- Chương 1. Bối Cảnh
- Chương 2. Sự Thành Lập Tăng Già
- Chương 3. Sự Hình Thành Các Tịnh Xá
- Chương 4. Một Thành Viên Của Tăng-già
- Chương 5. Sinh Hoạt Của Tăng-già
- Chương 6. Tam Học: Giới Học, Định Học, Tuệ Học
- Chương 7. Các Quả Vị Và Cảnh Giới Chứng Đạt
- Chương 8. Các Đại Đệ Tử Của Đức Phật
- Chương 9. Tăng-già Với Xã Hội
- Chương 10. Tổng Luận
Thích Chơn Thiện
Nhà xuất bản Phương Đông
Chương năm
Sinh hoạt của Tăng-già
Một Tỳ-kheo luôn luôn tâm niệm rằng mình phải tu học để giải thoát và giúp chúng sinh giải thoát hay nói khác đi là tự độ và độ tha. Người ta thường nhìn vào hình thức thể hiện công hạnh mà gán cho hình thức thể hiện ấy cái tính chất đại thừa hay tiểu thừa. Hẳn ai cũng dễ dàng nhận định rằng tự mình không độ được mình thì khó mà độ được kẻ khác, cũng như muốn dạy chữ cho người thì phải biết chữ trước đã. Dù có tâm từ bi, vị Tỳ-kheo muốn độ cho người khác thì vị ấy phải đạt một số thành quả trên đường tu học đã. Bậc A-la-hán, chứng quả cao nhất trong hàng Thánh quả thường được miêu tả là một vị dửng dưng, là một "cây khô", không vướng bận mọi sự, hình như tách biệt với cuộc sống bình nhật. Sự thật không phải thế, miêu tả trên chỉ nhằm trên ý nghĩa hiện tượng áp dụng cho trường hợp một vị "đã rũ sạch nợ trần ai". Nhưng, hết nợ không có nghĩa là không còn gì để làm; và dù đang còn nợ, đang trả nợ không có nghĩa là không chia cho kẻ khó. Ý nghĩa tự độ, tinh tấn tu học để giải thoát của một vị Tỳ-kheo là thù thắng, nhưng ý nghĩa độ tha của vị ấy cũng song song tồn tại.
Với tư cách là một thành viên Tăng-già, vị Tỳ-kheo ngoài nỗ lực tu tập để tự giải thoát, còn có bổn phận xây dựng, đẩy mạnh giải thoát của Tăng-già, làm cho Tăng-già đồng nhất với Phật và Pháp, làm cho trọn ý nghĩa Tam Bảo mà mình đã đặt sinh mạng vào mà nương tựa. Nếu Tam Bảo là chân tính của thực tại thì Tam Bảo là cái vốn có của mọi chúng sinh. Có điều chúng sinh do còn mê muội, chưa thể hiện được Tam Bảo thì vị Tỳ-kheo phải giúp chúng sinh thể hiện cho được, và nghĩ cho cùng, đấy cũng chỉ là sự vận hành tự nhiên của cái công năng vô lượng của Tam Bảo mà thôi. Tóm lại sinh hoạt của một Tỳ-kheo là tu tập, học hỏi, giúp đỡ các vị đồng tu để cùng nhau thăng tiến và giúp cho mọi chúng sinh tiến lên trong Phật giáo.
Sinh hoạt của Tăng-già được miêu tả rải rác trong Kinh, nhất là trong Luật tạng, trong bộ Maha Vagga và Culla Vagga trong Giới bổn Tỳ-kheo (Patimokkha) và trong các bộ nói về Tăng-già yết-ma (Sanghakamma)... Trong khuôn khổ giới hạn của cuốn sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu khái quát các tổ chức, sinh hoạt của Tăng-già thời đức Phật, bỏ qua những chi tiết rườm rà hoặc bị nghi là được thêm thắt vào sau khi đức Phật nhập diệt.
* * *
Tăng-già Tỳ-kheo đã sớm tách khỏi đời sống lang thang của các đoàn Sa-môn thời bấy giờ để dần dần đi vào nếp sống định cư trên mặt hình thức theo từng nhóm, số lượng không đồng đều, nhưng cũng có nhiều vị Tỳ-kheo xin phép đức Phật được rút vào rừng sâu để độc cư, và được đức Phật chấp thuận, nhiều vị xin đi xa để hoằng hóa Phật pháp là các vị Chiêu đề tăng, nhiều vị sống tu tập quanh đức Phật để thuận tiện tu học theo yêu cầu của bản thân, nhiều vị sống hợp quần trong các tinh xá ở nhiều địa phương rải rác khắp các nước trong vùng Bắc Ấn... Đến khi giới luật đã thành hệ thống sinh hoạt của các đoàn Tỳ-kheo ở các nơi tùy theo địa phương có khác nhau, nhưng trên đại thể vẫn giống nhau, phù hợp với tinh thần giới luật.
1. Thời biểu mỗi ngày
Buổi sáng, sau khi kinh hành, môt hình thức đi bộ có tính cách tập thể và thiền định, các Tỳ-kheo đi khất thực cũng như chính đức Phật cũng đi khất thực. Các vị đi đơn lẻ, trừ một số Đại Trưởng lão hay đức Phật thường có thị giả đi theo (theo hầu đức Phật thường là Tôn giả Ananda, có khi là Tôn giả Rahula, hay một Tôn giả khác). Các vị đi khắp các nẻo đường, theo thứ tự nhà, không phân biệt nhà giàu, nghèo, sang hèn để nhận thực phẩm cúng dường của các gia chủ. Khất thực xong, các vị trở về trú xứ hay đến một nơi nào đó để nghỉ chân và dùng bữa trưa là bữa độc nhất trong ngày. Sau bữa ăn, các vị thu dọn các thứ, ngồi nghĩ chốc lát rồi đến một nơi hoang vắng như một căn nhà trống, một gốc cây lớn... để ngồi kiết-già, thực hành thiền định.
Trừ trường hợp có gia chủ thỉnh mời và có tác bạch với Tăng chúng, luật định không cho phép các Tỳ-kheo vào thôn xóm quá sớm hay quá muộn, nên các Tỳ-kheo thường dùng thì giờ trước và sau buổi khất thực để ghé vào đâu đó để giảng pháp. Kinh kể nhiều trường hợp đức Phật nhận thấy còn sớm đối với thời khất thực, Ngài thường ghé đến giảng pháp ở chỗ các du sĩ ngoại đạo, hoặc ở các nhà đàn việt, thí chủ. Trung Bộ Kinh 88 kể việc Tôn giả Ananda đi khất thực trong thành Sàvatthi, khi trở về gặp vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala cưỡi voi ra khỏi thành, Tôn giả đã giảng cho vua thân hành, khẩu hành và ý hành. Trung Bộ Kinh, 98 kể việc Tôn giả Sàriputta sau khi khất thực trong thành Ràjagaha (Vương Xá) đến giảng cho Bà-la-môn Dhananjari về điều phi pháp, điều bất chính...
Gần đến xế chiều, các vị trở lại trú xứ để nghe đức Phật, hoặc các đại Trưởng lão, giảng pháp. Cũng có khi đang giảng, đức Phật cảm thấy mệt, liền nhường lời cho các Trưởng lão. Tôn giả A-nan (Ananda) giảng pháp làm tươi vui, phấn khởi người nghe được đức Phật khen ngợi (Trung Bộ, 134); Tôn giả Sàriputta giảng về các cấu uế, về Chính tri kiến (Trung bộ I), về thái độ, tác phong của một Tỳ-kheo đối với các vị đồng tu, với Phật tử tại gia trong tu tập... (Trung Bộ, 64)
Sau thời pháp, các Tỳ-kheo thường bàn bạc với nhau về giáo lý, về kinh nghiệm tu tập. Các vị học hỏi nhau, tìm hiểu nhau; có điều gì khó khăn thì bạch với đức Phật, hoặc các Trưởng lão để được dẫn giải. Kinh Bổn Sanh (Jakata Nikàya) có đến khoảng năm trăm truyện về tiền thân của đức Phật, được đức Phật kể lại để giảng dạy các Tỳ-kheo, thường thì nhân các Tỳ-kheo tu tập trong Pháp đường bàn về một vấn đề gì đó, một sự việc nào đó..., và đức Phật bước đến, nghe được và giảng cho nghe. Trung Bộ, 43, kể việc Tôn giả Sàriputta giảng cho Tôn giả Maha Kotthita (Đại Câu-thi-na) về biệt tuệ (duppannàra), trí tuệ, thức, cảm thọ, ý thức thanh tịnh, tam hữu. Trung Bộ Kinh, 13 kể việc các Tỳ-kheo thảo luận với nhau về Phật pháp, cuối cùng phải nhờ Tôn giả Maha Kaccayàna (Đại Ca-chiên-diên) giảng giải cho rõ nghĩa...
Trú xứ của chư Tỳ-kheo vẫn thường là nơi đến tham vấn của hàng vua chúa, hoàng thân, Bà-la-môn, du sĩ, các thiện nam tín nữ... Kinh chép rất nhiều trường hợp ngoại đạo được chứng quả sau khi đến tham vấn đức Phật, nhiều vị xin gia nhập Tăng đoàn, nhiều cư sĩ khai ngộ...
Vào buổi tối, xen kẽ từng canh, các Tỳ-kheo ngủ rồi lại thức dậy ngồi thiền và đi bách bộ (Kinh hành). Tính ra, các vị chỉ ngủ khoảng bốn, năm giờ trong hai mươi bốn giờ mỗi ngày.
Việc tụ tập như vậy đã chiếm hầu hết thời gian trong một ngày của một Tỳ-kheo. Nội dung học tập tu hành bao gồm Giới - Định - Tuệ (Tam học), sẽ được bàn trong phần tới. Ở đây, chúng ta xem tới một số sinh hoạt, tổ chức nổi bật, định rõ sắc thái của Tăng-già như Yết-ma, Bố-tát, An cư, Tự tứ, v.v...
2. Tăng-già Yết-ma (Sangha Kamma)
Tăng-già Yết-ma là một thủ tục, tổ chức mang màu sắc đặc biệt của Phật giáo trong giới Tăng-già. Mục đích và nguyên nhân hình thành tổ chức và thủ tục này có thể được nhận ra dễ dàng khi ta xét đến hình thức và nội dung thực hiện của nó.
Kinh thuật lại rằng sau khi cướp ngôi của vua cha là Bimbisàra (Tần-bà-sa-la), vua Ajàtasattu (Â-xà-thế) của nước Magadha tuyên chiến với xứ Vajji (Bạt-kỳ). Nhà vua sai đại thần là Vassakàra (Vũ Xá) đến hỏi ý kiến đức Phật về sức mạnh của xứ Vajji để liệu xem có thể tiến quân đánh chiếm ngay xứ này hay không. Dĩ nhiên đức Phật không bao giờ muốn có chiến tranh nên ngài đã khéo léo dùng cách hỏi Ananda về từng điểm do Ngài nêu ra, theo đó có thể định được sự hưng thịnh của mốt quốc gia. Theo các câu trả lời của Tôn giả Ananda, xứ Vajji đã đáp ứng bảy điểm chứng tỏ xứ này rất ổn cố. Vassakàra nghe xong về bàn với vua Âjatasattu bãi bỏ việc tiến quân. Bảy điểm hay bảy điều kiện khiến một quốc gia vững mạnh mà ngay sau đó đức Phật đã nêu lên cho các Tỳ-kheo:
- Thường xuyên tụ họp, tụ họp đầy đủ để bàn luận Chánh pháp.
- Tụ họp trong tinh thần hòa hợp và giải tán trong tinh thần hòa hợp và làm việc trong tinh thần đoàn kết.
- Không bãi bỏ các luật lệ cũ, không ban hành luật lệ mới, theo đúng các học giới đã ban hành.
- Tôn trọng, phục vụ các Tỳ-kheo Trưởng lão, vâng theo lời dạy bảo của các vị ấy.
- Không bị lôi cuốn bởi tham ái.
- Khiến cho trú xứ của mình luôn luôn là nơi nhàn tịnh.
- Sống an trú trên Chánh niệm, tạo an lạc cho các vị đồng tu.
Các chi tiết trên được nêu rõ trong Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết-Bàn, rõ ràng nhấn mạnh ở đặc điểm hòa hợp và thanh tịnh trong Tăng-già. Bộ Giới bổn Tỳ-kheo được hình thành nhằm đáp ứng yêu cầu trên nhưng thủ tục tổ chức thực hiện theo đúng nội dung của Giới bổn lại càng vô cùng cần thiết, đấy là lý do hình thành Tăng-già Yết-ma vậy. Lý do này lại càng tỏ ra cần thiết cấp bách hơn qua một sự việc khác được Kinh Trường A-hàm nhắc đến: Kinh Chu-na kể rằng khi Giáo chủ của phái Kỳ-na (Jainism) là Niganthan Nàtaputta tạ thế, các đệ tử của giáo phái này tranh chấp nhau dữ dội. Được tin ấy, Tôn giả Ananda kinh hoàng lo sợ, thỉnh cầu đức Phật dạy các pháp đưa đến sự hòa hợp trong chúng Tỳ-kheo. Kinh Chúng Tập kể rằng khi nghe được tin ấy, Tôn giả Sàriputta đã tập hợp các Tỳ-kheo, nhắc lại những tranh cãi về giáo lý sau khi đức Phật nhập Niết-bàn.
Những sự việc như thế đã chứng tỏ rằng Tăng-già đã lớn mạnh, đặc biệt là về số lượng, cần phải có những pháp tắc, thể chế, thủ tục điều hành sinh hoạt chặt chẽ, rõ ràng để giữ vững sự thuần nhất hòa hợp giữa các Tỳ-kheo. Nghĩa là Tăng-già Yết-ma phải thực hiện trong các sinh hoạt cộng đồng lớn nhỏ của Tăng-già ở từng trú xứ, địa phương trên khắp địa bàn ở Bắc Ấn Độ lúc bấy giờ.
Tăng-già Yết-ma (Sanghakamma) là danh từ ghép của Tăng-già (Sangha) và Yết-ma (Kamma), Sangha hay Tăng, Tăng-già, chỉ chung cho các đệ tử xuất gia của đức Phật. Tăng-già còn được hiểu là một đơn vị gồm các Tỳ-kheo sống chung trong một cương giới (Sìma), Kamma hay Yết-ma, nghĩa là hành động hay toàn bộ các hành động, tức hành vi có sự tác ý. Yết-ma còn được hiểu là nghiệp, tức hành động có ý thức đưa đến một kết quả mà tác nhân hành động phải chịu trách nhiệm. Hành động này có thể là do một cá nhân (biệt nghiệp) hay do một tập thể (cộng nghiệp). Tăng-già ở đây hiểu theo nghĩa một cộng đồng Tỳ-kheo, sống trong một cương giới, cho nên Yết-ma có nghĩa thù thắng về mặt tập thể. Từ đó Tăng-già Yết-ma, thường gọi là Yết-ma, được hiểu là nghị sự, quyết định, giải quyết các sự việc trong một cộng đồng Tỳ-kheo. Trong ý nghĩa có tính cách hiến định, Tăng-già Yết-ma là hành động của tập thể Tỳ-kheo được thực hiện trong sự phù hợp với những nguyên tắc đã đề ra với các hình thức, thủ tục.
Lại nữa, Yết-ma trong ý nghĩa là nghiệp liên hệ đến ba phân tố thân, khẩu, ý: một hành động tạo nghiệp là phải có sự tác ý, có do miệng nói ra, có do thân thực hiện ,thể hiện chánh niệm, chánh ngữ, chánh mạng, từ đó tu tập các chi phần khác của Bát Thánh đạo. Ngoài việc hướng dẫn sinh hoạt tu tập đúng như Pháp, Tỳ-kheo Yết-ma biểu lộ hành động của cả một tập thể. Hành động của cá nhân thì riêng lẻ; việc tác ý của cá nhân thì khó hiểu hiện được sự nhất trí của tập thể, chỉ có lời nói được phát biểu trước tập thể, chỉ có lời nói được phát biểu trước tập thể, được tập thể tuyên bố; quyết định chấp thuận bằng lời thì hành động mới được xem là của tập thể, hành động có giá trị. Lời nói ở đây là lời tác bạch trước tập thể, một vị đại diện hỏi ý kiến chung và phát biểu lên ý kiến chung. Đó là hình thức tiến hàng Tỳ-kheo Yết-ma vậy. Như thế trong đời sống cộng đồng Tỳ-kheo, mọi việc thuộc cá nhân có liên quan đến tập thể (và điều này hầu như thường xuyên) và thuộc tập thể cần phải được tác bạch trước Tăng chúng để được biểu quyết, tức là phải tác bạch Yết-ma. Rất nhiều trường hợp phải thực hiện Yết-ma: việc thọ giới, ấn định cương giới, tổ chức thuyết giới, kiết hạ, tự tứ, thọ y mới, chia vật dụng, v.v... Sách Yết-ma Chỉ nam phân biệt có 131 trường hợp Yết-ma. Muốn tiến hành thủ tục Yết-ma, Tăng-già phải hội đủ túc số tối thiểu tùy theo trường hợp:
- Tăng-già gồm bốn vị để tác tất cả pháp trừ các trường hợp Yết-ma thọ Cụ túc giới (Upasampada), xuất tội Tăng tàn (Abhàna: luận tội một Tỳ-kheo) và Tự tứ (Paràvàna: ngày kết thúc mùa an cư Tăng chúng nhận xét nhau).
- Tăng-già gồm năm vị để tác tất cả pháp trừ các trường hợp Yết-ma thọ Cụ túc giới, xuất tội Tăng tàn tại các trú xứ ở thành thị (Âvàsa) thì Tăng-già gồm năm vị cũng được phép thực hiện Yết-ma thọ Cụ túc giới.
- Tăng-già gồm mười vị để tác tất cả pháp trừ trường hợp xuất hội Tăng tàn.
- Tăng-già gồm hai mươi vị để tác tất cả pháp.
Khi Yết-ma được thực hiện với đầy đủ túc số Tăng thì được gọi là Tăng pháp Yết-ma. Một vị đại diện Tăng sẽ trình bày sự việc, tức tác bạch (Natti) và sau đó xin ý kiến của Tăng-già, còn gọi là Yết-ma (Anussàvanà). Tùy theo sự quan trọng nhiều hay ít, vị đại diện Tăng, sau khi tác bạch sự việc, sẽ xin ý kiến Tăng-già một hay nhiều lần, có ba loại Tăng Pháp Yết-ma:
- Đơn Bạch (Natti Kamma): chỉ một lần tác bạch là đủ, không cần phải xin ý kiến.
- Bạch nhị (Natti Dutiya Kamma): một lần tác bạch và một lần xin ý kiến biểu quyết.
- Bạch tứ (Natti Catuttha kamma): một lần tác bạch và ba lần xin ý kiến biểu quyết.
Sách Yết-ma Chỉ nam phân biệt trong 131 Tăng pháp Yết-ma (trường hợp, sự việc) có mười bốn pháp đơn bạch, bảy mươi tám pháp bạch nhị, và ba mươi chín pháp bạch tứ.
Sau khi vị đại diện xin Tăng-già biểu quyết bằng hình thức câu hỏi với yêu cầu trả lời thuận hay không thuận: ai im lặng tức là chấp thuận, ai không chấp thuận thì nói lên. Sự việc được thành tựu nếu tất cả các Tỳ-kheo hiện diện đều đồng ý thuận; nếu có một ý kiến không thuận thì sự việc được xem là không thành. Cần ghi nhớ rằng túc số Tăng không kể đến các vị có liên hệ đến sự việc (ví dụ: Tỳ-kheo đang yêu cầu một sự việc, hay đang bị luân tội).
Đại khái, một Yết-ma được xem là thành tựu cần phải thỏa bốn điều kiện:
- Đủ túc số Tăng được ấn định cho mỗi loại Yết-ma.
- Giới trường ấn định rõ rệt, đúng luật.
- Các hình thức Yết-ma được thực hiện đúng (đơn bạch, bạch nhị hay bạch tứ) tùy theo từng loại Yết-ma.
- Tất cả các thành viên hiện diện đều đồng ý, riêng những vị trong cùng trú xứ mà vắng mặt vì có lý do chính đáng phải có người đại diện báo cáo và có lời xin tuân theo quyết định của Tăng-già.
Tổ chức và thực hiện Tăng-gia Yết-ma là để làm cho Tăng-già vững mạnh. Phần đầu chương này ta đã nhắc tới tinh thần tổ chức Tăng-già tương tự như tinh thần tổ chức một quốc gia khi nhắc đến việc đức Phật hỏi Tôn giả Ananda về xứ Vajjì. Hẳn tinh thần mà đức Phật muốn đưa vào Tăng-già có liên quan đến tinh thần tổ chức sinh hoạt theo hình thức chính trị thời bấy giờ. Vào thời Phật, ngoài một số nước đã tiến đến chế độ quân chủ như Magadha, Kasala... vẫn còn nhiều vùng đất theo thể chế chính trị Hội đồng Bộ tộc (Tribal Councils) của nhiều bộ tộc nổi danh: Sakyas, Mallas, Licchavis, Vajjis... Tuy hiện không còn tìm được các văn kiện, hiến pháp của các thể chế chính trị trên để căn cứ, nhưng qua sự việc nêu trong kinh Mahaparinibbàna (Đại Bát-niết-bàn), đại thần Vassakàra tin ngay là xứ Vajji rất vững mạnh qua các câu hỏi của đức Phật và lời đáp của Tôn giả Ananda, chứng tỏ rằng tinh thần tổ chức chính trị mà đức Phật nêu đã rất phổ biến thời bấy giờ. Có điều, có Tăng-già, ý nghĩa chính hiểu theo thông thường đã biến đổi đi và nổi rõ lên tính chất hòa hợp thanh tịnh. Hình thức thủ tục xem ra có vẻ rườm rà, câu nệ, hình như không thích hợp với một giáo lý Vô ngã; nhưng đứng về mặt tổ chức, thủ tục là vô cùng cần thiết để hướng dẫn việc tu tập, để tạo thành một khối Tăng-già thống nhất làm tiêu bản cho mỗi Tỳ-kheo và cho quần chúng Phật tử (hoặc không phải Phật tử) nhận định về Tăng-già để rồi phát lòng ngưỡng mộ, tin tưởng mà quy hường đời mình vào.
Trong một cộng đồng hòa hợp thanh tịnh như pháp, như luật của đức Phật chế, mọi xu hướng lệch lạc và cái ngã chấp không có dịp phát triển, và chúng dễ dàng bị phát hiện. Đối với một cá nhân, đến một lúc nào đó sẽ hài hòa, đồng nhất với giới luật, sẽ cảm thấy không có chút ràng buộc nào, thậm chí mọi tổ chức, thủ tục, giới luật đối với tự thân sẽ tiêu tan đi khi cá nhân ấy đang ở bên mép bờ của Chứng ngộ.
3. Bố-tát (Uposatha)
Bố-tát hay Bố-sa-tha được hiểu là buổi lễ được tổ chức định kỳ mỗi tháng hai lần, qua đó, các Tỳ-kheo tụ họp lại để được nghe đọc lại giới bổn rồi tự xét mình có vi phạm điều gì mà sám hối, thanh tịnh mình.
Trước khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn độ, Kinh Veda ấn định hai kỳ lễ bái cho các gia chủ: Hắc nhật (Darsa - mồng một) và Bạch nhật (Pourramàsa - Rằm). Trước ngày tế lễ (Soma) gia chủ phải trai tịnh, kiêng giữ mình cho thanh tịnh, như nhịn ăn, nghỉ lao động, kiêng giao hợp phái tính, sống riêng trong một căn phòng có đốt lửa thờ suốt đêm... Ngày ấy gọi là Vrata (vrata, tiếng Phạn, nghĩa là chuẩn bị, sửa soạn, khởi sự). ngày Vrata còn được gọi là ngày Upavasatha (Pàli: Uposatha) - Ô-ba-la-sa - có gốc là "Upa" nghĩa là "gần", gần gũi với đời Thánh thiện, "Vas" là sống, ở. Upavasatha (Uposatha) trở thành nhật đối với tín đồ Bà-la-môn, và ý nghĩa của ngày trở thành phổ biến khắp các giáo phái khất sĩ không phải là Bà-la-môn chính thống. Phái Ni-kiền-tử (Nigantha) đọc là Posadha và tiếng Pàli đọc là Uposatha. Câu Xá Luận giải thích rằng Posadha là hợp nghĩa của động từ "Pus" nghĩa là "nuôi lớn" và động từ "Dha" nghĩa là "đặt để", "duy trì"; từ đó, Hán dịch là "Trưởng tịnh", tức là nuôi lớn sự thanh tịnh.
Chương Uposatha của bộ Mahàvagga II có kể rằng vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), vị đại đệ tử tại gia của đức Phật nhận thấy rằng các giáo đoàn không phải Phật giáo thường tụ tập vào các ngày lễ và giảng cho dân chúng, rất được dân chúng tán đồng, ngưỡng mộ. Nhà vua tự nghĩ: "Phải chi các đạo sư (tức các Tỳ-kheo) cùng hợp nhau lại vào ngày mười bốn, mười lăm hay mồng tám của mỗi tháng!". Vua đi đến đức Phật và bày tỏ ý nguyện trên. Đức Phật chấp thuận và cho phép các Tỳ-kheo hội họp vào các ngày trên. Nhưng, do trình độ thiền định cao vời của các Tỳ-kheo, đệ tử Phật, hầu như thời gian họp mặt của các vị là sự im lặng và thiền định. Sự việc ấy khiến về sau vua Ajàtasattu đã phải thốt lên khi thấy trong một đêm rằm, một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, có sự hiện diện của đức Phật, cả một tập thể ngồi im phăng phắc: "Không một âm thanh, không một tiếng hắt hơi hay tiếng ho! Udajibha, con trai ta há chịu được một tập thể yên lặng như thế này!" (Trường Bộ Kinh II).
Ngày Bố-tát được thực hiện như thế hẳng không làm vừa lòng nhiều gia chủ thường đi đây đó, theo dõi việc thuyết giảng của các giáo đoàn để học hỏi, nghiên cứu giáo lý của các bậc thầy. Có lẽ do yêu cầu khách quan ấy và có lẽ do nhiều trường hợp vi phạm giới hạnh, các Tỳ-kheo cần thọ trì giới luật chặt chẽ hơn, nên đức Phật đã đạy: "Này các Tỳ-kheo, Ta cho phép các Ông được giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokka)."
Nhiều tài liệu bảo rằng trước khi việc thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa được xem là chủ yếu trong ngày Upasatha, các Tỳ-kheo cũng đã họp nhau lại, nhắc lại các giáo pháp của đức Phật, kể lại các chuyện Bổn Sanh của Ngài, đọc các bài kệ, những lời Phật răn dạy là nên làm, không nên làm... Về sau, khi giới luật hình thành khá đầy đủ thì ngày Uposatha đối với các Tỳ-kheo là ngày thanh tịnh, thuyết giới.
Để chuẩn bị Bố-tát, đại để, một số công việc cần được thực hiện: (*)
1. Quét dọn sạch sẽ nơi làm lễ.
2. Thắp đèn lồng.
3. Trải thảm.
4. Chuẩn bị nước để uống và để rửa.
(Bốn phần việc này có thể do vị cư sĩ gia chủ của tinh xá thực hiện, hoặc do một hay nhiều Tỳ-kheo thạo việc thực hiện).
5. Tác bạch sự gửi dục, thuyết tịnh của Tỳ-kheo vắng mặt có lý do chính đáng (tức là vị Tỳ-kheo gửi gắm chuyển lời Tỳ-kheo vắng mặt xin được phép vắng).
6. Tác bạch sự thanh tịnh của Tỳ-kheo vắng mặt (tức là vị tỳ-kheo được gửi gắm bào rằng Tỳ-kheo vắng mặt không vi phạm giới luật).
7. Nêu mùa, kỳ Bố-tát: thường gồm ba mùa: mùa đông, mùa hạ và mùa mưa. Mỗi kỳ có sáu hay tám kỳ Bố-tát...
8. Đếm số Tỳ-kheo hiện diện.
9. Giáo giới Tỳ-kheo ni: Ni đoàn cử người đến thỉnh Tăng sang thọ giáo, nếu thuận tiện thì Tăng-già cử người sang thọ giáo...
(*) Ghi chú: Theo Nanamoli Thera, The Pàtimokkha (bản Anh ngữ dịch từ Pàli), The Social Science Association Press of thailand, Bangkok 1966.
Lễ Bố-tát được xem là thực hiện theo đúng luật nếu:
- Đủ túc số Tăng từ bốn vị trở lên.
- Các vị ngồi cách nhau một cánh tay.
- Tất cả các Tỳ-kheo trú trong cùng cương giới phải tụ tập, nếu có vị nào vắng thì phải gởi dục và thuyết tịnh.
- Tất cả các Tỳ-kheo hiện diện phải hoàn toàn thanh tịnh, không có ai vi phạm giới luật.
Bộ Culla Vagga IX kể rằng một lần, tại Sàvatthi trước Tăng chúng đông đảo, Tôn giả Ananda đã thỉnh Phật thuyết giới nhưng Phật im lặng. Sau lời thỉnh lần thứ ba của Tôn giả Ananda, đức Phật dạy: "Này, Ananda, hội chúng không hoàn toàn thanh tịnh". Trưởng lão Moggalàna (Mục-kiền-liên) thi triển thần thông; quán sát khắp hội chúng và thấy được một Tỳ-kheo nọ là kẻ thối thất, phạm giới hạnh, đầy tham dục... Trưởng lão đã lên tiếng mời kẻ nào không thanh tịnh thì ra khỏi pháp đường, mời đến ba lần nhưng Tỳ-kheo kia vẫn không nhúc nhích. Cuối cùng, Trưởng lão phải kéo Tỳ-kheo ấy ra ngoài. Bấy giờ hội chứng mới được xem là hoàn toàn thanh tịnh.
Đức Phật dạy: "Này nữa, này các Tỳ-kheo, như đại dương không dung chứa một tử thi, một thây chết. Hễ tử thi, thây chết có thể bị ném vào đại dương, tử thi, thây chết ấy cùng nhanh chóng bị đẩy vào bờ, bị quẳng lên đất khô. Cũng thế, này các Tỳ-kheo, hễ kẻ nào thối thất, tham dục... (phi phạm hạnh), Tăng-già sẽ không sống chung với kẻ ấy, hãy nhanh chóng tụ họp lại, loại kẻ ấy ra, và dù cho kẻ ấy có ngồi giữa Tăng chúng, kẻ ấy cũng xa rời Tăng chúng và Tăng chúng xa rời kẻ ấy... Tăng Chi III và Trung A-hàm, 37 có nêu lời đức Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo, không thể và không có sự việc rằng Như Lai tiến hành Bố-tát và đọc Giới bổn trong một Hội chứng không hoàn toàn thanh tịnh".
Do đó, để dự kỳ Bố-tát, vào những ngày trước đó, các Tỳ-kheo phải sám hối (Parisuddhi) tất cả những sai phạm của mình để có thể tự tuyên bố rằng mình thanh tịnh, xứng đáng được nghe đọc Giới bổn.
Sau khi đã được chuẩn bị và hội đúng các điều kiện trên, lễ Bố-tát được tiến hành. Trong những năm đầu, Bố-tát được thực hiện rất đơn giản nhưng càng về sau, hình thức càng phức tạp hơn. Chúng tôi xin trích phần sau đây trong cuốn "Yết-ma Yếu Chỉ" của Hòa thượng. Thích Trí Thủ, trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1991, trong đó, một số chi tiết có thể sai khác đôi chút với các tài liệu khác, nhưng đại thể thì các tài liệu đều không sai khác nhau nhiều; qua đó, chúng ta có được một ý niệm khái quát về sinh hoạt Bố-tát:
"... Thượng tọa tác pháp Yết-ma thuyết giới hỏi:
- Tăng đã họp chưa?
"Duy na đáp:
- Tăng đã họp.
- Hòa hợp không?
- Hòa hợp.
- Người chưa thọ giới Cụ túc đã ra chưa?
- Đã ra. - Các Tỳ-kheo không đến có gửi dục và thuyết tịnh không?
....
"Thượng tọa hỏi tiếp:
- Tăng nay họp để làm gì?
- Yết-ma thuyết giới.
....
"Thượng tọa bạch Yết-ma:
- Đại đức Tăng, xin lắng nghe: Hôm nay là ngày... tháng..., ngày Bố-tát, chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng nay chấp thuận hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch.
"Thưa các Đại đức, nay đang là mùa... mùa này có... kỳ Bố-tát. Trong nửa háng này, một kỳ Bố-tát đang đi qua, có hai kỳ Bố-tát đã qua và còn ba kỳ Bố-tát nữa sắp tới. Tuổi già và sự chết đang gần kề, Phật pháp sắp tàn diệt. Thưa các Đại đức, chỉ cần đắc đạo, hãy nhất tâm cần cầu tinh tấn. Vì sao vậy? chư Phật do nhất tâm cần cầu tinh tấn mà chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, huống nữa là các thiện pháp khác. Mỗi người đang lúc đang khỏe mạnh, hãy nỗ lực tu thiện. Sao lại không cần cầu, đâu thể đợi đến già! Ham muốn nào vui chi? Ngày nay đã qua, mạng sống lần giảm như cá thiếu nước, đâu có vui gì!
"Thưa các Đại đức, nay tôi sẽ nói Ba-la-đề-mộc-xoa. Các Đại đức hãy lắng nghe, khắc ghi kỹ. Nếu biết tự mình có phạm, hãy nên tỏ bày và sám hối, ai không phạm thì im lặng. Do sự im lặng mà tôi biết các Đại đức thanh tịnh. Như một người được ai hỏi điều gì thì phải theo sự thực mà đáp. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào ở trong chúng đã được ba phen hỏi, nhớ kỹ mình có phạm mà không phát lộ, Tỳ-kheo đắc tội vọng ngữ. Đức Phật dạy rằng sự cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Tỳ-kheo nào nhớ kỹ mình có tội, muốn cầu thanh tịnh, cần phải phát lồ, phát lồ thì an lạc.
"Thưa các Đại đức, tôi nói xong phần tựa, nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (ba lần). Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy".
Tiếp theo là phần đọc Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, gồm 150 pháp, gồm bảy loại (sẽ bàn ở phần Giới học). Sau mỗi loại pháp, vị Thượng tọa lại nói ba lần: "Tôi đã đọc xong (...) pháp... Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không?... Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng (tức không ai phát lộ sự vi phạm của mình). Tôi ghi nhận như vậy."
Các hình thức thủ tục thực hiện một kỳ Bố-tát cũng như nội dung thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa ngay trong thời đức Phật cũng có thay đổi tùy theo địa phương, hoàn cảnh, thời gian Bộ Mahavagga có ghi năm các thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa như sau:
1. Chỉ thuyết phần tựa, phần còn lại thuyết rằng: "Như Tăng thường nghe".
2. Thuyết phần tựa và bốn pháp Ba-la-di (Pàràjika), phần còn lại thuyết rằng: "Như Tăng thường nghe".
3. Thuyết phần tựa, bốn pháp Ba-la-di, mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, (Sanghadi-sesa), phần còn lại thuyết rằng: "Như Tăng thường nghe".
4. Thuyết phần tựa, bốn pháp Ba-la-di, mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, và hai pháp Bất định (Anyata).
5. Thuyết toàn bộ giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. thuyết giới theo bốn cách đều là thuyết vắn tắt và chỉ được phép thực hiện khi Tăng chúng tại trú xứ đang bị các nguy hiểm đe dọa: 1) do chính quyền, 2) do trộm cướp, 3) do hỏa hoạn, 4) do lũ lụt, 5) do người, 6) do loại phi nhân, 7) do thú dữ, 8) do loài rắn rết, 9) do những nguy hiểm khác đe họa tính mạng (như nhà ở sắp sập...), 10) do các nguy hiểm cho sinh mạng của Tỳ-kheo ngoài các lý do trước.
Khi trú xứ không đủ bốn Tỳ-kheo, mà chỉ có ba, hai hay một vị, thì các vị này vẫn chuẩn bị đầy đủ các phần vụ cho ngày Bố-tát, rồi ngồi chờ xem có khách Tăng nào đến để cho đủ túc số hành lễ hay không (Trong thời đức Phật rất đông các Tỳ-kheo không có trú xứ nhất định, chỉ tụ về một nơi nào để xin làm lễ). Nếu không có ai đến thì các vị sẽ thực hiện đối thủ thuyết giới (Parisuddhi-Uposatha) trong trường hợp chỉ có hai hay ba vị, bằng cách mỗi vị hướng vào các vị kia mà tuyên bố là mình thanh tịnh; hoặc thực hiện tâm niệm thuyết giới (Adhitthànà uposatha) trong trường gợp chỉ có một vị, bằng cách tự bảo mình là thanh tịnh.
Ngày Bố-tát, theo phương cách của đức Phật chế, rõ ràng là để un đúc cuộc sống tịnh hạnh của người Tỳ-kheo, xây dựng sự đoàn kết thanh tịnh trong cộng đồng Tăng-già, thể hiện rõ nét tính chất nền tảng của Giới học trong Tam học Giới-Định-Tuệ.
4. An cư (Vassavasa)
Ở phần III của cuốn sách này đã bàn qua về thời An cư (Vassa - vasa) của các Tỳ-kheo đệ tử đức Phật. An cư là một tập quán chung của các giáo đoàn thời bấy giờ để tránh mưa (Rain-Retreat), nhưng đặc biệt ở Phật giáo, các tu sĩ sống chung với nhau theo từng nhóm năm, bảy vị, vài mươi hay vài trăm vị... tại các Âvàsa hay Âràma.
Mùa an cư của Phật giáo có ý nghĩa nổi bật là thời gian để các Tỳ-kheo sống hòa hợp tịnh thú, thăng tiến tu học như học tập, thảo luận giáo pháp và thực hành thiền định. Ngoài thời gian đi khất thực, được xem là để hành trì tu tập, các Tỳ-kheo không được tự ý ra khỏi cương giới nếu không có duyên sự đặc biệt là những trường hợp phải thưa trình trước Tăng chúng bằng việc thực hiện Tăng-già Yết-ma. Mùa an cư còn là thời gian để các Phật tử tại gia có dịp tu tập của các Tỳ-kheo, học hỏi, thân cận các vị sống đời thánh thiện. Các Phật tử tại gia thường đem thực phẩm, thuốc men, vật dụng đến cúng dường chư Tăng...
Thời gian an cư là ba tháng; bắt đầu từ ngày mồng một tròn tháng Asàdha (Âsàdha - A-sa-đà). Theo cách tính của ngài Huyền Trang, trong Đại Dương Tây Vực Ký, thì đấy là ngày 15-5 theo lịch Trung Quốc (tức vào khoảng giữa tháng 6 dương lịch). Người ta còn phân biệt thời kỳ tiền an cư và hậu an cư (thời gian hơn kém nhau một tháng); hậu an cư lại được chia thành trung an cư (một tháng sau ngày khởi sự hậu an cư) và hậu an cư (một tháng sau ngày khởi sự trung an cư). Cách chia như trên chỉ để nhằm hợp thức các trường hợp nhập an cư sớm hay chậm tùy theo hoàn cảnh của các Tỳ-kheo, dù kết an cư sớm hay chậm thời gian an cư vẫn phải tròn ba tháng.
Số đông Tỳ-kheo thường không sống cố định tại một nơi nào, các vị thường đi đây đó; đến mùa an cư, các vị sẽ xin kết an cư tại nơi thuận tiện, gần nơi mà mình đang hành đạo. Do đó, tại một trú xứ muốn tổ chức an cư, các Tỳ-kheo thường trú hay bán trú, hoặc gia chủ cúng dường cơ sở vật chất cho một mùa an cư phải chuẩn bị phóng xá, vật dụng, dự trù thêm các thứ để có thể đón một số khách Tăng đến an cư. Đức Phật ấn định rằng mỗi trú xứ an cư phải có một Thượng tọa làm luật sư y chỉ để trông coi điều hành, xử lý các trường hợp vi phạm luật.
Vì an cư là thời gian để các Tỳ-kheo sống chung hòa hợp, thanh tịnh để thăng tiến trong tu học cho nên ngoài các duyên sự quá cần thiết (chỉ được phép qua hai trường hợp vắng mặt: dưới bảy ngày và từ bảy ngày đến bốn mươi ngày, quá bốn mươi ngày xem như bị phá hạ, không được kể là đã an cư một mùa), các vị phải gác lại một số việc để tập trung thời giờ học tập, tu hành, cụ thể là Thiền định. Thậm chí, Trung A-hàm còn kể việc các Tôn giả dòng họ Thích như A-na-luật (Anurudha), Nan-đà (Nanda), Kim-tỳ-la (Kimbila) giữ hạnh tinh khẩu, tức chỉ giữ im lặng và ra dấu khi cần tỏ ý chứ không thốt ra lời trong suốt mùa an cư.
Mùa an cư là thời gian dài nhất trong năm mà ý nghĩa tu học được nổi bật nhất. Đây là thời gian quan trọng trong năm mà ý nghĩa tu hành được nổi bật nhất. Đây là thời gian quan trọng, các thời điểm thuận tiện để tiến bộ, và số mùa an cư được kể là số tuổi đạo của cuộc đời một Tỳ-kheo. Trong ý nghĩa luôn luôn tinh tấn, số tuổi đạo càng cao càng được xem là càng gần với sự Chứng ngộ Tối hậu.
5.Tự tứ (Pavàràna)
Tự tứ là buổi lễ tổ chức vào mùa cuối cùng của mùa an cư, tiếng Phạn (Sanskrit) là Pràvaràna được phiên âm Hán-Việt là Bát- hòa-la hay Bát-lặc-bà-lặc-noa. Pràvaràna có nghĩa là sự thỉnh mời (invitation). Từ Hán dịch cũ là Tự tứ (tự: tự mình; tứ: mặc sức; về sau được dịch là tùy ý, thỉnh thỉnh).
Ký Quy Truyện, quyển 2 có ghi: "Tiếng Phạn là Pràvaràna, dịch là tùy ý; có nghĩa là cho thỏa bụng; cũng có nghĩa là để cho người khác nêu lên điều mà mình vi phạm" (Phạn vân Bát-lặc-bà-lặc-noa, dịch vi Tùy ý, diệc thị Bảo túc nghĩa, diệc thị Tùy tha nhân ý cử kỳ sở phạm). Phật Học Đại Từ Điển, Khải Minh Thư Cục, Đài Loan, giải nghĩa từ Tự tứ rằng:"Khiến cho chúng Tỳ-kheo thanh tịnh, người khác mặc tình nêu các tội mà mình đã vi phạm, mình sám hối các tội ấy với các vị Tỳ-kheo" (Sử tha thanh tịnh tứ cử kỳ sở phạm chi tội, đối tha Tỳ-kheo nhi sám hối nhi), và giải nghĩa từ tùy ý rằng: "Do ý của người khác mặc tình nêu lên sự sai phạm của mình thì gọi là tùy ý" (Sở tùng tha nhân chi ý tứ cử kỳ sở phạm cố vân tùy ý)
Như thế, Tự tứ hay Thỉnh thỉnh, hay Tùy ý là sự việc một Tỳ-kheo để cho các Tỳ-kheo khác mặc sức nêu lên hết những sai phạm của mình để từ đó mình sám hối trước các vị ấy. Rõ ràng đây là một hình thức phê bình, tập thể phê bình một cá nhân và cá nhân nhận khuyết điểm, tỏ ra hối tiếc và hứa sẽ sửa chữa nếu mình có sai phạm.
Sám hối (Parisuddhi) được thực hiện đều đặn mỗi tháng hai lần trước ngày Bố-Tát, trong đó, một Tỳ-kheo tự phê bình kiểm điểm mình, tự nêu ra những sai sót của mình, rõ ràng là sự tự phê. Tự tứ (Pavàràna) được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối mùa an cư, trong đó, một Tỳ-kheo phê bình các Tỳ-kheo khác. Có thể nói sám hối, và tự tứ lần lượt có nghĩa là tự phê và phê vậy.
Ta hãy xem một đoạn nói về ngày Tự tứ thời đức Phật trong những năm đầu mới hình thành Tăng-già trong Tương Ưng Bộ Kinh:
"Nhân ngày trăng tròn của Bố-Tát và Tự tứ, Thế Tôn ngồi ở ngoài trời; chư vị Tỳ-kheo im lặng ngồi vây quanh ngài. Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỳ-kheo và mở lời: Này các Tỳ-kheo, này các Tỳ-kheo, nay Ta mời các Tỳ-kheo nói lên, các Tỳ-kheo có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân, hay về lời nói?". Bấy giờ chúng Tăng gồm năm trăm vị A-la-hán.
"Tôn-giả Xá-lợi-phất đắp thượng y chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch: "Bạch Thế Tôn, chúng con không có gì chỉ trích Thế Tôn về thân hay lời nói. Bạch Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi; con đường chưa được biết, Thế Tôn làm cho được biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Thế Tôn biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo. Và bạch Thế Tôn, các đệ tử nay là những người sống hành đạo và sẽ thành tựu đạo về sau. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay lời nói?"
"Thế Tôn đáp: "Này Xá-lợi-phất, Ta không có gì chỉ trích Ngươi về thân hay về lời nói. Này Xá-lợi-phất, Ngươi là bậc đại trí ... , quảng trí ... , tốc trí ... , tiệp trí ... , nhuệ trí ..., nhập trí ... Này Xá-lợi-phất, ví như Trưởng tử của vua Chuyển Luân, chân chánh vận chuyển bánh xe pháp đã được vua cha vận chuyển; cũng vậy này Xá-lợi-phất, Ngươi chân chính vận chuyển pháp luân Vô thượng đã được Ta vận chuyển".
"Tôn giả Xá-lợi-phất bạch tiếp: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay lời nói. Vậy bạch Thế Tôn, đối với năm trăm Tỳ-kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân hay lời nói không? " Thế Tôn đáp: "Này Xá-lợi-phất, trong khoảng năm trăm Tỳ-kheo này, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc Tam minh, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc Thắng trí, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc Câu phần giải thoát, và các vị còn lại là Tuệ giải thoát".
Buổi Tự tứ đươc kết thúc sau khi Tôn giả Vangìsa đắp thượng y xin phép đức Phật đọc lên bài kệ tán thán buổi tự tứ...
Theo trên, ta thấy sinh hoạt tự tứ vào những năm đầu tiên, khi Tăng-già được thành lập, gồm năm trăm vị A-la-hán an cư quanh đức Phật. Buổi Tự tứ thật nhẹ nhàng, đơn giản và đầy ý nghĩa của một tập thể thanh tịnh, hòa hợp. Đây là sinh hoạt của một cộng đồng gồm những vị đã chứng đắc Thánh quả, không bị ràng buộc bởi những Giới tướng. Những thể thức, nội dung về sau được thêm thắt trong Tự tứ và trong tất cả những sinh hoạt khác là do bởi nhiểu trường hợp vi phạm giới luật, thiếu thanh tịnh, và do nhằm ngăn ngừa những trường hợp đó.
6. Thọ Y Ca-thi-na (Kathina)
Việc thọ y ca-thi-na (Kathina) được thực hiện sau ngày Tự tứ, chấm dứt một mùa an cư. Các Tỳ-kheo sau ba tháng an cư, thăng tiến trong tụ tập, xứng đáng được thọ nhận một y mới là y ca-thi-na, ngoài ba y theo luật định.
Các bộ luật thường dẫn duyên khởi việc thọ y ca-thi-na như sau: Nhân một mùa an cư vừa chấm dứt, một số Tỳ-kheo vội vã lên đường đến Sàvatth để gặp đức Phật. Mùa mưa còn chưa dứt, đường sá lầy lội, cả ba y trên người mỗi Tỳ-kheo đều ướt sũng; việc đi đường rất khó khăn, gây mệt mỏi. Thấy vậy, đức Phật dạy rằng từ đấy, sau mỗi mùa an cư, các Tỳ-kheo nên thọ y ca-thi-na để được năm điều lợi ích trong một thời gian hạn định là bốn hay năm tháng:
1. Ngoài ba y, các Tỳ-kheo được cất chứa vải, y quá mười ngày để chuẩn bị dùng vải hay y ấy để may y hay thọ y mới, tức là y ca-thi-na.
2. Không cần phải mang một lúc đủ ba y như luật định.
3. Được phép thọ thực tại nhiều nhà thí chủ, miễn là không quá ngọ.
4. Được thọ thực riêng từng nhóm từ bốn vị trở lên.
5. Được vào thôn xóm trước hay sau bữa ăn không cần báo trước cho một Tỳ-kheo khác.
Duyên khởi việc thọ y ca-thi-na cũng được luật Ngũ phần kể rằng có lần cả ba y của Trưởng Lão A-na-luật (Anurudha) đều rách cả, Trưởng lão không thể may một lúc cả ba y trong một ngày, vì theo luật định không được cất giữ vải quá mười ngày, và khi may y, phải nay nội trong một ngày. Nhân đó, Phật cho phép các Tỳ-kheo thọ y ca-thi-na. Trung A-hàm, 19, có nêu sự việc trên và thêm chi tiết rằng Trưởng lão A-na-luật được đức Phật đứng ra trương y và tám trăm Tỳ-kheo hợp sức may cả ba trong một ngày. Sau đó, Phật dạy Tôn giả A-na-luật thuyết giảng về công đức của y ca-thi-na (thực ra nội dung bài giảng chỉ nói đến công hạnh tu tập cho đến khi đạt quả A-la-hán của một Tỳ-kheo nên thọ y ca-thi-na).
Hai mẫu chuyện trên thực ra vẫn chưa rõ ràng để ta có thể kết luận rằng đấy là duyên khởi của việc thọ y ca-thi-na. Lời khuyên dạy của đức Phật rằng nên thọ y ca-thi-na ở hai mẫu chuyện khiến ta có thể nghĩ rằng thọ y ca-thi-na vốn đã có từ trước đó nhưng chưa được phổ biến. Lại nữa, ba y của trưởng lão A-na-luật được đức Phật và tám trăm Tỳ kheo may cho một ngày ấy cũng không thể gọi là y ca-thi-na vì thọ y ca-thi-na là chỉ thọ một ý thôi. Nếu mẫu chuyện sau được xem là duyên khởi của việc thọ y ca-thi-na thì ý nghĩa của y phải do đức Phật thuyết dạy chứ tại sao lại do Trưởng lão A-na-luật nêu lên? Hơn nữa, nội dung bài thuyết giảng của trưởng lão cũng không thấy nhắc cụ thể đến y ca-thi-na.
Ý nghĩa mà ta rõ ràng nhận thấy về y ca-thi-na là nhân nhiều sự việc thực tế, theo đó một số điều trong giới luật đã gây trở ngại cho các Tỳ-kheo, do đó đức Phật chế ra việc thọ y ca-thi-na, được xem là nới lỏng các điều luật ấy. Việc thọ y ca-thi-na sau mùa an cư được xem là để đánh giá một bước thăng tiến về công đức tu tập của một Tỳ-kheo, xứng đáng để bớt phải bị ràng buộc theo hình thức bởi một số giới luật.
Ca-thi-na còn được gọi là Kiết-sĩ là phiên âm của từ Sanskrit "Kathina", có nghĩa là kiên cố, vững bền. Ca-thi-na có lẽ được hiểu theo nghĩa bóng là sự kiên trì trong giới hạnh, cho nên được dịch là công đức. Y ca-thi-na đang mang theo kiểu một trong ba y theo luật định (uất-đa-la-ăng tức y thượng, an-đà-hội tức y hạ và tăng-già-lê tức y ngoài cùng). Việc dùng vài may y. thọ y, xả y đều có tác pháp Tăng-già Yết-ma.
Phật chế ra việc thọ y ca-thi-na như đã nói, để các Tỳ-kheo được thọ nhận năm điều thuận lợi, nhằm nới rộng một số điều luật không phải cứng nhắc. Y ca-thi-na cũng là phương tiện cúng dường của các Phật tử tại gia để bày tỏ lòng cung kính, ngưỡng mộ, đóng góp công đức đối với các Tỳ-kheo đang tu học. Từ đó, y ca-thi-na còn có ý nghĩa khích lệ sự tinh tấn của các Tỳ-kheo sau mỗi mùa an cư vậy.
* * *
Rải rác trong các chương trước và trong chương này chúng ta thấy được một số nét cơ bản về sinh hoạt của Tăng-già: qui y thọ giới, học tập, thuyết giảng, Yết-ma, an cư, tự tứ,v.v... Còn nhiều hình thức khác nữa mà ta có thể tìm hiểu kỹ càng hơn qua Kinh tạng, Luật tạng... Các hình thức và nội dung sinh hoạt có khi mang những nét rườm rà, phức tạp; nhưng nhìn sâu hơn, tất cả đều biểu hiện một nếp sống bần hàn, thanh tịnh, hòa hợp, tinh cần; vừa là kết quả, vừa là sự chuẩn bị tăng trưởng của Giới, Định, Tuệ để đưa đến giải thoát. Tăng-già là một tổ chức, và dù nhằm mục đích tối hậu là giải thoát, vẫn phải trụ vào hình tướng, phải dùng mọi phương cách, biện pháp để ổn định. Những gò bó, rườm rà, nếu có, cũng chỉ là những hình tướng được chọn lọc, thuận lợi cho việc tu tập, là môi trường để người tu điều ngự tâm mình. Ý nghĩa này nằm trong Giới học, điều kiện để đưa đến Định, Tuệ, tức Giải thoát vậy.