. Nhiều khi trên trán họ vẽ một hình màu nào đó để người ta biết họ theo giáo phái nào.
Chúng ta chỉ biết bề ngoài như vậy thôi, khó mà đi sâu thêm nữa để đoán được tư cách, tính tình người Ấn, vì dân tộc nào cũng có đủ các đức và các tật, và các nhà nhận xét thường chỉ nhấn mạnh vào những đức hoặc tật nào để chứng minh thuyết về luân lí của họ, hoặc làm cho câu chuyện họ kể thêm vui.
Tu viện trưởng Dubois bảo: “Chắc chắn là không có dân tộc nào mà lại hay thề và bội thề như dân tộc Ấn”. Westermarck bảo: “Nói láo là tật chung của dân tộc Ấn”. Macaulay bảo: “Người Ấn giảo quyệt, hay lừa gạt”. Theo luật Manou và phép cư xử hàng ngày thì nói dối mà có thiện ý thì không có gì đáng trách, chẳng hạn nếu nói thực mà có thể làm cho một tu sĩ chết, thì rất nên nói dối. Tuy nhiên, Huyền Trang[40] bảo: “Người Ấn không lừa gạt ai cả và giữ lời hứa… Họ không lấy cái gì mà thiệt hại cho người khác và họ giữ lời quá cái mức công bằng nữa”. Abu-i-Fazl, tuy không có nhiều thiện cảm với người Ấn, mà tả người Ấn ở thế kỉ XVI như sau: “Mộ đạo, hoà nhã, vui vẻ, thích sự công bằng, ưa cảnh tĩnh mịch, buôn bán giỏi, trọng sự thực, biết ơn và cực kì trung tín”. Ông Keir Hardie hiền hậu bảo: “Họ nổi tiếng là ngay thẳng. Vay mượn toàn là nói miệng, chẳng cần giấy tờ gì cả và gần như không bao giờ có chuyện vỡ nợ”. Một vị thẩm phán làm việc ở Ấn Độ bảo: “Tôi đã xử mấy trăm vụ làm ăn, trong đó chỉ một lời nói dối của một bên nào đó cũng có thể làm cho bên kia sạt nghiệp hoặc bị tù đày, bị mất mạng nữa, mà không khi nào tôi thấy họ nói dối”. Làm sao dung hoà được những nhận định trái ngược nhau đó? Sự thực có lẽ rất giản dị: một số người Ấn ngay thẳng, còn một số người khác thì không.
Cũng vậy, người Ấn vừa rất tàn bạo vừa rất hiền hậu. Người Anh đã cho vô tự điển của họ một từ ngữ rất ngắn, từ ngữ Thug, tên một hội kì cục – gần như một tập cấp – đã gây cả ngàn vụ ám sát kinh khủng ở thế kỉ XVIII và XIX mà mục đích chỉ là để tế nữ thần Kali. Vincent Smith viết về những người Thug đó như sau và lời của ông, ở thời đại của chúng ta có lẽ vẫn còn đúng:
Bọn họ không sợ gì cả và gần như được hưởng cái quyền hoàn toàn bất khả xâm phạm… vì luôn luôn được kẻ quyền quí che chở. Tinh thần đạo đức của dân chúng xuống thấp tới cái mức thấy bọn Thug giết người không gớm tay mà họ cứ thản nhiên, chẳng tỏ ý chê bai. Họ cho những sự tàn sát là tự nhiên và cho tới khi những bí mật của tổ chức đó bị phanh phui ra… thì không làm sao thu thập được bằng chứng về hành động của những người Thug mà ai cũng biết.
Tuy nhiên những tội ác và hành động cưỡng bức, cường bạo tương đối ít; người Ấn bản tính tốt, biết tôn trọng cái gì đáng tôn trọng; họ bị sự xâm lăng và sự chuyên chế của ngoại nhân chèn ép trong biết bao thế kỉ nên không còn tinh thần chiến đấu, mặc dầu họ can đảm phi thường trong cảnh đau khổ. Những tật lớn nhất của họ có lẽ là: thờ ơ, biếng nhác; nhưng có lẽ nguyên nhân chỉ tại khí hậu của xứ họ; cũng như tật thích thảnh thơi an nhàn (dolce farniente) của các dân tộc La Tinh và tật hăm hở làm “áp phe” của người Mĩ. Người Ấn đa cảm, tính tình bất thường, óc tưởng tương phong phú; vì vậy họ có khiếu về nghệ thuật và thơ hơn là về chính trị và hoạt động. Họ rất có thể bóc lột đồng bào họ một cách tàn nhẫn và khéo léo như bọn làm áp phe ở bất kì một xứ nào khác, nhưng họ cũng có thể nhân từ vô hạn, và họ hiếu khách không tưởng tượng nổi. Ngay kẻ thù của họ cũng phải phục sự lễ độ của họ và một người Anh tâm hồn quảng đại, ở Ấn đã lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, khen giới thượng lưu Ấn ở Calcutta là “cử chỉ ngôn ngữ thanh nhã, trí óc sáng suốt, cởi mở, tinh thần khoáng đạt, tự do, bất khuất về nguyên tắc, tóm lại là có những đức của bậc gentleman (chính nhân) trong bất kì một xứ nào”.
Xét bề ngoài thì cái thiên tài của dân tộc Ấn có vẻ bi thảm, sự thật họ có rất ít cơ hội để vui cười. Đức Phật Tổ trong các đàm thoại có nhắc tới nhiều trò chơi, mà một trò giống môn đánh cờ[41] một cách lạ lùng, nhưng xét chung thì không có trò nào vui vẻ, linh hoạt như các trò phương Tây. Thế kỉ XVI, vua Akbar đem vô Ấn Độ trò chơi Polo[42], gốc có lẽ từ Ba Tư, truyền qua Tây Tạng, vô Trung Hoa rồi sang Nhật Bản; và ông thích chơi môn pachisi (tức môn “Parchesi”[43] ngày nay) trên những ô vuông vẽ lên sàn trong cung Agra, dùng các nữ tì đẹp làm quân cờ[44].
Đời sống công cộng được thêm màu sắc nhờ các cuộc lễ tôn giáo. Lễ lớn nhất là lễ Durga Puja để tỏ lòng sùng bái đại nữ thần, Huyền Mẫu Kali. Trong mấy tuần lễ liền, người Ấn múa hát suốt ngày, rồi tới buổi lễ chính, có cuộc rước thần vĩ đại, mỗi gia đình đều bưng một tấm hình thần Kali đem ném xuống dòng sông Gange rồi trở về nhà, múa hát, hoan hỉ tưng bừng. Lễ Holi dâng nữ thần Vasanti có tính cách một cuộc vui dâm đảng, người ta khiêng ngời ngời ở ngoài đường những hình biểu tượng dương vật, rồi người ta nhún nhẩy, ngo ngẩy y như trong lúc giao cấu vậy. Ở Chota Nagpur, mùa gặt báo hiệu một sự phóng đãng luông tuồng trong toàn dân: “Đàn ông chẳng còn giữ ý gì hết; đàn bà chẳng còn mắc cỡ gì cả và thiếu nữ thì tha hồ tự do”. Bọn Parganait – một tập cấp nông dân miền đồi Rajmahal – mỗi năm có một cái tết đồng áng, một dịp cho những trai chưa vợ, gái chưa chồng tha hồ thân mật với nhau. Chắc chắn đó là di tích những nghi thức phương thuật thời cổ để cầu cho mùa màng tươi tốt, gia đình đông con. Hôn lễ là đại sự trong đời sống người Ấn, và có tính cách nghiêm trang hơn; nhiều gia đình sạt nghiệp vì tiêu pha quá mức khi gả con hoặc cưới dâu.
Cuộc lễ cuối cùng trong đời người là lễ hoả táng. Thời Phật Tổ, tục thịnh hành nhất là phơi thây người chết chỗ nào đó cho kên kên rỉa, như Zoroatre[45] khuyên, nhưng những gia đình giàu có sang trọng dùng cách hoả táng, tro tàn đặt vào trong một tope hay stupa (tháp nhỏ) để kĩ niệm. Rồi sau tục hoả thiêu đó được phổ biến và đêm nào cũng có vài đám chất củi làm giàn hoả. Thời Huyền Trang, thỉnh thoảng thấy những ông lão muốn đón trước thần Chết, bảo con cháu chở mình ra giữa dòng sông Gange rồi tự ý gieo mình xuống dòng nước giải thoát đó. Trong vài điều kiện, hoàn cảnh nào đó, sự tự tử được phương Đông hoan nghênh hơn phương Tây; luật pháp của vua Akbar cho phép các ông già và các người bị những bệnh nan y, hoặc những người muốn tự hiến sinh mạng của mình cho Thần linh, được tự tử. Hàng ngàn người Ấn vui vẻ tự tử bằng cách nhịn ăn, hoặc vùi mình trong tuyết, hoặc trát phân trâu bò cái đầy người rồi tự châm lửa đốt, hoặc tự làm mồi cho cá sấu ở cửa sông Gange. Các tu sĩ Bà La Môn có một cách hara-kiri [tự mổ bụng như người Nhật] để rửa một cái nhục hoặc tỏ ý phản kháng một sự bất công. Một ông vua Rajpute đánh một thứ thuế vào các tu sĩ Bà La Môn mà họ cho là bất công, và vài tu sĩ Bà La Môn trong số giàu có nhất, tự tử trước mặt nhà vua, cho như vậy là cách nguyền rủa ghê gớm nhất và công hiệu nhất – nhà vua phải chịu trách nhiệm về cái chết của một tu sĩ. Các sách Bà La Môn buộc người nào muốn tự tử phải nhịn ăn trong ba ngày; nếu tự tử mà lại nhát gan, ham sống nữa thì phải chịu những trừng phạt gay gắt nhất. Đời người là một hí viện chỉ có mỗi một cửa vô mà biết bao nhiêu cửa ra.
[1] Bản tiếng Anh chép là: 875 by marauding tigers. Tạm dịch: 875 người bị cọp vồ. (Goldfish).
[2] Vì hạng tiện dân không theo Ấn giáo, Phật giáo… không cữ thịt, hễ có tiền thì có thể ăn thịt được. (ND).
[3] Trừ tiểu vương quốc Vijayanagar mà dân chúng ăn thịt gà, rắn mối (thằn lằn), chuột, mèo, nhưng không ăn thịt bò.
[4] Chúng ta không biết loài “kiến” đó ra sao, nhưng có lẽ là loài thú ăn kiến thì phải hơn là loài kiến. [Con “kiến đào vàng” đó, tiếng Anh là gold-digging ant, là một loài marmot. Loài này đào hang làm nhà, giống như một loài kiến ở Hi Lạp - sử gia Hérodote là người Hi Lạp nên ông so sánh như vậy – đưa đất cát có lẩn vàng từ dưới sâu lên mặt đất. Gần đây, một số nhà thám hiểm cho rằng họ tìm thấy trong một miền khó tiếp cận nhất ở Himalaya, dọc theo phía trên bờ sông Indus, người dân bản địa thu nhặt bụi vàng từ việc đào hang của những con marmot. (Theo http://www.nytimes.com/1996/11/25/world/himalayas-offer-clue-to-legend-of-gold-digging-ants.html và vài trang khác. (Goldfish)].
[5] Bản tiếng Anh chép là: and their word quttan gave us our word cotton. Tạm dịch: và tiếng quttan của họ cho chúng ta tiếng cotton. (Goldfish).
[6]Bản tiếng Anh chép là: the markets of Dravidian India. Tạm dịch: thị trường của thổ dân Dravidien ở Nam Ấn. (Goldfish).
[7] Bản tiếng Anh chép là: $5,000,000. (Về sau, tôi sẽ không chép số tiền trong bản tiếng Anh nữa. Người đọc chỉ cần nhớ là 25 quan Pháp bằng 1 đô la Mĩ là được). (Goldfish).
[8] Lực sĩ đấu với mãnh hổ. (ND).
[9] Công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh, thành lập năm 1600. (Goldfish).
[10]Nghĩa là thời nay, ở châu Âu, không có thuế từ miền này qua miền khác trong mỗi quốc gia, nhưng còn thuế từ nước này qua nước khác. Ta nên nhớ tác giả muốn so sánh Ấn Độ với cả châu Âu, chứ không phải một nước châu Âu. (ND).
[11] Bản tiếng Anh chép là America, tức châu Mĩ. (Goldfish).
[12] Ví dụ mỗi phòng cao bốn mét thì bề mặt của sàn là 1.000 mét vuông, chẳng hạn rộng 10 mét, dài 100 mét! (ND).
[13] Một người Anh, làm quan cai trị ở Ấn (ND).
[14] Vụ vua Hồi Delhi Ghiyasu-d-Din (1501) bị con trai là Nasiru-d-Din đầu độc cho ta biết quan niệm của người Hồi về sự nối ngôi. Chính Jehangir, tên bất hiếu không từ một cách nào để truất phế cha là Akbar, đã chép lại vụ đầu độc Ghiyasu-d-Din như sau:
“Rồi tôi lại nói có lăng tẩm của vua Khalji. Tại đó cũng có lăng của Nasiru-d-Din, kẻ lưu xú thiên cổ. Ai cũng biết rằng con người khốn nạn đó đã giết cha để lên ngôi. Hai lần hắn đầu độc cha và ông già nhờ đeo ở cánh tay mặt một lá bùa trị độc mà thoát chết được. Lần thứ ba hắn đổ thuốc độc vào một ly kem nước, tự tay đưa cho cha uống… Ông lão thừa biết rằng con tìm mọi cách để giết mình, bèn cởi lá bùa ở cánh tay ra, liệng đ, rồi kính cẩn quay lại ngai thờ đấng Sáng tạo ra vạn vật, cầu nguyện như sau: “Ôi, thua Chúa, con đã thọ tám chục tuổi rồi, đã sống một đời thịnh vượng sung sướng hơn mọi ông vua khác rồi. Vì con đã tới lúc tận số, con xin Chúa tha thứ cho hành động của Nasiru-d-din, cứ coi như con chết đây là do số kiếp đã mãn, mà đừng trừng trị nó”. Cầu nguyện xong, ông lão uống một hơi hết li kem nước mà con ông chìa cho ông, rồi ông tắt nghỉ. Nhà đạo đức Jehangir chép thêm: “Khi tôi tới lăng của hắn (tức Nasiru) tôi quất mấy cái lên mộ hắn”.
[một cuộc bầu cử ở Mĩ: bản tiếng Anh chép là: modern election. Tạm dịch: một cuộc bầu cử thời hiện đại. Riêng trong chú thích này, tôi theo bản tiếng Anh, sửa vài chữ và viết thêm: “(1501)” trong đoạn: Vụ vua Hồi Delhi Ghiyasu-d-Din (1501) bị… (Goldfish)].
[15] Ông ám chỉ bọn bán nước. (ND).
[16] Linh mục Dubois mặc dầu không có thiện cảm với Ấn Độ, nhưng xét chung thì lời ghi chép, nhận xét của ông đáng cho ta tin. Khi tả phép thử tôi đó, ông viết: “Còn nhiều cách thử tội khác nữa. Chẳng hạn người ta quấy phân bò vào cái thùng dầu sôi, người bị tội buộc phải nhúng tay vào đó tới khuỷ tay. Cách thử bằng rắn: người ta nhốt một con rắn độc vào loại cực độc vào một cái giỏ, rồi liệng vào giỏ một đồng tiền hoặc một chiếc nhẫn, người bị buộc tội, mắt bịt kín, phải thò tay vào lấy đồng tiền hoặc chiếc nhẫn. Nếu không bị bỏng trong cách thứ nhất, không bị rắn cắn trong cách thứ nhì, thì người đó được coi là vô tội”.
[17] Tục của bộ lạc Draviden thì khác: di sản thuộc về con của người mẹ. [Bản tiếng Anh chép: inheritance followed the female line. Tạm dịch: thừa kế theo dòng nữ. Tức di sản thuộc về con gái. (Goldfish)].
[18]Hình như có một vài nhóm Bà La Môn được hưởng ít đặc quyền về tính dục nữa. Chẳng hạn các Bà La Môn Nambudri được quyền “phá tân”, [Jus primea noctis: lệ này có lẽ từ thờ Cộng sản nguyên thuỷ, con gái trước khi có chồng, phải hiến thân cho một người trong bộ lạc, người đầu tiên mà họ gặp] các cô dâu trẻ trong miền; các tu sĩ Pushtimargiya ở Bombay, còn giữ đặc quyền đó tới thời đại gần đây. Theo lời linh mục Dubois, các tu sĩ đền Tirupati (ở Đông Nam Ấn), bảo người đàn bà nào hiếm con, vô ngủ một đêm trong đền thì họ trị bệnh cho được liền.
[19] Các tu sĩ hồi xưa không phải hết thảy là Bà La Môn mà nhiều người Bà La Môn ngày nay không lãnh một chức vị nào trong giáo hội cả. Có nơi, một số Bà La Môn chỉ làm nghề đầu bếp.
[20]Nguồn gốc ở từ ngữ Tamil: paraiyan, trỏ một người ở tập cấp thấp hèn.
[21] Người Ấn hốt phân bò, phơi khô thành từng bánh để đốt. (ND).
[22] Tôi tạm thêm mấy chữ: Bà La Môn: sáu mươi bốn lần. Một. Bản tiếng Anh: a Brahman, sixty-fourfold. The Brahman was never to injure any living thing. (Goldfish).
[23] Tôi tạm thêm mấy chữ “là tương đương”. Bản tiếng Anh chép là: Brahmans recognized the Rajput warriors as the later equivalent of the old fighting caste. (Goldfish).
[24] Coi chế độ tập cấp hiện nay trong chương IX, tiết IV ở sau.
[25] Có lẽ chuyên hành bị in sai mà thành chuyên hoành. Bản tiếng Anh chép là: tyranny, nghĩa là chuyên chế, bạo ngược… (Goldfish).
[26] Người Ấn chính cống, theo đạo Ấn, đạo Phật…, chứ không theo đạo Hồi. (ND).
[27] Tác giả viết trong thế chiến vừa rồi. (ND).
[28] Ngày nay đã khác rồi, chính quyền Ấn Độ đã khuyến khích sự hạn chế sinh dục và nhiều người đã theo. (ND).
[29]Nên ghi thêm: thánh Gandhi không cho rằng sự phát dục là do trời sanh. Ông bảo: “Tôi mạt sát và tôi oán ghét thói cho cưới khi trai gái còn con nít. Tôi ghê tởm khi thấy một em bé đã thành quả phụ. Người ta bảo tại khí hậu Ấn Độ mà người Ấn sớm phát dục, tôi cho không có điều tin nhảm nào bậy bạ bằng điều đó. Trẻ Ấn sớn phát dục là tại không khí tinh thần và luân lí trong đời sống gia đình”.
[30] Một giống người ở Nam Ấn, miền Madras và trên đảo Tích Lan. (ND).
[31] Theo Aritobule thì Strabon (khoảng 20 sau Công nguyên) bảo ở Taxila một tục mới kì cục đương lưu hành: người nào nghèo quá, không hi vọng gì gả con được thì dắt con gái tới chợ, đánh trống thổi kèn (thứ trống và kèn dùng khi ra trận), để đám đông bu lại; người đàn ông nào muốn mua thì họ coi kĩ phía trước và phía sau của người con gái; người đàn ông bằng lòng rồi, mà người con gái cũng không từ chối, thì hai bên kết hôn liền.
[32]Theo Tod thì các vua chúa Rajpute có thói mỗi ngày trong tuần thay đổi một bà phi, có như vậy mới đúng phép.
[33] Bản tiếng Anh chép là: Europe and America, nghĩa là châu Âu và châu Mĩ. (Goldfish).
[34] Đúng hơn là sati, có nghĩa là “nghĩa phụ”.
[35] Khi nghiên cứu các tục lệ ngoại quốc thì không nên phê phán theo luân lí của mình. Tod bảo: “Kẻ quan sát nông nổi, nhận định phong tục của các dân tộc khác theo lối sống của mình, làm bộ từ thiện nhân ái lắm, than thở cho thân phận phụ nữ Ấn Độ, nhưng họ biết đâu rằng chính phụ nữ Ấn Độ không hề thấy khổ”. Ở thời đại chúng ta những tục đó đã thay đổi nhiều rồi: coi chương IX ở sau.
[36]Một danh nhân Ấn, Laijpat Rai, đã nhắc nhở châu Âu: “Người Âu mới gần đây mới có được ý niệm về vệ sinh,mới hiểu sự ích lợi cái bàn chải và sự tắm mỗi ngày mà người Ấn đã biết cả hai cái đó từ lâu rồi. Mới hai chục năm trước, nhà cửa ở Londres không có bồn tắm, và cho bàn chải chà răng là một xa xí phẩm”.
[37] Vì tay phải (tay mặt) dùng để bóc thức ăn. (Goldfish).
[38]Một số nhà tu hành khổ hạnh đi tồng ngồng ngoài đường. (ND).
[39] Trong cuốn L’Inde sous les Anglais.
[40]Tất cả những câu của Huyền Trang đều rút trong bộ On Yuan Chuang’s Travels in India của T. Watters, gồm hai cuốn.
[41] Môn đánh cờ đã có từ lâu lắm, tới nỗi một nửa dân tộc thờ Thượng cổ tranh nhau cái vinh dự đã phát minh trò chơi đó. Đa số các nhà khảo cổ nghĩ rằng chính Ấn Độ có công đầu; dù sau thì chính ở Ấn Độ chúng ta đã thấy những dấu hiệu đầu tiên chắc chắn về môn đó (khoảng 750 sau Công nguyên). Từ ngữ échec (của Pháp), chess (của Anh) do từ ngữ Ba Tư Shah, có nghĩa là vua; và từ ngữ échec et mat do tiếng Ba Tư Shad-mat, nghĩa là “vua đã chết”. (Chúng tôi bỏ một đoạn bảy hàng tác giả nói về nguồn gốc vài tiếng Ba Tư và Ấn Độ nữa. N.H.L).
Có một huyền thoại rất thú vị của Ấn Độ về sự phát minh ra môn cờ. Sử chép đầu thế kỉ thứ V sau Công nguyên, một ông vua Ấn không thèm nghe lời khuyên của các tu sĩ Bà La Môn và các Kshatriya vốn ngưỡng mộ ông, làm cho họ phật ý, ông ta quên rằng muốn cho ngai vàng được vững thì phải được thần dân quí mến. Một tu sĩ Bà La Môn tên là Sissa muốn mở mắt cho ông vua trẻ người non dạ đó, tưởng tượng ra một trò chơi trong đó quân cờ quan trọng nhất là “vua”, mặc dầu ở địa vị cao nhất đấy (như trong các trận mạc ở phương Đông), nhưng nếu trơ trọi không có tướng sĩ thì chẳng có quyền hành, sức mạnh gì cả. Do đó mà có môn cờ. Nhà vua thích môn cờ đó lắm, bảo Sissa muốn được thưởng gì ông cũng sẽ cho. Sissa chỉ khiêm tốn xin một ít gạo thôi: đặt một hạt gạo vào ô thứ nhất trên bàn cờ, hai hột vào ô thứ nhì, bốn hột vào ô thứ ba, cứ như vậy, mỗi khi qua ô sau thì số gạo tăng lên gấp đôi. Nhà vua ưng thuận liền, nhưng rồi dâm hoảng rằng không ngờ đã hứa tặng tu sĩ đó số gạo giá trị bằng cả vương quốc của mình. Sissa lại nhân cơ hội đó giảng cho nhà vua hiểu rằng nếu không để ý tới lời khuyên của các cố vấn thì có thể tai hại lắm. [Xin nói thêm là mấy chữ môn đánh cờ, bản tiếng Anh chép là chess, tiếng này nay được dịch là cờ vua; échec et mat (tiếng Pháp), bản tiếng Anh chép là checkmate, nghĩa là chiếu tướng. Ngoài ra, theo bản tiếng Anh, ở Ấn Độ, trò chơi cờ vua đó được gọi là chaturanga. (Goldfish)].
[42] Do tiếng Tây Tạng pulu, thổ ngữ Balti gọi là polo, có nghĩa là quả bóng; tiếng La Tinh là pila.
[43] Parchesi: ta gọi là cờ cá ngựa. (Goldfish).
[44] Chắc giống môn “cờ người” của mình. (ND).
[45] Người cải cách tôn giáo cũ của Ba Tư, sanh khoảng 660 trước Công nguyên. (ND).