Ngọc Lan/Người Việt
Tòa Kim Cương tại chùa Bát Nhã đang được ráo riết hoàn tất vào chiều Thứ Hai để chuẩn bị rước Phật Ngọc về ngự tọa. Tỳ kheo Thích Nguyên Trí, trụ trì chùa Bát Nhã (trái) đang giới thiệu về công trình kỳ công chưa nơi nào có với Hòa Thượng Thích Minh Hội, viện chủ Như Lai Thiền Tự ở San Diego. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
|
SANTA ANA (NV) - Hôm nay, vào lúc 10 giờ sáng, tượng Phật Ngọc Hòa Bình (Jade Buddha for Universal peace) sẽ được cung nghinh từ Tổ Ðình Minh Ðăng Quang, ở Santa Ana, về ngự tại chùa Bát Nhã trên đường Sullivant thuộc thành phố Santa Ana.
Tượng Phật Ngọc Hòa Bình, cao 2.54m ngang 1.77m, nặng khoảng 4 tấn, được đưa từ chùa Di Lặc ở San Jose về đến Tổ Ðình Minh Ðăng Quang ở Santa Ana lúc 10 giờ tối Thứ Hai, 18 tháng 10.
Sáng nay, bắt đầu từ 10 giờ, lễ cung nghinh rước Phật Ngọc về chùa Bát Nhã ở số 803 S. Sullivant Street, Santa Ana, CA 92704 sẽ được diễn hành qua một số con đường chính quanh Little Saigon.
Trụ trì chùa Bát Nhã, tỳ kheo Thích Nguyên Trí, cho biết lộ trình cung nghinh Phật Ngọc như sau, “Phật Ngọc sẽ được rước từ Tổ Ðình Minh Ðăng Quang ở đường Harvard xuống đường Fairview, qua đường First, xuống Bolsa. Ðến Magnolia quẹo phải đến Westminster. Từ Westminster chạy về hướng đường Fairview. Gặp First quẹo trái đến đường Sullivant quẹo phải vô chùa Bát Nhã.”
Theo dự trù, đoàn cung nghinh Phật Ngọc về chùa Bát Nhã gồm có: 10 xe cảnh sát dẫn đầu; 1 đoàn xe mô tô; 3 đại kỳ của Phật Giáo, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ; xe ban tổ chức, xe hoa của chùa Bát Nhã, một số xe hoa của các cơ sở thương mại trong vùng, xe container chở tượng Phật Ngọc, và các xe của tăng ni, Phật tử theo sau.
Dự trù khoảng 11 giờ 30 đoàn cung nghinh Phật Ngọc về đến chùa Bát Nhã và ngự tọa tại Kim Cương Tòa đến ngày 31 tháng 10, 2010.
Ngày khai mạc chính thức để mọi người đến chiêm ngưỡng Phật Ngọc là ngày 23 tháng 10, 2010.
Dù đang tất bật với công việc chuẩn bị rước Phật Ngọc, trụ trì chùa Bát Nhã, tì kheo Thích Nguyên Trí vẫn không giấu được niềm vui và sự xúc động trước sự kiện này. Tì kheo Thích Nguyên Trí chia sẻ, “Tôi cảm thấy rất vui. Nguyện ước của tôi từ bao năm nay giờ đã mãn nguyện. Tôi mong rằng tất cả mọi người một lòng hướng về Ðức Phật cầu nguyện cho thế giới được yên lành, nhất là cho thế giới sớm có nhân quyền, tự do.”
Chùa Bát Nhã, nơi Phật Ngọc được rước về ngự tọa để mọi người đến chiêm bái từ ngày 19 đến 31 tháng 10, 2010. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Công phu, may mắn
Theo lời trụ trì chùa Bát Nhã, kể từ lúc được chủ nhân của tượng Phật Ngọc chấp thuận để Ngài được về ngự tại chùa trong thời gian từ 19 đến 31 tháng 10, chùa Bát Nhã đã “gặp rất nhiều sự may mắn trùng hợp trong quá trình chuẩn bị để cung nghinh Ngài,” từ việc mua được thêm đất để xây tòa Kim Cương, đến việc “con đường Sullivant phía trước chùa từ 20 năm nay chưa hề được tu bổ, sửa chữa, vậy mà hơn một tháng nay chính quyền thành phố sửa sang con đường lại thật sạch đẹp.”
“Tòa Kim Cương, nơi Phật Ngọc sẽ ngự là công trình được thiết kế rất công phu, cả một kỳ công chưa nơi nào có,” tỳ kheo Thích Nguyên Trí nói.
Trụ trì chùa Bát Nhã nói thêm, “Tất cả kinh phí đều do Phật tử cúng dường, cũng như mọi việc chuẩn bị đều do mọi người tham gia làm thiện nguyện.”
Khối ngọc thạch lớn đẹp chưa từng thấy
Tượng Phật Ngọc được rước đến Mỹ đầu tiên ở Tu Viện Pháp Vương ở San Diego, California. Sau đó, Phật Ngọc được cung nghinh về một số ngôi chùa ở Florida, Texas, Tennessee, North Carolina, Massachusetts, Virginia, Washington, Oregon.
Sau chùa Bát Nhã, Phật Ngọc sẽ được rước về chùa Mắt Thương Nhìn Ðời ở thành phố Huntington Beach, California. Sau đó sẽ được đưa đến Hawaii.
Phật Ngọc được tạc từ khối ngọc thạch nephrite nặng 18 tấn. Khối ngọc thạch này lớn và đẹp “chưa từng thấy từ trước cho đến nay” rất ít tì vết và có màu xanh lá cây tươi. Các nhà nghiên cứu ngọc học cho biết, đây là loại ngọc bán quý có tên là ngọc thạch Canada (Canadian nephrite), là 1 trong 2 họ ngọc thuộc nhóm Jade, có chất lượng rất tốt có thể làm đồ trang sức...
Chủ nhân của Phật Ngọc là ông Ian Green, một Phật tử ở Bendigo, tiểu bang Victoria, Úc. Sau khi trúng thầu với giá mua hơn 1.5 triệu USD, ông Ian Green đã đưa khối ngọc “Polar pride” này từ cảng Vancouver (Canada) về đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) để tìm nơi chế tác.
Trong năm 2007, dựa theo khuôn mẫu của tượng Phật Thích-ca Mâu-ni được tôn thờ bên trong Bảo Tháp Ðại Giác Ngộ (Mahabodhi Stupa) ở Bồ Ðề Ðạo Tràng (Ấn Ðộ), Lạt Ma Rinpoche và các nhà nghiên cứu mỹ thuật đứng đầu là Jonathon Partridge ở Úc, đã dầy công phác thảo, điều chỉnh nhiều lần mô hình pho tượng sẽ điêu khắc, nhằm thể hiện được hình mẫu Ðức Phật đẹp và uy nghiêm nhất trên nền ngọc vô giá...
Ðến đầu năm 2008, những nghệ nhân điêu khắc tinh tế Thái Lan thuộc công ty Jade Thongtawee (Chieng Mai) đã được chọn để điêu khắc tác phẩm bằng ngọc quý giá này. Họ bắt đầu thực hiện theo mô hình Ðức Phật đã được tuyển chọn và sau nhiều tháng kiên nhẫn chế tác chạm trổ, pho tượng ngọc đã hoàn tất xuất sắc vào cuối tháng 12 năm 2008. Nhóm kỹ thuật người Úc và ông Ian Green đã quyết định xẻ lấy phần ngọc đẹp nhất trong toàn khối, nặng khoảng 4 tấn, để điêu khắc thành kim thân Ðức Phật.
Pho tượng Phật Ngọc hoàn thiện cao 2.54m ngang 1.77m, nơi dầy nhất khoảng 1m (gồm 5 phần ghép lại là: kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát). Tại Thái Lan, sau khi các nghi lễ chú nguyện được tổ chức, pho tượng ngọc chính thức được đặt tên là Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới (Gem Buddha for Universal Peace).
Cuối năm 2008, Trung Tâm Phật Giáo Atisha (Úc) với sự hợp tác của các đạo tràng ở nhiều nước đã khởi xướng sẽ cung nghinh Phật Ngọc chu du triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới, với niềm tin tưởng Phật Ngọc sẽ đem đến sự an bình cho thế giới.