Mới đây tôi có đọc Đạo Phật Ngày Nay tập 10, tháng 10-2011 trong đó có bài của ĐĐ. Thích Thông Đạo với chủ đề Tín Tâm Kiên Định, nằm ở đầu cột hai, trang 43, có đoạn “… để soi sáng cho chúng sinh trên bước đường hướng đến Chân – Thiện – Mỹ,...” Tôi nhận thấy không đúng với giáo lý của đức Phật. Do vậy, tôi viết bài này để góp ý bổ sung và truyền bá chánh pháp ở trong và ngoài nước, mong rằng các hàng Phật tử nên hiểu chính xác và vận dụng hài hòa những lời Phật dạy vào nếp sống đương đại của chúng ta. Bài góp ý của tôi được chia thành hai phần chính:
I.Mục đích của Phật giáo;
II. Chân Thiện Mỹ là ba ý niệm chủ yếu của triết học Platon.
1. Mục đích của Phật giáo là nhằm hướng dẫn mọi người đạt tới đỉnh cao giác ngộ, giải thoát, bình đẳng. Nghĩa là, thực hiện một nhân sinh quan có đủ ba mặt: Hạnh phúc, tự do, đại đồng.
Về mặt Giác ngộ (Bodhi) thì có nghĩa là hành giả hiểu rõ và ngộ đạt ba minh, ba pháp ấn và diệt trừ được ba mê hoặc. Nói rộng thì hành giả đã biết rõ: Thứ nhất, thấy rõ được đời của mình và của người khác trong tương lai. Thứ hai, thấy rõ được kiếp trước của mình và của người khác trong quá khứ. Thứ ba, không còn phiền não và khổ đau của mình trong hiện tại. Thứ tư, hiểu rõ thời gian là vô thường, luôn chuyển động, không có vĩnh hằng và đoạn diệt. Thứ năm, hiểu rõ con người và sự vật trong không gian là vô ngã, không có thực thể của tự ngã, của người và vật, mà là tương quan duyên sinh. Thứ sáu, hiểu rõ nhân sinh là bất toàn và khổ đau. Thứ bảy, vượt thoát vô minh hoặc, không còn bản năng tham dục mù quáng. Thứ tám, chuyển hóa kiến tư hoặc, không còn thấy biết và tư tưởng sai lầm. Thứ chín, thắng vượt trần sa hoặc, không còn trở ngại vì những pháp môn nhằm hóa giải phiền não và mê lầm của chúng sinh nhiều như cát bụi.
Về mặt giải thoát (Nirvana) thì có nghĩa là không còn tham dục và phiền não như rừng rậm. Biết rằng giải thoát hay Niết bàn có thể thực hiện được ngay trong đời sống hiện tại và sau khi người ta đã chết. Hơn nữa, trong giải thoát hay Niết bàn lại có bốn đặc tính (Niết Bàn tứ đức). Đó là, hòa bình thực sự, hạnh phúc thực sự, con người chân chính, môi sinh trong sạch. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, đó là chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh.
Về mặt bình đẳng (Samata) thì có nghĩa là không còn phân biệt giai cấp trong một nếp sống chung vui, hòa hợp. Bởi lẽ theo lời Phật dạy thì tất cả chúng sinh đều có tiềm năng thành Phật như nhau, miễn là người ta biết thực hành thân tâm đúng như chánh pháp.
Vậy muốn đạt được mục đích của Phật giáo nói trên, Phật tử chúng ta cần phải lựa chọn và thực hành pháp môn nào thích hợp nhất với căn cơ và trình độ của chúng ta, mặc dù Việt Nam có nhiều pháp môn tu tập khác nhau về Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Song pháp môn sau đây có thể áp dụng chung cho tất cả chúng ta, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Đó là Tam vô lậu học và từ bi cứu khổ.
- Tam vô lậu học là pháp môn tu học không còn mê muội khổ đau, không còn mê tín dị đoan, tập trung trên ba môn chính. Đó là, giới học, định học và tuệ học. Nghĩa là, đức dục, tâm thể dục và trí dục, nhằm hóa giải tham dục, sân hận và si mê về mặt tinh thần.
- Từ bi cứu khổ nhằm thực hiện tài thí, vô úy thí và pháp thí. Nghĩa là thực hành cụ thể việc làm từ thiện xã hội, y tế và giáo dục về mặt vật chất, nhằm cải thiện nghèo đói, bệnh tật và thất học cho những người nghèo khổ.
2. Vấn đề “chân, thiện, mỹ” là ba ý niệm chủ yếu của triết học Platon chứ không phải mục đích hướng đến của Phật giáo.
Theo tư liệu của viện bảo tàng Luovre tại Paris Pháp, Platon sinh trưởng tại Athènes (427-347) thủ đô Hy Lạp, Âu Châu trước Thiên Chúa gần 400 năm.
Là nhà triết học nổi tiếng xưa và nay, Platon là học trò của Socrate và thầy dạy Aristote. Ông có công viết một tác phẩm triết học lớn gồm ba mươi tập đối thoại (Une tretaine de dialogues) mà có ba ý niệm chủ yếu là chân, thiện, mỹ (Le Vrai, Le Bien, Le Beau). Cụ thể mà nói, tư tưởng triết học của Platon không chỉ ảnh hưởng khắp phương Tây, mà còn cả đến Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.
Nếu so sánh, chúng tôi có thể nói: Quan điểm Chân, Thiện, Mỹ của Platon chỉ có thể tiếp cận với Bi, Trí, Dũng của Phật giáo mà thôi. Tuy nhiên, về mặt thời gian và tiếp biến văn hóa thì Phật giáo đã đi trước và ảnh hưởng sâu đậm trên thế giới nhiều hơn so với Socrate, Platon và Aristote. Thực ra, ý niệm Chân, Thiện, Mỹ của Platon hiện nay đã trở thành kinh viện triết học nằm trong các thư viện và bảo tàng của các nước trên thế giới. Nói cách khác, đương đại và mai sau, Phật giáo đã, đương và sẽ là con đường sống, tu dưỡng thân tâm và cải thiện nhân sinh, thế giới.
Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM 2011
Tỳ khưu Bồ tát giới Thích Đức Nghiệp
Kính bút.
(Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 12)