LĂNG GIÀ A BẠT ĐA LA BỬU KINH
Pháp Sư Tam Tạng Ấn Độ Cầu Na Bạt Đà La dịch từ Phạn sang Hán đời nhà Tống.
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
(Phần 1)
QUYỂN THỨ NHẤT
- Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát khéo quán hai thứ tướng Vô ngã. Thế nào là hai thứ tướng Vô ngã? Ấy là Nhơn Vô ngã và Pháp Vô Ngã.
- Thế nào NHƠN VÔ NGÃ TRÍ? Là lìa ngã và ngã sở, lìa tụ duyên của Ấm, Giới, Nhập, lìa sự sanh khởi vô minh nghiệp ái, lục căn nhiếp thọ lục trần sanh ra lục thức, những chấp trước ấy đều phải lìa. Vì tất cả căn, thân (Chánh báo), khí giới (Y báo) đều do tự tâm hiện, là tướng của tự vọng tưởng, như dòng nước, như chủng tử, như đèn, như gió, như mây, sát na lần lượt hoại. Thô động như khỉ vượn, ưa chỗ bất tịnh như con ruồi, không biết đủ như gió thổi lửa, nhân tập khí hư ngụy từ vô thỉ như bánh xe đạp nước, đủ thứ thân sắc, sanh tử luân hồi trong lục đạo như huyễn thuật và thần chú mà tùy cơ phát khởi trí huệ, khéo biết tất cả tướng kia đều chẳng thật thì phá được nhơn ngã chấp, ấy gọi là Nhơn Vô Ngã Trí.
- Thế nào là PHÁP VÔ NGÃ TRÍ? Biết ấm, giới, nhập là vọng tưởng, tướng tự tánh, lìa ngã, ngã sở, những ấm, giới, nhập tích tụ, do dây trói của nghiệp ái lần lượt duyên nhau sanh khởi, thật tướng vốn chẳng lay động, các pháp cũng thế. Lìa tướng vọng tưởng tự cộng tướng chẳng thật, do sức vọng tưởng của phàm phu sanh ra, chẳng phải Thánh Hiền, vì tự tánh lìa tâm, ý, ý thức và năm pháp. Đại Huệ! Đại Bồ Tát khéo quán tất cả pháp Vô Ngã, khéo tu pháp Vô Ngã, thì Đại Bồ Tát chẳng bao lâu sẽ chứng đắc Sơ Địa, quán tướng Địa Vô Sở Hữu, quán sát mở mang giác huệ, đến Hoan Hỷ Địa, lần lượt tiến lên, siêu việt tướng cửu địa, chứng Pháp Vân Địa, ngay đó biến lập vô lượng bửu trang nghiêm, ngồi Đại Bửu Liên Hoa trong Đại Bửu cung điện, đồng một loại như tướng vua, có những quyến thuộc Bồ Tát từ tất cả cõi Phật đến vây quanh, được tay Phật quán đảnh, giống như sự quán đảnh của Thái Tử Chuyển Luân Thánh Vương. Từ phàm phu tu tập, sanh khởi cảnh giới huyễn của tự tánh, tới điạ vị siêu Phật tử, cho đến pháp Tự Giác Thánh Trí, sẽ được Pháp thân tự tận của Như Lai, hiện pháp Vô Ngã, ấy gọi là Pháp Vô Ngã tướng. Chúng Đại Bồ Tát cần nên tu học.
Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :
- Thế Tôn! Cúi xin Phật thuyết pháp kiến lập và phủ định, khiến con và chư Đại Bồ Tát lìa kiến lập và phủ định của ác kiến nhị biên, chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thế Tôn hứa khả sự thỉnh cầu của Đại Huệ Bồ Tát mà thuyết kệ rằng :
Vốn chẳng có tâm lượng.
Thân thọ dụng kiến lập,
Tâm phàm chẳng thể biết.
Ngu si chẳng trí huệ,
Chấp kiến lập phủ định.
- Có bốn thứ phi hữu mà lại có kiến lập. Thế nào là bốn?
1. Phi hữu tướng kiến lập.
2. Phi hữu kiến kiến lập.
3. Phi hữu nhân kiến lập.
4. Phi hữu tánh kiến lập.
Ấy gọi là bốn thứ kiến lập. Còn nói PHỦ ĐịNH nghĩa là : Ở nơi sở lập kia vốn vô sở đắc, vì quán sát sai lầm mà khởi tâm phủ định, ấy gọi là Tướng Kiến Lập Phủ Định.
- Lại nữa, Đại Huệ! Thế nào là PHI HỮU TƯỚNG KIẾN LẬP TƯỚNG? Ấy là : Tự cộng tướng của ấm giới nhập vốn phi hữu mà khởi tâm chấp trước, cho là thế này thế kia, gọi là Phi Hữu Tướng Kiến Lập Tướng. Phi hữu tướng kiến lập tướng này, là lỗi vọng tưởng hư ngụy từ vô thỉ, do đủ thứ tập khí kiến chấp mà sanh khởi.
- Đại Huệ! PHI HỮõU KIẾN KIẾN LậP TƯỚNG là kiến chấp ấm, giới, nhập, ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, nuôi dưỡng thiện căn (kẻ làm), sĩ phu (kẻ thọ nhận), v.v... như thế gọi là Phi Hữu Kiến Kiến Lập Tướng.
- PHI HỮU NHÂN KIẾN LẬäP TƯỚNG là khi ý thức sơ khởi chẳng từ nhân sanh, lúc trước vốn chẳng sanh, lúc sau mới như huyễn mà sanh, vốn chẳng có vật làm nhân. Như nhãn thức do vọng tưởng sắc, không, sáng tối mà sanh thức, thức sanh rồi liền diệt, ấy gọi là Phi Hữu Nhân Kiến Lập Tướng.
- Đại Huệ! PHI HỮU TÁNH KIẾN LậP TƯỚNG là tự tánh của ba pháp vô vi: Hư không, Niết Bàn và trạch diệt (do sức trí huệ mà chứng đắc pháp diệt) vốn chẳng có tự tánh, như lông rùa sừng thỏ, lìa có và không mà hiện, ấy gọi là Phi Hữu Tánh Kiến Lập Tướng.
- Kiến lập và phủ định là do vọng tưởng của phàm phu chẳng khéo quán sát tự tâm hiện lượng, chẳng phải chỗ thấy của Thánh Hiền. Bậc Đại Bồ Tát nên siêng tu học, lìa hai thứ ác kiến kiến lập và phủ định.
- Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát phải khéo biết tâm, ý, ý thức, năm pháp của tự tánh và hai thứ tướng Vô Ngã; vì sự yên ổn của chúng sanh, nên tiến đến cứu cánh. Như hạt châu như ý hiện ra đủ thứ sắc tướng, là do nhân duyên vọng tưởng phân biệt mà sanh khởi, đại chúng nơi tất cả pháp hội của Như Lai, nghe Phật thuyết pháp như mộng huyễn, như ánh sáng, như bóng trăng trong nước, pháp ấy lìa sanh diệt đoạn thường và lìa Thanh Văn, Duyên Giác, được trăm ngàn Tam muội, cho đến trăm ngàn ức na do tha Tam muội. Đắc Tam muội xong, dạo khắp các cõi Phật, cúng dường chư Phật, lên các Thiên cung hoằng dương Tam Bảo, thị hiện thân Phật, có chúng Thanh Văn, Bồ Tát vây quanh. Dùng tự tâm hiện lượng để độ thoát chúng sanh, phân biệt diễn thuyết ngoài tánh vô tánh, khiến thảy đều xa lìa kiến chấp có và không v. v...
Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Thế pháp do tâm tạo.
Thị hiện đủ thứ thân,
Sức thần thông tự tại.
Tất cả đều thành tựu,
Sở tác vô chướng ngại.