Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Kinh Kim Cương Phạn Bản Tân Dịch

09 Tháng Mười Hai 201809:03(Xem: 11826)
Kinh Kim Cương Phạn Bản Tân Dịch
KINH KIM CƯƠNG PHẠN BẢN TÂN DỊCH
[KINH TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT TOÀN HẢO
CÓ KHẢ NĂNG PHÁ HỦY NHƯ SẤM SÉT]

vajracchedikāprajñāpāramitā|
/Vajracchedikā nāma triśatikā prajñāpāramitā

Phước Nguyên dịch từ nguyên bản Sanskrit

ấn bản điện tử: 22/11/2018

blank

Kính lễ đức Śākya-muni Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác.

Kính lễ Thế Tôn, bậc Thánh Trí toàn hảo.

Tôi nghe như vậy:

Một thời, đức Thế Tôn trú tại thành phố Śrāvastī (Xá-vệ), nơi rừng cây Jeta (Kì-đà), vườn của Ông Anāthapiṇḍada (Cấp-cô-độc), với đại Bí-sô Tăng, hiện diện gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị Bí-sô, và cùng rất nhiều vị Bồ-tát Đại sĩ.

Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, đức Thế Tôn chỉnh sửa thường phục, choàng y Tăng-già-lê, ôm bình bát đi vào thành phố Śrāvastī để khất thực.

Khi đó, đức Thế Tôn tại thành phố Śrāvastī, sau khi đã tuần tự khất thực rồi, ngài soạn bữa với thực phẩm đã khất thực được, dùng cơm xong, liền quay trở về, cất đặt y bát, rửa hai chân, ngồi vào chỗ đã sắp sẵn như thường lệ, với tư thế kiết già, giữ thân ngay thẳng, dựng niệm trước mặt.

Lúc ấy, rất nhiều vị Bí-sô đi đến trước chỗ đức Thế Tôn ngồi, đầu lạy xuống sát hai chân ngài, rồi đi nhiễu quanh ba vòng về phía bên phải và ngồi xuống một bên Thế Tôn.

2. Lại nữa, vào thời điểm ấy, Trưởng lão Subhūti cũng đã có mặt ở trong hội chúng đó và cùng ngồi xuống.  

Rồi thì, Trưởng lão Subhūti, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt thượng y qua một bên vai, đầu gối chân phải quỳ xuống chấm đất, ngài chắp hai tay lại, cung kính hướng đến đức Thế Tôn, bạch rằng:

“Thật tuyệt diệu thay, bạch đức Thế Tôn!

Thật vô cùng tuyệt diệu thay, bạch đức Thiện Thệ!

Có bao nhiêu các vị Bồ-tát Đại sĩ cũng được Như Lai, A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác, nhiếp thọ, với sự nhiếp thọ ưu việt nhất!

Thật tuyệt vời thay, bạch đức Thế Tôn! Có bao nhiêu vị Bồ-tát Đại sĩ cũng được Như Lai, A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác nâng đỡ, với sự nâng đỡ ưu việt nhất!

Bạch đức Thế Tôn! Nếu có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào, đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, thì họ phải an trú như thế nào? Phải tu tập như thế nào? Và phải nhiếp hộ tâm như thế nào?

Đức Thế Tôn, liền dạy Trưởng lão Subhūti:

“Tốt lắm, tốt lắm, này Subhūti! Điều ấy đúng như thế, điều ấy quả đúng như thế, này Subhūti! Điều ấy, đúng như lời ông nói.

Các vị Bồ-tát Đại sĩ, đã được nhiếp thọ, với sự nhiếp thọ ưu việt nhất; các vị Bồ-tát Đại sĩ đã được nâng đỡ, với sự nâng đỡ ưu việt nhất.

Này Subhūti! Cho nên, đối với những câu hỏi ấy, ông hãy lắng nghe kỹ và tư duy cẩn trọng. Nay Ta sẽ thuyết giảng cho ông, rằng: ‘Người nào đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, thì họ nên an trú giống như vầy, tu tập giống như vầynhiếp hộ tâm giống như vầy’.

Trưởng lão Subhūti bạch đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, thưa vâng! Con xin được lắng nghe.


3. Đức Thế Tôn dạy như sau:

Này Subhūti! Ở đây, bất cứ ai đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, thì nên phát khởi tâm thế này:

Này Subhūti! Bất cứ loại chúng sanh nào thuộc chủng tính chúng sanh, được liệt vào trong chúng sinh, hoặc sinh ra từ trứng, sinh từ thai, sinh từ thấp khí, sinh từ sự biến hóa, hoặc có hình thái, hoặc không có hình thái, hoặc có ấn tượng, hoặc không có ấn tượng, hoặc không phải có ấn tượng mà cũng không phải không có ấn tượng, cho đến có bất cứ khái niệm nào về chủng tính chúng sinh được tư duy khái niệm, thì tất cả những điều ấy, ta dẫn dắt thể nghiệm Niết-bàn tuyệt đối, khi đã vào trong chủng tính Niết-bàn này, thì không còn sót lại một chút tàn dư nào của chất liệu tồn tại. Dù đã dẫn dắt vô lượng chúng sanh thể nghiệm Niết bàn như thế, nhưng kỳ thực khôngchúng sanh nào đã được dẫn dắt thể nghiệm Niết bàn cả. 

Này Subhūti, Vì nguyên nhân gì? Vì nếu ấn tượng chúng sanh của Bồ-tát còn hoạt động, thì không thể gọi là Bồ-tát.

Này Subhūti, Tại sao vậy? Vì ấn tượng chúng sanh của vị ấy hoạt động, ấn tượng sinh mệnhấn tượng con người của vị ấy còn hoạt động, nên không thể gọi vị ấy là Bồ-tát.


4. Lại nữa, Này Subhūti! Bồ-tát nên thực hành bố thí tài sản không thiết lập trên cơ sở nào, thậm chí vị ấy nên thực hành bố thí tài sản không thiết lập trên bất cứ cái gì. Nghĩa là, vị ấy khi thực hành sự bố thí tài sản không thiết lập trên sắc, không thiết lập trên thanh, hương, vị, xúc, và đối tượng của tâm để thực hành bố thí tài sản.

Thực vậy, này Subhūti! Các vị Bồ-tát Đại sĩ cần thực hành bố thí tài sản theo cách như thế, tức vị ấy không thiết lập bằng tín hiệu của ấn tượng. Tại sao vậy? Này Subhūti! Bởi vì Bồ-tát không có chỗ thiết lậpthực hành bố thí tài sản, thì khối phước đức của vị ấy không dễ dàng nhận thức và đo lường được.

Này Subhūti, Ông nghĩ sao? không gian ở phương Đông có dễ nhận thức và đo lường được không?

Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn! Thực sự không dễ.

Đức Thế Tôn hỏi:  không gian ở các phương Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới, các hướng trung gian, và tất cả mười phương chung quanh có dễ nhận thức và đo lường được không?

Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn! Thực sự không dễ.

Đức Thế Tôn dạy: cũng như vậy, này Subhūti, Bồ-tát không có chỗ thiết lậpthực hành bố thí tài sản, thì khối phước đức của vị ấy không dễ dàng nhận thức và đo lường được.

Này Subūti, đó là lý do tại sao, những vị đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, cần phải thực hành sự không thiết lập trên tín hiệu của ấn tượng.


5. Này Subhūti, Ông nghĩ sao, có thể chiêm nghiệm đức Như Lai bằng các hình thái được sở hữu nơi thân ngài hay không?

Subhūti thưa: Thật không thể, bạch Thế Tôn. Không thể chiêm nghiệm Như Lai bằng các hình thái được sở hữu nơi thân ngài.

Tại sao vậy? Bạch Thế Tôn! Các hình thái sở hữu nơi thân được nói bởi Như Lai, chính các hình thái sở hữu nơi thân ấy không phải là hình thái sở hữu nơi thân.

Đức Thế Tôn, gọi Subhūti mà dạy rằng:

Này Subhūti! Bất cứ cái gì có sở hữu hình thái, cái đó có sự hư dối; Bất cứ cái gì không sở hữu hình thái, cái đó không có sự hư dối. Do đó, đức Như Lai cần phải được chiêm nghiệm bằng “không hình thái” ngay nơi “hình thái”.


6. Trưởng lão Subhūti bạch đức Thế Tôn:

Bạch đức Thế Tôn! Liệu có chúng sinh nào sống trong thời kỳ tương lai, trong thời đại sau cùng, trong kỷ nguyên cuối cùng, và trong năm trăm năm chót, vào thời điểm “Chánh Pháp” bị ẩn mất, mà những câu trong kinh có đặc điểm như vậy được giảng dạy, thì họ có phát sinh được ấn tượng chân thực về nó hay không?

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, ông đừng nói như thế: “Liệu có chúng sinh nào sống trong thời kỳ tương lai, trong thời đại sau cùng, trong kỷ nguyên cuối cùng, và trong năm trăm năm chót, vào thời điểm “Chánh Pháp” bị ẩn mất, mà những câu trong kinh có đặc điểm như vậy được giảng dạy, thì họ có phát sinh được ấn tượng chân thực về nó hay không?”

Lại nữa, này Subhūti! Vào thời kỳ tương lai, trong thời đại sau cùng, trong kỷ nguyên cuối cùng, mà những câu ở trong kinh này được giảng dạy, sẽ có những vị Bồ-tát Đại sĩ đầy đủ phẩm chất, giới đứctrí tuệ - phát sinh được ấn tượng chân thực.

Lại nữa, này Subhūti! Những vị Bồ-tát Đại sĩ ấy, không chỉ tôn kính một đức Phật duy nhất, và cũng không chỉ vun trồng thiện căn nơi một đức Phật mà thôi.

Khác hơn, này Subhūti! Những Bồ-tát Đại sĩ ấy, khi nghe những câu trong kinh có đặc điểm như vậy được giảng dạy được như vầy, thậm chí họ sẽ chứng đắc tín tâm thuần tịnh bằng sự nhất tâm, giống như đã tôn kính hàng trăm ngàn vị Phật, đã gieo trồng thiện căn ở nơi hàng trăm ngàn vị Phật.

Này Subhūti! Như Lai biết được họ bằng trí giác Phật.

Này Subhūti! Như Lai thấy được họ bằng con mắt Phật.

Này Subhūti! Như Lai nhận thức toàn diện về họ.

Này Subhūti! Hết thảy những vị ấy, sẽ phát sinh và đạt được khối phước đức vô lượng, vô số.

Tại sao vậy? Này Subhūti! Vì chính các vị Bồ-tát Đại sĩ ấy, không có sự hoạt động của ấn tượng tự ngã, không có sự hoạt động của ấn tượng chúng sanh, không có sự hoạt động của ấn tượng con người và không có sự hoạt động của ấn tượng sinh mệnh.

Này Subhūti! Và những ấn tượng về pháp và về phi pháp của những vị Bồ-tát Đại sĩ ấy cũng không còn hoạt động.

Này Subhūti! Và đối với những ấn tượng và phi ấn tượng nơi chính họ cũng không còn hoạt động.

Tại sao vậy? Này Subhūti, nếu ấn tượng về pháp còn hoạt động nơi những vị Bồ-tát đại sĩ ấy, thì họ còn tồn tại sự bảo thủ về tự ngã, tồn tại sự bảo thủ về chúng sanh, sự bảo thủ về sinh mệnh và sự bảo thủ về con người.

Và nếu ấn tượng về phi pháp còn hoạt động nơi những vị ấy, thì chính họ còn tồn tại sự bảo thủ về tự ngã, tồn tại sự bảo thủ về chúng sanh, sự bảo thủ về sinh mệnh và sự bảo thủ về con người.

Lại nữa, này Subhūti! Tại sao vậy? Vì một vị Bồ-tát Đại sĩ, thì không nên có sự dựng dậy tập quán bảo thủ về pháp, hoặc phi pháp.

Do đó, giáo lý được công bố bởi Như Laimật ý, nên những ai có trí cần phải thấu hiểu: “Pháp thoại giống như chiếc bè, pháp còn phải buông bỏ, huống chi là phi pháp”.


7. Đức Thế Tôn lại dạy Trưởng lão Subhūti:

Này Subhūti, Ông nghĩ gì? Có bất cứ pháp nào mà Như Lai đã thể nghiệm hoàn toàn gọi là “sự tối thượng của Chánh đẳng giác” không? Và có bất cứ pháp nào đã được Như Lai giảng dạy không?

Trưởng lão Subhūti, thưa với đức Thế Tôn:

Bạch đức Thế Tôn! Thưa không, thực tế con hiểu nghĩa lý giáo thuyết của Thế Tôn như thế này: Không có bất cứ pháp nào mà Như Lai đã thể nghiệm gọi là “sự tối thượng của Chánh đẳng giác” và cũng không có bất kỳ pháp nào đã được Như Lai giảng dạy.

Tại sao vậy? Vì pháp mà Như Lai đã hoàn toàn thể nghiệm và công bố, pháp ấy không thể nắm bắt và mô tả. Pháp đó không phải là pháp, cũng không phải là phi pháp.

Tại sao vậy? Bởi vì các bậc Thánh nhân đều từ vô vi mà được đề cao hơn.


8. Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti! Ông nghĩ gì? Nếu có người con trai hoặc người con gái gia đình hiền thiện nào làm đầy cả một nghìn tỷ thế giới bằng bảy thứ báu vật, rồi sau đó hiến cúng các phẩm vật đó lên các đức Như Lai, A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác, thì liệu thông qua nhân tố đó họ có thể thành tựu được một khối phước đức to lớn hay không?

Subhūti thưa:

Dạ rất nhiều, bạch Thế Tôn! Dạ rất nhiều, bạch Thiện Thệ! Người con trai hoặc người con gái gia đình hiền thiện ấy, thành tựu được khối phước đức to lớn thông qua nhân tố ấy.

Bạch đức Thế Tôn! Tại sao vậy? Vì Như Lai đã dạy khối phước đức này, chính nó ‘không phải là khối’ được dạy bởi Như Lai. Do đó, Như Lai nói: khối phước đức ấy chính là khối phước đức.

Đức Thế Tôn dạy: Lại nữa, này Subhūti! Nếu có người con trai hoặc người con gái gia đình hiền thiện nào làm đầy cả một tỷ thế giới bằng bảy thứ báu vật, rồi sau đó đem hiến cúng các phẩm vật đó lên các đức Như Lai, A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác; và lại có bất cứ người nào khác, thọ trì bài chỉnh cú chỉ gồm bốn câu ở trong pháp thoại này, rồi đem trình bày và giải thích chi tiết cho người khác nữa, thì thông qua nhân tố ấy, người đó thành tựu được khối phước đức vượt trội hơn vô lượng, vô số so với người hiến cúng bảy báu kia.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì từ Pháp thoại này mà lưu xuất ra ‘Sự toàn giác tối thượng đích thực’ của các đức Như Lai, A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác. Chư Phật Thế Tôn cũng xuất hiện từ Pháp thoại đó.

Này Subhūti, vì nguyên nhân gì? Vì Như lai đã dạy: những pháp đặc biệt của chư Phật chính nó không phải là những pháp đặc biệt của chư Phật. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là pháp đặc biệt của chư Phật.


9. Này Subhūti, ông nghĩ gì, có vị Dự lưu nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Dự Lưu” hay không?

Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có vị Dự Lưu nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Dự Lưu”. Tại sao vậy? Bạch đức Thế Tôn, vì vị đó không đạt được bất cứ pháp nào cả. Vì vậy, vị đó được gọi là bậc Dư Lưu. Không gia nhập vào sắc, không gia nhập vào thanh, hương, vị, xúc và pháp. Đó là lý do tại sao vị ấy được gọi là bậc Dự Lưu.

Bạch Thế Tôn! Nếu có bậc Dự lưu nào còn hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Dự Lưu”, thì vị đó đang còn sự bảo thủ tự ngã, bảo thủ về chúng sanh, bảo thủ về sinh mệnhbảo thủ về con người.

Đức Thế Tôn nói: Này Subhūti, ông nghĩ gì, có vị Nhất lai nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Nhất Lai” hay không?

Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có vị Nhất Lai nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Nhất Lai”. Tại sao vậy? Vì không tồn tại bất cứ pháp nào dự vào thể tính Nhất Lai cả. Đó là lý do tại sao vị đó được gọi là Nhất Lai.   

Đức Thế Tôn nói: Này Subhūti, ông nghĩ gì, có vị Bất hoàn nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Bất hoàn” hay không?

Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có vị Bất hoàn nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị Bất hoàn”. Tại sao vậy? Vì không tồn tại bất cứ pháp nào dự vào thể tính Bất hoàn cả. Đó là lý do tại sao vị ấy được gọi là Bất hoàn.  

Đức Thế Tôn nói: Này Subhūti, ông nghĩ gì, có vị A-la-hán nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị A-la-hán” hay không?

Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có vị A-la-hán nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị A-la-hán”.

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì không có pháp nào có tên là A-la-hán cả. Đó là lý do tại sao vị đó được gọi là A-la-hán.

Bạch Thế Tôn! Nếu vị A-la-hán nào hiện khởi ý nghĩ: “Ta chứng đắc quả vị A-la-hán”, thì vị ấy còn bảo thủ tự ngã, còn bảo thủ chúng sanh, sinh mệnhcon người.

Tại sao? Vì bản thân con là người đã được Thế Tôn, Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác nói con là vị thượng thủ hạnh an trú a-lan-nhã.

Bạch Thế Tôn! Nếu con nghĩ, con là A-la-hán viễn ly các dục, thì Thế Tôn đã không gọi con là A-la-hán viễn ly các dục.

Bạch Thế Tôn! Nếu con cho rằng, con thể nghiệm A-la-hán, thì Như Lai đã không công bố: “Subhūti là người con trai của gia đình hiền thiện, thượng thủ hạnh an trú a-lan-nhã, nhưng không lưu trú bất cứ nơi nào, nên gọi hạnh a-lan-nhã được gọi là hạnh a-lan-nhã”.


10. Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì? Với Như Lai, có pháp nào mà Như Lai thọ trì trong thời kỳ thân cận đức Dipaṃkara (Nhiên Đăng), A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác không?

Ngài Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Với Như Lai, không có pháp nào mà ngài thọ trì trong thời kỳ thân cận đức Dipaṃkara, A-la-hán, Bậc giác ngộ viên mãn cả.

Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti! Có vị Bồ-tát nào nói rằng: “Ta đã trang nghiêm đất nước”, là vị ấy nói không đúng.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì đất nước trang nghiêm được dạy bởi Như Lai, gọi tên là trang nghiêm, đó không phải là trang nghiêm. Vì vậy, mới gọi là đất nước trang nghiêm.

Thế nên, này Subhūti! Với Bồ-tát Đại sĩ, nên sinh khởi tâm không thiết lập; nên sinh khởi tâm không thiết lập trên bất cứ cái gì. Nên sinh khởi tâm không bị thiết lập bởi sắc; nên sinh khởi tâm không bị thiết lập bởi thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Này Subhūti! Ví như người có thân hình to lớn, thân tự nhiên, hình thể của người kia có hình thái giống như núi chúa Sumeru (Tu-di). Ông nghĩ gì, hình thể của người kia có lớn không?

Subhūti thưa: hình thể của người kia rất lớn, bạch Thế Tôn! hình thể của người kia rất lớn, bạch Thiện Thệ!   

Bạch Thế Tôn! Tại sao? Vì sắc thân được nói bởi đức Như Lai với tên là sắc thân, chính nó là phi sắc thân, cho nên mới gọi là sắc thân.

Bạch Thế Tôn! Thực tế thân này không phải là hữu tính, mà cũng không phải là phi hữu tính, nên mới gọi là sắc thân.


11. Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì? Ví như sông Gaṅgā rộng lớn, có bao nhiêu hạt cát và mỗi hạt cát là một sông Gaṅgā, vậy số cát ở trong tất cả sông Gaṅgā đó, có nhiều không?

Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn! Chỉ số lượng sông Gaṅgā cũng đã quá nhiều, huống nữa là số hạt cát ở trong các sông Gaṅgā ấy.

Đức Thế Tôn, gọi Subhūti dạy rằng:

“Ta nói sự thật cho ông biết, nếu có người con trai hay con gái của gia đình hiền thiện nào, có thể dùng bảy thứ châu báu chứa đầy cả thế giới nhiều như số cát ở trong các sông Gaṅgā ấy, để hiến cúng các đức Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác, thì này Subhūti ông nghĩ sao, thông qua nhân duyên ấy, người con trai hay người con gái của gia đình hiền thiện đó, thành tựu khối phước đức có nhiều không?”

Subhūti thưa: Dạ nhiều, bạch Thế Tôn! Dạ nhiều, bạch Thiện Thệ! Người con trai hay người con gái của gia đình hiền thiện đó thông quan nhân duyên ấy thành tựu khối phước đức vô lượng.

Đức Thế Tôn dạy: Lại nữa, này Subhūti! Nếu có người con trai hay người con gái của gia đình hiền thiện nào, có thể dùng bảy thứ châu báu, chứa đầy cả thế giới để đem hiến cúng các đức Như Lai, A-la-hán, Bậc giác ngộ viên mãn; và lại có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào, chỉ thực hành bài chỉnh cú khoảng chừng bốn câu trong pháp thoại này, rồi đem trình bày đầy đủ, giải thích chi tiết cho người khác hiểu, thì người này thành tựu khối phước đức thông qua nhân duyên ấy, vượt trội hơn vô lượng so với người hiến cúng châu báu kia.


12. Cũng như thế, này Subhūti! Nơi trú xứ nào mà có bài chỉnh cú khoảng chừng bốn câu trong pháp thoại này, được thực hành, giải thích, giảng dạy, thì nơi trú xứ ấy đều trở thành tháp miếu chân thực của thế giới: Chư thiên, Nhân loại và A-tu-la v.v... Huống nữa là người suốt đời thực hành, đọc tụng, thông đạt, giảng dạy chi tiết pháp thoại này cho người khác. Này Subhūti! Người ấy thành tựu phẩm tính tuyệt diệu bậc nhất.

Này Subhūti! Trú xứ nào có kinh điển này, trú xứ ấy có bậc Đạo sư trú ngụ, hoặc một vị đệ tử minh triết đại diện cho vị ấy.


13. Bấy giờ, Trưởng lão Subhūti, bạch đức Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn! Pháp thoại này, nên gọi tên là gì, và con nên phụng hành thế nào?

Lúc ấy, đức Thế Tôn dạy, Trưởng lão Subhūti:

Này Subhūti! Pháp thoại này tên là “PrajñāpāramitāTrí tuệ siêu việt toàn hảo” (Bát-nhã Ba-la-mật-đa), Ông hãy như vậy mà phụng hành.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì “Trí tuệ siêu việt toàn hảo” được nói bởi Như Lai, chính nó không phải là Trí tuệ siêu việt toàn hảo được nói bởi Như Lai. Do đó, mới gọi là “Trí tuệ siêu việt toàn hảo”.

Này Subhūti! Ông nghĩ gì, có pháp nào được Như Lai nói không?

Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có pháp nào được nói bởi Như Lai cả.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Ông nghĩ gì, các hạt vi trần ở trong một tỷ thế giới có nhiều không?

Subhūti thưa: Dạ nhiều, bạch Thế Tôn! Dạ có nhiều hạt vi trần, bạch Thiện Thệ!

Tại sao vậy? Bạch Thế Tôn Vì các hạt vi trần được nói bởi Như Lai, chính nó không phải là hạt vi trần được Như Lai nói, nên mới gọi là hạt vi trần. Cũng vậy, thế giới được nói bởi Như Lai, chính nó không phải là thế giới được Như Lai nói, nên gọi là thế giới.

Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti! Ông nghĩ gì, có thể chiêm nghiệm Như Lai, A-la-hán, Bậc giác ngộ viên mãn, bằng ba mươi hai đặc điểm của bậc Trượng phu không?

Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể chiêm nghiệm Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác, bằng ba mươi hai đặc điểm của bậc Trượng phu. Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì ba mươi hai đặc điểm của bậc Trượng phu được nói bởi Như Lai, thì chính chúng không phải là các đặc điểm được Như Lai nói, cho nên mới gọi là ba mươi hai đặc điểm của bậc Trượng phu.

Đức Thế Tôn dạy:

Lại nữa, nếu có người trai hay người con gái của gia đình hiền thiện nào, hằng ngày đem thân mạng bố thí nhiều như số hạt cát sông Gaṅgā, và bố thí thân mạng như vậy, trải qua nhiều kiếp như số hạt cát sông Gaṅgā; Lại có người khác, chỉ thực hành bài chỉnh cú khoảng chừng bốn câu trong pháp thoại này, rồi đem trình bày đầy đủ, giải thích chi tiết cho người, thì thông qua nhân duyên ấy, người này thành tựu khối phước đức, vượt trội hơn vô lượng so với người kia.


14. Lúc bấy giờ, Trưởng lão Subhūti, khi nghe pháp thoại này, vì pháp lực, liền xúc cảm rơi nước mắt, sau đó Trưởng lão lau nước mắt, rồi bạch đức Thế Tôn:

Thật tuyệt vời thay, bạch Thế Tôn! Thật vô cùng tuyệt vời thay, bạch Thiện Thệ! Pháp thoại này được Như Lai giảng dạy vì lợi ích cho những chúng sanh nào đã khởi hành trên cỗ xe tối thượng (tối thượng thừa); và vì lợi ích cho những chúng sanh nào đã khởi hành trên cỗ xe ưu việt nhất (vô thượng thừa).

Bạch Thế Tôn! Do vậy trong con đã khởi lên nhận thức này: Bạch Thế Tôn! Từ trước đến nay, con chưa từng được nghe pháp thoại nào như thế này cả.

Bạch Thế Tôn! Có những vị Bồ-tát thành tựu phẩm chất tuyệt diệu bậc nhất, ở đây sau khi nghe thuyết giảng kinh này, họ sẽ phát sinh được ấn tượng chân thực.

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì ấn tượng chân thực, chính nó không phải là ấn tượng chân thực, nên Như Lai nói ấn tượng chân thực mới là ấn tượng chân thực.

Bạch Thế Tôn! Thật tuyệt diệu, nhưng đối với bản thân con không thể tin hiểu Pháp thoại đã được thuyết giảng này. Bạch Thế Tôn! Cũng vậy, trong thời kỳ tương lai, trong thời đại sau cùng, trong kỷ nguyên cuối cùng, và trong năm trăm năm chót, vào thời điểm “Chánh Pháp” bị ẩn mất, chúng sinh đó có thể thực hành, nghiên cứu, đọc tụng, giới thiệu chi tiết pháp thoại này cho những người khác, thì những chúng sinh này sẽ thành tựu phẩm chất tuyệt diệu bậc nhất.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Nơi họ ấn tượng tự ngã không hoạt động, ấn tượng chúng sanh không hoạt động, ấn tượng sinh mệnh không hoạt độngấn tượng con người không hoạt động; nơi họ ấn tượng hay phi ấn tượng đều không hoạt động.

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì ấn tượng về tự ngã, chính nó không phải là ấn tượng; ấn tượng về chúng sanh, ấn tượng về sinh mệnhấn tượng về con người, chính nó không phải là ấn tượng.

nguyên nhân gì? Vì chư Phật Thế Tôn, các ngài đã xa lìa hết thảy ấn tượng.

Sau khi nghe Trưởng lão Subhūti trình bày, đức Thế Tôn liền dạy Trưởng lão Subhūti:

Này Subhūti! Điều ấy, đúng như thế. Điều ấy, quả đúng như thế. Này Subhūti! Nếu những chúng sanh nào nghe Ta công bố kinh này mà không sợ hãi, không bối rối, không bị rơi vào trạng thái khiếp đảm, thì những người ấy sẽ thành tựu phẩm chất tuyệt diệu bậc nhất.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì “Sự toàn hảo đệ nhất” (Ba-la-mật tối thượng) được nói bởi Như Lai, cái ấy không phải là “Sự toàn hảo đệ nhất”.

Này Subhūti! “Sự toàn hảo đệ nhất” mà Như Lai đã nói, điều ấy vô lượng chư Phật Thế Tôn cũng đã nói như thế, cho nên gọi là “Sự toàn hảo đệ nhất”.

Này Subhūti! Lại nữa, sự nhẫn nhục toàn hảo của Như Lai, chính nó không phải là toàn hảo.

Này Subhūti, tại sao? Vì nếu khi vua Kaliṅga róc thịt trên các phần thân thể của ta, chính lúc ấy ta không có ấn tượng về ngã, ấn tượng về chúng sanh, ấn tượng về sinh mệnh, ấn tượng về con người, và nơi ta ấn tượng hay phi ấn tượng đều không hoạt động.

Này Subhūti, Tại sao vậy? Vì nếu thời ấy, ấn tượng tự ngã của ta hoạt động, thì ngay lúc đó ấn tượng sân hận trong ta cũng hoạt động. Nếu ngay thời ấy, trong ta hiện khởi ấn tượng chúng sanh, ấn tượng sinh mệnhấn tượng con người, thì ngay khi ấy, ấn tượng sân hận trong ta cũng hoạt động.

Này Subhūti, tại sao? Vì ta nhớ lại năm trăm đời trước trong thời quá khứ, ta đã từng làm vị Tiên nhẫn nhục. Trong thời ấy, ấn tượng về tự ngã của ta cũng không hoạt động, ấn tượng về chúng sanh, ấn tượng về sinh mệnhấn tượng về con người cũng đều không hoạt động.

Do đó, này Subhūti! Với Bồ-tát Đại sĩ, cần buông bỏ hết thảy nhận thức sai lầm để phát lập tâm Bồ-đề tối thượng. Hãy phát tâm không thiết lập vào sắc; hãy phát tâm không thiết lập vào thanh, hương, vị, xúc và pháp; hãy phát tâm không thiết lập vào pháp; hãy phát tâm không thiết lập vào không phải pháp; hãy phát tâm không bị thiết lập trên bất cứ cái gì. Nếu thiết lập trên cái nào, thì nên ngay nơi cái đó mà không thiết lập.

Thế nên, sự bố thí tài sản của Bồ-tát Đại sĩ được Như Lai gọi là sự bố thí tài sản không bị thiết lập trên sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Lại nữa, này Subhūti! Bồ-tát vì lợi ích của hết thảy chúng sanh, cần bố thí tài sản bằng phẩm hạnh thoát ly như thế.

Này Subhūti, tại sao? Vì ấn tượng về chúng sinh, chính cái ấy không phải là ấn tượng. Những chủng tínhNhư Lai gọi là chúng sanh, thì chính nó không phải chúng sanh.

Này Subhūti, tại sao? Vì Như Lai nói lời chân thực, nói lời đúng với sự thực, nói lời như thực, Như Lai không nói lời khác với như thực, Như Lai không nói lời trái nghịch với sự thực.

Lại nữa, này Subhūti! Pháp đựơc Như Lai thể nghiệm, tư duycông bố, pháp ấy không phải chân thực, không phải hư ngụy.

Này Subhūti! Cũng như thế, một người bước vào chỗ tối tăm không thấy gì. Bồ-tát nên biết rằng rơi vào sự tướng để thí xả tài vật cũng thế. Cho nên, khi Bồ-tát thực hành bố thí tài sản, cần phải quán chiếu đúng như phápthoát ly.

Này Subhhūti! Cũng như vậy, một người có mắt, có ánh sáng ban ngày của mặt trời xuất hiện chiếu rọi, nên thấy đúng mọi đặc điểm khác biệt của sự vật. Cho nên, khi Bồ-tát thực hành bố thí tài sản, cần phải quán chiếu đúng như phápthoát ly.  

Lại nữa, này Subhūti! Nếu có người con trai hay con gái gia đình hiền thiện nào, thực hành, nghiên cứu, đọc tụng, giảng dạy và giới thiệu chi tiết pháp thoại này cho nhiều người khác, thì này Subhūti! Như Lai sẽ biết họ bằng Trí giác Phật. Này Subhūti! Như Lai sẽ thấy họ bằng con mắt Phật. Như Lai biết họ bằng trí giác toàn diện. Này Subhūti! Tất cả những chúng sanh ấy, sẽ vun bồi và tiếp nhận khối phước đức không dễ dàng nhận thức và đo lường.


15. Này Subhūti! Lại nữa, nếu có người con trai, hay con gái của gia đình hiền thiện nào nào, buổi sáng bố thí thân thể như số hạt cát sông Gaṅgā, buổi trưa bố thí thân thể như số hạt cát sông Gaṅgā, buổi chiều tối bố thí thân thể như số hạt cát sông Gaṅgā, với cách bố thí thân thể như thế, trải qua hàng trăm ngàn, hàng trăm triệu, hàng trăm tỷ kiếp,…Và lại người nào nghe được pháp thoại này mà không phỉ báng, thông qua nhân duyên ấy, người này thành tựu khối phước đức nhiều hơn vô lượng so với người kia. Huống chi biên chép, tiếp nhận, nghiên cứu, đọc tụng, thông đạt, giới thiệu chi tiết cho những người khác. Cho nên, này Subhūti! Pháp thoại này là vô giá, là không thể nghĩ bàn.

Này Subhūti! Pháp thoại này được Như Lai giảng dạy vì lợi ích cho những chúng sanh nào đã khởi hành trên cỗ xe tối thượng; vì lợi ích cho những chúng sanh nào đã khởi hành trên cỗ xe ưu việt nhất.

Những nguời nào tiếp nhận, nghiên cứu, đọc tụng, thông đạtgiới thiệu chi tiết pháp thoại này cho những người khác, thì này Subhūti! Như Lai biết người đó bằng Trí giác Phật. Này Subhūti! Như Lai thấy người đó bằng Con mắt Phật. Đối với Như Lai người ấy là vị trí giác.

Này Subhūti! Tất cả những chúng sanh ấy sẽ thành tựu khối phước đức vô lượng: khối phức đó không thể nghĩ bàn, không thể ước lượng, và vô giá.

Này Subhūti! Tất cả chúng sanh ấy, họ sẽ đọc tụng, thông đạtduy trì tri thức như nhau.

Này Subhūti! Tại sao vậy? Vì đối với những chúng sanh có khuynh hướng và niềm tin thấp kém, thì họ không có khả năng lắng nghe pháp thoại này bằng sự nhận thức không có tự ngã, nhận thức không có chúng sinh, sinh mệnhcon người.

Pháp thoại này, với những chúng sanh không có sự thiết lập chí nguyện Bồ-tát, mà lại có khả năng lắng nghe, tiếp nhận, nghiên cứu, đọc tụngthông đạt. Trường hợp như vậy, hoàn toàn không thể xảy ra.

Này Subhūti! Ở trú xứ nào, có giảng dạy kinh này, nơi trú xứ ấy cần phải được phụng sự; trú xứ ấy gọi là tháp miếu, xứng đáng được thế giới: Chư thiên, Nhân loại, A-tu-la, v.v… kính lễ và đi nhiễu vòng quanh về phía bên phải.


16. Lại nữa, này Subhūti! Nếu có người con trai hoặc người con gái gia đình hiền thiện nào tiếp nhận, nghiên cứu, đọc tụngthông đạt, ghi nhớ cụ thể những kinh điển như thế này, rồi giới thiệu chi tiết cho mọi người, mà người ấy lại bị người khác khinh rẽ, phỉ báng và ngược đãi. Này Subhūti! Vì sao lại xảy ra như vậy? Vì những hành vi vẩn đục đã tạo tác trong đời trước của những chúng sinh ấy, đáng lý sẽ dẫn độ họ đến cảnh vực khổ não, nhưng trong đời hiện tại, do sức mạnh của sự khinh miệt đó, khiến cho những hành vi vẩn đục trong đời sống trước đây của họ đều bị tiêu diệt, họ sẽ thể nghiệm được tuệ giác của một vị Phật.

Này Subhūti! Ta nhớ vô số kiếp trong thời quá khứ về trước, trước đức Dīpaṃkara, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác vô lượng thời gian, có tám mươi bốn triệu tỉ đức Phật, ta đều thân cận phụng sự, hiến cúng, không để thiếu sót.

Này Subhūti! Nếu đem so sánh việc ta thừa sự, hiến cúng chư Phật Thế Tôn không để thiếu sót. Thì, này Subhūti! trong thời kỳ tương lai, trong thời đại sau cùng, trong kỷ nguyên cuối cùng, và trong năm trăm năm chót, vào thời điểm “Chánh Pháp” bị ẩn mất, đối với pháp thoại này có bất cứ chúng sinh nào có thể thực hành, nghiên cứu, đọc tụng, giới thiệu chi tiết cho những người khác. Này Subhūti! Khối phước đức của ta trước đó, so với khối lượng của vị này không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần triệu, một phần mười triệu, một phần tỷ, cho đến dùng bất cứ toán số, thí dụ nào cũng đều không thể so sánh được.

Lại nữa, này Subhūti! Nếu ta nói cụ thể khối phước đức của những người con trai hay con gái của gia đình hiền thiện ấy và khối phước đức mà những người con trai hay con gái gia đình hiền thiện ấy vun bồi và tiếp nhận, thì ngay khi đó có những chúng sanh sẽ bối rối hoài nghi và đầu óc bị cuồng loạn.

Thế nên, này Subhūti! Pháp thoại này được giảng dạy bởi Như Laivô giá, là không thể nghĩ bàn và sự thừa hưởng kết quả được hướng tới của pháp thoại này cũng không thể nghĩ bàn.


17. Lúc bấy giờ, Trưởng lão Subhūti thưa đức Thế Tôn: Những ai đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát phải an trú như thế nào? Phải tu tập như thế nào? Và phải nhiếp hộ tâm như thế nào?

Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti! Những ai đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, nên dựng lập tâm như vậy:

“Tất cả chúng sanh đều đã được ta dẫn dắt thể nghiệm Niết-bàn tuyệt đối. Dù đã dẫn dắt vô lượng chúng sanh thể nghiệm Niết bàn như thế, nhưng kỳ thực khôngchúng sanh nào đã được dẫn dắt thể nghiệm Niết bàn cả.”

Này Subhūti, tại sao? Vì nếu ấn tượng chúng sanh của Bồ-tát hoạt động, thì không thể được gọi là Bồ-tát. Cho đến ấn tượng sinh mệnhcon người còn hoạt động thì không thể được gọi là Bồ-tát.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì không có pháp nào được gọi là pháp khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát cả.

Này Subhūti! Ông nghĩ gì? Có pháp Vô thượng chánh đẳng giác mà nào Như Lai trực tiếp thể nghiệm từ thời của đức Dīpaṃkara Như Lai không?

Sau khi đức Thế Tôn hỏi, Trưởng lão Subhūti thưa:

Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu, đúng như ý nghĩa lời dạy của Thế Tôn, thì không có pháp “Vô thượng Chánh đẳng giác”, mà đức Như Lai đã thể nghiệm trực tiếp từ thời của đức Dīpaṃkara Như Lai, A-la-hán cả.

Trưởng lão trả lời xong, đức Thế Tôn dạy Trưởng lão Subhūti:

Này Subhūti, đúng như vậy! Quả đúng như vậy! Này Subhūti! Không có pháp Vô thượng Chánh đẳng giác nào được Như Lai thể nghiệm trực tiếp từ thời của đức Dīpaṃkara Như Lai, A-la-hán cả.

Lại nữa, này Subhūti! Vì nếu có pháp nào được thể nghiệm bởi Như Lai, thì bấy giờ đức Dīpaṃkara Như Lai đã không thọ ký cho ta:

“Này thanh niên! Trong tương lai, thời niên thiếu con sẽ thành bậc Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác, với danh hiệu Śākya-muni”.

Vì vậy, này Subhūti! Không có pháp “Vô thượng Chánh đẳng giác” nào được thể nghiệm bởi Như Lai cả, do đó mà ta đã được đức Dīpaṃkara Như Lai thọ ký:

“Này thanh niên! Trong tương lai, ngươi sẽ thành Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác, với danh hiệu Śākya-muni”.

nguyên nhân gì? Này Subhūti, Vì Như Lai là danh từ đồng nghĩa với chân như.

Này Subhūti! Như Lai là danh từ đồng nghĩa với pháp tính bất sinh.

Này Subhūti! Như Lai là danh từ đồng nghĩa với sự đoạn tận pháp.

Này Subhūti! Như Lai là là danh từ đồng nghĩa với tuyệt đối bất sinh.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì vô sinhmục đích tối thượng.

Này Subhhūti! Nếu có người nào nói, Như Lai, A-la-hán thể nghiệm Vô thượng Chánh đẳng giác là người ấy nói không đúng sự thực.

Này Subhūti! Do không hiểu đúng sự thực, nên người ấy nói lời hủy báng Như Lai. Này Subhūti, tại sao vậy? Vì không có pháp Vô thượng Chánh đẳng giác nào đuợc thể nghiệm bởi Như Lai cả.

Này Subhūti! Pháp giác ngộ được Như Lai giảng dạy, pháp ấy không phải chân thực, không phải hư vọng. Vì thế, Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật Pháp.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì tất cả pháp được dạy bởi Như Lai là không phải pháp, do đó nói: tất cả pháp đều là pháp Phật Phật.

Này Subhūti! Ví như người có thân bẩm sinh to lớn.

Trưởng lão Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn! Người có thân bẩm sinh, thân to lớn được dạy bởi Như Lai. Bạch Thế Tôn! Thân người ấy không phải là thân được dạy bởi Như Lai, nên mới gọi thân người ấy là thân bẩm sinh, thân to lớn.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Đúng như vậy, vị Bồ-tát nói: ta sẽ dẫn dắt chúng sanh thể nghiệm Niết bàn, thì vị ấy không phải là Bồ-tát.

Vì, Subhūti, có pháp nào gọi tên là Bồ-tát không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có pháp nào gọi là Bồ-tát cả.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Những chúng sanh được Như Lai gọi bằng danh từ chúng sanh, chính nó không phải là chúng sanh, nên mới gọi là chúng sanh.

Do đó, Như Lai nói, tất cả pháp không có tự ngã, tất cả pháp khôngsinh mệnh, không có chúng sanh, không có con người.

Này Subhūti! Vị Bồ-tát nào nói: ta làm trang nghiêm đất nước Phật, vị Bồ-tát ấy nói không đúng sự thực. Này Subhūti, tại sao vậy? Vì đất nước trang nghiêm được dạy bởi Như Lai với danh từ là đất nước trang nghiêm, nó không phải là trang nghiêm, nên mới gọi là đất nước trang nghiêm.

Này Subhūti! Vị Bồ-tát nào thông đạt các pháp vô ngã, thì họ được Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác gọi là Bồ-tát Đại sĩ.


18. Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Lai có con mắt thường không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có con mắt thường.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Lai có con mắt siêu nhân không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có con mắt siêu nhân.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Lai có con mắt thẩm sát không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có con mắt thẩm sát.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Lai có con mắt Pháp không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn, Như Lai có con mắt Pháp.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhuti, Ông nghĩ gì, Như Lai có con mắt Phật không? Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn, Như Lai có con mắt Phật.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, cho đến số hạt cát của nhiều sông Gaṅgā rộng lớn, Như Lai có gọi chúng là hạt cát không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn. Dạ đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Như Lai gọi chúng là hạt cát.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, cho đến có bao nhiêu hạt cát ở trong sông Gaṅgā rộng lớn, thì có bấy nhiêu sông Gaṅgā, và số thế giới nhiều như số hạt cát ở trong các sông Gaṅgā ấy, như vậy số thế giới có nhiều không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Có rất nhiều thế giới.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Có bao nhiêu chủng loại chúng sanh trong những hệ thống thế giới như vậy, bằng trí tuệ ta biết rõ những xu hướng đa dạng của tâm họ.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì những xu hướng đa dạng của tâm được gọi bởi Như Lai với tên xu hướng đa dạng của tâm, chính nó không phải là xu hướng đa dạng của tâm, nên mới gọi là những xu hướng đa dạng của tâm.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì tâm quá khứ không thể nắm bắt được; tâm vị lai không thể nắm bắt được và tâm hiện tại không thể nắm bắt được.


19. Này Subhūti, Ông nghĩ gì, nếu có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào, dùng bảy thứ báu chứa đầy cả một tỷ thế giới, để đem hiến cúng các đức Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác, vậy người con trai và người con gái gia đình hiền thiện ấy, thông qua nhân duyên đó thành tựu khối phước đức có nhiều không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ nhiều, bạch Thế Tôn! Dạ nhiều, bạch Thiện Thệ!

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, đúng như vậy, đúng như vậy! Người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện ấy, thông qua nhân duyên đó thành tựu khối phước đức vô lượng.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì khối phước đức được nói bởi Như Lai, chính cái ấy không phải là khối, nên mới gọi là khối phước đức.

Lại nữa, này Subhūti! Nếu khối phước đức có thực, thì Như Lai đã không nói khối phước đức, khối phước đức.


20. Này Subhūti, Ông nghĩ gì, đức Như Lai có thể được chiêm nghiệm bằng sự sở hữu các hình thái nơi thân ngài hay không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không thể chiêm nghiệm được đức Như Lai bằng các hình thái được sở hữu nơi thân ngài, tại sao vậy? Vì sự sở hữu các hình thái được dạy bởi Như Lai, bằng danh từ “các hình thái được sở hữu”, chính hình thái ấy không phải là “sở hữu”, nên mới gọi là “các hình thái được sở hữu”.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti, Ông nghĩ gì, đức Như Lai có thể được chiêm nghiệm bằng sự sở hữu các hình thái nơi thân ngài hay không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không thể chiêm nghiệm được đức Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái nơi thân ngài, tại sao vậy? Vì sự sở hữu các hình thái được dạy bởi Như Lai, thì chính các hình thái ấy Như Lai nói là không phải “sở hữu”, nên mới gọi là Vì sự sở hữu các hình thái được dạy bởi Như Lai, bằng danh từ “các hình thái được sở hữu”, chính hình thái ấy không phải là “sở hữu”, nên mới gọi là “các hình thái được sở hữu”.


21. Đức Thế Tôn dạy:   

Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Lai có nghĩ rằng, Như Lai giảng dạy Giáo Pháp không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai không có nghĩ rằng: Như Lai giảng dạy Giáo Pháp.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Nếu có người nào nói: Như Lai có giảng dạy Giáo Pháp là người ấy nói không đúng sự thực.

Này Subhūti! Vì không có sự minh triết, nên họ nói lời phỉ báng Như Lai. Này Subhūti, tại sao vậy? Vì sự giảng dạy giáo Pháp, không có pháp nào được thừa nhận bằng danh từ “giảng dạy Giáo Pháp” cả.

Sau khi đã nghe Thế Tôn dạy, Trưởng lão Subhūti thưa với ngài:

Bạch Thế Tôn, trong thời kỳ tương lai, trong thời đại sau cùng, trong kỷ nguyên cuối cùng, và trong năm trăm năm chót, vào thời điểm “Chánh Pháp” bị ẩn mất, mà khi nghe được pháp thoại như thế này, liệu họ có khả năng tin tưởng thâm thiết hay không?

Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti! Họ không phải là chúng sanh mà cũng không phải là không chúng sanh.

Này Subhūti, Tại sao vậy? Vì tất cả chúng sanh được gọi bằng danh từ chúng sanh.

Này Subhūti! Họ được Như Lai gọi là không phải chúng sanh, cho nên họ mới được gọi là chúng sanh.


22. Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như laichứng nghiệm Vô thượng Chánh đẳng giác không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Không có pháp Vô thượng Chánh đẳng giác nào được Như Lai chứng nghiệm cả.

Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti! Đúng như vậy, đúng như vậy. Ngay cả pháp nhỏ nhất cũng không thể liễu đạt, cũng không thể chứng đắc nơi pháp ấy, nên mới gọi là Chánh đẳng giác tối thượng.


23. Lại nữa, này Subhūti! Gọi là “Vô thượng Chánh đẳng giác” bởi vì Pháp ấy vốn bình đẳng, không có sự cao thấp nào nơi pháp ấy cả.

“Vô thượng Chánh đẳng giác”, pháp ấy bình đẳng với tất cả thiện pháp được chứng nghiệm do không có tự ngã, không có chúng sanh, không có sinh mệnh và không có con người.   

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì những thiện pháp được nói bởi Như Lai bằng tên gọi thiện pháp, chính nó không phải là thiện pháp được nói bởi Như Lai, nên mới gọi là thiện pháp.


 24. Lại nữa, này Subhūti! Nếu có người con trai hay con gái của gia đình hiền thiện nào, dùng bảy thứ châu báu chất cao như núi chúa Sumeru ở trong một tỷ thế giới, để đem hiến cúng các đức Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác; và lại có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào thực hành bài chỉnh cú khoảng chừng bốn câu trong pháp thoại này, rồi trình bày cụ thểgiải thích chi tiết cho người khác, thì này Subhūti! Thông qua nhân duyên ấy, khối phước đức của nguời hiến cúng chư Phật bằng bảy thứ châu báu so với khối phước đức của nguời này, không bằng một phần trăm, cho đến toán số thí dụ đều không thể so sánh ước lượng được.


25. Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Lai có nghĩ rằng, Như Lai đã dìu dắt chúng sanh không?

Lại nữa, này Subhūti! Đừng nên nghĩ như thế. Tại sao vậy? Này Subhūti! Vì không có chúng sanh nào được Như Lai dìu dắt cả.

Lại nữa, này Subhūti! Nếu có chúng sanh nào được dìu dắt bởi Như Lai thì Như Lai còn sự cố chấp tự ngã, còn cố chấp chúng sanh, còn có cố chấp sinh mệnhcố chấp con người.

Này Subhūti! Cố chấp tự ngã, điều ấy được giảng dạy bởi Như Lai là không cố chấp, mà những kẻ phàm phu lại cố chấp.   

Này Subhūti! Những kẻ phàm phu được nói bởi Như Lai, chính họ không phải là phàm phu, nên mới gọi là phàm phu.


26. Này Subhūti, Ông nghĩ gì, có thể nhìn thấy Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái hay không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Theo con hiểu, đúng như ý nghĩa lời dạy của đức Thế Tôn, thì không thể chiêm nghiệm Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái.

Đức Thế Tôn dạy:

Này Subhūti, tốt lắm, tốt lắm! Này Subhūti, điều ấy đúng như vậy, điều ấy đúng như lời ông nói! Không thể chiêm nghiệm Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì nếu chiêm nghiệm Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái, thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai. Vì vậy, không thể chiêm nghiệm Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái.

Trưởng lão Subhūti, thưa với đức Thế Tôn: Như vậy con hiểu, đúng ý nghĩa lời dạy của đức Thế Tôn, là không thể chiêm nghiệm Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái.

Ngay lúc đó, đức Thế Tôn nói bài chỉnh cú này:

ye māṃ rūpeṇa cādrākṣurye māṃ ghoṣeṇa cānvaguḥ |
mithyāprahāṇaprasṛtā nấ māṃ drakṣyanti tế janāḥ || 1 ||
dharmato buddho draṣṭavyo dharmakāyā hi nāyakāḥ |
dharmatā ca na vijñeyā na sā śakyā vijānitum || 2 || 

“a. Ai nhìn thấy ta
qua hình tướng,
Hoặc theo đuổi ta qua âm thanh,
Họ lạc vào các lộ trình sai lầm,
Những người ấy không thấy được ta.
b. Cần phải thấy chư Phật từ Pháp,
Tức pháp thân chính là đạo sư.
Pháp tính siêu việt sự nhận thức,
Cũng không phải đối tượng thông tri”.   

27. Này Subhūti, Ông nghĩ gì, Như Laichứng nghiệm Vô thượng Chánh đẳng giác bằng sự sở hữu các hình thái hay không?

Này Subhūti! Không nên nhìn nhận điều ấy như vậy.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì quả thực không có sự Vô thượng Chánh đẳng giác nào được chứng nghiệm bởi Như Lai bằng sự sở hữu các hình thái cả.

Lại nữa, này Subhūti! Chẳng có ai khởi lên ý nghĩ như vậy:

“Bất cứ ai khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, thì  khởi khái niệm giả định rằng, có sự hủy hoại hay diệt tận của một pháp nào đó”.

Này Subhūti! Người ấy không nên nhìn nhận như vậy. Tại sao? Vì đối với bất cứ ai khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, thì không khởi lên khái niệm giả định nào cho rằng: “có sự hủy hoại hay diệt tận của một pháp nào đó”.

28. Lại nữa, này Subhūti! Nếu có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào, có thể dùng bảy thứ châu báu, nhiều như số cát ở trong sông Gaṅgā, rồi đem hiến cúng các đức Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác; và nếu có một vị Bồ-tát thể nghiệm sự nhẫn nhục ngay nơi các pháp, không có trạng thái tự ngã, không có trạng thái sinh khởi, thì thông qua nhân duyên ấy, vị đó thành tựu khối phước đức vượt trội hơn vô lượng so với vị kia.

Lại nữa, này Subhūti! Với Bồ-tát Đại sĩ không nên chấp giữ khối phước đức.   

Trưởng lão Subhūti thưa: Bạch Thế Tôn, thế nào là Bồ-tát không nên chấp giữ phước đức?

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Nên chấp giữ là không nên chấp giữ, nên gọi là chấp giữ.

29. Này Subhūti! Lại nữa, có người nào nghĩ rằng, Như Lai có đến, có đi, có đứng, có ngồi, có nằm, thì người ấy không hiểu được ý nghĩa những gì Như Lai giảng dạy.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì “Như Lai” là để gọi cho “bậc không từ đâu đến và không đi về đâu”. Thế mới gọi là Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác.

30. Này Subhūti! Nếu có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào, lấy hạt vi trần trong một tỷ thế giới, với sự nỗ lực nghiền nát và chia chẻ các vi trần của những thế giới ấy thành nhuyễn mịn, trong thực tế làm chúng nhỏ đến như khối kết cấu vô số các vi trần.

Này Subhūti, Ông nghĩ gì, khối kết cấu vô số các vi trần như vậy có nhiều không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ rất nhiều, bạch Thế Tôn! Dạ rất nhiều, bạch Thiện Thệ! Khối kết cấu vô số các vi trần như vậy quả thực rất nhiều.

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì nếu khối kết cấu vô số các vi trần như vậy quả thực được nói là rất nhiều, thì Thế Tôn đã không gọi là khối kết cấu vô số các vi trần.

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì khối kết cấu vô số các vi trần đó được nói bởi Như Lai, chính cái ấy không phải khối kết cấu vô số các vi trần được Như Lai nói, nên mới gọi là khối kết cấu vô số các vi trần.

Một tỷ thế giới được nói bởi Như Lai, chính cái ấy không phải là thế giới được Như Lai nói, nên mới gọi là một tỷ thế giới.

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì nếu thế giới có thực, thì đó chỉ là “sự nắm bắt trên một đối tượng sự thể”, chính “sự nắm bắt trên một đối tượng sự thể” ấy được dạy bởi Như Lai, cái ấy vốn không phải là “sự nắm bắt trên một đối tượng sự thể” được Như Lai dạy, nên mới gọi là “sự nắm bắt trên một đối tượng sự thể”.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! “Sự nắm bắt trên một đối tượng sự thể” ấy, không thể diễn tả, không thể bàn luận. Nó không phải là pháp cũng không phải là phi pháp. Thế mà những kẻ phàm phu cố thủ vào “sự nắm bắt trên một đối tượng sự thể” ấy.

31. Này Subhūti, tại sao vậy? Vì nếu có người nào nói rằng, kiến chấp tự ngã được dạy bởi Như Lai, kiến chấp chúng sanh, kiến chấp sinh mệnh, kiến chấp con người cũng được dạy bởi Như Lai, thì này Subhūti người ấy nói có chính xác không?

Trưởng lão Subhūti thưa: Dạ không, bạch Thế Tôn! Dạ không, bạch Thiện Thệ! Người ấy nói không đúng sự thật.   

Bạch Thế Tôn, tại sao vậy? Vì kiến chấp tự ngã được Như Lai dạy, chính cái ấy là phi kiến chấp được dạy bởi Như Lai, vì vậy mới gọi là kiến chấp tự ngã.

Đức Thế Tôn dạy: Này Subhūti! Thật đúng như thế. Tất cả pháp đối với người đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, nên biết, nên thấy, nên tin và nên hiểu. Nên biết đúng như vậy, nên thấy đúng như vậy, nên tin và hiểu đúng như vậy, không nên thiết lập trên ấn tượng về pháp hay ấn tượng về phi pháp.

Này Subhūti, tại sao vậy? Vì ấn tượng pháp được dạy bởi Như Lai với tên gọi ấn tượng pháp, chính cái ấy không phải ấn tượng, cho nên mới gọi là ấn tượng pháp.

32. Lại nữa, này Subhūti! Nếu có vị Bồ-tát Đại sĩ nào, có thể dùng bảy thứ châu báu chứa đầy vô lượng, vô số thế giới, rồi đem hiến cúng các đức Như Lai, A-la-hán, Bậc Chánh đẳng giác, và nếu có người con trai hay người con gái gia đình hiền thiện nào, thực hành, nghiên cứu, đọc tụng, thông đạt khoảng chừng bài chỉnh cú bốn câu trong pháp thoại “Trí tuệ siêu việt toàn hảo” này, rồi đem giải thích cụ thể cho người khác, thông qua nhân duyên này, người ấy thành tựu khối phước đức vượt trội hơn vô số, vô lượng so với người hiến cúng bảy báu kia.

Và vị ấy nên khai diễn như thế nào? Chính là, không khai diễn. Do đó, nói là “khai diễn”:


tārakā timiraṃ dīpo māyāvaśyāya budbudam |
svapnaṃ ca vidyudabhraṃ ca evaṃ draṣṭavya saṃskṛtam ||

Như tinh tú bạch nội chướng,
như đèn nến – huyễn thuật,
như sương mai - bọt nước,
như giấc mộng - sét chớp,
và như một vầng mây.  
Nên quán chiếu pháp hữu vi như vậy.

Thuyết giảng đúng với chân như, nên gọi là thuyết giảng.

Sau khi đức Thế Tôn đã thuyết giảng như vậy, Trưởng lão Subhūti, các vị Bí-sô, Bí-sô ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, những vị Bồ-tát, cùng thế giới: Chư thiên, Nhân loại, A-tu-la, Càn-thát-bà,… đều phấn khởi hoan hỷ, vâng lãnh thánh giáo của Thế Tôn.

                                                  KẾT THÚC KINH NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

**********

Phụ lục:
Kinh Tinh hoa Trí tuệ siêu việt toàn hảo
(Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật,
Phước Nguyên dịch từ Phạn bản)

1. Bồ-tát Ārya-Avalokitésvara trong khi thể hiện sự nghiệpTrí tuệ siêu việt toàn hảo sâu thẳm”, vị ấy đã chiêm nghiệm: Đây là năm uẩn; và vị ấy thấy chúng là KHÔNG trong tự tính.

2. Này Śāriputra! SẮC ở đây là TÍNH KHÔNG, TÍNH KHÔNG là SẮC; SẮC không khác TÍNH KHÔNG, TÍNH KHÔNG không khác SẮC; SẮC chính là TÍNH KHÔNG, TÍNH KHÔNG chính là SẮC. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng vậy.”

3. Này Śāriputra! Tất cả pháp ở đây, có đặc điểmTÍNH KHÔNG: “Chúng không sinh khởi, không tiêu diệt; không cấu nhiễm, không phải không cấu nhiễm;  không tăng trưởng, không tổn giảm”. 

Vì vậy, này Śāriputra, trong TÍNH KHÔNG: “Không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến: không có ý thức giới; không có minh, không có vô minh, không có sự diệt tận của minh, không có sự diệt tận của vô minh, cho đến: không có tuổi già và sự chết, không có sự diệt tận của tuổi già và sự chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí, không có đắc; và không có hiện chứng, bởi vì không có thủ đắc.

4. Do y chỉ trên “Trí tuệ siêu việt toàn hảo” của Bồ-tát, mà vị ấy an trú với tâm không bị bưng kín, vì không có những sự bưng kín trong tâm mình, nên Ngài không có sợ hãi, và mộng tưởng điên đảo đã viễn ly, Niết-bàn đã được cứu cánh.

Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tạivị lai, do y chỉ trên “Trí tuệ siêu việt toàn hảo” mà chứng nghiệm: “Vô thượng chánh đẳng Bồ-đề”.

5. Vì vậy, nên biết “Trí tuệ siêu việt toàn hảo”: Là thần chú vĩ đại, là thần chú của minh huệ vĩ đại, là thần chú tuyệt đỉnh, là thần chú vô giá, có thể trừ diệt toàn bộ khổ đau; đó là chân thật vì không sai lầm; đây là thần chú được công bố trong kinh Bát-nhã ba-la-mật, điều ấy như vầy:

gate, gate, pāragate, pārasaṅgate, bodhi, svāhā!
(Đi qua, đi qua, qua đến bờ bên kia, qua đến bờ kia hoàn toàn, thì có giác ngộ, ngài khéo nói).
_______________________________________

*THAM KHẢO CÁC BẢN PHẠN KINH KIM CANG:
- Để bản: Vajracchedika Prajnaparamita, Based on the ed. by P.L. Vaidya in: Mahayana-sutra-samgrahah, Part 1.
Darbhanga: The Mithila Institute 1961 (Buddhist Sanskrit Texts, 17).
- Prajñāpāramitā-sūtra Vajracchedikā, ed. F. Max Müller, 1881.
- Prajñāpāramitā-sūtra Vajracchedikā, ed. F. E. Pargiter, 1916.
- Vajracchedika Prajnaparamita, Based on the edition by Paul Harrison and Shogo Watanabe in: Buddhist Manuscripts, vol. 3,
ed. by Jens Braarvig, Oslo 2006 (Manuscripts in the Schøyen Collection), pp. 89-132.
- Vajracchedika Prajnaparamita, Based on G. Schopen, "The Manuscript of the Vajracchedikā Found at Gilgit", in: Studies in the Literature of the Great Vehicle, Three Mahāyāna Buddhist Texts,
ed. L.O. Gomez and J.A. Silk, Ann Arbor 1989, pp. 89-141.
- Prajñāpāramitā-sūtra Vajracchedikā, ed. Paul Harrison and Shōgo Watanabe, 2006

PHƯỚC NGUYÊN DỊCH VÀ CHÚ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 494)
Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúngTỳ-khưu, đi đến Kesaputta, thị trấn của người Kalama.
(Xem: 1963)
Kinh này nói về cái chết, vô thường, mất mát… Kinh này không nói về vô ngã, nhưng nói rằng phải xa lìa “cái của tôi,”
(Xem: 1570)
Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin Đức Phật chỉ định ...
(Xem: 1916)
Phật từ tướng bạch hào Phóng quang khắp thế giới Hội thượng Phật Bồ Tát Tán thán Phật Tỳ Lô
(Xem: 2412)
Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, khu vườn của ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Girimānanda bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
(Xem: 2371)
Tôi nghe như vầy: Một thời đức Bạc già phạm ở thành Vương xá, trong đỉnh Thứu phong, cùng chúng đại tỳ kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị đều đến tụ tập.
(Xem: 2654)
Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở tại tịnh xá Cấp cô độc, vườn Kỳ-đà, gần thành Xá-vệ.
(Xem: 2570)
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến. Chỉ có pháp hiện tại, Tuệ quán chính ở đây,
(Xem: 4314)
Thiền quán về Duyên khởi Tính không và giai đoạn hậu thiền với mục đích làm tăng trưởng những phẩm hạnh cao quý.
(Xem: 10396)
Nghi Lễ Hàng Ngày NS Thích Nữ Giới Hương biên soạn
(Xem: 31556)
Vua và phu nhân gởi thơ cho Thắng Man, đại lược ca ngợi công đức vô lượng của Như Lai, rồi sai kẻ nội thị tên Chiên Đề La đem thư đến nước A Du Xà... HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 5228)
Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Phật ở chùa Kỳ Viên thuộc thành Xá Vệ do Cấp Cô Độc phát tâm hiến cúng.
(Xem: 13127)
Trong các bản Kinh Pháp Cú, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú Nam Truyền, tức là Kinh Pháp Cú dịch theo Tạng Pali.
(Xem: 12628)
Có lần Đức Phật sống tại Rajagaha (Vương Xá) trong Khu Rừng Tre gần Nơi Nuôi Những Con Sóc. Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn tên là Akkosa Bharadvaja đã nghe người ta đồn đãi như sau:
(Xem: 15358)
Tôi nghe như vầy. Có lần Đức Phật, trong khi đi hoằng pháp ở nước Kosala nơi có một cộng đồng rất đông Tỳ Kheo, ngài đi vào một tỉnh nhỏ nơi cư trú của người Kalama
(Xem: 10933)
Kinh này khởi đầu bằng lời người Bà La Môn hỏi rằng làm thế nào người ta có thể tự thanh tịnh hóa khi nhìn thấy một vị Thượng nhân đã Thanh tịnh,
(Xem: 11493)
Bài kinh này trong đoạn cuối (bài kệ 787), câu “không nắm giữ gì, cũng không bác bỏ gì” được Thanissaro Bhikkhu ghi chú rằng ...
(Xem: 11906)
Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại sĩ Akṣayamatir[1] từ chỗ ngồ đứng dậy, vắt thượng y[2] qua một bên vai, chắp hai tay[3] hướng về đức Thế Tôn và thưa rằng:
(Xem: 17590)
Evaṃ me sutaṃ, “như vầy tôi nghe”, là lời Ngài Ananda bắt đầu mỗi bài kinh mà có lẽ không Phật tử nào là không biết.
(Xem: 7913)
Sa-môn Thích Đàm Cảnh dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc, vào thời Tiêu-Tề (479-502). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, tại Canada, năm 2018.
(Xem: 5637)
Nói kinh Pháp cú Bắc truyền, được kết tập bằng tiếng Phạn, là để phân biệt với kinh Pháp cú Nam truyền, được kết tập bằng tiếng Pāli.
(Xem: 17699)
Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy".
(Xem: 14860)
Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá.
(Xem: 18706)
Vào thời Đức Thích-ca-mâu-ni, không có hệ thống chữ viết được phổ biếnẤn Độ. Do đó, những thuyết giảng của Ngài được ghi nhớ và ...
(Xem: 13513)
"Lại nữa, lúc bấy giờ Mahāmati thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, ngài đã từng dạy rằng: từ lúc Như Lai chứng nghiệm giác ngộ cho đến...
(Xem: 17765)
Nghe như vầy, một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm vị. Bấy giờ các thầy Tỳ Kheo...
(Xem: 15348)
No. 699; Hán dịch: Đời Đại Đường, Trung Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Địa bà ha la, Đường dịch là Nhật Chiếu
(Xem: 17228)
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, bắt đầu chuyển pháp-luân, độ cho năm vị Tỳ-Khưu là Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v... Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu-bạt-đà-la.
(Xem: 13604)
Kinh Phạm Võng nằm trong Đại Chánh Tạng, tập 24, ký hiệu 1484, gọi đủ là Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập
(Xem: 13104)
Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã...
(Xem: 12744)
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đây,,,
(Xem: 16820)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0434; Dịch Phạn - Hán: Tam Tạng Cát-ca-dạ, Dịch Hán - Việt và chú: Tỳ-kheo Thích Hạnh Tuệ; Hiệu đính: HT Thích Như Điển
(Xem: 15128)
Phật giáo được khai sáng ở Ấn-độ vào năm 589 trước kỉ nguyên tây lịch (năm đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo), và đã tồn tại liên tục, phát triển không ngừng trên ...
(Xem: 13033)
Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Dược Sư là một bản kinh thường được trì tụng nhằm mục đích giải trừ tật bệnh, cầu nguyện bình an...
(Xem: 16375)
Kinh chuyển Pháp luân là bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca sau khi Ngài đã đắc đạo.
(Xem: 14283)
Những gì xảy ra trong thế giới này đều bị qui luật Nhân quả chi phối. Mọi thứ xuất hiện ở đời đều có nhân duyên. Hạnh phúcthế gian hay Niết bàn của người tu đạo không ra ngoài qui luật ấy.
(Xem: 15634)
Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana...
(Xem: 22382)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bài Kinh được truyền bá khá rộng rải ở các Tồng Lâm Tự Viện của Trung QuốcViệt Nam từ xưa đến nay.
(Xem: 14170)
Bản dịch này được trích ra từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Vol. 48, No. 2010. Bởi vì lời dạy của Tổ Tăng Xán quá sâu sắc, súc tích, và bao hàm trong 584 chữ Hán,
(Xem: 11813)
Dịch từ Phạn sang Tạng: Kluḥi dbaṅ-po, Lhaḥi zla-ba; Dịch Tạng sang Việt: Phước Nguyên
(Xem: 15488)
Bấy giờ Hòa Thượng Vakkali nhìn thấy Đức Phật đang đi đến từ xa, và ông đã cố gắng ngồi dậy.
(Xem: 22299)
Xin dâng hết lên Tam Bảo chứng minh và xin Quý Ngài cũng như Quý Vị tùy nghi xử dụng in ấn tiếp tục hay trì tụng cũng như cho dịch ra những ngôn ngữ khác...
(Xem: 15223)
Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG, liền qua hết thảy khổ ách.
(Xem: 15696)
Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ.
(Xem: 12908)
Đây là kinh Pháp Quán Phạm Chí. Khung cảnh dựng lên cho kinh cũng giống như khung cảnh của kinh thứ mười một...
(Xem: 16369)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, kinh văn số 1680, luận tập bộ toàn. HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 11874)
Một thời, đức Bhagavat trú tại Vārāṇasi, nơi xứ Ṛṣipatana, trong rừng Mṛgadāva. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói:
(Xem: 11660)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32, luận tập bộ toàn, kinh văn 1671; HT Thích Như Điển dịch sang tiếng Việt.
(Xem: 13488)
Kinh Bát Đại Nhân Giác này của Đại Sư An Thế Cao từ nước An Tức sang Trung Quốc vào thời Hậu Hán (năm 132-167 sau công nguyên) soạn dịch.
(Xem: 15647)
Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ...
(Xem: 18033)
Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo.
(Xem: 12492)
Tôi nghe như vầy. Có một lúc, Đức Phật đã sống ở gần Xá Vệ (Savatthi) trong Khu Rừng Kỳ Đà (Jeta Wood) ở tu viện Cấp Cô Độc
(Xem: 12133)
Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngoại đạo ngồi...
(Xem: 13136)
Lời dạy của Đức Phật được kiết tập thành kinh điển và bảo lưu trong nhiều truyền thốngbộ phái Phật giáo.
(Xem: 55868)
Toàn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt trên 203 tập đã dịch và in xong...
(Xem: 16435)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ...
(Xem: 14991)
Nếu thấy thân người nữ Cùng với vẻ diễm kiều Người ngu không biết rõ Vọng sinh ý dâm nhiễm.
(Xem: 12061)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1691. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 14010)
Được nghe Đức Phật đích thân thuyết pháp là một nhân duyên hy hữu, một công đức vô lượng, và may mắn hãn hữu trong đời.
(Xem: 13626)
Lời Đức Phật dạy rất mực thâm sâu. Kinh nào cũng cần nghiền ngẫm, cần tu học với từng lời dạy một.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM