KINH LĂNG GIÀ
TÂM ẤN
Thiền Sư Hàm Thị Sớ Giải
Hoà Thượng Thích Thanh Từ Việt Dịch
Thiền Viện Thường Chiếu
I-PHẦN TỰ:
A-DUYÊN KHỞI CỦA KINH:
Tôi nghe như vầy, một hôm Phật ở trên đảnh núi Lăng-già tại bờ biển Nam, dùng
các thứ hoa báu trang nghiêm, cùng với các vị đại tỳ-kheo tăng và chúng đại
Bồ-tát câu hội. Chúng đại Bồ-tát ấy ở các cõi Phật khác đến. Các ngài có sức tự
tại vô lượng chánh định và thần thông du hý, đại Bồ-tát Đại Huệ làm thượng thủ.
Các ngài đã được tất cả chư Phật làm phép quán đảnh, và khéo hiểu nghĩa cảnh
giới tự tâm hiện, các loại chúng sanh, các thứ tâm sắc, vô lượng độ môn, tùy
loại khắp hiện. Đối với năm pháp, ba tự tánh, tám thức và hai thứ vô ngã, các
ngài đã thông đạt cứu kính.
Trên hội Niết-bàn, ngài A-nan hỏi Phật: Khi kết tập các kinh, lấy câu nào để
đầu? Phật dạy: Phải dùng câu “Tôi nghe như vầy, một hôm Phật ở…” làm thông lệ
cho các kinh. Kinh này Phật chỉ thẳng cho chúng sanh căn thân khí giới hiện
tiền đều duy tâm hiện, như mộng như huyễn chẳng phải có chẳng phải không. Một
niệm bất giác muôn pháp này đồng hiện. Chính nơi đó mà phát minh thì chỉ một
tâm không có gì khác. Đây là cảnh giới bất tư nghì của chư Phật, Bồ-tát, không
phải chỗ biết của hàng nhị thừa và ngoại đạo. Cho nên những vị đương cơ cùng
chư đại Bồ-tát đồng đến trong hội, đều được chánh định tự tại và thần thông du
hý, khéo hiểu tất cả cảnh giới tự tâm hiện. Các ngài tùy các thứ tâm sắc
của chúng sanh lập bày phương tiện để độ thoát, và thông đạt cứu kính năm pháp,
ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã. Các ngài đủ khả năng thọ nhận đệ nhất liễu
nghĩa của Như Lai, không rơi vào lưới nghi, không bị tất cả ngoại đạo, Nhị thừa
làm hoặc loạn. Những vị đại tỳ-kheo chung hợp trong hội này đều là hàng Nhất
thừa hóa hiện, không đồng với hàng định tánh Thanh văn, chẳng kham phát tâm Đại
thừa. Cho nên phần duyên khởi này cùng với yếu chỉ Duy tâm của bản kinh phù hợp
nhau hiển bày.
B- ĐƯƠNG CƠ KỆ TÁN
Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ cùng Bồ-tát Ma-đế hợp nhau dạo tất cả cõi nước chư Phật,
nương thần lực của Phật từ tòa đứng dậy, bày vai áo mặt, quỳ gối mặt xuống đất,
chắp tay cung kính dùng kệ tán thán Phật:
Cõi nước chư Phật tức là cõi nước chúng sanh. Những vị Bồ-tát này hay chính chỗ
nhật dụng của chúng sanh mà thông đạt cảnh giới Phật. Bảo rằng “Thấy tất cả sắc
đều là sắc Phật, nghe tất cả tiếng đều là tiếng Phật, dạo tất cả cõi nước đều
là cõi nước chư Phật”. Do đó các Ngài trên nương thần lực chư Phật, dưới vì
trong hội chúng phát lời tán thán. Những lời tán thán Phật đều hàm súc ý nghĩa
kinh, không có chỉ thú riêng.
Thế gian lìa sanh
diệt
Ví như hoa hư không,
Trí chẳng thấy có,
không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có,
không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có,
không
Mà khởi tâm đại
bi.
“Thế gian như không hoa, tất cả pháp như huyễn, thế gian hằng như mộng”, những câu này là tức nơi nhật dụng của chúng sanh liền thấy cảnh giới bất tư nghì của Như Lai, chẳng phải do dụng công quán chiếu của trí khiến nó thành có hay thành không. Như Lai thương xót các chúng sanh này không thể tự giác, luống theo tâm thức vọng chấp đoạn, thường. Ngài khởi đại bi lập bày phương tiện để độ thoát. Bồ-tát thâm hiểu được ý này, cho nên trong lời tán Phật riêng bày chỉ thú toàn kinh. Đây là “khéo hiểu nghĩa cảnh giới tùy tâm hiện” ấy vậy.
Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não và sở tri (nhĩ
diệm)
Thường thanh tịnh không
tướng
Mà khởi tâm đại
bi.
Phàm phu chấp trong thân ngũ ấm là ngã nên phiền não y đó mà khởi. Nhị thừa
quán ngũ ấm vô ngã mà cái sở tri chưa quên. Cả hai đều thuộc về mê, không phải
có cạn sâu vậy. Ở đây nói “nhân pháp vô ngã, phiền não sở tri thường tự thanh
tịnh” đều là lời tán Phật. Song cũng chỉ rõ phàm phu Nhị thừa ngay đó toàn
không, bởi do bất giác vọng thấy lưu chuyển. Như Lai biết rõ nên khởi đại bi độ
thoát. Tuy không có chúng sanh được diệt độ, mà mười câu vô tận bản nguyện sâu
rộng vậy. Xét theo Tam tế:
Y bất giác tâm động
gọi là Nghiệp tướng.
Y tâm động khởi năng
kiến gọi là Chuyển tướng.
Y năng kiến mà cảnh giới
vọng hiện gọi là Hiện tướng.
Ba thứ này, thuộc về thức thứ tám, là cái tập khí hư ngụy từ vô
thủy. Sau y Hiện tướng đối cảnh phân biệt thành Lục thô.
Trí tướng tức pháp chấp câu sanh.
Y trí khởi niệm chẳng dứt gọi Tương tục tướng là pháp chấp phân biệt. Hai cái
pháp ngã (chấp) này, tuy thuộc thức thứ bảy, song cội gốc nó thật khó thấy. Vì
nó y bất giác mà khởi nên rất vi tế. Đến hàng Thập nhất địa (Đẳng giác) vẫn có
hai phần sở tri ngu, cho nên không phải chỗ Nhị thừa thấy được. Chữ sở tri tức là
nhĩ diệm vậy.
Y niệm khởi chấp gọi Chấp thủ tướng, là nhân chấp câu sanh.
Y chấp khởi kế (tính toán) gọi Kế danh tự tướng, là nhân chấp phân biệt. Hai
cái nhân ngã (chấp) này, khởi ra tất cả cội gốc phiền não, cũng thuộc về thức
thứ bảy. Song vì y cảnh phân biệt làm chỗ chấp giữ, nên hàng Nhị thừa quán nhân
vô ngã cũng hay đoạn được mà pháp ngã của thức thứ bảy chẳng đoạn. Ngài Huyền
Trang cho phân biệt thuộc thức thứ sáu, câu sanh thuộc thức thứ bảy. Song ở đây
xét về nguyên do sanh khởi nên nói chung là thức thứ bảy.
Y hoặc tạo nghiệp gọi
Khởi nghiệp tướng.
Y nghiệp chiêu báo gọi
Khổ hệ tướng.
Hai phần này thuộc về trời người. Nhưng tóm kết Tam tế và Lục thô thảy đều do
bất giác. Nếu giác thì hoàn toàn không, nên nói “thường thanh tịnh không
tướng”.
Tất cả không
Niết-bàn
Không Niết-bàn của Phật
Không có Phật
Niết-bàn
Xa lìa giác, sở giác
Hoặc có hoặc không
có
Cả hai thảy đều
lìa.
Bốn bài kệ trước nói chỗ nhật dụng của chúng sanh thảy là cảnh giới của Như
Lai. Bài kệ này nói Như Lai Niết-bàn chẳng khác với chúng sanh sanh tử, nên nói
“tất cả không Niết-bàn”. Nếu có Niết-bàn thì đâu không sanh tử; đã có sanh tử
tức có chúng sanh sanh tử và có chúng sanh vào sanh tử. Có chúng sanh sanh tử
tức là có Phật Niết-bàn. Có chúng sanh vào sanh tử tức có Phật vào Niết-bàn.
Thế là cái năng giác và sở giác rõ ràng thành đối đãi. Đâu biết rằng tất cả
chúng sanh đã vào Niết-bàn, chẳng cần lại Niết-bàn. Như Lai thấy rõ nên hay tùy
thuận bản tế, sanh tử Niết-bàn đều như mộng huyễn. Đã tuyệt tâm năng, sở thì
không rơi vào cái thấy có, không. Bậc Vô thượng chánh chân không thể đem trọn
sự suy xét so lường đến được.
Quán Mâu-ni tịch
tĩnh
Thế là xa lìa sanh
Ấy gọi là chẳng thủ
Đời này đời sau
tịnh.