ĐẠI THỪA KHỞI
TÍN LUẬN
Bồ Tát Mã Minh
Chân Đế dịch ra Hán Văn - Cao Hữu Đính dịch ra Việt văn
Chương 5
Đối Trị Tà Chấp
Đối trị tà chấp, là tất cả tà chấp đều nương vào Ngã Kiến. Nếu xa lìa được Ngã thời không có tà chấp. Ngã kiến có hai loại. Hai loại ấy là gì?
Một là Nhân Ngã Kiến.
Hai là Pháp Ngã Kiến.
1. Nhân Ngã Kiến:
Nhân Ngã Kiến, là nương vào phàm phu mà nói có năm loại. Năm loại ấy là gì?
Một là nghe kinh nói Pháp thân Như Lai rốt ráo vắng lặng, giống như hư không, rồi vì không biết nói như thế là nhắm để phá chấp, liền cho rằng hư không là tánh của Như Lai.
Làm thế nào để đối trị?
Cần nói cho họ rõ rằng tướng hư không là cái hư vọng, thể của nó rỗng không, nó là cái không thật, chỉ vì đối đãi với sắc mà thành có. Nó có cái tướng có thể thấy được, khiến Tâm sanh diệt. Mặt khác, tất cả những cái Sắc, bản lai là tâm, ngoài Tâm không có Sắc thật. Nếu không có Sắc thời không có tướng của hư không. Tức như kinh nói: Tất cả cảnh giới chỉ do Tâm vọng khởi mà có. Nếu Tâm xa lìa vọng động, thời mọi cảnh giới đều diệt, chỉ có một Chân Tâm duy nhất, không đâu không cùng khắp. Đó gọi là Tánh Trí rộng lớn của Như Lai, hiểu theo nghĩa rốt ráo, không phải như tướng hư không.
Hai là nghe kinh nói các pháp thế gian rốt ráo thể không, cho đến các pháp Chân Như Niết Bàn cũng rốt ráo không, bản lai tự không, xa lìa mọi tướng, rồi vì không biết kinh nói như thế là nhằm để phá chấp, liền cho rằng tánh của Chân Như Niết Bàn chỉ là cái không.
Làm thế nào để đối trị?
Cần phải nói rõ rằng tự thể của Pháp Thân Chân Như chẳng phải thật không, vì nó có đủ vô lượng tánh công đức.
Ba là nghe kinh nói Như Lai Tạng không có thêm bớt. Thể của nó có đầy đủ tất cả tánh công đức, rồi vì không hiểu rõ, liền cho rằng Như Lai Tạng có cả Sắc lẫn Tâm với Tướng riêng sai khác nhau. Làm thế nào để đối trị?
Cần nói rõ rằng, nói Như Lai Tạng chỉ là nương vào nghĩa Chân Như mà nói, còn nói sai biệt là nhân vì cái nghĩa nhiễm ô của sanh diệt mà có thị hiện.
Bốn là nghe kinh nói tất cả những cái ô nhiễm của sanh tử trong thế gian đều nương vào Như Lai Tạng mà có, và tất cả các pháp đều không rời Chân Như, thế rồi vì không hiểu rõ, bèn cho rằng tự thể của Như Lai Tạng có đủ tất cả ô nhiễm sanh tử trong thế gian.
Làm thế nào để đối trị?
Cần phải biết rằng, Như Lai Tạng ngay trong bản chất chỉ có công đức thanh tịnh nhiều hơn số cát sông Hằng, không khác, không dứt, không lìa Chân Như. Còn các phiền não nhiễm ô nhiều hơn số cát sông Hằng, chỉ có một cách hư dối, tánh của chúng vốn không, từ vô thủy đến giờ chưa hề tương ưng với Như Lai Tạng. Nếu Như Lai Tạng, thể của nó có những cái hư dối mà khiến chúng nhập được Chân Như và vĩnh viễn dứt trừ được hư vọng, thì đâu có thể như vậy được.
Năm là nghe kinh nói nương vào Như Lai Tạng nên có sanh tử và nương vào Như Lai Tạng nên đắc Niết Bàn, rồi vì không hiểu rõ, bèn cho rằng chúng sanh có thủy; Lại vì thấy có thủy bèn cho rằng Niết Bàn mà Như Lai chứng đắc sẽ có ngày chấm dứt để trở lại làm chúng sanh.
Làm thế nào để đối trị?
Cần nói rõ rằng vì Như Lai Tạng không có tiền tế, cho nên tướng Vô Minh cũng không có thủy. Nếu nói rằng ngoài ba cõi ra, còn có chúng sanh bắt đầu sanh khởi, thì đó là thuyết của ngoại đạo. Lại nữa, Như Lai Tạng không có hậu tế. Niết Bàn mà Chư Phật chứng đắc tương ưng với Như Lai Tạng cũng không có hậu tế vậy.
2. Pháp Ngã Kiến:
Pháp Ngã Kiến là, nương vào căn cơ chậm lụt của Nhị Thừa, cho nên Như Lai chỉ nói cho họ nghe Nhân Vô Ngã, và vì nói chưa rốt ráo, cho nên họ thấy có cái sanh diệt của năm uẩn, do đó khiếp sợ sanh tử mà hư dối nắm lấy Niết Bàn.
Làm thế nào để đối trị?
Cần nói rõ cho họ hiểu rằng cái Năm Uẩn, tự tánh không sanh thời cũng không diệt, bởi bản lai nó là Niết Bàn.
Lại nữa, rốt ráo xa lìa Vọng Chấp là nên biết cái Nhiễm và cái Tịnh chỉ là những cái đối đãi nhau, không có tướng riêng có thể nói được. Cho nên tất cả các pháp, từ ngay trong bản chất, chẳng phải Sắc, chẳng phải Tâm, chẳng phải Trí, chẳng phải Thức, chẳng phải Có, chẳng phải Không, rốt ráo không thể nói được cái Tướng của chúng. Nhưng sở dĩ có nói ra thì ta nên biết đó là phương tiện khéo léo của Như Lai, mượn ngôn thuyết để dẫn đạo chúng sanh. Còn chỉ thú của Ngài, là chỉ nhắm mục đích ly niệm để quy về Chân Như, bởi lẽ Niệm tất cả các pháp chỉ khiến Tâm sanh diệt, không vào được Thật Trí.