(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)
Thích Mãn Giác dịch
Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1988
TẮC THỨ TÁM MƯƠI SÁU
THÙY: Cầm chắc thế giới, không chút sơ hở. Cắt đứt các dòng, không còn một giọt. Mở miệng là sai, so đo là trái. Thử nói xem, thế nào là con mắt nhìn thấu quan? Thử nêu lên xem.
CỬ: Vân Môn có lời dạy rằng, “Mọi người ai cũng có quang minh cả.Lúc nhìn thì không thấy gì mà chỉ thấy tối om om. Thế nào là cái quang minh trong mọi người?” Vân Môn tự trả lời rằng, “Nhà bếp và cổng tam quan.” Lại nói, “Việc tốt không bằng không.”
BÌNH: Trong phòng của mình Vân Môn có lời dạy để tiếp thiên hạ rằng, “Tất cả mọi người trong các ông đang đứng ngay đây, ai cũng có một ánh sáng rực rỡ xưa nay chưa từng dứt, vượt lên trên tri kiến. Tuy là qung minh, song lúc bị hỏi thì lại không hiểu. Như thế há không phải là tối o mom sao?” Dạy như thế suốt hai mươi năm mà chẳng có ai hiểu.
Sau đó Hương Lâm mời Vân Môn nói hộ, Vân Môn nói, “Nhà bếp có cổng tam quan.” Lại cũng nói, “Việc tốt không bằng không.” Bình thường lời nói hộ cho người khác chỉ có một câu, tại sao ở đây lại có hai câu? Câu đầu là chỉ để mở ra một con đường cho các ông thấy. Nếu như các ông là các hảo hán thì vừa nghe đề cập tới là cũng đủ phấn khởi hành động rồi. Vân Môn sợ thiên hạ bị vướng mắc ở đây, cho nên mới nói, “Việc tốt không bằng không.” Thầy ta vẫn cứ quét sạch cả cho các ông như trước.
Người bây giờ vừa nghe nói đến quang minh đã trợn mắt lên nói, “Đâu là nhà bếp? Đâu là cổng tam quan?” Song chẳng có gì là nhằm nhò cả. Cho nên mới có câu nói rằng, “Biết giữ ý đầu câu, đừng nhận điểm giữa cán.” Việc này không ở nơi mắt mà cũng chẳng ở nơi cảnh. Muốn hiểu được các ông cần phải tuyệt tri kiến, quên đắc thất, thánh thoát tự tại, mọi người ai nấy phải tự chiên nghiệm lấy.
Vân Môn nói, “Lai vãng ban ngày, biện người ban ngày. Hốt nhiên nửa đêm không mặt trời mặt trăng hay ánh đèn. Nếu như là nơi đã đến rồi thì còn không sao; còn nếu như là một chỗ lạ thì liệu các ông có nắm giữ được một vật gì không?” (Thạch Đàu viết trong bài) Tham Đồng Khế rằng: “Ngay trong sáng có tối, đừng coi đó là tối. Ngay trong tối có sáng, đừng coi đó là sáng.”
Nếu cắt đứt (tất cả các thiên chấp về) sáng và tối, thử nói xem đó là cái gì vậy? Cho nên mới có câu nói, “Tâm hoa phát ánh sáng, chiếu khắp các quốc độ mười phương.” Bàn Sơn nói, “Ánh sáng không chiếu trên đối tượng, đối tượng cũng chẳng tồn tại. Quên cả ánh sáng và đối tượng đi thì là vật gì vậy?” Lại nói rằng, “Thấy nghe này không là thấy nghe, chẳng thanh sắc khác để trình ngài. Nếu như hiểu được là vô sự, thể dụng tự nhiên phân chẳng phân.”
Chỉ cần hiểu câu cuối cùng của Vân Môn thì tha hồ mà du hí trong những câu trư1ơc. Song rốt cuộc không được chấp trước nơi đó. Duy Ma Cật nói, “Lấy vô trụ bổn, lập nhất thiết pháp.” Các ông cũng không được dựa vào đó mà chơi rỡn với ánh sáng với ma quỉ. Song cũng khởi hữu kiến lớn như núi Tu Di còn hơn là khởi vô kiến bằng một hạt cải.”[1]Những người trong nhị thừa[2] thường hay rơi vào một trong hai kiến chấp này.
TỤNG
Tự chiếu sáng một mình,
Vì ngài thông một lối.
Hoa rơi cây không bóng,
Lúc nhìn ai không thấy?
Thấy không thấy,
Cưỡi trâu ngược hề vào Phật điện.
BÌNH: “Tự chiếu sáng một mình.” Từ ngay dưới chân chỗ các ông đứng vốn đã có ánh quang minh này; chỉ có điều cái dụng bình thường của các ông là tối mà thôi. Cho nên Vân Môn Đại Sư mới trải ánh sáng ra ngay trước mặt các ông. Song thử nói xem, cái quang minh của các ông là gì? “ Nhà bếp và cổng tam quan.” Đó chính là chỗ mà Vân Môn phô bầy cái quang minh cô độc này ra. Bàn Sơn nói, “Ánh trăng của tâm thì tròn và đơn độc, quang minh của nó nuốt trọn vạn tượng.” Đây đúng là chân thường độc lộ.
Sau đó “vì ngài thông một lối.” Vân Môn vẫn còn sợ thiên hạ sẽ chấp trước nơi “nhà bếp và cổng tam quan.” Tạm thời với nhà bếp và cổng tam quan đi, song lúc hoa buổi sáng rụng và cây không có bóng, lúc mặt trời lặn mặt trăng mờ, cả trời đất tối om om, các ông có còn thất được chăng? “ Lúc nhìn ai không thấy? ”Thử nói xem, ai là người không thấy? Đến chỗ này khi mà “trong sáng có tối, trong tối có sáng,” giống như thể bước trước bước sau, các ông phải tự chính mình thấy.
Tuyết Đậu nói, “Thấy không thấy,” hay tụng, “Việc tốt không bằng không. ”Hợp với cái thấy lại không thấy, hợp với ánh sáng thì không sáng.
“Cưỡi trâu ngược hề vào Phật điện.” Thầy ta vào trong cái thùng đen rồi. Các ông cần phải tự cưỡi trâu vào điện Phật mới có thể thấy được thầy ta muốn nói gì.