Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

20. Kinh A-Ma-Trú

11 Tháng Ba 201200:00(Xem: 13740)
20. Kinh A-Ma-Trú

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

PHẦN III

 20. KINH A-MA-TRÚ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành nước Câu-tát-la, cùng chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, rồi đến Y-xa-năng-già-la, thôn của một người Bà-la-môn ở Câu-tát-la. Ngài nghỉ đêm tại rừng Y-xa.

Lúc ấy, có một người Bà-la-môn tên Phất-già-la-sa-la, đang dừng chân ở thôn Úc-già-la. Thôn ấy sung túc, nhân dân đông đúc, là một thôn được vua Ba-tư-nặc phong cho Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la làm phạm phần. Người Bà-la-môn này, từ bảy đời nay cha mẹ đều chân chánh, không bị người khác khinh thường ;; đọc tụng thông suốt ba bộ cựu điển, có thể phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhân, nghi lễ tế tự; có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế. Ông có một đệ tử Ma-nạp tên là A-ma-trú, từ bảy đời nay cha mẹ đều chân chánh, không bị người khác khinh thường, đọc tụng thông suốt ba bộ cựu điển, có thể phân tích các loại kinh thư và cũng giỏi phép xem tướng đại nhân, nghi lễ tế tự và cũng có năm trăm đệ tử Ma-nạp, dạy dỗ không bỏ phế, không khác với thầy mình.

Lúc ấy, Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la nghe đồn Sa-môn Cù-đàm Thích tửư,, xuất gia, thành đạo, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, đến Y-xa-năng-già-la, thôn của Bà-la-môn, đang nghỉ trong rừng Y-xa; có tiếng tăm lớn lưu truyền trong thiên hạ, là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư Thiên, Người đời, Ma, hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, đã tự mình chứng nghiệm, rồi thuyết pháp cho người khác, khéo léo khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, có đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Với Bậc Chân Nhân như vậy, ta nên đến thăm viếng. Ta nay nên đến xem Sa-môn Cù-đàm để xác định có ba mươi hai tướng, tiếng tăm đồn khắp, có đúng sự thật chăng? Nên bằng duyên cớ nào để có thể thấy tướng của Phật? Rồi lại nghĩ: Nay đệ tử ta A-ma-trú, từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chân chánh, không bị người khác khinh thường, đọc tụng thông suốt ba bộ cựu điển, có thể phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhân, nghi lễ tế tự; duy chỉ người này có thể sai đi xem Phật, để biết có các tướng ấy không.

Rồi Bà-la-môn liền sai đệ tử A-ma-trú, bảo rằng:

“Ngươi hãy đến xem Sa-môn Cù-đàm kia có thật có ba mươi hai tướng hay không, hay là dối?”

A-ma-trú liền thưa thầy ngay rằng:

“Con làm thế nào để nghiệm xét tướng của Cù-đàm, để biết thật hay dối?”

Người thầy trả lời:

“Nay ta bảo cho ngươi biết, nếu thật có ba mươi hai tướng đại nhân, chắc chắn có hai đường, không nghi ngờ gì nữa. Nếu tại gia, sẽ làm Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn thiên hạ, bằng pháp trị, giáo hóa, thống lãnh nhân dân, đầy đủ bảy báu:

“1. Báu bánh xe vàng.

“2. Báu voi trắng.

“3. Báu ngựa xanh.

“4. Báu thần châu.

“5. Báu ngọc nữ.

“6. Báu cư sĩ.

“7. Báu điển binh.

“Vua có một ngàn người con, dũng mãnh, đa trí, hàng phục kẻ thù, không cần dùng vũ khí mà thiên hạ thái bình, nhân dân trong nước không có điều kinh sợ. Còn nếu không ham thích thế gian, vị ấy xuất gia cầu đạo, sẽ thành Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác đầy đủ mười hiệu. Theo đó mà có thể biết thực hư của Cù-đàm.”

A-ma-trú vâng lời thầy sai bảo, bèn thắng cỗ xe báu, dẫn theo năm trăm 500 đệ tử Ma- nạp, vào lúc sáng sớm, ra khỏi thôn, đi đến rừng Y-xa. Đến nơi, xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn. Trong lúc cùng đàm luận nghĩa lý, nếu Thế Tôn đang ngồi thì Ma-nạp này đứng; nếu Thế Tôn đứng thì Ma-nạp này ngồi. Phật nói với Ma-nạp rằng:

“Phải chăng ngươi đã từng đàm luận với các Bà-la-môn trưởng thượng, kỳ cựu như thế?”

Ma-nạp bạch Phật:

“Nói như vậy nghĩa là sao?”

Phật bảo Ma-nạp:

“Trong lúc cùng đàm luận, Ta ngồi thì ngươi đứng; Ta đứng thì ngươi ngồi. Phép đàm luận của thầy ngươi phải là như vậy chăng?”

Ma-nạp bạch Phật:

“Theo phép Bà-la-môn của tôi, ngồi thì cùng ngồi, đứng thì cùng đứng, nằm thì cùng nằm. Nay với hạng Sa-môn hủy hình, góa vợ, hèn hạ, thấp kém, tập theo pháp đen tối,, thì khi tôi cùng bọn người ấy luận nghĩa, không theo phép ngồi đứng.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói với Ma-nạp ấy rằng:

“Khanh, Ma-nạp, chưa được dạy kỹ “.”

Khi Ma-nạp nghe Thế Tôn gọi mình là khanh, lại nghe bị chê là chưa được dạy kỹ, tức thì nổi giận, kích bác Phật rằng:

“Con nhà họ Thích này hay có lòng độc ác, không có phép tắc.”

Phật bảo Ma-nạp:

“Những người họ Thích có lỗi gì với khanh?”

Ma-nạp nói:

“Xưa, một lần, tôi có chút duyên sự của thầy tôi với họ Thích ở nước Ca-duy-việt. Khi ấy có nhiều người họ Thích có chút nhân duyên nên tập họp tại giảng đường. Thấy tôi từ xa đến, họ khinh mạn, đùa cợt, không thuận nghi pháp, không biết kính trọng nhau.”

Phật bảo Ma-nạp:

“Các người họ Thích kia khi ở trong nước mình có thể vui đùa thỏa thích. Cũng như chim bay, đối với khu rừng có tổ của nó, ra vào tự tại. Cũng vậy, các người họ Thích khi ở trong nước mình có thể vui đùa tự tại.”

Ma-nạp nói với Phật:

“Đời có bốn chủng tánh: Sát-lỵ, Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la. Ba chủng tánh kia thường tôn trọng, cung kính, cúng dường Bà-la-môn. Những người họ Thích kia không nên như vậy. Họ Thích tôi tớ kia, hèn mọn, thấp kém, mà không cung kính Bà-la-môn như ta.”

Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ thầm rằng: “Gã Ma-nạp này nhiều lần mắng nhiếc và nói đến từ tôi tớ. Vậy Ta có nên nói duyên do của nó để nó khuất phục chăng?" Rồi Phật bảo Ma-nạp:

“Chủng tánh ngươi là gì?”

Ma-nạp trả lời:

“Tôi chủng tánh Thanh vương “.”

Phật bảo Ma-nạp:

“Chủng tánh ngươi như thế là thuộc dòng dõi tôi tớ của dòng họ Thích.”

Lúc ấy, năm trăm đệ tử Ma- nạp kia thảy đều lớn tiếng nói với Phật rằng:

“Chớ nói như vậy. Chớ nói Ma-nạp này thuộc dòng dõi tôi tớ của dòng họ Thích. Vì sao? Đại Ma-nạp này thật sự là con nhà tông tộc, nhan mạo đoan chánh, tài biện luận đúng lúc, nghe nhiều, học rộng, đủ để cùng đàm luận trao đổi với Cù-đàm.”

Thế Tôn nói với năm trăm Ma-nạp:

“Nếu thầy của các ngươi không đúng như lời các ngươi nói, Ta sẽ bỏ qua thầy ngươi mà luận nghĩa với các ngươi. Nếu thầy ngươi có đúng như lời các ngươi nói, các ngươi nên im lặng để Ta luận với thầy các ngươi.”

Năm trăm Ma-nạp bấy giờ bạch Phật rằng:

“Chúng tôi tất cả sẽ im lặng. Xin Ngài luận với thầy của tôi.”

Bấy giờ Thế Tôn nói với A-ma-trú:

“Trong thời quá khứ lâu dài xa xưa, có vị vua tên Thanh Ma. Vua có bốn người con trai. Thứ nhất tên Diện Quang. Thứ hai tên Tượng Thực. Thứ ba tên Lộ Chỉ. Thứ tư tên Trang Nghiêm. Bốn người con của vua có chút vi phạm bị vua đuổi khỏi nước, đến phía Nam Tuyết sơn, sống trong rừng cây thẳng. Mẹ của bốn người con cùng với các gia thuộc đều nghĩ nhớ họ, cùng nhau nhóm họp bàn, rồi đi đến chỗ Thanh Ma vương, tâu rằng:

“Đại vương, nên biết, bốn đứa con của chúng ta xa cách đã lâu, nay tôi muốn đi thăm.”

Vua nói:

“Muốn đi thì tùy ý.”

“Người mẹ và các quyến thuộc nghe vua dạy, liền đi đến phía nNam Tuyết sơn, trong rừng cây thẳng, đến chỗ bốn người con. Các bà mẹ nói:

“Con gái của ta gảã cho con trai ngươi. Con trai ngươi gảã cho con gái ta..

“Rồi họ phối nhau thành vợ chồng. Sau sinh con trai, dung mạo đoan chánh.

“Lúc ấy, vua Thanh Ma nghe bốn người con mình được các bà mẹ gả cho các con gái làm vợ, sanh con trai đoan chánh. Vua rất vui mừng, thốt lên lời này: Đúng là con nhà họ Thích. Đúng là con trai họ Thích. Vì có thể tự lập, nhân đó đặt tên là Thích. Thanh Ma vương chính là tiên tổ họ Thích vậy. Vương có một người áo xanh, tên gọi Phương Diện, nhan mạo đoan chánh, cùng thông giao thông với một người Bà-la-môn bèn có thai, sanh một Ma-nạp, vừa rớt xuống đất là biết nói. Nó nói với cha mẹ rằng: Hãy tắm cho con, trừ sạch dơ bẩn. Sau này lớn lên, con sẽ báo ơn. Vì mới sanh đã biết nói nên đặt tên Thanh vương. Như nay kẻ mới sanh mà biết nói thì ai cũng sợ, đặt tên là Đáng Sợ. Kia cũng vậy. Vừa sanh đã biết nói nên được đặt tên là Thanh vương. Từ đó đến nay, Bà-la-môn lấy Thanh vương làm họ.”

Lại bảo Ma-nạp:

“Ngươi có bao giờ nghe các Bà-la-môn kỳ cựu, trưởng thượng, nói về nguồn gốc chủng tánh này chưa?”

Lúc ấy Ma-nạp im lặng không trả lời. Hỏi lần nữa. Lại cũng không trả lời, Phật hỏi đến ba lần, bảo Ma-nạp rằng:

“Ta hỏi đến ba lần. Ngươi hãy nhanh chóng trả lời. Nếu ngươi không trả lời, Mật Tích lực sĩ , tay cầm chày vàng đứng hai bên Ta sẽ đánh cho đầu ngươi vỡ thành bảy mảnh.”

Lúc ấy Mật Tích lực sĩ tay cầm chày vàng, đang đứng giữa hư không, ngay trên đầu Ma-nạp. Nếu Ma-nạp không trả lời câu hỏi đúng lúc, sẽ hạ chày vàng đánh vỡ đầu Ma-nạp. Phật bảo Ma- nạp:

“Ngươi hãy ngước nhìn xem.”

Ma-nạp ngước nhìn, thấy Mật Tích lực sĩ tay cầm chày vàng đứng giữa hư không. Thấy vậy, rất đỗi kinh hãi, toàn thân lông dựng đứng, liền rời chỗ ngồi, đếền gần Thế Tôn, nương nơi Thế Tôn để được cứu hộ. Ma-nạp bạch Phật:

“Thế Tôn hãy hỏi. Con sẽ trả lời.”

Phật hỏi Ma-nạp:

“Ngươi có bao giờ nghe các Bà-la-môn kỳ cựu, trưởng thượng, nói về nguồn gốc chủng tánh này chưa?”

Ma-nạp đáp:

“Con tin là đã từng nghe. Thật có sự kiện ấy.”

Khi ấy năm trăm Ma-nạp thảy cùng cất tiếng bảo nhau rằng:

“A-ma-trú này thật sự thuộc dòng họ tôi tớ của Thích-ca. Sa-môn Cù-đàm nói sự thật, chúng ta vô cớ ôm lòng khinh mạn.”

Bấy giờ Thế Tôn nghĩ thầm: “Năm trăm Ma-nạp này về sau tất có lòng khinh mạn, gọi Ma-nạp này là đầy tớ. Nay hãy phương tiện diệt cái tên đầy tớ ấy." “Ngài liền nói với năm trăm Ma-nạp:

“Các ngươi cẩn thận, chớ gọi người này là đầy tớ. Vì sao? Tiên tổ Bà-la-môn của người này là một đại tiên nhân, có oai lực lớn, chinh phạt Thanh Ma vương, đòi lấy con gái. Vì sợ, vua bèn gả con gái cho.”

Do lời này của Phật, Ma-nạp tránh được tên đầy tớ.

Rồi Thế Tôn bảo A-ma-trú:

“Thế nào, Ma-nạp? Nếu con gái Sát-lỵ có bảy đời cha mẹ chân chánh không bị khinh khi, nhưng được gả cho một người Bà-la-môn làm vợ, sanh một người con trai, là Ma-nạp, dung mạo đoan chánh. Người con trai này khi vào giữa những người Sát-lỵ có được mời ngồi, nhận nước, tụng đọc pháp Sát-lỵ không?”

Đáp: “Không được”.

“Có được sự nghiệp tài sản của cha không?”

Đáp: “Không được”.

“Có được kế thừa chức của cha không?”

Đáp: “Không được”.

“Thế nào, Ma-nạp? Nếu con gái Bà-la-môn, có cha mẹ bảy đời chân chánh không bị người khinh khi, được gả cho người Sát-lỵ làm vợ, sanh một người con, dung mạo đoan chánh. Người này khi vào giữa chúng Bà-la-môn, có được mời ngồi, được nhận nước không?”

Đáp: “Được”.

“Được tụng đọc pháp Bà-la-môn, được hưởng gia tài của cha, thừa kế chức vụ của cha không?”

Đáp: “Được”.

“Thế nào, Ma-nạp? Nếu người Bà-la-môn bị Bà-la-môn tẩn xuất, chạy vào chủng tánh Sát-lỵ, có được chỗ ngồi, được nước, được tụng đọc pháp Sát-lỵ không?”

Đáp: “Không được”.

“Được hưởng di sản của cha, kế thừa chức vụ của cha không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu chủng tánh Sát-lỵ bị Sát-lỵ tẩn xuất sang Bà-la-môn, có được chỗ ngồi, được mời nước, tụng đọc pháp Bà-la-môn chăng?”

Đáp: “Được”.

“Vậy thì, này Ma-nạp, giữa người nữ, nữ Sát-lỵ trỗi hơn. Giữa người nam, nam Sát-lỵ trỗi hơn. Không phải là Bà-la-môn vậy.”

Phạm thiên tự mình nói bài kệ rằng:

Sanh Sát-lỵị tối thắng,

Chủng tánh cũng thuần chơn.

Minh, Hạnh thảy đầy đủ,

Tối thắng giữa trời, người.

Phật bảo Ma-nạp:

“Phạm thiên nói bài kệ này, thật là nói khéo chớ không phải không khéo. Ta công nhận như vậy, là vì sao? Nay, như Ta, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, cũng nói nghĩa đó:

Sanh, Sát-lỵị tối thắng
Chủng tánh cũng thuần chơn. 
Minh, Hạnh thảy đầy đủ, 
Tối thắng giữa Trời Người”. 
Ma-nạp bạch Phật:

“Cù-đàm, thế nào là Vô thượng sĩ, đầy đủ Minh và Hạnh? “”

Phật bảo Ma-nạp:

“Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói cho.”

Đáp: “Kính vâng. Rất muốn được nghe”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Nếu Đức Như Lai xuất hiện ở đời, là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, là Đấng Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; ở giữa chư Thiên, Người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên ma, Phạm vương, tự mình chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người. Lời nói khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, khoảng cuối cũng thiện, đầy đủ nghĩa và vị, khai mở hạnh thanh tịnh. Nếu cư sĩ, con trai cư sĩcác chủng tánh khác, nghe chánh pháp mà sanh lòng tín ngưỡng, do tâm tín ngưỡng mà nghĩ như vầy: Ta nay tại gia, vợ con ràng buộc, không thể thanh tịnh thuần tu phạm hạnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Người ấy, sau đó từ bỏ gia đình tài sản, từ giã thân tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Cũng đồng với những người xuất gia, xả bỏ các thứ trang sức, đầy đủ các giới hạnh, không làm hại chúng sanh.

“Xả bỏ dao gậy, tâm hằng tàm quý, từ niệm đối với hết thảy. Đó là không giết.

“Xả bỏ tâm trộm cắp, không lấy vật không cho, tâm hằng thanh tịnh, không có ý lén lút lấy cắp. Đó là không trộm cắp.

“Xả ly dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, ân cần tinh tấn, không bị nhiễm dục, sống trong sạch. Đó là không dâm.

“Xả ly vọng ngữ, chí thành không lừa dối, không gạt người. Đó là không nói dối.

“Xả ly nói hai lưỡi; nếu nghe lời người này, không truyền lại người kia; nếu nghe lời người kia, không truyền lại người này. Những người chia rẽ thì làm cho hòa hợp, khiến cho thân kính lẫn nhau. Những lời nói ra, hoà thuận, đúng thời. Đó là không nói hai lưỡi.

“Xả ly ác khẩu. Những lời thô lỗ, thích gây não người khác, khiến sanh phẫn kết; xả những lời như vậy. Lời nói dịu dàng, không gây oán hại, đem nhiều lợi ích, được mọi người yêu kính, thích nghe những lời như vậy. Đó là không ác khẩu.

“Xả ly ỷ ngữ; lời nói hợp thời, thành thật như pháp, y luật diệt trừ tranh chấp; có duyên cớ mới nói; lời nói không phát suông. Đó là xả ly ỷ ngữ.

“Xả ly uống rượu, xa lìa chỗ buông lung.

“Không đeo hương hoa, anh lạc.

“Không đi xem và nghe các thứ ca múa xướng hát.

“Không ngồi giường cao.

“Không ăn phi thời.

“Không cất chứa, sử dụng vàng bạc, bảy báu.

“Không cưới thê thiếp; không nuôi nô tỳ, voi ngựa, trâu bò, gà, chó, heo, dê; không tích chứa ruộng nhà, vườn tược. Không gạt người bằng cân đấu dối trá. Không lôi kéo nhau bằng bàn tay, nắm tay. Cũng không cầm đồ. Không vu dối người, không làm điều ngụy trá. Xả bỏ những thứ xấu ác như vậy; diệt trừ các tranh tụng, các điều bất thiện. Đi thì biết thời. Không phải thời thì không đi. Lường dạ mà ăn, không tích chứa dư thừa. Che thân bằng y phục, vừa đủ thì thôi. Pháp phục, ứng khí, thường mang theo mình. Như chim bay mang theo mình hai cánh. Cũng vậy, Tỳ-kheo không chứa dư thừa.

“Này Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, nhận sự tín thí của người mà vẫn tìm cách tích chứa; y phục, ẩm thực, không hề biết đủ. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của do người tín thí, vẫn tự mình kinh doanh buôn bán, gieo trồng cây cối, sở y của quỷ thần. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, vẫn tìm phương tiện cầu các lợi dưỡng, các thứ ngà voi, tạp bảo, giường lớn cao rộng, với các loại chăn nệm thêu thùa sặc sỡ. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy nhận của người tín thí, vẫn tìm phương tiện, tìm cách trang điểm mình, bôi dầu vào thân, tắm gội bằng nước thơm, thoa các thứ bột thơm, chải đầu thơm láng, đeo tràng hoa đẹp, nhuộm mắt xanh biếc, bôi mặt cho đẹp đẽ, đeo vòng xuyến sáng chói, dùng gương soi mặt, giày da đủ màu, áo trên thuần trắng, dao gậy, người hầu, lọng báu, quạt báu, xe báu trang nghiêm. Ai vào trong pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí mà chuyên việc đùa giỡn, chơi bài, chơi cờ loại tám đường, mười đường , trăm đường, cho đến đủ hết mọi đường, với các loại đùa cười khác nhau. Ai vào trong pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí vẫn nói những lời vô ích, chướng ngại đạo: bàn các việc vương giả, việc chiến đấu, quân mã; việc quần liêu, đại thần, cưỡi ngựa, đánh xe ra vào, dạo chơi vườn quán; bàn luận việc nằm, việc đứng, việc đi bộ, việc nữ nhân, việc y phục, ẩm thực, thân lý; lại nói chuyện vào biển tìm ngọc. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, bằng vô số phương tiện, chỉ sinh hoạt tà mạng: mỹ từ dua siểm, hiện tướng khen chê, lấy lợi cầu lợi. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, lại chỉ tranh cãi nhau, hoặc nơi vườn quán, hoặc nơi ao tắm, hoặc ở sảnh đường, chỉ trích lẫn nhau, rằng: Ta biết kinh luật. Ngươi không biết gì. Ta đi đường chánh. Ngươi đi lối tà. Ngươi đặt cái trước ra sau, đặt cái sau ra trước. Ta nhịn ngươi được. Ngươi không biết nhịn. Những điều ngươi nói đều không chân chánh. Nếu có điều gì nghi ngờ, cứ đến hỏi ta, ta giải đáp được hết. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn tuy ăn của người tín thí, lại làm các phương tiện, cầu làm sứ giả; hoặc làm sứ giả thông tin cho vua, đại thần của vua, Bà-la-môn, cư sĩ; từ người này đến người kia, từ người kia đến người này; đem lời người này trao cho người kia, đem lời người kia trao cho người này; hoặc tự mình làm, hoặc sai người khác làm. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, lại chỉ luyện tập các việc chiến trận, tỷ đấu; hoặc luyện tập dao, gậy, cung tên; hoặc nuôi gà chọi, chó, heo, dê, voi, ngựa, bò, lạc đà; hoặc đấu nam nữ; hoặc tấu các thứ tiếng: tiếng loa, tiếng trống, tiếng ca, tiếng múa, leo cột phướn, leo xuôi, leo ngược, đủ các thứ trò chơi. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma nạpMa-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, lại hành pháp chướng ngại đạo, sinh hoạt bằng tà mạng, xem tướng trai gái, cát hung, đẹp xấu và tướng súc sanh, lấy lợi cầu lợi. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí vẫn hành pháp chướng ngại đạo, sinh sống tà mạng, kêu gọi quỷ thần, hoặc đuổi đi, hoặc bảo dừng, các thứ ếm đảo, vô số phương thuật, khiến người sợ hãi, có thể tụ có thể tán, có thể khổ có thể vui, lại có thể an thai trục thai, cũng có thể chú ếm người khiến làm lừa ngựa, cũng có thể khiến người đui mù câm ngọng, hiện bày các mánh khóe, chắp tay hướng về mặt trời mặt trăng, làm các khổ hạnh để cầu lợi. Ai vào trong pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, mà hành các pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: chú bệnh cho người, hoặc tụng ma thuật ác, hoặc tụng chú thuật lành, hoặc làm thầy thuốc, châm cứu, thuốc thang, liệu trị các thứ bệnh. Ai vào pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma nạpMa-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, nhưng hành các pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: hoặc chú nước chú lửa, hoặc chú ma quỷ, hoặc tụng chú Sát-lỵ, hoặc tụng chú chim, hoặc tụng chú chi tiết, hoặc bùa chú trấn nhà trấn cửa, hoặc bùa chú giải trừ lửa cháy, chuột gặm, hoặc tụng kinh thư ly biệt sanh tử, hoặc đọc sách đoán mộng, hoặc xem tướng tay tướng mặt, hoặc đọc sách tất cả âm. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, mà hành pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: xem tướng thiên thời, đoán mưa hay không mưa, thóc cao hay thóc kém, bệnh nhiều hay bệnh ít, kinh sợ hay an ổn, hoặc nói động đất, sao chổi, nhật thực, nguyệt thực, tinh thực, hoặc nói không thực, điềm lành như vậy, điềm xấu như vậy. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, mà hành pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: hoặc nói nước này hơn nước kia, nước kia không bằng; hoặc nói nước kia hơn nước này, nước này không bằng; xem tướng tốt xấu, đoán việc thịnh suy. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy. Nhưng tu Thánh giới, không nhiễm trước tâm, trong lòng hỷ lạc.

“Mắt tuy nhìn thấy sắc nhưng không nắm bắt các tướng, mắt không bị sắc trói buộc, kiên cố tịch nhiên, không điều tham đắm, cũng không buồn lo, không rò rỉĩ các ác, kiên trì giới phẩm, khéo thủ hộ nhãn căn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý, cũng như vậy. Khéo chế ngự sáu xúc, hộ trì điều phục, khiến cho được an ổn, cũng như đi xe bốn ngựa trên đường bằng phẳng, người đánh xe khéo cầm roi khống chế không để trật lối. Tỳ-kheo cũng vậy, chế ngự con ngựa sáu căn, an ổn không mất.

“Vị ấy có Thánh giới như vậy, khéo hộ trì các căn theo Thánh pháp, ăn biết đủ, cũng không tham vị, chỉ với mục đích nuôi thân để không bị khổ hoạn mà không cống cao, điều hòa thân mình khiến cho cái khổ cũ diệt, cái khổ mới không sanh, có sức, vô sự, khiến thân an lạc. Cũng như người dùng thuốc bôi ghẻẽ, cốt để ghẻẽ lành chứ không phải để trang sức, không vì tự cao.

“Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, ăn đủ để duy trì thân, không có lòng kiêu mạn phóng túng. Cũng như xe được bôi mỡ, cốt để trơn tru khiến vận hành thông suốt, đi đến đích. Tỳ-kheo cũng vậy, ăn uống cốt đủ duy trì thân để mà hành đạo.

“Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, được các căn của Thánh, ăn biết vừa đủ; đầu hôm cuối hôm, tinh tấn tỉnh giác. Lại lúc ban ngày, hoặc đi hoặc dừng, thường niệm nhất tâm, trừ các ấm cái. Vị ấy, vào khoảng đầu hôm, hoặc đi hoặc ngồi, thường niệm nhất tâm, trừ các ấm cái. Cho đến giữa đêm, nằm nghiêng hông phải, tưởng niệm sẽ trỗi dậy, đặt ý tưởng vào ánh sáng, tâm không loạn tưởng. Đến lúc cuối đêm, liền dậy tư duy, hoặc đi hoặc ngồi, trừ các ấm cái. Tỳ-kheo có Thánh giới như vậy đầy đủ, được các căn bậc Thánh, ăn uống biết đủ, đầu hôm cuối hôm, tinh cần tỉnh giác, thường niệm nhất tâm, không có loạn tưởng.

“Thế nào là Tỳ-kheo-niệm không thác loạn? Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, nhớ nghĩ không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân; quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, nhớ nghĩ không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy. Đó là Tỳ-kheo-niệm không thác loạn.

“Thế nào là nhất tâm? Tỳ-kheo như vậy hoặc tản bộ, hoặc ra vào, hoặc quay nhìn hai bên, co duỗi, cúi ngước, cầm y bát, tiếp nhận ẩm thực, hoặc tả hữu tiện lợi, hoặc ngủ hoặc thức, hoặc ngồi hoặc đứng, nói năng hay im lặng, vào bất cứ lúc nào, thường niệm nhất tâm, không mất oai nghi. Đó là nhất tâm. Cũng như một người đi giữa đám đông, hoặc đi ở trước, ở giữa hay ở cuối, thường an ổn, không có điều sợ hãi. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy,..., cho đến, nói năng im lặng, thường niệm nhất tâm, không buồn không sợ.

“Tỳ-kheo có Thánh giới như vậy, được các căn bậc Thánh, ăn thì biết đủ, đầu hôm, cuối hôm, tinh cần tỉnh thức, thường niệm nhất tâm, không có thác loạn. Thích ở nơi vắng, dưới gốc cây, trong bãi tha ma, hoặc trong hang núi, hoặc ở đất trống hay trong chỗ đống phân ;; đến giờ khất thực, lại rửa tay chân, đặt yên y bát, ngồi kiết già, ngay người chánh ý, buộc chặt niệm trước mắt. Trừ bỏ xan tham, tâm không đeo theo ; diệt tâm sân hận, không có oán kết, tâm trú thanh tịnh, thường giữ lòng từ; trừ dẹp ngủ nghỉ, buộc tưởng nơi ánh sáng, niệm không thác loạn; đoạn trừ trạo hý, tâm không khuấy động, nội tâm an tịnh, diệt tâm trạo hý; đoạn trừ nghi hoặc, đã vượt lưới nghi, tâm chuyên nhất ở nơi pháp thiện. Cũng như đồng bộc được đại gia ban cho chủng tánh, an ổn giải thoát, miễn khỏi sai khiến, tâm hoan hỷ, không còn lo, sợ.

“Lại như có người mượn tiền đi buôn bán, được lợi lớn mà trở về, trả vốn cho chủ, còn dư tiền đủ dùng, bèn nghĩ rằng: Ta trước mượn tiền đi buôn, e không như ý. Nay được lợi mà trở về, trả vốn cho chủ, tiền còn dư đủ dùng, không lo, sợ. Người ấy rất đỗi vui mừng.

“Như người bệnh lâu, nay bệnh đã khỏi; ăn uống được tiêu hóa, sức lực dồi dào, bèn nghĩ rằng: Ta trước có bệnh, mà nay đã khỏi; ăn uống được tiêu hóa, sức lực dồi dào, không còn lo và sợ. Người ấy rất đỗi vui mừng.

“Cũng như người bị nhốt trong ngục đã lâu, nay bình yên ra tù, bèn nghĩ thầm rằng: Ta trước đây bị giam giữ, nay được giải thoát, không còn lo và sợ. Người ấy rất đỗi vui mừng.

“Lại như có người cầm nhiều tài bảo, đi qua chỗ hoang mạc, không gặp cướp, bình an qua khỏi, bèn tự nghĩ rằng: Ta cầm tài bảo qua khỏi chỗ hiểm nạn này, không còn lo và sợ. Người ấy rất đỗi vui mừng, tâm tư an lạc.

“Ma-nạp, Tỳ-kheo bị năm triền cái bao phủ cũng giống như vậy. Như người mang nợ, bệnh lâu, bị giam giữ, đi qua hoang mạc, tự thấy mình chưa thoát ly các ấm che trùm tâm, bị trùm kín trong tối tăm, mắt tuệ không sáng; vị ấy bèn tinh cần, xả dục, xả pháp ác, bất thiện, có giác có quán, có hỷ do viễn ly sanh, chứng nhập Sơ thiền. Vị ấy có hỷ lạc nhuần thấm nơi thân, tràn đầy cùng khắp, không đâu là không sung mãn. Như người khéo biết cách tắm, cho thuốc đầy bồn tắm, rồi chế nước vào, trong ngoài đều nhuần thấm, không đâu là không cùng khắp. Tỳ-kheo cũng vậy, chứng nhập Sơ thiền, hỷ lạc nhuần thấm khắp thân, không đâu không sung mãn. Như vậy, này Ma-nạp, đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ nhất. Vì sao? Ầy là do tinh tấn, niệm không thác loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.

“Vị ấy xả giác, quán, bèn phát sanh tín, chuyên niệm nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập đệ Nhị thiền. Vị ấy có hỷ lạcnhất tâm thấm nhuần châu thân, cùng khắp, tràn đầy, không đâu không sung mãn. Cũng như nước suối trong mát từ đỉnh núi chảy ra, không phải từ ngoài đến, mà nước trong mát chảy ra ngay từ trong con suối ấy, trở lại thấm nhuần chính nó, không đâu không cùng khắp. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập Nhị thiền, có hỷ lạc do định sanh không đâu không sung mãn. Đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ hai.

“Vị ấy lìa hỷ, an trú xả và niệm, không tán loạn, thân cảm thọ lạc, như điều mà Thánh nói, khởi hộ niệm lạc, chứng nhập Tam thiền. Vị ấy thân không hỷ, có lạc thấm nhuần, cùng khắp, tràn đầy, không đâu không sung mãn. Cũng như hoa Ưu-bát, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ, mới nhô khỏi bùn mà chưa ra khỏi nước, với cọng, rễ, cành, lá còn chìm ngập trong nước, không đâu không cùng khắp. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, chứng nhập Tam thiền, lìa hỷ, an trú lạc, nhuần thấm khắp thân, không đâu không cùng khắp. Đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ ba.

“Vị ấy xả hỷ và lạc; ưu và hỷ đã diệt từ trước, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập Tứ thiền. Thân tâm thanh tịnh, tràn đầy cùng khắp, không chỗ nào không thấm nhuần. Cũng như một người đã tắm gội sạch sẽ, khoác lên mình tấm lụa trắng mới tinh, toàn thân thanh tịnh. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập Tứ thiền, tâm thanh tịnh, tràn khắp thân, không chỗ nào không thấm.

“Lại nhập Tứ thiền, tâm không tăng giảm, cũng không dao động, an trú trên mảnh đất không ái, không nhuế, không động. Cũng như mật thất, trong ngoài được sơn quét, đóng chặt các cửa nẻo, không gió không bụi lọt vào, bên trong đốt đèn, không bị khuấy động, ngọn lửa bốc thẳng mà không lay động. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập đệ Tứ thiền, tâm không tăng giảm, cũng không khuynh động, an trú trên đất không ái, không nhuế, không dao động. Đó là hiện thân chứng lạc thứ tư.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh không dơ, nhuần nhuyễn, khéo được huấn luyện, an trú trạng thái bất động, tự mình trong thân khởi tâm biến hóa, hóa thành thân khác, chân tay đầy đủ, các căn không khuyết. Vị ấy quán như vầy: Thân này, với sắc bốn đại, hóa thành thân kia. Thân này cũng khác, thân kia cũng khác. Từ thân này khởi tâm hóa thành thân kia, các căn đầy đủ, chân tay không khuyết. Cũng như người rút con dao khỏi bao, bèn nghĩ rằng: Bao khác với dao, nhưng dao được rút ra từ bao. Lại như một người se gai làm dây, nghĩ rằng: Gai khác với dây. Nhưng dây xuất xứ từ gai. Lại như một người cho rắn bò ra khỏi hộp, nghĩ rằng: Rắn khác hộp khác, nhưng rắn từ hộp mà ra. Lại như một người lấy áo ra khỏi giỏ tre, nghĩ rằng: Giỏ tre khác áo khác, nhưng áo được lấy ra từ giỏ. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy. Đây là thắng pháp đầu tiên được chứng đắc. Vì sao? Ấy do tinh tấn, niệm không thác loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh không dơ, nhu nhuyến, được khéo huấn luyện, an trú trạng thái bất động, từ sắc thân bốn đại của mình mà khởi tâm, hóa thành thân khác, đủ cả tay chân và các căn, nghĩ rằng: Thân này do bốn đại hợp thành. Thân kia từ thân này hóa ra. Thân này với thân kia khác nhau. Tâm này trú trong thân này, y thân này mà an trú, rồi đi đến trong thân biến hóa kia. Cũng như lưu ly, ma ni, được lau chùi sáng loáng, trong sạch không dơ; hoặc được xâu bằng chỉ xanh, chỉ vàng, chỉ đỏ, người có mắt đặt trong lòng tay mà nhìn, biết rằng ngọc và dây xâu khác nhau. Nhưng dây dựa ngọc, từ hạt này đến hạt khác. Ma-nạp, Tỳ-kheo quán tâm nương thân này mà an trú, rồi đi đến thân kia cũng như vậy. Đó là Tỳ-kheo chứng đắc thắng pháp thứ hai. Vì sao? Ầy do tinh cần, niệm không tán loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.

“Vị ấy, với tâm định tĩnh, thanh tịnh không dơ, mềm dịu, dễ điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập thần thông trí chứng, có thể biến hóa các thứ: hoặc biến một thân thành vô số thân; từ vô số thân hợp thành một thân; thân có thể bay đi, vách đá không ngăn ngại; dạo trong hư không như chim, đi trên nước như đi trên đất; mình bốc khói lửa, như đống lửa lớn; tay sờ mặt trời, mặt trăng, đứng cao đến Phạm thiên; muốn làm gì tùy ý, đều có thể tự tại thành tựu, làm ích lợi cho nhiều người. Lại như thợ ngà khéo xử lý ngà voi. Cũng như thợ vàng khéo luyện chơn kim, tùy ý mà làm, ích lợi cho nhiều người. “Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, tâm định tĩnh, thanh tịnh, an trú bất động địa, tùy ý biến hoá, cho đến, tay sờ mặt trời, mặt trăng, đứng cao đến Phạm thiên. Đó là thắng pháp thứ ba của Tỳ-kheo.

“Vị ấy với tâm đã định, thanh tịnh không dơ, mềm dịu, khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập chứng thiên nhĩ trí . Vị ấy, với thiên nhĩ thanh tịnh vượt qua lỗ tai con người, nghe được hai loại tiếng: tiếng chư Thiên và tiếng loài người. Cũng như trong thành có đại giảng đường, cao lớn, rộng rãi, có người thính tai ở trong giảng đường; những âm thanh có trong giảng đường, không phải cố gắng để nghe, người ấy nghe rõ hết. Cũng vậy, Tỳ-kheo do tâm đã định, với thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được hai thứ tiếng. Ma-nạp, đó là thắng pháp thứ tư của Tỳ-kheo.

“Vị ấy với tâm đã định, thanh tịnh không dơ, mềm dịu, khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập chứng tha tâm trí. Vị ấy đúng như tâm của người, có dục hay không dục, có cấu uế hay không cấu uế, có si hay không si, tâm rộng hay hẹp, tâm lớn hay nhỏ, tâm định hay loạn, tâm bị trói buộc hay cởi mở, tâm cao thượng hay hạ liệt, cho đến, tâm vô thượng, thảy đều biết hết. Cũng như một người rọi bóng mình trong nước trong, đẹp hay xấu đều xét biết cả. Tỳ-kheo như vậy, vì tâm định tĩnh cho nên có thể biết tâm người. Ma-nạp, đó là thắng pháp thứ tư của Tỳ-kheo.

“Vị ấy tâm định, thanh tịnh không cấu uế, mềm dịu, khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập túc mạng trí chứng, liền có thể biết được đời trước, với vô số sự việc; có thể nhớ một đời cho đến vô số đời, số kiếp thành hoại; chết đây sanh kia; danh tánh, chủng tộc, ẩm thực xấu tốt, thọ mạng dài vắn, cảm thọ khổ lạc, hình sắc tướng mạo thế nào, tất cả đều nhớ biết hết. Cũng như một người từ thôn xóm mình đi đến nước khác; ở tại chỗ kia, hoặc đi hoặc đứng, hoặc nói hoặc im lặng; rồi lại từ nước này đến nước khác. Lần lượt như vậy, sau đó quay về chốn cũ. Không cần nhọc sức mà vẫn có thể nhớ những nước đã đi qua; từ chỗ này đến chỗ kia, từ chỗ kia đến chỗ này; đi, đứng, nói năng, im lặng, thảy đều nhớ hết. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, do tâm đã định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, an trú bất động địa, có thể bằng túc mạng trí mà nhớ đời trước vô số sự việc trong vô số kiếp. Đó là Tỳ-kheo chứng đắc minh thứ nhất. Vô minh vĩnh viễn diệt, pháp đại minh phát sanh; cái tối tăăm tiêu diệt, pháp sáng chói phát sanh. Đấy là Tỳ-kheo đắc túc mạng trí minh. Vì sao? Ầy do tinh cần, niệm không tán loạn, ưa chỗ thanh nhàn vắng vẻ mà được như vậy.

“Vị ấy, với tâm định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, nhu nhuyến khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập sanh tử trí chứng . Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, thấy các chúng sanh sanh đây chết kia; chết ở kia, sanh đến nơi này, hình sắc đẹp xấu, quả báo thiện ác, tôn quý, ty tiện, tùy nghiệp báo đã tạo mà phù hợp với nhân duyên, tất cả đều biết rõ. Người này thân hành ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền thánh, tin theo tà kiến điên đảo, thân hoại mạng chung đọa ba đường ác. Người này thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không phỉ báng Hiền thánh, hành theo chánh kiến, thân hoại mạng chung, sanh lên trời, người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy chúng sanh tùy theo duyên của nghiệp đã làm, qua lại trong năm đường. Cũng như khoảng đất bằng cao rộng trong thành nội, đầu ngã tư đường cất một lầu cao lớn, người mắt sáng đứng trên lầu mà nhìn, thấy các bộ hành Đông, Tây, Nam, Bắc, mọi cử động, tất cả đều thấy hết. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, với tâm định tĩnh, không cấu uế, thanh tịnh, nhu nhuyến dễ điều phục, an trú bất động địa, chứng sanh tử trí. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy hết chúng sanh với những việc thiện ác mà chúng đã làm, tùy nghiệp thọ sanh, qua lại năm đường, thảy đều biết cả. Đó là minh thứ hai của Tỳ-kheo. Đoạn trừ vô minh, sanh tuệ minh, xả bỏ tối tăm, phát ra ánh sáng trí tuệ. Đó là kiến chúng sanh sanh tử trí minh vậy. Vì sao? Ấy do tinh cần niệm không tán loạn, ưa một mình nơi thanh vắng mà được vậy.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, nhu nhuyến dễ điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập vô lậu trí chứng . Vị ấy như thật biết Khổ thánh đế, như thật biết hữu lậu tập, như thật biết hữu lậu diệt tận, như thật biết con đường dẫn đến vô lậu. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy; tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, chứng đắc giải thoát trí: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Cũng như trong nước trong, có gỗ, đá, cá, ba ba, các loại thủy tộc du hành Đông-tây, người có mắt sáng thấy rõ hết: đây là gỗ, đá; đây là cá, ba ba. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, với tâm định tĩnh, an trú bất động địa, đắc vô lậu trí chứng, cho đến, không còn tái sanh. Đó là Tỳ-kheo đắc minh thứ ba. Đoạn trừ vô minh, phát sanh tuệ minh, xả bỏ tối tăm, phát ra ánh sáng đại trí. Đó là vô lậu trí minh. Vì sao? Ấy do tinh cần, niệm không tán loạn, ưa một mình nơi thanh vắng vậy.

“Ma-nạp, đó là Minh và Hạnh vô thượng được đầy đủ. Ý ngươi nghĩ sao, Minh và Hạnh như vậy là đúng, hay sai?”

Phật bảo Ma-nạp:

“Có người không thể chứng đắc đầy đủ Minh Hạnh vô thượng, nhưng thực hành bốn phương tiện. Những gì là bốn? Ma-nạp, hoặc có người không được đầy đủ Minh Hạnh vô thượng, nhưng vác rựa, ôm lồng, đi vào rừng tìm thuốc, ăn rễ cây. Đó là không được Minh Hạnh vô thượng mà hành phương tiện thứ nhất. Thế nào, Ma-nạp, phương tiện thứ nhất này, ngươi và thầy các ngươi có làm không?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không hay biết chơn ngụy, lại cứ phỉ báng, khinh mạn Thích tửư, tự gieo mầm tội lỗi, nuôi lớn gốc rễ địa ngục.

“Lại nữa, Ma-nạp, không được thành tựu Minh Hạnh vô thượng, mà tay cầm bình nước rửa, vác gậy toán thuật, vào núi rừng, ăn trái cây tự rụng. Ma-nạp, đó là không được thành tựu Minh Hạnh vô thượng mà hành phương tiện thứ hai. Thế nào, Ma-nạp, ngươi và thầy ngươi có hành pháp này chăng?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không rõ chân ngụy, bèn phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm ác, nuôi lớn gốc địa ngục lâu dài.

“Lại nữa, Ma-nạp, không được thành tựu Minh Hạnh vô thượng, mà bỏ lối hái thuốc và lượm trái cây rụng trên đây, trở về thôn xóm, sống nương người đời, cất am tranh, ăn lá cây, lá cỏ. Ma-nạp, đó là không được thành tựu Minh Hạnh vô thượngthực hành phương tiện thứ ba. Thế nào, Ma-nạp, ngươi và thầy ngươi có hành pháp này chăng?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không rõ chân ngụy, bèn phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm ác, nuôi lớn gốc địa ngục lâu dài.

“Lại nữa, Ma-nạp, không được thành tựu Minh Hạnh vô thượng, nhưng không ăn cỏ thuốc, không ăn trái cây rụng, không ăn lá cỏ, mà dựng nhà gác to lớn nơi thôn xóm thành ấp. Những người đi đường từ Đông sang Tây ngang qua đó đều được cấp dưỡng tùy khả năng. Đó là không được Minh Hạnh vô thượngthực hành phương tiện thứ tư. Thế nào, Ma-nạp, ngươi và thầy ngươi có hành pháp ấy không?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không rõ chơn ngụy, bèn phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm tội, nuôi lớn gốc địa ngục.

“Thế nào, Ma-nạp, các Bà-la-môn kỳ cựu và các Tiên nhân, với nhiều kĩ thuật, tán thán, xưng tụng những điều mình học tụng, như nay những điều được các người Bà-la-môn, tán thán, ca ngợi. Đó là:

“1. A-tra-ma.

“2. Bà-ma.

“3. Bà-ma-đề-bà.

“4. Tỷ-ba-mật-đa.

“5. Y-đâu-lại-tất.

“6. Da-bà-đề-già.

“7. Bà-bà-bà-tất-tra.

“8. Ca-diệp.

“9. A-lâu-na.

“10. Cù-đàm.

“11. Thủ-di-bà.

“12. Tổn-đà-la.

“Các Đại tiên, Bà-la-môn này, có đào hào, xây dựng nhà gác, như chỗ mà thầy trò ngươi đang ở không?”

Đáp: “Không”.

“Các Đại tiên ấy có dựng thành quách vây quanh nhà cửa, rồi ở trong đó, như chỗ ở của thầy trò ngươi hiện nay không?”

Đáp: “Không”.

“Các Đại tiên ấy có nằm trên giường cao, chăn đệm dày, mềm mại, như thầy trò ầy tro nngươi hiện nay không?”

Đáp: “Không”.

“Các Đại tiên kia có tự mình vui thú với vàng, bạc, chuỗi anh lạc, tràng hoa nhiều màu và mỹ nữ, như thầy trò ngươi hiện nay không? Các Đại tiên kia có đi xe báu, cầm gậy sắt dẫn đường, che đầu bằng lọng trắng, tay cầm phất báu, mang guốc báu nhiều màu, lại mặc toàn lụa trắng, như thầy trò ngươi hiện nay đang mặc không?”

Đáp: “Không”.

“Ma-nạp, ngươi tự mình thấp hèn, không rõ chơn ngụy, mà lại phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm tội, nuôi lớn gốc địa ngục. Thế nào, Ma-nạp, như các đại tiên, các Bà-la-môn kỳ cựu kia, như A-tra-ma, tán thán, đề cao những gì mà họ vốn đọc tụng, nay những điều được các Bà-la-môn tán thán, đề cao cũng giống như vậy. Nếu truyền những điều ấy, để dạy vẽ người khác, mà muốn sanh lên Phạm thiên, không có trường hợp đó. Cũng như, này Ma-nạp, vua Ba-tư-nặc cùng nói chuyện với người khác, hoặc cùng bàn luận với các vua, hoặc với đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, mà những người nhỏ mọn khác nghe được, bèn vào thành Xá-vệ, gặp người, liền thuật chuyện vua Ba-tư-nặc có nói như vậy. Thế nào, Ma-nạp, vua có cùng bàn luận với người ấy không?”

Đáp: “Không”.

“Ma-nạp, người đọc thuộc lời vua cho những người khác nghe, há có thể làm đại thần cho vua được chăng?”

Đáp: “Không có chuyện ấy”.

“Ma-nạp, ngươi ngày nay truyền lời của đại tiên đời trước, Bà-la-môn kỳ cựu, đọc tụng, dạy cho người, mà muốn sanh Phạm thiên, không có chuyện ấy. Thế nào, Ma-nạp, các ngươi tiếp nhận sự cúng dường của người có thể tùy phápthực hành được chăng?”

Đáp: “Đúng như vậy, Cù-đàm, nhận cúng dường của người khác thì phải như pháp mà hành”.

“Ma-nạp, thầy ngươi Phất-già-la-sa-la nhận phong ấp của vua, nhưng khi cùng nghị luận với vua Ba-tư-nặc, lại nói những lời vô ích mà vua không nên bàn đến, không đem sự việc chân chánh mà cùng bàn luận, cùng khuyên nhủ. Ngươi nay tự mình xem xét lỗi lầm của thầy ngươi và của chính ngươi; nhưng hãy gác qua chuyện ấy, mà nên tìm hiểu nguyên nhân ngươi đến đây.”

“Ma-nạp liền ngước mắt lên nhìn thân của Như Lai, tìm các tướng tốt. Thấy đủ các tướng khác, duy chỉ hai tướng không thấy, trong lòng hoài nghi. Bấy giờ, Thế Tôn thầm nghĩ: “Nay Ma-nạp này không thấy hai tướng nên sanh nghi ngờ như thế”. Ngài bèn cho ra tướng lưỡi rộng dài, liếm đến tai, phủ kín mặt. Lúc ấy, Ma-nạp còn nghi ngờ một tướng nữa. Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ma-nạp này vẫn còn nghi ngờ một tướng nữa”. Ngài bèn dùng thần lực khiến cho duy chỉ Ma-nạp thấy được tướng mã âm tàng. Ma-nạp thấy đủ các tướng rồi, không còn hồ nghi gì nơi Như Lai nữa, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, vòng quanh Phật rồi đi.

Khi ấy, Bà-la-môn Phất-già-la đứng ngoài cửa, từ xa trông thấy đệ tử đang đi đến, bèn đón lại, hỏi rằng:

“Ngươi xem Cù-đàm có thật đủ các tướng không? Công đức thần thông có thật như lời đồn không?”

Tức thì bạch thầy rằng:

“Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba mươi hai tướng. Công đức thần lực đều như tiếng đồn.”

Thầy lại hỏi:

“Ngươi có bàn luận ý nghĩa gì với Cù-đàm không?”

Đáp: “Thật có trao đổi với Cù-đàm”.

Thầy lại hỏi:

“Người với Cù-đàm thảo luận chuyện gì?”

Bấy giờ Ma-nạp kể hết câu chuyện cùng Phật luận bàn. Thầy nói:

“Ta có người đệ tử thông minh như vậy lại khiến xảy ra như vậy, chúng ta chẳng bao lâu sẽ đọa địa ngục. Vì sao? Lời nói của ngươi, vì muốn hơn mà kích bác Cù-đàm, khiến cho ông ấy không vui lòng, đối với ta lại càng xa cách . Ngươi được coi là đệ tử thông minh mà khiến đến mức ấy, thì khiến ta vào địa ngục sớm.”

Thế rồi người thầy ấy lòng rất tức giận, bèn đạp Ma-nạp té xuống đất và ông tự mình đánh xe lấy. Ma-nạp kia khi vừa té xuống đất thì toàn thân nổi vảy trắng.

Khi ấy Bà-la-môn Phất-già-ìa-la-sa-la ngước nhìn mặt trời, nghĩ thầm rằng: “Nay chưa phải là lúc thăm viếng Sa-môn Cù-đàm. Ta hãy chờ sáng mai rồi đi thăm hỏi”.

Sáng hôm sau, ông thắng cỗ xe báu, cùng với năm trăm đệ tử tùy tùng, đi đến rừng Y-xa; đến nơi, xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Ông ngước nhìn thân Như Lai, đầy đủ các tướng, duy thiếu hai tướng. Bà-la-môn do đó có ý nghi ngờ về hai tướng. Phật biết ý nghĩ của ông, bèn làm lộ tướng lưỡi rộng dài, liếm đến tai và phủ kín mặt. Bà-la-môn lại còn nghi ngờ một tướng nữa. Phật biết ý nghĩ của ông, bèn dùng thần lực, khiến cho thấy tướng mã ââm tàng. Bà-la-môn khi thấy đủ ba mươi hai tướng của Như Lai, trong lòng khai ngộ, không còn hồ nghi, liền bạch với Phật rằng:

“Nếu khi đi giữa đường mà gặp Phật, con dừng xe một lát, mong Ngài biết cho là con đã kính lễ Thế Tôn. Vì sao? Vì con nhận được phong cho thôn này. Nếu con xuống xe, sẽ mất thôn ấy và tiếng xấu đồn khắp.”.

Ông lại bạch Phật:

“Nếu tôi xuống xe, cởi kiếm, lui tàn lọng và dẹp bỏ giải phướn, bình nước rửa và giày dép, nên biết ấy là tôi đã lễ kính Như Lai. Vì sao? Tôi nhận được phong cho thôn này. Nếu tôi xuống xe, sẽ mất thôn ấy và tiếng xấu đồn khắp.”

Lại bạch Phật:

“Nếu ở giữa đám đông, thấy Phật mà con đứng dậy, hoặc trịch áo bày vai phải, tự xưng tên họ, nên biết, ấy là con đã lễ kính Như Lai. Vì sao? Vì con nhận đưuợc phong cho thôn này. Nếu con xuống xe, sẽ mất thôn ấy và tiếng xấu đồn khắp.”

Lại bạch Phật:

“Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nhận con làm Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, con không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng các Đại chúng nhận lời mời của con.”

Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Bà-la-môn thấy Phật im lặng, biết Ngài đã hứa khả, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Về nhà, ông sửa soạn thức ăn. Sau khi bày biện mâm cỗ xong, ông quay trở lại thưa: “Đã đến giờ”.

Bấy giờ, Thế Tôn khoác y ôm bát cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi người đi đến nhà ông ấy, rồi ngồi lên chỗ soạn sẵn.

Lúc ấy, Bà-la-môn tự tay châm chước thức ăn, cúng Phật và Tăng các thứ ngon ngọt. Ắn xong, dẹp cất bát, dùng nước rửa xong, Bà-la-môn tay phải nắm cánh tay đệ tử là A-ma-trú đến trước Thế Tôn bạch rằng:

“Cúi mong Thế Tôn nghe lời hối lỗi của nó.”

Nói như vậy ba lần, rồi lại bạch Phật:

“Cũng như voi, ngựa đã được huấn luyện khéo; người này cũng vậy, tuy có sơ suất, cúi mong Ngài nhận lời hối lỗi.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Cầu cho ngươi thọ mạng dài lâu, đời này an ổn. Mong cho chứng vảy trắng của đệ tử ngươi được trừ.”

Phật nói vừa xong, người đệ tử kia liền khỏi chứng vảy trắng.

Rồi thì, Bà-la-môn lấy một cái giường nhỏ để trước Thế Tôn. Thế Tôn bèn nói pháp cho Bà-la-môn, chỉ bày, khuyên dạy, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ. Ngài giảng về thí, giới, sanh thiên, dục là ô uế, phiền nãotai hoạn, xuất yếu là trên hết, diễn bày thanh tịnh. Khi Thế Tôn biết tâm người Bà-la-môn đã nhu nhuyến, thanh tịnh, không cáu bẩn, có thể nhận lãnh đạo giáo; như thường pháp của chư Phật, Ngài nói Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ xuất yếu thánh đế. Bà-la-môn lúc ấy ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh, cũng như tấm lụa trắng tinh dễ nhuộm màu, Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la cũng vậy, thấy pháp, đắc pháp, quyết định đạo quả, không còn tin ở đạo khác, được vô sở úy, tức thì bạch Phật rằng:

“Con nay ba lần xin quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Xin nhận con làm Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng Đại chúng thương tưởng con, nhận lời mời bảy ngày.”

Thế Tôn im lặng nhận lời. Bà-la-môn tức thì trong bảy ngày cúng dường PhậtĐại chúng đủ các thứ. Bấy giờ, qua bảy ngày, Thế Tôn lại du hành nhân gian.

Phật đi chưa bao lâu, Phất-già-la-sa-la ngộ bệnh, mạng chung. Các Tỳ-kheo nghe Bà-la-môn này sau khi cúng dường Phật trong bảy ngày, sau đó mạng chung, bèn tự nghĩ thầm: Người này mạng chung, sanh vào cõi nào? Rồi chúng Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lễ Phật xong, ngồi sang bên, bạch Phật rằng:

“Bà-la-môn sau khi cúng dường Phật suốt bảy ngày thì thân hoại mạng chung. Người ấy sanh vào chỗ nào?”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Tộc tánh tử ấy đã tập hợp rộng rãi các điều thiện, đầy đủ pháp và tùy pháp, không trái pháp hành, đoạn trừ năm hạ phần kết, Niết-bàn ở nơi kia, không trở lại đời này nữa.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 32342)
Các chuyên gia đã từng nói cơ năng não bộ của con người so với máy vi tính phức tạp nhất trên thế giới lại càng phức tạp hơn.
(Xem: 6395)
Phật Đà Thập Đại Đệ Tử Tán - Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch
(Xem: 11023)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(Xem: 30189)
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa.
(Xem: 30265)
Vua và phu nhân gởi thơ cho Thắng Man, đại lược ca ngợi công đức vô lượng của Như Lai, rồi sai kẻ nội thị tên Chiên Đề La đem thư đến nước A Du Xà... HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 7860)
Tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
(Xem: 11960)
Bảy Đức Thế Tôn quá khứ từ Thế Tôn Tỳ Bà Thi, Thế Tôn Thích Ca, và chư Thế Tôn vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ sự chứng ngộ sự thật Duyên khởi.
(Xem: 12129)
Trong các bản Kinh Pháp Cú, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú Nam Truyền, tức là Kinh Pháp Cú dịch theo Tạng Pali.
(Xem: 11450)
Có lần Đức Phật sống tại Rajagaha (Vương Xá) trong Khu Rừng Tre gần Nơi Nuôi Những Con Sóc. Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn tên là Akkosa Bharadvaja đã nghe người ta đồn đãi như sau:
(Xem: 12480)
Tôi nghe như vầy. Có lần Đức Phật, trong khi đi hoằng pháp ở nước Kosala nơi có một cộng đồng rất đông Tỳ Kheo, ngài đi vào một tỉnh nhỏ nơi cư trú của người Kalama
(Xem: 34280)
Quy Sơn Cảnh Sách Học Giải - Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu; Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải
(Xem: 9668)
Kinh này khởi đầu bằng lời người Bà La Môn hỏi rằng làm thế nào người ta có thể tự thanh tịnh hóa khi nhìn thấy một vị Thượng nhân đã Thanh tịnh,
(Xem: 52059)
Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt Pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: Mai đóng chung và chiều nhập chung lại làm một đại thể làm một tập lớn. - Chú giải: Ngài Quán Nguyệt; Dịch giả: HT Thích Khánh Anh
(Xem: 10579)
Tôi nghe như vậy: Một thời, đức Thế Tôn trú tại thành phố Śrāvastī (Xá-vệ), nơi rừng cây Jeta (Kì-đà), vườn của Ông Anāthapiṇḍada (Cấp-cô-độc),
(Xem: 10330)
Bài kinh này trong đoạn cuối (bài kệ 787), câu “không nắm giữ gì, cũng không bác bỏ gì” được Thanissaro Bhikkhu ghi chú rằng ...
(Xem: 10534)
Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại sĩ Akṣayamatir[1] từ chỗ ngồ đứng dậy, vắt thượng y[2] qua một bên vai, chắp hai tay[3] hướng về đức Thế Tôn và thưa rằng:
(Xem: 10311)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào?
(Xem: 12903)
Đại ý bài kinh này Đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận.
(Xem: 16008)
Evaṃ me sutaṃ, “như vầy tôi nghe”, là lời Ngài Ananda bắt đầu mỗi bài kinh mà có lẽ không Phật tử nào là không biết.
(Xem: 21601)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm.
(Xem: 9491)
Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào.
(Xem: 6983)
Sa-môn Thích Đàm Cảnh dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc, vào thời Tiêu-Tề (479-502). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, tại Canada, năm 2018.
(Xem: 10260)
Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật.
(Xem: 12447)
Nguyên tác Hán văn: Tì-kheo Linh Diệu, tông Thiên Thai soạn - Dịch sang tiếng Việt: Thích Thọ Phước
(Xem: 12614)
Ngài Buddhaghosa sanh ra và lớn lên nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ V trong ngôi làng Ghosa, gần địa danh nơi đức Phật thành đạo Bodhigaya
(Xem: 16066)
Nghiên Cứu Về Kinh A Hàm (Ãgama, Sanscrist)
(Xem: 16325)
Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy".
(Xem: 13685)
Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá.
(Xem: 16328)
Vào thời Đức Thích-ca-mâu-ni, không có hệ thống chữ viết được phổ biếnẤn Độ. Do đó, những thuyết giảng của Ngài được ghi nhớ và ...
(Xem: 11883)
"Lại nữa, lúc bấy giờ Mahāmati thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, ngài đã từng dạy rằng: từ lúc Như Lai chứng nghiệm giác ngộ cho đến...
(Xem: 13650)
Kinh Địa Tạng là một trong các kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay song song với các kinh Kim Cương, Di Đà, Phổ Môn...
(Xem: 14199)
Nguyên tác: Tôn giả Thế Thân (Acarya Vasubandhu) - Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng; Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh
(Xem: 9088)
No. 1613 - Nguyên tác: Tôn giả An Huệ; Dịch Hán: Tam Tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la; Dịch Việt: Tâm Hạnh
(Xem: 11634)
Duy thức nhị thập luận, do bồ tát Thế Thân soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường... được thu vào Đại chính tạng, tập 31, No.1590.
(Xem: 11162)
Bồ-tát Trần Na tạo luận. Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch. Việt dịch: Quảng Minh
(Xem: 16046)
Nghe như vầy, một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm vị. Bấy giờ các thầy Tỳ Kheo...
(Xem: 14213)
No. 699; Hán dịch: Đời Đại Đường, Trung Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Địa bà ha la, Đường dịch là Nhật Chiếu
(Xem: 16048)
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, bắt đầu chuyển pháp-luân, độ cho năm vị Tỳ-Khưu là Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v... Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu-bạt-đà-la.
(Xem: 12579)
Kinh Phạm Võng nằm trong Đại Chánh Tạng, tập 24, ký hiệu 1484, gọi đủ là Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập
(Xem: 11901)
Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã...
(Xem: 11637)
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đây,,,
(Xem: 15517)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0434; Dịch Phạn - Hán: Tam Tạng Cát-ca-dạ, Dịch Hán - Việt và chú: Tỳ-kheo Thích Hạnh Tuệ; Hiệu đính: HT Thích Như Điển
(Xem: 11359)
Đời Đường, Thận Thủy Sa Môn Huyền Giác Soạn; Thánh Tri dịch nghĩa Việt và viết bài học giải...
(Xem: 13875)
Phật giáo được khai sáng ở Ấn-độ vào năm 589 trước kỉ nguyên tây lịch (năm đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo), và đã tồn tại liên tục, phát triển không ngừng trên ...
(Xem: 11857)
Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Dược Sư là một bản kinh thường được trì tụng nhằm mục đích giải trừ tật bệnh, cầu nguyện bình an...
(Xem: 12413)
Thích-ca là phiên âm của tiếng Phạn. Phiên âm Hán Việt là Năng Nhân. Tức là họ của đấng hóa Phật ở cõi Ta-bà...
(Xem: 14786)
Kinh chuyển Pháp luân là bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca sau khi Ngài đã đắc đạo.
(Xem: 11833)
Ba Ngàn Oai Nghi Của Vị Đại Tỳ Kheo - Được xếp vào tập T24 - Kinh số 1470 - Tổng cộng kinh này có 2 quyển
(Xem: 12969)
Những gì xảy ra trong thế giới này đều bị qui luật Nhân quả chi phối. Mọi thứ xuất hiện ở đời đều có nhân duyên. Hạnh phúcthế gian hay Niết bàn của người tu đạo không ra ngoài qui luật ấy.
(Xem: 14302)
Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana...
(Xem: 20447)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bài Kinh được truyền bá khá rộng rải ở các Tồng Lâm Tự Viện của Trung QuốcViệt Nam từ xưa đến nay.
(Xem: 13047)
Bản dịch này được trích ra từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Vol. 48, No. 2010. Bởi vì lời dạy của Tổ Tăng Xán quá sâu sắc, súc tích, và bao hàm trong 584 chữ Hán,
(Xem: 10822)
Dịch từ Phạn sang Tạng: Kluḥi dbaṅ-po, Lhaḥi zla-ba; Dịch Tạng sang Việt: Phước Nguyên
(Xem: 20523)
Trí Phật là trí Kim – cang, Thân Phật là thân Kim – Sắc, cõi Phật là cõi Hoàng – kim, lời Phật tất nhiên là lời vàng.
(Xem: 14181)
Bấy giờ Hòa Thượng Vakkali nhìn thấy Đức Phật đang đi đến từ xa, và ông đã cố gắng ngồi dậy.
(Xem: 20075)
Xin dâng hết lên Tam Bảo chứng minh và xin Quý Ngài cũng như Quý Vị tùy nghi xử dụng in ấn tiếp tục hay trì tụng cũng như cho dịch ra những ngôn ngữ khác...
(Xem: 17393)
Niệm Phật Tâm Muội do HT Hư Vân soạn, Sa môn Hiển Chơn dịch; Tọa Thiền Dụng Tâm Ký do Viên Minh Quốc Sư soạn, HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 13791)
Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG, liền qua hết thảy khổ ách.
(Xem: 31686)
Viết ra các bài Phật học thường thức này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn bộ Phật pháp và chỉ cốt giúp cho các bạn sơ cơ hiểu được một cách đúng đắn, đạo lý năm thừa trong Phật giáo mà thôi.
(Xem: 11878)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Kinh văn số 1675. Tác giả: Long Thọ Bồ Tát; Sa Môn Sắc Tử dịch Phạn sang Hán; HT Thích Như Điển dịch Việt
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant