LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP V
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu
Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 2001
Cuốn 94
Kinh: Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát trú ở pháp trắng sạch gì có thể làm các phương tiện như vậy mà không bị ô nhiễm?
Phật dạy: Bồ Tát dùng Bát nhã ba la mật làm các phương tiện như vậy, hiện thân trong mười phương cõi nước nhiều như cát sông Hằng làm lợi ích chúng sinh, cũng không tham đắm thân ấy, vì sao? Vì người tham đắm pháp tham đắm và chỗ đắm đều không thể có được, vì tự tính không. tính không, không tham đắm tính không, trong tính không, không có người tham đắm cũng không có chỗ tham đắm, vì sao? Vì trong không, tướng không không thể có được; ấy gọi là bất khả đắc không. Bồ Tát trú trong ấy có thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát chỉ trú trong Bát nhã ba la mật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không trú trong các pháp ư?
Này Tu Bồ Đề, vả chăng có pháp không vào trong Bát nhã?
Tu Bồ Đề thưa: Nếu Bát nhã tự tính không, thời vì sao hết thảy pháp đều vào trong Bát nhã ba la mật, trong không, không có pháp hoặc vào hoặc không vào?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không chăng?
Này Tu Bồ Đề, nếu hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không, cớ sao nói hết thảy pháp không vào trong không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát làm thế nào khi hành Bát nhã ba la mật, trú trong hết thảy pháp không, mà có thể khởi lên thần thông Bát nhã ba la mật; trú trong Thần thông Ba la mật rồi đi đến mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng cúng dường chư Phật hiện tại, nghe Phật thuyết pháp, ở chỗ Phật gieo trồng căn lành?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật, quán mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng ấy đều tính không, trong các cõi nước ấy chư Phật cũng tính không, chỉ có tên giả, nên tên giả về chư Phật hiện thân cũng tính không. Nếu mười phương các cõi nước và chư Phật tính chẳng không, thời tính không ấy có thiên lệch. Vì tính không, không thiên lệch nên hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không; vì thế, hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không. Thế nên Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện phát sinh thần thông Ba la mật, trú trong thần thông Ba la mật ấy khởi lên thiên nhãn, thiên nhĩ, như ý túc, trí biết tâm người khác, trí biết đời trước, trí biết sinh tử của chúng sinh. Nếu Bồ Tát xa lìa thần thông Ba la mật thời không thể làm lợi ích chúng sinh, cũng không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thần thông Ba la mật là đạo làm lợi ích của Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì dùng thiên nhãn thời tự mình thấy được các pháp lành, cũng dạy người được các pháp lành, đối với các pháp lành cũng không nhiễm trước, vì các pháp lành tự tính không. Tự tính không, không nhiễm trước gì, nếu nhiễm trước thời đắm vị, trong không có vị. Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật có thể phát sinh thiên nhãn như vậy, dùng thiên nhãn ấy quán hết thảy pháp không, thấy pháp không ấy không thủ tướng, không tạo nghiệp, cũng vì người khác nói pháp ấy, cũng không thấy có tướng chúng sinh, không thấy có danh từ chúng sinh.
Như vậy, Bồ Tát dùng pháp không có sở đắc nên khởi lên thần thông Ba la mật, dùng thần thông Ba la mật ấy, việc đáng làm nên làm. Bồ Tát dùng thiên nhãn sáng suốt hơn mắt người thấy mười phương các cõi nước; thấy rồi bay đến mười phương làm lợi ích chúng sinh: Hoặc lấy việc bố thí, hoặc lấy việc trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định; hoặc lấy trí tuệ; hoặc lấy ba mươi bảy pháp trợ đạo; hoặc lấy các thần thông, giải thoát, tam muội, pháp Thanh văn, pháp Bích chi Phật hoặc pháp Phật làm lợi ích chúng sinh.
Vì hạng người xan tham mà nói như vầy: Này các chúng sinh, các ngươi nên bố thí; nghèo cùng là khổ não. Người nghèo cùng còn không làm lợi ích mình được, huống nữa làm lợi ích người khác! Vì thế nên các ngươi nên siêng bố thí đề tự mình được vui, cũng làm cho người khác được vui; chớ vì nghèo cùng mà ăn nuốt lẫn nhau, không lìa khỏi ba đường ác.
Vì hạng người phá giới thuyết pháp rằng: Này các chúng sinh, việc phá giới rất khổ não, người phá giới còn không làm lợi ích mình được, huống nữa làm lợi ích người khác! Việc phá giới thọ quả báo khổ: Hoặc ở địa ngục, hoặc ở ngạ quỷ, hoặc ở súc sinh. Các ông đọa trong ba đường ác tự mình còn không cứu được, làm sao cứu người khác? Thế nên các ông không nên theo tâm phá giới để đến khi chết hối hận.
Nếu gặp người sân giận tranh đấu lẫn nhau, nói pháp như vầy: Này các chúng sinh, chớ sân giận tranh đấu lẫn nhau. Người sân giận loạn tâm không thuận theo pháp lành, các ngươi đem tâm rối loạn sân giận lẫn nhau thời hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc đọa vào súc sinh; thế nên các ngươi không nên sinh một niệm sân giận, huống nữa là nhiều.
Vì hạng chúng sinh giải đãi thuyết pháp khiến được tinh tấn, vì hạng chúng sinh tán loạn khiến được thiền định, vì hạng chúng sinh ngu si khiến được trí tuệ cũng như vậy. Đối với người hành dâm dục khiến quán bất tịnh; đối với người sân giận khiến quán lòng từ; đối với người ngu si khiến quán mười hai nhân duyên; đối với chúng sinh hành phi đạo khiến vào chánh đạo là đạo Thanh văn, đạo Bích chi Phật và Phật đạo. Vì các chúng sinh ấy thuyết pháp như vầy: Điều các ông chấp trước, pháp ấy tính không; trong pháp tính không thể chấp trước được; tướng không chấp trước cũng là tướng không. Như vậy, Bồ tát khi hành Bát nhã ba la mật trú trong Thần thông Ba la mật, làm lợi ích chúng sinh.
Này Tu Bồ Đề, Bồ Tát nếu xa lìa thần thông thời không thể theo ý chúng sinh thuyết pháp lành cho họ. Vì thế, Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật nên khởi lên thần thông. Thí như chim không có cánh thời không thể bay cao; Bồ Tát không có thần thông thời không thể tùy ý giáo hóa chúng sinh. Do vậy, Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật nên khởi lên các thần thông, khởi lên các thần thông rồi nếu muốn làm lợi ích chúng sinh thời tùy ý lợi ích được.
Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng và chúng sinh trong các cõi nước ấy, thấy rồi dùng thần thông qua đến chỗ đó, biết tâm của chúng sinh, theo điều thích ứng với họ mà nói pháp: Hoặc nói về bố thí, nói về trì giới, nói về thiền định, cho đến nói về Niết bàn.
Bồ Tát dùng thiên nhĩ nghe hai thứ âm thanh: Hoặc của người, hoặc của chẳng phải người; nghe mười phương chư Phật thuyết pháp và đều có thể nắm giữ, đúng như pháp đã được nghe mà vì chúng sinh nói pháp: Hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết bàn.
Bồ Tát được trí thanh tịnh biết tâm người khác, dùng trí biết tâm người khác mà biết tâm của chúng sinh, theo điều thích ứng của họ mà nói pháp, hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết bàn.
Bồ Tát được trí biết mạng sống đời trước, nhớ biết nơi nguồn gốc sinh ra, cũng tự nhớ biết đời trước của mình và nhớ biết đời trước của người khác. Dùng trí nhớ biết mạng sống đời trước ấy, nhớ quá khứ ở chỗ nào, nơi nào; biết danh tự của chư Phật và chúng đệ tử. Gặp chúng sinh tin ưa việc của mạng sống đời trước thời hiện việc đời trước mà nói pháp: Hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết bàn.
Dùng sức thần thông như ý, đi đến vô lượng cõi nước của chư Phật cúng dường chư Phật, theo chư Phật gieo trồng căn lành rồi trở lại cõi nước của mình.
Bồ Tát chứng được trí sạch hết các lậu, dùng trí sạch hết các lậu ấy vì chúng sinh nói pháp: Hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết bàn.
Như vậy, Tu Bồ Đề, Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật nên khởi lên thần thông như vậy. Bồ Tát dùng việc tu thần thông ấy mà tùy ý thọ thân, khổ vui không nhiễm đắm; thí như người của Phật biến hóa, hóa làm ra mọi việc, khổ vui không nhiễm đắm. Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật nên dùng thần thông như ý như vậy, có thể làm nghiêm tịnh cõi Phật và thành tựu tuệ giác cho chúng sinh.
*Lại nữa, Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát không nghiêm tịnh cõi Phật, không thành tựu tuệ giác cho chúng sinh thời không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì nhân duyên không đầy đủ, không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát làm thế nào đầy đủ nhân duyên rồi được thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Hết thảy pháp lành là nhân duyên của Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, những pháp lành nào mà do pháp lành ấy nên được Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát từ khi mới phát tâm lại đây, Thí Ba la mật là nhân duyên của pháp lành, nơi đó không có phân biệt người thí, người nhận thí, vì tính không. Do Thí Ba la mật ấy có thể tự mình làm lợi ích, cũng có thể làm lợi ích cho chúng sinh, từ trong sinh tử kéo ra, khiến được Niết bàn. Các pháp lành ấy đều là nhân duyên của Vô thượng chánh đẳng chánh giác, của đại Bồ Tát. Nhờ hành đọ ấy mà các Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại được thoát qua khỏi sinh tử; đã qua khỏi, nay qua khỏi và sẽ qua khỏi. Do Giới Ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, mười tám không, tám bội xả, định chín thứ lớp, các môn Đà la ni, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, các công đức như vậy đều là đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác; ấy gọi là pháp lành. Bồ Tát đầy đủ pháp lành ấy rồi, sẽ được trí Nhất thiết chủng. Được rồi sẽ chuyển pháp luân; chuyển pháp luân rồi sẽ độ chúng sinh.
Luận: Bấy giờ Tu Bồ Đề hỏi: Trú vào căn lành nào nên có thể thọ thân này?
Phật đáp: Bồ Tát đầy đủ hết thảy pháp lành cho đến Tu Bồ Đề nghe rồi rất hoan hỷ bạch Phật: Bồ Tát thành tựu sức phương tiện lớn, trú vào thánh pháp vô lậu nào có thể thọ thân này mà không nhiễm trước? Theo thân ấy, thí như vị thầy huyễn thuật, cũng như việc biến hóa? Trú ở pháp trắng sạch nào mà có thể làm các phương tiện như vậy?
Phật đáp: Bồ Tát do sức Bát nhã ba la mật nên có thể thành tựu phương tiện như vậy, hiện mỗi mỗi thân làm lợi ích cho chúng sinh trong mười phương các cõi nước và cũng không tham đắm thân ấy. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ Tát có ba pháp không thể có được: Một là thân Bồ Tát; hai là nai ngựa được làm ra, ba là pháp được dùng, vì sao? Vì pháp ấy đều tính không; tính không cũng không tham trước tính không; trong tính không cũng không có người tham trước; vì pháp không có nên chúng sinh không có; chúng sinh không có nên pháp cũng không có. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Trong tính không, tính không thể có được; vì không thể có được thời Bồ Tát làm sao tham trước trí tuệ ấy? Ấy gọi là không, không có sở đắc.
Bồ Tát trú trong Bát nhã ba la mật có thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì không chướng ngại nên dễ được.
Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát trú ở sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung, nay cớ sao chỉ nói trú trong Bát nhã ba la mật không có sở đắc, được thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề, pháp gì không vào trong Ba la mật? Tất cả pháp đều vào trong Bát nhã ba la mật. Nếu trú trong Bát nhã ba la mật tức là trú trong hết thảy pháp.
Lại hỏi: Nếu Bát nhã ba la mật tính không, làm sao hết thảy pháp đều vào trong đó? Trong đây Tu Bồ Đề tự nói nhân duyên: Trong hết thảy pháp tính không không có pháp ra, không có pháp vào.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này Tu Bồ Đề, nếu hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không, vậy hết thảy pháp đều vào trong không, cớ sao ông nói trong không không có pháp ra vào?
Bấy giờ Tu Bồ Đề hiểu rõ nên tâm phục mà lãnh thọ. Nghe việc Bồ Tát hóa thân độ chúng sinh, nên hỏi: Bạch đức Thế Tôn, Bồ Tát làm thế nào trú trong hết thảy pháp tính không mà có thể khởi lên thần thông Ba la mật, đi đến mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng cúng dường Phật, nghe pháp, gieo trồng căn lành sâu dày?
Căn lành là các môn Đà la ni, các môn tam muội, là căn bản của giải thoát không ngại. Ý của Tu Bồ Đề là nếu Bát nhã ba la mật tính không, thời làm sao Bồ Tát an trú trong Bát nhã ba la mật lại có thể hành thần thông là pháp có?
Phật dạy: Vì tính không cho nên có thể hành, vì cớ sao? Vì khi Bồ Tát hành Bát nhã, quán mười phương các cõi nước đều không, chư Phật trong các cõi nước ấy cũng không.
Hỏi: Nếu cõi nước không thời Phật cũng phải không, cớ gì nói riêng?
Đáp: Phật do vô lượng vô số công đức chơn thật mà được thân ấy, có thể lấy một ngón chân làm chấn động mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng. Lại, Bồ Tát đời đời lại đây lòng yêu thích, kính trọng Phật sâu xa, không thể quán sát Phật chóng làm cho không, thế nên không hợp chung với cõi nước đề nói. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Nếu mười phương các cõi nước và chư Phật chẳng không, thời là tính không có thiên lệch, có thiên lệch thời gọi là có chỗ không và chẳng không. Nay thật không có thiên lệch nên hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không. Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, đối với hết thảy pháp không ngăn ngại, song vì mắt thịt thấy sắc không thông:: Thấy trên thời không thấy dưới, thấy trước thời không thấy sau, chỗ rỗng suốt thời thấy, chỗ chướng ngại thời không thấy, ban ngày thời thấy, ban đêm thời không thấy; biết sức mắt thịt kém như vậy nên vì sức phương tiện mà lại cầu mắt trời.
Sức phương tiện là khiến bốn đại ở thế giới khác đến trú trong thân. Nghĩa là dùng thiên nhãn như trước đã nói. Thiên nhĩ, như ý túc, trí biết tâm người khác, trí biết đời trước, trí biết chúng sinh, sinh về đâu, chết về đâu. Bồ Tát nếu không có thần thông thời không thể làm lợi ích chúng sinh, vì sao? Vì nếu không có thần thông thời làm sao có thể khiến nhiều người phát tâm? Bồ Tát có thần thông mà còn không thể khiến tất cả chúng sinh phát tâm, huống nữa là không có! Thế nên thần thông Ba la mật là chỗ hành đạo sở hành của Bồ Tát. Bồ Tát tự thấy pháp lành, cũng dạy người khác được pháp lành mà không tham đắm pháp lành ấy, vì sao? Vì pháp ấy tính đều không.
Hỏi: Thiên nhãn chỉ có thể thấy sắc, làm sao thấy pháp lành mà lại nói hết thảy pháp tính không?
Đáp: Đây là trong nhân nói quả. Do thiên nhãn ấy tự thấy thân mình, lại thấy mười phương chúng sinh, vậy sau dùng trí biết tâm người khác, trí biết mạng sống đời trước, tìm căn lành đời nay đời sau, thấy căn lành và quả báo lâu ngày đều tiêu diệt, tiêu diệt nên thấy nó không. Căn lành ấy đều là pháp hữu vi nên không có tự tính, không có tự tính nên không; vì không nên không thể tham trước, cũng không thể thọ khí vị, không thể thọ khí vị nên không tham trước; thí như ruồi không chỗ nào không đậu, chỉ trừ không đậu trong lửa. Chúng sinh ái trước cũng như vậy, đối vời pháp lành, pháp chẳng lành đều ái trước, cho đến ái trước Phi hữu tưởng Phi vô tưởng nên không thể vào Niết bàn, chỉ trừ không thể ái trước lửa Bát nhã ba la mật tính không, vì sao? Vì Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật tướng không; nếu Bát nhã ba la mật chằng không tức là có khí vị, là chỗ có thể ái trước. Bồ Tát trú trong trí tuệ ấy không khởi nghiệp hữu lậu, chỉ vì chúng sinh mà thuyết pháp, cũng biết chúng sinh là giả danh, không thể có được. An trú trong Bát nhã không có sở đắc ấy mà có thể đầy đủ các việc thần thông. Nếu Bồ Tát không được Bát nhã vô ngại ấy thời không thể được thần thông vô ngại. Bồ Tát được thần thông vô ngại nên có thể bay đến mười phương các cõi nước làm lợi ích chúng sinh, như trong Kinh nói rộng: Hoặc nói về bố thí, hoặc nói về trì giới...; đối với người xan tham thời dạy bố thí... như trong đây nói ví dụ: Ví như chim không có cánh thời không thể bay cao; Bồ Tát cũng như vậy, không có Thần thông Ba la mật thời không thể giáo hóa chúng sinh. Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy mười phương các cõi nước của chư Phật cùng hết thảy chúng sinh, dùng thiên nhĩ theo chư Phật nghe pháp, dùng thần thông như ý phóng hào quang lớn, hoặc biến hóa hiện ra các thứ nước lửa, các việc kỳ lạ khiến chúng sinh phát tâm cho là việc hy hữu mà tôn trọng. Dùng trí biết tâm người khác, biết tâm tâm số của người khác tham đắm gì, chán gì, có thể độ hay không thể độ, là lợi căn hay là độn căn, đã thành tựu căn lành hay chưa thành tựu. Biết tâm của chúng sinh khác như vậy thời nhiếp thủ những ai đã thành tựu căn lành. Gặp người có thể độ thời dùng trí biết mạng sống đời trước, trí biết sinh tử quán nguồn gốc của người kia từ đâu đến, gieo trồng căn lành gì, và ưa làm hạnh gì; từ đây mệnh chung sẽ sinh chỗ nào, lúc nào sẽ được giải thoát. Trù lượng suy nghĩ như vậy biết nghiệp duyên quá khứ và biết quả báo vị lai của người có thể độ.
Lại dùng thần thông biết người ấy cần vì sợ hãi mà được độ, thời đem việc địa ngục chỉ bày rằng: Ông sẽ sinh vào trong ấy; biết người cần vì hoan hỉ mà được độ, thời chỉ bày thiên đường, mắt thấy việc ấy tâm sinh ra sợ hãi, vui mừng, nhàm chán thế gian. Bấy giờ đem trí thông suốt vô lậu nói pháp dứt hết lậu, chúng sinh nghe pháp ấy phá bỏ tâm tham trước, lại dùng pháp ba thừa mà được Niết bàn; tí như chim nhạn trắng khi muốn bắt cá thời trù lượng tới lui, không để mất cơ hội; biết có thể bắt được liền bắt, không để lỡ qua. Bồ Tát cũng như vậy, dùng sức thần thông quán nguồn gốc của chúng sinh, thấy nhân duyên có thể độ: Hoặc thấy cõi nước thời biết; biết các căn tín, tấn... của các chúng sinh ấy mãnh lợi, các nhân duyên đầy đủ nên vì họ thuyết pháp, không để lỡ uổng. Thế nên nói: Bồ Tát lìa thần thông thời không thể lợi ích chúng sinh, như chim không có cánh. Các thần lực khác như Phật tự nói: Dùng thiên nhãn thấy việc sống chết của mười phương chúng sinh, cũng biết tâm chúng sinh, tùy ý thuyết pháp, cho đến khéo tu sức thần thông, vì chúng sinh mà thọ thân, không vị khổ vui làm ô nhiễm. Bồ Tát đối với chúng sinh hoặc làm cha, hoặc làm con, hoặc làm thầy, hoặc làm đệ tử, làm chủ, làm tớ, làm voi ngựa, hoặc làm người cỡi voi ngựa, có khi giàu sang thế lực, có khi nghèo hèn; đối với các việc ấy cũng không bị ô nhiễm; thí như người của Phật biến hóa, hóa làm các việc mà không bị ô nhiễm bởi khổ vui. Hóa làm các việc là như trước đây: Hóa làm vô lượng vô số thân để độ chúng sinh. Khổ vui không nhiễm trước là đối với vui không sinh tâm ái, đối với khổ không sinh tâm sân, không như chúng sinh tùy theo chỗ mà khởi phiền não. Bồ Tát nên đem thần thông du hí như vậy thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật.
Hỏi: Sức thần thông của Bồ Tát có sở tác, cớ sao gọi là du hý?
Đáp: Hý là như huyễn sư huyễn làm ra các việc, thần thông của Bồ Tát cũng hóa hiện các việc nên gọi là hý.
*Lại nữa, trong Phật pháp có ba tam muội: Không tam muội là thượng hành, vì sao? Vì giống như Niết bàn không bị dính mắc, không có sở đắc. Các hành pháp khác đều gọi là hạ hành, như trẻ nhỏ. Thế nên nói sức thần thông gọi là du hý; đối với việc thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật là rất cần yếu. Thành tựu tuệ giác cho chúng sinh như trong đây nói: Cùng nhau tu căn lành ở cõi Phật thanh tịnh.
Hỏi: Vì sao phải cần dùng việc thành tựu tuệ giác cho chúng sinh và nghiêm tịnh cõi Phật?
Đáp: Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Không thành tựu tuệ giác cho chúng sinh và nghiêm tịnh cõi Phật thời không được đạo vô thượng, vì sao? Vì nhân duyên không đầy đủ thời không được đạo vô thượng. Nhân duyên là hết thảy pháp lành; từ khi mới phát tâm tu thí Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung; đối với pháp tu hành ấy không có ức tưởng phân biệt là người thí, là vật bố thí, là người nhận thí, cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. Nếu Bồ Tát tâm không dính mắc, không phân biệt gì mà hành sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung; ấy là nhân duyên của Vô thượng chánh đẳng chánh giác; do đạo ấy được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng có thể tự độ, lại có thể độ chúng sinh.
Hỏi: Nếu Bồ Tát đem tâm chấp trước bố thí thời có lỗi gì mà không gọi là đầy đủ; đem tâm chấp trước bố thí thời người nhận thí mang ơn nặng?
Đáp: Tuy có lợi nhỏ mà lỗi lớn; như đồ ăn ngon có lẫn chất độc, tuy có ngon mà tự làm mất mạng.
Hỏi: Lỗi ấy là những gí?
Đáp: Nếu đem tâm chấp trước mà bố thí, hoặc gặp việc không vừa ý thời sinh sân nộ, hoặc người nhận thí không cám ơn liền thành oán hiềm. Nếu đem tâm chấp trước cúng dường người lành, hoặc khi gặp chút suy tổn thời oán hiềm việc đã bố thí cho người không xứng đáng, hối tiếc việc đã thí. Nếu bố thí mà tâm hối hận thời thọ quả báo không thanh tịnh.
*Lại nữa, người đem tâm chấp trước bố thí, trong thâm tâm ham trước tài vật, nếu gặp kẻ xâm đoạt liền gia hại, nghĩ rằng: Ta vì phước đức muốn làm việc tốt nên chứa của, cớ sao ngươi xâm đoạt? Trước tham tài vật là việc đời nay, có thể bố thí là việc đời sau. Tâm thương tiếc càng sâu, vì ái trước sâu nên nếu gặp bị xâm đoạt thời hay gây tội nặng; nhân tội nặng nên thọ khổ trong ba đường ác.
*Lại nữa, vì lòng tham trước nên sinh sân hận; vì sân hận nên dùng dao gậy sát hại, chịu các khổ não.
*Lại nữa, người tạo nghiệp ngu si rất không được yên ổn; làm việc dối trá không thật ấy, nên lâu chắc chắn bị hoạn lớn. Mười phương chư Phật đều dạy môn giải thoát vô tướng. Tướng vô tướng của các pháp là thật, nếu người chấp thủ tướng tài vật hư dối không thật ấy, vậy sau sinh tâm chấp trước, vì tâm chấp trước nên mong cầu quả báo lớn mà bố thí; thí như người muốn thu hoạch nhiều nên dùng hạt giống nhiều. Như vậy, tâm chấp trước bố thí được quả báo ít mà không thanh tịnh, chung quy đi về diệt tận, chịu các ưu não, không thể kể hết, đều do chấp thủ tướng nên có các lỗi như vậy. Nếu đúng như thật tướng mà hành bố thí, thời không có lỗi như vậy, trải qua vô lượng vô số kiếp thọ các phước lạc cũng không cùng tận, cho đến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
*Lại nữa, như người đem tâm chấp trước hành pháp lành, người ấy nếu nghe nói các pháp rốt ráo không, tức thời bỏ pháp tu hành, đắm trước thủ tướng pháp không ấy, cho đó là thật, trước kia là hư dối. Người ấy mất cả hai thứ, mất pháp lành trước kia và rơi vào tà kiến. Người có tâm chấp trước có lỗi như vậy; thí như người mang bệnh nặng, tuy có các thứ thuốc chữa mà không giảm bớt, thuốc trở lại thành bệnh. Đem tâm chấp trước tu các công đức có tội lỗi như vậy. Bồ Tát bỏ tâm chấp trước, chẳng thủ tướng không, như: Như, pháp tính, thật tê, đối với pháp bố thí cũng thấy đúng như vậy, vì hết thảy chúng sinh mà hồi hướng đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
*Lại nữa, khi Bồ Tát bố thí, nghĩ rằng: Như trí rốt ráo thanh tịnh của mười phương chư Phật trong ba đời biết thật tướng các pháp, cũng biết tướng bố thí, ta nay cũng nên vì tính ấy mà hồi hướng.
*Lại nữa, Bồ Tát ấy là không dùng, không hành năm căn và tâm tâm số pháp, vì nó không thể biết thật tướng các pháp, là pháp ấy đều do nhân duyên sinh, hư dối, không có tự tính. Ta nay muốn biết thật tướng các pháp để hồi hướng, các pháp hư dối ấy vào trong thật tướng đều không có sai khác. Ta nay vì chưa được trí tuệ thanh tịnh chơn thật, nên còn có chỗ phân biệt là hư, là thật. Dùng trí huệ thanh tịnh để biết, thời đều thành đệ nhất nghĩa đế, vào trong đệ nhất nghĩa đế đều là thanh tịnh, không có sai biệt. Bố thí như vậy mà hồi hướng, thẳng đến Phật đạo; thế nên nói tâm không phân biệt, có thể hành bố thí, ấy gọi là chơn Bồ Tát đạo.
Giải Thích: Phẩm Bốn Đế Thứ 84
(Có bản ghi: Phẩm Sai Biệt; kinh Đại Bát nhã hội hai ghi: Phẩm Phật Pháp thứ 82)
Kinh: Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp ấy là pháp Bồ Tát, thời thế nào là pháp Phật?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Như lời ông hỏi, các pháp ấy là pháp Bồ Tát, vậy thế nào là pháp Phật? Này Tu Bồ Đề, pháp Bồ Tát cũng là pháp Phật. Nếu biết hết thảy chủng là được trí Nhất thiết chủng, dứt hết thảy phiền não tập khí, Bồ Tát sẽ được pháp ấy. Phật do một niệm tương ưng với tuệ, biết hết thảy pháp rồi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; ấy là sai khác giữa Bồ Tát và Phật. Thí như người đắc quả và người hướng đạo khác nhau, hai người ấy đều là thánh nhân mà có đắc có hướng sai khác. Như vậy, Bồ Tát hành trong đạo vô ngại gọi là đại Bồ Tát, hành trong đạo giải thoát không có hết thảy hắc ám che lấp; ấy gọi là Phật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp tự tướng không, thời trong pháp tự tướng không vì sao có sai khác là địa ngục, là ngạ quỷ, súc sinh, người, trời? Là người Tánh địa, là người Bát địa, là người Tu Bồ Đề cho đến là Bồ Tát? Là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri? Bạch đức Thế Tôn, những người như vậy không thể có được, nghiệp nhân duyên của những người ấy cũng không thể có được, quả báo của các người ấy cũng không thể có được.
Phật dạy: Như vậy, như vậy, như lời ông nói, trong pháp tự tướng không, không có chúng sinh, không có nghiệp nhân duyên, không có quả báo. Chúng sinh không biết các pháp tự tướng không ấy, nên nghiệp nhân duyên hoặc lành hoặc dữ, hoặc nghiệp bất động; vì nhân duyên tội nghiệp nên đọa trong ba đường ác, vì nhân duyên phước nghiệp nên sinh cõi trời, cõi người; vì nhân duyên nghiệp bất động nên sinh cõi sắc, cõi vô sắc. Bồ Tát khi hành Thí Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung là nhận hành tất cả pháp trợ đạo. Như tam muội kim cương được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; được rồi lợi ích chúng sinh, cái lợi ấy thường không mất nên không đọa vào sáu đường sinh tử.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi có được sáu đường sinh tử chăng?
Phật dạy: Không được.
Bạch đức Thế Tôn, Phật có nghiệp hoặc đen hoặc trắng, hoặc đen trắng, hoặc chẳng đen chẳng trắng chăng?
Phật dạy: không được.
Bạch đức Thế Tôn, nếu không có được thời vì sao Phật nói đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, Tu đà hoàn cho đến Bồ Tát, chư Phật?
Này Tu Bồ Đề, nếu chúng sinh biết các pháp tự tính không, thời Bồ Tát không cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không cứu chúng sinh ra khỏi ba đường ác, cho đến không qua lại trong sáu đường sinh tử. Song vì chúng sinh thật không biết các pháp tự tính không, nên không được thoát khỏi sáu đường sinh tử. Vì vậy nên Bồ Tát theo Phật nghe pháp tự tính không, phát tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này Tu Bồ Đề, các pháp không như vậy không như chỗ phàm phu chấp trước, chúng sinh đối với pháp không có sở hữu, mà điên đảo vọng tưởng phân biệt thủ đắc pháp, không có chúng sinh lại tưởng có chúng sinh, không có sắc lại tưởng có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức lại tưởng có thọ, tưởng, hành, thức, cho đến hết thảy pháp hữu vi không có sở hữu lại dùng tâm điên đảo vọng tưởng khởi lên nghiệp thân, miệng, ý, nên phải qua lại sáu đường sinh tử không được thoát khỏi. Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật, hết thảy pháp lành đều vào trong Bát nhã nên hành đạo Bồ Tát được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; được Vô thượng chánh đẳng chánh giác rồi vì chúng sinh thuyết bốn thánh đế: Khổ, khổ tập, khổ diệt và khổ diệt đạo. Hết thảy pháp lành trợ đạo khai thị phân biệt đều vào trong bốn thánh đế; dùng pháp lành trợ đạo ấy phân biệt có Tam bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo; vì trái nghịch không tin Tam bảo nên không được lìa khỏi sáu đường sinh tử.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, dùng khổ thánh đế được qua khỏi hay dùng khổ trí được qua khỏi? Do tập thánh đế được qua khỏi hay do tập trí được qua khỏi? Do diệt thánh đế được qua khỏi hay do diệt trí được qua khỏi? Do đạo thánh đế được qua khỏi hay do đạo trí được qua khỏi?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Chẳng phải do khổ thánh đế được qua khỏi, cũng chẳng phải do khổ trí được qua khỏi, cho đến chẳng phải do đạo thánh đế được qua khỏi, cũng chẳng phải do đạo trí được qua khỏi. Vì bốn thánh đế ấy bình đẳng nên Ta nói tức là Niết bàn, không do khổ thánh đế, không do tập, diệt, đạo thánh thế; cũng không do khổ trí, không do tập, diệt, đạo trí được Niết bàn.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, thế nào là tướng bốn thánh đế bình đẳng?
Này Tu Bồ Đề, nếu không có khổ, không có khổ trí, không có tập, không có tập trí, không có diệt, không có diệt trí, không có đạo, không có đạo trí, ấy gọi là bốn thánh đế bình đẳng.
*Lại nữa, bốn thánh đế ấy là như, chẳng khác; là pháp tướng, pháp tính, pháp trụ, pháp vị, thật tế dù có Phật hay không có Phật thì pháp tính vẫn thường trú, vì không dối không mất. Bồ Tát khi hành Bát nhã ba la mật do thông đạt thật đế nên hành Bát nhã ba la mật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, thế nào là Bồ Tát do thông đạt thật đế nên khi hành Bát nhã ba la mật, như thông đạt thật đế, chứ không đọa vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật mà thẳng vào Bồ Tát vị?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu Bồ Tát như thật thấy các pháp, thấy rồi ngộ được pháp không có sở hữu, ngộ được pháp không có sở hữu rồi thấy hết thảy pháp không, pháp nhiếp thuộc vào bốn thánh đế, pháp không nhiếp thuộc vào bốn thánh đế đều không. Nếu quán như vậy liền vào Bồ Tát vị; ấy là Bồ Tát trú trong tánh địa không từ đảnh địa bị thoái đọa. Vì đảnh địa bị thoái đọa nên đọa vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật. Bồ Tát trú trong Tánh địa có thể phát sinh bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc. Bồ Tát trú trong địa của định ban đầu ấy phân biệt hết thảy pháp mà thông đạt bốn thánh đế: Biết khổ không sinh tâm duyên khổ, cho đến biết đạo không sinh tâm điên đảo, chỉ thuận theo tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà quán tưởng như thật của các pháp.
Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào quán tướng như thật của các pháp?
Phật dạy: Quán các pháp tính không.
Bạch đức Thế Tôn, là pháp không nào?
Phật dạy: Là tự tướng không. Bồ Tát dùng trí tuệ như pháp quán hết thảy pháp không, không có tính có thể thấy. Trú trong tính ấy được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì tướng vô tính là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chẳng phải chư Phật làm, chẳng phải Bích chi Phật làm, cũng chẳng A la hán làm, cũng chẳng phải người đắc quả làm, cũng chẳng phải Bồ Tát làm, chỉ vì chúng sinh không thấy không biết tướng như thật của các pháp nên Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện vì chúng sinh ấy mà thuyết pháp.
Luận. Hỏi: Pháp Phật và pháp Bồ Tát rất có sai khác. Phật là bậc Nhất thiết trí, Bồ Tát chưa phải là bậc Nhất thiết trí, Tu Bồ Đề vì cớ gì sinh nghi mà hỏi Phật: Thế nào là pháp Bồ Tát, thế nào là pháp Phật?
Trong đây Phật dạy chỗ hành của Bồ Tát như Phật là hành sáu Ba la mật như vậy, cho đến trí Nhất thiết chủng. Thế nên Tu Bồ Đề hỏi: Nếu hành như Phật thời với Phật khác gì? Phật hứa khả ý ấy nên nói như vậy: Chỗ hành của sắc pháp là đồng nhưng trí tuệ lợi độn có khác nhau. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ Tát tuy như thật hành sáu Ba la mật mà chưa thể cùng khắp, chưa thể vào tất cả các môn, thế nên không gọi là Phật. Nếu Bồ Tát đã vào trong hết thảy môn, vào trong thật tướng các pháp, do một niệm tương ưng với trí tuệ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, dứt hết thảy phiền não tập khí, được tự tại đối với các pháp, lúc bấy giờ gọi là Phật. Như mặt trăng ngày 14 và ngày rằm, tuy đồng là trăng, nhưng ngày 14 không thể làm cho nước biển dâng lớn. Bồ Tát cũng như vậy, tuy có trí tuệ thanh tịnh thật, song vì chưa đầy đủ Phật pháp nên không thể làm chấn động mười phương chúng sinh. Ánh sáng của trăng ngày rằm sung mãn, có thể làm cho nước biển dâng lớn. Khi Bồ Tát thành Phật cũng như vậy, phóng hào quang lớn, làm chấn động mười phương các cõi nước chúng sinh. Trong đây Phật tự nói: Như người hướng đạo và người đắc quả, tuy đồng là bậc thánh mà có sai khác. Bồ Tát cũng như vậy, hành giả gọi là Bồ Tát, là từ khi mới phát tâm cho đến khi được tam muội Kim cang; còn Phật đã được quả, dứt hết nghi hoặc, đối với các pháp không có pháp gì không rõ, nên gọi là Phật.
Tu Bồ Đề hỏi: Trong pháp tự tướng không, sự sai biệt không thể có được, rằng đó là địa ngục cho đến trời, đó là Tánh nhân, Bát nhân, Tu đà hoàn cho đến Phật. Bạch đức Thế Tôn, như chúng sinh địa ngục... không thể có được, nghiệp nhân duyên cũng phải không thể có được, vì sao? Vì người tạo nghiệp không thể có được. Nghiệp đã không thể có được thời quả báo cũng không thể có được, cớ sao Phật nói Phật với Bồ Tát có sai khác?
Phật hứa khà ý Tu Bồ Đề lại dùng câu hỏi mà đáp lại Tu Bồ Đề: Vì chúng sinh không biết tự tính không nên khởi lên nghiệp lành dữ, như trong Kinh đây nói rộng. Chúng sinh là kẻ phàm phu chưa vào chính vị. người ấy có tâm điên đảo chấp ngã, nhân phiền não mà khởi lên các nghiệp.
Nghiệp có ba thứ là thân, miệng và ý. Ba nghiệp ấy có hai là hoặc lành, hoặc dữ, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Vì nghiệp dữ nên đọa vào ba đường ác; vì nghiệp lành nên sinh vào cõi người cõi trời. Nghiệp lành lại có hai: Một là ràng buộc vào cõi dục, hai là ràng buộc vào cõi sắc và cõi vô sắc. Nghiệp ràng buộc sinh vào cõi sắc và cõi vô sắc gọi là nghiệp bất động; vì nghiệp bất động nên sinh vào cõi sắc, cõi vô sắc. Như chúng sinh tự biết các pháp tính không tức thời không sinh tâm chấp trước; tâm chấp trước không sinh nên không khởi nghiệp, cho đến không sinh vào cõi sắc, cõi vô sắc. Song vì thật không biết cho nên sinh, do việc ấy mà Bồ Tát suốt đời hành bố thí cho đến mười tám pháp không chung không mất không thiếu, cho đến dùng tam muội như kim cương được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, làm lợi ích chúng sinh. Chúng sinh được lợi ích ấy nên không còn qua lại trong năm đường sinh tử.
Tu Bồ Đề hỏi: Khi Phật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác thật có được sáu đường ấy chăng?
Phật dạy: Không được.
Hỏi: Trước Phật nói vì lợi ích lớn nên không đọa vào sáu đường, sao nay nói không được?
Đáp: Vì tà kiến quyết định thủ tướng nên rơi vào tà kiến, chứ sáu nẽo sinh tử không có được, chỉ vì người phàm phu do điên đảo mà khởi nghiệp nên giả danh có sáu đường sinh tử, chứ kỳ thật như huyễn, như mộng.
Hỏi: Phật có được bốn thứ nghiệp là đen, trắng, đen trắng và chẳng đen chẳng trắng chăng?
Đáp: Chẳng được. Nghiệp đen là nghiệp chẳng lành, quả báo của nó là đọa địa ngục, nơi chịu khổ não; chúng sinh trong ấy vì khổ não làm mê muội cùng cực nên gọi là đen. Chỗ thọ quả báo của nghiệp lành là cõi trời, vì thọ vui theo ý tự tại sáng suốt, nên gọi là nghiệp trắng; nghiệp ấy là nghiệp của các cõi trời trong ba cõi. Chỗ thọ quả báo của nghiệp lành và chẳng lành là cõi người, cõi A tu la... nơi đó cũng thọ vui, cũng thọ khổ nên gọi là nghiệp trắng đen. Nghiệp vô lậu có thể phá nghiệp hữu lậu chẳng lành, có thể cứu chúng sinh ra khỏi quả báo lành, dữ nên gọi là nghiệp chẳng phải trắng chẳng phải đen.
Hỏi: Nghiệp vô lậu cớ sao chẳng phải trắng chẳng phải đen?
Đáp: pháp vô lậu tuy trong sạch không nhơ bẩn, song vì là không, vô tướng, vô tác nên không có phân biệt; không có phân biệt nên không được nói là trắng. Vì đen đối đãi với trắng, mà trong đây không có tướng đen đối đãi nên không được nói trắng.
*Lại nữa, nghiệp vô lậu có thể dứt hết các quán niệm. Trong quán niệm vì phân biệt cho nên có đen trắng, trong vô lậu nghiệp không có quán niệm nên không có đen trắng.
Tu Bồ Đề hỏi: Nếu không có được bốn nghiệp ấy thời vì sao phân biệt đây là địa ngục cho đến đây là A la hán? Nếu không có nghiệp đen thời vì sao nói đây là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ? Nếu không có nghiệp trắng thời vì sao nói đây là trời, là người? Nếu không có nghiệp đen trắng thời vì sao nói đây là A tu la? Nếu không có nghiệp chẳng đen chẳng trắng thời vì sao nói đây là Tu đà hoàn cho đến A la hán?
Phật dạy: Nếu hết thảy chúng sinh tự biết các pháp tự tính không, thời Bồ Tát không cần phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không ở trong sáu đường kép chúng sinh ra, vì sao? Vì chúng sinh tự biết các pháp tính không thời không có gì phải độ; thí như không có bệnh thời không cần thuốc, không có bóng tối thời không cần đèn sáng. Nay vì chúng sinh thật không biết pháp tự tính không, cứ theo tâm sinh mà chấp trước thủ tướng. Vì chấp trước nên ô nhiễm; vì ô nhiễm nên theo nam dục; vì theo năm dục nên bị lòng tham che lấp; vì lòng tham nên xan lẫn, hư dối, ganh ghét, sân giận, đấu tranh; vì sân giận nên khởi các nghiệp tội mà không hay biết. Thế nên khi mệnh chung theo nghiệp duyên mà sinh vào chỗ dữ, tiếp tục tạo nghiệp sinh tử, thường qua lại trong sáu đường không biết lúc nào cùng. Do vậy mà Bồ Tát ở chỗ chư Phật và đệ tử nghe nói các pháp tính không, vì thương xót chúng sinh, thấy chúng sinh do ngu cuồng điên đảo mà sinh tâm chấp trước, nên nguyện rằng: Ta sẽ làm Phật phá điên đảo cho chúng sinh, khiến được hiểu rõ các pháp tính không, vì sao? Vì các pháp không như chỗ phàm phu chấp trước vậy. Chúng sinh chắc chắn không có thật, chỉ từ trong chỗ không có sở hữu ức tưởng phân biệt mà vọng có sở đắc. Trong không có chúng sinh khởi lên tưởng chúng sinh; trong không có sắc khởi lên tưởng sắc; trong không có thọ, tưởng, hành, thức, khởi lên tưởng thức, song vì si cuồng điên đảo nên khởi lên nghiệp thân, miệng, ý, phải qua lại sáu đường sinh tử, không thể thoát khỏi. Nếu chỉ khởi lên tưởng chúng sinh thời kiết phược còn nhẹ, có thể dễ độ. Nếu khởi lên tham dục, sân giận, tạo các nghiệp nặng, đó là kiết phược nặng, chịu quả báo của nghiệp ấy thời khó có thể độ được; thí như nhóm vi trần làm thành núi, khó có thể di động. Bồ tát vì chúng sinh ấy nên muốn phá nghiệp nhân duyên quả báo cho chúng sinh mà đối với Bát nhã tuy biết hết thảy thiện pháp, hành Bồ Tát đạo, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì chúng sinh nên nói bốn thánh đế là khổ, khổ tập, khổ diệt, khổ diệt đạo, dùng mỗi mỗi nhân duyên chỉ bày diễn nói.
Hỏi: Phật từ vô lượng vô số kiếp lại đây thực hành pháp vi diệu là mười tám pháp không chung cho đến vô ngã, giải thoát, đủ các nghiệp sâu xa, cớ sao chỉ nói cho chúng sinh khổ, tập, diệt, đạo?
Đáp: Điều chúng sinh sợ hãi cấp bách không gì hơn thống khổ. Vì thế nên trước trù khổ rồi sau mới chỉ bày Phật đạo; như có người bị bệnh nặng, trước phải lấy việc trị bệnh làm gấp vậy sau mới lấy báu vật, y phục trang nghiêm thân họ.
Khổ là thọ thân năm thọ uẩn, là gốc của hết thảy khổ, vì tính của nó chính là khổ. Khổ ấy nói lược là sinh, già, bệnh chết... như trong các Kinh nói rộng.
Khổ tập là các phiền não tham ái... Ái là pháp cũ ở trong tâm, vì vậy mà Phật nói ái có thể làm sinh ra thân sau, nên nói ái là nguyên nhân của khổ. Nhân của khổ là tập. Nếu người muốn bỏ khổ thì trước tiên phải dứt ái. Ái dứt thì khổ dứt; dứt ái tức là dứt khổ, mà khổ diệt tức là đạo. Quán mỗi mỗi nhân duyên của năm uẩn thấy tội lỗi của khổ và khổ tập là vô thường, khổ, không và vô ngã; như bệnh, như ung, như oán, như giặc, đây là chánh kiến ở trong tám phần thánh đạo; bảy thánh đạo khác giúp phát khởi thành chánh kiến, có thể dứt ái đối với hết thảy pháp; như dùng rượu dẫn thuốc. Người ấy đối với hết thảy thế gian không còn tham, được lìa khỏi lửa khổ vậy sau mới chỉ bày cho họ diệu pháp.
*Lại nữa, trong đây Phật tự nói nhân duyên: Trong bốn thánh đế đã thu nhiếp hết thảy pháp lành. Vì có người nói rằng, cớ gì Phật chỉ nói bốn thánh đế? Thế nên Phật nói hết thảy pháp lành trợ đạo đều thu nhiếp vào trong bốn thánh đế. Do nhân duyên của pháp lành trợ đạo nên phân biệt có ba ngôi báu, chỉ vì chúng sinh không tin Tam bảo nên không được lìa khỏi sáu đường sinh tử.
Hỏi: Cớ gì Tu Bồ Đề hỏi một cách thô thiển rằng: Do khổ thánh đế diệt hay do khổ trí diệt; do tập thánh đế diệt hay do tập trí diệt?
Đáp: Đây chằng phải là câu hỏi thô, mà ý hỏi rằng: Do thấy thể tính bốn thánh đế mà diệt hay do trí diệt được? Vì các phiền não ái... diệt nên gọi là hữu vi Niết bàn. Nếu do khổ thánh đế được đạo thời hết thảy chúng sinh trâu, ngựa cũng lẽ đáng được đạo? Nếu do khổ trí được đạo thời lìa khổ không có trí; mà trí lìa khổ thời không gọi là khổ đế, chỉ gọi là khổ? Do khổ trí, khổ đế hòa hợp phát sinh nên không được nói chỉ do khổ đế diệt hay chỉ do trí diệt; cho đến đạo đế cũng như vậy.
Phật đáp: không do khổ đế diệt, cũng không do khổ trí diệt, cho đến không do đạo đế diệt, cũng không do đạo trí diệt cũng như vậy. Ta nói bốn đế ấy bình đẳng tức là diệt, không do khổ đế diệt cho đến đạo đế diệt, vì sao? Vì khổ, tập... đều từ nhân duyên sinh, hư dối không thật, không có tự tính nên không gọi là thật. Vì không thật nên làm sao có thể diệt?
Hỏi: Hai đế khổ và tập thuộc pháp hữu lậu, là pháp của phàm phu hành nên có thể là hư dối không thật, còn đạo đế là pháp vô lậu, không có dính mắc, tuy từ nhân duyên hòa hợp sinh mà không hư dối? Lại, diệt đế là pháp vô vi, vô lậu, không từ nhân duyên mà có, làm sao nói bốn đế đều là hư dối?
Đáp: Người mới đắc đạo biết hai đế là hư dối; sắp vào Vô dư Niếp bàn cũng biết đạo đế hư dối, vì không. Không tam muội lìa bỏ đạo đế; như bỏ chiếc bè. Diệt đế cũng không có pháp nhất định, như trong kinh đây nói: Lìa pháp hữu vi không có pháp vô vi; nhân pháp hữu vi nên nói pháp vô vi; khổ diệt như đèn tắt, không nên hý luận tìm chỗ đèn tắt ở đâu. Thế nên Phật nói không do khổ đế cho đến không do đạo đế diệt được.
Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào là bốn thánh đế bình đẳng?
Phật dạy: Như không có tám pháp và bốn đế và trí biết bốn đế thời là bình đẳng.
*Lại nữa, bốn đế như thật không dối, không khác. Như như, pháp tính, pháp tướng, pháp vị, thật tế hoặc có Phật hay không có Phật thời pháp tính vẫn thường trú, không do tâm tâm số pháp và các quán niệm, chỉ vì không dối chúng sinh nên thường trụ. Còn hết thảy pháp khác đều điên đạo, hư vọng, do chấp trước quả báo điên đảo mà phát sinh nên tuy có thể cùng với người vui mừng lớn mà lâu ngày đều đổi khác, hư dối. Chỉ có một pháp đó là thật tướng các pháp, vì không hư dối nên thường trú bất diệt.
Như vậy, Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật thông đạt thật đế của các pháp.
Tu Bồ đề hỏi: Bồ Tát làm thế nào thông đạt được thật đế, vượt quá địa vị Thanh Văn, Bích chi Phật mà vào Bồ Tát vị?
Phật dạy: Nếu Bồ Tát tư duy, trù lượng, suy tìm các pháp thời không có một pháp nào có thể có được định tướng, mà thấy hết thảy pháp hoặc ở trong bốn đế, hoặc không ở trong bốn đế đều không. Pháp không ở trong bốn đế là hư không, và phi trạch diệt vô vi, ngoài ra đều ở trong bốn đế. Nếu quán pháp không như vậy, liền vào Bồ Tát vị.
Hỏi: Cớ gì không nói không cũng không quán không, vào Bồ Tát vị?
Đáp: Không cần nói, vì sao? Vì nếu nói các pháp không tức là không, không cũng không; nếu không ấy chẳng không thời không gọi là hết thảy không; vì thế nên hành trong ấy được vào Bồ Tát vị. Bồ Tát trú trong Tánh địa không đọa vào Đảnh địa. Tánh địa là pháp vị của Bồ Tát. Như trong pháp Thanh văn, noãn pháp, đảnh pháp, nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp gọi là Tánh địa; vì pháp ấy tùy thuận đạo vô lậu nên gọi là tánh, trú ở trong ấy hy vọng chắc chắn được đạo. Bồ Tát cũng như vậy, trú trong Tánh địa hy vọng chắc chắn được làm Phật, có thể phát sinh bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc. Bồ Tát nhiếp tâm ở trong thiền định, phân biệt, tư duy, trù lượng mà phân biệt các pháp, thông đạt bốn đế. Nghĩa là thấy biết khổ cũng chẳng phải duyên khổ sinh tâm; biết khổ là biết thọ thân của phàm phu, do chấp trước khổ nên chịu các ưu não. Người ấy đều như giặc, như oán, vô thường, không. Thấy được như vậy rồi khi ấy liền xả bỏ, không chấp thủ tướng khổ, cũng không duyên khổ đế; do sức pháp vị của Bồ Tát, cho đến đạo đế cũng như vậy, chỉ nhất tâm hổi hướng đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Biết bốn đế ấy như thuốc và bệnh đối đãi nhau, nên cũng không chấp trước bốn đế ấy, chỉ quán tướng như thật của các pháp, không khởi bốn thứ quán phân biệt.
Tu Bồ Đề hỏi: Làm thế nào như thật quán các pháp?
Phật dạy: Quán không. Nếu Bồ Tát quán hết thảy pháp hoặc lớn hoặc nhỏ đều không, ấy gọi là như thật quán.
Lại hỏi: Dùng không gì. Phật dạy: Dùng tự tướng không.
Hỏi: Trong mười tám không cớ gì chỉ dùng tự tướng không?
Đáp: Vì đó là Không trung đạo. Nội không, ngoại không... là tiểu không; rốt ráo không, vô sở đắc không là Không sâu xa; tự tướng không là Không bậc trung, vì tự tướng có lý phá mà tâm không thối mất, thời có thể vào trong Không sâu xa. Bồ Tát được pháp như vậy thời quán hết thảy pháp đều không, cho đến không thấy một pháp có tính, có thể trú trong đó mà được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quán các pháp như Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Vô thượng chánh đẳng chánh giác tự tính cũng không; chẳng phải Phật làm, chẳng phải Bồ Tát làm; chẳng phải Bồ Tát, A la hán, Bích chi Phật làm; tướng nó thường vắng lặng, không có ngôn ngữ hý luận. Do chúng sinh không thấy biết tướng như thật ấy nên Bồ Tát hành Bát nhã, dùng sức phương tiện vì chúng sinh thuyết pháp. Sức phương tiện là Bồ Tát biết pháp vô sinh nhẫn, vào Bồ Tát vị, thông đạt đệ nhất nghĩa đế. Quán tướng đạo ấy rất sâu xa, vi diệu, không được, không bỏ, thời dùng trí tuệ vi diệu còn không thể biết được huống gì miệng có thể nói!
Tâm đại bi thương xót chúng sinh là vì "việc không" nên đọa vào ba đường ác, chịu khổ cực lớn. Nếu ta chỉ nói thẳng pháp không ấy, thời chúng sinh không tin, không chịu, mắc tội phá pháp mà đọa vào địa ngục. Ta nay sẽ thành tựu hết thảy pháp lành, trang nghiêm thân với 32 tướng mà dẫn đường cho chúng sinh, khởi lên vô lượng vô số thần thông, được thành Phật đạo, làm chủ giữa hết thảy hội chúng, tự tại đối với hết thảy pháp. Nếu tán thán pháp ác, chúng sinh còn lãnh thọ huống nữa là nói pháp thật! Vì thế Bồ Tát hành theo dư duy như sở nguyện mà vì chúng sinh thuyết pháp khiến đều được độ thoát.
(Hết cuốn 94 theo bản Hán)