ĐẠI THỪA TUYỆT
ĐỐI LUẬN
Tác Giả: Nguyệt Khuê Thiền Sư - Việt Dịch: Thích Duy Lực
Từ Ân Thiền Đường, Hoa Kỳ 2001
II
Không gian và thời gian là môi trường hoạt động của tất cả nhà khoa học và triết học cũng là môi trường hoạt động của tất cả vật chất và tinh thần, nếu lìa khỏi không gian và thời gian thì khoa học với triết học chẳng thể hoạt động, vật chất và tinh thần cũng không có chỗ để y chỉ và tồn tại.
Nhưng không gian và thời gian là căn nhà do tư tưởng, cảm giác của loài người tự kiến tạo ra, nếu không có tư tưởng và cảm giác thì căn nhà này không thể thành lập.
Cho nên tư tưởng cảm giác khi bị phủ định thì không gian và thời gian cũng phải bị phủ định, không gian thời gian bị phủ định thì tất cả vật chất tinh thần cũng phải bị phủ định, tất cả khoa học triết học cũng phải bị phủ định. Vậy thì tất cả thế giới vạn vật đều mất hết chỗ đứng chân.
Bởi vì tư tưởng cảm giác là tương đối cho nên không gian thời gian cũng là tương đối, vì không gian thời gian tương đối cho nên vật chất tinh thần cũng là tương đối, khoa học triết học đều là tương đối. Từ đây suy rộng ra thì tất cả vũ trụ vạn vật đều là tương đối.
Tương đối là đối lập nhau, phủ định với nhau, nói tóm lại cả vũ trụ vạn vật đều tự nó phủ định chính nó.
Nhưng khi ông
bước vào cảnh giới tuyệt đối thì sở thấy của ông sẽ là mênh mông vô biên, vô
thủy vô chung, vô cùng vô tận, ấy là tồn tại của tuyệt đối.
Ngay đó chẳng thể
tưởng tượng thế nào gọi là không gian và thời gian, thế nào gọi là vật chất và
tinh thần, nhưng mà những cái trên mỗi mỗi tự an nơi ngôi vị nó, hoàn toàn đầy
đủ, vĩnh viễn tồn tại nơi quốc độ tuyệt đối.
Ở nơi quốc độ tuyệt đối, vật chất và tinh thần là bình đẳng và cộng thể mà cùng nhau tồn tại, chẳng thể phân chia. Ấy là bông hoa đẹp vĩnh viễn tồn tại không bao giờ héo tàn. Ở đất này vĩnh viễn không có duy tâm luận và duy vật luận, vĩnh viễn không có dấu tích của kẻ duy tâm luận và duy vật luận. Họ chẳng thể dẫm chân vào đất này bởi vì cánh cửa của tuyệt đối không bao giờ tư tưởng và cảm giác có thể mở ra.
Đường lối khoa học và triết học hiện nay chỉ là xu hướng đến chỗ sa mạc hoang vu của tương đối. Con thuyền suy lý và biện chứng hiện đang phiêu lưu nơi biển cả của vô minh, vĩnh viễn không đến được bờ tuyệt đối.
Tư tưởng cảm
giác là hóa thân của nhất niệm vô minh. (9)
Vô thủy vô minh
(10) là hang ổ của nhất niệm vô minh.
Khi nhất niệm vô minh chưa ra đời thì thời gian và không gian chẳng thể bị bộ não cảm biết được, chẳng thể bị tính toán được. Khi nhất niệm vô minh đã sanh khởi thì thời gian bị giả lập rồi, không gian bị tính toán rồi, sinh mạng được thừa nhận rồi, tự ngã bị tham luyến rồi.
Sự bắt đầu của thời gian không gian cũng là bắt đầu của sinh mạng, cũng là bắt đầu của tự ngã, cũng là bắt đầu của vạn sự vạn vật, cũng là bắt đầu của tất cả sự mâu thuẫn, nói tóm lại tức là bắt đầu của cả vũ trụ tương đối.
Khi nhất niệm vô minh im lặng trở về hang ổ vô thủy vô minh thì tự ngã theo đó tiêu diệt, vạn sự vạn vật cũng theo đó tiêu diệt, cả vũ trụ thời gian và không gian cũng theo đó tiêu diệt, tất cả mâu thuẫn cũng theo đó tiêu diệt, chỉ còn lại miếng đất đen tối mênh mông, hoang vu của vô thủy vô minh, cũng là hang ổ của kẻ tương đối.
Vô thủy vô minh giống như một bức màn đen che khuất tất cả thể tướng chân thật, nó là ranh giới giữa tuyệt đối và tương đối, ranh giới ngăn cách giữa chân với giả.
Khi nhất niệm vô minh từ trong bóng tối của màn đen xuất hiện thì tất cả tuồng kịch của thiện ác, thị phi, buồn vui, tan hợp... ngay đó bắt đầu, tất cả mưa gió giông bão bắt đầu, vận mạng biến đổi không chừng cũng bắt đầu, tất cả lịch sử mâu thuẫn xung đột đấu tranh đổ máu đều từ đó bắt đầu cả.
Nhưng, tất cả những điều trên đều là ảo thuật hư vọng, chỉ có Phật Thích Ca nhìn thấu sự thật, dùng bàn tay Bát Nhã (11) của Phật mở ra bức màn đen tối của vô thủy vô minh thì trong khoảnh khắc tất cả tuồng kịch vui buồn của tương đối đều tiêu diệt, tất cả mưa gió giông bão đều yên bình trở lại, trời đất hoát nhiên sáng tỏ, ngay đó tuyệt đối bắt đầu, chân ngã (12) tự hiện, ngay trước mắt đều là vũ trụ tuyệt đối, tất cả hoàn toàn đầy đủ chẳng thiếu chẳng dư, cho đến một hạt bụi cũng tự hiện ra hình tướng chân thật.
Đời sống của tuyệt đối là vô cùng phong phú vô cùng an lạc đẹp đẽ chẳng gì so bằng. Ở đây không có sanh tử, không có thiện ác, không có giầu nghèo, không có giai cấp, không có trí ngu, không có thị phi, không có tốt xấu, không có mâu thuẫn, không có tất cả danh tự và hình thức của tương đối. Ở đây chỉ có hoàn toàn bình đẳng vô hạn của tuyệt đối, tự do chân chính, an lạc vô cùng, cuối cùng đến chỗ không sanh không diệt, cũng là vĩnh sanh của tuyệt đối vậy. Thế giới tuyệt đối này tức là miếng đất trong sạch của Niết Bàn do mười phương chư Phật (13) cùng nhau tán thán. Phật Thích Ca đã dùng bốn chữ Thường- Lạc- Ngã- Tịnh để tán thán cảnh đẹp của Niết Bàn này.
Ở đây chẳng sanh chẳng diệt, chẳng phải do sáng tạo mà là bổn nhiên, ấy là chữ Thường của Tuyệt Đối.
Ở đây vô khổ vô lạc, chẳng có bó buộc và giải thoát, ấy là chữ Lạc của tuyệt đối.
Ở đây vô ngã, vô nhơn, vô Phật vô chúng sanh, chẳng phải siêu thăng mà là bản trụ, ấy là chữ Ngã của tuyệt đối.
Ở đây vô cấu vô tịnh, vô tội vô phúc, chẳng cần tu tập mà bổn lai trong sạch, ấy là chữ Tịnh của tuyệt đối.
Đem tất cả cảnh giới tương đối buông bỏ rồi tức là giải thoát, ấy là phương pháp duy nhất để tiến vào tuyệt đối nên gọi là pháp môn bất khả tư nghì. Bất khả tư nghì tức là tuyệt đối chân như, nghĩa là chẳng thể dùng tư duy cảm giác để đạt đến, chẳng thể dùng ngữ ngôn văn tự để diễn tả, chỉ do phủ định tương đối mới có thể tiến đến quốc độ tự do bình đẳng của tuyệt đối.
Phương pháp của Phật Thích Ca đem tất cả tương đối đều hoàn nguyên trở lại thành tuyệt đối cho nên tất cả đều là nguyên nhân tự kỷ (cội nguồn do mình), ngoài nguyên nhân tự kỷ ra chẳng có nguyên nhân nào khác, cho nên gọi là Vô-Dư-Niết-Bàn (14) cũng gọi là Vô-Lậu-Giải-Thoát (15). Đã chẳng có nguyên nhân nào khác tức là hoàn toàn tự chủ, hoàn toàn tự do bình đẳng, chẳng có giai cấp và xung đột.
Cái bản thể của tuyệt đối là như như bất động, nếu nó có biến động thì chẳng phải là tuyệt đối, nếu nó có biến động ắt phải có một thứ nguyên nhân nào khác hoặc sức mạnh lay động nó, ấy tức là tương đối rồi, nên chẳng thể được tôn xưng là Duy-Nhất-Nguyên Nhân của tuyệt đối.
Nhà triết học Immanuel Kant (1724-1804) nói:
“Mỗi mỗi cảm giác vui hoặc buồn chẳng phải do ngoài cảm giác ảnh hưởng mà sanh khởi, là do tình cảm của mỗi cá nhân tự mình sanh ra, vì vậy nên trong khi một người cảm thấy vui mừng thì người khác có thể cảm thấy chán ghét, một người vì ái tình đau khổ, trong khi kẻ tình địch thì cảm thấy sung sướng, cảm tình mỗi mỗi vốn là chẳng đồng là lại mong cầu một thứ cảm giác đồng nhất ấy là đều chẳng thể được, từ đây mà sanh ra tranh biện thực là ngu si.Xem như thế thì trên thế giới đâu có món nào chẳng phải tương đối, có gì là tiêu chuẩn chân chính, cho nên sự an lạc của tương đối đồng thời cũng là đau khổ.”
Nhà triết học Friedrich Wilhelm Nietzsche cho là:
“Con người mỗi mỗi tự tạo cho mình một cái “chuồng người”, nếu muốn ra khỏi nó phải làm siêu nhân, nhưng siêu nhân lại biến thành “chuồng người” nữa, bởi vì có một cái chuồng người giống như ác ma dính sát trên cơ thể con người mà nó chỉ biết đả phá chuồng người bên ngoài mà không chịu trở lại tìm chuồng người nơi bản thân mình để tự phá, cho nên mặc kệ ông chạy trốn đến chân trời góc biển nào đều chẳng thể thoát thân.Muốn tìm cách thoát ra, khôi phục tự do của loài người ấy là công lao của Immanuel Kant”.
Khi ông rõ được tác dụng của nhất niệm vô minh thì ông sẽ biết được tại sao tất cả đều thành “Nhị” (tương đối), khi ông rõ được tác dụng tuyệt đối của Phật tánh thì ông sẽ hiểu được tại sao tất cả đều “Bất nhị” (tuyệt đối) - nhưng chớ lầm nhận vô thủy vô minh là “cảnh giới bất nhị”, bề mặt nó dù giống “bất nhị” mà có chủng tử “nhị”, khi nhất niệm vô minh từ nó sanh khởi thì tất cả đều thành “nhị” rồi.
Khi tất cả đều thành “Nhị” rồi thì sự vật ở ngay trước mặt ông, ông cũng chẳng có cách nào để biết được thực tướng của nó. Khi tất cả đều “bất nhị” thì sự vật dù ở xa ngoài địa cầu ông cũng được biết hết chẳng thiếu sót. Hiện tại ông biết như thế, quá khứ cũng phải như thế, vị lai cũng phải như thế, vì ông tự mình tức là tuyệt đối, tuyệt đối tức là ông, khi ấy ông đã siêu việt không gian và thời gian rồi.
Phật Thích Ca từng nói “Biết hết sự vật trong mười phương tam thế”, nếu ông hiểu rõ đạo lý tuyệt đối thì ông sẽ nhìn nhận lời của Phật Thích Ca rất chính xác. Cái sinh mạng vĩnh viễn không chết, cái chân lý vĩnh viễn không thay đổi, sự chính xác này đâu có gì để so bằng được, đâu có ý nghĩa gì có thể hơn nữa.
Từ xưa đến nay, tất cả nhà triết học chưa từng có người nào bước đến cửa tuyệt đối, lại chú ý những việc tương đối như thị phi, thiện ác, quá khứ vị lai, sanh trưởng hủy diệt, quyền lực sinh mạng v.v..., kết quả chẳng có một món nào chẳng bị chìm đắm nơi biển cả tương đối, theo Phật nhãn (16) mà xem xét ấy là ngu dại đáng thương xót biết bao! Cái hiệu quả của tư tưởng cảm giác chẳng qua là một phê phán điên đảo và trong “mở mắt chiêm bao” (17), do họ hôn mê và hiểu lầm làm cho cả loài người đều lọt vào vậng mạng bi thảm.
Bởi vì khổ với vui là tương đối chẳng thể phân chia, ví như trên mặt người có thể hiện ra hào quang vui vẻ cũng có thể đắp lên đám mây u sầu bi thảm. Hai cái buồn vui liên kết với nhau cho nên ai muốn được an vui tối cao ắt phải chuẩn bị lãnh thọ thống khổ tối cao, trái lại kẻ đã chịu đựng thống khổ nhiều nhất thì có thể cảm giác đến sự an vui nhiều nhất, bởi vì an vui và thống khổ đối đãi lẫn nhau, chẳng có thống khổ thì an vui cũng chẳng thể thành lập.
Kỳ thật, khổ vui đều là hóa thân của nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh ẩn giấu nơi hầm sâu của vô thủy vô minh tức là cái kho tàng bí mật thâm sâu của A-lại-da-thức (18). Khi nhất niệm vô minh chạy ra khỏi cửa bí mật đó liền biến thành những thứ tình cảm mừng giận buồn vui mỗi mỗi chẳng đồng chen vào tâm trí của ông để chi phối ông, lúc ấy ông đã thành một người múa rối rồi.
Nếu ông không chịu làm người múa rối thì phải lợi dụng trí Bát Nhã (tham Thoại-đầu (19)) theo sát dấu chân của nhất niệm vô minh, tìm đến chỗ ẩn thân của nó là hầm sâu vô thủy vô minh để phá hủy ngay thì màn đen của vô thủy vô minh được mở ra, sợi dây khống chế người múa rối được cắt đứt, bổn lai diện mục liền xuất hiện, lúc ấy tất cả mừng giận buồn vui đều biến thành tuyệt đối của Phật tánh, tất cả đều do bản năng tuyệt đối tự mình làm chủ.
Trước khi kẻ tương đối bị vô minh chi phối nay liền được giải thoát, tất cả đều trở về chân thực tuyệt đối.
Khi tất cả đã trở về tuyệt đối thì khổ và vui bình đẳng, tất cả hình thức và danh dự bình đẳng, cái bản năng của tuyệt đối đứng trên đài tư lệnh phát huy lệnh tuyệt đối khiến khắp cả vũ trụ đều biến thành hoàn toàn tuyệt đối. Chỉ có trên quốc độ tuyệt đối mới có sự giải thoát chân chính, mới có sự tự do chân chính, mới có bình đẳng chân chính, chẳng phải do ai kiến tạo mà bổn lai vốn như thế.
Cái bản nguyện tự tánh của chúng sanh vốn là tuyệt đối tự do và bình đẳng, cái tự do bình đẳng này hễ đắc được rồi thì vĩnh viễn không thể biến mất vì nó là từ vô thủy bổn nhiên như thế.