- Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não
- Chương 02: Một môn khoa học đơn giản
- Chương 03: Sự khác biệt giữa hai bán cầu não
- Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến
- Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu
- Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động
- Chương 07: Chỉ còn não phải hoạt động
- Chương 08: Phòng trị liệu thần kinh
- Chương 09: Ngày thứ hai sáng hôm sau
- Chương 10: Ngày thứ ba, mẹ từ xa đến giúp
- Chương 11: Chuẩn bị cuộc giải phẫu
- Chương 12: Giải phẫu sọ
- Chương 13: Người bệnh cần biết
- Chương 14: Con đường dài phục hồi
- Chương 15: Phát hiện mới qua cơn xuất huyết não
- Chương 16: Sức mạnh tinh thần của mỗi người
- Chương 17: Sự an lạc trong tâm hồn
- Chương 18: Chăm sóc ngôi vườn tâm
TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm
CHƯƠNG 9
NGÀY THỨ HAI SÁNG HÔM SAU
Tôi giật mình thức giấc thật sớm sáng hôm sau chỉ vì một sinh viên y khoa chạy vội vào phòng để lấy lịch sử bệnh lý. Tôi nghĩ thật là vô lý, vì cô sinh viên này không hề biết tôi là một bệnh nhân sống sót sau trận xuất huyết não; tức là tôi không còn khả năng nghe, hiểu và nói được điều gì. Tôi nghĩ nhiệm vụ hàng đầu của bệnh viện là phải làm cho bệnh nhân cảm thấy an tâm để phục hồi năng lực. Cô bé sinh viên này không khác nào con dơi Dracula bay đi hút sinh lực của người bệnh. Cô ta muốn mọi thứ từ tôi, mặc dù tình trạng tôi rất mong manh; nhưng không chia sẻ với tôi được điều gì cô ta đang chạy đua với đòng hồ, vì sợ trễ thì bị giáo sư khiển trách, nhưng rõ ràng cô ta đã thất bại. Trong hối hả, cô rất thô lỗ trong cung cách đối xử với bệnh nhân. Cô ta nói nhanh với tốc đô một trăm dặm một phút và hét to với tôi như tôi là người lảng tai! Rốt cuộc cô không lấy được tin tức nào từ tôi, vì tôi phải nhắm mắt lại để bảo vệ số năng lượng còn ít ỏi trong người.
Bài học lớn nhất tôi học được vào ngày hôm đó là tôi phải là người điều khiển công cuộc phục hồi của tôi; không nên để tùy thuộc vào bác sĩ, y tá hay chuyên viên nào hết. Chữa trị tai biến mạch máu não ở bệnh viện chỉ là: 1- Nếu xuất huyết, thì cho thuốc cầm máu và thuốc chống sưng; 2- Nếu nghẽn mạch máu, thì cho uống thuốc loãng máu và thông động mạch. Thế là bác sĩ đã xong nhiệm vụ. Còn lại việc lớn lao và lâu dài là phục hồi các chức năng của cơ thể: như tai nghe, mắt thấy, miệng nói, tay chân cử động... là việc của chính bệnh nhân và người trong gia đình. Việc quan trọng nhất của người bệnh là... ngủ! Ngoài việc vận động tay chân và bắp thịt, bệnh nhân phải ngủ cho đủ giờ, ngủ bất cứ khi nào cảm thấy mệt; ngủ càng nhiều càng tốt, vì giấc ngủ giúp cho não bộ có thời giờ phục hồi các chức năng.
Đối với mọi người, sự phục hồi lại chức năng để trở lại bình thường là vấn đề ý muốn và ý chí. Phần tôi, đây là một sự lựa chọn khó khăn, phức tạp của một người trí thức. Một đằng thì, sau khi bệnh ở bán cầu não trái, tôi được sống trong tâm trạng vô cùng an vui và hạnh phúc, không còn lo lắng, buồn phiền hay bị áp lực của công việc. Ở đó, mọi sự mọi vật đều tốt đẹp. Tinh thần tôi lúc nào cũng tự do và bay bổng trong an lành. Trong niềm an lạc vô bờ đó, tôi tự hỏi biết bao nhiêu lần rằng mình hồi phục để làm chi? Mặc dù, nếu có được bộ óc trái vận hành trở lại, thì nó sẽ trả lại tôi những tài năng vốn có từ bao năm để thi thố với đời. Nhưng trong tình trạng bất lực của tôi, tôi quan sát hiện tại ở bệnh viện và nhận thấy mọi người, từ bác sĩ đến y tá, lao công, đều là những người đầy mệt mỏi và khổ sở vì áp lực công việc. Thì thử hỏi tôi có nên trở lại đời sống bình thường như họ để mà tiếp tục chịu khổ sở hay không? Có một người nổi danh nào đó đã viết rằng: “Có nên tham gia cuộc chạy đua của bầy chuột, bằng cách trở thành con chuột?”. Thành thật mà nói, những cảm nhận về một đời sống an lạc như tôi vừa trải nghiệm trong mấy hôm nay làm tôi quá đỗi yêu thích, hơn là trở lại cuộc sống đầy áp lực của mấy mươi năm qua. Tôi nhất quyết không từ bỏ cuộc sống mới này chỉ vì nhân danh hồi phục. Tôi rất thích được biết rằng mình chỉ là chất loãng, biết tâm mình là một với vũ trụ và sống hòa điệu với mọi vật chung quanh. Tôi thấy mình bị mê hoặc với cách sống không cần những ngôn ngữ giả dối và sai lệch, mà chỉ cần nhìn vào điệu bộ là đã hiểu nhau với tất cả chân tình. Mà trên hết là tôi say mê cái cảm giác an lành từ trong sâu thẳm của tâm hồn lúc nào cũng tràn ngập cả người tôi.
Đến chiều cùng ngày, người bạn vào cho hay ngày mai mẹ tôi sẽ đến bằng máy bay và ở lại lo cho tôi. Mới đầu, tôi không hiểu ý niệm “mẹ” là gì. Tôi đã mất hẳn ý niệm này và phải lục lọi, tìm kiếm trong đầu cả buổi cho tới trước khi đi ngủ. “Mẹ, mẹ... Mẹ là gì?” Tôi cứ lặp đi lặp lại mãi như người lục kiếm tài kiệu trong mấy ngăn kéo đựng hồ sơ. Sau cùng tôi hiểu ra, biết Mẹ là ai, và mừng rở biết ngày mai bà sẽ đến. Tôi mang cả niềm vui vào giấc ngủ an lành.