KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
PHẦN IV
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Trên đỉnh Tu-di sơn vương có thành của trời Tam thập tam. Thành dọc ngang rộng tám vạn do-tuần; có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, phần trên rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần. Cách nhau năm trăm do-tuần là có một cái cửa; tại mỗi cửa này có năm trăm quỷ thần giữ gìn bảo vệ trời Tam thập tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bạc thì cửa vàng. Cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót bi thương, cũng lại như vậy.
“Trong thành lớn này lại có thành nhỏ, dọc ngang rộng sáu vạn do-tuần. Thành có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cách nhau năm trăm do-tuần, cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần; tại mỗi cửa thành có năm trăm quỷ thần thị vệ tại bên cửa, để giữ gìn trời Tam thập tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bằng bạc thì cửa bằng vàng; thành bằng thủy tinh thì cửa bằng lưu ly, thành bằng lưu ly thì cửa bằng thủy tinh; thành bằng xích châu thì cửa bằng mã não, thành bằng mã não thì cửa bằng xích châu; thành bằng xa cừ thì cửa bằng các thứ báu khác.
“Về lan can này: nếu lan can bằng vàng thì tam cấp bằng bạc, lan can bằng bạc thì tam cấp bằng vàng; lan can bằng thủy tinh thì tam cấp bằng lưu ly, lan can bằng lưu ly thì tam cấp bằng thủy tinh; lan can bằng xích châu thì tam cấp bằng mã não, lan can bằng mã não thì tam cấp bằng xích châu; lan can bằng xa cừ thì tam cấp bằng các thứ báu khác. Trên những lan can này có lưới báu; dưới lưới vàng thì treo linh bạc, dưới lưới bạc thì treo linh vàng; lưới bằng lưu ly thì treo linh bằng thủy tinh, lưới bằng thủy tinh thì treo linh bằng lưu ly; lưới bằng xích châu thì treo linh bằng mã não, lưới bằng mã não thì treo linh bằng xích châu; lưới bằng xa cừ thì treo linh bằng các thứ báu khác. Về cây vàng: nếu rễ vàng, cành vàng thì lá hoa bằng bạc ròng. Về cây bạc: nếu rễ bạc, cành bạc thì lá hoa bằng vàng ròng. Về cây thủy tinh: nếu rễ, cành bằng thủy tinh thì lá, hoa bằng lưu ly. Về cây lưu ly: nếu rễ, cành bằng lưu ly thì lá hoa bằng thủy tinh. Về cây xích châu: nếu rễ, cành bằng xích châu thì lá hoa bằng mã não. Về cây mã não: nếu rễ, cành bằng mã não thì lá hoa bằng xích châu. Về cây xa cừ: nếu rễ, cành bằng xa cừ thì lá hoa bằng các thứ báu khác.
“Về bảy lớp thành này: thành có bốn cửa, cửa có lan can. Trên bảy lớp thành đều có đền đài, lầu các bao bọc chung quanh, có vườn rừng ao tắm, sinh ra các loài hoa quý nhiều màu sắc xen lẫn nhau, cây báu thành hàng, hoa trái tốt tươi đầy dẫy, hương thơm bay phảng phất khắp nơi làm đẹp lòng mọi người. Có chim le, chim nhạn, uyên ương, cùng các loài chim kỳ lạ, vô số hàng ngàn loại, cùng nhau ca hót.
“Khoảng giữa bên ngoài thành nhỏ này có cung điện của Long vương Y-la-bát, dọc ngang rộng sáu ngàn do-tuần. Vách tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.
“Trong thành Thiện kiến này có Thiện pháp đường, dọc ngang một trăm do-tuần; có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Nền nhà hoàn toàn bằng vàng ròng, trên mặt phủ lưu ly. Chu vi những cây cột trong nhà này là mười do-tuần, cao một trăm do-tuần, dưới những trụ cột của ngôi nhà này là nơi đặt ngự tòa của Thiên đế , bề ngang rộng độ một do-tuần, có nhiều màu sắc xen lẫn nhau được tạo thành bởi bảy thứ báu. Ngự tòa này êm ái, mềm mại như lụa trời và bên tả bên hữu, giáp hai bên tòa, có mười sáu chỗ ngồi.
“Pháp đường này có bốn cửa; chung quanh là lan can bằng bảy thứ báu. Đường cấp của ngôi nhà này dọc ngang năm trăm do-tuần, có bảy lớp cửa ngoài, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.
“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có cung điện Đế Thích, dọc ngang một ngàn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.
“Phía đĐông ngôi nhà Thiện kiến có vườn rừng tên là Thô sáp, ngang rộng độ một ngàn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn Thô sáp có hai ụ đá do vàng trời trang sức, một gọi là Hiền, hai gọi là Thiện hiền, bề ngang mỗi ụ rộng năm mươi do-tuần, đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như vải trời.
“Phía Nam cung điện Thiện kiến có khu vườn tên là Họa lạc, ngang rộng một ngàn do-tuần; vách tường của khu vườn có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá bằng bảy thứ báu, một là Họa, hai là Thiện họa, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.
“Phía Tây ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Tạp, ngang rộng một ngàn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong khu vườn này có hai ụ đá, một là Thiện kiến, hai là Thuận thiện kiến, do vàng trời trang sức và do bảy báu tạo thành, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại và độ mềm mại của nó như thiên y.
“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Đại hỷ, ngang rộng một ngàn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá, một gọi là Hỷ, hai gọi là Đại hỷ, do xa cừ trang sức, ngang rộng năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.
“Ở quãng giữa vườn Thô sáp và vườn Họa nhạc có ao Nan-đà, ngang rộng một trăm do-tuần; nước của nó lắng trong, không có một chút bợn nhơ, chung quanh bên cạnh thềm là bảy lớp hào báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Bốn phía hồ này có bốn bậc thang, chung quanh lan can làm bằng bảy báu, cho đến có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Lại nữa trong ao này lại sinh ra bốn loại hoa xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh nhạt, nhiều màu xen lẫn nhau; bóng rợp của một lá hoa này che một do-tuần; hương thơm phảng phất khắp một do-tuần; rễ của nó như ổ trục xe, nhựa của nó lưu xuất ra có màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Bốn phía ao này lại có những khu vườn.
“Giữa hai khu vườn Tạp và khu vườn Đại hỷ có cây tên là Trú độ, chu vi độ bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá bao trùm ra bốn phía độ năm mươi do-tuần, ngoài cây có ngôi đình trống, bề ngang rộng năm trăm do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.
“Ngoài ra các cung điện khác của Đao-lợi thiên, ngang rộng một ngàn do-tuần, tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện này ngang rộng từ chín trăm, tám trăm cho đến nhỏ nhất là một trăm do-tuần, bờ tường cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện nhỏ, ngang rộng từ một trăm do-tuần, chín mươi, tám mươi, cho đến cực nhỏ là mười hai do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.
“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến cung điện Đế Thích. Phía Đông ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến khu vườn Thô sáp; lại có hai đường cấp dẫn đến vườn Họa lạc; lại có đường cấp dẫn đến trong khu vườn Tạp; lại có đường cấp dẫn đến khu vườn Đại hỷ; lại có đường cấp dẫn đến ao Đại hỷ ; lại có đường cấp dẫn đến cây Trú độ; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Tam thập tam thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện chư Thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Y-la-bát Long vương. Nếu khi Thiên Đế Thích muốn du ngoạn đến trong vườn Thô sáp, liền nghĩ đến vị đại thần của trời Tam thập tam, thì đại thần Tam thập tam thiên lại tự nghĩ rằng: Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số mọi người vây quanh trước sau đến đứng một bên trước Đế Thích. Khi Đế Thích nghĩ đến chư Thiên khác, thì chư Thiên nghĩ rằng: Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, cùng với vô số chúng chư Thiên theo nhau đến đứng một bên trước Đế Thích. Khi Đế Thích nghĩ đến Y-la-bát Long vương, thì Y-la-bát Long vương lại tự nghĩ rằng: Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta. Long vương liền tự biến hóa thân hình ra ba mươi ba cái đầu, mỗi cái đầu có sáu cái răng, mỗi cái răng có bảy hồ tắm, mỗi hồ tắm có bảy hoa sen lớn, mỗi hoa sen có một trăm lá, mỗi lá hoa có bảy ngọc nữ, ca nhạc, múa xướng, đánh trống, khảy đàn, vỗ nhịp ở trên đó. Sau khi vị Long vương biến hóa như vậy rồi, đi đến đứng một bên trước Đế Thích.
“Lúc này, Thích-đề-hoàn Nhân mặc vào thân mình những đồ trang sức quý báu cùng anh lạc, ngồi trên đầu thứ nhất của Y-la-bát Long vương, kế đó, hai bên mỗi đầu còn có mười sáu vị Thiên vương ở trên đỉnh đầu Long vương này, theo thứ tự mà ngồi. Bấy giờ, Thiên Đế Thích cùng với vô số quyến thuộc chư Thiên vây quanh đến vườn Thô sáp, tự nhiên có gió thổi cửa tự động mở, tự nhiên có gió thổi khiến cho đất sạch; tự nhiên có gió thổi làm những đóa hoa rơi khắp mặt đất và tích tụ hoa rụng lại ngập đến cả đầu gối. Lúc này Thiên Đế Thích ngồi trên hai ụ đá Hiền và Thiện hiền theo ý thích, còn Ba mươi ba vị Thiên vương mỗi người tự theo thứ tự mà ngồi. Lại nữa, có những chư Thiên không được phép theo hầu để đến tham quan viên quán này, không được vào vườn để vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên thấy được khu vườn mà không vào được và không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên thấy được, vào được, nhưng không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên vào được, thấy được và vui đùa ngũ dục được. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành đồng nhau.
“Sau thời gian du hí trong vườn, chư Thiên đã tự vui ngũ dục, từ một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, họ đã cùng nhau vui đùa xong và mỗi người tự trở về cung điện. Khi Thiên Đế Thích du ngoạn vườn Họa lạc, vườn Tạp, vườn Đại hỷ cũng lại như vậy.
“Vì sao gọi là vườn Thô sáp? Vì lúc vào trong vườn này, thì thân thể trở nên thô nhám. Vì sao gọi là vườn Họa lạc? Vì lúc vào vườn này, thì thân thể tự nhiên có những sắc màu như vẽ dùng để vui đùa. Vì sao gọi là vườn Tạp? Vì thường những ngày mùng tám, ngày mười bốn, ngày mười lăm của mỗi tháng, ngoại trừ người nữ A-tu-luân, các thể nữ được thả tự do để cùng các Thiên tử ở trong vườn này cùng du hí hỗn tạp với nhau, cho nên gọi là vườn Tạp. Vì sao gọi là vườn Đại hỷ? Vì lúc vào vườn này, thì có thể vui đùa một cách hoan hỷ, cho nên gọi là Đại hỷ. Vì sao gọi là nhà Thiện pháp? Vì ở trên ngôi nhà này mà tư duy về pháp vi diệu, nhận lãnh cái vui thanh tịnh, cho nên gọi là nhà Thiện pháp. Vì sao gọi là cây Trú độ? Vì cây này có vị thần tên là Mạn-đà thường thường tấu nhạc để tự vui đùa, cho nên gọi là Trú độ. Lại nữa, cành nhánh của cây lớn này vươn ra bốn phía, hoa lá rậm rạp tốt tươi như đám mây báu lớn, cho nên gọi là Trú độ.
“Hai bên tả hữu của Thích Đề-hoàn Nhân thường có mười đại Thiên tử theo sau để hầu hạ và bảo vệ đó là: một tên là Nhân-đà-la, hai tên là Cù-di, ba tên là Tỳ-lâu, bốn tên là Tỳ-lâu-bà-đề, năm tên là Đà-la, sáu tên là Bà-la, bảy tên là Kỳ-bà, tám tên là Linh-hê-nậu, chín tên là Vật-la, mười tên là Nan-đầu. Thích Đề-hoàn Nhân có thần lực lớn và oai đức như vậy.
Các loại hoa mọc trong nước mà người Diêm-phù-đề quý như: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-vật-đầu, Phân-đà-lỵ, Tu-càn-đầu, hương thơm của chúng thanh khiết nhẹ nhàng. Cũng vậy, các loại hoa mọc ra trên đất liền; đó là: Giải thoát hoa, Đảm-bặc-hoa, Bà-la-đà-hoa, Tu-mạn-châu-na hoa, Bà-sư hoa, Đồng nữ hoa. Giống như những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền, thì những hoa sinh ra ở Câu-da-ni, Uất-đan-viết, Phất-vu-đãi, Long cung, Kim sí điểu cung cũng lại như vậy. Những hoa sinh ra ở trong thủy cung của A-tu-luân: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ, hương thơm của chúng nhẹ nhàng thanh khiết. Những hoa sinh ra nơi đất liền: hoa Thù-hảo, hoa Tần-phù, hoa đại Tần-phù, hoa Già-già-lợi, hoa đại Già-già-lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa đại Mạn-đà-la. Những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền này được Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, Diễm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên yêu quý cũng lại như vậy.
“Cõi Trời có mười loại pháp; đó là: một, bay đi không hạn số; hai, bay đến không hạn số; ba, đi vô ngại; bốn, đến vô ngại; năm, thân Trời không có da, xương, gân, mạch, máu, thịt; sáu, thân không có việc đại, tiểu tiện bất tịnh; bảy, thân không mệt nhọc; tám, Thiên nữ không sinh đẻ; chín, mắt Trời không nháy; mười, thân tùy thuộc vào màu sắc của ý mình, như thích xanh thì hiện xanh, thích vàng thì vàng, đỏ, trắng và các màu khác tùy theo ý mình mà hiện. Đó là mười pháp của chư Thiên.
“Con người có bảy màu sắc, đó là: có người màu lửa, có người màu xanh, có người màu vàng, có người màu đỏ, có người màu đen, có người màu trắng. Chư Thiên, A-tu-luân cũng có bảy màu sắc như vậy.
“Các Tỳ-kheo, ánh sáng của con đom đóm không bằng đèn, nến; ánh sáng của đèn, nến không bằng bó đuốc; ánh sáng của bó đuốc không bằng đống lửa; ánh sáng của đống lửa không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương; ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương không bằng ánh sáng của Tam thập tam thiên; ánh sáng của Tam thập tam thiên không bằng ánh sáng của Diệm-ma thiên; ánh sáng của Diệm-ma thiên không bằng ánh sáng của Đâu-suất thiên, ánh sáng của Đâu-suất thiên không bằng ánh sáng của Hóa tự tại thiên; ánh sáng của Hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên; ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên; ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên không bằng ánh sáng của Quang âm thiên; ánh sáng của Quang âm thiên không bằng ánh sáng của Biến tịnh thiên; ánh sáng của Biến tịnh thiên không bằng ánh sáng của Quả thật thiên; ánh sáng của Quả thật thiên không bằng ánh sáng của Vô tưởng thiên; ánh sáng của Vô tưởng thiên không bằng ánh sáng của Vô tạo thiên; ánh sáng của Vô tạo thiên không bằng ánh sáng của Vô nhiệt thiên; ánh sáng của Vô nhiệt thiên không bằng ánh sáng của Thiện kiến thiên; ánh sáng của Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Đại Thiện kiến thiên; ánh sáng của Đại Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Cứu cánh thiên; ánh sáng của Cứu cánh thiên không bằng ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên; ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của Phật. Từ ánh sáng của con đom đóm đến ánh sáng của Phật, mà kết hợp những thứ ánh sáng như vậy lại, thì cũng không bằng ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Cho nên, các Tỳ-kheo! Muốn tìm cầu ánh sáng, thì phải cầu ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Các ngươi nên như vậy mà tu hành.
“Thân người ở cõi Diêm-phù-đề cao ba khuỷu tay rưỡi; y dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay rưỡi. Thân người ở Cù-da-ni, Phất-vu-đãi cũng cao ba khuỷu tay; y dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay rưỡi. Thân người Uất-đan-viết cao bảy khuỷu tay; y dài mười bốn khuỷu tay, rộng bảy khuỷu tay. Thân A-tu-luân cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Tứ thiên vương cao nửa do-tuần; y dài một do-tuần, rộng nửa do-tuần, y dày nửa lạng. Thân của Đao-lợi thiên cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Diệm-ma thiên cao hai do-tuần; y dài bốn do-tuần, rộng hai do-tuần, y dày ba lạng. Thân của Đâu-suất thiên cao bốn do-tuần; y dài tám do-tuần, rộng bốn do-tuần, y dày một lạng rưỡi. Hóa tự tại thiên cao tám do-tuần; y dài mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần, y dày một lạng. Thân của Tha hóa tự tại thiên cao mười sáu do-tuần; y dài ba mươi hai do-tuần, rộng mười sáu do-tuần, y dày nửa lạng. Từ chư Thiên trở lên, mỗi nơi tùy theo thân hình của họ mà mặc y phục.
“Tuổi thọ của người Diêm-phù-đề là một trăm năm, ít ai vượt qua khỏi; mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Câu-da-ni là hai trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Phất-vu-đãi là ba trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Uất-đan-viết là một ngàn năm, không có tăng hay giảm. Tuổi thọ của ngạ quỷ là bảy vạn năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của loài rồng và Kim sí điểu là một kiếp, hoặc có giảm đi. Tuổi thọ của A-tu-luân là một ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tứ thiên vương là năm trăm năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Đao-lợi thiên là một ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Diệm-ma thiên là hai ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Đâu-suất thiên là bốn ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Hóa tự tại thiên là tám ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tha hóa tự tại thiên là sáu ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Phạm-ca-di thiên là một kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quang âm thiên là hai kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Biến tịnh thiên là ba kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quả thật thiên là bốn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tưởng thiên là năm trăm kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tạo thiên là một ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô nhiệt thiên là hai ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thiện kiến thiên là ba ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Đại Thiện kiến thiên là bốn ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Sắc cứu cánh thiên là năm ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Không xứ thiên là một vạn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thức xứ thiên là hai vạn một ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Bất dụng xứ thiên là bốn vạn hai ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Hữu tưởng vô tưởng thiên là tám vạn bốn ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Trong giới hạn ấy, được gọi là chúng sanh; trong giới hạn ấy được gọi làlà tuổi thọ; trong giới hạn ấy được gọi là thế giới; trong giới hạn ấy là sự luân chuyển của tập hợp uẩn, xứ, giới, qua lại trong các cõi, sanh, già, bệnh, chết.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Tất cả chúng sanh do bốn loại thức ăn mà tồn tại. Một là đoàn tế hoạt thực. Hai là xúc thực. Ba là niệm thực. Bốn là thức thực. Những loại thức ăn này chúng sanh ăn không giống nhau. Như người cõi Diêm-phù-đề dùng các loại cơm, bún mì, cá thịt, gọi là loại đoàn thực. Y phục, tắm giặt, được gọi là tế hoạt thực. Người Câu-da-ni, Phất-vu-đãi cũng ăn các loại cơm, bún mì, cá thịt được gọi là đoàn thực; y phục, tắm giặt là tế hoạt thực. Người Uất-đan-viết thì chỉ ăn lúa gạo chín tự nhiên, đầy đủ vị trời lấy là đoàn thực; cũng lấy y phục, tắm giặt làm tế hoạt thực. Loài rồng, Kim sí điểu, thì ăn các con giải, con đà, con cá, con ba-ba lấy làm đoàn thực và tắm gội, y phục làm tế hoạt thực. A-tu-luân thì ăn đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và lấy tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên ăn loại đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Chư Thiên từ đây trở lên dùng hỷ lạc thiền định làm thức ăn.
“Những chúng sanh nào dùng xúc thực? Những chúng sanh, sinh ra từ trứng dùng xúc thực.
“Những chúng sanh nào dùng niệm thực? Có chúng sanh nhờ vào niệm thực mà được tồn tại, tăng trưởng các căn, tuổi thọ không dứt, đó là niệm thực.
“Những chúng sanh nào dùng thức thực? Những chúng sanh ở địa ngục và cõi Vô sắc thiên, những loại chúng sanh này dùng thức thực.
“Người cõi Diêm-phù-đề dùng các thứ vàng bạc, đồ quý báu, lúa gạo, lụa là, nô bộc để mưu sinh buôn bán mà tự nuôi sống. Người Câu-da-ni dùng bò, dê, châu báu để trao đổi mà nuôi sống. Người Phất-vu-đãi dùng thóc, vải, châu ngọc để trao đổi mà tự nuôi sống. Người Uất-đan-viết tuy không dùng cách trao đổi nhưng cũng mưu sinh để tự nuôi sống.
“Người cõi Diêm-phù-đề có sự mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Câu-da-ni và người Phất-vu-đãi, cũng có mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Uất-đan-viết, thì không có vấn đề hôn nhân, không có sự lấy chồng, lấy vợ của con trai và con gái. Loài rồng và Kim sí điểu cùng A-tu-luân, thì cũng có hôn nhân, có giá thú giữa con trai và con gái. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên. cho đến Tha hóa tự tại thiên cũng có hôn nhân và có giá thú giữa người nam và người nữ. Chư Thiên từ đây trở lên không còn có nam và nữ.
“Người cõi Diêm-phù-đề, vì giữa nam và nữ giao hội nhau, thân và thân xúc chạm nhau, nên sanh ra âm dương. Những người Câu-da-ni, người Phất-vu-đãi, người Uất-đan-viết cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Các loài rồng, Kim sí điểu cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Loài A-tu-luân thì thân với thân gần gũi nhau phát sanh khí mà trở thành âm dương. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên thì cũng lại như vậy. Diệm-ma thiên, thì gần gũi nhau mà thành âm dương. Đâu-suất thiên thì cầm tay nhau mà thành âm dương. Hóa tự tại thiên thì nhìn kỹ nhau mà thành âm dương. Tha hóa tự tại thiên thì láy mắt nhìn nhau mà thành âm dương. Chư Thiên từ đây trở lên thì không còn dâm dục nữa.
“Nếu có chúng sanh nào, với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, thức người đời diệt mất; thức nê-lê bắt đầu sinh ra. Nhân thức nên có danh sắc. Nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào trong loài súc sanh; sau đó thức người đời bị diệt; thức súc sanh bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào trong ngạ quỷ; sau đó thức người đời bị diệt, thức ngạ quỷ bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói những lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sinh vào trong cõi người; sau đó thức đời trước diệt, thức loài người bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập.
“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh về cõi Tứ thiên vương; sau đó thức đời trước diệt; thức loài trời Tứ thiên vương bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập.
“Lúc bắt đầu sinh ở cõi Trời, hình dạng cũng giống hệt như con nít chừng hai, ba tuổi của cõi người này, tự nhiên hóa hiện, ngồi trên đầu gối Trời. Vị Trời ấy liền nói: Đây là con ta. Do quả báo của hành vi, nên tự nhiên mà có nhận thức; liền tự nghĩ rằng: Ta do đã làm những gì, mà nay ta sinh ra nơi này? Rồi tự nhớ lại: Đời trước ta ở nhân gian, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Vì đã làm những việc này nên nay được sanh về cõi Trời. Giả như ở đây ta mạng chung, mà sinh vào cõi nhân gian trở lại, thì phải thanh tịnh thân, khẩu, ý và siêng năng gấp đôi trong việc tu tập các hạnh lành. Sau khi sinh ra chưa lâu, hài nhi tự biết đói, thì tự nhiên trước mặt hài nhi này có đồ đựng quý, trong đó đựng thức ăn thanh tịnh của cõi Trời, tự nhiên có, đủ cả trăm mùi vị. Nếu phước báo nhiều thì thức ăn màu trắng. Nếu phước báo vừa thì thức ăn có màu xanh. Còn nếu phước báo ít thì thức ăn có màu đỏ. Đứa trẻ này dùng tay lấy thức ăn đưa vào miệng, thức ăn tự nhiên tiêu mất, như váng sữa được chế vào trong lửa. Khi đứa trẻ ăn xong, mới tự cảm thấy khát, thì tự nhiên có đồ đựng quý, đựng đầy nước cam lồ. Nếu là người có nhiều phước báo thì nước này có màu trắng; nếu người này phước báo vừa vừa thì nước này có màu xanh; nếu là ngưới có phước báo ít thì nước này có màu đỏ. Đứa trẻ này lấy nước uống; nước tự động tiêu mất như váng sữa được chế vào lửa vậy.
“Đứa trẻ này sau khi ăn uống xong, thì thân thể cao lớn cũng như các chư Thiên khác, liền vào trong hồ nước mà tự mình thưởng thức sự tắm gội rửa ráy. Khi đã tự mình thưởng thức xong thì ra khỏi hồ tắm, đến dưới cây hương. Cây hương sẽ cong xuống; nó dùng tay lấy các loại hương tự thoa vào thân mình. Sau đó lại đến cây y-kiếp-bối. Cây cong xuống, nó lấy các loại y mặc vào thân mình. Tiếp đến nơi cây trang nghiêm. Cây cong xuống, nó lấy các thứ đồ trang sức, để tự trang điểm thân. Tiếp đến cây Hoa man, cây nghiêng xuống môt bên, lấy tràng hoa đội lên đầu. Tiếp đến cây đồ vật, cây nghiêng xuống một bên, để lấy các thứ đồ vật báu. Tiếp đến cây có trái, cây nghiêng xuống một bên, hái trái tự nhiên, hoặc ăn hay ngậm, hoặc lọc nước mà uống. Tiếp đến cây nhạc khí, cây nghiêng xuống một bên, lấy nhạc khí Trời, khảy lên âm thanh trong trẻo vi diệu hòa cùng lời ca. Khi đứa trẻ cõi Trời hướng đến các khu vườn, thì thấy vô số Thiên nữ đang khảy đàn đánh trống ca hát nói cười với nhau. Bấy giờ đứa trẻ cõi Trời dạo chơi thấy những cảnh như vậy, bèn sinh lòng đắm nhiễm, nhìn Đông mà quên Tây, nhìn Tây mà quên Đông. Lúc mà đứa trẻ này mới sinh, tự biết mà tự nghĩ rằng: Do hành vi gì mà nay ta được sinh ra nơi này? Khi đang dạo chơi xem cảnh nơi kia, thì lại quên hết ý nghĩ này. Thế rồi, liền có thể nữ theo hầu.
“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đao-lợi thiên; sau đó thức đời trước diệt; thức kia bắt đầu sinh ra; nhân thức này nên có danh sắc, nhân danh sắc nên có sáu nhập. Kẻ mới bắt đầu sinh của cõi Trời kia, giống như đứa trẻ hai hay ba tuổi ở cõi Diêm-phù-đề, tự nhiên biến hiện ra ở trên đầu gối của Trời và vị Trời ấy nói: Đây là con trai của ta. Đây là con gái của ta. Cũng lại như đã kể trên.
“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Diệm-ma thiên; kẻ mới bắt đầu sinh của cõi trời kia, giống như đứa trẻ ba, bốn tuổi ở cõi Diêm-phù-đề này.
“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đâu-suất thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ bốn, năm tuổi ở thế gian này.
“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Hóa tự tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi trời này, giống như đứa trẻ năm, sáu tuổi ở thế gian này.
“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Tha hóa tự tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ sáu, bảy tuổi ở thế gian này, cũng lại như vậy.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Mỗi nửa tháng có ba ngày trai, đó là: ngày mồng tám, ngày mười bốn và ngày mười lăm. Đó là ba ngày trai. Vì sao trong mỗi nửa tháng lấy ngày mùng tám làm ngày trai? Vì vào ngày mồng tám của mỗi nửa tháng là ngày Tứ thiên vương thường bảo sứ giả rằng: Các ngươi nên đi khảo sát thế gian, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận với cha mẹ, có kính thuận với Sa-môn, Bà-la-môn, có tôn kính các bậc trưởng lão, có trai giới, bố thí, có cứu giúp người nghèo thiếu hay không? Sau khi sứ giả nghe những lời dạy này rồi, liền đi khảo sát khắp trong thiên hạ, để biết có người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, kính trọng các bậc trưởng lão, trì giới giữ trai, bố thí cho người nghèo thiếu. Sau khi xem xét đầy đủ rồi, thấy có những người bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, không tu trai giới, không cứu giúp người nghèo thiếu, về thưa với nhà vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian những người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng sư trưởng, tịnh tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít! Sau khi Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, đáp rằng: Than ôi! nếu người thế gian, có nhiều kẻ ác, bất hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu! thì chúng chư Thiên sẽ tổn giảm và chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm. Trường hợp nếu sứ giả thấy ở thế gian mà có người hiếu kính mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo, thì trở về bạch với Thiên vương rằng: Ở thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu. Thì Tứ thiên vương sau khi nghe xong rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: Lành thay! Ta đã nghe những lời tốt lành, thế gian nếu có những người có thể hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm và chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt.
“Vì sao lấy ngày mười bốn làm ngày trai? Vì ngày mười bốn là ngày mà Tứ thiên vương bảo thái tử rằng: Ngươi nên đi khảo sát khắp thiên hạ, xem xét mọi người, để biết có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không? Sau khi vâng lời dạy của vua xong, thái tử liền đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không. Khi đã quán sát tất cả rồi, nhận thấy thế gian có người không hiếu thuận mẹ cha, không kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu, trở về thưa vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tu hành trai giới thanh tịnh, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít! Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, bảo rằng: Than ôi! Nếu thế gian có nhiều kẻ ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm. Nếu thái tử nhận thấy thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì liền trở về thưa vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu. Tứ thiên vương nghe xong, lòng rất vui mừng, xướng lên rằng: Lành thay! Ta nghe được những lời tốt lành, là ở thế gian nếu có những người hiếu thuận với mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm, chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt. Cho nên ngày mười bốn là ngày trai.
“Vì sao lấy ngày mười lăm làm ngày trai? Vì ngày mười lăm là ngày Tứ thiên vương đích thân tự đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người ở trong thế gian, có hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu hay không? Nếu nhận thấy người thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không siêng trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì Tứ thiên vương đến điện Thiện pháp thưa với Đế Thích: Đại vương biết cho, chúng sanh ở thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không kính trọng sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu! Sau khi Đế Thích và chư Thiên Đao-lợi nghe xong lòng buồn lo không vui nói rằng: Than ôi! Nếu chúng sanh ở thế gian phần nhiều là ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-luân sẽ tăng lên. Nếu Tứ thiên vương nhận thấy thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì trở về điện Thiện pháp tâu với Đế Thích: Người thế gian có kẻ hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu. Sau khi Đế Thích và chư Thiên Đao-lợi nghe xong lòng rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: Lành thay! Nếu ở thế gian mà có kẻ hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng, chúng A-tu-luân sẽ giảm. Cho nên lấy ngày mười lăm là ngày trai giới. Vì lý do trên nên có ba ngày trai. Bấy giờ, Đế Thích muốn cho chư Thiên càng thêm hoan hỷ hơn, liền nói bài kệ:
Thường lấy ngày mồng tám,
Mười bốn, rằm mỗi tháng,
Cải hóa, tu trai giới,
Người này đồng với Ta.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đế Thích nói bài kệ này, không phải là khéo thọ, không phải là khéo nói; Ta cũng không ấn khả. Vì sao? Vì Đế Thích chưa dứt hết dâm dục, sân hận, si mê, chưa thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người này chưa lìa khỏi gốc khổ. Tỳ-kheo nào của Ta, nếu lậu hoặc đã hết, được A-la-hán, những gì cần làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã được tự lợi, đã hết kết sử các hữu, bình đẳng giải thoát, thì Tỳ-kheo đó mới đáng nói bài kệ này:
Thường lấy ngày mồng tám,
Mười bốn, rằm mỗi tháng,
Vâng lời tu trai giới,
Người này đồng với Ta.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo kia nói bài kệ này mới gọi là khéo thọ, mới gọi là khéo nói, được Ta ấn khả. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia đã dứt sạch dâm dục, sân hận, si mê, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người kia đã lìa khỏi gốc khổ.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Tất cả chỗ ở như nhà cửa của mọi người đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Tất cả mọi đường sá, mọi ngã tư, hàng thịt, chợ búa, cùng bãi tha ma đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Phàm các loài quỷ thần đều tùy thuộc vào chỗ nương náu mà có tên. Như nếu nương vào người thì gọi là người; nương vào thôn thì gọi là thôn; nương vào thành thì gọi là thành; nương vào nước thì gọi là nước; nương vào đất thì gọi là đất; nương vào núi thì gọi là núi, nương vào sông thì gọi là sông.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Tất cả mọi loại cây cối dù là cực nhỏ như trục xe cũng đều có quỷ thần nương tựa, không có chỗ nào là không có. Tất cả mọi người nam, người nữ khi mới bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên ủng hộ; nếu khi nào họ chết thì quỷ thần giữ gìn họ, thu nhiếp tinh khí của họ, nên người này sẽ chết ngay.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Giả như có Phạm-chí ngoại đạo hỏi rằng: Chư Hiền! Nếu như tất cả nam nữ khi bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên giữ gìn, ủng hộ; khi người kia sắp chết, quỷ thần giữ gìn ủng hộ kia sẽ thu nhiếp tinh khí họ, thì người này chết. Nhưng tại sao người hiện nay lại có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu? Nếu có người hỏi câu này, thì các Thầy nên trả lời cho họ rằng: Người thế gian hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, những người như vậy, thì trong trăm hay ngàn mới có một thần theo bảo hộ thôi. Giống như đàn bò, đàn dê, trong trăm hay ngàn con cũng chỉ có một người chăn giữ; thì việc này cũng như vậy, vì hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, nên những người như vậy, trong trăm hay ngàn người mới có một thần bảo hộ thôi. Nếu có người nào tu hành pháp thiện, chánh kiến, chánh tín, chánh hạnh, đầy đủ mười nghiệp thiện, chỉ một người như vậy, thì cũng có trăm ngàn thần bảo hộ rồi. Giống như quốc vương, đại thần của quốc vương có trăm ngàn người hộ vệ một người; thì việc này cũng như vậy, người tu hành pháp thiện, đầy đủ mười nghiệp thiện, như một người có trăm ngàn thần hộ vệ. Vì nhân duyên này cho nên, người thế gian có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu.
“Người cõi Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Câu-da-ni, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, siêng tu phạm hạnh; ba, vì dõng mãnh, nhớ dai, nên Phật ra đời ở cõi này. Do có ba điều này nên hơn người Câu-da-ni. Người Câu-da-ni có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, nhiều bò; hai, nhiều dê; ba, nhiều châu ngọc. Do có ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.
“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Phất-vu-đãi, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo ra nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, thường tu phạm hạnh; ba, dõng mãnh, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Vì ba điều này nên hơn Phất-vu-đãi. Người Phất-vu-đãi có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cõi này rất rộng; hai, cõi này rất lớn; ba, đất đai cõi này rất vi diệu. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.
“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Uất-đan-viết, đó là: một, mạnh mẽ, nhớ dai, có khả năng tạo ra hành nghiệp; hai, mạnh mẽ, nhớ dai, thường tu hành phạm hạnh; ba, mạnh mẽ, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Đó là ba điều hơn người Uất-đan-viết. Người Uất-đan-viết có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, không bị ràng buộc lệ thuộc; hai, không có vật sở hữu của ngã; ba, tuổi thọ cố định là ngàn năm. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề. “Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn đường ngạ quỷ. Đường ngạ quỷ có ba điều hơn Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, người khác làm mà mình chịu. Vì ba điều này nên hơn Diêm-phù-đề.
“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên nên hơn loài rồng, Kim sí điểu. Loài rồng, Kim sí điểu lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, cung điện. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.
“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên nên hơn A-tu-luân. A-tu-luân lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cung điện cao, rộng; hai, cung điện trang nhiêm; ba, cung điện thanh tịnh. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.
“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên mà hơn Tứ thiên vương. Tứ thiên vương lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều; vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.
“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên. Các hàng chư Thiên này lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Chúng sanh cõi Dục có mười hai loại, đó là:
“1. Địa ngục.
“2. Súc sanh.
“3. Ngạ quỷ.
“4. Người.
“5. A-tu-luân.
“6. Tứ thiên vương.
“7. Đao-lợi thiên.
“8. Diệm-ma thiên.
“9. Đâu-suất thiên.
“10. Hóa tự tại thiên.
“11. Tha hóa tự tại thiên.
“12. Ma thiên.
“Chúng sanh cõi Sắc có hai mươi hai loại, đó là:
“1. Phạm thân thiên.
“2. Phạm phụ thiên.
“3. Phạm chúng thiên.
“4. Đại Phạm thiên.
“5. Quang thiên.
“6. Thiểu quang thiên.
“7. Vô lượng quang thiên.
“8. Quang âm thiên.
“9. Tịnh thiên.
“10. Thiểu tịnh thiên.
“11. Vô lượng tịnh thiên.
“12. Biến tịnh thiên.
“13. Nghiêm sức thiên.
“14. Tiểu nghiêm sức thiên.
“15. Vô lượng nghiêm sức thiên.
“16. Nghiêm thắng quả thật thiên.
“17. Vô tưởng thiên.
“18. Vô phiền thiên.
“19. Vô nhiệt thiên.
“20. Thiện kiến thiên.
“21. Đại Thiện kiến thiên.
“22. A-ca-nị-trá thiên.
“Chúng sanh cõi Vô sắc có bốn loại, đó là:
“1. Không trí thiên.
“2. Thức trí thiên.
“3. Vô sở hữu trí thiên.
“4. Hữu tưởng vô tưởng trí thiên.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có bốn loại Đại Thiên thần, đó là:
“1. Địa thần.
“2. Thủy thần.
“3. Phong thần.
“4. Hỏa thần.
Xưa kia Địa thần nảy sinh ra nhận thức sai lầm rằng: Trong đất không có nước, lửa và gió. Lúc đó Ta biết rõ tâm niệm của thần đất này, liền đến bảo rằng: Ngươi đang nảy sanh ra ý nghĩ: Trong đất không có nước, lửa và gió phải không? Địa thần đáp: Trong đất quả thực không có nước, lửa và gió. Lúc ấy Ta bảo rằng: Ngươi chớ nảy sanh ý niệm này là trong đất không có nước, lửa và gió. Vì sao? Vì trong đất có nước, lửa và gió, chỉ vì yếu tố đất nhiều nên lấy đất mà gọi tên.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lúc ấy Ta vì Địa thần mà lần lượt nói pháp, để dứt trừ nhận thức sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Ta biết rõ tâm niệm Địa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, Ta chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Địa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Địa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Ta rằng: Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, cho phép con được làm Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Xưa kia, Thủy thần nảy sanh ác kiến, nói rằng: Trong nước không có đất, lửa và gió. Lúc ấy Địa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói với Thủy thần rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió phải không? Đáp rằng: Có thật như vậy. Địa thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió. Vì sao? Vì trong nước có đất, lửa và gió, nhưng chỉ vì yếu tố nước nhiều quá, nên dùng yếu tố nước để gọi tên. Bấy giờ, Địa thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Địa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Thủy thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Thủy thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Địa thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Xưa kia Hỏa thần nảy sanh ra ác kiến, nói rằng: Trong lửa không có đất, nước và gió. Lúc ấy Địa thần và Thủy thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần sinh ra nhận thức này, nên cùng nói với Hỏa thần rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không? Đáp rằng: Có thật như vậy. Hai thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong lửa có đất, nước và gió, nhưng chỉ vì yếu tố lửa nhiều quá, nên dùng yếu tố lửa để gọi tên. Bấy giờ, hai vị thần Địa và Thủy liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy hai thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Hỏa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Hỏa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với hai thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Xưa kia Phong thần nảy sanh ra nhận thức sai lầm rằng: Trong gió không có đất, nước và lửa. Lúc ấy Địa thần, Thủy thần, Hỏa thần biết rõ tâm niệm Phong thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không? Đáp rằng: Có thật như vậy. Ba vị thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong gió có đất, nước và lửa, nhưng chỉ vì yếu tố gió nhiều quá, nên dùng yếu tố gió để gọi tên. Bấy giờ, ba vị thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy ba thần biết rõ tâm niệm của Phong thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Phong thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như tấm vải trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Phong thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với ba thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Mây có bốn thứ, đó là: một là màu trắng; hai là màu đen; ba là màu đỏ; bốn là màu hồng. Mây có màu trắng vì yếu tố đất đặc biệt nhiều; mây có màu đen vì yếu tố nước đặc biệt nhiều hơn; mây có màu đỏ vì yếu tố lửa đặc biệt nhiều hơn; mây có màu hồng vì yếu tố gió đặc biệt nhiều hơn. Mây cách mặt đất từ hai mươi dặm, ba mươi dặm, bốn mươi dặm. cho đến bốn ngàn dặm; ngoại trừ kiếp sơ, còn sau đó thì mây lên đến cõi Quang âm thiên. Chớp có bốn loại, đó là: Chớp ở phương Đông gọi là thân quang; chớp ở phương Nam gọi là nan hủy; chớp ở phương Tây gọi là lưu diễm; chớp ở phương Bắc gọi là định minh. Vì sao mây ở trong hư không có hiện tượng ánh chớp này? Có lúc thân quang cùng nan hủy chạm nhau, có khi thân quang cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi thân quang cùng với định minh chạm nhau, có khi nan hủy cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi nan hủy cùng với định minh chạm nhau, có khi lưu diễm cùng với định minh chạm nhau; vì những nhân duyên này nên mây giữa hư không sinh ra ánh chớp. Và vì sao mây ở giữa hư không lại sinh ra sấm chớp? Vì ở giữa hư không có khi địa đại cùng với thủy đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với phong đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với phong đại chạm nhau; vì những nhân duyên này mà mây giữa hư không sinh ra sấm chớp.
“Có năm lý do mà các thầy tướng không thể tiên đoán và không thể biết được một cách chắc chắn về mưa nên dẫn đến việc sai lầm trong lúc đoán, đó là: một, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa; nhưng vì hỏa đại nhiều nên nó thiêu hủy mây đi, vì vậy mà không mưa. Đó là lý do thứ nhất khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Hai, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì phong đại nổi lên, thổi mây bay tứ tán vào trong các núi, vì lý do này nên khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Ba, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng bấy giờ Đại A-tu-luân đem phù vân đặt giữa biển cả, vì lý do này mà thầy tướng đoán sai lầm. Bốn, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì thần mây, thần mưa đang buông lung dâm loạn, nên rốt cùng không làm mưa, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai lầm. Năm, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì mọi người trong thế gian hành động buông lung phi pháp, làm hạnh bất tịnh, tham lam, keo kiệt, ghen ghét, kiến giải điên đảo, nên khiến trời không mưa xuống, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai. Đó là năm lý do làm cho các thầy tướng không thể biết để đoán mưa một cách chắc chắn được.”