KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.41. VỊ LỢI TÁC SƯ GIỚI
(giới vì lợi mà
làm thầy)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử giáo hóa nhân khởi tín tâm...” cho đến câu “phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử
giáo hóa người sanh lòng tin tưởng pháp Đại Thừa hay Bồ Tát làm Pháp Sư giáo
giới cho người. Lúc ấy, có người muốn thọ giới Bồ Tát, nên bảo người ấy thỉnh cầu
đại sư Hòa Thượng và A Xà Lê, và phải hỏi người ấy có phạm tội thất nghịch
không? Nếu người ấy hiện đời có phạm tội thất nghịch, thời Pháp Sư không được cho
người ấy thọ giới. Nếu trường hợp không phạm tội thất nghịch thì cho thọ giới.
Nếu phạm một, hai hoặc ba... trong số mười giới Trọng thì bảo người ấy phải sám
hối trước tượng Phật và Bồ Tát. Ngày đêm sáu thời tụng giới Bồ Tát, tha thiết
đảnh lễ Tam Thế chư Phật, cho đến khi được thấy hảo tướng. Sám hối như thế
trong bảy ngày, mười bốn ngày, hăm mốt ngày, nhẫn đến trọn năm mãi đến chừng
nào thấy được hảo tướng. Sau đây là những trường hợp gọi là hảo tướng: thấy
Phật đến xoa đầu mình, thấy quang minh, thấy hoa báu v.v... và các thứ cảnh
tượng tốt lạ. Thấy được những hảo tướng ấy là triệu chứng tội đã tiêu diệt. Nếu
không được thấy hảo tướng, dù có sám hối cũng vô ích. Vì người này hiện đời
không thể nào đắc giới, nhưng được tăng sự lợi ích thọ giới.
Nếu là người
phạm một hay nhiều giới trong số bốn mươi tám giới khinh, đối trước Tam Bảo sám
hối thời đặng tiêu diệt tội lỗi, không phải như trường hợp thất nghịch.
Vị Pháp Sư giáo
giới phải hiểu rõ những pháp này. Nếu không hiểu kinh luật Đại Thừa, những giới
trọng, giới khinh, hành tướng hay chẳng phải hành tướng, không hiểu Đệ Nhất Nghĩa
Đế, tập chủng, trưởng dưỡng tánh, tánh chủng tánh, bất khả hoại tánh, đạo chủng
tánh, chánh pháp tánh, những quán hạnh đa thiểu xuất nhập trong các pháp đó và
mười chi thiền, tất cả pháp hạnh... nhất nhất đều không thông hiểu. Trong tình
trạng thiếu sự hiểu biết như thế, nhưng Phật tử vì tài lợi, vì danh tiếng cầu
việc sai quấy, cầu số lượng nhiều, tham tài lợi, vì danh tiếng cầu việc sai quấy,
cầu số lượng nhiều, tham đệ tử đông nên giả bộ mình là người hiểu biết tất cả
kinh luật để được nhận cúng dường. Đó là tự dối mình, dối người. Nếu cố làm
giới sư truyền giới cho người, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Chính mình
quả thật có chỗ nhận thức rõ ràng đối với kinh luật Đại Thừa, mà khi có người
đến cầu pháp bạn lại không chịu truyền trao, như thế đương nhiên là không được.
Còn tự mình thật không có tài đức, lại thích làm thầy người một cách miễn
cưỡng, cũng là điều không đúng.
Chúng ta hãy
nghĩ: Nếu những điều trì phạm trong kinh luật Đại Thừa dạy mà hoàn toàn không
thông suốt, thì vị hành giả làm sao có thể làm thầy cho người? Sự tu hành có
thành tựu mới có thể nói đến việc độ người. Còn quả thật mình không biết gì, mà
dám nói dối là hiểu biết tất cả thì chẳng những không ích lợi cho người, mà
chính mình cũng bất lợi. Đó là điều tuyệt đối không nên làm. Vì như thế sẽ làm
cho chánh pháp của Như Lai không được hoằng truyền chính xác.
Trải qua năm
tháng dài lâu, chánh pháp của Từ Phụ sẽ bị mai một. Hơn nữa, truyền trao giới
pháp sai lầm, người thọ giới không hiểu cứ tin đó là Bồ Tát đại giới, nên cứ y
theo đó mà thực hành. Họ không biết rằng thực hành như vậy là hoàn toàn phi
pháp và vô ý nghĩa. Thế là bạn đã sai lầm dẫn dắt chúng sanh khiến chúng sanh
không được đến nơi chân thật giải thoát. Trường hợp như vậy thử hỏi bạn có tội
hay không?
Vì tham cầu danh
lợi mà làm việc sai lầm như thế, tự mình trở lại phải bị hậu quả khốc hại. Nên
trong kinh Hư Không Tạng dạy: “Danh dự và lợi dưỡng là nguồn gốc các tội ác”. Thật
là lời vàng ngọc không sai mảy may.
Cổ đức cũng dạy:
“Tự mình thực không hiểu rõ, chỉ vì mong được tiếng khen mà lừa mình, lừa
người, tội không phải nhỏ. Dù rằng có thực hiểu biết, nhưng nếu vì mong được cúng
dường làm hại mình, hại người, lỗi không phải nhẹ. Như thế thực là không phải
tư cách hóa đạo chúng sanh và cũng là rất trái với hạnh tài thí, pháp
thí”.
Lời dạy trên có
giá trị vô cùng, nên những ai thích là thầy người, phải nên học thuộc và suy
nghĩ kỹ.
Giới này thuộc
về tội khinh cấu, nhưng có mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Căn cứ vào sự không hiểu
biết của bạn nhiều hay ít, chúng sanh được hóa độ thuộc về hạng lợi căn hay độn
căn, tham tâm của bạn lớn hay nhỏ, giới pháp đã truyền trao đủ hay không?
Nếu có sự hiểu
biết quá kém, chúng sanh được hóa độ là những người lợi căn, bạn có tham tâm
lớn, truyền giới đủ, thì bị kết tội nặng; bằng ngược lại thì tội nhẹ hơn.
Trường hợp học
vấn của mình tuy chưa thành tựu, nhưng có người đến thỉnh cầu giới pháp quá
khẩn thiết, nếu không phải vì tâm mong cầu lợi dưỡng mà truyền trao giới pháp
cho người thì không phạm tội.
Giới này cả Đại,
Tiểu Thừa đều phải vâng giữ, còn thất chúng Phật tử cốt yếu chỉ có 2 chúng tỳ
kheo và tỳ kheo ni là phải tuân giữ. Năm chúng kia vì không có nhiệm vụ truyền
trao giới pháp, nên không thuộc phạm vi của giới này.
Nếu đem phối hợp
với Tam Tụ Tịnh Giới thì có sự tương ứng như sau:
- Không vì danh
dự, lợi dưỡng thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Nhất nhất mọi
giới luật đều thông hiểu là Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Dạy người phát
tâm tin tưởng giới pháp Đại Thừa là Nhiếp Chúng Sanh Giới.
Đức Phật đối với
đại chúng dạy rằng: “Nếu là một Phật tử thọ Bồ Tát giới, lúc hành hạnh lợi
người, trước tiên phải nhận định tín tâm là căn bản tối yếu. Vì tín tâm là nền
tảng đi vào Phật pháp, là người đứng đầu để tiến lên thánh đạo, nên giáo hóa
người sanh lòng tin tưởng pháp Đại Thừa là điều cần yếu không thể thiếu được”.
Ở đây nói tín
tâm chính yếu là tin rằng tâm mình có thể làm Phật. Những người muốn thọ giới,
điều kiện trước tiên là phải tín tâm ấy. Khi đã phát tín tâm rồi thì muốn pháp lành
từ đó phát sanh, chúng sanh cũng từ đó mà có thể độ, Phật đạo cũng từ đó mà có
thể thành.
Phải biết rằng:
Chúng sanh dù bên trong sẵn có Phật tánh chủng tử, nhưng nếu không được gặp chư
Phật, Bồ Tát, cùng những lời dạy trong kinh luật và thiện tri thức dạy bảo, dẫn
dắt để phát khởi tín tâm, lại tự cho rằng chúng sanh tự nhiên có thể thành
Phật, thì nhất quyết không bao giờ có đạo lý ấy.
Thọ Bồ Tát giới
cùng tỳ kheo giới có điểm bất đồng:
- Giới tỳ kheo
thì ở trong tăng đoàn mà thọ, nên phải có thập sư hiện tiền, nếu không thì
không thể thọ giới.
- Giới Bồ Tát ở
trước thập phương chư Phật, Bồ Tát mà thọ.
Vì thế, vị Hòa
Thượng có nhiệm vụ tuyên giới chỉ tuyên đọc giáo giới, nghĩa là vị Hòa Thượng
vâng lời Phật dạy, tuyên đọc khoa nghi giáo giới cho hàng hậu học. Thế nên một
vị Bồ Tát làm Pháp Sư giáo giới cho người, nếu lúc thấy có người muốn thọ giới
Bồ Tát, trước tiên nên bảo người ấy thỉnh hai Đại Sư, tức là cung thỉnh Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật làm Hòa Thượng Bổn Sư đắc giới, thỉnh Nhất Sanh Bổ Xứ Di
Lặc Bồ Tát làm giáo thọ A Xà Lê.
Tại sao không
thỉnh Yết Ma và tôn chứng?
Vì Bổn Sư Thích
Ca là Phật hiện tại, Di Lặc Bồ Tát là Phật tương lai, tượng trưng hiện tiền thọ
Bồ Tát giới là nhân, tương lai thành Phật là quả. Nhân quả đầy đủ nên Yết Ma và
Tôn Chứng giảm bớt, không cần thỉnh.
Lúc làm lễ
truyền giới ở trước hình tượng Phật, Bồ Tát truyền trao giới pháp cho người thọ
giới, vị Pháp Sư giáo giới nên ngồi một bên, không được ngồi quay lưng vào
tượng Phật, Bồ Tát. Tất cả mọi người đều cần phải đúng như pháp, không được
trái với thánh giáo của Như Lai, để tránh cho người thọ giới trọn đời không đắc
giới.
Vị Hòa Thượng
truyền giới đã dạy người thọ giới lễ thỉnh hai Đại Sư trước rồi, kế tiếp phải ở
trước hai Đại Sư, hỏi người thọ giới rằng: “Người có phạm tội thất giá không?”
Ở đây nói tội
Thất Giá là tội Thất Nghịch trong giới trước đã nói.
Nhưng vì sao gọi
là Giá Tội?
Vì tội này làm
chướng ngại thánh đạo không thể phát sanh nên gọi là Giá, và vì tội ác này
nghịch với bổn nguyên tâm địa nên gọi là Nghịch. Nếu người thọ giới ấy hiện đời
có tội Thất Giá thì vị Bồ Tát làm Pháp Sư giáo giới không nên cho người ấy thọ
Bồ Tát đại giới. Nếu người ấy hiện đời không có tội Thất Giá thì vị Pháp Sư
giáo giới được quyền cho người ấy thọ Bồ Tát đại giới.
Nếu có người đã
thọ Bồ Tát đại giới này, nhưng về sau hủy phạm mười giới trọng thì phải làm
sao?
Ở đây nói “phạm
mười giới trọng” không phải là phạm tất cả mà là phạm một số trong mười giới
vậy. Tuy phạm trọng giới, nhưng Đức Phật đại từ bi, không nỡ để cho chúng sanh
phạm giới kia, vì việc phạm giới này mà phải bị luân trầm, nên Ngài đặc biệt
khai ra một pháp môn phương tiện, nghĩa là phải bảo người phạm trọng giới ấy
thành tâm sám hối để được tiêu trừ trọng tội đã phạm.
Nếu không ân cần
khẩn thiết sám hối thì do những tội nghiệp đã gây ra, sau khi xả báo thân, chắc
chắn phải bị đọa tam đồ muôn kiếp, không có thời kỳ nào được thoát khỏi.
Về việc sám hối
phải làm thế nào?
Phải ở trước
hình tượng Phật, đúng theo pháp mà sám hối. Sám hối không phải chỉ thực hành
một lần là đủ, mà phải mỗi ngày đêm sáu thời, dùng tâm chí thành khẩn thiết,
tụng mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh này. Phải biết rõ giới của mình
đã phạm và tướng tội của nó, phải sanh tâm thật hổ thẹn và ân cần sám hối, mong
mau được khôi phục giới thể thanh tịnh.
Ngoài việc tụng
giới còn phải tha thiết đảnh lễ tam thế thiên Phật. Tam thế thiên Phật nghĩa là
ba đời đều có một ngàn Đức Phật. Cử chỉ tha thiết là hình ảnh người Phật trong lúc
lạy Phật, vì trót đã phạm giới, hết sức thành khẩn chí thiết, dường như cứu lửa
cháy đầu, như non Thái Sơn sụp đổ, gieo năm vóc xuống đất, xưng niệm hồng danh
chư Phật, nghĩ nhớ bao nhiêu thống khổ của tội nhân trong địa ngục, phát Bồ Đề
tâm mong cầu được thấy hảo tướng.
Sám hối đỉnh lễ
chư Phật như vậy, nếu trong bảy ngày không thấy được hảo tướng thì phải tiếp
tục sám hối mười bốn ngày, hai mươi mốt ngày. Nếu vẫn không được thấy hảo tướng
thì phải tiếp tục sám hối nhẫn đến trọn năm.
Nói “hảo tướng”
là chỉ cho điều gì?
Là trong lúc
tụng giới, hoặc trong khi lễ Phật, hay lúc tọa thiền, hoặc trong giấc mơ thấy
Phật đến xoa đầu mình, hoặc thấy quang minh chiếu soi trên thân mình, hoặc thấy
hoa báu rải khắp tịnh địa, cùng thấy những cảnh tượng tốt lạ khác.
Khi được thấy
những hảo tướng nói trên thì chứng biết tội phạm trọng giới đã được tiêu diệt.
Tội đã được trừ diệt thì giới thể xa lìa các sự ngăn che, mới được trở lại
thanh tịnh.
Trong lúc trường
kỳ lễ Phật tụng giới, nếu không được thấy hảo tướng hiện tiền thì tội trọng đã
phạm chưa tiêu diệt. Do đó, giới thể sẵn có chưa khôi phục, tất cả thiện giới
cũng không sanh, nên dù có sám hối vẫn vô ích. Vì thế người này hiện đời cũng
không thể đắc giới.
Tuy nói “vẫn vô
ích”, nhưng thực ra không phải hoàn toàn không lợi ích, hoặc vĩnh viễn không
được lợi ích, nhưng được tăng ích lợi thọ giới. Nghĩa là hiện tại dù không đắc giới,
nhưng nhờ công đức lễ Phật sám hối, có thể tăng trưởng sự lợi ích đắc giới cho
tương lai. Cốt yếu là tâm sám hối này không ngừng nghỉ, mãi tiếp tục ân cần tha
thiết, niệm niệm nối luôn. Sám hối đã trải qua ba năm, năm năm, cho đến tám
năm, mười năm một khi được thấy hảo tướng thì liền được đắc giới.
Thấy được hảo
tướng là triệu chứng diệt tội, nhưng chớ nên sanh tâm chấp trước hảo tướng. Vì
nếu có tâm chấp trước thì chẳng những tội phạm giới khó diệt trừ, lại còn bị ma
thừa dịp phá rối. Như thế thật vô cùng bất lợi cho mình.
Vì thế khi chưa
thấy hảo tướng, phải hết lòng mong cầu được thấy. Nhưng khi được thấy rồi,
không nên sanh tâm chấp trước.
Người đã thọ Bồ
Tát đại giới, nếu không phạm mười giới trọng mà chỉ phạm bốn mươi tám giới
khinh thì phải giải quyết bằng cách nào?
Điều này chỉ cần
bảo người ấy đối thú sám hối. Nghĩa là đối trước mặt một vị Bồ Tát tỳ kheo
thanh tịnh mà tự thú tội lỗi của mình, phát lồ sám hối, từ đó trở đi thề không
trái phạm thì tội ấy liền được tiêu diệt, không giống trường hợp phạm tội trọng
Thất Giá, phải thấy hảo tướng thì tội mới được trừ diệt.
Điều rất quan
trọng là vị Pháp Sư giáo giới, đối với những pháp này thuận cho người sám hối
hay không sám hối, có thể đắc giới hay không đắc giới v.v... nhất nhất cần phải
hiểu rõ mới có thể làm sư phạm cho người.
Ở đây nói “khéo
hiểu rõ nghĩa” là phải khéo léo vì người phạm tội giảng giải chi tiết pháp thức
sám hối, tuyệt đối không được giảng qua loa, lấy lệ, để cho người phạm tội
không bị rơi vào trường hợp không biết phải sám hối như thế nào. Vị Bồ Tát làm
Pháp Sư giáo giới cho người nếu không hiểu kinh luật Đại Thừa, các giới khinh,
giới trọng, phải là hành tướng hay không phải là hành tướng, thì điều đó nhất
quyết là không thể được.
“Tướng khinh” là
chỉ cho tướng trạng của giới khinh. Nếu có vi phạm thì đối thú sám hối liền
được thanh tịnh.
“Tướng trọng” là
chỉ tướng trạng của giới trọng. Nếu đã vi phạm cần phải sám hối cho thấy hảo
tướng thì tội lỗi mới được diệt trừ.
Làm một vị Pháp
Sư giáo giới cho người, với những việc ấy cần phải phân biệt cho rành rẽ. Không
được lẫn lộn cho khinh là trọng, trọng là khinh. Lại cũng không được lầm lẫn
phải cho là không phải, không phải cho là phải, để đến nỗi dẫn dắt hành giả một
cách sai lầm.
Vị Pháp Sư giáo
giới đối với bốn điều khinh, trọng, phải, không phải nói trên, phải biệt biện
phân tích cho rõ ràng, không được lộn xộn. Đấy gọi là “khéo hiểu danh tướng của
giới pháp”. Nếu tội khinh cho là trọng, tội trọng cho là khinh, hoặc phạm nói
không phạm, không phạm nói phạm thì không thể giúp cho người quyết nghi tiêu
tội, làm cho thân tâm hành giả không được thanh tịnh, lỗi ấy không phải
nhẹ!
“Không hiểu Đệ
Nhất Nghĩa Đế” như trong bộ Bồ Tát Giới Sơ Tân, quyển tám, thuyết minh: “Tâm
địa đại giới này bản thể của nó vắng lặng, chẳng phải trọng, chẳng phải khinh, nhưng
khinh, trọng vẫn rõ ràng. Tánh của nó rỗng sáng, không phải là phải, không phải
là chẳng phải, nhưng phải và chẳng phải vẫn rõ ràng, vượt ra ngoài hai thế đối
đãi có không mà vẫn song dẫn, song chiếu, hiển bày rõ ràng lý Trung Đạo, dứt
hẳn sự nghĩ bàn. Cho nên gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế. Đây gọi là khéo hiểu nghĩa lý
của giới (song dẫn là chỉ cho tự thể của bổn nguyên tâm địa bặt dứt sự có
không. Song chiếu là chỉ cho sự diệu dụng của bổn nguyên tâm địa có không đều
rõ ràng).
Trong Trí Độ
Luận nói:
“Thế nào gọi là
Cụ Túc Giới?
Là Bồ Tát hộ trì
Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế giới, dùng trí huệ Trung Đạo mà vào khắp các pháp,
thì không giới nào chẳng đủ, nên gọi là Cụ Túc Giới.
Thế nên vị Pháp
Sư làm thầy truyền giới, chẳng những cần hiểu rõ về giới tướng, lại còn phải
hiểu rõ lý Đệ Nhất Nghĩa Đế. Vì nếu không hiểu rõ giới tướng, thì đối với vấn
đề Trì, Phạm, lại càng mù mờ, không biết thế nào là Trì, thế nào là Phạm. Nếu
không hiểu rõ lý Đệ Nhất Nghĩa Đế thì không thể hội được Bổn Nguyên Tâm Địa,
chỉ có thể phân biệt được các tướng bên ngoài, chứ không thể nào chứng được Đệ
Nhất Nghĩa Đế.
“Tập chủng tánh”
là chỉ cho địa vị Thập Trụ, tức là Thập Phát Thú Tâm ở trước đã nói. Địa vị này
lúc đầu từ Thập Tín mà thú hướng tu tập Chơn Đế lý. Do tu pháp Không Quán mà
trí huệ được phát khai thành Nhất Thiết Trí, chứng ngôi vị Bất Thối, nên gọi là
Trụ.
“Trưởng dưỡng tánh”
cùng với Tánh Chủng Tánh chỉ cho Thập Hạnh, tức là Thập Trưởng Dưỡng Tâm. Địa
vị này từ Chân Đế mà vào Tục Đế, để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, tiến tu
pháp Giả Quán, phân biệt chủng tánh sai khác của chúng sanh trong thập pháp
giới, trưởng dưỡng Thánh Thai, thấy lý Tục Đế, pháp nhãn phát khai, thành Đạo
Chủng Trí. Do địa vị Thập Trụ ở trước mà được ngộ lý Chân Đế. Từ đây tinh tiến,
thú hướng tu hành cho nên gọi là Hạnh.
“Bất khả hoại
tánh” cùng với “đạo chủng tánh” chỉ cho Thập Hồi Hướng tức là Thập Kim Cương
Tâm ở trước đã giảng. Ở trong địa vị này, tu pháp quán Trung Đạo, nhậm vận thi
thiết, vô công dụng đạo (câu này ý nói sự tu tập của Bồ Tát ở địa vị Thập Hồi
Hướng không cần phải dụng công phu. Việc này không thể dùng phàm trí suy tư
được. Ở đây chỉ tạm dùng thí dụ sự tu tập dụng công và không dụng công như
người đánh máy chữ, hay đi xe đạp, lúc mới tập thì lưu ý dụng công, khi đã
thuần thục thì không cần dụng công). Hạnh nguyện, sự lý đều dung thông, lưu
nhập trong pháp giới, đem sự tu hướng về lý tánh, cho nên gọi là Hồi
Hướng.
Nhưng tại sao
gọi là Bất Khả Hoại Tánh và Đạo Chủng Tánh?
Vì tu hành đến
trình độ này, tánh cứng rắn như kim cương nên gọi là Bất Khả Hoại. Đầu tiên từ
trong Chánh Tu nên gọi là Đạo, về sau có thể phát sanh Phật quả nên gọi là
Chủng.
Chánh Pháp Tánh
cũng gọi là Thánh Chủng Tánh, còn gọi là Chánh Giác Tánh. Là chỉ cho địa vị Bồ
Tát Thập Địa, Đẳng Giác Đại Sĩ, cùng với quả vị Diệu Giác. Nghĩa là từ Sơ Địa
trở đi, tu pháp quán Trung Đạo, dùng trí để đoạn nghi hoặc. Mỗi một địa phá một
phần vô minh. Đến Kim Cương Vị trở về sau, đoạn trừ hẳn vô minh, tức được thành
Phật.
Vị Bồ Tát làm
Pháp Sư truyền trao giới pháp, đối với sáu tánh trên cần phải hiểu rõ. Nếu
không hiểu sự khác nhau của sáu tánh ấy thì không thể nào chỉ bảo, dẫn dắt cho hàng
tân học Bồ Tát tiến tu.
Hiểu rõ sáu tánh
trên, điều tối yếu là phải hiểu rõ những “quán hạnh đa thiểu, xuất nhập của các
pháp ấy”. Như ở Tập Chủng Tánh thì tu Không Quán vẫn còn ít. Đến Trưởng Dưỡng
Tánh mới tu Không Quán nhiều. Ở Tánh Chủng Tánh, tu Giả Quán còn ít. Đến Bất
Khả Hoại Tánh mới tu pháp Giả Quán nhiều. Ở Đạo Chủng Tánh tu pháp Trung Quán
vẫn còn ít. Đến Chánh Pháp Tánh mới tu pháp quán Trung Đạo nhiều.
Lại có chỗ giải
thích rằng: Trong Thập Địa, từ Sơ Địa đến Tứ Địa, tu pháp quán Vô Tướng ít, Hữu
Tướng nhiều. Từ Ngũ Địa đến Thất Địa thì tu pháp quán Hữu Tướng ít, quán Vô
Tướng nhiều. Từ Bát Địa đến Đẳng Giác, thuần tu Vô Tướng quán. Đến quả vị Diệu
Giác tức là Nhất Thiết Trí Quán. Về sự tu thập quán hạnh có sự bất đồng ít
nhiều như thế.
Kinh văn nói
“xuất nhập” nghĩa là xuất định và nhập định vậy.
“Mười chi thiền”
là mười chi thuộc trong pháp Tứ Thiền gồm:
* Pháp Sơ Thiền:
- Giác
chi.
- Quán
chi.
- Hỷ chi.
- Lạc chi.
- Nhất tâm
chi.
* Pháp Nhị
Thiền:
- Nội tịnh
chi.
* Pháp Tam
Thiền:
- Xả chi.
- Niệm
chi.
- Huệ chi.
* Pháp Tứ
Thiền
- Bất khổ bất
lạc chi.
Mười pháp trên
là pháp dụng trong lúc tu Thiền Quán, nên gọi là mười chi Thiền.
Tứ Thiền dù là
Thiền Định thế gian, nhưng nương đó mà vào giai cấp địa vị Hiền Thánh. Nên một
vị Bồ Tát làm Pháp Sư truyền giới, đối với mười chi Thiền ấy, cần phải có chỗ
nhận thức để chỉ dạy dẫn dắt cho hàng tân học Bồ Tát.
“Tất cả pháp
hạnh” là tổng kết tất cả pháp môn tiến tu công hạnh đã nói trước. Một vị Bồ Tát
làm thầy truyền giới pháp, theo đúng lý mà nói, phải có bổn phận hiểu rõ tất cả
pháp môn quán hạnh này.
Nếu với pháp
tiến tu thậm thâm vi diệu này, mỗi mỗi đều không thông hiểu, tức là không hiểu
rõ nghĩa thú trong các pháp ấy, thì nên sanh lòng hổ thẹn không hết, sao lại
còn dám đi làm sư phạm cho người?
Nếu nói về công
hạnh tự lợi thì với hạnh tự lợi còn làm không xong, thì làm sao nói đến việc
lợi tha? Nếu không hiểu mà miễn cưỡng đi làm việc lợi tha, chẳng khác nào một người
mù dẫn một đoàn người mù, chỉ dắt nhau đi vào hầm lửa mà thôi.
Nhưng nếu làm
một vị Bồ Tát vì tài lợi, danh tiếng, không chịu y theo giới luật tu hành để
thọ sự cúng dường của đàn việt. Trái lại, chỉ cầu quấy, cầu nhiều, tham đệ tử đông,
trong lúc chính mình không hiểu tất cả kinh luật, mà lại giả bộ thông
hiểu.
Thử tìm xét kỹ
nguyên nhân giả dối đó là do đâu?
Chính là do ý
muốn được cúng dường. Người làm như vậy chính là tự dối mình và cũng là khinh
dối người khác. Thế nên người làm giới sư truyền giới cho người, nếu cố làm như
vậy đương nhiên phải phạm khinh cấu tội.
Trong kinh Phật
thường răn dạy các đệ tử rằng: “Tỳ kheo các ông phải nghiêm trì giới pháp thanh
tịnh, không nên tham cầu lợi dưỡng. Đối với người, các ông nói pháp như thế nào
thì phải thực hành như thế ấy”. Người thực hành được như thế mới được Đức Phật
cho phép thuyết pháp. Ngược lại, nếu có tâm mong cầu lợi dưỡng, muốn làm thầy người,
chẳng những không thể làm sư phạm cho người, mà chính mình cũng không thể hộ
trì giới hạnh được thanh tịnh vậy”.