KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III:
CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.1.3. DÂM GIỚI (giới dâm)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược
Phật tử tự dâm, giáo dâm” cho đến câu: “Vô từ bi tâm dã thị Bồ Tát Ba La Di
tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử tự mình dâm dục, bảo người dâm dục với tất cả phụ nữ, các loài cái, loài mái, cho đến thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ, cùng phi đạo mà hành dâm dưới mọi hình thức: nhân dâm dục, duyên dâm dục, cách thức dâm dục, nghiệp dâm dục. Là Phật tử, đối với tất cả mọi đối tượng trên, không được cố ý dâm dục và phải có lòng hiếu thuận, cứu độ tất cả chúng sanh, đem pháp thanh tịnh răn dạy người; trái lại, không có tâm từ bi, làm cho mọi người sanh việc dâm dục, không phân biệt súc sanh cho đến mẹ con, chị em trong lục thân cũng hành dâm. Phật tử này phạm Ba La Di tội.
Lời giảng:
Dâm tức là dâm
dục, nghĩa là giữa nam nữ có tâm ái nhiễm, đắm trước với nhau, tức là tâm tình
đối với sắc dục thiên trọng không thể xa lìa nên gọi là dâm sắc, là hoang
dâm.
Cổ thi Trung
Quốc có câu: “Nội tác sắc hoang, ngoại tác cầm hoang” (bên trong hoang mê theo
sắc dục, bên ngoài làm việc hoang mê theo cầm thú). Trong Phật pháp, dâm dục
gọi là “bất tịnh hạnh”, là do ái dục làm nhiễm ô nội tâm của chính mình, nên
gọi là “bất tịnh”; bằng những việc làm phi pháp, giới phẩm thanh tịnh, gọi là
“hạnh”, bị nhiễm ô; còn gọi là “phi phạm hạnh”.
Người tu học
Phật pháp phải tu diệu hạnh thanh tịnh, nhưng vì làm việc giao cấu ô uế, bỉ ổi,
hư lậu thật đáng hổ thẹn nên gọi là “phi phạm hạnh” vậy.
Người làm việc
phi phạm hạnh, bên trong làm nhơ thể tánh của mình, bên ngoài làm nhơ bẩn tâm
địa của người khác. Trong kinh thường nói dâm dục là chánh nhân sanh tử, cội
gốc luân hồi. Tại sao vậy?
Vì cội gốc dâm
dục không đoạn trừ vĩnh viễn, không mong gì thoát ly sanh tử luân hồi. Kinh
Lăng Nghiêm dạy: “Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất. Túng hữu đa trí, thiền
định hiện tiền, như bất đoạn dâm, tất lạc ma đạo” (tâm dâm dục không đoạn trừ,
không dễ gì ra khỏi trần lao. Dù có đa trí thiền định ngay hiện tại, dâm dục
không đoạn tuyệt, chắc chắn lạc vào ma đạo).
Theo kinh dạy
trên, chúng ta thấy đối với người tu học Phật pháp, vấn đề dâm dục rất trọng
đại. Những ai không muốn lặn ngụp trong bể dục, nổi chìm trong sông ái, cần
phải làm thế nào đoạn trừ dâm dục cho kỳ được. Đây là công phu đứng đầu.
Có người cho
rằng quan hệ nam nữ chỉ có song phương đồng ý với nhau, ngoài ra không làm tổn
hại đến người khác, không làm não loạn chúng sanh, tại sao lại xem dâm dục quá quan
trọng đến như vậy?
Nên biết, việc
dâm dục nếu chưa bị tiêm nhiễm thì thôi, khi đã bị tiêm nhiễm rồi thì bị nó
trói cột rất chặt. Chừng ấy muốn thoát ly nó, hoặc muốn cắt đứt dây ái dục,
thật không phải đơn giản, nên Đại Trí Độ Luận của tổ Long Thọ dạy: “Dâm dục tuy
bất não chúng sanh, hệ phược cố vi đại tội” (dâm dục dù không não hại chúng
sanh, nhưng có sức trói cột, nên tội ác rất lớn).
Ví như lao ngục
ở thế gian, vì sợ tù nhân chạy trốn nên bắt mỗi người phải mang gông vào cổ,
lấy xiềng sắt còng tay chân lại. Nhưng đối với lao ngục sanh tử trong tam giới,
gông cùm, xiềng xích tròng trói chúng sanh lại chính là ái dục vô hình.
Tất cả hữu tình
bị dây ái trói cột rất chắc chắn, muốn thoát ly lao ngục tam giới rất là khó.
Càng rất khó! Nên trong nhiều kinh, Đức Phật cực lực quở trách việc dâm dục
không chỗ nào sót.
Trong kinh có
nói: Vào thời quá khứ có vị tiên nhân đã đắc ngũ thông, dùng thần thông bay vào
cung vua. Các cung nga, thể nữ xúm nhau lễ bái, rờ rẫm, vuốt ve. Lúc ấy tiên
nhân khởi sanh tâm dục nhiễm khiến thần thông tự nhiên tiêu mất. Vì không thể
dùng thần túc thông bay ra khỏi vương cung, tiên nhân phải đi bộ từng bước trở
về thâm sơn, cùng cốc.
Chúng ta thử
nghĩ tai họa của dâm dục lớn biết chừng nào! Nên trong luật Tăng Kỳ nói: “Khả
úy chi thậm vô quá nữ nhân, bại chánh hoại đức mạc bất do chi!” Nghĩa là: Những
việc đáng sợ nhất không gì hơn người nữ; chánh pháp bại hoại, đạo đức suy đồi,
tất cả đều do nơi người nữ. Nếu không tin hãy xem trên thế gian này nhiều việc
thương phong bại đức, đâu có việc nào chẳng do nữ nhân mà ra.
Cho nên dù là
một chánh nhân quân tử hay dù là một cao tăng đạo đức đến độ nào, nếu nội tâm
chưa ly dục, một mai bị nữ nhân cột trói rồi, chánh nhân quân tử có thể thành
hư ngụy tiểu nhân, cao tăng đạo đức có thể thành phá giới tỳ kheo. Nữ nhân thế
đấy, không đáng ghê sợ hay sao?
Kinh Chánh Pháp
Niệm Xứ đối với vấn đề này lại càng kêu gọi thống thiết:
Thế gian nan đắc
khổ,
Giai do ư nữ
phụ.
Phi thiểu, phi
trung niên,
Mạc bất do thử
nhân.
Nữ nhân hoại thế
gian
Linh thiện tất
diệt tận.
Thiên trung đại
hệ phược,
Mạc quá ư nữ
sắc.
Nữ nhân phược
chư thiên,
Tương chí tam ác
đạo.
Dịch:
Đều do bởi nơi
phụ nữ,
Không luận thiếu
niên hay trung niên,
Không ai chẳng
do nguyên nhân này.
Nữ nhân phá hoại
thế gian,
Làm cho thiện
pháp tiêu diệt hết.
Triền phược lớn
nhất ở thiên giới.
Không có gì hơn
là nữ sắc,
Nữ nhân trói cột
hàng chư Thiên,
Dẫn dắt đi vào
tam ác đạo.
Tai hại của nữ
nhân là một thứ cực trọng, lời kinh dạy ở trên có thể nói đã thổ lộ tường tận.
Kinh Tạp A Hàm, quyển 36 cũng nói: “Nữ nhân phạm hạnh cấu, nữ tắc lụy thế gian”
(người nữ làm nhơ phạm hạnh, người nữ làm lụy thế gian).
Tất cả tội ác
tánh dục đều đem đổ cho nữ giới. Nếu nói nghiêm cẩn hơn, việc dâm dục đâu phải
là thứ nhu yếu đơn phương của nữ giới? Tất cả nam giới chưa ly dục, đối với vấn
đề này lại không phải là một thứ nhu cầu đồng như nữ giới hay sao? Tại sao
trong kinh phần nhiều chỉ chuyên quở trách nữ sắc?
Vấn đề này trong
bộ Phật Pháp Khái Luận của Ấn Thuận Luật Sư có nói: “Vì Phật pháp phần nhiều là
vì tỳ kheo mà Phật thuyết pháp, cho nên tánh dục đối với nam nữ, thiên trọng
quở trách nữ sắc”.
Lại nói tiếp:
“Kỳ thật, nếu Đức Phật vì nữ chúng thuyết pháp thì lại dạy là ‘nam nhân phạm
hạnh cấu, nam tắc lụy thế gian’.
Cả nam lẫn nữ
đối với vấn đề dâm dục này đều có tâm tiêm nhiễm đắm say. Nên bao nhiêu tội ác
có quan hệ đến tính dục, cả nam lẫn nữ phải cùng gánh trách nhiệm, không thể
hoàn toàn quy lỗi về cho nữ chúng một cách đơn phương”.
Vì thế cả nam
lẫn nữ, đối với sự sinh hoạt dâm dục đều phải tiết chế hoàn toàn, cho đến tuyệt
đối đoạn tuyệt, không nên túng tình phóng đãng.
Nếu dâm dục vô
độ, buông lung, chẳng những tự mình gặp nhiều việc khó khăn, lại phá hoại tín
tâm của người đối với mình, đồng thời gây ra việc hủy báng cho nhiều người. Dĩ
nhiên là tự mình bất lợi trước nhất.
Trên đây là nói
riêng về Phật tử tại gia, vì với kẻ xuất gia thì hoàn toàn đoạn tuyệt dâm dục
nên không đề cập. Cổ đức dạy: “Một người hành dâm có thể hủy hoại thế gian, cho
đến các chú thuật và việc hòa hợp các phương thuốc chế luyện cũng không thành.
Lại có thể hủy hoại tất cả giới hạnh, thiền định, giải thoát và tất cả thiện
căn xuất thế của tam thừa”.
Luận Du Già nói:
“
- Tợ lạc thật
khổ (tợ hồ vui nhưng thực sự là khổ): Nam nữ ở đời vì sao đều ưa thích việc ái
dục? Vì đều lầm cho ái dục là đại lạc của nhân sinh. Đối với Phật pháp, việc
nhiễm dục tợ hồ vui, nhưng sự thực là khổ não, hoàn toàn khổ chứ không
vui.
Giống như một
người mắc bệnh ghẻ ngứa hay lác. Lúc quá ngứa ngáy khó chịu, phải cào gãi không
ngớt thật là khổ não, nhưng người ấy cảm thấy khoái lạc, dễ chịu. Với người không
mắc bệnh, thấy kẻ ấy cào gãi, chẳng những không cho là vui, lại nhận là rất
khổ.
Cũng thế, người
đã ly dục thấy tính dục giữa nam nữ hoàn toàn khổ chứ chẳng vui. Sự khoái lạc
của dâm dục thực sự không phải vui, tính nó hoàn toàn hư ngụy. Nhưng nó có một
sức mạnh, có khả năng dối gạt, mê hoặc chúng sanh, khiến chúng sanh tự động
tiến vào ái dục như con phi nga (thiêu thân) gieo mình vào lửa, để rồi bị lửa
thiêu thân.
Đại Trí Độ Luận
nói: “Xưa kia có một dâm nữ đến trong miễu Thiên Thần hẹn hò với một nam nhân;
nhưng nam nhân ấy không đến. Dâm nữ không được toại ý, lửa dục bồng bột bèn đốt
cháy cả miễu Thiên Thần”. Như thế không lạ gì thế nhân bị lửa dục thiêu đốt, tất
cả đều không nghĩ tưởng đến sự tác hại, chỉ tìm cầu ái dục cho kỳ được, quyết không
thôi. Quả thật đó là lấy lửa tự thiêu đốt mình, không một chút gì tốt đẹp, cho
nên cổ đức nói:
Sĩ đao nhân chi
mật,
Tham độc hoa chi
sắc,
Tổn hại chư
chúng sanh
Thị ma chi ý
nguyện.
Dịch:
Liếm chút mật
trên dao bén,
Tham sắc đẹp của
hoa độc,
Làm tổn hại
chúng sanh,
Đấy là ý nguyện
của ma.
Sắc dục mới xem
qua dường như rất đẹp, nhưng đụng đến không được vì trong ấy có chất độc. Nếu
động đến nó, chắc chắn bị chất độc làm hại, có thể táng thân mất mạng, nên nói
tợ hồ vui nhưng thật sự là khổ.
- Tợ vị thật tai
(tợ hồ thú vị nhưng thật sự là tai nạn): Thông thường thế nhân đối với việc dâm
dục đều cảm thấy thú vị vô hạn. Một thứ tư vị rất nồng nàn. Nhưng trong Phật
pháp lại thấy dâm dục là một thứ rất nhiều tai hại, hoàn toàn không thú
vị.
Trong kinh nêu
một thí dụ: Những La Sát nữ lúc mới gặp người liền thân thiết vô cùng. Sau khi
đã thân cận với người, nó liền ăn tươi nuốt sống người ấy.
Như vậy thử hỏi
đối với người, La Sát nữ có thú vị gì? Là những kẻ oan gia đối đầu muốn đến hại
chúng ta, nên tỏ ra vô cùng thân thiết, thương mến chúng ta, để chúng ta không
đề phòng; đến lúc chúng ta lọt vào trong vòng của họ rồi, khi phát giác được
thì chúng ta đã bị họ làm hại rồi. Lúc bấy giờ, không có phương chi cứu vãn
được nữa...
Nên biết tai hại
của dâm dục như thế. Thường đối với những người có sức cám dỗ, mê hoặc, người
khác rất ưa thích vì thấy nơi đó thú vị vô cùng. Nhưng đến lúc người đã thật
tiêm nhiễm nó rồi thì tán thân hoại thể. Đây cũng chỉ là việc nhỏ. Việc lớn lao
là bị nó đoạn tuyệt Pháp Thân huệ mạng, chẳng những làm chướng ngại khiến người
không đến được cảnh an lạc Niết Bàn, lại còn chịu vô lượng sự thống khổ. Nên
kinh Bồ Tát Tạng, quyển 10, nói:
Tập cận dục
thời,
Vô ác bất
tạo;
Thọ bỉ quả
thời,
Vô khổ bất
thọ.
Dịch:
Trong khi gần ái
dục,
Không tội ác nào
chẳng tạo tác.
Đến khi thọ quả
báo của ái dục,
Không thống khổ
nào chẳng lãnh thọ.
Hay:
Trong khi ái dục
cận kề,
Bao nhiêu tội ác
chẳng nề tạo gây.
Đến khi quả báo
đã đầy,
Làm sao thoát
khỏi trùng vây khổ sầu.
Hoặc:
Ái hà dục
hải,
Phiêu nịch vô
ngạn,
Tứ sanh chi
ba,
Trường lưu bất
tuyệt,
Nhất thiết oán
hại,
Giai tùng dục
sanh.
Dịch:
Sông ái biển
dục,
Nổi chìm không
bờ,
Sóng lớp sanh
tử,
Chảy hoài chẳng
dứt,
Tất cả oán
hại,
Đều từ dục
sanh.
Hay:
Sông biển mênh
mông ái dục đầy,
Bến bờ chìm nổi
ngút chân mây,
Tử sinh lớp lớp
không ngừng nghỉ,
Oán hại đều nơi
ái dục này.
Chúng sanh ở
trong đêm dài sanh tử thường cảm thọ những nỗi thống khổ biệt ly, không phải
đều do dâm dục mà ra hay sao? Vì thế, nói dâm dục tựa hồ thú vị mà thật ra
nhiều tai nạn.
- Tợ tịnh thật
uế (tợ hồ sạch sẽ, nhưng thật sự ô uế): Nhục thân của chúng sanh tất cả đều
toàn là những thứ bất tịnh. Dù cho tắm hết nước trong bể cả cũng không thanh
tịnh được mảy may. Vì sanh mạng nhục thể là do bao nhiêu xương thịt hợp thành,
bên ngoài bọc một lớp da mỏng, bên trong là huyết nhục, đại tiện, tiểu tiện...
nhơ bẩn không kham nổi.
Nếu lột lớp da
mỏng ra thì thật hôi thối không thể chịu được. Còn ở các miền nhiệt đới, nếu
một ngày không tắm gội thì thân thể có mùi khó chịu vô cùng. Việc này ai cũng
biết, nhưng mọi người đều dễ bị lớp ngụy trang bên ngoài giả hiện dường như
thanh tịnh dối gạt, khiến những hạng tầm thường thích ưa nhục thể thối hôi, nhơ
bẩn này, tâm không chút nhàm chán. Đấy không phải là chúng sanh quá điên đảo là
gì?
Vấn đề này trong
kinh thường nêu thí dụ: như các con heo người đời nuôi dưỡng, suốt ngày đêm
chúng lăn lóc trong bùn sình, phẩn tiểu bất tịnh, nhìn thấy rất dơ bẩn. Nhưng
những con heo kia tâm chúng lại rất ưa thích, ở mãi trong ấy. Nếu có người muốn
dắt chúng ra, chúng lại không ưa thích. Nên có bài tụng này:
Nhục thân tuy
bất tịnh,
Tợ tịnh cuống
ngu phu.
Nhạo uế nhi vô
yểm,
Tợ trư nhạo ứ
uế.
Dịch:
Với nhục thân
này dù bất tịnh,
Tợ hồ thanh tịnh
gạt kẻ ngu,
Ưa thích nhơ bẩn
không biết chán,
Nào khác loài
heo thích bùn sình.
Nhất là nữ giới
vì muốn dối gạt, cám dỗ nam nhân nên trang điểm dung nhan, lại còn dùng nước
thơm thoa xức, khiến người ta sa vào lưới ái tình. Khi đã vướng vào lưới rồi,
thì không phương gì xé rách để thoát ly. Nên trong Đại Trí Độ Luận, tổ Long Thọ
nói:
Xảo sát nhân
ý,
Nữ nhân vi
trí.
Dịch:
Khôn khéo quan
sát tâm ý của người,
Ấy là mưu trí
của người nữ.
Ở lãnh vực này,
quả thật nữ giới có khả năng; nhưng nếu có thể quán thân bất tịnh, dù thấy mỹ
nhân dường như thiên nữ hay tiên nữ, cũng không bao giờ sanh khởi dục
niệm.
Đức Phật dạy: “Nếu
là một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát rồi, bất luận là tự dâm hay giáo nhơn dâm đều
vi phạm Luật Nghi Giới của Bồ Tát”.
Điều ấy lược
giải như sau:
* Tự dâm: tự
thân mình làm hạnh ô uế, tức sự giao cấu nam nữ, quyến luyến triền trược lẫn
nhau.
* Giới nhơn dâm:
bảo người làm hạnh ô uế, khiến sa vào lưới ái tình, không thể nào giải thoát.
Việc tự dâm và giáo nhơn dâm ở Đại Thừa và Tiểu Thừa giải thích có những điểm
bất đồng.
Thanh Văn thừa
cho rằng: tự dâm phạm căn bổn trọng tội mà thành nghiệp đạo. Theo pháp Bồ Tát
thì chẳng những tự dâm mà cả giáo nhơn dâm đều phạm căn bổn trọng tội mà thành nghiệp
đạo.
Vì vậy, Phật
giáo Đại Thừa quan niệm tự mình hay bảo người khác làm tội vẫn đồng nhau, không
có sự sai khác khinh - trọng. Vì Bồ Tát hành Bồ Tát hạnh, hóa độ chúng sanh, phải
đem pháp thanh tịnh dạy bảo, dẫn dắt chúng sanh, khiến chúng sanh đi trên con
đường thanh tịnh, mới là hợp đạo lý, đâu nên bảo người làm hạnh bất tịnh? Nếu
bảo người làm hạnh ô uế, khiến chúng sanh chìm đắm trong sông ái, dĩ nhiên phạm
giới luật nghi của Bồ Tát.
Câu “nãi chí
nhất thiết nữ nhân bất đắc cố dâm” là nói đối với tất cả phụ nữ, không luận
sang, hèn, già, trẻ, lớn, nhỏ; bất luận xấu, đẹp, thân, sơ, chủ yếu là nữ nhân
thì không được cố ý cùng họ hành dâm. Đối với hai chúng tại gia và xuất gia có
sự sai khác. Chúng xuất gia tuyệt đối cấm chỉ hành dâm. Chúng tại gia thì chỉ
được chánh dâm, không được tà dâm.
Trong bộ Thành
Phật Chi Đạo, Ấn Thuận Luật Sư thuyết minh:
“Nếu nam nữ đồng
ý được cha mẹ cùng người bảo hộ đồng ý, không trái với luật pháp quốc gia và
trải qua hôn lễ, kết thành phu phụ. Đây là chánh dâm, là yếu tố tổ hợp thành
tựu gia đình, là việc cần yếu để có con cháu nối giòng, là việc chánh đáng
không tội.
Trái lại, nam nữ
Phật tử tại gia dù hai bên đồng ý, mà trong Phật pháp cấm ngăn (lúc thọ Bát
Quan Trai Giới), hay luật pháp quốc gia không cho phép, hoặc thân nhân cùng
người bảo hộ không đồng ý, đều thuộc về tà dâm. Cần phải ngăn cấm! Việc ấy là
ác hạnh, phá hoại sự hòa vui trong gia đình, nhiễu loạn trật tự của xã
hội”.
Tiếp theo xin
giải thích câu “không được cố ý dâm dục”. Chữ “cố” không phải là trường hợp bị
sự cưỡng bức của kẻ bạo lực, cũng không phải vô tâm làm hạnh bất tịnh, mà là
hữu ý khởi tâm làm việc ấy. Nghĩa là sự hành dâm không phải do vô tình, lầm lỡ;
vì hữu ý dĩ nhiên không phải là lầm lỡ. Trường hợp gặp phải nạn duyên đặc biệt,
bị sự cưỡng bức của kẻ ác, tự mình không tự chủ được nên bị người làm hạnh
nhiễm ô. Trường hợp này không thể nói là “cố ý dâm dục”.
Nhưng cần phân
biệt là trong trường hợp bị cưỡng bức như thế, nếu nội tâm hoàn toàn không chút
ưa thích thì không phạm tội. Trong Luật dạy, khi bị người cưỡng bức mà không có
ý ưa thích là thế nào?
Là lúc ấy cảm
thấy như bị người dùng sắt nóng nung vào thân, không có một niệm ưa thích. Nếu
lúc ấy có một niệm ưa thích là phạm tội. “Có niệm ưa thích” là thế nào? Là như
đói được thức ăn, khát gặp nước uống. Cho nên trong Phật pháp, trường hợp bị
cưỡng bức này phân tách rất nghiêm cẩn, chu đáo.
Ở đây, có người
nêu lên một vấn đề để đàm luận: nước Ấn Độ có nói đến việc dùng bùa chú để dâm
dục, như trường hợp Ma Đăng Già nữ niệm chú Tiên Phạm thiên để nhiếp lấy A Nan
tôn giả. Tôn Giả nhờ vào sự cứu hộ của đức Phật mà giữ gìn giới thân được thanh
tịnh. Nhưng nếu Ma Đăng Già nữ nhiếp lấy chúng sanh khác thì không thể không
hoàn thành dâm sự. Tại sao trong kinh đây không cấm chế?
Phải biết dâm
dục tiến hành là ý muốn của song phương, không có gì trở ngại, nên đâu cần gì
phải dùng chú thuật mới thành tựu việc ưa thích? Nên trong kinh, đối với việc
dùng bùa chú dâm dục được bỏ qua, không nói đến.
Dâm dục sở dĩ
trở thành việc dâm dục không phải là việc đơn giản, cần phải hội đủ bốn điều
kiện: nhân, duyên, pháp, nghiệp mới thành tựu việc dâm dục. Bốn điều kiện ấy
lược giảng như sau:
- Dâm nhân (nhân
dâm dục): tập khí, chủng tử tham nhiễm dâm dục có sẵn trong tạng thức từ vô thỉ
trở lại. Do đó, hiện tại mới danh khởi tâm niệm dâm dục. Ấy gọi là dâm
nhân.
- Dâm duyên
(duyên dâm dục): sau khi sanh khởi một niệm dâm dục, tâm niệm ấy tương tục không
gián đoạn. Bấy giờ, đối với đối phương lưu tâm liếc ngó, đi theo gần gũi, dùng
nhiều cách cho thành việc gặp gỡ giữa nam nữ. Đấy gọi là dâm duyên.
- Dâm pháp (cách
thức dâm dục): khi hai bên tiếp cận nhau, có những thái độ luyến ái với nhau,
như má tựa, vai kề, lại tán thán thuật ái tình cùng với tác dụng, phương tiện, tư
cụ, pháp tắc... Đấy gọi là dâm pháp.
- Dâm nghiệp
(nghiệp dâm dục): do ba điều kiện nhân, duyên, pháp hòa hợp. Bấy giờ, tùy ý
khiến hai căn của đôi bên giao tiếp. Bất luận có xuất tinh hay không, chủ yếu
là sự tiếp xúc, tiến vào chừng như hạt mè để thành tựu việc dâm dục. Đấy là dâm
nghiệp.
Như giới sát
sanh, trộm cắp, việc hành dâm cũng đủ ba chướng:
- Sanh khởi một
tâm niệm ham muốn dâm dục là phiền não chướng.
- Thành tựu sự
ưa muốn của việc dâm dục là nghiệp chướng.
- Chiêu cảm lấy
quả khổ trong luân hồi sanh tử là báo chướng.
Như trước đã
nói, dâm dục là chánh nhân sanh tử, là cội gốc của luân hồi. Người tu học Phật
pháp, bất luận tại gia hay xuất gia, muốn thoát ly sanh tử luân hồi, điều kiện tối
yếu là cần phải đoạn trừ dâm dục. Nếu không đoạn trừ dâm dục thì ước muốn siêu
thoát luân hồi là chuyện vô hy vọng.
Nói một cách
nghiêm khắc hơn, chẳng những với nữ nhân trong nhân đạo, mà là đối với tất cả
giống nữ, không được sanh khởi nhiễm tâm cùng với họ hành hạnh bất tịnh, nên kinh
dạy: “Nãi chí súc sanh nữ, chư thiên nữ, quỷ thần nữ, cập phi đạo hành dâm”
(cho đến các loài cái, loài mái, thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành
dâm). Nếu có hành vi ấy đều là phạm trọng tội.
Việc hành dâm
giữa người và súc sanh cái tuy ít thấy, nhưng không phải là không có. Kinh Lăng
Già nói: Xưa kia có một vị quốc vương vào rừng săn bắn, ngựa sợ rong chạy vào
rừng sâu. Bấy giờ, quốc vương gặp một sư tử cái, bèn cùng với sư tử làm hạnh
bất tịnh, sau sanh ra con.
Theo trên, chứng
tỏ trên thế gian này đã từng có những việc như vậy. Vì muốn ngăn chặn nhân vi
tế dần đi đến sự thật, Đức Phật đặc biệt chế định điều này để tránh việc phi
pháp như vậy phát sanh.
Lại như chư
thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ, những nữ tử này vốn không phải là kẻ hành dâm của
thế nhân, chẳng qua có khi các nữ nhân ấy hóa hiện thân người, nên người đời
không biết là nữ của chư thiên và quỷ thần nên mới cùng họ sanh phát ái
nhiễm.
Tuy không phải
là việc thông thường, nhưng đều không được đối với thiên nữ, quỷ thần nữ hành
dâm. Với người thế tục, thông thường việc hành dâm chánh thức giữa nam nữ nơi
hai căn kết hợp, ấy là chánh dâm. Nếu về phi đạo hành dâm đều gọi là tà
dâm.
Kinh Thiện Sanh
nói: “Nếu ở phi thời, phi xứ, phi nữ, xử nữ, tha phụ, hoặc tự thân mình đều gọi
là hạnh tà dâm” vì những thứ hành dâm trên đây đều không thuận với đạo lý thế
gian, lại trái với tự nhiên tính, nên gọi là phi đạo.
Thế nào gọi là
phi thời?
Như hành dâm lúc
ban ngày, hoặc ngày lục trai trong mỗi tháng, ba tháng trường trai trong một
năm, hoặc thê thiếp trong khi có thai nghén hay sau thời gian sanh sản, hoặc
lúc con còn bú, lúc có kinh nguyệt... đều không phải là lúc hành dâm. Nếu hành
dâm tức phạm tà dâm.
Thế nào gọi là phi
xứ?
Ngoại trừ âm hộ
của nữ nhân, nếu ở đường đại tiện, trong miệng, cùng với những bộ phận khác
trên thân đều không phải là chỗ để hành dâm. Nếu hành dâm tức phạm tội tà
dâm.
Thế nào gọi là
phi nữ?
Là nam tử: người
hoàng môn, nhị căn đều không phải đối tượng hành dâm. Nếu hành dâm tức phạm tội
tà dâm.
Thế nào gọi là
xử nữ?
Là hoàng hoa
khuê nữ chưa gả cho người, cũng không phải thuộc về mình, dĩ nhiên không được
có những hành động không đúng đạo lý. Nếu xâm phạm tới các cô ấy tức phạm tà
dâm.
Thế nào gọi là
tha phụ?
Là hạng phụ nữ
đã có chồng, thuộc về chồng của người ấy. Đối với những phụ nữ này lại càng
không được có những điều phi lễ. Nếu đối với họ có chỗ ái nhiễm thì phạm giới
tà dâm.
Thế nào gọi là
tự thân?
Là hạng người có
thứ phiền não kỳ dị, bảo người khác làm hạnh bất tịnh ở trên thân mình, hoặc
đường đại tiện, hoặc trong miệng... Những việc này không hợp đạo, chúng ta
không nên làm theo vì tự thân họ ưa thích tiếp thọ những hành vi phi pháp này,
Trong trường hợp đó, cả hai đều phạm giới tà dâm.
Việc hành dâm
trong miệng, trong Đại Luật Tỳ Kheo có thuật một câu chuyện như sau: Vua A Xà
Thế sanh một hoàng tử tên Ưu Bà Di Bạt Đà. Khi mới sanh ra, dương vật của hoàng
tử sanh trùng rất ngứa ngáy, mà dùng bao nhiêu thuốc trị liệu cũng không hết.
Bấy giờ, người ẵm bồng hoàng tử thường dùng miệng ngậm dương vật hoàng tử, thì
sự ngứa ngáy dần dần bớt, nên bà bảo mẫu vẫn thường làm như vậy. Vì hơi nóng
trong miệng làm xuất tinh nên các thứ trùng đó theo tinh dịch ra ngoài mà được
lành bệnh. Việc đó thành thói quen, về sau hoàng tử cưới vợ thường bảo vợ ngậm
nam căn để cảm thọ sự khoái lạc. Người vợ quá tức giận, đang lúc lõa thể, trùm
mặt, chạy trốn về nhà. Việc trên loan truyền trong cung, lan đến nhân dân trong
nước, dân chúng nhiều người bắt chước làm theo. Vua A Xà Thế hạ lệnh cấm chỉ
nhân dân không được hành dâm trong miệng.
Là một vị Bồ
Tát, có đầy đủ trí huệ, phải khác hẳn với người ngu si vô trí thông thường.
Chẳng những không hành dâm với tất cả, lại còn phải xem tất cả nam tử là cha mình,
tất cả nữ nhân là mẹ mình, khởi tâm cung kính hiếu thuận không hết, làm thế nào
lại có những hành vi không chánh đáng? Nếu có, tức là trái nghịch với thiên lý,
tán thất bổn tánh của chính mình, làm não hại cha mẹ thì không còn tội nào lớn
hơn và đâu được gọi là hiếu thuận? Làm sao có tư cách gọi là Bồ Tát?
Bồ Tát không
được não hại chúng sanh mà phải cứu độ chúng sanh. Không phải chỉ khiến cho
chúng sanh thọ hưởng phước báo an vui cõi nhân thiên là đủ, mà cần phải thực
hành những điều thiện khiến cho chúng sanh đồng vào Vô Dư Niết Bàn, được diệt
độ, xa lìa gốc khổ sanh tử vĩnh viễn.
Muốn được vậy,
quyết phải đem pháp thanh tịnh khuyên dạy mọi người, dạy tu pháp quán bất tịnh,
dạy nghiêm trì giới hạnh, đoạn tuyệt ái căn dâm dục, cứu người ra khỏi sông ái
phiền não, mới là diệu dụng của đại sĩ, mới là có tâm từ bi giáo hóa dẫn dắt
chúng sanh.
Trong kinh Lăng
Nghiêm dạy: “Căn bổn do dâm dục mà bị luân hồi trong tam đồ ác đạo. Còn Niết
Bàn của Như Lai do đâu mà tu chứng? Cần phải cả thân, tâm, dâm cơ đều đoạn, mới
mong chứng đắc quả Vô Thượng Bồ Đề”, chính là ý này vậy.
Bồ Tát lấy việc
độ sanh làm trách nhiệm, nếu không đem pháp thanh tịnh khuyên dạy người, khởi
tâm từ bi giáo hóa dẫn dắt như đã nói trên, lại còn sanh khởi dâm niệm với mọi người,
khiến tánh thức bị hôn mê, hoang dâm vô độ, thậm chí hành dâm với cả súc sanh
lẫn cả với mẹ, con, chị, em... Đây là một tội ác to lớn biết dường nào!
Về lục thân thì
có lục thân của cha là chú, bác, anh, em, con, cháu; lục thân của mẹ là cô, dì,
chị, em, con, cháu. Trên thực tế, làm điều phi pháp trong lục thân thật ít có
và không thể được.
Nhưng ở đây,
Phật sở dĩ ngăn cấm là để đề phòng trước, vì sợ e thế gian có hạng người tà
kiến, cho là với thân nhân làm điều phi pháp thì không có tội như xâm phạm đến người
khác; cho nên Đức Phật đại từ đại bi đặc biệt răn dạy chúng ta việc ấy là điều
tối yếu, không thể hành động được.
Trong giới sát
sanh đã nói Bồ Tát lấy đại bi làm thể, vì có tâm đại bi mới có thể bạt trừ
những thống khổ phiền não sanh tử cho chúng sanh. Có tâm đại bi mới có thể ban an
vui Bồ Đề Niết Bàn cho chúng sanh.
Bồ Tát phải từng
giờ, từng phút khởi tâm đại từ bi như thế, vì chúng sanh giảng nói pháp môn ly
dục tịch tịnh Niết Bàn. Nếu không thực hành như vậy, trở lại sanh niệm dâm dục
với người, dùng dây luyến ái trói cột chúng sanh một cách chắc chắn trong bể
khổ sanh tử. Đấy chứng tỏ vị Bồ Tát này không có tâm từ bi với chúng sanh. Đã
không có tâm từ bi lại còn sanh khởi dâm niệm với tất cả mọi người, nên kinh
răn dạy: “Phật tử này phạm Ba La Di tội”, tức căn bản trọng tội không thể dung
thứ.
Từ trước đến
nay, trong kinh đều cho dân dục là cội gốc của sanh tử, việc này dĩ nhiên là
đúng. Nhưng sự thật dâm dục cũng không phải hoàn toàn là cội gốc của sanh tử.
Tại sao như vậy?
Vì có những
chúng sanh tuy không sinh hoạt trong việc dâm dục nhưng với sanh tử cũng không
giải quyết được. Như chư thiên cõi Sơ Thiền trở lên hoàn toàn không có dâm dục,
nhưng vẫn còn ở trong sanh tử luân hồi, không thoát ly tam giới, không được
giải thoát.
Như vậy thì ngũ
chúng xuất gia trong Phật pháp, tại sao lại phải cấm tuyệt?
Điều này trong
bộ Phật Pháp Khái Luận của Ấn Thuận Luật Sư có nói: “Sự lôi cuốn ràng buộc nam
nữ có sức mạnh đặc biệt. Trong xã hội, sự kết hợp nam nữ có nhiều điều thống
khổ không thể tránh khỏi. Thật là nhân duyên chướng đạo! Cho nên để thích hợp
với pháp xuất gia trong xã hội hiện tại, cần phải triệt để cấm tuyệt sự dâm dục
giữa nam nữ”.
Vì triệt để cấm
tuyệt, nếu gặp trường hợp vi phạm, tức là phạm căn bổn tánh tội. Phật tử tại
gia dù thọ Ngũ Giới hay Bồ Tát Giới, lúc thọ Bát Quan Trai Giới một ngày một
đêm nếu không đoạn trừ chánh dâm, đây là “giá tội”. Nên giới Dâm cũng có đủ
tánh tội và giá tội.
Có người cho
rằng nam nữ ở đời, pháp luật thế gian không cấm, nên chỉ những người thọ giới
của Phật mới gọi là phạm tội. Như thế đáng lẽ chỉ có giá tội chứ không có tánh
tội. Lời này hoàn toàn không đúng!
Pháp luật thế
gian không cấm việc vợ chồng chánh thức thông thường. Nếu gian dâm, phóng đãng,
phá hoại sự hòa vui trong gia đình người khác, đối với pháp luật thế gian, tội ấy
cũng không nhẹ. Vì thế giới dâm dục, thất chúng Bồ Tát đều cấm chế. Luật Đại,
Tiểu Thừa cũng đồng nhau. Và riêng chỉ có ngũ chúng xuất gia mới tuyệt đối
nghiêm cấm sự dâm dục, còn hai chúng tại gia dù chỉ cấm đoán tà dâm, nhưng về
lãnh vực chánh dâm với thê thiếp của mình cùng hành dâm phi thời, phi xứ, nếu
vi phạm, đều kết thành căn bổn trọng tội.
Trong giới dâm
này có đủ tam tụ tịnh giới:
- Không được cố
ý dâm dục, thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Đem pháp thanh
tịnh khuyên dạy người thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Cứu độ chúng
sanh thuộc về Nhiếp Chúng Sanh Giới.
Nếu không có tâm
từ bi, dùng dây ái nhiễm trói cột chúng sanh, tức là phạm Nhiếp Chúng Sanh
Giới. Cho nên nếu Bồ Tát phạm giới dâm, tức đã phạm Tam Tụ Tịnh Giới, mất hẳn
tư cách của Bồ Tát. Vì thế, nên phải giữ gìn thật nghiêm cẩn.
Giới dâm kết
thành tội nghiệp, không phải có đủ bốn duyên như nghiệp sát sanh, năm duyên như
nghiệp trộm cắp, chỉ cần 3 duyên là thành tựu tội trọng giới dâm, xin lược giải
như sau:
1) Dâm đạo: chỉ
3 đường đại tiện, tiểu tiện và miệng. Nếu với ba đường của nữ tử mà nhân,
thiên, tu la, quỷ thần, súc sanh hành dâm, tức là phạm căn bổn trọng tội.
- Nếu trong 2 đường
của người hoàng môn cho đến súc sanh hoàng môn mà hành dâm cũng phạm tội căn
bổn trọng tội.
- Nếu trong hai
đường của người nhị căn cho đến súc sanh nhị căn mà hành dâm cũng phạm căn bổn
trọng tội.
- Nếu nơi súc
sanh đã chết, thân chưa rục rã hư nát, ở nơi ba đường mà hành dâm cũng phạm căn
bổn trọng tội.
Nói chung là tất
cả chúng sanh trong lục thú, bất luận đường nào trong ba đường mà phát sanh
tánh hành dâm, tức phạm căn bổn trọng tội.
Đức Phật ngăn
cấm một cách nghiêm khắc vấn đề trong hai hoặc ba đường của các nam nữ hành
dâm, chính thật là có thâm ý từ bi của Ngài trong việc ngăn cấm này.
2) Dâm tâm: đây
là căn bổn phạm giới. Vì nếu không có một tâm niệm dâm dục này, tuyệt đối không
bao giờ hành dâm.
Trong Luật nói:
có một tỳ kheo đặc biệt dâm tâm rất nặng, không phương cách gì khống chế, nhưng
lại sợ phạm căn bổn giới, bất đắc dĩ phải cắt sanh thực khí mà vất bỏ. Đức Phật
biết việc này, quở trách thầy tỳ kheo ấy rằng: “Cái nên đoạn là dâm tâm mà ông
không đoạn, cái không nên đoạn, trở lại đi đoạn tuyệt, thật là ngu si”.
Đã có tâm niệm
dâm, trong lúc hành dâm, trong tâm sanh vô cùng ưa thích, khoái lạc như người
đói được ăn, khát gặp nước uống, ý cảm thấy thỏa mãn khoái lạc vô hạn. Nếu có
tâm lý này, đương nhiên không bị khó chịu như người dùng sắt nóng đâm vào tim,
đem tử thi hôi thối cột vào cổ, ăn nuốt đồ phẩn uế. Chỉ có cảm thọ sự khoái
lạc, không có một niệm cảm thọ sự khổ đau. Đấy chính là dâm tâm.
3) Sự toại: như
thế nào mới kể là hoàn thành dâm dục? Nói về nam giới, chỉ cần để nam căn vào
một trong ba đường của nữ tử chừng bằng hột hồ ma (mè), tức phạm căn bản trọng
tội, giới thể bị mất hẳn.
Nên trong Luật
dạy: “Thà để nam căn vào miệng rắn độc, không nên để vào trong ba đường của nữ
nhân vì rắn độc chẳng qua chỉ hại nhục thân mà thôi. Nhưng cùng với người nữ phát
sinh nhục dục, quyết có nguy hại cho pháp thân, huệ mạng. Sự tai hại này lớn
biết dường nào?”
Thế thì làm sao
mới không bị phạm căn bổn trọng tội?
Là khi nam căn
hướng về ba đường của nữ tử, khi chưa để vào, phải tức khắc cảnh giác, đình chỉ
ngay thì chỉ kết thành tội phương tiện.
Nói đi rồi phải
nói lại, nếu gặp trường hợp mình không có ý dâm dục, nhưng bị sự cưỡng bức của
kẻ oan gia, cừu địch. Trong lúc bị đối phương hành xử bức bách, không thể tự
chủ được, cảm thọ như bị người dùng sắt nóng nung vào thân, thực là đau khổ không
kham chịu được, không có chút lạc thú. Trường hợp này hoàn toàn không
phạm.
Hoặc trong lúc
ngủ mê, bị kẻ lãng mạn lừa dịp, mà tự mình không hay biết, cũng không phạm
tội.
Hoặc bị bệnh tâm
loạn mê cuồng.
Hoặc chuyển sanh
qua đời khác không tự nhớ biết. Dù có trải qua sự hành dâm, nhưng cũng không
phạm tội.
Để minh chứng
những trường hợp bị cưỡng hiếp mà không phạm tội, xin trích trong các bộ luật
Tiểu Thừa những dẫn chứng như sau:
* Trong luật
Thiện Kiến, quyển tám, nói: Ưu Bát La Hoa tỳ kheo ni đi khất thực bên ngoài,
lúc trở về mở cửa vào thất. Lúc ấy, trong thất có một nam bà la môn núp dưới
gầm giường. Vì tối không nhìn thấy, tỳ kheo ni tháo y nằm ngủ.
Bấy giờ, người
Bà La Môn từ dưới giường bò ra, phạm tỳ kheo ni; nhưng tỳ kheo ni này ái dục đã
hoàn toàn đoạn hết, nên trong lúc ấy như bị sắt nóng nung vào thân, nên không phạm
tội.
Người bà la môn
kia sau đó bỏ đi. Quả đại địa này dầu có khả năng mang nổi Tu Di Sơn vương nhưng
không thể mang nổi kẻ ác thân bảy thước (tức thước Tàu ngày xưa, không phải thước
Tây bây giờ). Thế nên bị quả đất nứt ra, tội nhân kia lập tức đọa A Tỳ địa
ngục. Đến địa ngục, tội nhân bị lửa dữ thiêu đốt như mành lưới bao phủ, vô
phương thoát khỏi.
Chư tỳ kheo biết
việc này, bạch lên Đức Phật. Đức Thế Tôn bảo rằng: “Ưu Bát La Hoa tỳ kheo ni vì
ái dục đã đoạn hết, lúc ấy không có một cảm niệm khoái lạc nên không phạm
tội”.
* Vì có một số
tỳ kheo ni ở một mình nơi chốn lan nhã tịch tịnh, hoặc tọa thiền một mình dưới
gốc đại thọ, dễ bị kẻ cường đồ xâm phạm. Thế nên đức Thế Tôn cấm các tỳ kheo ni
không được một mình ở chốn A Lan Nhã, hay ngồi dưới cội cây trong núi rừng hoặc
đồng trống. Việc này trong Luật Tứ Phần, quyển năm mươi lăm nói:
- Liên Hoa Sắc
tỳ kheo ni ngủ ngày không đóng cửa, bị kẻ giặc vào thất hành dâm rồi bỏ đi, ni
cô vì ngủ mê không hay biết. Khi thức dậy, thấy trên thân thể bất tịnh, sanh nghi
là phạm tội, bèn đem sự thật bạch lên Đức Phật. Ngài dạy: “Không phạm! Nhưng tỳ
kheo ni không nên ngủ ngày mà không đóng cửa”.
- Bấy giờ có Nan
Đà tỳ kheo ni ban ngày ngồi dưới một đại thọ cành lá sum sê đầy hoa trái, bị kẻ
giặc phạm dâm. Nan Đà tỳ kheo ni nghi mình phạm giới, bạch lên Phật. Ngài dạy:
“Này Nan Đà! Khi ấy ngươi có cảm thọ sự khoái lạc không?”
- Bạch
Thế Tôn! Khi ấy con như bị người dùng sắt nóng nung vào thân.
Phật dạy: -
Không phạm! Nhưng tỳ kheo ni không nên ở chỗ như vậy.
* Lại trong bộ
Ni Tỳ Nại Da nói: Liên Hoa Sắc tỳ kheo ni đã chứng quả A La Hán, ở trong rừng
vắng tọa thiền, có một bà la môn thấy nàng dung nhan đoan chánh, đẹp đẽ, phi
thường, bèn cầu xin cùng mình hoan lạc.
Tỳ kheo ni hỏi
rằng: - Này bà la môn tử! Thứ ác pháp nhơ bẩn ấy ta đã hoàn toàn xa lìa. Nhơn
giả đối với thân ta thấy có thú lạc chi mà sanh dục nhiễm?
Gã Bà-la-môn đáp
rằng: - Tôi rất yêu đôi mắt của thánh giả.
Tỳ kheo ni dùng
thần thông lấy tròng mắt của mình ra, để vào bàn tay bảo rằng: - Giờ đây nhơn
giả hãy xem kỹ cục thịt này có chỗ nào đẹp mà ưa thích!
Gã Bà-la-môn thấy
thế nổi giận nói rằng: -Nữ sa môn trọc khéo làm chuyện huyễn thuật. Đoạn đánh
lên đầu tỳ kheo ni, rồi bỏ đi.
Liên Hoa Sắc tỳ
kheo ni bạch lên Phật, Đức Phật dạy rằng: - Thí như một cục thịt vứt bỏ nơi ngã
tư, các phi điểu cầm thú đều bu lại. Nữ nhân cũng thế; nên từ nay chư tỳ kheo
ni không được ở chốn A Lan Nhã.
* Thời bấy giờ
các bí sô ni vào thành Thất La Phiệt, ngồi nơi ngã tư đường, bị các ác nam tử
và kẻ trộm cướp bức hiếp. Các tỳ kheo ni đem việc ấy bạch lên Phật, Ngài dạy:
“Nên ở trong chùa ni!”
Ngoài ra, còn có
những quả báo túc nghiệp bị cưỡng bức, không cảm thọ khoái lạc, mà chỉ có sự
đau khổ như bị dùi sắt nóng đâm vào thân thì không phạm. Như trường hợp Kim Sắc
Nữ tỳ kheo ni đã chứng quả La Hán, bị vương tử bức hiếp, khi bị nhục, cảm thấy
như bị sắt nóng nung vào thân. Sau đó, vận thần thông từ lầu các ở vương cung
bay về chùa ni nên không phạm.
Nếu lúc hôn mê
bất tỉnh, bị người cưỡng gian không hay biết thì không phạm. Nếu nửa tỉnh nửa
mê hoặc lúc thức bị cưỡng hiếp, không khởi niệm khoái lạc, lại buồn rầu, đau
khổ thì không phạm.
Còn một điều đặc
biệt cần nói thêm cho rõ là lúc ngủ mộng mị xuất tinh có phạm giới hay
không?
Điều này ở trong
luật Đại Thừa và Tiểu Thừa có điểm bất đồng:
- Luật Tiểu
Thừa: trong giấc mộng xuất tinh là hiện tượng tự nhiên của sinh lý, tối đa là
tự trách vọng tưởng của tâm mình là quá nhiều, chứ không thể nói việc ấy có
phạm giới.
- Luật Đại Thừa:
Nếu trong giấc mộng thấy tự làm việc dâm dục xuất tinh, thức dậy phải sanh tâm
cải hối mãnh liệt, quở trách, phiền não một cách nghiêm khắc, tại sao mình bị
lầm loạn, điên đảo như thế?
Ở đây thấy rõ,
so với giới Thanh Văn, giới Bồ Tát nghiêm trọng hơn, vì Thanh Văn cố giữ thân
thể không phạm, còn Bồ Tát lại nghiêm cẩn đi sâu vào nội tâm, nên trong giấc mộng
di tinh cũng không tránh khỏi lỗi lầm.
Kinh Ưu Bà Tắc
Giới nói: “Bồ Tát nghĩ tưởng chuỗi anh lạc trên thân của nữ nhân v.v... đều
phạm tội Ba La Di”.
Kinh Niết Bàn
nói: “Dù không cùng với nữ nhân giao cấu, chỉ xa nghe tiếng chuỗi anh lạc của
nữ tử ở ngoài vách tường, tâm sanh ái nhiễm, tức thành dâm dục phá giới!”
Ở đây có thể
thấy Bồ Tát giới xem trọng nội tâm biết dường nào!
Bất cứ phương
diện nào, trong Phật pháp đều xem giới dâm rất là quan trọng, quyết không thể
có chỗ vi phạm, mà đặc biệt là đối với Thanh Văn Tiểu Thừa lại càng xem
trọng.
Còn Đại Thừa Bồ
Tát có hai loại xuất gia và tại gia:
Hàng Bồ Tát tại
gia có khi vì hóa độ, dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường chánh của Phật pháp,
cũng có thể đặc biệt khai cho. Điều này trong bộ Phật Pháp Khái Luận của Ấn Thuận
Luật Sư có nói rõ: “Với sự luyến ái của dị tánh, nếu nhân việc này mà dẫn người
vào con đường chánh đáng, ly khai ác pháp, hướng về thiện pháp, trường hợp này
cũng không ngại gì dùng tâm bi mẫn, cùng với người ấy giao hợp theo ý muốn của
họ”. Tuy nhiên ở đây phải đặc biệt chú ý là theo lời Luật Sư, duy chỉ có hạng
Bồ Tát tại gia mới có thể khai cho. Còn Bồ Tát xuất gia, quyết không thể viện
theo cớ ấy mà hành động theo vọng tình. Tại sao vậy?
Trong Du Già Luận
nói: “Xuất gia Bồ Tát vị hộ Thanh Văn thánh giáo giới bất linh hoại diệt” (Bồ
Tát xuất gia vì hộ trì lời răn dạy của Phật trong Thanh Văn thừa, đối với giới
pháp, quyết không cho hoại diệt). Bất luận ở trường hợp nào, tất cả không được
phép làm việc phi phạm hạnh.
Nếu chân thật
đích xác vì tâm đại bi sai khiến, quyết cũng phải chánh thức xả giới xuất gia.
Sau khi hoàn tục mới có thể thỏa mãn ý nguyện của đối phương. Ngoài ra không được
viện lý do gì, vin theo cớ lợi sanh để làm việc phi phạm hạnh.
Hàng Bồ Tát tại
gia vì sao với giới tà dâm có thể thể hiện một ít phần?
Trong Du Già
Giới Bổn đối với trường hợp này có lời dạy rất hay: “Nếu ưu bà tắc tại gia thấy
có nữ tử chưa gả cho người, không có cha mẹ, thân thuộc, bằng hữu... nhiếp hộ;
vì không có người dạy bảo, dẫn dắt nữ tử ấy trôi trong giới phóng đãng, dâm
dật, nữ tử ấy đối với Bồ Tát ưu bà tắc khởi tâm ái nhiễm không chánh đáng, chỉ
hy vọng cùng với Bồ Tát làm việc dâm dục.
Tại gia Bồ Tát
thấy sự tình như thế, suy nghĩ như vầy: Nữ tử này không thuộc về người nào. Đối
với mình lại sanh tâm luyến ái khôn nguôi. Nếu mình không phương tiện làm thỏa
mãn sự mong muốn của cô, cô sẽ buồn rầu cuồng loạn, có thể đến tự sát. Thật là
việc mình không muốn thấy. Nếu mình phương tiện giúp cho cô thỏa mãn sở nguyện,
và cung cấp tất cả sự nhu dụng cho cô, rồi khuyến hóa, dẫn dắt cô ấy đối với
Tam Bảo sanh khởi tâm tín kính, khiến cho cô gieo trồng thiện căn sâu dày trong
Phật pháp và dạy bảo cô xa lìa tội ác, tập quán phóng đãng dâm dật, không còn
ưa thích với việc hành tà dâm. Như thế không phải là một đại thiện sự
sao?
Bồ Tát ưu bà tắc
suy nghĩ như thế rồi, an trụ trên tâm từ bi, cùng với nữ nhân kia làm việc phi
phạm hạnh. Dù tập theo pháp ô nhiễm như vậy, nhưng vì do tâm từ bi khiến cho nữ
tử ấy ra khỏi con đường bất thiện, đi vào con đường thiện pháp chánh đáng. Cho
nên trường hợp này đối với Bồ Tát giới chẳng những không vi phạm, lại còn được sanh
nhiều công đức”.
Trong kinh Thanh
Tịnh Tỳ Ni, đối với việc này cũng có nói một cách rõ rệt: Có trường hợp Bồ Tát
muốn giáo hóa những chúng sanh cần giáo hóa, bấy giờ trong tâm mục của Bồ Tát chỉ
biết có chúng sanh cần phải cứu độ, vốn không có ý niệm đem giới pháp để vào
trong tâm (ý nói vì muốn cứu độ chúng sanh nên không chấp nhặt vào giới pháp,
phải phương tiện chớ không có ý hủy giới pháp), miễn sao cứu độ được chúng
sanh. Dù cho đối với giới pháp tựa hồ không tương ứng, nhưng cuối cùng vẫn
thành tựu Thi Ba La Mật.
Đại Thừa Bồ Tát
lấy việc lợi tha làm nhiệm vụ duy nhất, chủ yếu là có lợi cho chúng sanh, không
phải vì mình đối với người ấy có tâm ái nhiễm. Trường hợp này không gọi là phạm
giới.
Không nên dâm
dục mà dâm dục, tâm ý buông theo dục lạc, nếu có nhân như vậy, sẽ mắc quả
báo.
Về chánh báo thì
nhất định phải bị đọa lạc trong tam ác đạo, chịu thống khổ rất nặng. Hoặc ở
trong địa ngục ôm cột đồng, nằm giường sắt, hoặc làm chúng sanh thì thành chim
uyên ương...
Về dư báo thì
thoát khỏi tam ác đạo, sanh ở nhân gian này thì cũng gặp người vợ không trinh
lương, gia đình xào xáo, quyến thuộc không hòa thuận...
Vì thế dâm dục
là nguồn gốc của mọi đau khổ, là gốc chướng đạo, nên đối với nó phải hết sức
răn dè, sợ sệt, không nên có chút xem thường. Muốn vậy chúng ta phải làm thế
nào?
Cổ đức có dạy:
“Hoặc tu quán pháp Bất Tịnh: quán thân này là một đãy da đựng các đồ dơ bẩn,
phẩn uế... hoặc quán kỹ dâm căn kia, thực chỉ là đường tiểu tiện, hoặc duyên
nơi ảnh tượng Phật, Bồ Tát, hoặc chuyên tâm thành ý niệm hồng danh A Di Đà
Phật, hoặc cung kính niệm danh hiệu Quán Tự Tại Bồ Tát, hoặc tụng kinh trì chú,
hoặc chuyên nghĩ nhớ đến giới thể của mình bẩm thọ, hoặc nhiếp niệm nơi tâm,
hoặc quán sự sanh diệt vô thường, hoặc quán tất cả pháp đều duy thức biến. Tùy
theo tâm đi đến chỗ nào đều phải cố gắng đối trị”.
Nếu như mặc tình
trôi theo dòng vọng tưởng ái dục, thì thật khó cứu vãn. Vì đắm say theo sắc dục
nam nữ, khác nào đắm say theo chút mật dính trên mũi dao bén và hoàn sắt nóng,
chỉ thuần khổ não không một chút vui sướng; chỉ có hại chứ không có lợi. Nên
từng giờ, từng phút đối với việc dâm dục phải luôn cảnh giác!