Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2006
Lúc bấy giờ, Bồ tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quì dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đức Đại-bi Thế Tôn! Nguyện Ngài vì chúng Bồ tát đến trong hội này, và vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp mà diễn nói thứ lớp tu hành của Bồ tát. Làm sao tư duy? Làm sao trụ trì? Chúng sanh chưa ngộ, dùng phương tiện gì để khiến cho tất cả được khai ngộ? Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sanh kia không dùng đến phương tiện chân chánh và tư duy chân chánh, một khi nghe Như Lai nói về Tam muội, tâm sanh mờ mịt, thì đối với Viên Giác không ngộ nhập được. Vậy xin Ngài khởi tâm từ bi, vì bọn chúng con cùng chúng sanh đời mạt pháp mà giả lập phương tiện”. Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại như vậy ba lần.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Phổ Nhãn rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các hàng Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp mà hỏi Như Lai về thứ lớp tu hành, tư duy, trụ trì, cho đến thiết lập nhiều thứ phương tiện. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”. Lúc ấy, Bồ tát Phổ Nhãn vui mừng vâng theo lời dạy của Phật, cùng cả đại chúng lắng sâu tâm thức chuẩn bị nghe.
“Này Thiện nam tử! Các tân học Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp, muốn cầu tâm Viên Giác thanh tịnh của Như Lai, phải chánh niệm xa lìa các huyễn.
Trước tiên, phải nương vào hạnh Xa-ma-tha của Như Lai, giữ gìn cấm giới, sắp xếp đồ chúng cho an ổn, yên ngồi trong tịnh thất. Rồi phải thường xuyên nhớ nghĩ đến điều này: Thân tướng của ta hôm nay do tứ đại hòa hợp. Đó là: lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não và những chất bẩn, đều thuộc về ĐẤT; Nước miếng, nước mũi, máu mủ, nước dãi, nước bọt, đờm, nước mắt, tinh khí, nước tiểu, đều thuộc về NƯỚC; Hơi ấm thuộc về LỬA; Chuyển động thuộc về GIÓ; Khi bốn đại chia lìa, vọng thân hôm nay hiện ở chỗ nào? Như vậy liền biết, cuối cùng thân này không có tự thể, do hòa hợp mà có tướng, thật đồng với huyễn hóa.
Bốn duyên giả hợp vọng có sáu căn. Sáu căn, bốn đại, trong ngoài hợp thành, vọng có Duyên khí. Trong ấy tích tụ như có Duyên tướng giả gọi là Tâm.
Này Thiện nam tử! Tâm hư vọng này, nếu không có sáu trần thì cũng không thể có. Khi tứ đại phân lìa thì không một mảy trần nào có thể tìm được. Khi Duyên-Trần đều tan mất, cuối cùng cũng không có Duyên-tâm có thể thấy được.
Này Thiện nam tử! Những chúng sanh kia, vì huyễn-thân diệt nên huyễn-tâm cũng diệt. Vì huyễn tâm diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Vì huyễn trần diệt, nên huyễn diệt cũng diệt. Vì huyễn diệt diệt, nên cái Phi-huyễn chẳng diệt. Ví như lau gương, bụi hết sáng hiện.
Này Thiện nam tử! Phải biết thân tâm đều là huyễn cấu, tướng cấu hằng dứt thì mười phương thanh tịnh.
Này Thiện nam tử! Ví như bảo châu Ma ni thanh tịnh ánh ra năm màu, tùy phương mà hiển hiện. Những người mê muội cho rằng ngọc Ma ni thật có năm màu.
Này Thiện nam tử! Cũng vậy, tánh thanh tịnh của Viên Giác hiện ra thân tâm, tùy loài mà ứng hiện. Những người mê muội cho tánh Viên Giác thanh tịnh thật có tự tướng thân tâm như thế, nên không xa lìa được huyễn hóa. Thế nên, ta nói thân tâm là huyễn cấu. Đối với người lìa được huyễn cấu, ta gọi là Bồ tát. Khi cấu hết đối trừ, tức không còn đối cấu và cũng không còn tên gọi.
Này Thiện nam tử! Những Bồ tát này và chúng sanh đời mạt pháp, khi chứng được các huyễn tận diệt, lúc bấy giờ liền được thanh tịnh không giới hạn, trùm khắp hư không vô biên. Khi tánh giác tròn sáng, hiển tâm được thanh tịnh. Vì hiển tâm thanh tịnh, nên thấy trần được thanh tịnh. Vì thấy trần thanh tịnh, nên Nhãn căn được thanh tịnh. Vì Nhãn căn thanh tịnh, nên Nhãn thức được thanh tịnh. Vì Thức thanh tịnh, nên nghe tiếng được thanh tịnh.Vì nghe tiếng thanh tịnh, nên Nhĩ căn được thanh tịnh. Vì Nhĩ căn thanh tịnh, nên Nhĩ thức được thanh tịnh. Vì Thức thanh tịnh, nên Giác trần được thanh tịnh. Như thế cho đến mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.
Này Thiện nam tử! Vì căn thanh tịnh nên Sắc trần được thanh tịnh. Vì Sắc trần thanh tịnh, nên Thanh trần được thanh tịnh. Hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.
Này Thiện nam tử! Vì sáu trần thanh tịnh, nên Địa đại được thanh tịnh. Vì Địa đại thanh tịnh, nên Thủy đại được thanh tịnh. Hỏa đại, Phong đại cũng lại như vậy.
Này Thiện nam tử! Vì bốn đại thanh tịnh, nên Mười hai xứ, Mười tám giới, Hai mươi lăm cõi đều được thanh tịnh.
Vì những pháp kia thanh tịnh, nên Thập lực, Tứ vô sở úy, Tứ vô ngại trí, Mười tám pháp bất cộng của Phật và Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều được thanh tịnh. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn Đà-la-ni, tất cả đều được thanh tịnh.
Này Thiện nam tử! Vì tánh của tất cả Thật tướng đều thanh tịnh, nên một thân được thanh tịnh. Vì một thân thanh tịnh, nên nhiều thân được thanh tịnh. Vì nhiều thân thanh tịnh, như thế cho đến tánh Viên Giác của chúng sanh trong mười phương đều được thanh tịnh.
Này Thiện nam tử! Vì một thế giới thanh tịnh, nên nhiều thế giới được thanh tịnh. Vì nhiều thế giới thanh tịnh, như thế cho đến tận cùng khắp hư không, tròn đầy trong ba đời, tất cả đều bình đẳng, thanh tịnh bất động.
Này Thiện nam tử! Hư không bình đẳng bất động như thế, nên phải biết Giác tánh bình đẳng bất động. Vì tứ đại bất động, nên phải biết Giác tánh bình đẳng bất động. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn Đà-la-ni bình đẳng bất động, nên biết Giác-tánh bình đẳng bất động.
Này Thiện nam tử! Vì Giác-tánh cùng khắp, thanh tịnh bất động, tròn đầy không có giới hạn, nên phải biết sáu căn cùng khắp pháp giới. Vì Căn cùng khắp, nên phải biết sáu trần cùng khắp pháp giới. Vì Trần cùng khắp, nên phải biết Tứ đại cũng cùng khắp pháp giới; như thế cho đến môn Đà-la-ni cũng cùng khắp pháp giới.
Này Thiện nam tử! Do tánh Diệu-giác kia cùng khắp, nên Căn-tánh Trần-tánh không hoại không tạp. Vì Căn-Trần không hoại, như thế cho đến môn Đà-la-ni không hoại không tạp. Ví như trăm ngàn ngọn đèn chiếu sáng trong một căn nhà, ánh sáng kia soi cùng khắp, không hoại không tạp.
Này Thiện nam tử! Vì Giác-ngộ được thành tựu, nên biết Bồ tát không cùng với pháp trói buộc, không cầu pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết bàn; không kính người trì giới, không ghét người phá giới; không trọng người tu lâu, không khinh người mới học. Vì cớ sao? - Vì tất cả đều là Giác-tánh. Ví như con mắt sáng thấy rõ cảnh trước mắt, ánh sáng kia viên mãn không có ưa ghét. Vì sao? - Vì thể của ánh sáng không hai, nên không có sự ưa ghét.
Này Thiện nam tử! Những hàng Bồ tát đây và chúng sanh đời mạt pháp tu tập tâm này được thành tựu, thì ở đây, không tu cũng không thành tựu. Tánh Viên Giác chiếu sáng cùng khắp, tịch diệt không có hai tướng. Ở trong đó, trăm ngàn muôn ức A-tăng-kỳ thế giới của Phật như số cát sông Hằng, không thể đếm hết, giống như hoa đốm trong hư không, loạn khởi và loạn diệt, chẳng tức chẳng ly, không trói buộc cũng không giải thoát. Từ đó mới biết, tất cả chúng sanh xưa nay đã thành Phật, sanh tử - Niết bàn chỉ là giấc mộng đêm qua.
Này Thiện nam tử! Vì như giấc mộng đêm qua, nên phải biết sanh tử và Niết bàn không khởi không diệt, không đến không đi. Nơi cảnh sở chứng, không được không mất, không lấy không bỏ. Nơi người năng chứng, không Tác không Chỉ, không Nhậm không Diệt. Ở trong cảnh giới chứng ngộ này, không còn tướng năng sở, rốt ráo không có cảnh chứng cũng không có người chứng. Tất cả pháp tánh bình đẳng không hoại.
Này Thiện nam tử! Các Bồ tát kia tu hành như thế, thứ lớp như thế, tư duy như thế, trụ trì như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, không còn mê muội nữa”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nên nói kệ rằng :
Phổ
Nhãn! Ông nên biết,
Tất
cả các chúng sanh
Thân
tâm đều như huyễn.
Thân
tướng thuộc bốn đại,
Tâm
tánh thuộc sáu trần
Bốn
đại mỗi xa lìa,
Cái
gì là hòa hợp?
Thứ
lớp tu như thế
Tất
cả đều thanh tịnh,
Bất
động khắp pháp giới.
Không
Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt,
Cũng
không người năng chứng.
Tất
cả thế giới Phật
Giống
như hoa hư không,
Ba
đời đều bình đẳng,
Rốt
ráo không đến, đi.
Bồ
tát sơ phát tâm
Và
chúng sanh đời mạt
Muốn
cầu vào Phật đạo
Phải
tu hành như thị.
Trong chương này, Bồ tát Phổ Nhãn vì lòng từ bi, đứng lên thưa hỏi Phật về phương tiện tu hành thứ lớp, để các Bồ tát sơ phát tâm và chúng sanh đời mạt pháp nương theo tu tập, cuối cùng cũng có thể giác ngộ tánh Viên Giác. Phần lý luận ở đây rất chi ly, khúc chiết, vì Phật giảng về các pháp phương tiện. Chúng ta thấy, khi nói về pháp trực chỉ, Phật giảng một cách rất đơn giản, ít lý luận; còn khi đã mang màu sắc lý luận là đã dùng phương tiện chỉ dạy cho những người có căn cơ thấp. Như ở chương Văn Thù, câu chỉ đạo cho toàn chương là “Tri thị không hoa tức vô lưu chuyển, Diệc vô thân tâm thọ bỉ sanh tử”, tức chỉ gồm một chữ Biết; đó là dành cho hàng Bồ tát đốn siêu đốn ngộ, các bậc thượng thượng căn. Trong chương Phổ Hiền, câu chỉ đạo là “Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện; Ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ”, nghĩa là cũng dùng chữ Biết, nhưng là Biết Huyễn; dành cho các Địa thượng Bồ tát, các bậc thượng căn, dùng thiền định làm phương tiện. Ở chương Phổ Nhãn này, Phật lại hạ xuống một bậc nữa, giảng về pháp tư duy, pháp trụ trì..., dành cho các Sơ tâm Bồ tát.
Chúng ta thấy, giữa các chương có sự sắp xếp rất nhịp nhàng và mạch lạc. Chương Văn Thù nói về trí, chương Phổ Hiền nói về hạnh, chương Phổ Nhãn lại tiếp tục giảng về hạnh. Trí tuệ kết hợp với từ bi, trí hạnh cùng tiến thì quả Bồ đề mới viên thành. Lúc đó, cái Thấy trùm khắp pháp giới thanh tịnh. Nhờ cái Thấy này, Bồ tát mới hiểu được căn tánh của tất cả chúng sanh hữu tình, mới thiết lập được nhiều phương tiện để nhổ đinh tháo chốt, mới chiều uốn theo tánh dục của chúng sanh hóa độ muôn loài. Đó là ý nghĩa hai chữ Phổ Nhãn.
“Lúc bấy giờ, Bồ tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quì dài chắp tay mà bạch Phật rằng”: Đây là nghi thức thưa thỉnh chung.
“Đức Đại bi Thế Tôn! Nguyện Ngài vì chúng Bồ tát đến trong hội này, và vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp mà diễn nói thứ lớp tu hành của Bồ tát”: Muốn hiểu được ý nghĩa của toàn chương, chúng ta cần hiểu kỹ lời thưa thỉnh của vị Bồ tát xuất hiện trong chương đó. Câu hỏi đầu tiên của Ngài Phổ Nhãn, là mong Đức Phật vì các hàng Bồ tát trong pháp hội và chúng sanh đời mạt pháp mà nói về những phương tiện tu hành tiệm thứ. Ngài không đề cập đến người tu Đại thừa như các chương trước, đó là vì muốn lợi ích cho kẻ sơ tâm và các hàng trung hạ căn.
“Làm sao tư duy?”: Đây là câu hỏi thứ hai. Chúng sanh có căn cơ thấp, không thể trực nhận tánh Viên Giác và lý Như huyễn, phải vận dụng trí năng để hiểu và tin mình cũng có tự tâm Viên Giác. Câu hỏi này rất phù hợp với trình độ của chúng ta hiện nay.
“Làm sao trụ trì?”: Đây là vấn đề thứ ba. Hai chữ “trụ trì” rất có ý nghĩa. Thông thường, trụ trì là Trụ pháp vương gia, Trì Như Lai tạng; nhưng ở đây, Trụ nghĩa là an trụ vào tự tâm Viên Giác, Trì là giữ gìn tự tâm ấy.
“Chúng sanh chưa ngộ, dùng phương tiện gì để khiến cho tất cả được khai ngộ?”: Nguyên vì ở hai chương trước chỉ đặt một vấn đề BIẾT, nhất thời đốn chứng không theo thứ lớp tu hành, chỉ phù hợp với các bậc thượng-thượng-căn và thượng-căn mà thôi. Trong đời mạt pháp, chúng sanh ở hàng trung hạ căn thì nhiều, nếu chưa ngộ tự tánh Viên Giác, phải dùng phương tiện gì để được khai ngộ.
“Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sanh kia không dùng đến phương tiện chân chánh và tư duy chân chánh, một khi nghe Như Lai nói về Tam muội, tâm sanh mờ mịt, thì đối với Viên Giác không ngộ nhập được. Vậy xin Ngài khởi tâm từ bi, vì bọn chúng con cùng chúng sanh đời mạt pháp mà giả lập phương tiện”: “Chánh phương tiện” là phương tiện tu hành chơn chánh để khỏi rơi vào đoạn diệt, vào tử thủy, vào cảnh trầm không trệ tịch; là phương tiện nhưng vẫn nhờ đó để về được Bảo sở. “Chánh tư duy” là thấm nhuần các pháp Đại thừa, tu pháp Đại thừa để cuối cùng ngộ nhập Viên Giác. “Phương tiện” là phương pháp tiện lợi, có ý nghĩa tức thời ngay trong một hoàn cảnh nào đó, dùng xong rồi bỏ, như nhờ bè để qua sông, đến bờ phải bỏ bè. Ngài Phổ Nhãn thỉnh Phật “giả lập phương tiện” để chúng sanh nương vào phương tiện tu tập, khi đạt đến cứu cánh thì không chấp vào phương tiện ấy nữa, đúng theo tinh thần của kinh Kim Cang “Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp).
“Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại như vậy ba lần.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Phổ Nhãn rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các hàng Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp mà hỏi Như Lai về thứ lớp tu hành, tư duy, trụ trì, cho đến thiết lập nhiều thứ phương tiện. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”. Lúc ấy, Bồ tát Phổ Nhãn vui mừng vâng theo lời dạy của Phật, cùng cả đại chúng lắng sâu tâm thức chuẩn bị nghe”: Đức Phật hứa khả sẽ trả lời ba vấn đề mà Bồ tát Phổ Nhãn đã nêu: Tư duy, Trụ trì và giả lập phương tiện.
“Này Thiện nam tử! Các tân học Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp, muốn cầu tâm Viên Giác thanh tịnh của Như Lai, phải chánh niệm xa lìa các huyễn”: Đức Phật nhắc lại về Huyễn cho các vị mới tập tu theo Bồ tát đạo và cho chúng sanh đời mạt pháp. Muốn cầu tâm Viên Giác, trước tiên phải chánh niệm. Chánh niệm nghĩa là gom tâm mình vào một đối tượng, một đề mục nào đó để quán sát nó, cho nên Chánh niệm đi theo quán niệm. Tất cả pháp môn của Phật đều lấy Chánh niệm làm căn bản, đó là chìa khóa của sự học Phật, tu Phật. Nói theo nhà Thiền thì Chánh niệm là căn bản của Thiền-tập. Ở đây, Phật dạy, dùng Chánh niệm để xa lìa các huyễn, vậy Huyễn là đối tượng để ta Chánh niệm. Khi chánh niệm và quán niệm tất cả các pháp đều là huyễn - nói gọn là Huyễn thân, Huyễn cảnh, Huyễn tâm, ta có thể nhận ra lý Như huyễn. Từ đó đạt đến Như Huyễn Tam muội.
“Trước tiên, phải nương vào hạnh Xa-ma-tha của Như Lai, giữ gìn cấm giới, sắp xếp đồ chúng cho an ổn, yên ngồi trong tịnh thất”: Muốn nhận định sâu về các huyễn để thực hiện Chánh niệm xa lìa huyễn, trước hết phải tu hạnh Xa-ma-tha. Xa-ma-tha là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Chỉ hay Tịch tịnh. Đây là hạnh ở nơi Nhơn địa của chư Phật, nên gọi là “hạnh Xa-ma-tha của Như Lai”. Nội dung của Xa-ma-tha là dừng lại mọi vọng động loạn tưởng, biết vọng liền buông hoặc nhiếp tâm vào hơi thở, ngăn ngừa mọi điều ác bên ngoài và mọi loạn tưởng bên trong. Cần phân biệt với Chỉ của Tiểu thừa, nên đôi khi trong kinh điển Đại thừa còn gọi Xa-ma-tha này và Tam-ma-bát-đề trong những chương sau, gộp chung là Ma-ha-chỉ-quán.
Một điều kiện kế tiếp, là phải kiên cố giữ gìn những giới cấm mà mình đã thọ. Nếu không giữ giới luật, tâm sẽ loạn động. Nhiều đời kiếp trôi lăn trong sinh tử, tâm như con trâu điên, nhờ giới luật là dây vàm buộc mũi mới giữ được trâu khỏi ăn lúa mạ của người.
Ngoài ra, phải xử an đồ chúng. Các vị Bồ tát, dù là Bồ tát sơ phát tâm, cũng đều có hạnh nguyện tu cho mình và cho người, nên luôn luôn có đồ chúng đông đảo vây quanh. Phải sắp xếp đồ chúng sao cho yên ổn, không để họ quấy rầy. Chuẩn bị tất cả mọi việc như trên cho chu đáo, lúc đó mới an ổn mà nhập thất.
“Rồi phải thường xuyên nhớ nghĩ đến điều này: Thân tướng của ta hôm nay do tứ đại hòa hợp. Đó là lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não và những chất bẩn, đều thuộc về ĐẤT; Nước miếng, nước mũi, máu mủ, nước dãi, nước bọt, đờm, nước mắt, tinh khí, nước tiểu, đều thuộc về NƯỚC; Hơi ấm thuộc về LỬA; Chuyển động thuộc về GIÓ. Khi bốn đại chia lìa, vọng thân hôm nay hiện ở chỗ nào? ”: Đây là phương tiện Tư duy chơn chánh. Trong kinh Nguyên Thủy có nói, một vị ngồi quán về Tứ đại giống người bỏ bốn thứ đậu vào trong một bao lớn. Khi quán xét đến sâu xa, sẽ thấy mỗi thứ một bên, phân biệt rõ ràng. Ở đây Phật dạy hành giả ngồi yên tu trong tịnh thất, quán xét phân tích thân thể mình, sẽ thấy những chất cứng thuộc về Đất, chất lỏng thuộc về Nước, hơi ấm thuộc về Lửa, chuyển động (hơi thở ra vào, máu huyết lưu thông...) thuộc về Gió. Như vậy, thân mình do bốn đại tạo thành nên hoàn toàn không có tự thể, khi bốn đại chia lìa, vọng thân cũng không còn. Phương pháp nầy thật giản đơn nhưng rất có hiệu quả, giúp hành giả nhận rõ thân mình chỉ là tướng giả hợp.
“Như vậy liền biết, cuối cùng thân này không có tự thể, do hòa hợp mà có tướng, thật đồng với huyễn hóa”: Vì thân này vay mượn các yếu tố, các điều kiện khác nó để trở thành nó, nên nó là vô thể. Vì vậy, nó đồng với huyễn hóa. Ở đây khi quán thân, Phật dạy chúng ta hai giai đoạn: Đầu tiên nhận thấy thân là giả hợp, sau đó thâm nhập lý Như huyễn.
“Bốn duyên giả hợp vọng có sáu căn. Sáu căn, bốn đại trong ngoài hợp thành, vọng có Duyên khí. Trong ấy tích tụ như có Duyên tướng giả gọi là Tâm”: Đất - nước - gió - lửa giả hợp sinh ra sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có bốn đại năng tạo thì không có sáu căn; không có sáu căn cũng không thể có bốn đại sở tạo. Khi bốn đại bên ngoài và sáu căn bên trong đắp đổi cho nhau; nói cách khác, khi tứ đại năng tạo bên ngoài và tứ đại sở tạo bên trong hợp với nhau, vọng sinh ra tập khí nhiều đời, ra cái tâm duyên lự, cái tâm phân biệt nhị biên. Thứ Duyên khí này tích tụ trong bốn đại và sáu căn để tạo thành Duyên tướng giả. Người ta gọi đó là Tâm, tức là Đệ lục ý thức, theo danh từ của Duy thức học.
“Này Thiện nam tử! Tâm hư vọng này, nếu không có sáu trần thì cũng không thể có”: Thực ra cái vọng tâm này, nếu không có sáu trần thì làm gì hiện hữu? Do sáu căn tiếp xúc với sáu trần rồi lưu ảnh vào trong tàng thức thành những chủng tử (hạt giống). Những hình ảnh ấy sau này lại hiện ra thành vọng tâm, ta gọi là Chủng tử khởi hiện hạnh. Nếu cứ ôm ấp mãi hình ảnh kia, tức chấp vọng tâm cho là thật, thì hiện hạnh huân trở lại chủng tử, lưu giữ lại vào tàng thức. Cứ thế mãi, không bao giờ cùng.
“Khi tứ đại phân lìa thì không một mảy trần nào có thể tìm được. Khi Duyên-trần đều tan mất, cuối cùng cũng không có Duyên-tâm có thể thấy được”: Duyên-tâm là cái tâm phan duyên theo trần cảnh, nó duyên sinh từ căn-trần giao thoa. Khi bốn đại sáu căn đó hoại, Duyên-tâm này sẽ theo nghiệp mà thọ sanh vào thân khác, nên Phật bảo Duyên-tâm lúc ấy cũng không còn thấy được.
“Này Thiện nam tử! Những chúng sanh kia, vì huyễn thân diệt nên huyễn tâm cũng diệt. Vì huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng diệt. Vì huyễn trần diệt nên huyễn diệt cũng diệt. Vì huyễn diệt diệt nên cái Phi huyễn chẳng diệt. Ví như lau gương, bụi hết sáng hiện”: Đoạn này có ý nghĩa rất sâu xa, chúng ta cần lưu ý mới có thể lãnh hội được. Đi vào công phu thiền định, khi quán xét sâu, ta không còn chấp thân tứ đại này là thật nữa, lúc này Phật gọi là “huyễn-thân diệt”. Không chấp vào thân là cảnh sở quán nên cũng không còn chấp vào cái tâm năng quán, nghĩa là “huyễn-tâm cũng diệt”. Khi buông tâm năng quán, cũng không còn chấp vào sáu trần bên ngoài, cho nên “huyễn trần cũng diệt”. Lúc này cả thân-tâm-cảnh ta đều buông vì biết tất cả đều là huyễn. Tiến thêm một bước, chúng ta hiểu rằng nhờ cái huyễn-trí ta mới biết thân-tâm-cảnh là huyễn. Cái huyễn trí này chỉ là dụng của tự tánh, nghĩa là trí-dụng chứ không phải trí-thể, còn nằm trong sanh diệt, Phật gọi đó là “huyễn diệt”, nên cũng phải buông luôn. Vì vậy mới nói “Vì huyễn trần diệt nên huyễn diệt cũng diệt”.
Khi huyễn-trí đã buông sạch, nghĩa là huyễn-diệt đã diệt, vẫn còn một cái không bao giờ diệt gọi là “Phi-huyễn”. Đây là điểm then chốt để phân biệt với Niết bàn của Nhị thừa, hay quan niệm đoạn diệt của những người trầm không trệ tịch. Khi huyễn-thân, huyễn-tâm, huyễn- trần và cả huyễn-diệt đều diệt, thì sáu căn-sáu trần đều nằm trong ánh giác, trong tự thể thanh tịnh. Lúc này, nói theo các Thiền sư: “Trâu đen biến thành trâu trắng, đuổi hoài không đi”. Tự tâm Viên Giác hiện ra lồ lộ, nên nói “cái Phi-huyễn chẳng diệt”. Nếu chúng ta nghĩ rằng, khi buông hết tất cả rồi cuối cùng không còn một cái gì hết, thì đó là lầm to. Chư Phật và chư Bồ tát, khi giác ngộ được tự tâm, nếu không còn gì thì làm sao các Ngài thổi sức sống vào cuộc đời nhiêu ích chúng sanh? Nếu không còn gì, thì làm sao từ bên trong các Ngài lưu xuất thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, làm sao các Ngài có được tư cách quá tuyệt vời, để có thể lăn lộn cùng chúng sanh trong ba cõi sáu đường mà vẫn an nhiên tự tại? Thật sự, khi chúng ta quán đến tột cùng rồi buông sạch các vọng chấp cũng như khi lau sạch bụi trên mặt gương, tự tánh sẽ hiện ra như tánh sáng của gương bày hiện. Lại cũng như mây che ánh trăng, mây tan thì trăng hiện; khi quét sạch hết vô minh phiền não, trăng Viên Giác sáng ngời sẽ tự hiện ra rỡ rỡ.
“Này Thiện nam tử! Phải biết thân-tâm đều là huyễn cấu, tướng cấu hằng dứt thì mười phương thanh tịnh”: Đức Phật diễn tả thêm về trạng thái khi buông sạch hết các chấp huyễn-cấu của thân-tâm. Lúc ấy, mười phương thanh tịnh được hiện bày, cái Thấy của ta trùm khắp pháp giới. Vì thế, chương này mới có tên là Phổ Nhãn.
“Này Thiện nam tử! Ví như bảo châu ma-ni thanh tịnh ánh ra năm màu, tùy phương mà hiển hiện. Những người mê muội cho rằng ngọc Ma-ni thật có năm màu”: Phật nói thêm một ví dụ nữa để sáng tỏ vấn đề. Ví như châu Ma-ni, tự thân nó không có màu sắc, nhưng tùy phương mà hiện ra năm màu. Vậy màu đó không có thực thể. Những người mê muội chấp cho năm màu là thật, mà quên đi hòn ngọc.
“Này Thiện nam tử! Cũng vậy, tánh thanh tịnh của Viên Giác hiện ra thân-tâm, tùy loài mà ứng hiện. Những người mê muội cho tánh Viên Giác thanh tịnh thật có tự tướng thân-tâm như thế, nên không xa lìa được huyễn hóa”: Tự tâm Viên Giác được ví như hòn ngọc Như-ý, tùy theo nghiệp mà mỗi chúng sanh có một thân-tâm khác nhau. Những người mê muội chấp vào thân ngũ uẩn cho là mình mà quên đi tự tánh, cũng như người chấp vào năm màu làm tự thể mà quên đi hòn ngọc. Bồ tát Quán Tự Tại, khi hành sâu Bát Nhã thấy năm uẩn đều không, liền nhận ra tự tánh Viên Giác hằng hữu nên vượt hết thảy khổ nạn. Còn chúng ta cho năm uẩn là thật nên cứ mãi trầm luân.
“Thế nên, ta nói thân-tâm là huyễn cấu. Đối với người lìa được huyễn cấu, ta gọi là Bồ tát. Khi cấu hết đối trừ, tức không còn đối cấu và cũng không còn tên gọi”: Người còn chấp vào huyễn cấu cho là thật, người đó là chúng sanh; người lìa được huyễn cấu là hữu-tình-giác, tức Bồ tát. Như vậy, Bồ tát và chúng sanh thật ra chỉ khác ở chỗ đã ngộ hay còn mê nơi huyễn cấu đó mà thôi. Khi huyễn cấu của năm uẩn đã hết, cái đối lại cái cấu cũng đã trừ, nghĩa là không còn người lìa huyễn cấu (năng) và không còn cái cấu để lìa (sở), lúc này không còn đối cấu và đến chỗ vô ngôn, tức không thể dùng ngôn từ diễn tả được.
“Này Thiện nam tử! Những Bồ tát này và chúng sanh đời mạt pháp, khi chứng được các huyễn tận diệt, lúc bấy giờ liền được thanh tịnh không giới hạn, trùm khắp hư không vô biên”: Những người xa lìa hết huyễn-cấu và trừ hết đối trị mà Phật gọi là “những Bồ tát này”, cùng chúng sanh đời mạt pháp, khi chứng được ảnh tượng các huyễn diệt hết thì được sự thanh tịnh không cùng. Đây là nói về phần thể của Viên Giác, rộng lớn trùm khắp hư không vô biên.
“Khi tánh giác tròn sáng, hiển tâm được thanh tịnh. Vì hiển tâm thanh tịnh, nên thấy trần được thanh tịnh. Vì thấy trần thanh tịnh, nên Nhãn căn được thanh tịnh. Vì Nhãn căn thanh tịnh nên Nhãn thức được thanh tịnh. Vì Thức thanh tịnh, nên cái nghe tiếng được thanh tịnh. Vì nghe tiếng thanh tịnh, nên Nhĩ căn được thanh tịnh. Vì Nhĩ căn thanh tịnh, nên Nhĩ thức được thanh tịnh.Vì Thức thanh tịnh, nên Giác trần được thanh tịnh. Như thế cho đến mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy”: Kinh Duy - Ma có nói: “Duy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Khi tâm diệt hết mọi cấu nhiễm, mọi chấp trước phiền não, trở về trạng thái tịch tĩnh mà hằng tri, thì tất cả sắc đều là sắc Phật, tất cả tiếng là tiếng Phật. Vì tâm hoàn toàn thanh tịnh nên tất cả pháp đều thanh tịnh, ứng ra các căn, trần, thức đều thanh tịnh. Tại sao như thế? - Bởi vì tất cả các pháp đều do tâm sanh ra, tâm không chỗ sanh thì pháp không chỗ trụ.
Này Thiện nam tử! Vì căn thanh tịnh nên Sắc trần được thanh tịnh. Vì Sắc trần thanh tịnh, nên Thanh trần được thanh tịnh. Hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.
Này Thiện nam tử! Vì sáu trần thanh tịnh, nên Địa đại được thanh tịnh. Vì Địa đại thanh tịnh, nên Thủy đại được thanh tịnh. Hỏa đại, Phong đại cũng lại như vậy.
Này Thiện nam tử! Vì bốn đại thanh tịnh, nên Mười hai xứ, Mười tám giới, Hai mươi lăm cõi đều được thanh tịnh”: Do sáu căn thanh tịnh, nên đối tượng của chúng là sáu trần cũng thanh tịnh. Do căn trần thanh tịnh nên cái tạo ra chúng là bốn đại bên ngoài và bốn đại bên trong đều thanh tịnh. Đây là tinh thần của phẩm Hiện Bảo Tháp trong kinh Pháp Hoa. Khi nhận ra “Tri kiến Phật” tức tự tánh Viên Giác, thân thất đại bất tịnh của chúng ta (đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức) biến thành tháp bảy báu trang nghiêm.
Khi bốn đại thanh tịnh, những cái do chúng tạo thành là Mười hai xứ (sáu căn và sáu trần), Mười tám giới (6 căn, 6 trần và 6 thức), cho đến tất cả chỗ nương của chúng sanh tượng trưng bằng Hai mươi lăm cõi, cũng đều được thanh tịnh.
Giảng xong những pháp hữu vi, bây giờ Phật bắt đầu nói đến các pháp vô vi :
“Vì những pháp kia thanh tịnh, nên Thập lực, Tứ vô sở úy, Tứ vô ngại trí, Mười tám pháp bất cộng của Phật và Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều được thanh tịnh. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn Đà-la-ni, tất cả đều được thanh tịnh”: Các pháp vô vi lúc này được tâm Viên Giác thắng tri, nên tất cả cũng được thanh tịnh. Con số tám vạn bốn ngàn là số tượng trưng. Tám vạn bốn ngàn môn Đà-la-ni để đối trị với tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não của chúng sanh; nghĩa là, khi một pháp ngộ thông thì muôn pháp đều được thông tỏ.
“Này Thiện nam tử! Vì tánh của tất cả Thật tướng đều thanh tịnh, nên một thân được thanh tịnh. Vì một thân thanh tịnh, nên nhiều thân được thanh tịnh. Vì nhiều thân thanh tịnh, như thế cho đến tánh Viên Giác của chúng sanh trong mười phương đều được thanh tịnh”: Do tánh và tướng đều thanh tịnh nên thân ngũ uẩn cũng được thanh tịnh. Ở đây, Lý tánh hiển bày thì tất cả pháp thế gian, xuất thế gian, cho đến chánh báo y báo của mười phương chúng sanh đều được thanh tịnh. Khi giác ngộ tánh Viên Giác, hành giả sẽ thấy mọi hàm linh đều có Phật tánh như nhau. Vì vậy, Bồ tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng đều cung kính thưa rằng: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật”.
“Này Thiện nam tử! Vì một thế giới thanh tịnh, nên nhiều thế giới được thanh tịnh. Vì nhiều thế giới thanh tịnh, như thế cho đến tận cùng khắp hư không, tròn đầy trong ba đời, tất cả đều bình đẳng, thanh tịnh bất động”: Bình đẳng là đứng trên phương diện không gian, bất động là trên phương diện thời gian mà nói. Tất cả các pháp, tận cùng khắp hư không, đồng thanh tịnh như nhau không khác; và suốt trong ba đời đều là thường tịnh.
“Này Thiện nam tử! Hư không bình đẳng bất động như thế, nên phải biết Giác tánh bình đẳng bất động. Vì tứ đại bất động nên phải biết Giác tánh bình đẳng bất động. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn Đà-la-ni bình đẳng bất động, nên phải biết Giác tánh bình đẳng bất động”: Đây là nhờ Sự mà hiển Lý, từ Tướng mà chỉ ra Tánh. Hư không, tứ đại cho đến tám vạn bốn ngàn môn Đà-la-ni đều thuộc về Tướng. Khi tất cả các pháp đều bình đẳng, thanh tịnh bất động, tức là hợp với Giác tánh bình đẳng bất động.
“Này Thiện nam tử! Vì Giác tánh cùng khắp, thanh tịnh bất động, tròn đầy không có giới hạn, nên phải biết sáu căn cùng khắp pháp giới. Vì căn cùng khắp, nên phải biết sáu trần cùng khắp pháp giới. Vì Trần cùng khắp, nên phải biết tứ đại cũng cùng khắp pháp giới; như thế cho đến môn Đà-la-ni cũng cùng khắp pháp giới”: Từ Tánh nhìn ra tướng, từ Lý nhìn ra Sự. Các pháp trùng trùng duyên khởi, liên hệ chặt chẽ với nhau, một pháp không ngoài tất cả pháp và ngược lại, tất cả pháp đều nằm trong một pháp. Đây là ý nghĩa của câu “Tất cả là một, một là tất cả”. Sáu căn tuy nằm trong một thân tướng, nhưng kỳ thực nó cũng thuộc về tánh Pháp giới, vì nếu không có tánh Pháp giới thì sẽ không có sáu căn. Cho nên, sáu căn không lìa tánh Pháp giới như sóng cũng là nước nên có lìa được nước bao giờ. Khi đã giác ngộ viên mãn, Giác tánh tròn đầy không giới hạn, hành giả phóng tầm mắt ra chỗ nào thì chỗ ấy ở trong trạng thái nhất như, trùm khắp mười phương pháp giới. Nhà Thiền diễn tả trạng thái này bằng hình ảnh “trăm đầu ngọn cỏ ý Tổ sư” hoặc “trên đầu sợi lông hiển hiện Pháp thân Tỳ-Lô-Giá-Na-Phật”.
Vì Căn, Trần, bốn đại cho đến những môn Đà-la-ni đều không lìa Giác tánh, nên lúc này, tất cả các pháp đều cùng khắp pháp giới. Mỗi pháp đều cùng khắp mà vẫn không ngăn ngại nhau, nên mỗi pháp đều viên mãn không giới hạn.
“Này Thiện nam tử! Do tánh Diệu-giác kia cùng khắp, nên Căn-tánh Trần-tánh không hoại không tạp. Vì Căn-Trần không hoại, như thế cho đến môn Đà-la-ni không hoại không tạp. Ví như trăm ngàn ngọn đèn chiếu sáng trong một căn nhà, ánh sáng kia soi cùng khắp, không hoại không tạp”: Hoại là tranh lấn lẫn nhau, như nước với lửa, như đen với trắng. Tạp là lẫn lộn với nhau, như trộn lẫn gạo với nếp, cát với đá. Vì tánh Diệu-giác cùng khắp, tròn đầy vô tận, nên tánh của Căn, Trần và các môn Đà-la-ni không bị hoại và tạp. Ở đây, Phật chỉ ra lý các pháp dung thông vô ngại, một pháp hiển hiện tất cả pháp, hiển hiện pháp thân Phật. Một giọt nước khi biết rằng nó chính là biển, nó sẽ dung thông được tánh ướt của biển. Đây là cảnh giới bất tư nghì, Tánh-Tướng không hai, rất khó hiểu đối với chúng ta. Vì vậy, Phật dùng ví dụ một căn nhà được trăm ngàn ngọn đèn chiếu sáng. Ánh sáng của các ngọn đèn không ngăn ngại lẫn nhau, chúng hòa quyện vào nhau, giao xen lẫn nhau nhưng không mất vẻ đặc thù của từng loại.
“Này Thiện nam tử! Vì giác ngộ được thành tựu, nên biết Bồ tát không cùng với Pháp trói buộc, không cầu pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết bàn; không kính người trì giới, không ghét người phá giới; không trọng người tu lâu, không khinh người mới học. Vì cớ sao? - Vì tất cả đều là Giác-tánh. Ví như con mắt sáng thấy rõ cảnh trước mắt, ánh sáng kia viên mãn không có ưa ghét. Vì sao? - Vì thể của ánh sáng không hai, nên không có sự ưa ghét”: Phật giảng đến lý Bất Nhị. Theo thứ lớp quán tu như lời Phật dạy ở trên, đến lúc thành tựu giác ngộ, thể nhập Giác-tánh thanh tịnh bình đẳng, Bồ tát thông hiểu các pháp đều không. Các Ngài thấy rõ Sanh tử - Niết bàn, Trói buộc - Giải thoát, Trì giới - Phạm giới, Tu lâu - Mới học... đều chỉ là giả danh đối lập. Vì vậy, Bồ tát không trói không mở, không chán không ưa, không kính không ghét, không trọng không khinh. Các Ngài thấy tất cả các pháp đều ở trong Giác tánh, bình đẳng không hai, nên lòng từ bi chan rải đều cho tất cả mọi loài, mới phát đại nguyện vào tất cả các cõi để hành hạnh Bồ tát tự-lợi lợi-tha.
Ví dụ như, nhìn cảnh trước mắt bằng đôi mắt sáng. Khi tâm thức chưa khởi phân biệt, ánh mắt viên mãn, thể của ánh sáng không hai, màu sắc sẽ tùy cảnh mà hiện, cho nên không có sự ưa ghét.
“Này Thiện nam tử! Những hàng Bồ tát đây và chúng sanh đời mạt pháp tu tập tâm này được thành tựu, thì ở đây, không tu cũng không thành tựu. Tánh Viên Giác chiếu sáng cùng khắp, tịch diệt không có hai tướng. Ở trong đó, trăm ngàn muôn ức A-tăng-kỳ thế giới của Phật như số cát sông Hằng, không thể đếm hết, giống như hoa đốm trong hư không, loạn khởi và loạn diệt, chẳng tức chẳng ly, không trói buộc cũng không giải thoát. Từ đó mới biết, tất cả chúng sanh xưa nay đã thành Phật, Sanh tử - Niết bàn chỉ là giấc mộng đêm qua”: Khi các hàng Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp tu tập tâm Viên Giác thành công, thì ở trong tâm thanh tịnh này, không còn thấy cái Hạnh có thể tu, không thấy cái Quả có thể chứng, nên nói “không tu cũng không thành tựu”. Đây là lối lý luận của Bát Nhã, gặp nhiều lần trong kinh Kim Cang. Tâm Viên Giác thanh tịnh, diệu dụng thì chiếu sáng cùng khắp, trở về bản thể thì lặng dứt không hai. Trong tâm này, thế giới của mười phương chư Phật không thể tính đếm kia, cũng chỉ như hoa đốm trong hư không, tùy duyên khởi-diệt, không phải là tâm cũng chẳng lìa tâm, không phải trước bị trói buộc mà nay được giải thoát. Học đến đây chúng ta mới thấy, thế giới Tịnh Độ của chư Phật mà người tu thường qui hướng, cũng chỉ là phương tiện, là giả danh. Kỳ thật, đến rốt ráo thì không có chỗ nào gọi là để “trở về”. Chúng ta mới tâm đắc lời Phật dạy trong kinh Kim Cang “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, phải nhận ngay Như Lai trên mảnh đất hiện thực này, ngay nơi sóng mà nhận ra đại dương.
Khi nhận ra thiên thu vĩnh hằng hàm chứa trong sát-na tâm, Bồ tát mới biết rằng, tất cả chúng sanh xưa nay đã thành Phật. “Đã thành” chứ không phải “Sẽ thành”. Đây là một hình thức diễn đạt rất huyền diệu mà chúng ta đã từng gặp trong kinh Lăng Già. Nếu chúng sanh không từng là Phật, thì làm sao có thể tu tập để tìm lại Phật tánh của chính mình? Chẳng qua vì quên tự tánh, mãi mê tạo nghiệp nên mãi mê trôi lăn trong sinh tử, cũng như nhận lầm năm màu sắc là thật mà quên viên ngọc Như Ý tự thể không có màu. Bây giờ chúng ta tu là trở về với tánh Phật. Nói “trở veà” cũng là gượng nói đó thôi, mình đã là Phật mà muốn tìm Phật ở nơi nào, cũng như tu mà muốn ngộ thì đó cũng chỉ là cái ngộ ở bên ngoài, chỉ là “Vác Phật đi tìm Phật”.
Biết mình đã là Phật, chúng ta sẽ không tìm cầu Niết bàn ở đâu xa, mà chỉ ở ngay mảnh đất tâm của mình nhận lấy. Lúc ấy mới thấy sanh tử hay Niết bàn cũng không thật có, như khi ngủ ta tưởng mộng là thật, khi tỉnh giấc mới biết chỉ như ảo ảnh phù vân.
“Này Thiện nam tử! Vì như giấc mộng đêm qua, nên phải biết Sanh tử và Niết bàn không khởi không diệt, không đến không đi. Nơi cảnh sở chứng, không được không mất, không lấy không bỏ. Nơi người năng chứng, không Tác, không Chỉ, không Nhậm, không Diệt. Ở trong cảnh giới chứng ngộ này, không còn tướng năng-sở, rốt ráo không có cảnh chứng cũng không có người chứng. Tất cả pháp tánh bình đẳng không hoại”: Vì tướng Sanh tử và tướng Niết bàn chỉ như giấc mộng đêm qua, nên khi tỉnh mộng nhìn lại các tướng tự nó không có thật, nên không khởi không diệt, không đến không đi. “Cảnh sở chứng” là Niết bàn, là tâm Viên Giác, đến đây rồi thấy đều là những danh từ rỗng nên không được không mất, không lấy không bỏ. Nơi người năng chứng, do đã đạt được vô công dụng hạnh nên không tạo tác (không Tác), không phải dừng tâm để hết vọng tưởng (không Chỉ), cũng không có “ý niệm” nhậm vận tùy duyên (không Nhậm), không đoạn diệt vọng tưởng để thủ chứng chơn như (không Diệt). Trong cảnh giới chứng ngộ này, không có pháp sở chứng cũng không có người năng chứng. Đây là vách sắt ngàn nhẫn không còn chỗ bám, theo ngôn ngữ nhà Thiền. Đến đây rồi, hành giả phải buông tay cho chết một lần rồi sống lại vĩnh viễn.
Cũng trong cảnh giới này, tất cả các pháp đều lấy Chân-như làm Tánh, nên trong phạm trù không gian thì bình đẳng không khác; trong phạm trù thời gian thì bất hoại, chẳng đồng với đoạn diệt.
“Này Thiện nam tử! Các Bồ tát kia tu hành như thế, thứ lớp như thế, tư duy như thế, trụ trì như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, không còn mê muội nữa”: Ở đây chúng ta cần hiểu chữ “như theá” có nghĩa sâu xa là “như thị”. Phần kết luận, Đức Phật tóm tắt lại toàn bộ chương Phổ Nhãn :
- Tu hành như thế: Các Bồ tát sơ phát tâm trong pháp hội này và chúng sanh đời mạt pháp thuộc hàng trung-hạ căn, cần theo những phương tiện thứ lớp tu hành.
- Thứ lớp như thế: Đề cập đến phần chánh niệm xa lìa các huyễn, nương vào hạnh Xa-ma-tha của Như Lai.
- Tư duy như thế: Phải thường xuyên nhớ nghĩ rằng Thân-tâm-cảnh đều là duyên sinh giả hợp, đồng với huyễn hóa.
- Trụ trì như thế: Khi huyễn-thân, huyễn-tâm, huyễn-trần và huyễn-diệt đều diệt, có cái Phi-huyễn thường hằng hiện bày lồ lộ, ví như lau gương, bụi hết sáng hiện.
- Phương tiện như thế: Tất cả thứ lớp, tư duy, trụ trì nói trên đều là những phương tiện giả lập, diễn nói từ cạn đến sâu.
- Khai ngộ như thế: Bồ tát theo các phương tiện giả lập, nương đó tu hành, ngộ lý Như huyễn, nhận ra tự tánh bình đẳng thanh tịnh trùm khắp pháp giới, thể nhập Bất nhị pháp môn.
- Cầu pháp như thế, không còn mê muội nữa: Phật trả lời câu hỏi của Bồ tát Phổ Nhãn, sợ những chúng sanh đời mạt pháp khi nghe Như Lai nói về tam muội thì tâm sanh mờ mịt, không thể ngộ nhập Viên Giác. Đức Phật khẳng định, nếu cầu pháp như thế, y như thế tiến tu, thì dù căn cơ thấp kém cũng vẫn có phần.
“Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nên nói kệ rằng:
Phổ
Nhãn! Ông nên biết,
Tất
cả các chúng sanh
Thân
tâm đều như huyễn.
Thân
tướng thuộc bốn đại
Tâm
tánh thuộc sáu trần
Bốn
đại mỗi xa lìa
Cái
gì là hòa hợp”.
Đức Phật nhắc lại, thân do bốn đại giả hợp, tâm do sáu căn duyên với sáu trần vọng khởi, nên không có tự thể, đồng với huyễn hóa.
“Thứ
lớp tu như thế
Tất
cả đều thanh tịnh,
Bất
động khắp pháp giới,
Không
Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt,
Cũng
không người năng chứng.
Tất
cả thế giới Phật
Giống
như hoa hư không,
Ba
đời đều bình đẳng,
Rốt
ráo không đến, đi”.
Khi nhận ra tự tâm Viên Giác của chính mình, nhờ theo thứ lớp tu tập, Bồ tát thấy mười phương thế giới, chư Phật ba đời cũng chỉ ở ngay tại đây và bây giờ, ngay mảnh đất tâm hiện thực này. Trong cảnh giới chứng ngộ, không còn năng-sở, không đến đi, không Tác-Chỉ-Nhậm-Diệt. Tâm Viên Giác thanh tịnh bình đẳng và trùm khắp hư không vô biên.
“Bồ
tát sơ phát tâm
Và
chúng sanh đời mạt
Muốn
cầu vào Phật đạo
Phải
tu hành như thị”.
Chúng ta ở đây, muốn cầu vào Phật đạo thì cũng phải “tu hành như thị”. Có đúng như vậy không?
Tóm lại, hai chương Văn Thù và Phổ Hiền ở trước nhằm hiển bày lý tánh cho hàng thượng thượng căn và thượng căn. Chương Phổ Nhãn thì nhằm tu về sự tướng, chỉ cặn kẽ về phương pháp tu hành, dành cho hàng trung-hạ căn. Một khi đạt được sự lý viên dung, tánh-tướng bất nhị thì tâm Viên Giác hiển hiện. Kết thúc ba chương này, có thể nói là chúng ta đã có thể khai mở trọn vẹn bộ kinh, còn những chương sau chỉ phụ trợ thêm cho việc tu hành.
Cũng cần nói thêm một điều: Đang cầm trong tay một bản kinh tuyệt vời như vậy,rõ ràng chúng ta đâu phải vô phần? Trải qua hơn 25 thế kỷ, kinh Viên Giác vẫn còn đây, vẫn vì mọi căn cơ chúng sanh mà diễn bày chánh pháp, làm cho mọi người đều được lợi ích. Trong đời mạt pháp, bậc thượng căn rất ít, kẻ trung hạ căn quá nhiều, nếu không có phương tiện thứ lớp thì chúng ta biết nương vào đâu tu hành? Cho nên, khi học chương Phổ Nhãn này, chúng ta thấy như Đức Phật đã dành giảng nói cho chính mình, đó là điều đáng phấn khởi cho chúng ta vậy.