- Chương 1: Quốc Độ Phật
- Chương 2: Phương Tiện Quyền Xảo
- Chương 3: Chúng Đệ Tử
- Chương 4: Bồ Tát
- Chương 5: Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
- Chương 6: Bất Tư Nghị
- Chương 7: Quán Chúng Sanh
- Chương 8: Phật Đạo
- Chương 9: Pháp Môn Bất Nhị
- Chương 10: Phật Hương Tích
- Chương 12: Thấy Phật A-Súc
- Chương 13: Cúng Dường Pháp
- Chương 14: Chúc Lụy
- Sách Dẫn Và Ngữ Vựng
Chương 3
CHÚNG ĐỆ TỬ
[1]
Lúc bấy giờ, Duy-ma-cật trong lòng suy nghĩ, «Nay ta nằm bệnh; không lẽ đức Thế Tôn đại từ chẳng đoái tưởng đến?»
Phật biết ý tưởng đó, nói với Xá-lợi-phất:
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
Xá-lợi-phất đáp:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Con nhớ lại, có lần, con đang ngồi tĩnh niệm[2] dưới tàn cây trong rừng,[3] Duy-ma-cật đến đó, và bảo con rằng,[4] ‹Kính thưa[5] ngài Xá-lợi-phất, bất tất[6] ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Hiện thân và ý[7] mà không ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi[8] mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định,[9] ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm các việc phàm phu[10] mà không xả Đạo pháp,[11] ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Tu hành ba mươi bảy phẩm[12] mà không làm dao động các kiến chấp,[13] ấy mới là tĩnh tọa. Nhập Niết bàn mà không đoạn trừ phiền não,[14] ấy mới là tĩnh tọa. Ngồi được như vậy, thì mới được Phật ấn khả.›
«Bấy giờ, bạch đức Thế Tôn, khi nghe ông nói những lời này, con ngồi im lặng, không trả lời được. Cho nên con chưa đủ năng lực để thăm viếng.»
Phật nói với Đại Mục-kiền-liên:
«Ông hãy đi
thăm bệnh Duy-ma-cật.»
Mục-kiền-liên
bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Con nhớ lại, có lần, khi con đang giảng Pháp cho hàng tục gia đệ tử trên đường phố thành Tỳ-da-li, Duy-ma-cật đến bảo con rằng,[15] «Kính thưa ngài Đại Mục-liên, giảng Pháp cho cư sĩ bạch y không phải như Nhân giả đang thuyết. Thưa ngài, khi thuyết pháp, hãy như pháp mà thuyết. Pháp không chúng sinh, vì xa lìa cáu bẩn của chúng sinh.[16] Pháp không thọ mạng,[17] vì xa lìa sinh tử. Pháp không có con người,[18] vì tiền tế và hậu tế[19] đều cắt đứt. Pháp thường tịch nhiên, vì diệt các tướng. Pháp lìa ngoài tướng, vì không sở duyên.[20] Pháp không ngôn thuyết,[21] vì lìa giác quán.[22] Pháp không hình tướng, vì như hư không.[23] Pháp không hý luận vì rốt ráo không. Pháp không ngã sở, vì lìa ngã sở. Pháp không phân biệt, vì lìa các thức. Pháp không so sánh, vì không tương đãi.[24] Pháp không thuộc nhân vì không ở trong duyên. Pháp đồng Pháp tánh, vì nhập vào các pháp.[25] Pháp tuỳ theo Như vì không có gì để theo. Pháp trụ thực tế, vì không động các biên.[26] Pháp không động dao, vì không y sáu trần. Pháp không đến đi vì thường không trụ. Pháp thuận với Không, tùy theo vô tướng và ứng với vô tác.[27] Pháp lìa đẹp xấu. Pháp không tăng giảm. Pháp không sinh diệt. Pháp không chỗ về. Pháp vượt qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm.[28] Pháp không cao thấp; thường trụ, bất động. Pháp lìa hết thảy quán hạnh.[29]
«‹Kính thưa ngài Mục-liên, tướng của Pháp như vậy, làm sao diễn giảng? Thưa ngài, người thuyết pháp thì không diễn thuyết, không khai thị. Người nghe thì không nghe, không sở đắc. Như con người huyễn[30] giảng pháp cho người huyễn nghe. Ngài nên xác lập tâm ý này mà giảng Pháp. Cần phải hiểu rõ căn tánh nhạy bén hay u mê của chúng sinh. Bằng tâm đại bi mà tán dương Đại thừa; vì nhớ nghĩ báo đáp ân đức của Phật, không để Tam bảo đoạn tuyệt. Vì như vậy mà thuyết pháp.›
«Nghe
Duy-ma-cật nói pháp này xong, tám trăm cư sĩ đã phát tâm cầu giác ngộ tối
thượng. Bạch Thế Tôn, con không có biện tài như vậy, nên không đủ khả năng thăm
bệnh.»
Phật nói với
Ma-ha Ca-diếp:
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Nhớ lại, có lần con đang khất thực nơi xóm nghèo, Duy-ma-cật đến nói: ‹Kính thưa ngài Ma-ha Ca-diếp, có tâm từ bi mà không rộng khắp, nên ngài bỏ nhà hào phú mà xin nhà bần hàn.
« Thưa ngài Ca-diếp,[31] an trụ nơi pháp bình đẳng thì nên hành khất thực theo thứ lớp. Vì sự không ăn,[32] cho nên cần phải hành khất thực. Vì để làm rã sự kết hợp[33] mà cầm lấy đồ ăn vo nắm.[34] Vì không thọ nhận[35] mà nhận lấy thực phẩm của người kia. Bằng ấn tượng về xóm hoang[36] mà đi vào xóm. Nhìn sắc mà cũng đồng như mù. Nghe âm thanh cũng đồng như tiếng vọng. Ngửi mùi thơm cũng đồng như gió thoảng. Nếm thức ăn, mà không phân biệt. Tiếp thọ các xúc như trí chứng.[37] Biết vạn hữu đều như huyễn tướng, không có tự tánh, chẳng có tha tánh; từ xưa vốn không bốc cháy thì nay không dập tắt.[38]
«Thưa ngài Ca-diếp, nếu có thể thành tựu tám pháp giải thoát mà không cần lìa tám tà;[39] bằng tà tướng mà nhập Chánh pháp; bằng một miếng ăn[40] mà bố thí tất cả; cùng chư Phật và Hiền Thánh Tăng. Cho đến được vậy mới nên ăn. Ăn như vậy không phải có phiền não[41] cũng không lìa phiền não, không nhập định ý[42] cũng không xuất định ý; không phải trụ thế gian cũng không phải trụ Niết-bàn. Ai thí cho, công đức không nhiều cũng không ít. Vật thí không tốt cũng không hại. Đó là cách chân chánh đi vào Phật đạo, không nương dựa vào tiểu đạo của Thanh-văn. Thưa Ca-diếp, ăn như vậy mới là không ăn suông của người bố thí.›
«Bạch Thế
Tôn, khi nghe những lời này, được điều chưa từng có này, trong con khởi niềm
tôn kính sâu sắc hết thảy chư Bồ tát, và con nghĩ: ‹Con người có gia đình mà có
thể có trí tuệ biện tài như vậy, ai nghe mà không khởi tâm cầu giác ngộ?› Từ đó
con thôi không khuyên người bằng Thanh-văn hay Bích-chi-phật. Vì vậy cho nên
con biết mình không đủ năng lực đi thăm bệnh.»
Phật lại bảo
Tu-bồ-đề:[43]
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
Tu-bồ-đề bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Nhớ lại, có lần con đến nhà ông khất thực. Duy-ma-cật lấy bát[44] của con cho đầy cơm rồi bảo: ‹Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu đối với sự ăn mà bình đẳng, thì đối với các pháp cũng bình đẳng. Các pháp bình đẳng thì đối với sự ăn cũng bình đẳng. Hành khất thực như vậy mới đáng nhận thức ăn.[45]
«Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu có thể không cần dứt đoạn dâm dục, sân nộ, ngu si , mà cũng không câu hữu với chúng; không hoại nơi thân mà tùy nhất tướng;[46] không diệt si và ái[47] mà đạt được minh và giải thoát;[48] bằng tướng của năm tội đại nghịch[49] mà được giải thoát nhưng cũng không được cởi, không bị trói; không thấy bốn Thánh đế, cũng không phải không thấy Thánh đế;[50] không phải đắc quả, không phải phàm phu, không phải lìa pháp phàm phu; không phải Thánh nhân, không phải không là Thánh nhân; tuy thành tựu hết thảy pháp mà vẫn xa lìa pháp tướng.[51] Có như thế mới đáng nhận thức ăn.
«Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu không thấy Phật cũng không nghe Pháp;[52] sáu đại sư ngoại đạo kia, là Phú-lan-na Ca-diệp, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la , và Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử,[53] là Thầy của ngài; nhân họ mà ngài xuất gia. Nếu các vị Thầy ấy đọa lạc thì ngài cũng đọa lạc theo. Như vậy ngài mới nên nhận thức ăn.
«Nếu Tu-bồ-đề đi vào các tà kiến, không sang bờ bên kia;[54] trụ trong tám nạn chứ không thoát khỏi tám nạn;[55] đồng với phiền não,[56] xa rời pháp thanh tịnh; nếu ngài chứng đắc Vô tránh tam-muội[57] thì hết thảy chúng sinh cũng chứng đắc định ấy; những ai bố thí ngài, không nói là gieo vào ruộng phước; những ai cúng dường ngài sẽ rơi vào cõi dữ; ngài cùng bọn Ma năm tay nhau làm bạn lữ trong trần lao;[58] ngài cùng với bọn Ma và các trần lao giống nhau không khác;[59] đối với hết thảy chúng sinh mà có tâm oán hận; báng bổ chư Phật, hủy hoại chanh pháp, không nhập tăng số, không được diệt độ.[60] Nếu được như vậy, ngài mới đáng nhận thức ăn.
«Bạch Thưa Thế Tôn, nghe những lời này mà con hoang mang; không biết đó là ngôn ngữ gì; không biết phải trả lời thế nào. Con bèn bỏ lại bình bát, định ra khỏi nhà. Duy-ma-cật kêu lại: ‹Thưa ngài Tu-bồ-đề, hãy nhận lấy bình bát, chớ có sợ hãi. Ngài nghĩ sao, nếu Như Lai khiến một người hoá[61] đến nạn vấn, khi ấy ngài có sợ chăng?› Con đáp, ‹Không sợ.› Duy-ma-cật tiếp, ‹Hết thảy pháp đều là tướng như huyễn hoá.[62] Cho nên ở đây ngài không nên sợ hãi. Vì sao? Vì văn tự và ngôn thuyết đều không xa lìa tướng ấy. Cho đến, bậc trí không dính mắc văn tự và ngôn thuyết, vì vậy chẳng có gì để sợ. Tại sao? Tại vì văn tự và ngôn thuyết không có tự tánh, đó là giải thoát. Tướng của giải thoát, đó là các pháp.›
«Khi
Duy-ma-cật nói xong Pháp này, hai trăm người con của chư thiên chứng được sự minh
tịnh của Pháp nhãn. Vì thế con biết mình chưa đủ năng lực đến thăm ông.»
Phật lại bảo
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử:[63]
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
Phú-lâu-na thưa với Phật:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bệnh ông ấy. Là vì, một hôm, trong rừng Đại lâm,[64] con đang thuyết Pháp cho một nhóm tì kheo mới thọ giới, Duy-ma-cật chợt đến và nói: ‹Thưa ngài Phú-lâu-na, trước tiên ngài nên nhập định để thấu rõ tâm tánh người nghe rồi mới nên giảng Pháp. Chớ để đồ ôi thiu trong chén quí. Ngài nên hiểu rõ tâm niệm[65] của các tỳ kheo này chứ đừng nhầm lẫn pha lê với thủy tinh. Nếu ngài chưa rõ căn nguyên của chúng sinh thì đừng nên phát khởi chúng bằng pháp Tiểu thừa. Kia chưa bị lở lói, chớ làm họ trầy xước. Với người muốn đi trên đường, đừng chỉ họ lối hẹp. Đừng rót biển cả trong dấu lõm chân trâu. Đừng ví ánh mặt trời với sắc màu đom đóm.[66]
«‹Phú-lâu-na, các tì kheo này đã phát tâm Đại thừa từ lâu nhưng nửa chừng quên mất. Sao ngài lại hướng dẫn họ bằng pháp Tiểu thừa? Trí của Tiểu thừa nông cạn, như người mù, không thể tỏ tường nguồn cội của chúng sinh.›
«Liền đó, Duy-ma-cật nhập đại định khiến các tì kheo nhớ lại kiếp trước của họ đã từng gặp năm trăm vị Phật, đã gieo trồng bao phước đức để hồi hướng cho phát nguyện cầu giác ngộ tối thượng của họ; khiến họ thức tỉnh và lập tức phục hồi tâm nguyện trong quá khứ. Họ liền cúi đầu đảnh lễ Duy-ma-cật, nghe ông thuyết giáo, và tiếp tục tầm cầu giác ngộ tối thượng, không còn thối chuyển.
«Con nghĩ hàng Thanh-văn chưa quán sát rõ căn tánh của người nghe Pháp[67] thì không nên thuyết Pháp. Nên con thấy mình chưa đủ năng lực đến thăm bịnh ông.»
Phật bảo Ma-ha Ca-chiên-diên:[68]
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
Ma-ha Ca-chiên-diên thưa:
«Bạch đức Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bệnh ông ấy. Vì có lần, sau khi Phật giảng các yếu nghĩa của Pháp cho các tỳ kheo, con đã theo đó giải thích cho các tì kheo nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa không, nghĩa vô ngã, và nghĩa tịch diệt.
«Bấy giờ Duy-ma-cật đi dến và bảo con rằng: ‹Thưa ngài Ma-ha Ca-chiên-diên, đừng lấy tâm hành sinh diệt mà giải nghĩa pháp thật tướng. Ma-ha Ca-chiên-diên, các pháp rốt ráo không sinh không diệt;[69] đó là nghĩa vô thường. Ngũ thủ uẩn rỗng suốt, trống không, không có gì sinh khởi; là nghĩa của khổ. Các pháp rốt ráo không, không có gì; là nghĩa của vô. Ngã và vô ngã không hai; là nghĩa vô ngã. Các pháp nguyên lai không bùng cháy, nay chẳng có gì là dập tắt; đó là nghĩa tịch diệt.»
«Duy-ma-cật
nói xong, các tì kheo hiện diện tâm được giải thoát. Cho nên con thấy mình chưa
đủ năng lực đến thăm bịnh ông.»
Phật bèn nói với
A-na-luật :[70]
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
A-na-luật thưa:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bệnh ông ấy. Vì có lần con đang đi kinh hành,[71] một Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh, cùng mười ngàn chư thiên hào quang chiếu rọi, đến gặp con, cúi chào và hỏi: ‹Thiên nhãn của ngài nhìn xa đến đâu?› Con đáp: ‹Thưa Nhân giả, tôi nhìn thấy ba nghìn đại thiên quốc độ của Phật Thích-ca-mâu-ni như trái am-ma-lặc[72] trong lòng bàn tay.› Khi ấy Duy-ma-cật xuất hiện, nói rằng: ‹Thưa ngài A-na-luật, cái thấy bằng thiên nhãn của ngài là có tướng trạng hay không có tướng trạng?[73] Giả sử có tướng trạng, thì chẳng hơn hàng ngoại đạo đã tập thành năm phép thần thông. Nếu không có tướng trạng, thì đó là vô vi, không có sự thấy.›
«Bạch Thế Tôn, lúc ấy con lặng thinh không trả lời được. Các Phạm thiên khi nghe những điều chưa từng nghe, liền làm lễ rồi cung kính hỏi: ‹Vậy trên thế gian này ai có chân thiên nhãn?› Ông đáp: ‹Phật Thế Tôn có chân thiên nhãn, vì thường trụ trong tam-muội,[74] nhìn thấy hết thảy cõi Phật không do bởi hai tướng.›[75]
«Ngay lúc ấy,
Phạm vương Nghiêm Tịnh và năm trăm chư thiên quyến thuộc đã phát tâm vô thượng
chánh đẳng chánh giác. Họ cung kính đảnh lễ dưới chân Duy-ma-cật rồi biến mất.
Đó là lý do con nói mình chưa đủ năng lực để thăm bịnh ông ta.»
Phật bảo
Ưu-ba-li:[76]
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
Ưu-ba-li thưa:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bệnh ông ấy. Vì sao? Con nhớ lại, xưa kia có hai tì kheo phạm giới, xấu hỗ không dám đến hỏi Phật, đến nói với con: ‹Thưa ngài Ưu-ba-li, chúng tôi đã phạm luật và rất hỗ thẹn vì tội này, không dám đến hỏi Phật, xin hỏi ông cách sám hối để giũ sạch tội lỗi.› Con bèn theo như pháp mà giảng giải cho họ.
«Lúc ấy Duy-ma-cật đến nói với con: ‹Thưa ngài Ưu-ba-li, đừng làm nặng thêm tội của hai tỳ kheo này mà hãy ngay thẳng trừ diệt. Chớ làm rối loạn tâm của họ. Vì sao? Vì bản chất tội không ở trong không ở ngoài,[77] cũng không ở giữa. Như Phật đã dạy, chúng sinh cáu bẩn vì tâm cáu bẩn; nếu tâm trong sạch, hết thảy đều trong sạch. Tâm cũng không ở trong không ở ngoài, không ở giữa. Tâm như nhiên, tội cũng như nhiên. Các pháp cũng như nhiên, không vượt ngoài Như. Như ngài Ưu-ba-li, nếu tâm tướng[78] đã giải thoát, còn có gì cáu bẩn chăng?› Con đáp: ‹Không còn.› Ông ấy nói: ‹Cũng vậy, tâm tướng của chúng sinh thảy đều vô cấu, cùng như vậy. Thưa ngài Ưu-ba-li, vọng tưởng là cáu bẩn; không vọng tưởng là thanh tịnh.[79] Điên đảo là cáu bẩn; không còn điên đảo là thanh tịnh. Chấp ngã là cáu bẩn; không chấp ngã là thanh tịnh. Ưu-ba-li, hết thảy pháp khởi và diệt không đình trú, như ảo ảnh như tia chớp. Các pháp không đối đãi nhau,[80] không đình trú trong mỗi tâm niệm. Chúng đến từ những quan niệm sai lầm, như chiêm bao, như quáng nắng, như trăng trong đáy nước, như bóng trong gương, vì chúng sinh ra từ vọng tưởng. Hiểu được như vậy là người phụng trì giới luật. Hiểu như vậy là hiểu biêt thiện xảo.[81]›
«Ngay lúc ấy, hai vị tì kheo thán phục: ‹Siêu việt thay trí tuệ, mà ngài Ưu-ba-li không thể sánh bằng. Tuy là bậc trì luật đệ nhất cũng không thể nói được như vậy› Con mới nói: ‹[82]Duy trừ Phật ra, chưa từng có một Thanh-văn hay Bồ tát nào vượt hơn biện tài vô ngại[83] của người này vì trí tuệ minh đạt của ông thù thắng như vây.›
«Hai vị tì
kheo nhờ đó đã dứt đoạn nghi tình và hối hận, phát tâm cầu giác ngộ tối thượng
và lập nguyện cho hết thảy chúng sinh đều được biện tài như vậy. Cho nên con đủ
khả năng đến thăm bịnh ông ấy.»
Phật bèn nói với
La-hầu-la:[84]
«Ông hãy đi thăm
bịnh Duy-ma-cật.»
La-hầu-la thưa:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm ông ấy. Vì nhớ lại, có lần con trai nhà trưởng giả thành Tỳ-da-li[85] đến gặp con, cúi chào và hỏi: ‹La-hầu-la, ông là con của Phật, đã bỏ ngôi vị Chuyển luân vương mà xuất gia học đạo. Xuất gia như vậy được lợi ích gì?› Con bèn như pháp mà nói các lợi ích của công đức xuất gia, Duy-ma-cật bỗng đến, nói: ‹Thưa ngài La-hầu-la, ông chớ nên nói về các lợi ích lợi ích của công đức xuất gia. Vì sao? Vì không lợi ích, không công đức; đó là xuất gia. Chỉ pháp hữu vi mới nói đến lợi ích và công đức. Xuất gia là pháp vô vi. Trong pháp vô vi, không có lợi ích, không có công đức. La-hầu-la, xuất gia là vượt khỏi cái sự chỗ này, chỗ kia, hay ở giữa; là vượt khỏi sáu mươi hai kiến chấp,[86] an trú Niết-bàn,[87] được người trí lãnh thọ, là lối đi của bậc Thánh thực, hàng phục các ma, thoát ngoài năm đạo, thanh tịnh năm con mắt, thành tựu năm lực, tạo lập năm căn, không gây não hại cho đời, xa lìa mọi điều xấu, đẩy lui Ngoại đạo, siêu việt giả danh tự, ra khỏi vũng sình,[88] không bị ràng buộc, không ngã sở; không có gì để chấp thủ, không bị nhiễu loạn, nội tâm hoan hỷ, hộ trì tâm ý kẻ khác,[89] tùy thuận thiền định,[90] và thoát khỏi mọi sai lầm. Làm được như vậy mới là đích thực xuất gia.›
«Đoạn, Duy-ma-cật nói với những người con của các trưởng giả: ‹Các chú nên xuất gia trong Chánh Pháp. Vì sao? Vì không dễ gì được sống cùng thời với Phật.› Các người này nói: ‹Thưa Cư sĩ tôn kính, chúng tôi có nghe Phật dạy, nếu cha mẹ chưa cho phép thì con không được xuất gia.› Duy-ma-cật bảo: ‹Đúng vậy. Nhưng khi phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác, là các chú đã xuất gia.›
«Bấy giờ, ba
mươi hai người con của các trưởng giả đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh
giác. Vì vậy con chưa đủ năng lực đến thăm bịnh ông ấy.»
Phật bèn bảo
A-nan:
«Ông hãy đi thăm bịnh Duy-ma-cật.»
A-nan nói:
«Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bịnh ông ấy. Vì nhớ lại, có lần khi thân Thế Tôn có chút bịnh, cần sữa bò, con lấy bát đến đứng trước cửa nhà người Bà-la-môn. Khi ấy Duy-ma-cật đi đến, bảo con rằng: ‹Thưa ngài A-nan, có chuyện gì mà cầm bát đứng đây sớm thế?› Con đáp: ‹Cư sỹ, đức Thế Tôn thân có chút bịnh, cần sữa bò, vì vậy tôi mới đứng đây.› Duy-ma-cật chặn lại: ‹Thôi im đi, ngài A-nan. Chớ nói những lời như vậy. Thân Như Lai là thể kim cương. Mọi điều xấu đã bị đoạn trừ; mọi điều thiên hội đủ. Làm gì có bệnh? Làm gì có não? Ngài hãy im lặng mà đi. Chớ phỉ báng Như Lai. Đừng để người khác nghe được lời thô tháo đó. Chớ để chư thiên có uy đức và Bồ tát đến từ các quốc độ thanh tịnh nghe thấy. Thưa ngài A-nan, Chuyển luân thánh vương mới chỉ tích góp vài công đức nhỏ đã không còn bịnh não. Huống chi Như Lai đã hội đủ vô lượng phước đức thù thắng đức lại còn bịnh sao? Hãy đi đi, thưa ngài A-nan, đừng làm xấu hết cả chúng tôi. Nếu người Bà-la-môn ngoại đạo nghe lời này, họ sẽ nghĩ: ‹Sao đáng gọi là Tôn Sư? Người này cứu được ai khi ông chưa cứu nổi thân mình?› Hãy âm thầm mà đi nhanh đi, đừng để ai nghe lời ngài nói. A-nan, nên biết, thân Như Lai là Pháp thân, không đến từ tâm tưởng và dục vọng. Phật là đức Thế Tôn, thân Ngài vượt ngoài ba cõi. Thân Phật là vô lậu, vì các lậu đã dứt sạch. Thân Phật là vô vi, không thể gọi tên.[91] Thân như vậy làm sao có bịnh?›
«Bạch Thế Tôn, nghe ông nói, con ngập tràn hỗ thẹn, tự hỏi phải chăng con tuy gần Phật nhưng đã nghe nhầm chăng? Nhưng lúc ấy, con nghe một tiếng nói từ không trung vọng xuống: ‹A-nan, Cư sĩ nói đúng, nhưng vì Phật hiện thân trong đời năm trược ác, hiện hành pháp này để cứu độ chúng sinh. A-nan, cứ đi xin sữa, chớ hỗ thẹn.›
«Bạch Thế Tôn, trí tuệ và tài biện thuyết của Duy-ma-cật như vậy, con quả thật không đủ khả năng đến thăm bịnh ông.»
Như vậy năm trăm đại đệ tử của Phật đều kể lại những cuộc gặp bất ngờ của họ với Duy-ma-cật, đều nói không đủ khả năng đến thăm bịnh ông.
[10] DMC: phàm phu sự 凡夫事. VCX: dị sanh chư pháp 異生諸法 (Skt. pṛthagjana-dharmā).
[11] VCX.: «Hiện hành các pháp của hết thảy dị sanh (phàm phu) mà không xả những gì đã chứng.»
[12] Phẩm 品, chỉ Đạo phẩm. VCX,: bồ-đề phần pháp 菩提分法, chỉ các pháp hỗ trợ tuệ trí, Skt. bodhipākṣika-dharma .
[13] Chư kiến 諸見 ; CDM, Triệu nói: đó là chỉ 62 vọng kiến. VCX.: nhất thiết kiến thú 一切見趣 (Skt. sarva-dṛṣṭi-gata), đây chỉ 5 kiến chấp: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến.
[14] VCX: «Không xả sinh tử mà không còn phiền não. Tuy chứng Niết-bàn mà vô sở trụ.»
[15] Xem chth. 4 trên.
[16] DMC: chúng sinh cấu 眾生垢, Thập nói: «Tức là hai mươi thân kiến (Skt. satkāyadṛṣṭi: tát-ca-da tà kiến = hữu thân kiến). VCX: ngã cấu 我垢. VCS: cáu bẩn do ngã chấp hay của ngã chấp
[17] DMC: thọ mạng 壽命; VCX: mạng giả 命者, Skt. jīva, một khái niệm khác về ātman (ngã chấp, tự ngã hay linh hồn) trong một số học thuyết; tự ngã như là chủ thể của thọ mạng hay sinh tồn.
[18] DMC: nhân 人. VCX: bổ-đặc-già-la 補特伽羅, Skt. pudgala (nhân cách, nhân vị, cá thể ngã), một khái niệm về ātman của một số học thuyết; Hán dịch là số thủ thú 數取趣, chỉ chủ thể của luân hồi, tự ngã như là chủ thể trong luân chuyển tái sinh. Từ trên, bản của Huyền Trang đề cập bốn hình thái của ngã chấp (ātma-graha) hay khái niệm về tự ngã (ātma-dṛṣṭi): ngã (ātman), hữu tình (= chúng sinh, Skt. sattva), sinh mạng (jīva) và nhân vị hay nhân cách (pudgala). Bản La-thập chỉ kể có ba: chúng sinh, thọ mạng và con người.
[19] Tiền tế 前際, hay bản tế 本際 (Skt. pūrvakoṭi), biên tế tối sơ; hậu tế 後際 (Skt. paścima-koṭi), biên tế tối hâu. Chỉ giới hạn khởi điểm và tận cùng của thời gian.
[20] VCX: «Pháp lìa tham trước (chấp), vì không sở duyên.» Sở duyên 所緣, Skt. ālambana, cái mà chủ thể (thức) bám vào để sinh khởi và hoạt động.
[21] VCX: «Pháp không văn tự, vì ngôn ngữ bị cắt đứt.»
[22] Giác quán 覺觀, Triệu nói: «Nhị Thiền trở lên không còn giác và quán, nên nói là sự im lặng của Hiền Thánh.» Theo đó, giác quán là hai thiền chi đầu của sơ thiền; cũng là hai trong bốn tâm sở bất định của Duy thức; Skt. vitarka-vicāra, tầm và tứ 尋伺.
[23] VCX: «Pháp không thí thuyết (thí dụ và ngôn thuyết) vì xa lìa hết thảy tư duy sóng cuộn (ba lãng tư 波浪思, Skt. taraṅga-cintā?). Pháp phổ biến tất cả vì như hư không. Pháp không hiển hiện, không tướng, không hình, vì xa lìa hết thảy hành động sự.» Bản La-thập lược một số chi tiết.
[24] Tương đãi 相待: quan hệ hỗ tương.
[25] VCX: «Pháp đồng pháp giới, vì thể nhập hết thảy chân pháp giới.»
[26] VCX: tất cánh bất động , Skt.. atyantācala (rốt ráo hay tuyệt đối không dao động), bản La-thập đọc là antācala.
[27] Ba giải thoát môn : Không, Vô tướng, Vô tác (=Vô nguyện). Skt., trayo vimokṣāḥ, śūnyatā animittaḥ apraṇihitaḥ. VCX: «Pháp thuận Không, tùy Vô tướng, ứng Vô nguyện, vì xa lìa hết thảy tư duy tăng giảm.»
[28] VCX: «Pháp không chấp tàng (Skt. nir-ālaya, phi a-lại-da), vì lìa hết thảy con đường của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.»
[29] VCX: «Pháp lìa hết thảy sở hành của phân biệt, vì hết thảy hý luận đều bị rốt ráo đoạn trừ.»
[30] Huyễn sĩ 幻士, Skt. māya-puruṣa.
[31] VCX: Tôn giả Ca-diếp-ba.
[32] Bất thực 不食; Triệu nói: đây chỉ Niết-bàn. Cf. Trường A-hàm 8, kinh Chúng tập (T.1, tr. 49c19), «Hết thảy chúng sinh đều do thức ăn mà tồn tại.» Cf. Saṅgīti, D.iii. 211: sabbe sattā āhāra-tiṭṭhitikā.
[33] DMC: hoại hoà hiệp tướng 壞和合相.
[34] DMC: đoàn thực 揣食, thức ăn được vò thành viên, tức thực phẩm vật chất; Skt. kavalīkāra āhāra. CDM, Triệu nói: «Vo tròn (đoàn) là vật được hoà hiêp. Hoại hoà hiệp, tức phá hoại sự hoà hiệp của năm uẩn. Sự phá hoại năm uẩn tức là Niết-bàn.» VCX: «Vì để hoại thực chấp 食執 của người kia nên hành khất thực.» VCS: «Bản dịch cũ nói hoà hiệp tướng, tức chỉ thực chấp.»
[35] Bất thọ 不受;Triệu nói: «Bất thọ, tức là pháp Niết-bàn.»
[36] DMC: không tụ tưởng 空聚想. VCX: không tụ tướng 空聚相。
[37] Trí chứng 智證, La-thập: «Bằng trí mà xúc thật tướng.» Đạo Sinh nói: «Trong tiếng Phạn, xúc và trí chứng đối nghĩa nhau.»
[38] DMC: bản bất nhiên 本不然. CDM, Triệu nói: «Như lửa, không cháy thì không tắt.» VCX: vô xí nhiên , vô tịch diệt 無熾燃無寂滅.
[39] Tám tà, tức tám tà đạo, đối nghịch với tám chánh đạo.
[40] DMC: nhất thực 一食. VCX: nhất đoàn thực 一揣食 (một nắm thức ăn)
[41] VCX: tạp nhiễm 雜染, Skt. saṃkleśa. Khuy Cơ nói, cựu dịch «phiền não» không chính xác.
[42] DMC: định ý 定意; VCX: tĩnh định 靜定.
[43] DMC: Tu-bồ-đề 須菩提. VCX: Đại Thiện Hiện 大善現. VCS: Ma-ha Tô-bổ-để , đây nói là Đại Thiện Hiện 摩訶蘇補底此云大善現. Skt. (Mahā)Subhūti.
[44] VCX: «Sau khi lễ, rồi đón lấy bình bát.»
[45] VCX: «Nếu, có thể bằng tính bình đẳng từ nơi sự ăn, mà thể nhập tính bình đẳng của hết thảy pháp; bằng tính bình đẳng của hết thảy pháp mà thể nhập tính bình đẳng của hết thảy chư Phật. Được như vậy mới đáng nhận thức ăn.»
[46] VCX: «Không hoại tát-ca-da kiến mà nhập nhất thú đạo.» Khuy Cơ giải: Tát-ca-da kiến 薩迦耶見 (Skt. satkāya-dṛṣṭi) là ngụy thân kiến (chấp thân hư nguỵ này là thực hữu). Lý vô ngã được nói là nhất thú 一趣 (Skt. ekagati: định hướng duy nhất; hoặc ekayāna, lối đi độc nhất). Vì đó là đích quay về của hành giả trong cả ba thừa.
[47] DMC: si và ái 癡愛. VCX: vô minh và hữu ái 無明有愛, Skt.. avidyā và bhava-tṛṣṇā.
[48] DMC: minh thoát 明脫. VCX: tuệ minh và giải thoát. Minh, chỉ ba minh (tisro vidyāḥ). Giải thoát, chỉ tám giải thoát (aṣṭau vimokṣāḥ).
[49] DMC: ngũ nghịch 五逆, năm tội đại nghịch, hay vô gián nghiệp. Skt. pañca ānantarya-karmāṇi. VCX: vô gián bình đẳng pháp tính 無間平等 法性 (Skt. anantarya-samadharmatā). Khuy Cơ giải: vô gián ở đây chỉ địa ngục vô gián, nêu chỗ cực khổ để đối nghịch đại lạc là Niết-bàn.
[50] Kiến đế 見諦 (Skt. satya-darśana), đây chỉ sự chứng đắc Thánh quả, đặc biệt Sơ quả.
[51] DMC: pháp tướng . Skt. dharma-lakṣaṇa. VCX. pháp tưởng . Skt. dharma-saṃjñā.
[52] VCX: thêm: «không phụng sự Tăng.»
[53] DMC: lục sư ngoại đạo 外道六師: Phú-lan-na Ca-diệp 富蘭那迦葉, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử 末伽梨拘賒梨子, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử 刪闍夜毘 羅胝子, A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la 阿 耆 多 翅 舍 欽 婆 羅 , Ca-la-cu-đà Ca-chiên-diên 迦羅鳩馱迦旃延 và Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử 尼犍陀若提子. VCX, Ngoại đạo lục sư 外道六師: Mãn Ca-diếp-ba 滿迦葉波, Mạt-tát-yết-li Cù-xá-li Tử 末薩羯離瞿舍離子, Tưởng Phệ-đa Tử 想吠多子, Vô Thắng Phát Hạt 無勝髮褐, Phong Ca-diễn-na 犎迦衍那, Ly hệ thânTử 離繫親子. Skt.. Pūraṇa-Kāśyapa, Maskarī-Gosālīputra, Sañjayī-Vairaṭīputra, Ajita-Keśakambala, Kakuda-Kātyāyana, Nirgrantha-Jñātiputra. Pali, Cf. Sāmañña-phala-sutta, D.i. 47tt.
[54] VCX: «Rơi vào các kiến thú (Skt. dṛṣṭigati: xu hướng kiến chấp tà vạy) mà không đi đến trung biên (Skt. madhyānta: trung đạo và hai biên chấp hay cực đoan).
[55] VCX: bát vô hạ 八無暇 , tám hoàn cảnh không thuận lợi cho sự tu tập chánh pháp. Skt. aṣṭāv akǎaṇāḥ; Cf. Pali, Saṅgīti, D.iii. 287, aṭṭh’ akkhaṇā asamayā brahmacariya-vāsāya.
[56] DMC: phiền não 煩惱; VCX: tạp nhiễm 雜染, Skt. saṃkleśa.
[57] Vô tránh tam-muội/định, Skt. araṇā-samādhi; cf. Câu-xá 27 (T.29, tr.141c24): «Nói vô tránh tam muôi, nghĩa là, A-la-hán quán sát sự khổ của chúng sinh do bởi phiên não. Tự biết thân của mình là ruộng phước bậc nhất, nhưng ngại rằng phiền não của người khác lấy thân của A-la-hán làm đối tượng để sinh khởi, cho nên ngài dẫn phát tướng trí như vậy. Do phương tiện này khiến cho các chúng sinh khác không lấy thân của A-la-hán làm đối tượng để sinh khởi tham, sân, các thứ….» Cf. Vajracchedikā §9: aham asmi bhagavaṃs tathāgatenārhatā samyaksaṃbuddhena araṇāvihāriṇām agrayo nirdiṣṭaḥ, Thế Tôn, con được Như Lai xác nhận là đệ nhất trong các vị sống với hạnh vô tránh. Cf. Pali, A.i. 24: etad aggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ araṇavihārīnaṃ yadidaṃ subhūti… dakkhineyyānaṃ yadidaṃ subhūti, «Trong các Tỳ-kheo đệ tử của ta, đệ nhất trong những vị sông vô tránh là Subhūti; đệ nhất trong những vị đáng cúng dường là Subhūti.»
[58] DMC: lao lữ 勞侶. VCX: bạn lữ 伴侶. VCS: «Cựu dịch là lao lữ; ý nói, làm bầu bạn để đưa nhau vào chốn khổ nhọc của sinh tử.»
[59] VCX thêm: «Tự tính của hết thảy phiền não cũng chính là tự tính của Tôn giả.»
[60] VCX; «Rốt ráo không có Bát-niết-bàn.»
[61] Hoá nhân 化人, Skt. nirmitaka, người hay vật được biên hoá ra do pháp thuật hay ảo thuật.
[62] VCX: «Tánh tướng của các pháp đều như huyễn hoá (Skt. māyā-nirmita-sadśṭa).
[63] DMC: Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử 富樓那彌多羅尼子; VCX: Mãn Từ Tử 滿慈子. Skt., Pūrṇa-Maitrāyaṇi-putra.
[64] Xem chth. 3 ở trên.
[65] DMC: tâm chi sở niệm. VCX: ý lạc, xu hướng và sở thích; Skt. āśaya.
[66] VCX thêm: «Đừng nhét Diệu cao (núi Tu-di) vào trong hạt cải. Đừng nhầm tiếng gầm của sư tử với tiếng tru của chó sói.»
[67] VCX thêm¨«Vì họ không thưòng xuyên tại định như Phật.»
[68] Ma-ha Ca-chiên-diên 摩訶迦旃延. VCX: Ma-ha Ca-đa-diễn-na 摩訶迦多衍那. VCS: Hán dịch là Đại Tiễn Thế Nam 大剪剃男 (Con trai người thợ cạo). Skt. Mahā-Kātyāyana.
[69] VCX: «không phải đã sinh, đang sinh, sẽ sinh; không phải đã diệt, đang diệt, sẽ diệt.»
[70] DMC: A-na-luật 阿那律; VCX: Đại Vô Diệt 大無滅. Skt. Aniruddha.
[71] VCX: «trong Đại lâm.»
[72] Am-ma-lặc quả 菴摩勒果; VCX: a-ma-lạc quả 阿摩洛果 . Triệu (Đại 38, tr.354c20) nói: «… hình dáng như quả cau. Ăn vào, trừ phong lãnh.» Skt. āmalaka, dịch là dư cam tử 餘甘子 (Mahāvyutpatti).
[73] DMC: tác tướng 作相; VCX: hành tướng 行相 Skt. ākāra (hình trạng, biểu hiện).
[74] VCX: không xả tịch định 不捨寂定
[75] VCX: nhị tướng 二相, chủng chủng tướng 種種相; hình thái nhị nguyên đối đãi, và hình thái đa thù sai biệt. Skt. dvayākāra, nānākāra.
[76] CDM, Triệu nói, «Ưu-ba-li 優波離, tiên Tần nói là Thượng Thủ 上首. Trì luật đệ nhất trong các đệ tử Phật.» VCS: «Ưu-ba-li, đây nói là Cận Chấp 近執 . Khi Phật còn là Thái tử, …Ông là quan giữ kho.»
[77] VCX: «không an trụ bên trong, cũng không xuất hiện ra ngoài.»
[78] DMC: tâm tướng 心相, VCX: tâm bản tịnh 心本淨.
[79] VCX: «Có phân biệt, có dị phân biệt, là phiền não.»
[80] DMC: tương đãi 相待 ; VCX: tương cố đãi 相顧待, quan hệ, chiếu cố lẫn nhau. Skt. āpekṣika.
[81] DMC: thiện giải 善解; (Skt. suvimukta). VCX: thiện điều phục 善調伏 (khéo tự chế ngự); Skt. suvinita.
[82] VCX có thêm: «Các Thầy chớ nghĩ tưởng vị này là Cư sỹ.»
[83] Nhạo thuyết biện tài 樂說之辯, khả năng biện luận lưu loát. Skt. pratibhāna-pratisaṃvid.
[84] DM: La-hầu-la 羅睺羅; VCX: La-hỗ-la 羅怙羅. Skt. (=Pali) Rāhula.
[85] DMC: Tì-da-li chư trưởng giả tử 毘耶離諸長者子 ; VCX: Các công tử dòng họ Licchavī 諸童子離呫毘種.
[86] DMC: lục thập nhị kiến 六十二見, Xem Trường A-hàm 14, kinh Phạm động (Đại 1, tr. 88), Cf. D.1 Brahmajāla. VCS (Đại 38, tr.1055a17): «Các kiến chấp, ở đây bao gồm cả năm kiến, trong khi Cựu dịch nêu 62 kiến chỉ thuộc biên kiến, nghĩa rất hạn hẹp.»
[87] VCX: «(xuất gia) là con đường Niết-bàn.»
[88] VCX: «vũng sình dục vọng.»
[89] CDM, Thập nói: «tùy thuận chúng sinh, không trái nghịch tâm tư của chúng.»
[90] VCX: «tùy thuận tịch chỉ, cần tu thắng quán.» Tức tu chỉ và quán (Skt. śamatha-vipaśyana).
[91] DMC: bất đoạ chư số 不墮諸數. Skt. na saṃkhyāṃ gacchati VCX: «Thân Phật là vô vi, lìa các hữu vi; vượt qua các số, vì các số vĩnh viễn tĩnh lặng.» CDM (Đại 38, tr.360a15): Triệu nói, «…số, tức hữu số 有數 (số loại hữu vi).» VCS (Đại 38, tr.1056c17): «… số, tức sinh số 生數 (= số loại thọ sinh).»