Lê Sỹ Minh Tùng
PHẦN II
Sau phần phân tích tỉ mỉ từng câu của Tâm Kinh ở trên. Bây giờ bộ kinh ngắn nhất của Đại thừa Phật giáo là Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh có thể được dịch lại một lần nữa để chúng ta dễ dàng cảm nhận:
Sau khi đi sâu vào Trí tuệ Bát Nhã rồi, Ngài Quán Tự Tại thấy các Pháp đều là Không (Bát Nhã), nên không còn các khổ.
Ngài gọi ông Xá Lợi Phất dạy rằng:”Này Xá Lợi Phất! Các Pháp chẳng khác với Không (Bát Nhã), Không chẳng khác các Pháp; các Pháp tức là Không (Bát Nhã), Không tức là các Pháp.
Này Xá Lợi Phất! Tướng Không (Bát Nhã) là tánh của các Pháp. Nó không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
Bởi thế nên trong tướng Không (Bát Nhã), không có các Pháp thế gian như: Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), Sáu căn (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý), Sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), Sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức).
Và trong Bát Nhã, cũng không có các Pháp xuất thế gian như: Tứ diệu đế (khổ, tập, diệt, đạo), Mười hai Nhân Duyên (không có vô minh và vô minh tận; không có lão tử và lão tử tận); không có “trí” tu chứng và đạo quả để chứng (đắc). Tóm lại, trong Bát Nhã không có cái gì cả.
Các vị Bồ tát nhờ y theo Trí tuệ Bát Nhã (Tướng Không) mà xa lìa được các mộng tưởng điên đảo, nên tâm không còn ngăn ngại, lo sợ và chứng được đạo quả Niết bàn.
Các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều y theo trí tuệ Bát Nhã (Tướng Không) mà đạt được đạo quả vô thượng Bồ-đề.
Vì
trí tuệ Bát Nhã có khả năng diệt trừ hết các khổ, chắc
chắn như vậy không hư dối, nên cũng gọi là Thần chú Bát
Nhã, cũng gọi là chú Đại thần, chú Đại minh, chú Vô thượng
và chú Vô đẳng đẳng.
Ngài
Quán Tự Tại Bồ tát liền nói Thần chú Bát Nhã:
“Đi
qua, đi qua, qua đến bờ bên kia, mọi người đồng qua đến
bờ bên kia, nguyện sự giác ngộ chóng trọn thành”.