Trí Huệ Thấy Công Đức Của Pháp Giới
Nguyễn Thế Đăng
Lầu các của Đức Di Lặc tượng trưng cho toàn bộ pháp giới của Phật Tỳ Lô Giá Na; lầu các ấy có tên là Tỳ Lô Giá Na Đại Trang Nghiêm. Trang nghiêm nghĩa là trang nghiêm bằng công đức của Phật Tỳ Lô Giá Na.
Pháp giới được trang nghiêm bằng công đức của chư Phật, chư Bồ tát. Trong phần giảng về Bồ đề tâm cho Đồng tử Thiện Tài, trước khi cho Đồng tử vào lầu các, vào pháp giới, Đức Di Lặc nói:
“…Như có bửu châu tên là Tự Tại vương ở châu Diêm Phù Đề, cách mặt trời mặt trăng bốn vạn do tuần, hết thảy sự trang nghiêm của mặt trời mặt trăng đều hiện hình bóng đầy đủ trong đó. Cũng vậy, công đức thanh tịnh của đại Bồ tát phát Bồ đề tâm ở trong sanh tửchiếu pháp giới hư không, tất cả công đức của Phật tríđều hiện trong đó”.
Tóm lại, “Thiện Tài thấy lầu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng có tất cả cảnh giới tự tại chẳng thể nghĩ bàn như vậy”, đó là thấy công đức trong pháp giới của tất cả các bậc giác ngộ.
Công đức trang nghiêm pháp giới của tất cả các bậc giác ngộ là có sẳn, nhưng tại sao chúng takhông thấy? Vì chúng ta chưa đủ thiện căn công đức và trí huệ thấu rõ để vào được pháp giới mà thấy. Và thấy là do trí huệ Bát nhã mà thấy, trí huệ ấy thấy như thế nào. Để học bản chất và ý nghĩacủa cái thấy pháp giới, đoạn kinh tiếp theo trong phần Đồng tử Thiện Tài vào lầu các của Đức DiLặc giảng dạy điều đó.
“Lúc đó vì được sức ghi nhớ chẳng quên, vì được mắt thanh tịnh thấy mười phương, vì được trí vô ngại khéo quan sát, vì được trí tự tại của Bồ tát, vì được trí hiểu rộng lớn của các Bồ tát đã nhập trí địa, nên Thiện Tài nơi mỗi mỗi sự vật trong tất cả lầu các đều thấy vô lượng cảnh giới trang nghiêm tự tại không thể nghĩ bàn như vậy.
Như người ở trong mộng thấy đủ thứ cảnh vật, người thân cho đến các cung điện trời… khi thức dậy bèn biết là cảnh mộng, nhưng có thể nhớ rõ không quên mất. Cũng vậy, nhờ thần lực Bồ tát Di Lặc gia trì, cho nên biết các pháp trong ba cõi đều như mộng. Vì diệt trừ tâm tưởng hèn kém của chúng sanh, vì được hiểu biết rộng lớn không chướng ngại, vì an trụ cảnh giới cao trổi của các Bồ tát, vì nhập vào trí phương tiện không thể nghĩ bàn nên Thiện Tài thấy được cảnh giới tự tại như vậy”.
Đây là cái thấy của Bồ tát “đã nhập trí địa”, nghĩa là đã vào Mười Địa.
Như kinh nói, cái thấy ấy là thấy trong mộng, tất cả cảnh thấy được đều là cảnh mộng. Cái thấy của Bồ tát không phải là thấy những sự vật cứng đặc, có thực thể mà thấy như mộng, như huyễn. Đây là cái thấy của trí huệ Bát nhã, tức là trí huệ thấu rõ tánh Không.
“Ví như có người sắp mạng chung, thấy tướng thọ báo theo nghiệp của mình. Người làm nghiệp ácthì thấy tất cả cảnh khổ nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Người làm nghiệp thiện thì lập tức thấy tất cả các cung điện trời, vô lượng thiên chúng, thiên nữ, cung điện vườn rừng trang nghiêm, tốt đẹp. Dầu thân chưa chết mà do nghiệp lực thấy những sự việc như vậy.
Đồng tử Thiện Tài cũng như vậy, nhờ nghiệp lực Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn mà thấy được tất cả cảnh giới trang nghiêm”.
“Nghiệp lực Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn” gồm lại thành hai sự tích tập. Tích tập công đức là các hạnh ba la mật, các hành động thiện lành trong thế gian; và tích tập trí huệ là chứng nhập tánh Không. Tất cả cảnh giới trang nghiêm Bồ tát thấy trong pháp giới là nhờ hai tích tập này.
“Ví như có người, bị quỷ nhiếp trì thấy các sự việc, tùy người hỏi gì đều trả lời được. Đồng tử Thiện Tài cũng lại như vậy, do trí huệ Bồ tát nhiếp trì, thấy tất cả sự trang nghiêm ấy, nếu có ai hỏi đều trả lời được.
Ví như có người được rồng nhiếp trì, tự cho mình là rồng, vào Long cung trong thời gian ngắn mà tự cho rằng đã trải qua nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Đồng tử Thiện Tài cũng lại như vậy, nhờ trụ trì trí huệ Bồ tát, nhờ Bồ tát Di Lặc gia trì, nên trong thời gian ngắn mà cho là vô lượng kiếp”.
Ví như có người do quỷ, rồng nhiếp trì mà tâm họ mở rộng ra về không gian, “thấy các sự việc” và về thời gian, “một ít thời gian mà cho là vô lượng kiếp”. Tâm Bồ tát cũng giống như vậy, nhờ trụ trìtrí huệ Bồ tát, nhờ sự gia trì của Bồ tát Di Lặc mà thấy được chiều sâu chiều rộng của lầu các, tức là của pháp giới.
Những đoạn kinh được trích ở trước và ở sau đều cho thấy một sự thật mà đạo Phật thường dạy: “Tất cả duy tâm tạo”, “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”. Nghĩa là cái thấy không gian, thời gian, đều do tâm tạo.
Vậy thì đạo Phật dạy người ta tu tâm. Tu tâm là làm cho tâm thanh tịnh, mở ra cả chiều rộng và chiều sâu. Tùy theo tâm thanh tịnh đến đâu, sâu rộng đến đâu thì sự trang nghiêm vô biên của vũ trụ (pháp giới) được thấy đến đó.
“Ví như Phạm thiên cung tên là Trang nghiêm tạng, ở trong đó đều thấy tất cả sự vật của ba ngàn thế giới, chẳng tạp loạn nhau. Đồng tử Thiện Tài cũng như vậy, ở trong lầu các, thấy khắp tất cả cảnh giới trang nghiêm, đủ thứ khác biệt, mà chẳng tạp loạn nhau.
Ví như có người thấy thành Càn thát bà ở trong hư không, đầy đủ trang nghiêm, đều thấy biết rõ, không chướng ngại.
Ví như cung điện của thần Dạ xoa với cung điện nhân gian, cùng ở một chỗ, mà chẳng tạp loạn nhau, đều tùy theo nghiệp mà thấy chẳng đồng.
Ví như biển cả, ở trong đó đều thấy tất cả hình sắc ba ngàn thế giới.
Ví như nhà huyễn thuật, nhờ huyễn lực hiện những sự huyễn. Đồng tử Thiện Tài cũng lại như vậy, do nhờ lực oai thần của Bồ tát Di Lặc, do lực huyễn trí không nghĩ bàn, do nhờ huyễn trí biết được các pháp, do được lực tự tại của các Bồ tát nên thấy tất cả cảnh giới tự tại trang nghiêm trong lầu các”.
“Nơi mỗi mỗi sự vật trong tất cả lầu các đều thấy vô lượng cảnh giới trang nghiêm. Trong Phạm thiên cung tên là Trang nghiêm tạng đều thấy tất cả sự vật của ba ngàn thế giới, đều chẳng tạp loạn nhau”: đây là cảnh giới sự sự vô ngại, trong một sự vật thấy tất cả sự vật, chẳng tạp loạn nhau. Như màn lưới ngọc của trời Đế thích, mỗi viên ngọc đều phản chiếu tất cả hình ảnh có trong tất cả các viên ngọc khác, mà chẳng tạp loạn nhau.
“Ví như Tỳ kheo nhập biến xứ định…” Định biến xứ là quán tất cả hiện hữu là một biến xứ (kasina) đất, nước, lửa, hư không, màu sắc, ánh sáng… và biến xứ ấy bao trùm tất cả hiện hữu. Điều này cho thấy “tất cả duy tâm tạo”.
Cung điện Càn thát bà thấy trong hư không: đây là một thí dụ thường thấy trong các kinh để nói lên sự huyễn hiện không thật của cái thấy dù nghiệp tốt của Bồ tát hay nghiệp xấu của chúng sanh. Thấy trong hư không còn nói lên mọi sự xuất hiện đều “có” trên nền tảng tánh Không.
“Ví như cung điện thần Dạ xoa…”: các cái thấy do các nghiệp tốt xấu khác nhau nhưng không loại trừ lẫn nhau. Vũ trụ ba cõi là cái thấy của chúng sanh, nhưng là pháp giới giác ngộ của chư Phật.
“Ví như biển cả, trong đó đều thấy tất cả hình sắc của ba ngàn thế giới”: trong kinh gọi cái này là Hải ấn tam muội.
“Ví như nhà huyễn thuật, nhờ huyễn lực hiện các sự huyễn…” Cũng vậy, một cảnh giới tạo thành pháp giới vũ trụ được xuất hiện là nhờ huyễn lực của chính pháp giới, tức là của Tỳ Lô Giá Na, vị Phật pháp giới, vị Phật vũ trụ.
Một vị Bồ tát thấy pháp giới được đến đâu là do “lực huyễn trí” của Bồ tát ấy tương ưng được với huyễn lực Tỳ Lô Giá Na đến đâu. Với Đức Di Lặc, một Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, thì sự tương ưng ấy gần như hoàn toàn, nên lầu các của ngài đại diện cho toàn bộ pháp giới. Cũng cùng một pháp giới, một vũ trụ nhưng thấy thành sanh tử khổ đau là do tâm bất tịnh của chúng sanh, thấy các cảnh giớitự tại trang nghiêm là do tâm thanh tịnh của Bồ tát.
“Huyễn trí biết được các pháp”: Huyễn trí là trí huệ thấy các pháp là vô tự tánh, như huyễn như mộng, cũng tức là trí huệ thấy biết tánh Không.
Đồng tử thấy được tất cả cảnh giới trang nghiêm trong lầu các là nhờ lực huyễn trí của Bồ tát, có thêm lực oai thần (lực huyễn trí) của Bồ tát Di Lặc mà thấy được mọi xuất hiện trong pháp giới là như huyễn.
Tóm lại, huyễn trí để đi vào căn bản của Đại thừa: không có ngã ở bên trong (vô ngã) và không có pháp ở bên ngoài (vô pháp). Nhờ huyễn trí nên thấy mà không ô nhiễm, thấy mà vẫn tự tại, giải thoát.
“Bấy giờ Bồ tát Di Lặc liền nhiếp thần lực, vào trong lầu các, khảy móng tay ra tiếng, bảo Thiện Tàirằng:
Thiện nam tử, hãy dậy! Pháp tánh như vậy. Đây là sự hiện tướng của trí Bồ tát biết các pháp nhân duyên tụ tập. Tự tánh như vậy, như huyễn, như mộng, như bóng, như hình, đều không thành tựu”.
Pháp tánh là bản tánh của tất cả các pháp, bản tánh của pháp giới. Bản tánh của pháp giới là tánh Không và hiện tướng của nó cũng là tánh Không, như huyễn, như mộng, như bóng, như hình.
Bồ tát nhập pháp giới thì có huyễn trí nên thấy tất cả công đức trang nghiêm của pháp giới “như huyễn, như mộng, đều không thành tựu”. Thế nên công đức gắn liền với tánh Không chứ không phải là phước đức do nhân quả nghiệp báo mà thành. Công đức biểu hiện có bản tánh là tánh Không vô tự tánh, như huyễn như mộng, nên công đức là giải thoát, không ràng buộc, tự do.
Như vậy có thể thấy rằng công đức của pháp giới chính là tính cách sự sự vô ngại của pháp giới. Sự sự vô ngại là sự hoạt động tương tác, tương nhiếp, tương nhập vô tận của tất cả sự vật như là tánh Không vô tự tánh ở cấp độ nhỏ nhất của không gian là vi trần và nhỏ nhất của thời gian là sát na, niệm.
Nhờ huyễn trí mà thấy pháp giới sự sự vô ngại. Cái thấy sự sự vô ngại này không những không ràng buộc người thấy vào thế giới, và vũ trụ thường tục, mà chính cái thấy như huyễn như mộng này đưa người ta vào giải thoát, tự do.- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng