- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG V
THIÊN ĐƯỜNG CỦA THẦN LINH
II. CÁC THẦN LINH MỚI
Ấn giáo – Brama, Vichnou, Shiva – Krishna Kali – Các thần thú vật – Thần Bò cái – Phiếm thần giáo và nhất thần giáo.
Từ nay Ấn giáo thay thế Phật giáo, sự thực nó không phải là một tôn giáo, có thể nói thêm rằng: nó không phải chỉ là một tôn giáo; nó là một mớ lộn xộn gồm đủ các tín ngưỡng, các nghi thức cúng vái mà tín đồ và các người chủ tế chỉ có bốn điểm này chung với nhau: họ đều công nhận chế độ tập cấp mà tập cấp cao nhất là tập cấp Bà La Môn; họ cùng thờ Bò cái; cùng tin luật Karma và thuyết luân hồi; sau cùng họ đã thay các thần cũ trong các kinh Veda bằng những thần mới. Một phần những tín ngưỡng đó đã có từ trước thời Veda, và đã tồn tại được; một phần khác gồm những nghi thức và thần linh, huyền thoại, dị đoan cũng do các tu sĩ Bà La Môn gom góp nhưng không có trong các Thánh kinh và hầu hết là trái ngược với tinh thần trong các kinh Veda; tất cả cái mớ hổ lốn đó được tinh thần tôn giáo Ấn Độ nhào lộn lại chính trong thời đại mà uy tín của Phật giáo suy nhược. Các thần của Ấn giáo có đặc điểm này là có quyền uy rất lớn, có khả năng tri và hành phi thường, vì dáng vóc, cơ thể mạnh quá, “tràn” ra, mọc thêm ra. Chẳng hạn thần Brahma thời đại này có tới bốn mặt, thần Kartikeya có sáu mặt, thần Shiva có ba mắt, thần Indra có ngàn mắt và hầu hết các vị thần đó đều có bốn cánh tay. Thần Brahma là chúa tể của các vị thần đó nhưng ngài ngự trị một cách lơ là, hơi khuất mặt, tránh sự thờ phục của dân chúng, cũng tựa thái độ của các ông vua lập hiến ở châu Âu hiện nay. Thần Vichnou và thần Shiva hợp với ngài thành một bộ ba – chứ không phải là tam vị nhất thể. Vichnou là một vị thần nhân ái, một ông thiện, luôn sẵn sàng giáng trần để cứu nhân độ thế. Krishna thường là hoá thân của ông, sinh trong khám, làm những việc oanh liệt phi thường không thua các nhân vật tiểu thuyết để cứu người điếc, người mù, an ủi người cùi, bênh vực kẻ nghèo và cải tử hoàn sinh những người chết. Ông có một đệ tử thân tín, Arjuna, và gặp mặt Arjuna, ông luôn luôn biến hình đổi dạng. Có người bảo ông bị tên mà chết, có người lại bảo ông bị đóng đinh lên thân cây. Chết rồi, ông xuống địa ngục rồi lên thiên đường, rồi tới ngày tận thế ông sẽ trở xuống để xử kẻ sống và người chết.
Người Ấn cho rằng đời sống cũng như vũ trụ, qua ba giai đoạn liên tiếp: sinh, trưởng rồi diệt. Vì vậy có ba thứ thần: thần Brahma, đức Sáng tạo; thần Vichnou, đức Bảo tồn; và thần Shiva, đức Huỷ diệt: đó là Tri-murti
[13], tức “ba hình thức” mà tất cả các người Ấn, trừ những tín đồ Jaïn [và Hồi giáo, dĩ nhiên] đều theo[14].
Có hai phái: phái tôn thần Vichnou và phái tôn thần Shiva. Hai phái đó hoà thuận với nhau và đôi khi cúng tế chung trong một ngôi đền; còn các Bà La Môn luôn luôn thận trọng, được đa số dân chúng theo, thờ cả hai vị thần đó ngang nhau, không thiên vị nào. Mỗi buổi sáng, tín đồ phái tôn Vichnou vẽ lên trán bằng thổ hoàng (ocre)[15] dấu hiệu của Vichnou; còn tín đồ phái tôn Shiva thì bôi lên lông mày một vạch ngang bằng than phân bò cái, hoặc đeo ở cánh tay, ở cổ cái linga, tượng trưng dương vật.
Sự thờ phụng thần Shiva đáng kể là cổ nhất trong Ấn giáo mà đồng thời cũng là một yếu tố thâm thuý nhất, ghê gớm nhất. Ông John Marshall bảo ở Mohenjo Daro có những “dấu vết không cãi được” của sự thờ phụng Shiva: có một cái tượng nhỏ của Shiva ba đầu và có ba cái cột nhỏ bằng đá mà ông cho là tượng trưng dương vật. Rồi ông kết luận: “Như vậy sự thờ phụng Shiva là tôn giáo cổ nhất thế giới”[16.
Tên của vị thần đó là một cách uyển từ[17], nói ngược với ý mình muốn diễn, vì nghĩa gốc của từ ngữ Shiva là tốt, có hảo ý, mà thần Shiva lại là một ông Ác, tàn phá mọi vật, tượng trưng cái năng lực thiên nhiên tàn khốc huỷ diệt mọi cơ thể, mọi loài vật, mọi lí tưởng, mọi công trình, mọi hành tinh, nghĩa là huỷ diệt hết thảy không chừa một cái gì. Không có một dân tộc nào khác mà dám nhận định một cách thành thực như vậy tính cách thay đổi của mọi hình thức cùng sự vô tư của thiên nhiên, và cũng nhận một cách thành thực vô cùng rằng cái ác bù cho cái thiện, rằng có sáng tạo thì có huỷ diệt, và hễ sinh ra là mắc một tội lớn, sẽ phải chịu cái hình phạt là chết. Người Ấn phải chịu cả ngàn nỗi thống khổ, tai vạ, cho rằng nguyên do là có một sức mạnh nào đó hoạt động không ngừng, chỉ thích đập phá tan tành những gì mà thần Brahma – đức Sáng tạo vũ trụ – đã sinh ra. Thần Shiva làm mưa làm gió trong một vũ trụ luôn luôn tự sinh thành, rồi huỷ diệt để lại tự sinh thành nữa.
Nữ thần Kali
(http://www.gangesindia.com/catalog/images/DSC_1290-Brs-Kali-Big.jpg)
Tử là trừng phạt Sinh, thì Sinh lại là thắng được Tử; cho nên chính vị thần tượng trưng cho sự huỷ diệt, đối với người Ấn, cũng đồng thời tượng trưng cái dòng cuồn cuộn sinh sinh bất tuyệt nó làm cho giống nòi được trường tồn mặc dầu cá nhân phải thoát xác. Trong vài miền ở Ấn, đặc biệt là miền Bengale, cái năng lực Sinh hoá, Sáng tạo đó (Shakti) của thần Shiva – tức của thiên nhiên – được tượng trưng bằng nữ thần Kali (hoặc Parvati, Uma, Durga) vợ của Shiva. Cho tới thế kỉ trước, sự thờ phụng này gồm nhiều nghi thức đổ máu, có khi còn giết người để tế nữa, nhưng ngày nay nữ thần chỉ đòi được tế bằng dê cái thôi. Dân chúng tạc hình nữ thần đó, mặt mày đen thui, miệng hoác, lưỡi lè ra; nữ thần trang sức bằng những con rắn, và thần múa trên một thây ma, bông tay là xác đàn ông, chuổi hột gồm toàn những sọ người, mặt và ngực bôi đầy máu. Thần có bốn tay, một tay cầm thanh gươm, một tay cầm một đầu người mới chặt, còn hai tay kia đưa ra như để ban phúc và che chở. Vì Kali-Parvati không phải chỉ là thần Chết, huỷ diệt, mà còn là thần Sanh đẻ nữa, vừa hiền hậu, vừa tàn ác, giết chóc đấy nhưng cũng có thể mỉm cười. Có lẽ hồi xưa, hồi còn ở Sumérie, chưa được đem vô Ấn Độ, nữ thần chưa ghê gớm như vậy, mà chỉ là một nữ thần phù hộ cho các bà mẹ. Người Ấn cho nữ thần và chồng của bà những nét rùng rợn có lẽ là để cho tín đồ phải sợ và có lẽ cũng để cho họ phải rộng rãi cúng tiền và tặng vật cho các thầy tu[18].
Ở trên tôi đã kể năm vị thần thượng đẳng của Ấn giáo; dưới năm vị đó có lẽ còn tới ba chục triệu thần lớn nhỏ nữa, mà nội việc kể tên thôi cũng đặc cả trăm cuốn sách. Có một số chỉ là những thiên sứ (angle), một số khác là quỉ, một số nữa là thiên thể, như mặt trời; một số nữa chỉ như một thứ thần hộ thân, như Lakshmi (thần May mắn), đa số là những thú dữ trong rừng và chim trên trời. Người Ấn không phân biệt hẳn người và vật; họ cho người và vật đều có linh hồn, và linh hồn người có thể nhập vào một cơ thể vật, mà linh hồn vật cũng có thể nhập vào cơ thể người: mọi loài đều phải chịu chung luật Quả báo và chết rồi linh hồn phải thác sinh. Chẳng hạn con voi thành thần Ganesha và được coi là con của thần Shiva; nó tượng trưng khía cạnh thú vật của con người và hình ảnh của nó đồng thời dùng làm bùa trừ tà được. Khỉ và rắn thời xưa đáng sợ lắm, nên cũng được phong làm thần. Con rắn cobra [một thứ rắn hổ], hoặc naga, rất độc, cắn ai thì người ấy gần như chết tức khắc, nên được đặc biệt thờ phụng, và ở nhiều miền, mỗi năm dân chúng mở hội, làm lễ, đặt ở cửa hang rắn, nào chuối nào sữa để cúng rắn. Ở miền Đông xứ Mysore người ta còn dựng đền thờ rắn nữa: vô số rắn được nuôi trong đền và có những tu sĩ chuyên lo việc hầu hạ rắn. Cá sấu, cọp, công, vẹt, cả chuột nữa cũng được cúng tế.
Nhưng người Ấn cho rằng không có con vật nào thiêng liêng bằng con bò cái. Trong các đền chùa, trong các tư gia, ngay cả tại những chỗ công cộng, đâu đâu cũng thấy hình và tượng bò mộng; lớn nhỏ đủ cỡ và đúc, nặn, khắc bằng đủ vật liệu; nhưng chính con bò cái mới được toàn thể dân chúng quí trọng, thờ phụng nhất; nó nghênh ngang đi giữa đường phố trong châu thành; phân của nó được dùng để đốt hoặc để làm một thứ thuốc cao linh nghiệm; nước tiểu của nó có tính cách linh thiêng, tẩy được mọi ô uế ở ngoài cũng như ở trong cơ thể. Người Ấn (dĩ nhiên không kể những người Hồi giáo ở Ấn) không khi nào chịu ăn thịt nó, dùng da nó làm nón, găng tay, giày dép; khi nó chết người ta làm lễ táng nó một cách long trọng theo nghi thức tôn giáo. Có lẽ xưa kia một nhà cầm quyền nào đó đã tạo ra sự cấm kị đó để cho dân Ấn, mỗi ngày mỗi tăng, có đủ bò kéo cày; ngày nay ở Ấn cứ bốn người dân thì có một con bò cái. Người Ấn cho rằng yêu bò cái, không ăn thịt nó, là điều rất hữu lí, cũng như yêu chó mèo, không ăn thịt chó mèo vậy; nhưng có điều này chua chát, mỉa mai là các tu sĩ Bà La Môn cấm giết bò cái, cấm làm đau đớn con giun, cái kiến, mà đồng thời lại khuyên người ta thiêu sống các quả phụ. Sự thực trong lịch sử, dân tộc nào cũng đã thờ loài vật, và nếu đã phải phong thần cho một loài vật nào thì theo tôi, con bò cái hiền lành đáng được thờ như bất kì con vật nào khác. Với lại chúng ta có quyền gì để chê bai người Ấn đã thờ biết bao loài vật như vậy? Chúng ta chẳng có con rắn trong vườn Thượng Uyển Eden, con bò vàng trong kinh Cựu Ước, con cá thần trong các hầm mộ và con Cừu con rất dễ thương của Chúa đấy ư?
Sở dĩ có phiếm thần giáo là vì con người chất phác không thể suy nghĩ bằng những từ ngữ trừu tượng, mà dễ hiểu những cái gì cụ thể, dễ tuân theo ý muốn của một quyền uy nào đó hơn là những mệnh lệnh của luật pháp. Người Ấn lờ mờ nhận thấy rằng ngũ quan của chúng ta chỉ thấy được cái bề ngoài; sau cái bề ngoài của mọi biến cố, có vô số sinh vật siêu tự nhiên mà chúng ta chỉ cảm thấy được thôi chứ không trông thấy, như Kant đã nói. Lại thêm các tu sĩ Bà La Môn đã khoan hoà, chấp nhận mọi thứ thần linh của mỗi miền, của mỗi bộ lạc, mời lên ngồi chung cái điện như chư thần đông nghẹt của họ, thành thử một vị thần đã có trước rồi, lại được hoá thân thành mấy vị thần khác nữa mà cũng được đồng thời thờ với nhau[19]. Tín ngưỡng nào cũng được trọng hết, miễn là tín đồ phải cúng tiền cho hàng tư tế [tức như bọn thầy cúng]. Rốt cuộc, vị thần nào cũng là một thuộc tính, một tượng trưng hoặc một hậu thân của một vị thần khác, và người Ấn nào biết suy tư sẽ thấy cả triệu vị thần của họ hỗn hợp với nhau thành một vị thần duy nhất, mà phiếm thần giáo của họ gần thành một thứ nhất thần giáo, một thứ nhất nguyên luận. Một tín đồ Ki Tô giáo ngoan đạo tuy thờ phụng Thánh Mẫu[20] và chư thánh đấy mà vẫn là theo nhất thần giáo vì chỉ có một Đấng Tối Cao là Chúa, thì người Ấn cũng vậy, cầu nguyện Kali, Rama, Krishna hoặc Ganesha mà đâu có quên rằng những thần đó chưa phải là thần tối cao[21]. Một số người Ấn cho Vichnou là vị thần tối cao, còn Shiva chỉ là một thần thứ đẳng, một số khác lại coi Shiva là thần tối cao, mà Vichnou chỉ là một thiên sứ, sở dĩ chỉ một số ít thờ Brahma là vì Brahma không có hình thể như người, không đụng chạm tới được, ở xa thăm thẳm trên chín từng, không cho loài người thấy mặt; cũng chính vì những lí do đó mà đa số giáo đường Ki Tô giáo được dựng lên để thờ Đức Thánh Mẫu[22] hoặc một vị thánh nào đó, mãi tới thế kỉ XVIII, Voltaire mới dựng riêng một tiểu giáo đường để thờ Thiên Chúa thôi, chứ không thờ thánh nào hết.