Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001
Phẩm Thứ Tám: Ngũ bách đệ tử thọ ký
Hôm nay chúng ta đi sang phẩm thứ tám, Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thọ ký, tức là phẩm nói về việc thọ ký cho 500 vị đệ tử.
Phẩm này cũng có một thí dụ thật hay, gọi là Bảo châu trong áo, tức là viên ngọc được kết trong áo. Trong phẩm này thầy Phú Lâu Na được thọ ký trước tiên. Phú-Lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử, Pũrna MaitrẠyaẾỉputia, mình dịch là Mãn-Từ-Tử. Thầy nổi tiếng là một người thuyết pháp hay.
Lúc đó thầy Phú Lâu Na có mặt trong đại chúng. Bụt nhìn thầy và mở lời thọ ký cho thầy. Theo Bụt dạy, thầy Phú Lâu Na sẽ thành Bụt, hiệu là Pháp Minh, và ở trong cõi tịnh độ của Bụt Pháp Minh, thức ăn được dọn ra mỗi ngày có hai món, thứ nhất là Pháp hỷ thực, và thứ hai là Thiền duyệt thực. Trang 260, đoạn thứ ba: Nhân dân nước đó thường dùng hai loại thức ăn, một là Pháp-hỷ thực, hai là Thiền duyệt thực. Pháp hỷ tức là niềm vui được nghe pháp, được học Phật Pháp. Được nghe pháp thoại, được dự pháp đàm, được viết những bài tiểu luận về pháp, đó là một niềm vui và đó cũng là thức ăn của mình. Vì vậy khi tôi nói quý vị nạp bài cho tôi, thì quý vị phải biết rằng thầy mình đang cho mình ăn một món rất ngon, mình sẽ được Pháp hỷ thực, mà đừng nghĩ rằng mình phải lao động cực khổ. Pháp hỷ thực thuộc về phương diện học hỏi, còn thiền duyệt thực thuộc về phương diện hành trì. Cố nhiên khi nghe pháp, mình cũng có thực tập thiền duyệt, tại vì nếu nghe ở trong sự vắng lặng, nghe với định tâm, thì trong khi ăn món ăn Pháp hỷ, mình cũng có ăn món gọi là thiền duyệt. Thiền duyệt tức là lấy cái vui của sự thiền tập để làm thức ăn. Hỷ cũng là vui mà duyệt cũng có nghĩa là vui. Trong bài kệ cúng dường buổi trưa có cả hai danh từ này:
Nhược phạn thực
thời,
Đương nguyện chúng
sanh,
Thiền duyệt vi
thực,
Pháp hỷ sung
mãn.
Bài kệ có nghĩa là khi dùng cơm ta nguyện cho tất cả chúng sanh lấy cái niềm vui của thiền tập làm thức ăn, và cái niềm vui học pháp được tràn đầy. Ngày nào, chú tiểu nào cũng tụng bài kệ ấy trong giờ cơm trưa.
Hai danh từ Pháp hỷ và Thiền duyệt trong bài kệ này được lấy từ Kinh Pháp Hoa.
Sau khi Bụt đã thọ ký cho thầy Phú Lâu Na thì có 1200 vị A La Hán trong đại chúng nghĩ rằng: giờ đây thầy Phú Lâu Na đã được thọ ký; nếu đức Thế Tôn thọ ký luôn cho các vị đệ tử khác như chúng ta thì chúng ta rất lấy làm sung sướng. Lúc bấy giờ Bụt gọi thầy Kiều Trần Như Câu-Đa-Na và thọ ký cho thầy. Thầy Kiều Trần Như (KauẾẮinya) là đại diện cho những vị đệ tử lớn, tại vì thầy là một trong năm người đã từng tu khổ hạnh với Thái tử Tất Đạt Đa, và khi thấy Thái tử ăn cơm và uống sữa trở lại thì năm người này mất niềm tin, và bỏ đi chỗ khác. Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa thành đạo thì Ngài đi tìm năm người bạn tu cũ để độ cho họ, và Kiều Trần Như Câu-Đa-Na là người anh cả trong năm người đó. Họ là năm người đệ tử được nghe Bụt thuyết pháp lần đầu tiên về đề tài Tứ Diệu Đế (ỌryasatyẠni), tại vườn Lộc Uyển, và họ là những thành phần đầu tiên trong giáo đoàn của Bụt. Sau khi thọ ký cho thầy Kiều Trần Như, Bụt mới gọi 500 vị A La Hán, trong đó có thầy UruvelvẠ KẠsyapa và những vị La Hán khác mà ta đã thấy tên trong nhiều kinh khác như Kinh A Di Đà, và thọ ký cho họ. Sau khi thầy Kiều Trần Như và 500 vị A La Hán được thọ ký rồi, họ sung sướng lắm, vui mừng hớn hở đứng dậy và lạy tạ Bụt, rồi họ trình lên Bụt một thí dụ, gọi là thí dụ bảo châu trong áo.
Trong thí dụ này, có một người đến chơi nhà bạn, uống rượu say rồi lăn ra ngủ li bì. Lúc đó người chủ nhà, vì có việc quan khẩn cấp, phải đi xa một thời gian. Vì thương bạn, người chủ nhà lấy nhiều viên ngọc rất quí giá cột vào chéo áo của bạn, rồi may kỹ lại trước khi lên đường. Sau khi tỉnh rượu, người đó thấy bạn mình đã đi rồi, nên bỏ ra về. Vì sinh kế, anh ta di chuyển sang một nước khác, nhưng công việc làm ăn gặp khó khăn, nên anh ta sống một cuộc đời rất cực khổ, nghèo hèn. Mười lăm năm sau, anh ta vẫn mang cái áo rách cũ và tình cờ gặp lại người bạn thân năm trước. Người bạn hỏi: "Tại sao anh lại nghèo khổ đến thế này? Mười mấy năm trước, lúc chia tay tôi có may vào trong chéo áo của anh bao nhiêu viên ngọc quí, tại sao anh lại ra nông nỗi này?" Nói xong anh vạch áo của bạn ra và nói: "Những bảo châu vô giá chúng vẫn còn đây, tại sao anh không biết lấy ra để làm ăn mà lại sống một đời sống bần cùng như thế?"
Thí dụ đó có ý nói rằng Bụt là một người bạn thân của tất cả chúng ta. Ngài đã may vào trong chéo áo chúng ta rất nhiều viên bảo châu mà chúng ta không biết, chúng ta cứ tiếp tục sống một cuộc đời cùng khổ. Nay là lúc chúng ta phải phát hiện những viên bảo châu mà Bụt đã để vào trong chéo áo của ta, để ta có thể bắt đầu sống đời sống của những người giàu có, hạnh phúc.
Khi thuyết pháp, tôi thường nối liền hai thí dụ Cùng tử và Bảo châu trong áo lại với nhau. Tôi nói: Thí dụ như một người cha có một đứa con và người cha không thể nào giúp con được vì người con không có trách nhiệm. Cuối cùng người cha tìm được một phương pháp là may vào áo của con một viên ngọc quí. Sau này, trải qua bao nhiêu gian khổ, người con tự khám phá ra được viên ngọc quí ở trong chéo áo của mình, đem ra dùng và trở nên một người giàu có. Như vậy người con đã tiếp nhận được gia tài của cha, và đồng thời thấu hiểu được tình thương của bậc từ phụ.