- Phẩm Thứ Nhất Khuyến Phát
- Phẩm Thứ Hai Phát Tâm
- Phẩm Thứ Ba Nguyện Thệ
- Phẩm Thứ Tư Đàn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Năm Thi Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu Sằn Đề Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy Tỳ Lê Gia Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám Thiền Na Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ Mười Một Không Vô Tướng
- Phẩm Thứ Mười Hai Công Đức Trì
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
PHẨM
THỨ MƯỜI MỘT
KHÔNG VÔ TƯỚNG
Thuở xưa có một thời Phật tại vườn trúc Ca Lan Đà cùng chư đại chúng vô lượng tập hội. Lúc ấy Thế Tôn tuyên bày chính pháp, nói cùng đại chúng “các pháp Như Lai tuyên thuyết (vốn là) không có tính, KHÔNG, không có gì hết (vô sở hữu). Rất khó tin khó hiểu đối với tất cả thế gian. Tại sao vậy? Sắc không trói buộc không cởi mở, thọ tưởng hành thức không trói buộc không cởi mở. Sắc không có tướng, lìa (hết) các tướng, thọ tưởng hành thức không có niệm, lìa (hết) các niệm. Nhãn và sắc, nhĩ và thanh, tị và hương, thiệt và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng y như vậy, không thủ không xả, không cấu không tịnh, không đi không lại, không hướng đến không lìa bỏ, không tối không sáng, không si không huệ, chẳng phải bờ này chẳng phải bờ kia, chẳng phải giữa dòng. Như thế gọi là không có trói buộc. Không có trói buộc nên là KHÔNG. KHÔNG (được) gọi là vô tướng, vô tướng này cũng là KHÔNG, như thế gọi là KHÔNG. KHÔNG (được) gọi là vô niệm, vô niệm (này) cũng là KHÔNG, như thế gọi là KHÔNG. KHÔNG niệm (này) cũng là KHÔNG, như thế gọi là KHÔNG. Trong KHÔNG không có thiện không có ác, cho đến cũng không có tướng KHÔNG, cho nên gọi là KHÔNG”.
Bồ Tát nếu biết được tính của ấm giới nhập (là) như thế, thì sẽ không giữ bám (thủ trước), như thế gọi là pháp nhẫn. Bồ Tát do nhẫn như thế nên đắc thọ ký nhẫn.
Chư Phật tử, ví như Bồ Tát ngước viết lên hư không, viết đủ 12 bộ kinh của Như Lai, trải qua vô lượng kiếp Phật pháp diệt rồi, những người cầu pháp không thấy không nghe được gì, (lúc ấy) chúng sinh điên đảo tạo vô biên ác. Lại có các người với trí huệ thanh tịnh ở các phương khác, thương xót các chúng sinh (muốn) cầu rộng về Phật pháp, nên đi đến phương này, thấy chữ trong hư không, nét viết rõ ràng nên (thấy là) hiểu được ngay. (Rồi) đọc tụng thọ trì, đúng như kinh nói mà thật hành, diễn nói phân biệt rộng rãi để lợi ích cho chúng sinh. (Vậy) người viết chữ trong hư không và ngườii biết (đọc) chữ trong hư không này có dễ suy lường được chăng? (Như thế) song (còn) có thể tuyên truyền tu tập thọ trì, để dẫn đạo chúng sinh khiến họ lìa khỏi trói buộc.
Chư Phật tử !Như Lai nói rằng: Vào thời quá khứ (khi Ngài) cầu đạo Bồ Đề (Ngài) được gặp gỡ 33 ức chín vạn tám ngàn vị Phật. Vào các lúc ấy, (Ngài) đều là Chuyển Luân Thánh Vương. (Ngài) đem tất cả các đồ dùng tốt đẹp cúng dường lên chư Phật và chúng đệ tử. Do bởi vì (lúc ấy Ngài thấy) có đắc được (hữu sở đắc) cho nên không được thọ ký. Sau đó lại được gặp tám vạn bốn ngàn ức chín vạn Bích Chi Phật, (Ngài) cũng suốt đời đem bốn sự cúng dường cho. Qua khỏi giai đoạn ấy, lại gặp sáu trăm hai mươi vạn một ngàn hai trăm sáu mươi mốt Phật. Các lúc ấy cũng đều là Chuyển Luân Thánh Vương, đem tất cả các đồ dùng tốt đẹp cúng dường suốt đời. (Lại còn) sau khi chư Phật diệt độ, dựng tháp bảy báu cúng dường xá lợi. Sau đó có Phật xuất thế là tiếp đón cầu thỉnh các Ngài chuyển chính pháp luân. Cúng dường như thế trăm ngàn vạn ức vị Phật, các đấng Như Lai này đều ở trong Pháp KHÔNG mà nói lên các pháp tướng. Do (lúc ấy Ngài thấy) có đắc được (hữu sở đắc) nên đều không được (chư Phật) thọ ký. Lần lượt như thế cho đến khi gặp được Phật Nhiên Đăng ra đời (Ngài) gặp Phật nghe pháp tức thời đắc được tất cả vô sinh pháp nhẫn. Đắc được nhẫn này rồi mới được thọ ký, Nhiên Đăng Như Lai ở trong pháp KHÔNG nói lên các pháp tướng, độ thoát vô lượng trăm ngàn chúng sinh, song không (hề) có nói gì, cũng chẳng độ ai hết.
Mâu Ni Thế Tôn xuất hiện với đời ở trong pháp KHÔNG nói ra có văn tự, dạy bày (cho được) ích lợi (mà) vui mừng, (khiến) khắp (chúng sinh) được thọ trì và thật hành, song không có dạy bày gì hết (mà) cũng không có ai thọ trì thật hành. Phải hiểu các pháp tính tướng đều trọn là KHÔNG. Người viết (chữ trong không) cũng là KHÔNG, người biết (đọc chữ trong không) cũng là KHÔNG, người nói (pháp) cũng là KHÔNG, người hiểu (pháp) cũng là KHÔNG. Từ vốn xưa nay KHÔNG (nên) vị lai cũng là KHÔNG, hiện tại cũng là KHÔNG. Song do chư Bồ Tát tích tập vạn thiện (như) lực phương tiện, tinh cần không lười mỏi, công đức thành mãn (nên) đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Điều này quả là vô cùng khó khăn không thể suy lường. Trong chỗ vô pháp (mà) nói lên các pháp tướng, trong chỗ vô đắc nói pháp có đắc. Các sự việc ấy (cũng như) cảnh giới cũa chư Phật, phải dùng đến vô lượng trí mới có thể hiểu rõ được, chứ không phải do suy lường mà có thể biết được.
Bồ Tát mới phát ý thành tâm kính ngưỡng yêu thích Bồ Đề, do tin lời nói của Phật nên từ từ được nhập vào (Bồ Đề). Thế nào là tin? Tin quán tứ đế trừ các phiền não vọng kiến kết trói đắc A La Hán (quả). Tin quán mười hai nhân duyên diệt trừ vô minh sinh khởi các hành đắc Bích Chi Phật. Tin tu bốn tâm vô lượng, sáu Ba La Mật đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Như thế gọi là tín nhẫn.
Chúng sinh ở trong sinh tử vô thuỷ nắm lấy tướng mà chấp trước không thấy pháp tính, thì phải trước hết quán sát ngũ ấm của chính thân mình (chỉ là) chúng sinh giả danh. Trong (năm ấm) ấy không có ngã, không có chúng sinh. Tại sao vậy? Nếu mà có ngã, ngã phải tự tại, song các chúng sinh lại thường bị sinh lão bệnh tử xâm phạm làm hại không được tự tại, (nên) phải biết là không có ngã. Không có ngã tức không có tác giả. Không có tác giả (nên) cũng không có thọ giả. Pháp tính thanh tịnh như thật thường trụ. Quán sát như thế cũng chưa thể là cứu cánh được. Như thế gọi là thuận nhẫn. Bồ Tát tu tín, thuận nhẫn rồi, không lâu sẽ thành tối thượng pháp nhẫn.