Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Kinh Kim-cang Giảng-lục

30 Tháng Mười 201611:20(Xem: 20523)
Kinh Kim-cang Giảng-lục
PHẬT LỊCH 2514
KINH KIM-CANG GIẢNG-LỤC
DƯƠNG LỊCH 1970 (CHÉP LẠI  - DL:2013 & 2016)

GIẢNG  - GIẢ: THÁI -  HƯ   ĐẠI -  SƯ
BIÊN – GIẢ: HUÂN – CẦM   CƯ – SĨ
DỊCH – GIẢ: THÍCH – HUỆ - HƯNG

Kinh Kim-cang Giảng-lục

 CHÙA TUYỀN  - LÂM TÁI BẢN
   LỜI GIỚI THIỆU

Trí Phật là trí Kim – cang, Thân Phật là thân Kim – Sắc, cõi Phật là cõi Hoàng – kim, lời Phật tất nhiên là lời vàng.
 
Kinh Kim – Cang Bát – nhã Ba – la – mật nầy, Phật nói ra cho Đại- Chúng tại tinh- xá Kỳ- Hoàn, là do ông Tu-Bồ-Đề trước kia ở trong hàng Thanh-Văn muốn tiến đến quả vị cứu cánh của Đại- thừa, nên ông ân cần thỉnh Phật khai ngộ cho ông.

Đấng Kim-thân dùng Kim-cang trí, từ Kim-khẩu đưa ra những lời êm dịu, quý như vàng ròng, sáng suốt như ngọc ma- ni bảo-châu, chỉ rõ thật-tướng các Pháp, cùng chổ tuyệt-đích của đạo giải-thoát, làm cho bao nhiêu mê lầm cố chấp của ông Tu- Bồ-Đề đều được phá tan như làn mây trước gió.

Sau khi Đức Thế-Tôn thâu thần nhập diệt, các đệ tử của Phật với mục đích lưu truyền lại cho đời sau, mới thỉnh các bực Đại A-La-Hán hội hợp lại, để kiết tập những lời vàng của Phật lại thành Kinh.
Đến đời Dao-Tần có Ngài Cưu-Ma-La-Thập dịch bảng chữ Phạn ra ra chữ Trung-Hoa, văn từ lưu loát, ai xem cũng thích, nhờ đó mà có nhiều vị chứng ngộ được Chơn-Tâm.

Đến thời kỳ Trung-Hoa Dân-Quốc năm thứ 13, có Ngài Thái-Hư Đại-Sư lão thông tam-tạng và rất uyên thâm Phật-lý. Ngài diển giảng kinh này một cách hoạt-bát, thính giả nghe không biết chán.
Nay ở Việt Nam, nhờ có đủ duyên lành, Thượng Tọa Thích-Huệ-Hưng đã dịch bộ kinh quý giá nầy ra chữ Việt; lối hành văn rất giản dị, xem qua ai cũng có thể thâu nhập dễ dàng.
Vậy tôi xin nhất tâm tùy hỷ và tha thiết giới thiệu cùng quý thiện-tín. Mong rằng quý vị y kinh này mà ngộ được thật-tướng các Pháp và thẳng đến quả vị Vô-thượng chánh-đẵng chánh-giác.

Nam mô A Di Đà Phật.
Viết tại chùa Phật- Quang
   Ngày 15-02- 1955
Sa-môn Thích-Phước-Cần


LỜI NÓI ĐẦU

Quả vị Bồ-Đề vô-thượng (địa-vị giác-ngộ hoàn toàn tối thượng) chỉ được hình thành và đi đến tột bực với trí Kim-Cang Bát-Nhã, chớ không thể lập thành trên vọng-tưởng đảo điên của phàm phu ngoại-đạo. bởi vậy chư Phật Bồ-tát, sau khi Y nơi trí-huệ Bát-Nhã để đoạn vô-minh và chứng thật- tướng của vũ-trụ vạn-hữu, các Ngài đều đinh- ninh dạy lại cho chúng-sanh pháp-bảo vô-thượng mà mình đã từng tu từng chứng. Các Ngài có khi dùng quyền-trí để chỉ rỏ tánh chân-không diệu- hữu. Song, tóm lại không ngoài mục-đích khai thị cho chúng-sanh bỏ vọng-tâm cầu thật-trí, nhân thật-trí chứng thật-lý mà thôi vậy.

Bộ Kinh Kim-Cang là một bộ Kinh Phật dạy về cái trí chân-thật đó. Đọc đến Kinh văn, suy ngẩm lời Phật, nhiên-hậu sẽ thấy trí Bát-Nhã là một thứ trí chân-thật sáng suốt vô cùng vô tận trong đó không dung có một mảy may vọng-tâm, hoặc vọng-tướng nào. Chẳng hạn như tướng ta tướng người, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả của vọng-tưởng hiện ra, tất cả tướng ấy đều không thể tồn tại với trí Kim-Cang Bát-Nhã được.
Vì lẽ, hễ còn có tướng là còn có sanh có diệt, hư vọng, hẹp hòi, hạn cuộc, không phải là thật- tướng vô cùng, bao la phổ biến của sự vật.
 
Nếu trong tâm còn bị những tướng giả dối kia ám-ảnh, thì mọi sự tu hành động tác đều bị buộc ràng trong vòng nhân-quả hữu-hạn của phàm tình, không phải như khi đã phát sanh trí Bát- Nhã, thì tạo nhân, nhân vô cùng, mà thọ quả, quả cũng vô tận. Quả giác-ngộ hoàn toàn (quả Phật).
Nhận thấy chỗ hệ trọng đó, nên ngài Tu-Bồ-Đề từng bao phen thưa thỉnh Đức Thế-Tôn, và được Đức Phật trả lời hết sức rành rõ.
Kinh này, nội dung tôn yếu, toàn chỉ bày thật- tướng các Pháp. Chư vị  hiểu rõ Kinh này, cũng tức là hiểu rõ thật-tướng Bát-Nhã.

Điều cốt yếu, muốn ngộ được tự-tánh Kim-Cang Bát-Nhã là cần dứt hẳn vọng-tâm, ly khai tứ tướng. Kim-Cang Bát-Nhã một khi phát hiện, thì bao nhiêu vọng-niệm kiến-chấp đều như sương mai dưới ánh nắng. Bấy giờ vô biên phước-đức, vô-thượng Bồ-Đề không cầu mà được.
Chính như trong Kinh đã nói: “ Tất cả chư Phật và pháp vô-thượng Bồ-Đề đều từ nơi Kinh nầy mà ra”

Vậy muốn đến chỗ tuyệt-đích của đạo giải-thoát, nếu rời ngoài Kinh Kim-Cang Bát-Nhã nầy, quyết định không thể nào được.

Nhận thấy “nghĩa thú” của Kinh Kim-Cang lợi ích như thế, và các bậc Cao-Đức cũng đã từng ngợi khen bộ Kinh Kim-Cang Giảng-Lục là giải- thích rất rõ ràng dể hiểu, nên tôi chẳng ngại văn- từ thô-thiển, nguyện dịch quyển Giảng-lục nầy từ Hán-văn ra Việt-văn, chủ yếu là để giúp ích phần nào cho quý bạn đồng-tu đồng-học.

ở trong đây, ngoại trừ văn kinh, về phần giải thích, tôi dịch cũng có nhiều chỗ thêm bớt đôi phần. Vậy nếu còn chỗ nào chưa thích đáng, cúi mong các Chư vị từ-bi  bổ-chính cho.



Nam mô A- DI- ĐÀ PHẬT                 
Dịch- Giả  kính bạch.
KINH
KIM - CANG BÁT –NHÃ BA – LA –MẬT
GIẢNG – LỤC

Nay diển nghĩa kinh Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La- Mật, trước hết xin được nói rõ tên kinh, và sau sẽ trình bày đến văn kinh,
Tên kinh là tám chữ “KIM-CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT KINH”.
KINH,- là “pháp thường”, ba đời chư Phật cũng không bao giờ thay đổi. Những “pháp-thường” từ Kim-khẩu của Phật nói ra đều gọi là kinh.
BA-LA-MẬT,- Dịch âm của tiếng Phạn “paramita”. Chữ MẬT dịch là “đáo”, chữ BA- LA dịch là “bỉ ngạn”, tức là “đáo bỉ ngạn”, (đến bờ kia). Như đi qua sông từ bờ bên nầy đến bờ bên kia vậy. Và Ba-La-Mật cũng có nghĩa là “sự cứu cánh”. Phàm việc gì, làm đến chỗ hoàn toàn rốt ráo, đều gọi là Ba-La-Mật.
BÁT-NHÃ- Âm theo Phạn ngữ “Prajna”, Tàu dịch là Trí-huệ.
KIM –CANG - Một thứ khoáng-vật, có tính chất rất cứng, chắc và sắc bén. Nó có công năng phá tan tất cả các vật khác mà không bị một vật nào phá tan nó được. Tính-chất rất cứng sắc bén ấy là bản lai sẳn có của nó, chẳng phải do ở một vật nào khác tạo thành, hay do một thứ nào rèn nên, nên tạm mượn nó để tỉ-dụ “Trí-huệ sẳn có của chúng-sanh”. Từ vô-thỉ đến nay, tất cả chúng- sanh đồng có Trí-huệ ấy. Khi chứng quả Thánh nó không thêm, lúc còn ở địa vị phàm-phu nó cũng không bớt, cũng không bị vô-minh làm mờ tối, trái lại còn phá tan vô-minh, như gió thổi mây tan, nắng làm tiêu sương mốc. Tuy là tịch chiếu như-như, mà không phải tịch, không phải chiếu, mà hằng tịch hằng chiếu. Đó là Kim-Cang Bát- Nhã vậy.
Nếu không có Kim-Cang Bát-Nhã, thì làm việc gì cũng không đến chỗ viên-mãn, cứu-cánh. Thế nên cần phải có Kim-Cang Bát-Nhã mới hoàn toàn rốt ráo (Ba-La-Mật) được.
Căn-cứ ngay nơi pháp thế-gian mà nói, thì ở đời bất-luận muốn làm một việc gì nếu không có Trí- huệ, quyết không làm xong. Mà dẫu có làm xong, cũng không đến chỗ hoàn toàn rốt ráo được.
Lại căn cứ nơi pháp-môn niệm Phật là pháp xuất- thế-gian mà nói, thì như người niệm Phật, nếu chưa gặp bậc Đại-Đức Trưởng-Lão chỉ dạy cho hiểu thấu cái chân-lý niệm Phật, thì người ấy không thể nào biết cách niệm. Dù có niệm cũng không chắc sẽ thành-công (vãng-sanh về thế giới Cực-lạc). Vì sao? Vì không có đủ Kim- Cang Bát-Nhã, không phá dẹp được tà-đạo, để giữ vững Chánh-pháp. Nhân đây xin nhắc lại câu cổ truyện:
Ngày xưa, có một người kia khi đang niệm Phật, lại bị một người bạn kêu tên anh mãi. Anh nổi giận hỏi rằng: tại sao bạn cứ kêu tên tôi mãi thế? Anh bạn đáp lai: Tôi kêu anh mới có vài trăm tiếng , anh đã nổi sân; còn như Anh niệm tên Phật Di Đà mỗi ngày trăm ngàn muôn tiếng, biết đâu Phật Di Đà cũng nổi sân, và phiền trách anh chăng? Anh ta nghe như thế, cho rằng niệm Phật tất là khinh lờn Phật, nên rồi từ đó anh không niệm Phật nữa.
Lại có một người hằng lâu chuyên tâm niệm Phật. Ngày kia gặp một vị Thiền-sư hỏi: Người niệm Phật là ai? Anh ngơ ngác không biết trả lời làm sao, rồi đâm ra ngờ vực, cho niệm Phậtvô ích không có kết quả gì , từ đó anh không màng đến chuyện niệm Phật nữa.
Hai mẫu chuyện trên chỉ rõ rằng, vì không đủ trí Kim-Cang Bát-Nhã, nên một khi gặp cảnh duyên chướng-ngại bên ngoài, liền thối mất tín-tâm, bỏ dở cả công phu từ trước.
Lại một người nữa, nghe lời Phật dạy “ở Phương Tây cõi Ta-bà nầy, cách mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực-lạc, nơi đó có đức Phật hiệu A-Di-Đà hiện đương nói Pháp, nếu người nào xưng niệm danh hiệu Ngài, từ một đến bảy ngày, một lòng chăm chú không tán loạn, đến khi mạng chung (chết) sẽ được sanh về quốc-độ của Ngài”, rồi ngày đêm chuyên niệm không ngớt.
Một hôm ông gặp vị Thiền-sư hỏi:
Như ông đây, khi cha mẹ chưa sanh về trước, là ai? Sau khi chết rồi ai vãng sanh?
Ông ta nghe hỏi, tâm thần bối rối, không giải quyết được. Từ đó, ông không còn gia công niệm Phật nữa.
Đây không chỉ lạ, chỉ vì minh không đủ Trí Kim- Cang Bát-Nhã, nên không hàng phục nổi người, trái lại bị người đánh đổ.
Nếu ngộ được trí Kim-Cang Bát-Nhã, thì Tâm mình với Phật tuy hai mà không hai; niệm Phậtniệm Tâm, Tâm niệm Phật ấy là Phật rồi, tuyệt không có thấy người niệm Phật (năng niệm), niệm Phật luôn luôn mà không có niệm chi hết, mình với Phật viên dung làm một, tuyệt không có ai là chúng-sanh, ai là Phật.
Niệm Phật như thế, tức là vãng sanh thế giới Cực-lạc, tức là được thọ-ký làm Phật, không có một biện-thuyết nào làm chướng-ngại được nữa.Thế tức là việc niệm Phật của mình được thành-tựu đến chổ viên-mãn cứu-cánh.
Song kinh này nói đến chỗ “viên-mãn cứu- cánh” là có một ý-nghĩa thù-thắng đặc-biệt. Vì kinh nầy là Pháp Đại-thừa để chỉ dạy các hàng Bồ-tát thực hành Lục-độ vạn-hạnh, để chứng đến quả Bồ-Đề Niết-Bàn của Phật, mới là viên- mãn cứu-cánh. Hàng Nhị-thừa chỉ chứng được quả “Trí-sanh-không” (ngã-không), ngã-chấp dù hết mà pháp-chấp vẫn còn, nên không được gọi là viên-mãn cứu-cánh.
Ông Tu-Bồ-Đề tuy là Thanh-văn mà không thích Pháp tiểu-thừa, muốn theo Đại-thừa, nên mới ân- cần cầu xin Pháp mầu vô-thượng để giúp cho sự tấn tu. Vì thế Đức Thế-Tôn ở giữa Đại-chúng, một ngàn hai trăm năm chục vị đại tỳ-kheo, tại Tinh-xá Kỳ-Hoàn, nói ra Kinh nầy, để cho ai nấy đều tỏ thấu Kim-Cang Bát-Nhã mà thẳng tới đạo quả Vô-thượng Bồ-Đề, Niết-Bàn cứu-cánh.
Trong Kinh nói: “Phát tâm Bồ-đề, tu Lục-độ vạn-hạnh mà không trụ-tướng, chính là hành-tướng của Kim-Cang Bát-Nhã, cũng chính là Diệu-pháp chứng được nhân và quả vô- thượng”. Rõ được nghĩa nầy thì biết được ý nói của Kim-cang bát-nhã Ba-la-mật là thế nào.
Trên đây, tên kinh đã trình bày xong. Tiếp theo xin được làm rõ về vấn đề Văn-kinh.
Kinh nầy là từ Kim-khẩu của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni nói ra, do ngài A-nan kiết-tập. Nguyên gốc chữ Phạn, sau truyền sang Trung Quốc, nhờ Ngài Đại Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập(1) dịch ra chữ Tàu.


1.- NHÂN DO PHÁP-HỘI
Kinh nầy từ trước không chia ra số mục, từng phần. Về sau Thái-tử Chiêu-Minh nhà Lương mới chia ra làm ba mươi hai(32) phần mà văn, nghĩa vẫn một mạch liên tiếp, không bị cắt đứt vì lẽ phần, số có riêng khác.
Phần thứ nhất gọi là “Nhân do Pháp-hội”. Khi Phật nhóm hợp đồ-chúng (đệ-tử) lại một chỗ để nói Pháp, gọi là “Pháp-hội”. Trong pháp-hội nói pháp, tất có nhân-duyên phát khởi. Riêng pháp-hội nầy khác hơn cả, chỉ lấy việc mang bát, xin ăn, rửa chân, trải tòa ngồi, các cử chỉ thông thường hằng ngày mà làm nhân-do nói Pháp.
Nếu y theo ba phần “duyên-khởi”, “chánh-tôn” và “lưu-thông” mà phân phán bộ kinh này thì phần nầy (nhân-do pháp-hội) hoàn toàn thuộc về phần duyên khởi.
Phần này chia làm hai:
1.- Duyên-Khởi Chung: (đồng với các kinh khác) từ câu “Như thị ngã văn” cho đến câu thiên nhị bá ngũ thập nhơn cu”.
2.- Duyên- Khởi Riêng: (Riêng ở bộ kinh nầy) từ câu “Nhĩ thời Thế-tôn” cho đến câu “phu tòa nhi tọa”.

Như thị ngã văn, nhứt thời Phật tại Xá-vệ quốc, kỳ-thọ Cấp-Cô-Độc Viên, dữ Đại-tỳ-kheo chúng, thiên nhị bá ngũ thập nhơn cu.
Như vậy tôi nghe, một thuở, Phật ở tại nước Xá-vệ, nơi Tinh-xá “Kỳ-thọ Cấp-Cô-Độc”, cùng chúng Đại tỳ-kheo, một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Đoạn nầy là nói rõ phần duyên-khởi chung. (chính là lời tín-sử chứng-cứ cho kinh này là ai nói, nói tại chỗ nào, trong thời kỳ nào và vì ai mà nói; do nơi Ngài A-Nan sau khi kiết-tập kinh điển đã ghi chép lại)- Duyên-khởi chung có sáu điều chứng-tín.
   1.- Như vậy: là chỉ cái pháp được nghe.
   Như :    là nghĩa quyết-định.
   Vậy  : là chỉ kinh nầy; cái pháp quyết-định được nghe kinh nầy.
   Hai chữ “Như vậy” là tổng quát cả Tôn-Chỉ của toàn-Kinh. Hễ rõ được tôn-chỉ của toàn- Kinh, tức rõ được thật-tướng các Pháp, rõ được Kim-Cang Bát-Nhã, rõ được Cứu-Cánh Vô-Thượng Bồ-Đề. Cho nên nói là Như Vậy.
   2.- Tôi Nghe: Là chỉ cho người nghe Kinh.
   Tôi là Ngài A-Nan tự xưng.
Nghe là tai nghe. Nghĩa là tự Ngài A-Nan thân-hành, trực tiếp bên Phật mà nghe, chớ không phải nghe người khác nói lại. Nhưng “Tôi”: là cái Giả-tướng của Bốn-đại, Năm-ấm hòa hợp liên tiếp nhau mà thành. Còn Tai, là cái Giả-hình, phía ngoài của Năm-căn, nếu không có Thức thì làm sao nghe được. Như thế sao gọi là Tôi nghe? Đây là tùy theo thế-tục nói là “Tôi nghe” cũng không có lỗi gì. – Nếu y theo thật-nghĩa mà nói, thì đó thuộc về nhân-duyên nghe. Nghĩa là không nghe mà vẫn nghe, nghe mà vẫn không có nghe. Người nói không có nói, có dạy chi, mà người nghe cũng không có nghe, có được gì. Nhân-duyên nghe là nhân-duyên hòa hợp như huyễn-hóa, không thật; từ không mà có, từ có mà vẫn không, nên nói có nghe hay không nghe cũng được. Vì khi nghe tiếng nói pháp đó, là tai nghe hay Thức nghe? Nếu có Tai mà không có Thức, thì làm sao mà nghe được.  Còn có Thức mà không có Tai và tiếng nói bên ngoài, thì cũng không thể nào nghe được. Do Căn, Trần, Thức hòa-hợp mà giả có nghe. Bởi giả có nên không phải hoàn-toàn là không, tuy không phải hoàn-toàn không nhưng không phải là thật có. Không phải có, không phải không, đó là Thật-nghĩa (nghĩa-lý chân thật).
   3.- Một Thuở: chỉ thời gian nói kinh.
   Một : là số lượng.
   Thuở : thời-gian.
   Tức là xa chỉ có thời gian có số lượng của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni nói kinh nầy ở Tinh-xá Kỳ-Hoàn tại nước Xá-Vệ.
   4.- Phật : Chỉ người nói Kinh.
Phật: Nói cho đủ theo tiếng Phạn là Phật-Đà (Buddha), Tàu dịch là Giác-Giả. Nghĩa là tự mình Giác-ngộ rồi lại dạy cho người khác được giác-ngộ như mình, và công hạnh giác-ngộ đã được hoàn toàn rốt ráo. Chính là danh hiệu của Đấng đầy đủ muôn đức, do Trí Kim-Cang Bát-Nhã đạt đến biểu Diệu-Trang-Nghiêm Cứu-Cánh Viên-Mãn vậy.
   5.- Nước Xá-Vệ Tinh-xá Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc: là chỉ nơi nói kinh.
   Nơi nói kinh có hai: Chung và Riêng. Chung là nước Xá-Vệ. Riêng là Tinh-xá Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc.
Nước Xá-Vệ lời nơi Đức Phật ngự, do nhân duyên của Trưởng giả Tu-Đạt-Đa mời thỉnh. Nước nầy ở về miền Trung xứ Ấn Độ.
    Tinh-Xá Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc cũng gọi là Tinh-Xá Kỳ-Hoàn.
Hồi ấy, trong nước Xá-Vệ có một vị đại thần trung thành của vua Ba-Tư-Nặc tên là Tu-Đạt-Đa. Ông là người tin Phật, vâng giữ năm giới. Không sát-hại, trộm cắp, tà-dâm, nói dối và uống rượi. Ông lại có tánh nhân-từ, ưa bố-thí, cứu giúp kẻ cô cùng khốn khổ, nên người đời đặt cho ông cái tên là Cấp-Cô-Độc.
Ông muốn lập một ngôi Tinh-Xá để thỉnh Phật về thuyết Pháp độ-sanh. Ông đi tìm một khoảng đất để xây cất Tinh-Xá, nhưng tìm mãi chỉ thấy có sở vườn của Thái-tử Kỳ-Đà là hạp địa thế hơn cả. Sở vườn ấy rộng rãi, bằng thẳng, ước hơn tám mươi khoảng, ở cách thành vua không xa mấy. Trong vườn có nhiều cây-cối um-tùm, mát mẽ, có suối chảy, ao tắm sạch-sẽ, rất thuận tiện cho nhà tu-tĩnh.
Nhận thấy chỗ đất tốt ấy, ông Tu-Đạt-Đa đến năn nỉ Thái-tử Kỳ Đà để mua lại. Thái tử mỉm cười đáp:
-    Nếu ông có thể đem vàng ròng lót đầy vườn nầy, không chừa một khoảng đất trống nào, thì với giá ấy, tôi sẽ bán khu vườn này cho ông.
Ông Tu-Đạt-Đa vui vẽ gật đầu:
-    xin vâng, tôi sẽ trả theo giá Ngài đã định.
Thấy mình nói chơi mà người ta mua thật, Thái-tử vội lắc đầu:
-    Nói chơi chứ tôi không bán đâu.
Ông Tu-Đạt-Đa không chịu. Hai người một bên nói chơi một bên mua thật, cãi cọ nhau không thôi, định đem vụ ấy đến nhờ các vị đại thần trong nước phân xử.
Có vị lão thần thấy thế, can gián Thái-tử:
-    Điện hạ nói ra, phải giữ lấy lời, không nên nói chơi.
Thái-tử nghe lão thần nói thế, đành phải chịu bán.
Khi ấy ông Tu-Đạt-Đa liền sai người đem voi chở vàng đến lót, không bao lâu gần giáp hết khu vườn. còn một ít khoảng trống và các gốc Cây nữa là xong. Ông Tu-Đạt-Đa đứng ngẩm nghĩ hồi lâu; Thái-tử thấy thế tưởng là ông không muốn mua nữa liền nói rằng:
-    Thôi ông có chê đắt thì thôi, vàng đó trả lại cho ông còn vườn để lại cho tôi.
Ông Tu-Đạt-Đa cười nói:
-    Không, không phải tôi chê đắt đâu. Tôi còn đang suy nghĩ coi, bây giờ phải lấy vàng ở kho nào để lót cho vừa đủ các khoảng trống và bù các gốc cây nầy mà thôi.
Thái-tử Kỳ-đà đứng nhìn, nghĩ bụng: “ Chắc Phật có đạo lý gì cao thâm lắm, nên mới khiến cho ông nầy trọng đạo khinh tài đến thế”, liền bảo:
-    Thôi đủ rồi, đừng chở vàng thêm nữa. Bây giờ như thế nầy nhé! Vườn đất thuộc về ông, ông lập Tinh-xá cúng Phật. Còn cây trái thì thuộc về tôi, tôi cũng xin cúng tất cả cho Phật, vậy có được không?
Ông Tu-Đạt-Đa ưng thuận. Hai người đồng lập Tinh-xá và đồng đi rước Phật dâng cả vườn nhà, cây trái cho Ngài.
Đức Phật nhận lời, cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa-môn đều nhóm họp ở nơi đó. Từ đấy, trong thành Xá-Vệ lấy tên của Thái-tử và tên ông Cấp-Cô-Độc (Tu-Đạt-Đa) liên-hợp với vườn cây mà đặt tên nơi ấy, gọi là Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc Viên.
  6.- Chúng Đại-Tỳ-Kheo 1250 Vị: Là chỉ cho chúng nghe Pháp (Kinh Kim-Cang Bát-Nhã). Tỳ-Kheo: Tiếng Phạn (Bhiksu), tàu dịch: Khất sĩ (người đi xin) có hai nghĩa:
1. Trên thì xin Phật-pháp để nuôi tinh-thần.\
2. Dưới thì xin vật thực để nuôi thân-mạng.
Đại: Tức là Lớn, là trong chúng Tỳ-Kheo có đủ đức lớn và danh lớn. Chúng: tức là Tăng, không phải tên gọi riêng cho từng cá nhân, phải có bốn vị trở lên mới gọi là Tăng.
1250 vị: tức là số tổng cộng chúng Đại Tỳ-Kheo, cùng ở chung với nhau. Kinh Quá-khứ Hiên-tại Nhân-quả nói: Trưởng-giả Gia-Xá cùng bè bạn là 50 vị; ông Ưu-Lâu-Tần-Loa Ca Diếp Thầy trò là 500 vị; ông Na-Đề Ca-Diếp và Dà-Da Ca-Diếp thầy trò mỗi ông là (250 vị x 2) 500 vị; ông Xá-Lợi-Phất và ông Mục-Kiền-Liên, Thầy trò của mỗi ông là (100 vị x 2): 200 vị; cộng chung tất cả là 1250 vị.
Song kể về thính chúng trong pháp-hội thì rất đông không thể tính hết được; chỉ vì chúng Tỳ-kheo nầy, trước kia tu theo ngoại-đạo, sau gặp Phật, được Phật độ trước hết. Các vị ấy cảm ứng được hồng-ân của Phật độ cho ra khỏi ba cõi, giải-thoát sanh-tử, bởi cớ ấy nên luôn luôn theo hầu bên Phật.
Sáu điều chứng tín, giải nghĩa đã xong. Đó là những lai-lịch, sự tích từ xưa, có bằng chứng rõ ràng, quyết không phải do nơi Ngài A-Nan tự ý bịa đặt ra vậy.
Nhĩ thời Thế-Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá-Vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung, thứ đệ khất dĩ, hườn chí bổn xứ, phạn thực ngật, thâu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa.
Bấy giờ gần đến giờ ăn, Thế-Tôn đắp y, mang bát, vào đại-thành Xá-vệ xin ăn. Trong thành, theo thứ lớp từng nhà xin xong, Thế-Tôn trở về Tinh-xá dùng cơm rồi, cất y bát, rửa chân xong, trải tòa mà ngồi.
Đoạn nầy là phần duyên-khởi riêng. Nói rõ về việc đi khất thực và việc trải tòa mà ngồi.
Bấy Giờ: là chỉ thời gian Phật ở tại nước Xá-vệ, trong Tinh-xá Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc cùng chúng Đại Tỳ-Kheo 1250 vị.
Thế-Tôn: Danh-từ tôn xưng Đức Phật là bậc vô-thượng tối tôn ở trong đời.
Giờ Ăn: là lúc nói đi xin cũng là vào lúc các nhà cư-sĩ nấu nướng các món ăn đã xong. Phật và cư-sĩ ăn có giờ nhứt định. Nếu còn sớm quá, các nhà cư-sĩ làm món ăn chưa xong, nếu trễ quá, nếu trễ quá, các nhà cư-sĩ đã ăn cơm rồi, đều không phải là giờ đi xin. Không phải giờ đi xin mà đi xin, chẳng những người xin không xin được, mà người cúng thí cũng không cúng thí được, vì thế mình và người, đều buồn khổ, không an tâm.Cho nên Đức Thế-Tôn, trong thì hàm chứa đức cao cả, ngoài thì ban bố phước rộng dày, dẫu một hành vi hết sức nhỏ,cũng không điều nào không lợi-ích cho mình và người.
Đắp Y: Là lấy y đắp lên thân. Y có ba thứ: Thượng, Trung và Hạ. Lúc bình thường, đi đứng, làm công việc thời đắp y hạ (5 điều). Khi vào trong đại-chúng làm các pháp-sự, thời đắp y trung (7 điều). Lúc khất thực vào làng xóm đông đảo, cùng đi yết kiến Quốc-vương thời đắp y thượng (9 điều tới 25 điều). Đây là nêu rõ Phật có cái nghi-dung rất tề-chỉnh, dù gọi là người đi xin, nhưng không đồng với kẻ ăn mày, xin ăn tầm thường kia.
Mang Bát: là lấy tay bưng, cầm cái bát. Bát làm bằng sắt hoặc bằng sành, lớn nhỏ vừa cỡ người ăn; danh-từ chữ Hán gọi là ứng-lượng khí.
Đại-Thành Xá-Vệ: Tức là đô thành nước Xá-Vệ, vì Tinh-Xá ở ngoài thành, nên nói là vào thành xin ăn.
Xong: Là nói công việc đi xin đã rồi.
Thứ Lớp Xin: Là lần lượt thuận theo thứ lớp từng nhà mà xin, không bỏ nhà nghèo mà đến nhà giàu, cũng không bỏ nhà giàu mà đến nhà nghèo. Chính là nêu rõ đạo-lý bình đẳng vậy.
Khi xin được món ăn rồi, Thế-Tôn liền trở về Tinh-xá Kỳ-Hoàn mà ăn, chớ không phải xin xong ở chỗ nào liền ăn ở chỗ đó. Ăn rồi Ngài đem y bát dẹp cất, đoạn rửa sạch chân, sữa soạn chỗ ngồi, chỉnh-đốn-oai-nghi, rồi lóng thần yên ngồi vào Chánh-Định để toan nói pháp.
Phật, Bồ-tát, La-Hán đối với công-phu tự tu đều đã xong, dù là bậc La-Hán, sự sống và chết đã được tự chủ rồi, hà tất phải đi xin ăn làm chi? Đi xin ăn, sự thật là đi du phương để giáo-hóa, dắt dìu chúng-sanh biết nẽo tu-hành, và khiến cho chúng-sanh thành tựu công-đức bố-thí để đáp đền ơn nghĩa của chúng-sanh. Cho nên dù phần tự tu đã xong mà không một ngày nào chẳng làm những việc phương-tiện lợi ích cho chúng-sanh. Những người chưa phát tâm, làm cho phát tâm, người đã phát tâm làm làm cho thành thục, người đã thành thục thì làm cho sớm được giải thoát, mau chứng được Kim-Cang Bát-Nhã đến chỗ cứu-cánh viên-mãn, an trụ nơi pháp-giới thanh-tịnh. Vì thế, Phật mới nói kinh Kim-Cang Bát-Nhã vậy.
Đã là Trí Kim-Cang Bát-Nhã rồi, thì sự gì cũng vô-ngại, pháp gì cũng phát tâm hành trì và đi đến sự thành tựu rốt ráo Ba-LA-Mật. Tất cả việc làm hằng ngày toàn là việc Phật-Pháp. Đi, đứng, nằm, ngồi cũng là Phật-Pháp, cho đến cái tâm tánh bình thường, không chi chẳng phải là Phật-Pháp, Thần-Thông biến hóa đã là cái diệu-dụng vô-thượng của Phật-Pháp, thì mừng, giận, thương, vui, cười, nói, la, rầy đâu không phải là phương-tiện thiện-xảo của Phật-Pháp?
Nếu chưa rõ được Trí Kim-Cang Bát-Nhã, dù có thần thông dời non, lắp bể cũng là cái tà-thuật của yêu ma, ngoại đạo mà thôi. Dù có thiền-định muôn năm, cũng là cái phước-quả hữu-lậu ở cõi Nhơn, Thiên. Một khi phước báo hết rồi, đâu thoát được cái khổ của luân-hồi sinh-tử trong năm ngả (Trời, người, địa-ngục, ngạ-quỷ, và súc-sanh).
Vậy các ngài nên tham cứu, xét nghiệm kỹ-lưỡng Kim-Cang Bát-Nhã nầy, ai ai cũng sẳn có, thể nó bao la, trùm khắp pháp giới, không phải ở trong không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, mà ở cả trong, cả ngoài và chặng giữa, không thể nghĩ bàn, không thể chấp trước. Cứ tham cứu như vậy mãi, đến khi công-phu thuần-thục, tất nhiên có ngài khế ngộ.
Trái lại, nếu không tham cứu như thế, cứ rong ruổi tìm cầu, thấy nói Phật có đủ thứ Thần-thông, biến-hóa, như phóng-quang, phi-hành, chấn-động, đại địa v.v… rồi chấp chặt rằng thần-thông biến hóa như thế ,mới phải là Phật, thời đâu để phân biệt được chỗ sai khác với ngoại đạo. Điều này người tu-hành phải thận trọng lắm, hễ sai một hào-ly tất lạc xa cả nghàn dặm.


2. NGÀI HIỆN THIỆN THƯA THỈNH
Cứ theo 12 phần nghĩa của Ngài Lưu-Chi, thời phần nầy đã thuộc phần Chánh-Tôn.
Theo ngài Chiêu-Minh phân phán thì phần này còn thuộc về phần Duyên-khởi.
Thiện-Hiện: Tức là ông Tu-Bồ-Đề. Tiếng Phạn (Sabhuti). Tàu dịch là Thiện-Hiện, Thiện-Kiết Không-Sanh. Nhân khi sanh ông ra bao nhiêu kho đụn trong nhà một lúc bỗng nhiên trống không; các nhà thông thái cho là điềm lành (Thiện) mà lại (Kiết), nên đặt tên ông là Thiện-Hiện, Thiện-Kiết. Hơn nữa, ông Tu-Bồ-Đề hằng chuyên tu pháp “Không-định” và nghiên cứu nghĩa “Không” hơn hết, nên gọi là Không-Sanh.
Thưa Thỉnh: là dùng lời nói thưa bạch với Đức Thế-Tôn để thỉnh cầu ngài nói Pháp.
Thời Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề tại đại-chúng, tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp-chưởng cung kỉnh nhi bạch Phật ngôn:
Khi ấy Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai hữu, gối bên hữu quỳ sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:
 Đoạn nầy tả rõ nghi-thức thỉnh cầu nói pháp.
Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề: Trong thì ẩn hạnh Bồ-Tát ngoài thì hiện tướng Thanh-Văn; vì tuổi cao  đức trọng, nên xưng ông là Trưởng-Lão.
Muốn thỉnh Phật nói pháp, trước hết phải hiện vẽ cung kính, để tỏ lòng tôn trọng, nên ông Tu-Bồ-Đề đương khi ngồi trong chúng Đại Tỳ-Kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai bên hữu để tỏ rằng mình có thể kham lãnh pháp Đại-thừa; gối mặt quỳ sát đất để tỏ rằng an-trụ vào chỗ chân thật; chắp tay cung-kính để tõ rằng mình chiều uốn, phục-tùng không dám chống trái, rồi sau mới dùng lời thưa thỉnh Đức Thế-Tôn. Vì muốn tỏ bày sự cung-kính đầy đủ, chân-thật, nên ông dùng cả ba nghiệp (thân, khẩu, ý) để tiêu biểu. Như đứng dậy trịch y, gối mặt quỳ sát đấtchấp tay đều là Thân-nghiệp cung-kính. Bạch Phật rằng: là Ngữ-nghiệp cung-kính.
Đến sau hỏi về pháp mầu vô-thượng, từ chỗ phát-tâm cho đến chỗ kết quả của Thiện-nam, Tín-nữ là thuộc Ý-nghiệp cung-kính.
Thật ra trên việc làm của các Ngài, mỗi cử-chỉ động tịnh đều là cái khuôn-pháp, kiểu-mẫu không thể nghĩ bàn được.
- Hy-hữu Thế-Tôn! Như-Lai thiện hộ-niệm chư Bồ-tát, thiện phó-chúc chư Bồ-tát.
- Hy-hữu Thế-Tôn! Như-Lai khéo hộ niệm cho các Bồ-tát, khéo phó-chúc cho các Bồ-tát.
Đoạn nầy ngợi khen hạnh-đức của Phật. Thế-Tôn, Như-Lai đều là danh-từ để xưng Đức Phật.
Như: Là chứng được thật tướng như-như bất-động của các pháp.
Lai: là đến trong ba cõi giáo-hóa chúng-sanh; lại có nghĩa y như chư Phật quá-khứ mà trở lại cõi đời, để hóa độ chúng-sanh, nên gọi là Như-Lai.
Hy-Hữu: Cũng như nói hãn-hữu (ít có); nghĩa là Đức Thế-Tôn từ bỏ ngôi vua, quốc-thành trân-bão, xuất gia tu hành đầy đủ ba đức (Pháp-thân, Bát-Nhã, Giải-thoát) giáo-hóa cứu độ chúng-sanh, thật là bậc rất hiếm có nhất thế-gian và xuất-thế-gian.
Bồ-Tát: Tiếng Phạn, nói cho đủ là Bồ-Đề-Tát-Đõa (Bodhisattva) Tàu dịch là Giác-Hữu-Tình, tức người ở trong chúng hữu-tình mà tu-hành được giác ngộ. Lại cũng có nghĩa là bậc đem điều mình đã giác-ngộ, mà giác-ngộ lại cho chúng hữu-tình. Thế nên hễ ai phát-tâm Bồ-Đề đều có thể gọi là Bồ-tát.
Hộ-Niệm: Là hộ-vệ, tưởng niệm, làm cho nội-đức được thành tựu. Cũng như mẹ với con, mẹ nghĩ tưởng đến là con nên, bằng không nghĩ tưởng đến thì con hư. Bồ-tát cũng thế, Phật hộ-niệm cho, căn lành được thành-tựu, không hộ-niệm cho thì căn-lành phải hư hoại.
Phó-Chúc: là phó thác, dặn dò làm cho ngoại-đức được thành tựu. Như cha mẹ đem gia-nghiệp phó thác cho con và dặn dò cho thành lập được.
Khéo: Là Phương-tiện khéo-léo, ý nói là Đức Phật khéo tùy cơ giáo-hóa; vì khi Bồ-tát kham lãnh pháp-bão, phải lúc hộ-niệm, phó-chúc, thì Thế-Tôn liền ban cho pháp-bảo vô-thượng và luôn luôn hộ-niệm, phó-chúc.
Thế-Tôn ! Thiện-nam-tử, Thiện-nữ-nhơn phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà hàng-phục kỳ tâm ?
Bạch Thế-Tôn ! Những Thiện-nam, Tín-nữ phát cái tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác rồi nên trụ cái tâm ấy thế nào ? và hàng-phục cái tâm của họ thế nào ?.
Đoạn nầy là nói rõ những điều của ông Tu-Bồ-Đề thưa hỏi.
VÔ-THƯỢNG CHÁNH-ĐẲNG CHÁNH-GIÁC: Là dịch nghĩa của chữ A-nậu đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề: nói tắt là Phật quả (tức cái tâm giác-ngộ của người tu đã chứng quả).
Còn phát tâm bồ đề là: tức cái tâm giác-ngộ của người đang tu nhơn. Phàm phu bị che lấp chân-tánh, nên không thể gọi là Giác. Ngoại-đạo và Tiểu-thừa có phần tỏ-ngộ, nhưng chưa phải chánh-giác. Bồ-tát dầu chánh-giác nhưng chưa phải là vô-thượng chánh-đẳng (tột bực) ; duy chỉ có Phật mới là thành-tựu vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Ông Tu-Bồ-Đề hỏi Đức Thế-Tôn rằng: “Phàm những nam-tử, nữ-nhơn có căn lành mà chưa phát tâm Bồ-đề, làm thế nào mà phát được tâm Bồ-Đề ấy ? Và làm thế nào hàng phục được tâm phiền-não để khỏi tổn hại tâm Bồ-Đề”?
Đó là cái đạo lý cốt-yếu từ địa vị gieo nhơn giác-ngộ tấn tới địa vị đắc quả giác-ngộ, ý chỉ đây cũng đồng với ý trong Kinh Pháp-Hoa nói: Phật chỉ vì một nhân-duyên lớn mà ra đời, để khai thị “Tri-kiến-Phật” cho chúng-sanh và làm cho chúng-sanh ngộ-nhập “Tri-kiến-Phật” vậy, (Tri-kiến-Phật thì chúng-sanh ai cũng có nhưng phải có Phật khai thị cho và dạy bảo mới ngộ nhập).
Phật ngôn: Thiện tai ! Thiện tai ! Tu-Bồ-Đề như nhữ sở thuyết, Như-Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó-chúc chư Bồ-tát
Phật nói rằng: Hay thay ! Hay thay ! Tu-Bồ-Đề đúng như lời ông nói, Như-Lai khéo hộ-niệm cho các Bồ-tát, khéo phó-chúc cho các Bồ-tát.
Đây là lời Phật khen ngợi lời thưa thỉnh của ông Tu-Bồ-Đề.
Ông Tu-Bồ-Đề vốn là một bực Thanh-Văn mà biết hỏi đến việc Bồ-tát, nên Phật nói hai lần “Hay thay, hay thay” để khen ngợi rằng: “Thật đúng như lời ông nói, Như-Lai đối với các Bồ-tát, khéo hộ-niệm và khéo phó-chúc”.
Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết, Thiện-nam-tử, Thiện-nữ-nhơn phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề-tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm.
-Duy nhiên Thế-Tôn ! Nguyện nhạo dục văn.
Ông nay lóng nghe, tôi sẽ nói cho ông. Những Thiện-nam, Tín-nữ phát tâm Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác nên như vầy, hàng phục cái tâm như vầy…
- Dạ ! Bạch Thế-Tôn ! Con Xin muốn nghe.
Đoạn nầy Phật hứa đáp lời thưa hỏi của ông Tu-Bồ-Đề.
Lóng-Nghe: Nghe bằng cách thẩm xét chắc chắn. Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề phải nhất tâm lóng nghe, thẩm xét cho chắc chắn, Phật sẽ nói cho ông nghe.
Như Vầy: Chữ “Như vầy” của câu “Nên trụ như vầy” là chỉ về phần thứ tư “Diệu-hạnh vô-trụ” ở sau. Chữ “như vầy” của câu “Hàng phục cái tâm như vầy” là chỉ về phần thứ ba “Đại-thừa chánh tôn” kế đây.
Ý nói: Thiện-nam Tín-nữ, nếu phát tâm Bồ-Đề thì phải y như nghĩa ở sau nói không chỗ trụ mà trụ, không chỗ hàng phụchàng phục. Ông hỏi phép trụ tâm, thì không có tâm nào để ông trụ. Và ông hỏi phép hàng tâm, cũng không có tâm nào để cho ông hàng ! Chớ không phải riêng khởi cái tâm nào khác để an-trụ hay để hàng phục. Như muốn riêng khởi cái tâm khác để hàng-phục vọng-tâm và phiền-não tâm, thì ở trên vọng lại tăng thêm vọng, không thể hàng phục được.
Ngày xưa Nhị-Tổ Huệ-Khả đến Tổ-sư Đạt-Ma, cầu pháp an tâm. Tổ-sư bảo rằng: “Đem tâm ông lại đây tôi an cho”, Nhị-Tổ đáp: “Tôi tìm tâm không được”. Tổ-sư nói: “Tôi an tâm cho ông rồi đấy”. Việc nầy cũng như ý nói ở trên.
Dạ: tiếng đáp mau lẹ, tỏ ý nhận lời, vui vẻ xin nghe.

3.- CHÁNH-TÔN ĐẠI-THỪA
Thừa: Có nghĩa là chuyên chở đem đi, như xe cộ chở đồ vật đem đi từ chỗ nầy đến chỗ kia.
Đại: Là lớn, khác với nhỏ. Dụ cho Bồ-tát nương cổ xe lớn (Đại-thừa) Bát-Nhã, thẳng đến Phật quả. Không phải như xe (thừa) của phàm-phu hay Tiểu-thừa nương, chỉ đến sanh-tử hay Niết-bàn mà thôi.
Chánh-Tôn: Là tôn-chủ chánh, ý nói phần nầy là phần tôn-chủ chánh của Đại-thừa. Nhưng xét kỹ về phần tôn-chủ chánh, thì chẳng phải chỉ một phần nầy thuộc về tôn-chủ chánh, chẳng qua vì phần nầy là phần cương-lãnh của chánh-tôn Đại-thừa, nên gọi là phần “Chánh-Tôn Đại-Thừa”.
Phật cáo Tu-Bồ-Đề “Chư Bồ-tát ma-ha-tát, ưng như thị hàng phục kỳ tâm: sở hữu nhứt thiết chúng-sanh chi loại, nhược noãn-sanh, nhược thai sanh, nhược thấp-sanh, nhược hóa-sanh, nhược hữu-sắc, nhược vô-sắc, nhược hữu-tưởng, nhược vô-tưởng, nhược phi hữu-tưởng, phi vô-tưởng, ngã giai linh nhập Vô-dư Niết-Bàn, nhi diệt-độ chi”.
Phật bảo Tu-Bồ-Đề: “Các Bồ-tát lớn nên hàng-phục cái tâm như vầy: Hết thảy những loại chúng-sanh, hoặc trứng-sanh, hoặc thai-sanh, hoặc ướt-sanh, hoặc hóa-sanh, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, ta đều làm cho vào Vô-dư Niết-Bàn mà được diệt-độ”.
Đoạn nầy nói rõ chỗ phát tâm Bồ-Đề.
CHÚNG-SANH: Đại khái chia làm chín loại:
1.    –Trứng-Sanh: Do nơi trứng sanh ra, như các loài chim, gà, vịt…
2.- Thai-Sanh: Do thai nghén sanh ra, như loài người, trâu, bò, dê, chó…
3.- Ướt- Sanh: Nương chỗ ẩm ướt mà sanh, như các loại côn trùng v.v…
4.-Hóa-Sanh: Do biến hóa sanh ra, như lăng quăng hóa làm muỗi, cỏ mục hóa đom đóm…
5.- Có-Sắc: Chúng-sanh ở cõi Dục-giới, Sắc-giới có hình sắc thấy được.
6.- Không-Sắc: Chúng-sanh ở cõi vô-sắc, không có hình sắc thấy được.
7.- Có-Tưởng: Tất cả chúng sanh ở trong ba cõi, chỉ trừ ra chúng-sanh cõi trời vô-tưởng ( cõi nầy ở về từng tứ-thiền trong sắc-giới).
8.- Không-Tưởng: Chúng-sanh ở cõi trời vô-tưởng. đây là chúng-sanh ở cõi dục, cho rằng: Các sự khổ-não đều phát sanh từ nơi tư-tưởng, nên tu theo phép định vô-tưởng, được sanh lên cõi trời vô-tưởng, rồi tự cho là đã chứng quả giải-thoát. Nhưng sự thật thì không hẳn như vậy, vì trải qua sau 500 kiếp, khi phước báo đã hết rồi, lại cũng bị luân-hồi sanh-tử nữa.
9.-Chẳng Phải Có Tưởng Chẳng Phải Không Tưởng: Chúng-sanh ở từng trời Phi-phi-tưởng trong cõi vô-sắc. Chúng-sanh ở cõi nầy đồng như hư-không, không có thân thể và thế-giới. Chỉ có định mà không có huệ; sống lâu đến 80.000 (tám muôn) kiếp, rồi cũng bị đọa lạc trở lại trong tam-đồ lục-đạo.
Lúc Phật còn ở đời, có ông Uất-Đầu-Lam-Phất tu theo phép định Phi-phi-tưởng, trong khi lên một cảnh núi rừng,ngồi thiền tu tập, tai nghe chim kêu cá nhảy làm rối động, ông không chịu nổi, bổng khởi lên một niệm sân, tự nói rằng: “Ta nguyện ăn thịt hết chim cá nầy, để không còn làm chướng ngại ta nữa”. Ông nhập định như thế được một thời gian lâu. Khi Phật thành đạo rồi, liền muốn độ ông, nhưng đã trễ, vì ông đã sanh lên cõi trời Phi-phi-tưởng trước một ngày. Đức Phật mới than thở và có lời ký trước rằng: “Về sau ông sẽ làm con phi-ly (chồn bay) mà ăn thịt chim cá, đến khi quả ấy hết rồi lại đọa vào địa ngục.”. Ôi xem thế biết rằng: Ba cõi thật là một nhà lao-ngục lớn, thế giới là một biển khổ to, còn ngoại-đạo cũng như hầm hố sâu thẳm. Vậy người tu-hành, lẽ nào không cẩn-thận lắm ru!
Niết-Bàn:  Tiếng Phạn là (Nirvana), Tàu dịch là Viên-Tịch, Muôn đức tròn đủ là Viên, hai chướng dứt hết là Tịch.
Vô-Dư Niết-Bàn: Nghĩa là toàn đủ muôn đức, dứt hẳn tất cả phiền-não, nghiệp chướng khổ lụy, không còn sót lại một tý nào (cảnh giới Phật).
Diệt-Độ : Là dứt trừ nghiệp chướng, vượt khỏi biển khổ sanh-tử. Đức Thế-Tôn bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: Những Bồ-tát lớn muốn hàng-phục cái tâm, thì phải phát tâm cho rộng lớn. Thấy chúng-sanh trong ba cõi chín địa, bị luân-hồi sanh-tử, chìm đắm trong biển khổ thì phải khởi lòng thương xót, làm cho tất cả được huân-toàn tịch-tịnh, dứt hết chướng-ngại, đồng được độ thoát.
Như thị diệt-độ vô-lượng, vô-số, vô-biên chúng-sanh, thiệt vô chúng-sanh đắc diệt-độ giả. Hà dĩ cố ?- Tu-Bồ-Đề ! Nhược Bồ-tát hữu ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh tướng, thọ-giả tướng, tức phi Bồ-tát.
Diệt-độ vô-lượng vô-số vô-biên chúng-sanh như thế, mà thật không có chúng-sanh nào được diệt-độ. Bởi vì sao ? –Tu-Bồ-Đề ! Nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải Bồ-tát.
Đoạn nầy nói rõ cách hàng phục vọng tâm. (trả lời câu hỏi thứ hai : Vân hà hàng phục kỳ tâm. Hàng phục tâm phiền-não chỉ có một cách cứu-độ chúng-sanh mà không trụ-tướng).
Vô-Lượng, Vô-Số, Vô-Biên : Dùng để nói số rất nhiều.
Tướng Ngã : (ta) Là cái giả tướng của thân con người, do bốn đại, năm ấm hòa-hợp nối tiếp nhau mà thành, người đời tự chấp lấy nó làm Ta.
Tướng-Nhơn : (người) Là tướng tương-đối với tướng-ngã. Như ta đối với nhơn-loại, mà gọi người khác là người thời gọi là tướng nhơn (Người).
Tướng Chúng-Sanh : Tướng sai khác không đồng của chín loại chúng-sanh.
Tướng Thọ-Giả : Tướng của sanh mạng tiếp nối sống còn trong một thời-gian lâu.
Phàm loài hữu-tình đều đủ bốn tướng nầy, như đã xưng mình là Ta, thì mình có tướng Ta rồi. Ta có đủ tư-cách làm người, thì đó là tướng người. Ta thuộc về loài sinh-vật tức là tướng chúng-sanh. Ta có sinh-mạng tồn tại tức là tướng thọ-giả. Còn các nghĩa ở đoạn khác cứ lệ theo đây mà biết. Bồ-tát đã phát tâm rộng lớn, độ vô-lượng, vô-số, vô-biên chúng-sanh ở trong ba cõi, chín địa rồi, mà tâm không chấp trướcthật không có chúng-sanh nào được diệt-độ nên tâm không phiền-não,tự-nhiên hàng phục mà không tổn hại đến tâm Bồ-đề. Tại sao ? – Vì Bồ-tát độ chúng-sanh, mà không chấp lấy mình là người độ, chúng-sanh là kẻ được độ. Chính quán cái tướng Bồ-tát và chúng-sanh đều do nơi bốn đại, năm ấm hòa hợp nối tiếp nhau, cả thảy đều là rốt ráo thanh-tịnh, dù độ sanh mà không có người hay độ và kẻ được độ. Nếu Bồ-tát không quán-sát như thế, mà cho rằng ta có độ người, tức là chấp tướng ta ; cho rằng có người, có chúng-sanh được ta độ, tức là chấp tướng người, tướng chúng-sanh; thấy có tướng ta, tướng người, tướng chúng-sanh, hằng thời tồn-tại tức là chấp tướng thọ-giả.
Nói tóm lại, là chỉ chấp ở một cái tướng ta. Đã chấp cái tướng ta, thì bốn tướng đều có chấp đủ. Tâm đã có chấp, thời không thể nào hàng phục được. Tất cả phiền-não điên-đảo cũng đều do bốn tướng đó khởi lên. Như thế, đã chẳng bằng bực Thanh-văn chứng sanh-không (nhơn-không) thời đâu có được gọi là bực Bồ-tát, nhơn và pháp đều không.


4. – DIỆU-HẠNH VÔ-TRỤ
Phần nầy là đáp về lời hỏi : “Nên trụ thế nào ?”
Diệu-Hạnh : Thực hành vạn-hạnh, mà không thấy có làm hạnh chi hết, gọi là Diệu-hạnh.
Vô-Trụ : Đối với các pháp, tâm không trụ vào một pháp nào, gọi là Vô-trụ; tâm vô-sở-trụ ấy là tâm an-trụ vậy.
Phục thứ, Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố-thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố-thí. Tu-Bồ-Đề ! Bồ-tát ưng như thị bố-thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố ? Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố-thí, kỳ phước đức bất khả tư-lượng.
Lại nữa, Tu-Bồ-Đề ! Đối với pháp, Bồ-tát nên không trụ vào pháp mà bố-thí: nghĩa là bố-thí mà không trụ vào các pháp sắc, thinh, hương,vị, xúc, pháp. Tu-Bồ-Đề ! Bồ-tát nên bố-thí không trụ vào pháp tướng như thế. Bởi vì sao ? Nếu Bồ-tát bố-thí mà không trụ tướng, thì phước đức không thể nghĩ lường.
Đoạn nầy nói rõ về “Tu hạnh Bồ-tát không trụ-tướng, tức là trụ tâm Bồ-Đề”.
Bố-Thí : Là pháp đầu tiên của sáu độ mà gồm nhiếp cả sáu độ. Bố-thí có ba cách : 1- thí của. 2-thí pháp. 3- thí vô-úy.
Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp : Là sáu trần, nói sáu trần là đã bao quát cả sáu căn và sáu thức, cũng là gồm nhiếp tất cả các pháp.
Bồ-tát thực hành ba cách bố-thí, mà ở nơi người thí, kẻ thọ, của cho, cho đến nói, nín, động, tịnh, cúng-dường, cung-kính, nhân-quả báo-ứng, tất cả pháp tướng đó tâm đều không chấp trước, thế gọi là “Tâm không chỗ trụ” (Tâm vô-sở trụ)
Nhưng tại sao thực-hành bố-thí mà không chấp ở nơi các tướng người thí, kẻ thọ và của cho ? Bởi bố-thí không trụ tướng thì được phước đức nhiều đến không thể nghĩ lường.
Nếu bố-thí trụ tướng thì chỉ được phước báo hữu-lậu nhơn, thiên, còn có hạn-lượng, không phải đạo-lý an trụ tâm Bồ-Đề, cũng không phải đạo-lý tỏ được Kim-Cang Bát-Nhã vậy.
Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Đông phương hư-không khả tư-lương phủ ?
-    Phất dã, Thế Tôn !
-     Tu-Bồ-Đề ! Nam, Tây, Bắc phương, tứ-duy, thượng, hạ, hư-không khả tư-lương phủ ?
-    Phất dã, Thế-Tôn !
-    Tu-Bồ-Đề ! Bồ-tát vô trụ tướng bố-thí, phước đức diệt phục như thị, bất khả tư lượng.
Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Hư-không phương Đông có thể nghĩ lường được không ?
-Bạch Thế-Tôn ! Không.
-Tu-Bồ-Đề ! Hư-không cả phương Nam, Tây, Bắc, và bốn góc, trên dưới có thể nghĩ lường được không ?
- Bạch Thế-Tôn ! Không.
- Tu-Bồ-Đề ! Bồ-tát bố thí không trụ tướng, phước đức cũng không thể nghĩ lường được như thế.
Đoạn nầy Phật tỷ dụ để rõ biết phước đức rất nhiều của Bồ-tát bố-thí không trụ tướng.
Bốn-Góc : Là Đông-nam, Tây-nam, Đông-bắc, Tây-bắc, hiệp với sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới tức là 10 phương. Mười phương hư-không không thể nghĩ lường, ông Tu-Bồ-Đề đã sẳn biết. Nay nói phước đức bố-thí không trụ tướng, cũng như hư-không mười phương kia, không thể nghĩ lường suy tính được.
Tu-Bồ-Đề ! Bồ-tát đản ưng như sở giáo trụ.
Tu-Bồ-Đề ! Bồ-tát chỉ nên như lời Ta dạy đó mà an trụ.
Đoạn nầy kết luận rằng : “Cứ y như lời Phật dạy bố-thí không trụ tướng đó mà an trụ tâm Bồ-Đề”. (Trả lời câu hỏi : Vân hà ưng trụ).

5.- THẤY THẬT ĐÚNG LÝ
Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Khả dĩ thân tướng kiến kiến Như-Lai phủ ?
-    Phất dã, Thế-Tôn ! Bất khả dĩ thân tướng đắc kiến Như-Lai. Hà dĩ cố ? – Như-Lai sở thuyết thân tướng, tức phi thân tướng.
Tu-Bồ-Đề ý ông thế nào ! có thể do nơi thân tướng mà thấy được Như-Lai không ?
-    Bạch Thế-Tôn ! Không, không thể do nơi thân tướng mà thấy được Như-Lai. Bởi vì sao ? – Như-Lai nói thân tướng tức chẳng phải là thân tướng.
Ở trước đã nói rằng : “Đối với Pháp, làm việc bố thí không trụ tướng, như thế thì làm sao thanh-tựu được thân tướng Phật ?
Đó là vì pháp-thân Như-Lai, tuy chẳng phải là tướng, nhưng cũng chẳng ly tướng, tất phải ngộ đúng lý mới thấy thật được, chớ không thể chấp trước 32 tướng kia là pháp-thân Như-Lai. Vì muốn chứng minh coi ông Tu-Bồ-Đề đã rõ nghĩa nầy chưa, nên Đức Phật mới hỏi để nghiệm coi ông có phải thấy thật đúng lý chăng ? Nếu phải thấy thật , thì đã đủ Trí Kim-Cang Bát-Nhã, và chính nơi thân tướng, vẫn thấy được pháp-thân Như-Lai. Còn không phải thấy thật, thì chưa phải là Trí Kim-Cang Bát-Nhã, dù không chấp chân tướng, cũng không thấy được pháp-thân Như-Lai.
Từ xưa, trong Tông-môn (Thiền-tôn) chỉ chuyên dạy cho người tự tỏ ngộ lấy, mới thấy thật được. Nếu không phải vậy, chỉ giỏi miệng nói suông thôi, không phải thật có Trí-huệ. Cũng như người đói nói chuyện ăn, người nghèo đếm vật báu của nhà phú-hộ, rốt cuộc cũng chẳng ích chi. Như ông Tô-Đông-Pha, tự xưng mình là bậc “ Bát phong xuy bất-động” (Tám thứ gió thổi không lay động ấy là : được, mất, dìm, tưng, khen, chê, khổ và sướng) bị ngài Phật-Ấn chọc cho một câu, liền động tâm phát cáu. Nên biết đó là tâm chưa tương-ưng với chỗ hiểu biết vậy.
Thân Tướng : Tướng sắc thân có thấy được, như thân Phật đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Ông Tu-Bồ-Đề tuy thị hiện làm Thanh-Văn, mà tâm đã lãnh ngộ rằng hình tướng Phật, Bồ-Tát, Chúng-sanh đều là ảnh tượng bị duyên của tự-tâm phân biệt vọng tưởng, chớ không phải thật có. Nên một khi ông nghe Phật hỏi : Có thể do nơi thân tướng mà thấy được Như-Lai chăng ? Ông liền đáp : Không. Bởi vì thân tướng của Như-Lai nói đó, tức là cái giả-tướng của bốn đại, năm ấm hòa hợp tương tục, chứ không phải là thân tướng chân thật.
Phật cáo Tu-Bồ-Đề : Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như-Lai.
Phật bảo Tu-Bồ-Đề : Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy rõ các tướng chẳng phải tướng, tức là thấy Như-Lai.
Đoạn nầy nói rõ chẳng những thân tướng kia tức chẳng phải là thân tướng Phật, mà phàm tất cả các tướng của căn thân thế-giới, hình hình, sắc sắc chi cũng đều là hư-vọng giả-dối, như hoa trong gương, trăng dưới nước, toàn không có tướng gì chân-thật cả.
Nếu hiểu rõ các tướng đều hư dối như thế, tức là rõ thấu được thật tướng các pháp, tức là trí-huệ vô-thượng, tức là diệu-tâm Kim-Cang Bát-Nhã, tức là đã thấy pháp-thân Như-Lai, không thể nệ chấp tu hạnh bố-thí trụ tướng mà thành-tựu được sắc-thân Phật vậy.

6.- CHÁNH-TÍN RẤT ÍT CÓ
Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn :
-    Thế-Tôn ! Phã hữu chúng-sanh đắc văn như thị ngôn thuyết chương cú, sanh thật tướng phủ ?
-    Phật cáo Tu-Bồ-Đề :
-    Mạc tác thị thuyết.
Như-Lai diệt hậu, hậu ngũ bá tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú, năng sanh tín tâm, dĩ thử vi thật.  Đương tri thi nhơn, bất ư nhứt Phật, nhị Phật tam ,tứ, ngũ Phật nhi chũng thiện căn, dĩ ư vô-lượng, thiên vạn Phật sở, chũng chư thiện-căn, văn thị chương cú, nãi chí nhứt niệm sanh tịnh tín giả. Tu-Bồ-Đề ! Như-Lai tất tri, tất kiến thị chư chúng-sanh, đắc như thị vô-lượng phước đức.
Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng :
-    Bạch Thế-Tôn ! Có nhiều chúng-sanh được nghe những câu văn lời nói đây, rồi sanh lòng tin thật chăng ?
Phật bảo Tu-Bồ-Đề :
-    Chớ nói lời ấy.
Sau khi Như-Lai diệt-độ, đến thời kỳ 500 năm sau, có người trì-giới tu phước đối với câu văn lời nói đây hay sanh lòng tin, cho đó là thật. Hãy biết người đó vun trồng căn lành chẳng những ở nơi một vị Phật, hai vị Phật, ba, bốn, năm vị Phật, mà đã vun trồng các căn lành ở vô-lượng nghìn muôn vị Phật rồi. Người nghe câu văn lời nói đây cho đến một niệm, sanh lòng tin trong sạch.- Tu-Bồ-Đề ! Như-Lai đều biết rõ, thấy rõ những chúng-sanh ấy được phước đức vô-lượng.
Đoạn nầy nói rõ về người tin lãnh được kinh nầy.
Đoạn trước nói rõ : Tuy tu cả vạn hạnhkhông chấp cái tướng người tu và pháp tu, thì pháp tu ấy rất là ít có, khó tin, nên ông Tu-Bồ-Đề mới bạch Phật rằng : Có nhiều chúng-sanh được trực tiếp nghe pháp mầu vô-thượng thậm thâm nói trên đó, rồi sanh lòng tin thật chăng ?
Phật bảo : Ông chớ có nghi rằng : trong những người hiện tại trực tiếp nghe pháp đây, có người không tin lãnh, chính ở đời sau nầy, cũng còn có người khởi lòng tin lãnh được kia !
500 Năm Sau : Thời-kỳ chánh-pháp của Phật Thích-Ca có 500 năm. Tượng-pháp có 500 năm. Còn 500 năm nói đây tức là sau thời-kỳ Tượng-pháp thuộc về Mạt-pháp vậy.
Sau thời-kỳ tượng pháp. Phật-pháp lần suy đồi, có những người xuất-gia trì giới, người tại-gia tu phước, đối với câu bài trong pháp-môn nói đây, đều có thể hiểu rõ nghĩa lý chân-thật, thông suốt thật-tướng các pháp, nhứt tâm chánh tín, cho cái pháp “làm không chỗ làm, được không chỗ được” đây là chân thật không dối. Phải biết người tin lãnh đây, vun trồng căn lành, chẳng những ở một, hai vị Phật, mà đã trồng sâu căn lành trong vô số a-tăng-kỳ (vô số) kiếp ở vô-tượng nghìn muôn vị Phật rồi. Như đức Lục-Tổ xưa kia, vừa nghe một, hai câu kinh, liền nảy phát hạt giống Kim-Cang. Thế đủ biết rằng : Những người đã trồng sâu căn lành dù bao nhiêu kiếp lâu xa về sau, cũng vẫn nghe tin được. Còn những người chưa trồng căn lành, dù được trực tiếp nghe những lời vàng ngọc của Phật nói ra, cũng không hiểu rõ đến chỗ chân thật được. Ví như có người nghe câu bài đây, trong một niệm hết sức ngắn, do trí-huệ thanh-tịnh mà sanh lòng tin trong sạch, một khi tín tâm ấy đã phát sanh, thì hạt giống Phật kết thành, chắc chắn không có gì làm hư hoại được. Cho nên Tổ-sư trước kia có nói : “Một sát-na sanh được lòng tin trong sạch, thì có thể thành Phật”. (Năng sanh nhứt niệm tịnh tín, tức khả thành Phật).
Vả lại kinh nầy là mẹ của chư Phật, thường được chư Phật gia-hộ. Nếu người có lòng tin trong sạch, thọ-trì kinh nầy, thời Như-Lai lấy sức trí-huệ biết rõ người ấy tu cái nhân Bồ-Đề, thấy rõ người ấy đắc quả Bồ-Đề. Vì thế, cho nên những chúng-sanh nào có lòng tin trong sạch đều được phước đức vô-lượng.
Hà dĩ cố ? – Thị chư chúng-sanh vô phục ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh tướng, thọ giả-tướng, vô pháp tướng, diệc vô phi pháp-tướng.
“Hà dĩ cố ? – Thị chúng-sanh nhược tâm thủ-tướng, tức vi trước ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả; nhược thủ pháp-tướng tức trước ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả.
Hà dĩ cố ?- Nhược thủ phi-pháp-tướng, tức trước ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Thị cố, bất ưng thủ phi-pháp.
Dĩ thị nghĩa cố, Như-Lai thường thuyết : “Nhữ đẳng Tỳ-Khưu, tri ngã thuyết-pháp, như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xã, hà huống phi pháp”.
Bởi vì sao ?- Vì những chúng-sanh ấy không còn có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, không có tướng-pháp cũng không có tướng phi-pháp.
Bởi vì sao ? – Vì những chúng-sanh ấy nếu tâm còn chấp tướng, tức là chấp ngã, nhơn, chúng-sanh thọ-giả. Nếu chấp tướng “Pháp” cũng tức là chấp ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả.
Bởi vì sao ?- Nếu chấp tướng “Phi-pháp” cũng tức là chấp tướng ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Vì thế không nên chấp “pháp” cũng không nên chấp “phi-pháp”. Bởi nghĩa ấy nên Như-Lai thường nói : “Tỳ-Kheo các ông phải biết pháp của Ta nói, dụ cũng như bè, “pháp” còn phải bỏ, huống là “phi-pháp”.
Đoạn nầy nói rõ cái nghĩa tin lãnh ở trên.
Pháp Với Phi Pháp : Là hai danh-từ đối đãi nhau. Như nói Pháp là hạnh chân-chính, thời phi-pháp là hạnh không chân-chánh.
Pháp-tướng là phải (có), thời phi-pháp là quấy (không). Pháp là thiện-pháp, thời phi-pháp là chẳng phải thiện-pháp. Pháp là vô-lậu, thời phi-pháp là hữu-lậu.
Đoạn trước nói được phước đức vô-lượng như thế, là tại vì sao ?- Vì những chúng-sanh kia đã thấu rõ tứ-đại là giả hợp, nguyên-lai vốn không có, bốn tướng cũng không. Vả lại họ rõ thấu pháp năm ấm cũng như huyển hoá, không thật, tướng pháp không có, tướng phi-pháp cũng không, tâm họ lặng lẽ trong suốt không mảy maychấp trước. Những chúng-sanh ấy tức đã rõ biết ngã, pháp đều không, mà cái bịnh chấp không cũng dứt rồi.
Trái lại, nếu những chúng-sanh ấy tâm đối với tướng, không rõ biết tướng là giả hợp, mà khởi lên chấp trước, thời là đã chấp trước tướng ngã rồi. Đã chấp tướng ngã rồi thời các tướng nhơn, chúng-sanh, thọ-giả cũng đều chấp luôn.
Lại nữa, nếu những chúng-sanh ấy không rõ vạn pháp là do các duyên giả hợp sanh ra, mà chấp trước một thứ pháp tướng, thời không luận-pháp nào cũng đều chấp cả,tức là khởi cái tâm vọng kiến thấy có ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả rồi.
Lại nữa, nếu những chúng-sanh ấy, cho “pháp” là không thể chấp, mà chấp lấy “phi-pháp”, thì cũng giống như lối chấp pháp-tướng kia không khác.
Vì thế nên từ thiện-pháp, chánh-pháp, cho đến pháp Chân-Như, Niết-Bàn đều không nên chấp lấy. Còn đối với những pháp không phải thiện, không phải chánh, không phải pháp Chân-Như, Niết-Bàn, thì càng lại không nên khởi tâm chấp trước. Thảng hoặc cả hai thứ đều không chấp thủ, mà còn cố chấp lấy cả hai cái “không” ấy, cũng là sa vào vòng chấp thủ.
Chữ “Thủ” ở đây, có nghĩa là lấy, tức là nương tựa, ví như con chim nương ổ, tựa cành, khi đậu khi bay, đều không ra khỏi cái vòng ba cõi, chín địa, vì bị các pháp tướng làm vướng mắc, mà không thể chuyển dụng được các pháp. Xưa đức Lục-Tổ nói rằng : “Pháp nào pháp nào cũng thông, pháp nào pháp nào cũng đủ, mà không thể có được một pháp nào, đó là bậc “Tối-thượng-thừa”, niệm nào niệm nào cũng thành Diệu-Huệ. Như thế mới vận dụng được hết thảy các pháp. Do đạo-lý ấy, cho nên Đức-Phật thường nói rằng : Tỳ-kheo ! Các ông phải biết pháp của ta nói đó, dụ cũng như bè.
Bè : Do nhiều cây kết lại mà thành. Xưa kia có người bị giặc rượt, dùng bè cây chống qua sông, khi đến bờ bên kia, liền bỏ bè mà chạy. Đây là lấy ý tỷ dụ cho lúc ban sơ lấy “pháp” mà bỏ “nhơn”, lấy “không” mà bỏ “có”, đến sau rốt, nhơn và pháp đều bỏ, có và không sạch hết, mới phải là Trí-Huệ Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật vậy.

7.- KHÔNG CÓ ĐƯỢC KHÔNG CÓ NÓI.
Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Như-Lai đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề da ? Như-Lai hữu sở thuyết da ?
Tu-Bồ-Đề ngôn : Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, vô-hữu định pháp danh A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, diệc vô-hữu định pháp Như-Lai khả thuyết. Hà-dĩ-cố ?- Như-Lai sở thuyết pháp giai bất-khả thú, bất-khả thuyết, phi-pháp, phi-phi-pháp. Sở dĩ giả hà ?- Nhứt thiết hiền thánh giai dĩ vô-vi pháp nhi hữu sai biệt.
Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Như-Lai có được pháp vô-thượng, chánh-đẳng, chánh-giác chăng ? Như Lai có nói pháp chăng ?
Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng : như con hiểu nghĩa của Phật nói, thì không có pháp gì nhứt định gọi là pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, cũng không có pháp gì nhứt định mà Như-Lai nói. Bởi vì sao ?- Vì pháp của Như-Lai nói đều không thể chấp lấy, không thể nói được, không phải là pháp, cũng không phải là phi-pháp. Bởi vì sao ?- Vì tất cả hiền thánh đều tu pháp vô-vi mà có từng bực khác nhau.
Ở trước đã nói : Thân tướng tức chẳng phải là thân-tướng, thời sao Như-Lai ngồi dưới cây Bồ-Đề, chứng được quả Bồ-Đề và thường nói pháp hóa-độ chúng-sanh ?
Đức Thế-Tôn sợ ông Tu-Bồ-Đề sanh điều nghi nầy, nên hỏi ra để nghiệm xét. Ngài hỏi rằng : Như-Lai có được pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác chăng ? Như-Lai có nói pháp chăng?
Ông Tu-Bồ-Đề đã tỏ ngộ rằng tâm Bồ-Đề thì ai cũng sẳn có đầy đủ, tâm ấy tràn đầy khắp mọi nơi, nó lìa hết tướng ngôn-ngữ và tướng văn-tự, không thể chấp thủ được nó, không thể lấy tên gì mà đặt cho nó, không thể lấy tâm phàm mà so tính nó được, lại càng không thể chấp cái tâm Bồ-Đề mà Như-Lai nói đó cho là Bồ-Đề được. Nên ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng :
Theo con hiểu nghĩa của Phật nói, không có pháp gì nhứt định gọi là vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, cũng không có pháp gì nhứt định là pháp Như-Lai đã nói. Nếu bảo rằng Như-Lai có nói pháp, thì người nghe có chấp thủ được pháp. Pháp đã có thể chấp thủ được, thì miệng nói mãi không ngừng, tâm nghĩ mãi không dứt, tức là tướng tưởng-tượng hư-vọng, sa vào pháp hữu-lậu, không thể gọi là Diệu-hạnh Kim-Cang Bát-Nhã. Cho nên pháp của Như-Lai nói đây là pháp tâm hành diệt, thì không thể chấp thủ được, và ngôn-ngữ đoạn thì không thể nói được. Vả lại thật-tướng của các pháp là không phải có, không phải không, không phải có, nên chẳng phải là pháp. Không phải không, nên chẳng phải là phi-pháp. Đã lìa có, lìa không, thời làm thế nào mà nói được, làm thế nào mà chấp thủ được. Cho nên người nói không có nói, không có dạy, mà người nghe cũng không có nghe, không có gì được hết.
Sở dĩ tất cả Hiền Thánh tu pháp nầy mà có khác nhau, là không phải vì pháp vô-vi để tu đó có khác. Pháp tu tuy đồng mà chỉ vì chỗ ngộ của mỗi người không đồng, nên có bốn quả, mười địa, thứ lớp từng bực khác nhau. Cũng như ba con chim bay ra khỏi lưới, cao thấp không đồng, ba con thú lội qua sông, cạn sâu có khác nhau vậy.

8.- Y VÀO PHÁP NẦY MÀ SANH RA CÔNG ĐỨC.
- Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ! Nhược nhơn mãn tam-thiên đại-thiên thế-giới thất bảo dĩ dụng bố-thí, thị nhơn sở đắc phước-đức ninh vi đa phủ ?
Tu-Bồ-Đề ngôn : “Thậm-đa Thế-Tôn. Hà-dĩ-cố ?- Tu-Bồ-Đề ! Nhứt thiết chư Phật, cập chư Phật A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề pháp, giai tùng thử kinh xuất. Tu-Bồ-Đề ! Sở vị Phật pháp giả, tức phi Phật pháp.
-    Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Như có người đem bảy báu đầy khắp cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới mà bố-thí, người ấy có được phước nhiều chăng ?
Tu-Bồ-Đề thưa rằng : Bạch Thế-Tôn rất nhiều. Bởi vì sao ? Phước đức ấy tức chẳng phải là phước-đức-tánh, cho nên Như-Lai nói là phước đức nhiều.
Phật nói : Nếu lại có người thọ trì kinh nầy, mà chỉ thọ rất ít, được bốn câu kệ nào thôi, rồi giảng nói cho người khác nghe, thì phước lại nhiều hơn người kia. Bởi vì sao ?
-    Tu-Bồ-Đề ! Vì tất cả chư Phật và pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác của chư Phật, đều từ kinh nầy mà sanh ra. Tu-Bồ-Đề ! Chỗ gọi là Phật pháp đó, tức chẳng phải là Phật pháp.
Đoạn nầy nói rõ công đức trì kinh hơn hết.
Tam-Thiên Đại-Thiên Thế-Giới : Một thái-dương-hệ là một tiểu-thế-giới : một nghìn tiểu-thế-giới là một tiểu-thiên-thế-giới; 1000 tiểu thiên thế-giới là một Trung-thiên thế-giới ; 1000 trung-thiên thế-giới là một đại-thiên thế-giới ; hợp cả tiểu-thiên, trung-thiên và đại-thiên thế-giới ấy cộng thành một cõi Ta-bà nầy (1.000.000.000 thế-giới).
Bảy Báu : Vàng, bạc, lưu-ly, xa cừ, mã-não, san-hô và hổ-phách.
Kệ : 4 câu hợp lại làm một bài kệ, mỗi câu có 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ. Theo văn Phạn thì lấy 32 chữ làm một bài kệ.
Phật nói : Nếu người đem bảy báu, rất nhiều, đầy khắp cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới mà bố-thí, đó là tài-thí, người ấy được phước đức nhiều chăng ?
Ông Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng : Rất nhiều. Vì nếu là phước đức trước tướng, thì cũng chẳng qua là cái nhân hữu-lậu ở cõi nhơn, thiên, dù nhiều bao nhiêu cũng vẫn có hạn. Còn phước-đức nầy vốn không tự-tánh, vẫn viên-mãn thành-tựu, là nhân vô-lậu, mới thật là nhiều không thể hạn lượng.
Phật nói : Nếu lại có người đối với kinh nầy, tự mình chỉ lãnh thọ, vâng giữ làm theo được bốn câu kệ nào đó thôi, rồi lại giảng nói cho người khác nghe, đó là pháp-thí. Đem pháp-thí cho chúng-sanh, làm cho chúng-sanh hết khổ, được vào Niết-Bàn an vui thì phước đó hơn phước đức tài-thí, là thứ phước không phải phước-đức-tánh. Bởi vì sao ?- Vì, chư Phật trong mười phương ba đời và pháp mầu vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác của chư Phật đều từ kinh nầy mà xuất sanh.
Kinh nầy, những câu những bài rất mầu nhiệm, văn từ lời lẽ đều giải bày được diệu-lý chân-như, bao-quát hết cả “giáo, lý, hạnh, quả”.
Chẳng những tự mình lãnh thọ , hành trì bốn câu kệ nào, đều có thể chứng tới cực-quả. Nếu lại giảng nói cho người khác nghe, người khác cũng được lãnh thọ, hành-trì, do đó phát tâm Bồ-Đề, thực hành Lục-Độ vạn hạnh, chứng được căn-bản-trí và hậu-đắc-trí mà thẳng tới cực-quả Bồ-Đề. Cho nên nói kinh nầy là mẹ của chư Phật, vì chư Phật đều từ kinh nầy mà sanh ra và Bồ-Đề cũng từ kinh nầy mà hiển rõ.
Pháp nầy đã là tuyệt đối vô-thượng, thì lẽ tất nhiên, người thọ-trì pháp nầy phải được phước đức hơn người tài-thí kia. Nhưng cái pháp tuyệt đối vô-thượng nầy, không có năng sở, ra ngoài vòng đối đãi không thể nói được, cũng không thể chấp lấy được. Ta nên biết, Như-Lai là người nói pháp, nhưng Như-Lai là cái tên giả-tạm, còn Phật-pháp cũng là cái pháp giả-tạm, cho nên vốn không có người nói Pháp và cũng không có Pháp gì bị nói cả. Chỉ dùng lời nói để khiển trừ lời nói, nên tạm gọi lời nói đó là Phật-pháp mà thôi.

9.-MỘT TƯỚNG KHÔNG CÓ TƯỚNG.
Các pháp nguyên là một tướng tùy duyên mà sanh ra khác nhau không thể chấp lấy, không thể nói được, cho nên gọi là một tướng không có tướng.
     Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Tu-Đà-Hoàn năng tác thị niệm : ngã đắc Tu-Đà-Hoàn quả phủ ?
     Tu-Bồ-Đề ! Phất dã Thế-Tôn ! Hà dĩ cố ? – Tu-Đà-Hoàn danh vi nhập-lưu, nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-Đà-Hoàn.
     Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Tư-Đà-Hàm năng tác thị niệm : ngã đắc Tư-Đà- Hàm quả phủ ?
      Tu-Bồ-Đề ! Phất dã Thế-Tôn ! Hà dĩ cố ? – Tư-Đà-Hàm danh nhứt vãng-lai, nhi thiệt vô vãng lai, thị danh Tư-Đà-Hàm.
     Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? A-Na-Hàm năng tác thị niệm : ngã đắc A-Na-Hàm quả phủ ?
     Tu-Bồ-Đề ! Phất dã Thế-Tôn ! Hà dĩ cố ? – A-Na-Hàm danh vi bất-lai, nhi thiệt vô bất lai, thị cố danh A-Na-Hàm.
      Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? A-La-Hán năng tác thị niệm : ngã đắc A-La-Hán đạo phủ ?
        Tu-Bồ-Đề ! Phất dã Thế-Tôn ! Hà dĩ cố ? – Thiệt vô hữu pháp danh A-La-Hán. Thế-Tôn ! Nhược A-La-Hán tác thị niệm : Ngã đắc A-La-Hán đạo, tức vi trước ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Thế-Tôn ! Phật thuyết ngã đắc vô-tránh tam-muội, nhơn trung  tối vi đệ-nhất, thị đệ nhất ly dục A-La-Hán. Thế-Tôn ! ngã bất  tác thị niệm : ngã thị ly dục A-La-Hán. Thế-Tôn ! Ngã nhược tác thị niệm : ngã đắc A-La-Hán đạo, Thế-Tôn tức bất thuyết Tu-Bồ-Đề thị nhạo A-Lan-Na hạnh giả. Dĩ Tu-Bồ-Đề thiệt vô sở hành, nhi danh Tu-Bồ-Đề thị nhạo A-Lan-Na hạnh.
   Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Tu-Đà-Hoàn có thể nghĩ rằng : Ta được quả Tu-Đà Hàm chăng ?
    Tu-Bồ-Đề thưa rằng : “Bạch Thế-Tôn ! Không”. Bởi vì sao ? – Vì Tu-Đà-Hoàn, gọi là nhập-lưu mà không có chỗ nhập ; không nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-Đà-Hoàn.
     Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Tư-Đà-Hàm có thể nghĩ rằng : Ta được quả Tư-Đà-Hàm chăng ?
    Tu-Bồ-Đề thưa rằng : “Bạch Thế-Tôn ! Không”. Bởi vì sao ? – Vì Tư-Đà-Hàm, gọi là nhứt vãng-lai, mà thật không có vãng-lai, ấy gọi là Tư-Đà-Hàm.
   Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? A-Na-Hàm có thể nghĩ rằng : Ta được quả A-Na-Hàm chăng ?
    Tu-Bồ-Đề thưa rằng : “Bạch Thế-Tôn ! Không”. Bởi vì sao ? – Vì A-Na-Hàm gọi là Bất-lai, mà thật không có Bất-lai, ấy gọi là  A-Na-Hàm.
   Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? A-La-Hán có thể nghĩ rằng : Ta được đạo A-La-Hán chăng ?
   Tu-Bồ-Đề thưa rằng : “Bạch Thế-Tôn ! Không”. Bởi vì sao ? – Vì thật không có pháp gì gọi là A-La-Hán. Bạch Thế-Tôn ! Nếu A-La-Hán còn nghĩ rằng : Ta được đạo A-La-Hán, tức là đã chấp ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ- giả. Bạch Thế-Tôn ! Phật bảo con được phép định vô-tránh là bậc đệ nhất trong loài người, là A-La-Hán ly-dục thứ-nhứt. Nhưng con không nghĩ rằng : “Con là A-La-Hán ly dục”. Bạch Thế-Tôn ! Nếu con nghĩ rằng : Con được đạo A-La-Hán chắc Thế-Tôn không nói Tu-Bồ-Đề là ưa hạnh A-Lan-Na (tịch-tịnh). Vì Tu-Bồ-Đề thật không có làm chi, nên mới gọi Tu-Bồ-Đề là ưa hạnh A-Lan-Na.
Đoạn nầy nói rõ bốn quả, có chứng được mà cũng không có gì gọi là được. Đoạn trước nói : quả Bồ-Đề có chứng được, mà không có gì gọi là được, thì sao lại có bốn quả để chứng được ?
Đức Thế-Tôn vì muốn giải thích điều nghi ấy, nên mới hỏi những câu trong đoạn nầy.
Tu-Đà-Hoàn : Là quả thứ nhứt trong hàng Thanh-Văn, tiếng Phạn, Tàu dịch là Nhập-Lưu hay là Dự-Lưu, nghĩa là bậc dự vào giòng Thánh vậy.
Tư-Đà-Hàm : Quả thứ thứ hai trong hàng Thanh-Văn, tiếng Phạn, Tàu dịch là Nhứt Vãng-lai, nghĩa là bực nầy được sanh lên cõi trời rồi, nhưng còn phải một lần sanh lại cõi người nữa, mới dứt hết phiền-não mê hoặc trong ba cõi.
A-Na-Hàm : Quả thứ ba trong hàng Thanh-Văn, tiếng Phạn, Tàu dịch là Bất-Lai nghĩa là không còn trở lại thọ sanh ở cõi dục-giới nữa.
A-La-Hán : Quả thứ tư trong hàng Thanh-Văn, tiếng Phạn, Tàu dịch : 1.-Vô-sanh. 2.- Sát-Tặc. 3.- Ứng-Cúng. (Bực nầy không còn sanh tử trong ba cõi
Tam-Muội : Tiếng Phạn, Tàu dịch là Chánh-Định, nghĩa là tâm định trụ một cảnh, không còn loạn động.
Vô-Tránh Tam-Muội : Môn chánh-định cao-siêu, dứt trừ được tất cả phiền-não và những  thứ làm chướng-ngại cảnh định.
Ly-Dục : Dứt trừ lòng tham muốn năm món dục trần (sắc, thinh, hương, ăn uống và ngủ-nghĩ.)
A-Lan-Na : Tàu dịch là Vô huyên-tạp. nghĩa là không ồn-ào, náo-loạn, tức là cảnh thong-thả, nhàn-tịnh, không bị các duyên trần ràng buộc.
Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng : Những người tu chứng được bốn quả Thánh đó, mà nghĩ mình đã đắc quả rồi, như thế, có phải thật là đắc quả chăng ?
Ông Tu-Bồ-Đề, tâm đã tỏ ngộ, y theo nghĩa đáp ngay, không chút nghi ngờ, đủ biết rằng ông không còn nghi gì về bốn quả kia sao lại có thể chứng được, cho nên ông đáp rằng : Tu-Đà-Hoàn mà còn nghĩ mình đắc quả Tu-Đà-Hoàn, tức là chưa đắc quả Tu-Đà-Hoàn.
Bởi vì Tu-Đà-Hoàn chỉ là cái tên của người dự vào ngôi Thánh, mà thật ra không có người dự vào ngôi Thánh, cũng không có các pháp : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để dự vào, vậy đó là cái tên suông Tu-Đà-Hoàn mà thôi.
 Tư-Đà-Hàm mà nghĩ rằng : mình đã đắc quả Tư-Đà-Hàm tức là chưa đắc quả Tư-Đà-Hàm, bởi vì Tư-Đà-Hàm chỉ là cái tên của một người còn phải một lần qua lại cõi Trời, cỏi Người, mà thật không có người qua lại nơi cõi Trời, cõi Người, cũng không có cõi Trời, cõi Người để qua lại, vậy đó là cái tên suông Tư-Đà-Hàm mà thôi.
A-Na-Hàm mà nghĩ mình đã đắc quả A-Na-Hàm, tức là chưa đắc quả A-Na-Hàm. Bởi vì A-Na-Hàm chỉ là cái tên của người không còn đến thọ sanh ở cõi-dục, mà thật không có người thọ sanh ở cõi dục, mà thật không có cõi dục để thọ-sanh, vậy đó chỉ là cái tên suông của A-Na-Hàm.
A-La-Hán mà nghĩ rằng mình đắc quả A-La-Hán, tức là chưa đắc quả A-La-Hán. Bởi vì A-La-Hán chỉ là cái tên của người Vô-sanh, mà thật không có người Vô-sanh, cũng không có pháp gì gọi là Vô-sanh.
Nếu A-La-Hán còn nghĩ rằng mình đã đắc-quả Vô-sanh tức là đã thấy có ngã rồi. Đã thấy có ngã, thì thấy luôn cả tướng Người, tướng chúng-sanh và tướng thọ-giả. Bốn phần thấy (năng) và bốn phần tướng (sở) đều đủ rõ ràng, thì còn nói là A-La-Hán sao được ?
      Tu-Bồ-Đề đã bạch với Phật rằng :
Lại như Thế-Tôn nói : Con được chánh-định cao-siêu vào bực đệ-nhứt trong loài người, con tức là bực A-La-Hán ly dục đệ-nhứt. Nhưng tự con, con không hề nghĩ con là A-La-Hán ly dục, thì con mới là A-La-Hán ly dục.
Nếu con nghĩ rằng con đắc đạo A-La-Hán, thì Thế-Tôn chắc không cho con là người ưa hạnh tịch tịnh. Bởi Tu-Bồ-Đề nầy không có làm chi, nên mới gọi Tu-Bồ-Đề là ưa hạnh tịch-tịnh.
Tóm lại, các pháp vẩn đúng như Chân-Như, hành không có chỗ hành, trụ không có chỗ trụ, đắc không có chỗ đắc, đó tức là pháp mầu vô-thượng mà Như-Lai nói là “Phật-pháp chẳng phải Phật-pháp” vậy. Hễ tâm còn khởi lên một động niệm gì, tức là sa vào vòng có giới-hạn, không được gọi là pháp-mầu vô-thượng “vô-trụ, vô-đắc” vậy.

10.- TRANG – NGHIÊM  TỊNH – ĐỘ
      Phật cáo Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Như-Lai tích tại Nhiên-Đăng Phật sở, ư pháp hữu-sở đắc phủ ?
-    Phất dã, Thế-Tôn ! Như-Lai tích tại Nhiên-Đăng Phật sở ư pháp thiệt vô sở đắc.
Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề : Ý ông thế nào ? Xưa kia ở nơi Phật Nhiên Đăng, Như-Lai có đắc pháp gì chăng ?
   Bạch Thế-Tôn ! Không. Ở nơi Phật Nhiên-Đăng Như-Lai thật khôngđắc pháp gì.
Đoạn nầy, giải thích cho thành cái nghĩa không có nói, không có được ở đoạn trước.
Ở đoạn trước nói : “Không có người nói pháp, không có người được pháp”, thế mà Phật Thích-Ca tu hành vừa mãn hai A-tăng-kỳ (vô số) kiếp, lại có Phật Nhiên-Đăng thọ-ký cho rằng : “Trong đời hiền-kiếp, ông sẽ thành Phật”, là làm sao ? Phật sợ thính-chúng sanh nghi như vậy, nên hỏi ông Tu-Bồ-Đề để giải thích cho rõ. Ngài hỏi rằng : Ở thời Phật Nhiên-Đăng xưa kia, Như-Lai có đắc pháp gì chăng ? Ông Tu-Bồ-Đề đáp : Không. Bởi những lời Phật Nhiên-Đăng nói lúc đó cùng những lời Như-Lai (Phật Thích-Ca) nghe lúc đó, đều là những lời nói không có tự-tánh, cho nên Phật Nhiên-Đăng dù có nói, mà thật không có gì thọ -ký cho. Còn Như-Lai tuy được thọ-ký thành Phật, mà cũng thật không có gì là được thọ-ký. Không có được và không chẳng được, mới gọi là được thọ-ký. Cho nên nói rằng : Được, mà thật không có được gì.
- Tu-Bồ-Đề ? Ư ý vân hà ? Bồ-Tát trang nghiêm Phật độ phủ ?
- Phất dã Thế-Tôn ! Há dĩ cố ? – Trang-nghiêm Phật độ giả, tức phi trang-nghiêm, thị danh trang-nghiêm.
- Thị cố, Tu-Bồ-Đề ! Chư Bồ-Tát ma-ha-tát ưng như thị sanh thanh-tịnh tâm, bất ưng trụ sắc  thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
-  Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Bồ-Tát có trang-nghiêm Phật độ chăng ?
-    Bạch Thế-Tôn ! Không. Bởi vì sao ? – Trang-nghiêm Phật độ tức chẳng phải là trang-nghiêm, mà phải là trang-nghiêm.
-    Vì thế, Tu-Bồ-Đề ! Các Bồ-Tát lớn, nên sanh tâm thanh-tịnh như vầy : Không nên trụ sắc mà sanh tâm, không nên trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, phải nên không trụ nơi nào hết mà sanh tâm.
Đoạn nầy nói rõ, hạnh trang nghiêm Phật-độ, không nên chấp tướng. Văn trước đã nói là không nên chấp lấy, mà ở đây và chỗ khác nói về hạnh Bồ-Tát trang-nghiêm Phật-độ, tựa hồ như có khác nhau. Đức Thế-Tôn sợ trong chúng sanh nghi, nên Ngài hỏi ông Tu-Bồ-Đề để giải thích điều đó.
Độ :            Là chỗ có thể nương ở.
Tịnh-Độ : Là cõi thanh-tịnh đối với Ta-bà là cõi uế-trược, có đủ 5 thứ chúng-sanh đồng chung nương ở. Cõi uế-trược, là do nghiệp-lực không thanh-tịnh của chúng-sanh hữu-lậu mà hiện ra, Tịnh-Độ có chia làm bốn cõi:
1)    Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh-Độ : Là cõi thanh-tịnh của chúng-sanh hữu-lậu, do tu hạnh thanh-tịnh mà cảm được, và cùng với các bực Thánh-hiền trong ba thừa đồng nương ở.
2)    Phương-Tiện Hữu-Dư Tịnh-Độ : Là cõi của hàng nhị-thừa (Thanh-Văn, Duyên Giác) nương ở.
3)    Thật Báo Trang-Nghiêm Tịnh-Độ : Do trí vô-lậu của người tu cảm được cõi nầy; cõi nầy tốt đẹp vô cùng, trang-nghiêm vô-lượng.
4)    Pháp-Tánh Tịnh-Độ : Tức là lấy thật-tướng của các pháp mà làm cõi tịnh-độ nầy, cõi nầy cũng gọi là cõi Thường-tịch-quang.
Đức Thế-Tôn hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng : Bồ-Tát có trang nghiêm Phật-độ chăng ? Ông Tu-Bồ-Đề thưa rằng : Không. Bởi vì sao ? – Vì Bồ-Tát phần tự tu đã xong, thì tự tánh mình là Tịnh-độ, bản lai đã thanh-tịnh rồi, cần gì phải trang-nghiêm nữa. Nhưng tự-tu, tự-độ tuy đã xong, mà hạnh giáo hóa chúng-sanh cũng phải cần có thiết thiệt, vì chúng-sanh là Phật-độ của Bồ-Tát, giáo-hóa chúng-sanh tức là trang-nghiêm Phật-độ của mình. ( Vì giáo-hóa chúng-sanh ở địa vị Bồ-tát là xu hướng đưa chúng-sanh được giác ngộ đến ngôi Chánh-đẳng Chánh-giác, cũng là phát Bồ-Đề tâm vô-lượng, hay cũng là đưa đến sự thành tựu chúng-sanh vô lượng cũng là thành tựu Bồ-Đề viên mãn rốt ráo tận cùng) Dù có thị hiện hình tướng trang-nghiêm, mà cũng không nên chấp lấy đó. Cho nên Bồ-Tát nói rằng trang-nghiêm, tức chẳng phải trang-nghiêm, mà phải gọi là trang-nghiêm vậy.
Thế-Tôn lại bảo ông Tu-Bồ-Đề : Các Bồ-Tát lớn tu cái hạnh trang-nghiêm Phật-độ của mình như thế nào ? Phải biết rằng Phật độ bản lai đầy đủ cả muôn đức, sạch hết mọi lụy trần, nên dùng cái diệu quán “Vô sở đắc”, diệu-huệ “Vô sở trụ” như đã nói ở trên mà sanh tâm thanh-tịnh. Tâm không chấp trước, không hư-vọng phân biệt đó là sanh tâm thanh-tịnh, tức là không nên sanh tâm trụ trước vào sáu trần. Sáu trần là cảnh bị duyên của 6 thức, chấp lấy 6 trần mà sanh khởi sáu thức, để suy nghĩ quán sát điều gì thời tâm chẳng được thanh-tịnh. Đối với 6 căn, 6 trần, 6 thức đều không trụ trước, thời sanh được tâm Kim-Cang Bát-Nhã trong sạch, sáng suốt nhiệm màu vô-thượng, mà Phật-độ trang-nghiêm rồi vậy.
Xưa kia đức Lục-Tổ nghe ngài Ngũ-Tổ nói đến chỗ nầy, liền than rằng : “Nào dè tánh mình bổn lai thanh-tịnh, nào dè tánh vốn không sanh diệt, nào dè tánh mình vốn sẳn có đủ, nào dè tánh mình vốn không lay động, nào dè tánh mình hay sanh muôn pháp”. Đáng là bực nghe nói xong, liền đại ngộ.
-    Tu-Bồ-Đề ! Thí như hữu nhơn, thân như Tu-di sơn-vương. Ư ý vân hà ? Thị nhơn vi đại phủ ?
-    Tu-Bồ-Đề ngôn : “Thậm đại, Thế-Tôn, Hà dĩ cố ? – Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân.”
-    Tu-Bồ-Đề ! Ví như có người, thân như núi chúa Tu-di. Ý ông thế nào ? Thân ấy có lớn chăng ?
-    Tu-Bồ-Đề thưa rằng : Bạch Thế-Tôn ! Rất lớn. Bởi vì sao ? –Phật nói chẳng phải là thân, ấy gọi là thân lớn.
Đoạn nầy nói rõ báo-thân không không thể chấp lấy.
Tu-Di Sơn : Tàu dịch là Diệu Cao-Sơn. Núi nầy, cao đến 8 muôn 4 ngàn do-tuần. Mỗi do tuần độ 30 hoặc 40 dặm. Đức Phật lấy đó để ví dụ cho cái thân đại pháp-vương, Núi Diệu-Cao tuy hình thế cao lớn, nhưng không tự chấp cái cao lớn ấy cho là cao, lớn, nên ông Tu-Bồ-Đề mới thưa rằng : Rất lớn. Nếu như chấp lấy cái phần tướng lớn của mình mà trụ vào cái phần thấy lớn của mình, thì dù có lớn đến đâu cũng có hạn lượng, không thể gọi là lớn được. Thân pháp-vương cũng thế, cái thân tuy lớn, mà tâm không chấp trước, không trụ trước vào cái thấy lớn, không chấp lấy sắc thân, cho nên nói rằng chẳng phải thân. Chẳng phải thân mà là thân, thân mà chẳng phải thân, đó mới gọi là thân lớn vậy.


11.- PHƯỚC ĐỨC VÔ-VI HƠN HẾT.
 Tu-Bồ-Đề ! Như Hằng-hà trung sở hữu sa số, như thị sa đẳng hằng-hà sa ninh vi đa phủ?
    Tu-Bồ-Đề ngôn : “Thậm đa, Thế-Tôn ! Đản chư Hằng hà, thượng đa vô số hà huống kỳ sa”.
     Tu-Bồ-Đề ngã kim thiệt ngôn cáo nhữ. Nhược hữu Thiện-nam-tử, Thiện-nữ-nhơn, dĩ thất bảo mãn nhĩ ? sở Hằng hà sa-số tam-thiên đại-thiên thế-giới dĩ dụng bố-thí, đắc phước đa phủ ?
   Tu-Bồ-Đề ngôn : “Thậm đa Thế-Tôn !”
   Phật cáo Tu-Bồ-Đề "Nhược Thiện-nam-tử, Thiện-nữ-nhơn ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhơn thuyết, nhi thử phước đức, thắng tiền phước đức.
   Tu-Bồ-Đề ! Ví như có nhiều sông hằng bằng bao nhiêu số cát trong một sông Hằng. Ý ông thế nào ? Số cát ở trong tất cả những sông Hằng ấy có nhiều chăng ?
   Tu-Bồ-Đề thưa rằng : Bạch Thế-Tôn ! Rất nhiều. Chỉ những sông Hằng ấy cũng nhiều vô số rồi, huống chi là cát.
   Tu-Bồ-Đề ! Nay tôi bảo thật ông, nếu có Thiện-nam, tín-nữ nào đem bảy báu đầy khắp cả tam-thiên đại-thiên thế-giới như số cát trong ngần ấy sông Hằng mà bố-thí thời được phước có nhiều chăng ?
    Tu-Bồ-Đề thưa rằng : Bạch Thế-Tôn rất nhiều.
    Phật bảo Tu-Bồ-Đề : Nếu có thiện-nam, tín-nữ nào thọ-trì kinh nầy, mà ít nhứt được bốn câu kệ nào đó thôi, rồi diễn nói cho người, thì phước-đức nầy lại hơn phước-đức kia.
Đoạn nầy nói rõ công-đức nói kinh là hơn hết.
Trước đã nói công-đức trì kinh hơn công-đức bố-thí bảy báu đầy cả tam-thiên đại-thiên thế-giới.
Đây lại nói công-đức nói kinh hơn phước-đức bố-thí bảy báu đầy khắp vô-số, vô-lượng, vô-biên cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới. Số cát trong một sông Hằng còn nhiều đến vô số rồi, lại bao nhiêu số cát trong những sông Hằng nhiều bằng số cát trong một sông Hằng kia, thì lại nhiều càng không thể tính được. Cho nên ông Tu-Bồ-Đề nói : Rất nhiều. Nếu có thiện-nam, tín-nữ nào đem bố thí bảy báu đầy khắp cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới như số cát trong ngần ấy sông Hằng. Như thế thì dễ biết là bố-thí rất nhiều lắm. Bố-thí nhiều thì phước-đức tất nhiều, cho nên ông Tu-Bồ-Đề nói : Được phước rất nhiều.
Nếu có thiện-nam, tín-nữ nào đối với kinh nầy, thọ-trì chừng bốn câu kệ, lại đem diển nói cho người, thì được phước-đức lại nhiều hơn phước-đức trước. Bởi vì sao ? –Vì rằng đem bảy báu mà bố-thí dù nhiều đến vô-số, vô-lượng, nhưng rốt cuộc vẫn có hạn lượng. Nếu đem bốn câu kệ trong kinh nầy, tự mình thọ-trì, thì tự thấy tánh thành Phật, đem nói lại cho người nghe, người thọ-trì, thì người sẽ thấy tánh thành Phật, độ hết vô-lượng, vô-biên chúng-sanh đều thấy tánh thành Phật, thì phước-đức độ sanh ấy lớn như hư-không, không thể hạn lượng. Vì thế, cho nên phước-đức giảng nói kinh nầy làm cho chúng-sanh phát tâm tu-hành và chuyển hóa được từ Trí Phàm-phu đến Trí Kim-Cang Bát-Nhã, thì phước-đức ấy lớn hơn phước-đức bố-thí bảy báu đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới.

12.- TÔN TRỌNG CHÁNH-GIÁO
Phục thứ Tu-Bồ-Đề ! tùy thuyết thị kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng,đương tri thử xứ, nhứt-thiết, thiên, nhơn, A-tu-la, giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu nhơn, tận năng thọ-trì đọc tụng. Tu-Bồ-Đề ! Đương tri thị nhơn, thành-tựu tối-thượng đệ-nhứt hy-hữu chi pháp. Nhược thị kinh, diễn sở tại chi xứ, tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ-tử.
Lại nữa, Tu-Bồ-Đề ! Tùy nơi nào có nói kinh nầy cho đến chỉ nói bốn câu kệ, thì phải biết nơi đó, tất cả thế-gian, trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp của Phật, huống chi có ngưới thọ-trì đọc tụng được hết cả kinh nầy.
Tu-Bồ-Đề ! Phải biết người đó thành tựu được pháp hiếm có và cao tột đệ nhứt. Nếu nơi nào có kinh điển này, tức là có Phật, hay là đệ-tử tôn trọng của Phật.
Đoạn nầy nói rõ kinh nầy là hơn hết.
TRỜI, NGƯỜI, A-TU-LA.v.v… tức là tám bộ chúng :
1.- Thiên-chúng : Chư-thiên trong sáu cõi trờidục giới, bốn cõi thiền ở sắc-giới và bốn cõi không ở vô-sắc giới.
2.- Long-chúng : Loài rồng, vua của thủy-tộc.
3.- Dạ-Xoa : Quỷ thần bay đi trên không.
4.- Càn-Thát-Bà : Tàu dịch Hương-ấm-thầm, vị thần nầy chỉ ngửu mùi hương mà nuôi sống sắc-thân ngũ-ấm.
5.- A-Tu-La : Tàu dịch là Phi-Thiên, vị thần nầy có phước báo giống như trời, song không có đức như trời.
6.- Ca Lầu-La : Tàu dịch là Kim Xí-Điểu, loài chim có cánh sắc vàng nầy thường bắt rồng mà ăn thịt.
7. Khẩn-Na-La : Tàu dịch là Phi-Nhơn, nghĩa là vị thần nầy giống như người, nhưng trên đầu lại có sừng.
8.- Ma-Hầu La-Dà : Tàu dịch Đại mãng-thần, tức là thần rắn mãng-xà.
Tháp : Nói đủ là tháp-bà, Tàu dịch là Phương-phần (cái mả vuông) là chỗ thờ Xá-lợi của Phật.
Miếu : Là chỗ thờ tượng Phật.
Pháp Ít Có Thứ Nhứt : Tức là Kim-Cang Bát-Nhã.
Đệ Tử Tôn Trọng : Như các ngài Văn-Thù, Phổ-Hiền, Xá-Lợi-Phất, Tu-Bồ-Đề v.v… đều là hàng đệ-tử thượng-thủ của Phật.
Kinh nầy là chỗ xuất sanh ra chư Phật mười phương ba đời. Vậy nên muốn tôn trọng Phật, phải tôn trọng kinh nầy. Cho nên bất cứ chỗ nào có nói kinh nầy, hoặc nói bốn câu kệ trong kinh nầy, thời chỗ ấy tất cả thế-gian, trời, người, thần, tám bộ chúng đều cung kỉnh, cúng-dường như nơi tháp, miếu thờ xá-lợi và hình-tượng Phật. Nếu có người thọ-trì đọc tụng được hết kinh nầy, thì người đó cũng được tất cả thế-gian, trời, người, và tám bộ chúng cung kính cúng dường như thế.
Phải biết người thọ-trì, đọc tụng được hết kinh nầy, tức là thành-tựu được pháp tối-thượng, ít có thứ nhứt, tức là thành tựu được pháp Kim-Cang Bát-Nhã vô-thượng đệ nhứt, cũng được gọi là chư Phật.
Bất cứ ở chỗ nào có kinh nầy, tức là có Phật ở chổ đó, hay là có đệ-tử thượng-thủ của Phật ở đó. Vì thế nên biết kinh nầy hơn hết, mà người thọ trì kinh nầy cũng là hơn hết.


13.- THỌ-TRÌ ĐÚNG NHƯ PHÁP.
Nhĩ thời, Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn : “Thế-Tôn ! Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì ?”
Phật cáo Tu-Bồ-Đề : “Thị danh vi Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật, dĩ thị danh tự nhữ đương phụng-trì. Sờ dĩ giả hà ?
Tu-Bồ-Đề ! Phật thuyết Bát-Nhã-Ba-La-Mật, tức phi Bát-Nhã-Ba-La-Mật, thị danh Bát-Nhã-Ba-La-Mật.
Khi ấy, Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng : Bạch Thế-Tôn ! Kinh nầy nên đặt tên là gì ? Chúng con phải phụng trì như thế nào ?
Phật bảo Tu-Bồ-Đề : Kinh nầy tên là Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật, tức chẳng phải Bát-Nhã Ba-La-Mật, ấy gọi là Bát-Nhã Ba-La-Mật.
Đoạn nầy là định tên kinh và nói phép thọ-trì.
Trước kia Phật đã nói kinh nầy là hơn hết, tự mình phải tôn trọngthọ trì. Nhưng ông Tu-Bồ-Đề chưa biết tên kinh nầy là chi và phụng trì như thế nào, nên ông mới hỏi đức Thế-Tôn rằng : Kinh nầy phải đặt tên là gì ? Chúng con phải phụng trì như thế nào ?
Phật đáp : Kinh nầy tên là Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật
Kim-Cang chẳng phải dụ mà gọi là dụ, Bát-Nhã chẳng phải pháp mà gọi là pháp, nên giả danh đặt tên là Kim-Cang Bát-Nhã, Cứ theo danh tự ấy mà phụng-trì. Tâm không nên chấp có người phụng-trì, cũng không nên chấp có pháp bị phụng-trì. Bởi vì sao ? – Vì Kim-Cang Bát-Nhã là danh-tự, thì không có tự-tướng, không thể chấp lấy, không thể nói được, chỉ ứng với tâm chúng-sanh, phương-tiện mà nói ra cái tên ấy thôi.
Tu-Bồ-Đề ? Ư ý vân hà ? Như-Lai hữu sỡ thuyết pháp phủ ?
Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn : Thế-Tôn ! Như-Lai vô sở thuyết !
Tu-Bồ-Đề ý ông thế nào ? Như-Lai có nói pháp chăng ?
Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng : Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai không có nói.
Đoạn trước nói rõ rằng : Cái tên Bát-Nhã là giả danh không thật, thì cái chỗ Tâm suy nghĩ đã dứt hết rồi. Đức Thế-Tôn sợ hàng Bồ-Tát còn mắc vào chỗ nói năng, cho nên mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng : “Như-Lai có nói pháp chăng” ? ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng : “Chân trí Bát-Nhã ly tất cả lời lẽ nói năng, mà chư Phật đồng chứng trí ấy, dù có nói ra lời gì, cũng là vì phương tiện lợi sanh, y như chỗ mình đã chứng mà nói. Vậy ly hết lời nói của chư Phật, tức là chư Phật không có nói. Cho nên nói rằng : Như-Lai không nói gì hết.
Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Tam-thiên đại-thiên thế-giới sỡ hữu vi trần thị vi đa phủ ?
Tu-Bồ-Đề ngôn : Thậm đa Thế-Tôn !
Tu-Bồ-Đề ! Chư vi trần, Như-Lai thuyết phi vi-trần, thị danh vi-trần, Như-Lai thuyết thế-giới, phi thế-giới, thị danh thế-giới !
Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới có bao nhiêu vi-trần, phải là nhiều chăng ?
Tu-Bồ-Đề ! Những vi-trần ấy, Như-Lai nói chẳng phải là vi-trần, mà gọi là vi-trần. Như-Lai nói thế-giới chẳng phải là thế-giới, mà gọi là thế-giới.
Thế giới là cảnh, y báo của chúng sanh, nó là giả không phải thật, mà giả lại là không, thì cái giả cũng chẳng thể có được, thấu rõ cái lý không và giả đó, tức là Trung-Đạo.
Cho nên Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng : Cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới kia, vốn do vi-trần nhóm hợp lại mà thành nay đem thế-giới ấy nghiền nát ra vi-trần, thời vi-trần đó có nhiều chăng ?  Ông Tu-Bồ-Đề thưa rằng : Rất nhiều. Phật sợ ông còn chấp cái tướng nhiều, nên bảo rằng : Vi-trần, lặng không, không có hình tướng chân thật, Như-Lai nói vi-trần, chẳng phải là vi-trần, cưỡng gọi là vi-trần mà thôi. Vi-trần đã không, không thật có, thì cái thế-giới do vi-trần nhóm họp thành ra kia, lẽ đương nhiên cũng là không, không thật có. Cho nên Như-Lai lại nói : Thế-giới chẳng phải là thế-giới, cưỡng gọi là thế-giới.
Tu-Bồ-Đề ! Ư ý vân hà ? Khã dĩ tam thập nhị tướng kiến Như-Lai phủ ?
Phất dã Thế-Tôn ! Bất khả dỉ tam thập nhị tướng kiến Như-Lai. Hà dĩ cố ?- Như-Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.
Tu-Bồ-Đề ! Ý ông thế nào ? Có thể do nơi ba mươi hai tướng mà thấy được Như-Lai chăng ?
Bạch Thế-Tôn ! Không, không thể do nơi ba mươi hai tướng mà thấy được Như-Lai. Bởi vì sao ?- Như-Lai nói ba mươi hai tướng, tức chẳng phải là tướng, mà gọi là ba mươi hai tướng.
Ba mươi hai tướng là thân chánh-báo của Phật. Ở đoạn trước có nói thế-giới là nơi y-báo để nương kia đã là không, thì cái thân chánh-báo nương vào thế-giới ấy cũng là không. Những kẻ phàm-phu không nhận xét được, vin lấy ba mươi hai tướng cho là thân Phật, chấp trước mong cầu, sai lạc càng xa. Cho nên Phật mới hỏi Tu-Bồ-Đề giải thích chỗ lầm ấy. Hỏi rằng: Có thể do nơi ba mươi hai tướng mà thấy được Như-Lai chăng ?
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng : Ba mươi hai tướng chỉ là công-năng thắng diệu của Như-Lai dùng để giáo hóa chúng-sanh, nếu chấp là thật, thì không tỏ rõ được thật-tướng của các pháp, gặp đâu chấp đó, thì vĩnh viễn không thấy được Như-Lai. Bởi vì sao ?
Vì Như-Lai nói ba mươi hai tướng tức là chẳng phải ba mươi hai tướng, mà tức là thật-tướng của các pháp, không thể nghĩ bàn, không thể chấp lấy, chỉ cưỡng gọi là ba mươi hai tướng đó thôi.
 Tu-Bồ-Đề! Nhược hữu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn, dĩ hằng-hà-sa đẳng thân mạng bố-thí. Nhược phục hữu nhơn ư thử kinh trung, nãi chí thọ-trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhơn thuyết kỳ phước thậm đa.
 Tu-Bồ-Đề: Như có thiện-nam-tử, tín-nữ nào đem than mạng nhiều bằng số cát sông Hằng mà bố-thí: nếu lại có người đối với kinh nầy, dĩ chí thọ trì ít nhứt chỉ bốn câu kệ mà thôi, rồi diển nói cho người khác nghe, người này được phước rất nhiều.
 Bố thí thân mạng có ba cách:
1). Bố-thí thân: là đem thân thịt của mính bố-thí cho chúng-sanh.
2). Bố-thí mạng: là đem sanh mạng mình bố thí cho chúng sanh.
3). Bố-thí cả thân và mạng: Hạnh nầy rất khó làm được.
Người chưa tỏ thấu Kim-Cang Bát-Nhã,thì không thể làm được khổ hạnh nầy. Nếu người đã tỏ thấu Kim-Cang Bát-Nhã rồi, thì thấy rõ mình với người chẳng phải là hai. Thấy rõ không có người bố-thí, cũng không có người được bố thí, lại cũng không có thân mạng để bố-thí. Mình tức là đất-đai, núi, sông, cây cỏ, hoa lá. Đất-đai, núi, sông, cây cỏ, hoa lá tức là mình. Mình tức là pháp- vương, thì đất-đai, núi, sông, cây cỏ, hoa lá vật nào chẳng phải là Pháp-vương. Vả lại chính mình từ vô-thỉ cho đến nay, bị luân-hồi sanh-tử đã không biết mấy nghìn muôn ức Hằng-hà sa số thân mạng nầy rồi. Nay đến cái thân mạng nầy, nếu không đem bố thí, thì cũng sẽ bị luân-hồi không biết mấy nghìn muôn ức Hằng-hà sa số thân mạng, chịu trầm luân khổ ải nữa. Huống chi thân mạng vốn vô-thường, là khổ, là không, là vô-ngã tất cả đều không tự chủ, nếu cứ tham đắm mãi, mà không chịu đem bố-thí, đến khi nghiệp báo hết rồi, các duyên tan rã, rốt cuộc cũng không thế nào còn được. Dẫu có tu theo đạo tiên, sanh vào cõi trời vô tưởng, sống lâu đồng với trời đất đi nữa, đến khi phước báu hết rồi cũng trở lại luân hồi, hoặc làm thân trâu ngựa, chim cá hoặc làm thân ngạ-quỉ, hoặc vào địa ngục chịu đủ các thứ khổ báo.
 Vì thế, Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: Những người bố-thí thân mạng, rất là ít có, khó đặng. Nay có thiện-nam, tín-nữ nào xả cả thân mạng để bố-thí, mà lại xả cả thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố-thí thì phước-đức rất nhiều, không thể kể xiết được. Nhưng cũng không bằng phước-đức lợi mình lợi người của người nào đối với kinh nầy, mà thọ-trì được bài kệ bốn câu, giảng nói cho người khác nghe.
 Thế thì đủ biết phước-đức thọ-trì kinh nầy như thế nào (Vậy mà người tu hành không chịu thọ-trì kinh nầy, thiết tưởng không còn gì đáng tiếc hơn).


14. LY TƯỚNG  VẮNG LẶNG.
Nhĩ thời, Tu-Bồ-Đề văn thuyết thị kinh, thâm giải nghĩa thú, thế lệ bi khấp, nhi bạch phật ngôn: Hi hữu Thế-Tôn! Phật thuyết như thị thậm thâm kinh điển, ngã tùng tích lai sở đắc huệ nhãn, vi tằng đắc văn như thị chi kinh,
Thế-Tôn! Nhược phục hữu nhơn đắc văn thị kinh, tín tâm thanh-tịnh, tức sanh thiệt-tướng, đương tri thị nhơn, thành tựu đệ-nhứt hi-hữu công-đức.
Thế-Tôn! Thị thiệt-tướng giả, tức thị phi tướng, thị cố Như-Lai thuyết danh.
 Thế-Tôn! Ngã kim đắc văn như thị kinh điển, tín giải thọ-trì, bất túc vi nan. Nhược đương lai thế, hậu ngũ bá tuế, kỳ hữu chúng sanh, đắc văn thị kinh, tín giải thọ-trì, thị nhơn tức vị đệ-nhứt hi-hữu.
 Hà dĩ cố? Thử nhơn vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, thọ-giả tướng, tức thị phi tướng. Hà dĩ cố? Ly nhứt thiết chư tướng, tức danh chư Phật.
Bấy giờ, ngài Tu-Bồ-Đề nghe Phật nói kinh nầy, hiểu sâu nghĩa thú, tủi khóc sụt sùi mà bạch Phật rằng: Hi hữu Thế-Tôn! Phật nói kinh điển sâu xa như thế mà  con từ khi được huệ-nhãn đến giờ, chưa từng được nghe kinh điển như thế nầy.
 Bạch Thế-Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh nầy, lòng tin thanh-tịnh, liền sanh thật-tướng, nên biết người ấy thành tựu công đức ít có thứ nhứt. Bạch Thế-Tôn! Thật-tướng ấy tức chẳng phải là tướng, cho nên Như-Lai nói tên là thật-tướng.
 Bạch Thế-Tôn! Nay con được nghe kinh điển thế nầy tin hiểu thọ-trì, không đủ khó lắm. Nếu 500 năm về thời kỳ sau, có chúng-sanh nào được nghe kinh nầy, tin hiểu thọ-trì, thì người ấy chính là ít có thứ nhứt. Bởi vì sao? Vì người ấy, không có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả. Bởi vì sao? Vì tướng ngã tức chẳng phải là tướng, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả tức chẳng phải là tướng. Bởi vì sao? Vì ly tất cả các tướng tức là chư Phật.
Đoạn nầy nói rõ chỗ lãnh ngộ của ngài Tu-Bồ-Đề. Lúc ấy, ông Tu-Bồ-Đề nghe Phật nói kinh Kim-Cang Bát-Nhã, hiểu sâu nghĩa thú, tủi nhớ lúc trước mê mờ chưa tỏ ngộ, nên tủi khóc sướt mướt, buồn khổ khôn xiết, mà bạch Phật rằng: Hy hữu thay, Thế-Tôn! Nói kinh điển Kim-Cang Bát-Nhã rất sâu xa nầy, con tuy được huệ-nhãn từ lâu, đã thấu rõ chúng sanh bản lai là không, nhưng chưa từng được nghe kinh điển như thế nầy. Nếu lại có người được nghe kinh nầy, lòng tin trong sạch, liền được hiểu rõ sanh tâm thanh-tịnh, chánh quán rõ ràng, thật-tướng hiển hiện, phải biết người ấy thành tựu công-đức ít có thứ nhứt. Nhưng thật-tướng đây, chẳng phải ly ngoài các tướng ra, mà riêng có cái thật-tướng nào khác, vì nó là cái tướng của các pháp, bản lai như thế. Ngộ thì nó hiển ra, mê thì nó chẳng hiển ra, nhưng cũng không nên vin chấp, cho nên nói ‘ Nó tức chẳng phải là tướng, mà phải gọi nó là thật-tướng’.
 Ông Tu-Bồ-Đề lại bạch Phật rằng: Nay con được nghe kinh điển như thế này, tin sâu, tỏ biết, lãnh thọ, hành-trì, không đủ khó lắm.Nếu 500 năm về sau, thời kỳ tượng-pháp, Thánh-giáo suy đồi, chúng-sanh chướng nặng, nghe kinh nầy có thể tin hiểu, thọ trì thì thật là rất khó. Nhưng ở vào lúc khó làm đặng, mà lại làm đặng, thì người ấy tức là ít có thứ nhứt. Bởi vì sao? Vì người ấy đã thông suốt ý nghĩa kinh nầy, và đã tỏ rõ bốn tướng: nhơn ngã, chúng-sanh, thọ giả. Bởi vì sao? Vì bốn tướng ấy tức chẳng phải là tướng, nó như huyển như hoá, không phải là thật.
 Ly tất cả những phi tướng không thật ấy, tức là tất cả các pháp, thế là chẳng phải tức, chẳng phải ly, mà đến chổ rốt ráo, thì gọi là chư Phật. Chư Phật tức là Kim-Cang Bát-Nhã, tức là cái biển đại tịch diệt ly tướng.
Phật cáo Tu-Bồ-Đề: “Như thị! Như thị! Nhược phục hữu nhơn đắc văn thị kinh, bất kinh, bất bố, bất uý, đương tri thị nhơn, thậm vi hi-hữu. Hà dĩ cố? Tu-Bồ-Đề! Như-Lai thuyết đệ nhứt Ba-la-mật, tức phi đệ nhứt Ba-la-mật, thị danh đệ nhứt Ba-la-mật. Tu-Bồ-Đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như-Lai thuyết phi nhẫn nhục Ba-la-mật, thị danh nhẫn nhục Ba-la-mật, Hà dĩ cố?
 Tu-Bồ-Đề! Như ngã tích vi Ca Lợi-vương cát triệt thân thể, ngả ư nhĩ thời vô ngã-tướng, vô nhơn tướng, vô chúng-sanh tướng, vô thọ-giả tướng. Hà dĩ cố? Ngã ư vãng tích, tiết chi giải thời, nhược hữu ngã tướng, nhơn tướng, chúng-sanh tướng, thọ-giả tướng, ưng sanh sân hận.
 Tu-Bồ-Đề! Hựu niệm quá khứ, ư ngũ bá thế tác nhẫn-nhục tiên nhơn. Ư nhĩ sở thế, vô ngã tướng, vô nhơn tướng, vô chúng-sanh tướng, vô thọ-giả tướng. Thị cố, Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát Ưng ly nhứt thiết tướng phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề-tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp, sanh tâm, ưng sanh vô sở trụ tâm, nhược tâm hữu trụ tức vi phi trụ.
Phật bảo Tu-Bồ-Đề: Phải đấy! Phải đấy! Nếu lại có người nghe được kinh nầy, mà không kinh không khiếp, không sợ, phải biết người ấy rất là ít có, Bởi vì sao? Tu-Bồ-Đề! Như-Lai nói Ba-la-mật thứ nhứt, tức chẳng phải là Ba-la-mật thứ nhứt, ấy gọi là Ba-la-mật thứ nhứt.
 Tu-Bồ-Đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như-Lai nói chẳng phải là nhẫn-nhục Ba-la-mật, ấy gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật. Bởi vì sao? Như ta xưa kia, bị vua Ca-lợi cắt đứt thân thể, lúc đó ta không có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả. Bởi vì sao? Vì xưa kia, khi ta bị phanh xẻ thân-thể, nếu còn có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, tất phải sanh tâm sân hận.
Tu-Bồ-Đề! Ta nhớ lại thời quá khứ, 500 đời làm vị tiên nhẫn-nhục, trong những đời đó, ta không có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả. Vì thế, Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, phải ly tất cả các tướng. Không nên sanh tâm trụ nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp. Phải nên sanh tâm không trụ vào đâu. Nếu tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải là trụ.
 Đoạn nầy, trước nói thêm chỗ ngộ của ông Tu-Bồ-Đề, sau nói rõ cái nghĩa nhẫn-nhục cũng nhiếp thuộc về Bát-Nhã.
 Đức Thế-Tôn nhân thấy ông Tu-Bồ-Đề buồn khóc, thuật ý chỉ Kinh xong, liền ấn-khả rằng: Phải đấy! phải đấy! Đúng như lời ông nói, thật khôngsai lầm.
 Nếu lại có người được nghe cái diệu lý Bát-Nhã của kinh nầy, tuy chẳng đồng với chỗ tu tập, chỗ vâng lãnh của mình từ vô thỉ, mà không kinh hãi là quá lạ lùng, không sanh tâm rụt rè, khiếp sợ, cũng không sợ sệt việc trước là sai lầm. Lại do nghe nên sanh tin, do tin nên sanh hiểu biết, do hiểu biết khởi thực hành, phải biết người ấy rất là ít có. Bởi vì sao? Trong lục độ, Bát-Nhã là gồm suốt tất cả, Bát-Nhã là thứ nhứt, cho nên Như-Lai nói là Ba-la-mật thứ nhứt.
 Lấy theo lý chân mà nói, vốn không có pháp gì, làm sao có pháp chấp, cho nên nói: “Tức chẳng phải là Ba-la-mật thứ nhứt”. Nhưng sở dĩ nói Ba-la-mật thứ nhứt, là tuỳ theo thế tục mà tạm nói là Ba-la-mật thứ nhứt đó thôi. Nhẫn-nhục, Bố-thí, Trì-giới, Thiền-định và Tinh-tấn vốn là cái diệu dụng của Kim-cang Bát-Nhã. Nếu không có Kim-cang Bát-Nhã, thì khác nào người đui không có kẻ dẫn đường, làm sao có được cái diệu dụng như thế. Cứ ngay nhẫn nhục Ba-la-mật mà luận, nếu đủ Kim-cang Bát-Nhã thì nhơn với pháp đều dứt, sự với tướng toàn không, nhục còn không có, làm sao có nhẫn. Cho nên Như-Lai nói: chẳng phải là nhẫn nhục Ba-la-mật, vì y theo thế tục, nên tạm gọi là nhẫn-nhục Ba-la-mật. Bởi vì sao? (lời Phật thuật lại rằng:) Như ta xưa kia bị vua Ca-lợi là người cắt đứt thân thể, lúc ấy Ta vẫn thản nhiên, không thấy có Ta, cũng không thấy có thân thể bị cắt đứt, lại cũng không thấy có vua Ca-lợi là người cắt đứt thân thể ta, thế là bốn tướng đã không rồi. Nếu không như thế thì đương khi bị phanh xẻ thân thể kia, lẽ ra ta phải sanh Tâm sân hận. Nhưng lúc ấy ta không có tâm sân hận. Tức là đầy đủ hình tướng nhẫn nhục, và tức gọi là nhẫn-nhục ba-la-mật vậy.
Lại nữa, ta nhớ về thuở quá khứ, năm trăm đời làm vị tiên nhẫn-nhục, bị người làm hại, chẳng những ta không có tâm sân hận, mà còn phát tâm đại bồ-đề, nói với những người ấy rằng: “Khi ta đắc đạo sẽ độ cho ngươi trước hết”. Thế là ở trong những thời đó, ta đã không có bốn tướng nhơn, ngã, chúng-sanh, thọ-giả, Phật lại kêu ông Tu-Bồ-Đề bảo rằng: “Bồ-tát phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, phải ly tất cả các tướng hoà-hiệp, nối tiếp giả dối phân biệt. Không nên y trụ vào sáu trần mà sanh tâm phân biệt. Chỉ nên sanh tâm không trụ vào đâu. nếu tâm có chổ trụ, thì trụ vào chổ điên đão, chẳng phải trụ vào Bát- Nhã vậy.
Thị cố, Phật thuyết Bồ-tát tâm bất ưng trụ sắc bố-thí. Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát vị lợi ích nhứt thiết chúng-sanh, cố ưng như thị bố-thí, Như-Lai thuyết nhứt thiết chư tướng tức thị phi tướng. Hựu thuyết: Nhứt thiết chúng sanh, tức phi chúng sanh.
Tu-Bồ-Đề! Như-Lai thị chơn ngữ giả, thiệt ngữ giả như ngữ giả, bất cuông ngữ giả, bất dị ngữ giã.
Tu-Bồ-Đề! Như-Lai sở Đắc pháp, thử pháp vô thiệt vô hư.
Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-Tát tâm trụ ư pháp nhi hành bố-thí như nhơn nhập ám tức vô sở kiến. Nhược Bồ-Tát tâm, bất trụ pháp nhi hành bố-thí, như nhơn hữu mục, nhựt quang minh chiếu, kiến chủng chủng sắc.
Vì thế, Phật nói Bồ-tát bố-thí, tâm không nên trụ nơi sắc. Tu-Bồ-Đề! Bồ-Tát vì lợi-ích cho tất cả chúng-sanh, nên phải bố-thí như thế. Như-Lai nói: “Tất cả các tướng, tức chẳng phải là tướng”. Và nói “tất cả chúng-sanh tức chẳng phải là chúng-sanh”.
Tu-Bồ-Đề! Như-Lai là đấng nói lời chơn-chánh, là đấng nói lời chắc thật, là đấng nói lời không dối gạt, là đấng nói lời không sai khác.
Tu-Bồ-Đề! Pháp của Như-Lai chứng được đó, không phải thật mà cũng không phải hư.
Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-Tát làm việc bố-thí, mà tâm trụ nơi pháp, thì cũng như người vào chổ tối, không thấy chi cả. Nếu Bồ-Tát làm việc bố-thí, mà tâm không trụ nơi pháp, thì cũng như người có mắt, lại có ánh sáng mặt trời soi vào, tất thấy đủ hết mọi vật.
Đoạn nầy tiếp theo đoạn nhẫn-nhục ở trước nói rõ nghĩa bố-thí không trụ trước.
Sở dĩ bố-thí không trụ trước, là vì Bồ-tát muốn làm lợi ích cho tất cả chúng-sanh.Vả lại bố-thí không trụ trước, thì mới làm lợi ích cho chúng sanh được. Bố-thí mà còn trụ trước, thì không thể lợi cho mình và cũng không lợi cho người. Song đã nói làm việc bố-thí, lợi ích cho chúng-sanh tức là có hai tướng: Nhơn và Pháp rồi. Nhơn và Pháp không phải là thật, nên tuy làm mà thật ra không có làm chi cả. Vì lẽ đó Như Lai nói: “Tất cả các tướng tức chẳng phải là tướng. Tuy làm lợi ích cho chúng-sanh mà thật không có chúng-sanh nào được lợi ích, nên Như-Lai nói tất cả chúng-sanh, cũng chẳng phải chúng-sanh.
Đức Thế-Tôn sợ trong chúng nghi, không theo đúng như lời Phật đã nói để tu hành, mà còn chấp lấy tướng ngôn-thuyết nên Phật lại bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng “Những lời Như-Lai nói đó là những lời chơn-chánh, do chứng được Bát-Nhã chơn trí mà nói ra, là những lời chắc thật, do diệu trí quán sát các pháp như huyễn-hoá, không thật, đúng như lý mà nói ra, là những lời đúng đắn, như lời chư Phật mười phương ba đời đồng nói ra, chẳng phải cố ý dối gạt chúng-sanh mà nói ra nhiều lời dối gạt, chẳng phải đặt ra những lời nói sai khác, nhiều cách không đồng. Dù tạm có những lời nói sai khác, đó là cốt để thành tựu đạo lý nhứt-thừa, chớ thật không có sai khác chi cả. Huống chi đạo vô-thượng bồ-đề của Phật đã chứng được đó, không thật cũng không hư. “Không thật” là không thể chấp cho là thật, nếu chấp cho là thật, tức là có chổ trụ, thành ra thường-kiến, không phải là Bồ-Đề. “Không hư” là không thể chấp cho là hư, nếu chấp cho là hư là có chổ trụ, thành ra đoạn-kiến, cũng không phải là Bồ-Đề. Vả lại hai lẽ “Không-trụ và trụ”, chổ đắc, thật khác xa nhau như trời với vực, nên Phật nói rằng: Nếu Bồ-tát bố-thí mà trụ nơi Pháp, như người vào chổ tối, tuy có mắt mà trông không thấy gì.
Nếu Bồ-tát bố-thí, mà không trụ nơi Pháp, cũng như người có mắt, lại có ánh sáng mặt trời soi chiếu, không luận những hình sắc gì, mà không thấy rõ lợi ích biết dường nào!
Tu-Bồ-Đề! Đương lai chi thế, nhược hữu thiện-nam-tử thiện-nữ-nhơn năng ư thử kinh thọ trì đọc tụng, tức vi Như-Lai dĩ Phật trí-huệ, tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành tựu vô thượng vô-biên công đức.
Tu-Bồ-Đề! về đời sau này, nếu có thiện-nam tín-nữ nào thọ-trì, đọc tụng kinh nầy, thì Như-Lai lấy trí-huệ Phật biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều thành tựu công-đức vô-lượng vô-biên.
Trước đã nói rõ sự lợi ích của người tu-hành không trụ trước.
Đoạn nầy nói rõ Bồ-tát muốn được lợi ích tất phải trì kinh, nên Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Về đời sau, nếu có thiện-nam tín-nữ nào có thể lãnh thọ được nghĩa-lý của kinh nầy, đúng như nghĩa mà hành trì, đọc tụng thông suốt, thì người ấy đã hiểu thấu Kim-Cang Bát-Nhã. Như-Lai dùng sức chơn-trí, biết rõ người ấy tu nhơn Bồ-đề, lại dùng sức Phật-nhãn, thấy rõ người ấy đắc quả Bồ-Đề, đều thành tựu được vô-lượng vô-biên công-đức.


15.- CÔNG ĐỨC TRÌ KINH
Tu-Bồ-Đề! Nhược hữu thiện nam-tử, thiện-nữ-nhơn, trung nhật phần phục dĩ Hằng-hà-sa đẳng thân bố-thí, trung nhật phần phục dĩ Hằng-hà-sa đẳng thân bố-thí, hậu nhật phần diệc dĩ Hằng-hà- sa đẳng, như thị vô-lượng bá thiên vạn ức kiếp, dĩ thân bố-thí. Nhược phục hữu nhơn văn thử kinh điển tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ? hà huống thư tả, thọ-trì đọc tụng, vị nhơn giải thuyết.
Tu-Bồ-Đề! Dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất khả tư-nghị, bất khả xứng lượng, vô-biên công-đức.
Tu-Bồ-Đề! Nếu có thiện-nam tín-nữ nào, buổi mai bố-thí thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng, buổi trưa lại bố-thí thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng, buổi chiều cũng bố-thí thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng, cứ bố-thí thân mạng như thế cho đến vô-lượng trăm, nghìn, muôn, ức kiếp
Nếu lại có người nghe kinh điển nầy lòng tin không trái, thì phước sẽ nhiều hơn người kia, huống chi lại còn biên chép, thọ-trì, đọc tụng, giải nói cho người khác nghe nữa.
Tu-Bồ-Đề! Nói tóm lại kinh nầy có công-đức vô-biên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường được.
Đoạn trước nói rõ công-đức trì kinh, hơn công đức bố-thí thân mạng như số cát sông Hằng.
Đoạn nầy nói rõ thêm công-đức bố-thí thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng, mà lại trải qua vô-lượng, trăm nghìn, muôn ức kiếp.
Mỗi ngày phân làm ba thời: sớm, trưa và chiều, ngày ngày như thế cho đến vô lượng trăm, nghìn, muôn, ức kiếp, đều đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà bố-thí. Thời gian lâu xa như thế, công-đức rộng lớn như thế, mà đem so sánh với người nghe kinh điển nầy, lòng tin không trái, thì phước đức của người sau nầy lại hơn người trước kia nhiều rồi; huống chi người ấy lại biên chép thọ-trì, đọc tụng, hoặc giải nói và dạy bảo cho người biên chép, thọ-trì, đọc tụng, thì phước-đức lại còn hơn biết là dường nào ư!
Nói tóm lại, kinh nầy là chúa trong các kinh, là mẹ chư Phật. Một câu, một bài kệ cũng đều là Bát-Nhã Bồ-Đề, nên có phước-đức, nên không thể lấy Tâm thứcnghĩ tưởng được, không thể lầy ngôn ngữluận bàn được, không phải như các vật nhẹ, nặng, lớn, nhỏ, rộng, hẹp, dài, ngắn mà đo lường được. Cũng không phải có ngằn, mé, chớm, hạn mà hạn lượng được. Công đức nầy, cũng không phải tìm cầu ở bên ngoài mà có, chính là ngay ở Tâm mình hiển hiện ra, dù nghĩ tưởng mà không thể nghĩ tưởng được, dù luận bàn mà không thể luận bàn được, nếu cố cưỡng suy lường thì thành ra trước tướng. Cái tướng nói đây, chẳng những là các tướng dài, ngắn, lớn nhỏ v.v... cho đến cả nghĩa lý có, không, hư, thật, động, tịnh, nói, nín, cũng đều gọi là tướng cả. Như trong lục thơ hội ý thì “tướng của tâm là tưởng, nên tư-tưởng cũng gọi là tướng”.
Tâm vin vào cảnh, cũng như gương soi vào vật. Vật tượng có đối trước gương, thì hình tướng hiển lộ rõ ràng trong gương. Khi vật tượng chưa đối với gương, thì trong gương vẫn không có hình ảnh, cho nên rỗng rang mà không có chiếu, nhưng không có vật nào mà không chiếu, còn chiếu mà không rỗng rang, thì cái chiếu ấy tất có hạn lượng.
Công-đức kinh nầy cũng thế, nếu chấp tướng thời có hạn lượng, không chấp tướng thời vô lượng, vô số, vô biên vậy.
Như-Lai vị phát đại thừa giả thuyết, vị phát tối thượng thừa giả thuyết. Nhược hữu nhơn năng thọ-trì, đọc tụng quảng vị nhơn thuyết, Như-Lai tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xứng, vô hữu biên, bất khả tư nghị công đức. Như thị nhơn đẳng tắc vi hà đảm Như-Lai A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Hà dĩ cố?- Tu-Bồ-Đề! Nhược nhạo tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhơn kiến, chúng-sanh kiến, Thọ-giả kiến, tức ư thử kinh bất năng thính thọ, đọc tụng, vị nhơn giải thuyết.
Tu-Bồ-Đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thữ kinh, nhứt thiết thế-gian, thiên, nhơn, A-tu-la sở ưng cúng dường Đương tri thử xứ, tức vi, thị pháp, giai ưng cung kính, tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi tán kỳ xứ:
Như lai vì người phát tâm đại-thừa, vì người phát tâm tối thượng thừa mà nói. Nếu có người nào, hay thọ-trì đọc tụng, rộng nói cho người, thì Như-Lai biết rõ người ấy, đều thành tựu công-đức không thể lường, không thể cân, không có ngằn mé, không thể nghĩ bàn. Những người như thế, mới gánh vác được đạo vô thượng chánh-đẳng chánh-giác của Như-Lai. Bởi vì sao? – Tu-Bồ-Đề! Nếu người ưa pháp tiểu thừa, chấp trước cái thấy ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả thì đối với kinh nầy không thể nghe lãnh, đọc tụng và giải nói cho người.
tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường chỗ đó chính là Pháp Phật, đều nên cung kính lễ bái, nhiễu quanh và đem các thứ hương hoa mà rải chỗ đó.
Đoạn nầy nói rõ kinh hơn hết. Người trì kinh nầy cũng hơn hết. Trì kinh được phước-đức cũng hơn hết, mà cả những chỗ nào có kinh nầy cũng là hơn hết. Bởi vì sao?- Bởi kinh nầy, đức Như-Lai vì người phát tâm đại thừa mà nói, tức là nói cho các Bồ-tát  phát tâm Bồ-Đề vô-thượng, chớ chẳng nói cho phàm-phu nhị-thừa, nói cho những người thượng trí, thượng căn, tối thượng thừa ngang trí với Phật, chớ không phải nói cho ngoại đạo.
Nếu có người nào, nay thọ-trì đọc tụng kinh nầy để lợi cho mình, rồi lại đem cái pháp không thể nói năng được nầy mà phương tiện giả lập ra nhiều lời nói để lợi cho người, Như lấy trí tuệ của Phật biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, được thành tựu công đức không thể đo lường, không có ngằn mé, không thể nghĩ bàn. Những người có trí-huệ sánh đồng với Phật-huệ như thế mới gánh vác nổi gia-nghiệp vô-thượng chánh-đẳng chánh- giác của Như-Lai đã thành tựu. Đó là lấy công- đức của Như-Lai mà làm công-đức của mình vậy.
Nếu người ưa pháp tiểu-thừa như: Thanh-văn, Duyên-giác, tham-đắm thú vui hữu dư Niết-Bàn, không xoay tâm tiểu thừa trở về đại thừa, tự mình còn chấp pháp-kiến, thì đối với kinh nầy tất nhiên không thọ-trì đọc tụng và giải nói cho người được.
Lại như phàm-phu ngoại đạo chấp trước cái thấy có ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả, dù có căn lành, mà hoặc tham cầu sự giàu sang, sống lâu ở đời, hoặc là mong cầu lợi lộc an vui, hoặc muốn dứt hết cả thảy phiền não hiện tại để cầu một cảnh định, hoặc cho thân thể là khổ hại mà muốn diệt hoại cái thân thành không, hoặc cho tâm niệm, tư tưởng là khổ hại, mà tu pháp định vô-tưởng, hoặc cầu pháp thần tiên để được sanh lên cõi trời, hoặc có hiểu Phật-pháp chút ít mà cầu đời sau được quả báo tốt đẹp, những người như thế đều không thể thọ-trì, đọc tụng kinh nầy và giải nói cho người nghe được.
Nếu người nào thọ-trì được kinh nầy, tức là người gánh vác được Phật-pháp. Bởi kinh nầy rất thù thắng, nên người trì kinh nầy cũng được thù thắng như thế.
Không luận ở nơi nào, nếu có kinh nầy, thời tất cả thế gian trời, người và tám bộ chúng, nên biết nơi ấy tức là tháp-Phật, đều phải đảnh lễ, đi nhiễu vây quanh để tiêu biểu lòng cung kính và đem các thứ hương hoa rải khắp nơi ấy để cúng dường. Kinh nầy ở nơi nào, thời nơi đó được thù-thắng. Xem thế đủ biết rằng kinh nầy quý trọng biết nhường nào.


16.- TRỪ SẠCH NGHIỆP CHƯỚNG.
Phục thứ, Tu-Bồ-Đề! Thiện-nam-tử, Thiện-nữ- nhơn thọ-trì, đọc tụng thử kinh, nhược vi nhơn khinh tiện, thị nhơn tiên thế tội nghiệp ưng đọa ác đạo, dĩ kim thế nhơn khinh tiện cố, tiên thế  tội nghiệp tức vi tiêu diệt, đương đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
Lại nữa, Tu-Bồ-Đề! Như thiện-nam, tín-nữ nào thọ-trì, đọc tụng kinh nầy, hoặc bị người khinh rẽ, đó là do tội nghiệp của người ấy ở đời trước đáng bị đọa vào ác đạo, nhân đời nay bị người khinh rẽ, nên tội nghiệp đời trước liền tiêu diệt và sẽ được đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Đoạn nầy nói rõ trì kinh là tiêu được tội chướng.
Chướng có ba thứ:
1.- Phiền não chướng, tức là tham, sân, si, kiêu mạn, nghi nan.
2.- Nghiệp chướng, tức là tâm không tự tại, điên đảo vọng động
3.- Báo chướng, Như con chim bị cái báo chỉ biết bay trên hư-không mà không lội được dưới nước. Như các loài cá chỉ biết lội mà không biết bay. Loài người thì có phạm vi của nghiệp người, không bay được mà cũng không ở mãi dưới nước được.
Chướng cũng như đồ nhơ bẩn. Đồ nhơ bẩn ấy chỉ có Kim-Cang-Bát-Nhã làm cho trong sạch lại được mà thôi. Lại nữa, “nghiệp-chướng” cũng như sương mốc, còn kinh nầy cũng như vầng huệ-nhựt. Huệ-nhựt chiếu lên thì sương mốc đều tan.
Nếu thiện-nam, tín-nữ nào thọ-trì, đọc tụng kinh nầy, đáng lẽ được người tôn trọng mới phải, trái lại bị người khinh rẽ, đó là tội nghiệp của người ấy đã tạo ở đời trước, đáng đọa vào ba đường ác: địa-ngục, ngạ-quỷ, và súc-sanh. Nhân vì đời này nhờ thọ-trì kinh nầy, nên chỉ bị người khinh rẽ, mà tội nghiệp đời trước  liền được tiêu trừ và sẽ được đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Tu-Bồ-Đề! Ngã niệm quá khứ vô-lượng a-tăng-kỳ kiếp, ư Nhiên-Đăng Phật tiền, đắc trị bát bá tứ thiên vạn ức na-do-tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa sự, vô không quá giả. Nhược phục hữu nhơn ư hậu mạt thế, năng thọ-trì đọc tụng thử kinh, sở đắc công-đức  ư ngã sở cúng-dường chư Phật, công-đức bá phần bất cập nhứt, thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí-dụ sở bất năng cập.
Tu-Bồ-Đề! Ta nhớ ở đời quá khứ, trước Phật Nhiên-Đăng vô-lượng vô số kiếp, được gặp tám trăm bốn nghìn muôn ức na-do-tha chư Phật, ta đều cúng dường, thờ phụng không có bỏ qua. Nếu có người ở đời mạt thế sau nầy hay thọ-trì, đọc tụng kinh nầy , công-đức ấy, dầu đem công-đức cúng dường chư Phật của ta, so sánh cũng chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến một phần tính đếm, thí dụ cũng chẳng bằng. (tính đếm, thí dụ là những con số hết sức nhỏ)
Đoạn nầy, nói rõ công-đức trì kinh hơn cả công đức Như-Lai cúng dường Phật ở nhiều kiếp về trước.
Đức Thế-Tôn nói rằng: Ta nhớ về đời quá khứ, trước Phật Nhiên-Đăng vô-lượng vô số kiếp, ta được gặp chư Phật rất nhiều, đến tám trăm nghìn muôn ức na-do-tha vị, ta đều cúng dường, thờ phụng, không bỏ qua một vị nào. Như kể về phước-đức đó, cố nhiên là nhiều thật, nhưng nếu so lại vơí công-đức của người ở đời mạt-pháp hay thọ-trì kinh nầy, thì công-đức của ta cũng chẳng bằng một phần trăm một phần nghìn, muôn, ức của người ấy, mà cũng chẳng bằng một phần trong số tính, đếm thí dụ không thể tới được. Bởi vì sao? –Vì cúng dường Phậthữu vi “có được” không thể mau tới quả Bồ-Đề, nên chẳng bằng công-đức trì kinh tự-lợi và lợi-tha, là công-đức vô-vi “không chổ được”, nó khiến cho mau tới quả vô thượng Bồ-Đề.
Tu-Bồ-Đề! Nhược Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn, ư hậu mạt thế hữu thọ-trì đọc tụng thữ kinh, sở đắc công-đức, ngã nhược cũ thuyết giả, hoặc hữu nhơn văn, tâm tắc cuồng loạn, hồ nghi bất tín. Tu-Bồ-Đề! Đương tri thị  kinh nghĩa bất khả tư-nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị.
Tu-Bồ-Đề! Nếu ở đời mạt thế sau nầy, có thiện-nam tín-nữ nào thọ-trì đọc tụng kinh nầy, công-đức ấy, nếu tôi nói ra cho hết hoặc có người nghe, tâm liền cuồng loạn, hồ nghi không tin.
Tu-Bồ-Đề! Phải biết nghĩa lý của kinh nầy không thể nghĩ bàn, mà quả báo cũng không thể nghĩ bàn.
Đoạn nầy nói rõ công-đức trì kinh vô-lượng vô-biên. Trước đã năm phen so sánh, nhưng cũng còn chưa đủ. Nên Phật lại nói rằng: “về đời mạt thế sau nầy, nếu có, thiện-nam, tín-nữ nào thọ- trì, đọc tụng kinh nầy, tất được công đức vô lượng vô-số, khó lấy lời nói mô tả được. Nếu tôi mô tả cho tỉ-mỉ, nói cho rốt ráo, hoặc có người nghe qua, tâm liền cuồng loạn, hồ nghi không tin, vì thế mà tôi không nói hết. Tại làm sao mà hồ nghi không tin? Vì không hiểu thấu nghĩa lý kinh nầy. Nếu hiểu thấu nghĩa lý kinh nầy không thể nghĩ, không thể bàn, thì cái quả báo của người trì kinh nầy, đương nhiên cũng không thể nghĩ, không thể bàn. Như thế còn gì hồ nghi nữa!.

17. RỐT RÁO KHÔNG NGÃ
Nhĩ thời, Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: Thế-Tôn! Thiện-nam-tử, Thiện-nữ-nhơn phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề-tâm vân hà ưng trụ. Vân hà hàng phục kỳ tâm?
Phật cáo Tu-Bồ-Đề: Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm giả, đương sanh như thị tâm: Ngã ưng diệt-độ nhứt thiết chúng-sanh, diệt độ nhứt thiết chúng-sanh dĩ, nhi vô hữu nhứt chúng-sanh thiệt diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh tướng, thọ-giả tướng, tức phi Bồ-tát. Sở dĩ giả hà? Tu-Bồ-Đề
! Thiệt vô hữu pháp phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề-tâm giả.
Lúc bấy giờ, Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế-Tôn! Những thiện-nam, tín-nữ phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác nên trụ thế nào? Hàng phục cái tâm của họ thế nào?
Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: Những thiện-nam tín-nữ phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, nên sanh tâm thế nầy: “Ta phải diệt-độ cho tất cả chúng-sanh, diệt độ cho tất cả chúng-sanh rồi, mà không có một chúng-sanh nào thật được diệt-độ”. Bởi vì sao? Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát có tướng ngã có tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, tức chẳng phải là Bồ-tát. Bởi vì sao? Tu-Bồ-Đề! Thật không có pháp gì để phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Đoạn nầy ông Tu-Bồ-Đề hỏi lập lại để tóm kết các phần ở trước. Ông hỏi rằng: “Những thiện-nam tín-nữ làm thế nào để phát tâm vô-thượng bồ-đề và an trụ cái tâm cùng hàng phục cái tâm?”
Phật bảo rằng: “Phải nên sanh tâm diệt-độ tất cả chúng-sanh, diệt-độ tất cả chúng-sanh rồi, nhưng phải biết những chúng-sanh được độ ấy đều là tự tánh chúng-sanh tự độ lấy chúng-sanh chớ không có một chúng-sanh nào thật được ai diệt-độ cả”. Nếu nói rằng: “Ta là người hay độ được chúng-sanh, đó là chấp cái thấy có ngã. Nếu nói có chúng-sanh được độ, đó là chấp cái thấy có chúng-sanh. Đã chấp cái thấy có ngã, có chúng-sanh, tức là chấp cả cái thấy có nhơn và thọ-giả, thì chẳng phải là Bồ-tát”. Bởi vì sao? Vì rằng: Thật không có pháp gì để phát tâm Bồ-Đề cả. Nếu có pháp gì để phát tâm bồ-đề, thì có những cái thấy người năng độ và người sở độ, có cả bốn cái thấy: ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Nay đã không có pháp gì để phát tâm Bồ-đề, thì tự nhiên không có cái thấy năng-độ sở-độ và bốn cái thấy: ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả vậy.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà! Như-Lai ư Nhiên-Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề phủ?
Phất dã Thế-Tôn!  Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa Phật ư Nhiên-Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Phật ngôn: Như thị! Như thị! Tu-Bồ-Đề! Thiệt vô hữu pháp Như-Lai đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Tu-Bồ-Đề! Nhược hữu pháp Như-Lai đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề giả, Nhiên-Đăng Phật tức bất dữ ngã thọ-ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật hiệu “Thích Ca Mâu Ni”. Dĩ thiệt vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, thị cố Nhiên-Đăng Phật dữ ngả thọ-ký tác thị ngôn: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu “Thích Ca Mâu Ni”. Hà dĩ cố? Như-lai giả tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhơn ngôn: Như-Lai đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.Tu-Bồ-Đề! Thiệt vô hữu pháp Phật đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam bồ-đề. Tu-Bồ-Đề! Như-Lai sở đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, ư thị trung vô thiệt vô hư.
Tu-Bồ-Đề Ý ông thế nào? Ở nơi Phật Nhiên-Đăng, Như-Lai có pháp gì được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác chăng?
Bạch Thế-Tôn! Không. Theo con hiểu nghĩa của Phật nói ở nơi Phật Nhiên-Đăng, Phật không có pháp gì được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Phật bảo: “Phải đấy! Phải đấy!. Tu-Bồ-Đề! Như-Lai thật không có pháp gì được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác cả. Tu-Bồ-Đề! Nếu Như –Lai có pháp gì được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, thì Phật Nhiên-Đăng chắc không thọ-ký cho ta rằng: “Về đời sau nầy, ông sẽ thành Phật, hiệu là Thích-Ca-Mâu- Ni”. Bởi thật không có pháp gì được vô- thượng chánh-đẳng chánh-giác, thế cho nên Phật Nhiên-Đăng mới thọ-ký cho ta rằng: “Về đời sau nầy, ông sẽ thành Phật, hiệu là Thích- Ca-Mâu-Ni” Bởi vì sao? Vì Như-Lai tức là cái nghĩa chơn-như của các pháp. Nếu có người nói rằng: Như-Lai được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Nầy Tu-Bồ-Đề! Như-Lai thật không có pháp gì được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác cả.
Tu-Bồ-Đề! Như vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác mà Như-Lai đã được ở trong đó, không có thật cũng không hư.
Đoạn nầy nói rõ đã không có cái nhơn phát tâm, cũng không có cái quả thọ-ký, sở dĩ là cái nghĩa rốt ráo không có ngã vậy.
Tổng quát Phật pháp, không ngoài bốn món: giáo, lý, hạnh, quả.
Giáo: là kinh điển hiển bày chơn-lý thực tế.
Lý: là chân-lý do kinh giáo hiển bày.
Hạnh: là khi rõ đuợc chân-lý rồi, khởi công tu hành.
Quả: là do sự tu-hành thực tế mà chứng được chân-lý, tức là quả Phật.
Tự mình tu hành cũng y theo đó, hóa độ người cũng y theo đó, cho nên sáu độ, muôn hạnh, cũng đều là cái diệu-dụng của giáo, lý, hạnh, quả. Nhưng mà hoàn toàn không thể chấp lấy, không thể nói được. Nếu còn có chổ chấp, có chổ nói, thì không phải là Kim-Cang Bát-Nhã, không phải là thật-tướng của các pháp, không thể gọi là Phật được, cũng không thể gọi là Bồ-tát. Cho nên Thế-tôn hỏi ông Tu-Bồ-Đề Rằng: Ở thời Phật Nhiên-Đăng, Như-Lai có pháp gì được đạo Bồ-đề chăng? Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: Không! Phật liền ấn khả rằng: “Phải đấy! Phải đấy! Như-Lai thật không có pháp gì được đạo Bồ-Đề. Nếu Như-Lai có pháp gì được đạo Bồ-Đề, thì tâm còn có chấp kiến, không thể gọi được là Như-Lai, mà Phật Nhiên-Đăng cũng không thọ-ký cho ta rằng: “Về đời sau, ông sẽ thành Phật, hiệu là Thích-Ca- Mâu-Ni”. Vì thật không có pháp gì được đạo Bồ- Đề, nên không chấp cái thấy có ngã và cũng không chấp cái thấy có Bồ-Đề cho nên Phật Nhiên-Đăng mới thọ-ký cho ta như thế.
Thế thì chỗ chứng đắc của Phật, đâu có lẽ như lông rùa sừng thỏ hay sao?
Không phải thế! Bởi vì sao? Vì Như-Lai là cái nghĩa các pháp đều y như chơn-như chẳng động, là bình đẳng, không sai khác, không đọa lạc hai bên, cũng không trụ ở giữa, làm mà không có thấy làm, được cũng không có thấy được, nên gọi là Như-Lai.
Nếu có người nói rằng: Như-Lai được đạo Bồ-Đề, thời người đó chấp có ngã có pháp rồi. Thật ra không có Phật được Bồ-Đề, và Bồ-Đề bị được. Bởi vì sao? Vì được mà không phải là được, nên không thể nói là thật ; không phải được mà vẩn được, nên không thể nói là hư. Vì thế, nói rằng Bồ-Đề mà Như-Lai đã được đó, không thật cũng không hư.
Thị cố, Như-Lai thuyết pháp Tu-Bồ-Đề! Sở ngôn nhứt thiết pháp giai nhị Phật-pháp Tu-Bồ-Đề! Sở ngôn nhứt thiết pháp giả, tức phi nhứt thiết pháp, thị cố danh nhứt thiết pháp.
Tu-Bồ-Đề! Thí như nhơn thân trường đại…
Tu-Bồ-Đề ngôn, Thế-Tôn! Như-Lai thuyết: Nhân thân trường đại, tức vi phi đại thân, thị danh đại thân.
Vì thế, Như-Lai nói : Tất cả pháp đều là Phật pháp. Tu-Bồ-Đề ! Nói là tất cả pháp đó, tức chẳng phải là tất cả pháp, thế nên gọi là tất cả pháp.
Tu-Bồ-Đề! Ví như thân người cao lớn.
Tu-Bồ-Đề thưa rằng: Bạch Thế-Tôn! Như-Lai nói thân người cao lớn đó, tức chẳng phải là thân lớn, ấy gọi là thân lớn.
Đoạn trên đã nói rõ các pháp đều như chơn-như tức là Như-Lai, cho nên gọi là Như-Lai. Vì tất cả pháp đều như chơn-như tức là Như-Lai, cho nên nói tất cả pháp đều là Phật-pháp. Nhưng nói là tất cả pháp đó, không phải là tất cả pháp điên đảo, mà là tất cả pháp đều như chơn-như, cho nên gọi là tất cả pháp.
Đức Thế-Tôn nói rằng: “Ví như thân người cao lớn, là nói thân người không thật, không hư. Pháp- thân chẳng phải có, chẳng phải không vậy.
Ông Tu-Bồ-Đề liền bạch Phật rằng: Như-Lai nói thân người cao lớn, khắp hết mọi nơi, đủ tất cả các công-đức, đó là vì chúng-sanh mà ngợi khen là thân lớn, chớ chẳng phải thân Như-Lai có lớn nhỏ, khắp hay không khắp. Vã lại cũng không có cái tướng thân lớn chân thật có thể vin chấp được, nên nói tức chẳng phải là thân lớn, ấy là thân lớn khắp mọi nơi vậy.
Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn. Ngã đương diệt-độ vô-lượng chúng-sanh, tức bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Tu-Bồ-Đề! Thiệt vô hữu pháp danh vi Bồ-tát. Thị cố Phật thiết nhứt thuyết pháp vô ngã, vô nhơn, vô chúng-sanh, vô thọ giả.
Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-tát thị ngôn: Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Như-Lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm.
Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như-Lai thuyết danh chơn thị Bồ-tát.
Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát cũng thế. Nếu nói rằng ta phải diệt độ cho vô-lượng chúng-sanh, thời không thể gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Tu-Bồ-Đề! Thật không có pháp gì gọi là Bồ-tát. Vì thế Phật nói tất cả pháp không ngã, không nhơn không chúng-sanh, không thọ-giã.
Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát nói rằng: Ta phải trang nghiêm cõi Phật, thì không thể gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Như-Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải là trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.
Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát hiểu suốt cái nghĩa không ngã, không pháp ấy, thì Như-Lai gọi chính thật là Bồ-tát.
Đoạn trên đã nói rõ, không có pháp gì gọi là Phật phát tâm Bồ-đề.
Đoạn nầy nói rõ cũng không có pháp gì gọi là Bồ-tát.
Cho nên Thế-Tôn nói rằng: “Chẳng những pháp Phật không có như thế, mà pháp Bồ-tát cũng không có như thế”. Nếu Bồ-tát nói rằng: Ta phải độ chúng-sanh, tức là có ngã kiến, thì không gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Bởi thật không có pháp gì gọi là Bồ-tát cho nên Phật nói tất cả pháp không có ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Nếu Bồ-tát nói rằng: Ta phải trang nghiêm Phật-độ, thì không gọi là Bồ-tát. Bởi vì sao? Vì sự trang nghiêm đó không thể lấy được, không thể nói được. Cõi Phật cũng không thể lấy được, không thể nói được, Như-Lai sở dĩ nói trang nghiêm cõi Phật đó, tức là vì không có cái tướng trang nghiêm, cũng không có cái tướng cõi Phật, nên nói: tức chẳng phải là trang nghiêm cõi Phật, mà phải gọi là trang nghiêm cõi Phật. Nếu Bồ-tát tỏ ngộ cái lý không nhơn, không ngã, không pháp, không phi pháp, như-như, bất-động, lắng trong, thường vắng lặng, đó chính thật là Bồ-tát ngang hàng với Phật-huệ vậy.

18.    XEM ĐỒNG MỘT THỂ.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai hữu nhục-nhản phủ?
-Như thị, Thế-Tôn! Như-Lai hữu nhục-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai hữu thiên-nhản phủ?
-Như thị, Thế-Tôn! Như-Lai hữu thiên-nhản.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai hữu huệ-nhãn phủ?
-Như thị, Thế-Tôn! Như-Lai hữu huệ-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai hữu pháp-nhãn phủ?
-Như thị, Thế-Tôn! Như-Lai hữu pháp-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai hữu Phật-nhãn phủ?
-Như thị, Thế-Tôn! Như-Lai hữu Phật-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như-Lai có nhục nhãn chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Chính thế, Như-Lai có nhục- nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như-Lai có thiên-nhãn chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Chính thế, Như-Lai có thiên-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như-Lai có huệ-nhãn chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Chính-thế, Như-Lai có huệ-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như-Lai có pháp-nhãn chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Chính thế, Như-Lai có pháp-nhãn.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như-Lai có Phật-nhãn chăng?
Bạch Thế-Tôn! Chính thế, Như-Lai có Phật-nhãn.
Từ phần nầy sắp về sau là nói về quả. Kim-Cang Bát-Nhã vốn bao quát cả giáo, lý, hạnh, quả.
Năm phần trước là nói về lý. Từ phần thứ sáu sắp về sau, là nói về sự, tức là hạnh. Kinh điển tức là giáo, mà chổ kinh điển tỏ bày tức là lý và hạnh.
Phần thứ 17 do ba món “giáo, lý và hạnh” vô-ngã mà tổng kết từ Bồ-tát đến Phật (tức quả). Giáo, lý, hạnh, quả, về phần mình thực hành đã rồi mà nhân và quả hóa độ chúng-sanh cũng đồng như nhau, suốt cả vạn vật xem đồng một thể không khác, cho nên phần nầy gọi là “Xem đồng một thể”.
ở trước nhiều lần nói rõ cái lý “không được, không thấy”, nhưng chẳng phải không có mắt mà không thấy, cho nên Phật mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Như-Lai có năm thứ mắt chăng?’.
Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: Như-Lai có năm thứ mắt, Đức Phật có đủ năm thứ mắt, còn không thấy có các pháp, huống chi là phàm-phu, nhị- thừa không có đủ năm thứ mắt mà nói có thấy, có được pháp Bồ-Đề ư?
Nhục-nhãn là con mắt thịt của phàm-phu, phạm vi rất hẹp, chỉ thấy gần mà không thấy xa, nếu bị ngăn cách bởi một tấm giấy mỏng cũng không thấy được.
Thiên-nhãn: Là con mắt của chư Thiên, người tu thiền-định cũng có thể được. Con mắt nầy có năng lực thấy cả xa và gần, thấy suốt vạn tượng, không bị sắt chất làm ngăn ngại.
Huệ-nhãn: Là con mắt của hàng nhị-thừa Thanh-Văn, Duyên-Giác, quán thấy tất cả chúng-sanh đều là không, đều là do bốn đại, năm ấm giả hợp, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Ông Tu-Bồ-Đề đã có thứ huệ-nhãn nầy, ông dùng trí-huệ đó làm mạng sống của ông, (nên gọi: Huệ-mạng Tu-Bồ-Đề).
Pháp-nhãn: Là con mắt của Bồ-tát. Con mắt nầy chẳng những thấy suốt nhơn, ngã, chúng-sanh là không, mà còn rõ suốt các pháp đều bởi nhơn-duyên mà sanh ra, không có tự tánh, tất cả là một, một là tất cả, vận dụng tự tại, không có gì ngăn ngại.
Phật-nhãn: Là con mắt của Phật đã chứng được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, thông suốt tất cả chúng-sanh, tất cả các pháp thế gianxuất thế gian. Diệu-trí ấy, cả năm thứ mắt đều có đủ. Bồ-tát được bốn thứ mắt, Bậc La-Hán ngũ thông tuy có đủ ba thứ mắt mà không thể trong  một sát na đồng thời thấy được cả ba cảnh: (nhơn, thiên, La-hán). Mắt nhị-thừa tuy thấy thông mà cũng còn có ngại. Mắt phàm-phu thấy bị ngại mà chẳng thông. Mắt Phật thì trong mỗi sát na đồng thời thấy được cả bốn cảnh giới của nhơn, thiên, La-hán và Bồ-tát, thấy thẩy rốt ráo thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, không chướng không ngại, không thiếu không dư, tức là con mắt Phật nầy đã thấy rõ cả phần tướng, phần dụng của các pháp. Nhưng xét đến sự thật thì thể nhứt định, tướng nhứt định, dụng nhứt định, đều không thể có.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như hằng hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?
-Như-thị, Thế-Tôn! Như-Lai thuyết thị sa.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như nhứt hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng hằng hà, thị chư hằng hà sở hữu sa số Phật thế-giới, như thị ninh vi đa phủ!
Thậm đa, Thế-Tôn!
Phật cáo Tu-Bồ-Đề: “Nhĩ sở quốc-độ trung, sở hữu chúng-sanh, nhược can chũng tâm, giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ dã hà? Tu-Bồ-Đề! Quá-khứ tâm bất khả đắc, hiện-tại tâm bất khả đắc, vị-lai tâm bất khả đắc.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như bao nhiêu cát trong sông hằng kia, Phật nói là các chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Chính thế! Như-Lai nói là cát.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như có những sông Hằng nhiều bằng bao nhiêu số cát trong một sông Hằng, rồi lại có cõi Phật nhiều bằng bao nhiêu số cát trong những sông Hằng ấy, như thế có là nhiều chăng?
Bạch Thế-Tôn! Rất nhiều.
Phật bảo Tu-Bồ-Đề: “Có bao nhiêu tâm của chúng-sanh ở trong ngần ấy cõi Phật, Như-Lai đều biết rõ. Bởi vì sao?- Tu-Bồ-Đề! Tâm quá-khứ không thể có được, tâm hiện-tại không thể có được, tâm vị-lai không thể có được.
Đoạn nầy nói rõ cảnh giới của Phật-nhãn xét thấy.
Đức Thế-Tôn hỏi rằng: “Như có những sông Hằng, nhiều bằng bao nhiêu số cát trong một sông Hằng, rồi lại có những cõi Phật nhiều bằng bao nhiêu số cát trong những sông Hằng ấy, như thế có nhiều chăng?
Ông Tu-Bồ-Đề thưa: rất nhiều.
Thế-Tôn lại bảo rằng: Chẳng những các cõi nước Phật rất nhiều ngần ấy, Như-Lai cũng đều thấy hết, cũng đều biết hết. Mà cả bao nhiêu tâm của chúng-sanh ở trong ngần ấy cõi nước Phật, người người đều khó biết nổi, mà Như-Lai đều biết rõ hết. Bởi vì sao?- Vì Phật có tha-tâm-thông, (có thần thông biết tâm người khác). Có tha-tâm-thông thì biết rõ tâm của chúng-sanh, vì tâm không có hai. Tâm không hai ấy tức là cái tâm của tất cả bao nhiêu chúng-sanh ở trong tất cả thế giới. Như-Lai biết được cái tâm chúng-sanh chỉ hành động ở trong vòng điên đảo, đều không phải là tâm, mà phải gọi là tâm. Bởi tại làm sao?- vì chính cái tâm, nó bao hàm không-gian, mà không có hình ảnh dấu vết gì, không thể nói là có, cũng không thể nói là không được. các quảng thời gian chia ra mà xét thì đều là giả lập, vì tâm quá-khứ đã qua, thì tâm quá-khứ không thể có được. Tâm hiện-tại không dừng thì tâm hiện-tại không thể có được. Tâm vị-lai chưa đến, thì tâm vị lai cũng không thể có được.
Tâm quá-khứ, tâm hiện-tại và tâm vị-lai đều không thể có được, thời còn rõ giả-lập, chớ không phải là thật có. Thế mà chúng-sanh không biết xét biết, lấy không làm có, đủ thứ điên đảo, cho nên nói tất cả tâm đều chẳng phải là tâm, mà phải gọi là tâm vậy.


19. THÔNG HÓA PHÁP GIỚI.
(Ý đây nói bặt dứt các tướng, hội quy về tánh thể bình đẳng).
-Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Nhược hữu nhơn mãn tam-thiên-đại-thiên thế-giới thất bảo dĩ dụng bố-thí, thị-nhơn dĩ thị nhơn-duyên đắc phước đa phủ?
-Như thị, Thế-Tôn! Thử nhơn dĩ thị nhơn-duyên đắc phước thậm-đa.
-Tu-Bồ-Đề! Nhược phước đa hữu thiệt, Như-Lai bất-thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô cố Như-Lai thuyết đắc phước đức đa.
-Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Như có người đem của bảy báu  đầy khắp cỏi tam-thiên-đại-thiên thế-giới mà bố thí, người ấy nhờ nhơn-duyên đó có được phước đức nhiều chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Chính thế. Người ấy, nhờ nhơn-duyên đó được phước đức rất nhiều.
-Tu-Bồ-Đề! Nếu phước-đức có thật Như-Lai không nói “được phước đức rất nhiều”; vì phước đức nguyên là không, nên Như-Lai nói được phước đức nhiều.
Đoạn nầy nói rõ phước đức không có thật.
Được hay không được, thể vẫn bình-đẳng, cho nên Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “ Nếu có người đem bảy báu, đầy khắp cõi tam-thiên-đại-thiên thế-giới mà bố-thí, không trụ trướcba tướng: người thí, kẻ thọ, và của cho, thì người ấy nhờ nhơn duyên đó, có được phước đức nhiều chăng?” Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: Người ấy được phước đức rất nhiều. Đức Thế-Tôn lại bảo ông Tu-Bồ-Đề: Nếu phước đức có thật, và phước đức có được, thời Như-Lai chẳng nói được phước đức nhiều. Vì phước đức vốn là không, tức là phước đức không được, nên Như-Lai nói là được phước đức nhiều. Cái phước đức không được đây, chẳng phải từ chỗ được mà sanh ra, cũng chẳng phải chỗ không được mà sanh ra. Được với không được vẫn bình đẳng, cho nên mới là chỗ không được. Vì thế mà được phước đức rất nhiều vậy.


19.    LÌA SẮC, LÌA TƯỚNG
Tu-Bồ-Đề!Ư ý vân hà?-Phật khả dĩ cụ-túc sắc- thân kiến phủ?
-Phất dã Thế-Tôn! Như-Lai bất ưng dĩ cụ-túc sắc- thân kiến. Hà dĩ cố? Như-Lai thuyết cụ-túc sắc-thân, thị danh cụ-túc sắc-thân.
-Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai khả dĩ cụ-túc chư tướng kiến phủ?
Phất dã Thế-Tôn! Như-Lai bất ưng dĩ cụ-túc chư tướng kiến phủ. Hà dĩ cố? Như-Lai thuyết chư tướng cụ-túc, tức phi cụ-túc, thị danh cụ-túc.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Có thể do nơi sắc- thân cụ-túc mà thấy được Như-Lai. Bởi vì sao?- Vì Như-Lai nói sắc-thân cụ-túc, tức chẳng phải là sắc-thân cụ-túc, ấy gọi là sắc- thân cụ-túc.
-Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Có thể do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được Như-Lai chăng?
-Bạch Thế-Tôn! Không, không thể do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được Như-Lai. Bởi vì sao? Vì Như-Lai nói các tướng cụ-túc, tức chẳng phải là cụ-túc, ấy gọi là cụ-túc.
SẮC-THÂN: Tức là thân hình sắc có thể thấy được, thân có ba mươi hai tướng, tám mươi vẽ đẹp, thân nầy là báo-thân, do quả quả báo mà được.
CÁC TƯỚNG CỤ-TÚC: Là hóa-thân có trăm nghìn muôn ức hình tướng biến hóa chẳng lường. Thân nầy gọi là ứng-thân, dùng thần-thông diệu dụng, tùy duyên chúng-sanh mà ứng hiện để giáo hóa.
CỤ-TÚC: Là đủ hết mọi hình tướng tốt đẹp.
Đoạn nầy nói rõ ba thân: báo-thân, hóa-thân và pháp-thân, không tức nhau mà cũng không ly nhau.
Đức Thế-Tôn hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Có thể do nơi sắc-thân có hình tướng tốt đẹp kia mà thấy được pháp-thân của Phật chăng?”
Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: Không, không thể do nơi sắc-thân có hình tướng tốt đẹp kia mà thấy được pháp-thân Như-Lai. Bởi vì sao? Vì Như-Lai nói sắc-thân có hình tướng tốt đẹp kia, tuy không ly hẳn pháp-thân, nhưng cũng không phải tức là  pháp-thân. Sắc-thân không ly pháp-thân, nên sắc-thân chẳng phải, tức là sắc-thân cụ túc. Sắc thân chẳng phải, tức là pháp-thân, nên sắc-thân ấy gọi là sắc thân cụ túc
Thế-Tôn lại hỏi: có thể do nơi các thân biến hóa, có hình tướng tốt đẹp kia, mà thấy được pháp-thân Như-Lai chăng?
Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: “ Không, không thể do nơi các thân biến hóahình tướng tốt đẹp kia mà thấy được pháp-thân Như-Lai. Bởi vì sao? Vì Như-Lai nói các thứ hóa-thân có hình tướng tốt đẹp kia, tuy không ly pháp-thân, song cũng không phải, tức là pháp-thân. Hóa-thân chẳng ly pháp-thân, nên hóa-thân chẳng phải, tức là hóa-thân cụ-túc. Hóa-thân chẳng phải, tức là pháp-thân, nên hóa-thân ấy gọi là hóa thân cụ-túc.
Do đó có thể biết báo-thân, hóa-thân, pháp-thân chẳng phải là một, chẳng phải là khác, mà cũng là một, cũng là khác, có tướng mà vẫn là không có tướng, không có tướng mà vẫn là có tướng, rất nhiệm màu vậy.


20.    KHÔNG CÓ NĂNG-THUYẾT VÀ SỞ-THUYẾT.
Tu-Bồ-Đề! Nhữ vật vị Như-Lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp. Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố?- Nhược nhơn ngôn: Như-Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu-Bồ-Đề! Thuyết pháp giả vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp.
Nhĩ thời, Huệ-mạng Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: “Thế-Tôn! Phả hữu chúng-sanh, ư vị-lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?”
Phật ngôn: “Tu-Bồ-Đề! Bỉ phi chúng-sanh, phi bất chúng-sanh. Hà dĩ cố? Tu-Bồ-Đề! Chúng-sanh, chúng-sanh giả, Như-Lai thuyết phi chúng-sanh, thị danh chúng-sanh”.
Tu-Bồ-Đề! Ông chớ cho Như-Lai có nghĩ rằng: “Ta có nói pháp”. Ông chớ nghĩ như vậy. Bởi vì sao? –Vì nếu người nào nói rằng: Như-lai có nói pháp, tức là chê Phật, không hiểu được lời của ta nói. Tu-Bồ-Đề! Nói pháp là không có pháp gì nói được, ấy gọi là nói pháp.
Lúc bấy giờ, Huệ-Mạng Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng:
-Bạch Thế-Tôn! Ở đời vị-lai có nhiều chúng-sanh nghe nói pháp nầy, sanh lòng tin chăng?
Phật dạy rằng: Tu-Bồ-Đề! Chúng-sanh ấy, chẳng phải là chúng-sanh, cũng chẳng phải là chẳng chúng-sanh, ấy gọi là chúng-sanh.
Sự quan hệ của sắc-thân với pháp-thân đã nói rõ như trên, thì làm sao Như-Lai lại có nói pháp? Vì thế, nên Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Ông chớ cho pháp-thân Như-Lai có nói pháp.” Nếu có người nói rằng: Pháp-thân Như-Lai có nói pháp, đó là khởi tâm động niệm, có chổ chấp trước, vọng tưởng, phân biệt, tức là hủy báng Như-Lai không hiểu nghĩa của Như-Lai nói. Bởi vì sao?- Vì Như-Lai là cái nghĩa chơn-như của các pháp, dù là nói pháp, mà thật không có pháp gì nói được, nên tạm gọi là nói pháp.
Ông Tu-Bồ-Đề lấy trí-huệ thấu suốt sanh-không (ngã không) làm sanh mạng cho nên gọi Huệ-mạng Tu-Bồ-Đề.
Ông Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng: “Đây tuy là Phật nói các “pháp” không thể nói được như thế, nhưng chẳng biết có nhiều chúng-sanh ở đời vị-lai nghe nói pháp nầy, sanh lòng tin chăng?”
Phật dạy rằng: Chúng-sanh với Phật tuy hai mà không phải hai, không phải khác, cho nên nói rằng: Chúng-sanh kia, chẳng phải là chúng-sanh, chỉ vì họ chưa tỏ ngộ đầy đủ, cho nên chẳng phải là chẳng chúng-sanh (tức chúng-sanh). Bởi chúng-sanh trong ba cõi chín địa, không có loài nào không có đủ hạt giống Kim-Cang Bát-Nhã vô-thượng diệu-huệ, cho nên Như-Lai nói họ chẳng phải là chúng-sanh. Nhưng vì hạt giống Kim-Cang Bát-Nhã diệu-huệ còn chưa biểu hiện, cho nên Như-Lai gọi là chúng-sanh.


22. KHÔNG PHÁP GÌ CÓ THỂ ĐƯỢC.
Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: Thế-Tôn Phật đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, vi vô sở đắc gia?
Phật ngôn: Như thị! Như thị! Tu-Bồ-Đề! Ngã ư A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế-Tôn! Có phải Phật được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, là không có gì được chăng!”.
Phật bảo: Phải đấy! Phải đấy! Tu-Bồ-Đề! Đối với vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, dù là một chút pháp gì, ta cũng không có được, ấy gọi là vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Đức Thế-Tôn dùng ba nghiệp: Thân, khẩu, ý, mà giáo hóa chúng-sanh.
Như ở trước nói: Đi khất thực là đi du phương giáo-hóa tức là dùng thân giáo-hóa. 2-Nhập-định nói pháp là dủng khẩu giáo-hóa. 3- làm cho chúng-sanh y theo pháp đó mà tu-hành được đạo vô-thượng Bồ-đề, tức là dùng ý giáo-hóa.
Đức Thế-Tôn rất lo rằng: Đại chúng khởi tâm chấp trước (ba nghiệp của Phật) hư-vọng, phân- biệt, không tỏ thấu được thật-tướng của các pháp, cho nên Phật nói đi nói lại nhiều lớp để phá trừ.
Như ở trước nói rằng:
  1.-Thân-tướng hảo của Phật, chẳng phải tức là pháp-thân của Phật, đó là phá chấp về thân-nghiệp của Phật.
  2.-Lại nói rằng: Như-Lai thật không có nói pháp, đó là phá chấp về ngữ-nghiệp của Phật.
  3.-Đoạn nầy nói rằng: Được, mà không được một chút pháp gì, đó là phá chấp về ý nghiệp của Phật.
Ông Tu-Bồ-Đề tuy tỏ thấu cái nghĩa Như-Lai, tức là chơn-như của các pháp, tức là vô-thượng Bồ-Đề, thì cố-nhiên là được mà không được chi hết, nhưng trong tâm vẫn còn chưa được mười phần rỗng suốt, cho nên lại bạch Phật rằng: “ Có phải Phật được pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, là không có  được gì chăng?”.
Phật liền ấn khả rằng: “ Phải đấy! Phải đấy! Đối với vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, dù đến một chút pháp gì, ta cũng không có được thì đó gọi là vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Nếu ta còn có được một mảy may gì, tức là ta không được, không gọi được  là vô-thượng Bồ-Đề. Vì rốt ráo không được gì, mới là được vô-thượng Bồ-Đề, đó gọi là vô-thượng Bồ-Đề.


23.- TỊNH TÂM HÀNH THIỆN.
        (Tâm trong sạch làm pháp thiện)
Phục thứ, Tu-Bồ-Đề! Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Dĩ vô ngã, vô nhơn, vô chúng-sanh, vô thọ-giã, tu nhứt thiện Pháp, tức đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Tu-Bồ-Đề! Sở ngôn thiện pháp giã, Như-Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.
Lại nữa, Tu-Bồ-Đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, đó gọi là vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Do không ngã, không nhơn, không chúng-sanh không thọ-giã, mà tu tất cả các pháp lành, thì được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Tu-Bồ-Đề! Pháp lành nói đó Như-Lai nói tức chẳng phải là pháp lành, ấy gọi là pháp lành.
Phần nầy là tiếp sát theo phần trước.
Phật lại bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Cái pháp được mà không được gì đây, nó luôn luôn bình đẳng, ở Thánh nó không thêm, ở Phàm nó không bớt, không có cao thấp khác nhau , đó gọi là vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, đó tức là Kim-Cang Bát-Nhã Ba-la-mật.
Không có bốn tướng: ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả mà tu hành các pháp lành, như sáu độ ba-la-mật, muôn-hạnh, tức là được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Pháp lành nói đó, không có tự thể, không thể chấp là thật được, nên nói: Chẳng phải là pháp lành, chỉ vì như pháp mà đặt tên, nên gọi là pháp lành.


24.- PHƯỚC-ĐỨC, TRÍ-HUỆ KHÔNG GÌ SO SÁNH.
Tu-Bồ-Đề! Nhược tam-thiên đại-thiên thế-giới trung, sở hữu chư Tu-di sơn vương, như thị đẳng thất bão tụ, hữu nhơn trì tụng bố-thí. Nhược nhơn dĩ thử Bát-Nhã Ba-la-mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đăng, thọ-trì đọc tụng, vị tha nhơn thuyết, ư tiền phước đức bá phần bất cập nhứt bá thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí dụ, sở bất năng cập.
Tu-Bồ-Đề! Nếu có người đem bảy báu chất bằng những bao nhiêu núi chúa Tu-di ở trong cõi tam-thiên-đại-thiên thế-giới mà bố-thí. Nếu lại có người lấy kinh Bát-Nhã Ba-la-mật nầy, dù chỉ độ bốn câu kệ nào, mà thọ-trì đọc tụng, giải nói cho người, thời phước-đức bố-thí của báu kia, chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn, ức…, cho đến một phần tính đếm thí dụ cũng chẳng bằng.
Đoạn trước, nói rõ tu-hành pháp lành được đạo Bồ-đề, nhưng phải biết ngoài Kim-Cang Bát-Nhã ra, không có gì là pháp lành. Tu pháp lành tức là thọ-trì kinh Kim-Cang Bát-Nhã nầy. Cho nên Thế-Tôn bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Nếu có người đem bảy báu chất bằng bao nhiêu núi chúa Tu-di ở trong cõi tam-thiên đại-thiên thế-giới mà bố-thí, thì được phước đức thật là nhiều. Nhưng đem so sánh với phước đức của người thọ-trì, đọc tụng kinh Bát-Nhã Ba-la-mật nầy, dù chỉ độ bốn câu kệ nào thôi, hoặc là giải nói cho người, thì phước đức kia chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức…, cho đến một phần tính đếm, thí dụ cũng không bằng được. Do đó biết phước đức trì kinh nhiều là dường nào!
Chính vì bố-thí bảy báu, là tài-thí, là tu-phước, còn trì kinh để lợi mình và lợi người là pháp-thí, là tu cả phước và huệ. Cho nên phước đức trì kinh nầy, thắng hơn phước đức bố-thí bảy báu kia vậy.


25.- HÓA-ĐỘ MÀ KHÔNG NGƯỜI ĐƯỢC HÓA-ĐỘ.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Nhử đẳng vật vị Như-Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng-sanh. Tu-Bồ-Đề! Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Thiệt vô hữu chúng-sanh Như-Lai độ giả. Nhược hữu chúng-sanh, Như-Lai độ giả, Như-Lai tức hữu ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Tu-Bồ-Đề! Như-Lai thuyết hữu ngã giả tức phi hữu ngã, nhi phàm phu chi nhơn dĩ vi hữu ngã. Tu-Bồ-Đề! Phàm phu giả, Như-Lai thuyết tức phi phàm thị danh phàm phu.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Các ông chớ bảo Như-Lai có nghĩ rằng: “Ta phải độ chúng-sanh”. Tu-Bồ-Đề! Chớ nghĩ như vậy. Bởi vì sao?- Vì thật không có chúng-sanh nào mà Như-Lai độ cả. Nếu có chúng-sanh nào Như-Lai độ, thì Như-Lai có ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Tu-Bồ-Đề! Như-Lai nói có ngã, thời chẳng phải là có ngã, mà kẻ phàm-phu cho là có ngã, Tu-Bồ-Đề! Phàm-phu, Như-Lai nói đây thời chẳng phải là phàm-phu, ấy gọi là phàm-phu.
Đoạn nầy nói rõ cái nghĩa Như-Lai hóa-độ chúng-sanh, tuy hóa độ mà không thấy có người được hóa-độ.
Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: Ông chớ bảo Như-Lai có nghĩ rằng: “Ta phải độ chúng-sanh”. Bởi vì sao?- Vì trước đã nói Phật với chúng-sanh không có cao thấp khác nhau, thời đâu có chúng-sanh nào được Như-Lai hóa-độ. Nếu có chúng-sanh được Như-Lai độ, thời chúng-sanh cũng có thể độ được Như-Lai. Cái tâm hư-vọng phân biệt như thế, là thấy có chúng-sanh, thấy có Như-Lai, mà Như-Lai cũng có bốn cái thấy: ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả, thì Như-Lai còn độ mình còn không được, làm sao độ được người. Cho nên Phật thì không có cái thấy chúng-sanh. Nếu không có cái thấy chúng-sanh, thì tất nhiên không có thấy có ngã, đã không thấy có ngã, thì sao lại bảo Phật tự nói là Phật có ngã? Như-Lai nói có ngã đây, là tùy theo thế-tục mà nói đó thôi, chớ thật ra không có ngã đâu mà nói được.
Đã không có ngã có thể nói được, tại sao trong thế-tục lại có sự ta lại, ta đi, ta sống, ta chết v.v… là làm sao?
Bởi những người phàm-phu trong thế-tục ở trong chỗ không có ta, cứ cho là có ta, vì thế nên nói người phàm-phu đó, cũng thuộc giả danh, chớ không có cái tánh phàm-phu riêng biệt đâu. Nhân vì kẻ mê mất Kim-Cang Bát-Nhã tức là phàm-phu. Ngộ được Kim-Cang Bát-Nhã tức là Thánh, nên Như-Lai nói tức chẳng phải là phàm-phu. Tức là đương lúc chưa ngộ thì gọi là phàm-phu vậy.

26.- PHÁP-THÂN KHÔNG PHẢI LÀ HÌNH TƯỚNG.
Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như-Lai phủ?
Tu-Bồ-Đề ngôn: Như thị! Như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quán Như-Lai.
Phật ngôn: Tu-Bồ-Đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như-lai giả, Chuyển-Luân-Thánh-vương tức thị Như-Lai!
Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: “ Thế-Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như-Lai”.
Nhĩ thời Thế-Tôn nhi thuyết kệ ngôn:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thinh cầu ngã!
Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như-Lai”.
Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy ba mươi hai tướng mà coi là Như-Lai chăng?
Tu-Bồ Đề bạch rằng: “Chính thế! Chính thế! Lấy ba mươi hai tướng coi là Như-Lai.”
Phật bảo: Tu-Bồ-Đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng coi là Như-Lai, thì Chuyển-luân thánh-vương cũng là Như-Lai rồi!
Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng: “ Bạch Thế-Tôn! Như con hiểu ý nghĩa lời Phật nói, thì không nên lấy ba mươi hai tướng mà coi là Như-Lai”.
Khi ấy đức Thế-Tôn nói kệ rằng:
-“ Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thinh cầu ta,
Người ấy  tu tà đạo, chẳng thấy được Như-Lai”.
Phần nầy, tiếp theo phần thứ 20 trước mà nói rõ cái nghĩa ba mươi hai tướng, không phải tức là pháp-thân.
Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Có thể lấy ba mươi hai tướng mà coi là Như-Lai chăng?”
Ông Tu-Bồ-Đề vẫn còn thoạt mê thoạt ngộ, nên bạch Phật rằng: Chính thế! Chính thế! Lấy ba mươi hai tướng tốt coi là Như-Lai.
Đức thế-Tôn liền quở rằng: “ Nếu coi tướng tốt tức là pháp-thân Như-Lai, thì Chuyển-luân Thánh-vương có đủ ba mươi hai tướng, cũng tức là “Như-Lai ư”.
Ông Tu-Bồ-Đề bổng nhiên đại ngộ, liền bạch Phật rằng: Như con hiểu ý nghĩa lời Phật nói, thì pháp-thân tuy chẳng lìa sắc-thân, nhưng cũng không nên nhận sắc-thân đó tức là pháp-thân Như-Lai.
Lúc ấy, Thế-Tôn lại nói bài kệ để chỉ rõ rằng:
a)    Nếu lấy sắc-tướng làm pháp-thân Như-Lai, thì Chuyển-luân Thánh-vương cũng là Như-Lai.
b)    Nếu lấy âm thinh làm pháp-thân Như-Lai, thì chim Ca-lăng-tần-già cũng là Như-Lai.
c)    Người nhận như thế là tu theo đạo tà, chưa được Kim-Cang Bát-Nhã.
d)    Vĩnh viễn không thấy được pháp-thân Như-Lai.
Nếu người đã được Kim-Cang Bát-Nhã rồi thì lìa sắc tướng âm thinh, cũng thấy được Như-Lai, chẳng phải sắc, chẳng phải thinh, cũng thấy được Như-Lai; cho đến cả những nơi chẳng phải chẳng phải sắc, chẳng phải chẳng phải thinh, cũng không một nơi nào mà chẳng thấy Như-Lai.
Ấy diệu-dụng của Kim-Cang Bát-Nhã như thế, thì biết là dường nào!

27.- KHÔNG ĐOẠN KHÔNG DIỆT.
Tu-Bồ-Đề! Nhữ nhược tác thị niệm, Như-Lai bất dĩ cụ-túc tướng cố, đắc A-nậu-đa-la-tam-muội-tam-bồ-đề. Tu-Bồ-Đề! Mạc tác thị niệm: Như-Lai bất dĩ cụ-túc tướng cố, đắc A-nậu-đa-la-tam-muội-tam-bồ-đề.
Tu-Bồ-Đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.
Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ rằng: Như-Lai chẳng lấy tướng cụ-túc mà được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Tu-Bồ-Đề! Ông chớ có nghĩ rằng: Như-Lai chẳng lấy tướng cụ-túc mà được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ rằng: “Người phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác nói các pháp đoạn diệt, ông chớ nghĩ như vậy. Bởi vì sao? Vì người phát tâm vô-thượng chánh- đẳng chánh-giác, đối với các pháp, không nói tướng đoạn diệt.
Phần nầy nói rõ cái nghĩa không lạc về tướng đoạn diệt.
Ba mươi hai tướng vốn là cái quả Phật. Ở trước nói không lấy ba mươi hai tướng coi là pháp-thân Như-Lai, đó chẳng phải là không có nhân-quả, phước đức đâu! Cho nên Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: Nếu ông khởi tâm niệm cho rằng: Như-Lai chẳng lấy tướng cụ-túc mà chứng được đạo Bồ-Đề, thì tâm niệm ấy thuộc về thiên-kiến và đoạn- kiến, không hợp với chánh-đạo. Vậy ông đừng có khởi tâm niệm cho rằng: Như-Lai chẳng lấy tướng cụ-túc mà được đạo Bồ-Đề, thì tâm niệm ấy mới không lạc về thiên-kiến và đoạn-kiến, mới là hợp với chánh-đạo. Bởi vì sao? Tu-Bồ-Đề! Nếu ông khởi tâm niệm ấy, thì kẻ phát tâm ấy tức là cuồng huệ, bát không nhơn-quả, tức là nói các pháp đoạn diệt.
Xưa nay Thánh-hiền từ khi mới phát tâm Bồ-Đề cho đến thành Phật quả, đối với các pháp, đều không nói là thường còn nên chẳng lạc về thường kiến, cũng không nói là đoạn diệt, nên chẳng lạc về đoạn kiến. Vì thế, nên gọi đó là Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

28- KHÔNG NHẬN LẤY, KHÔNG THAM ĐẮM.
Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-tát dĩ mãn Hằng hà sa đẳng thế giới thất-bảo trì dụng bố-thí. Nhược phục hữu nhơn, tri nhất thiết Pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn. Thử Bồ-tát thắng tiền Bồ-tát sở đắc phước đức. Hà dĩ cố? Tu-Bồ-Đề! Dĩ chư Bồ-tát bất thọ phước đức?
Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: Thế-Tôn! Vân hà Bồ-tát bất thọ phước đức.
Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát sở tác phước đức, bất ưng tham trước, thị cố thuyết bất thọ phước đức.
Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát đem bảy báu, đầy khắp những thế-giới như số cát sông Hằng mà bố-thí. Lại nếu có Bồ-tát biết tất cả pháp là vô-ngã, mà thành tựu pháp nhẩn, thì Bồ-tát sau nầy, được công đức hơn Bồ-tát trước. Bởi vì sao? – Tu-Bồ-Đề! Vì các Bồ-tát không nhận lấy phước đức?
Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế-tôn! Tại sao Bồ-tát không nhận lấy phước đức?
-Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát làm việc phước đức, không có tham đắm, cho nên nói là không nhận lấy phước đức.
Đoạn nầy nói rõ công-đức của Bồ-tát đã chứng được pháp vô ngã, hơn công-đức của Bồ-tát bố-thí bảy báu.
Nếu có Bồ-tát đã chứng nhơn vô ngã, nhưng chưa chứng pháp vô ngã, đem bảy báu, đầy khắp những thế-giới như số cát sông Hằng mà bố-thí; công-đức của Bồ-tát ấy sánh cùng công-đức của Bô-tát rõ biết tất cả pháp là vô ngã, hiểu rõ giữ gìn không quên, thành tựu được pháp nhẩn, thì công-đức của Bồ-tát sau nầy hơn công-đức của Bồ-tát trước. Bởi vì sao? Vì Bồ-tát sau nầy, không nhận lấy phước đức của mình đã được, cho nên hơn công-đức “có chổ được” của Bồ-tát trước kia vậy.
Ông Tu-Bồ-Đề còn chưa tỏ ngộ, nên bạch Phật rằng: Bồ-tát làm việc phước đức, tại sao không nhận lấy phước đức?
Đức Thế-Tôn dạy rằng: “Bồ-tát vì không có tâm nhận lấy phước đức, nên không tham đắm phước đức. Vì thế, nên nói là không nhận lấy phước đức”. Đã không có tâm nhận lấy, lại không có tâm tham đắm, rõ biết các pháp là vô ngã, chánh-trí như-như, Bát-Nhã vô-thượng sánh đồng chư Phật, cho nên cái lượng phước đức cũng như hư không, lợi ích cho chúng-sanh không cùng tận. Vì thế nên ngợi khen công đức nầy hơn công đức của Bồ-tát trước kia vậy.

29.- OAI NGHI VẮNG LẶNG.
Tu-Bồ-Đề! Nhược hữu nhơn ngôn:Như-Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhơn bất giải ngã sở thuyết nghĩa.
 Hà dĩ cố? Như-lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như-Lai.
Tu-Bồ-Đề! Nếu có người nói rằng: Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa lời ta nói. Bởi vì sao?-Vì Như-Lai không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nên gọi là Như-Lai.
Đoạn trên đã nói rỏ không nhận lấy phước-đức mà sao Như-Lai lại có phước huệ viên mãn, ngồi tòa Bồ-Đề chứng vào Niết-Bàn?
Đức Thế-Tôn vì muốn giải thích điều nghi nầy, nên nói rằng: “Trong bốn oai nghi ấy, mà cũng chẳng phải tức là bốn oai-nghi  ấy. Nếu có người chấp bốn oai-nghi ấy cho tức là Như-Lai, thế là chấp cái hóa-thân của Như-Lai lợi ích cho chúng-sanh đó cho là thật, thì người ấy không hiểu cái nghĩa pháp-thân của Như-Lai nói. Bởi vì sao? –Vì Như-Lai nói: Pháp-thân là bản lai thường trụ, không chổ xuất hiện mà đến, cũng không chỗ nhập diệt mà đi. Chỉ vì phương tiện cứu độ chúng-sanh, mới trụ ở thế gian, hoặc ngồi, hoặc nằm mà làm việc giáo hóa, nên gọi là Như-Lai.


30.- LÝ TƯỚNG NHỨT HIỆP.
Tu-Bồ-Đề! Nhược thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn, dĩ tam-thiên-đại-thiên thế-giới, toái vi vi-trần. Ư ý vân hà? Thị vi-trần chúng ninh vi đa phủ?
Tu-Bồ-Đề ngôn: Thậm đa Thế-Tôn! Hà dĩ cố? –Nhược thị vi-trần chúng thiệt hữu giả, Phật tức bất thuyết thị vi-trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi-trần chúng, tức phi vi-trần chúng, thị danh vi trần chúng. Thế-Tôn! Như-Lai sở thuyết tam-thiên-đại-thiên-thế-giới, tức phi thế-giới, thị danh thế-giới. Hà dĩ cố? Nhược thế giới thiệt hữu giả, tức thị nhứt hiệp tướng. Như-Lai thuyết nhứt hiệp tướng, tức phi nhứt hiệp tướng, thị danh nhứt hiệp tướng.
Tu-Bồ-Đề! Nhứt hiệp tướng giả, tức thị bất khả thuyết, đản phàm-phu chi nhơn, tham trước kỳ sự.
Tu-Bồ-Đề! Nếu có thiện-nam, tín-nữ nào, đem cõi tam-thiên-đại-thiên nghiền nát ra vi-trần (bụi nhỏ) Ý ông thế nào? Những vi-trần ấy có nhiều chăng?
Tu-Bồ-Đề thưa rằng: Bạch Thế-Tôn! Rất nhiều. Bởi vì sao? Nếu những vi-trần ấy là thật có, thì Phật không nói là vi-trần. Bởi tại làm sao? Vì Phật nói những vi-trần, tức chẳng phải là những vi-trần, ấy gọi là những vi-trần. Bạch Thế-Tôn! Như-Lai nói thế-giới tam-thiên-đại-thiên, tức chẳng phải là thế-giới, ấy gọi là thế-giới. Bởi vì sao? Nếu thế-giới thật có, tức là cái tướng nhứt-hiệp, Như-Lai nói tướng nhứt hiệp, tức chẳng phải là tướng nhứt-hiệp, ấy gọi là tướng nhứt-hiệp.
Tu-Bồ-Đề! Tướng nhứt-hiệp, chính không thể nói được, mà kẻ phàm-phu lại tham chấp sự tướng ấy.
Thế-giới vốn là vi-trần hợp thành, hay nói ngược lại, vi-trần hợp thành thế-giới. Nghiền nát thế-giới ra vi-trần, tuy khó thực hiện được, song do lý tưởng giả thuyết, cũng có thể phân tách mổi mổi thế-giới ra vi-trần, rồi từ vi-trần lần đến cái nhỏ nhen vi-tế nhứt không thể phân tích được nữa, thì nó gần như hư không. Vậy vi-trần ấy tức là không, chẳng phải thật. Vi-trần đã là không, chẳng phải thật, thì thế giới do vi trần hợp thành kia cũng là không, chẳng phải là thật.
Vi-trần là không, thế-giới là không, một thế-giới cùng với nhóm vi-trần kia đâu có khác gì. Cho nên nói rằng: Thế-giới và vi-trần, không thể nói là đồng, cũng không thể nói là khác, không thể nói là một, cũng không thể nói là nhiều.
Lấy thế-giới dụ cho pháp-thân, có thể gọi là nhứt- chơn pháp-giới, mà pháp-thân của chư Phật mười phương, không thể nói là các pháp-thân, các pháp-giới được. Bởi vì sao? Vì pháp-giới pháp- thân, không thể nói là một, không thể nói là nhiều, cũng như các ánh sáng (của ngọn đèn) chiếu lẫn vào nhau, thu nhiếp lấy nhau, một ánh sáng với nhiều ánh sáng chẳng khác nhau và chẳng làm chướng ngại nhau vậy.
Đức Thế-Tôn hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “ Như đem cõi tam-thiên-đại-thiên thế-giới nghiền nát ra vi-trần, những vi-trần ấy có nhiều chăng?
Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: “ Rất nhiều”. Nhưng vi- trần ấy tuy nhiều, mà vẫn là không, không có tự- tánh, nên giả gọi là những vi-trần. Nếu những vi-trần ấy thật có, thì Phật chắc không nói  là những vi trần. Bởi vì sao? Vì Phật nói những vi-trần ấy thật là không, không có gì, nên nói rằng: Chẳng phải là những vi-trần, ấy giả gọi là những vi-trần.
Như-Lai nói thế-giới tam-thiên-đại-thiên cũng thế. Thế-giới cũng không, không có gì, nên nói chẳng phải là thế giới, ấy giả gọi là thế-giới. Bởi vì sao? Vì nếu thế-giới là thật có, tức là cái tướng nhứt-hiệp, nghĩa là do những vi-trần hợp thành cái tướng của một thế-giới. Vậy cái tướng nhứt-hiệp đức Phật nói đó cũng là giả danh, vì mỗi mỗi thế-giới đều do những vi-trần hợp thành.
Nay lại đem các thế-giới nghiền nát, mà phân tích ra cho đến hư-không, thì cái tướng thế-giới vốn đã không có, mà cái tướng vi-trần kia cũng không thể có được. Cho nên nói rằng: Tức chẳng phải là tướng nhứt-hiệp, ấy giả gọi là tướng nhứt-hiệp.
Đức Thế-Tôn thấy ông Tu-Bồ-Đề đã rõ suốt thế giới, vi-trần vốn là không có gì, một với nhiều không khác, nhưng còn sợ ông chấp cái tướng nhứt-hiệp đó, nên lại bảo rằng: Tướng nhứt-hiệp đó, chính là không thể nói được. Không thể nói được đó, nghĩa là không thể nói là một, cũng không thể nói là khác, không thể nói là hiệp, cũng không thể nói là không hiệp. Như pháp-thân ở khắp cả pháp giới, đầy đủ viên dung, thì cũng không thể nói là một, là nhiều, là hiệp hay là không hiệp.
Thế mà những phàm-phu không rõ nghĩa nầy, cho thế-giới là thật, rồi khởi đủ tâm hư-vọng phân biệt: nào là một, là nhiều, là hiệp là không hiệp, tham chấp không bỏ, gây tạo đủ các thứ nghiệp duyên, trôi nổi trong vòng sanh tử mà không hay biết, thật đáng thương thay!


31.- KHÔNG NÊN SANH TRI KIẾN.
Tu-Bồ-Đề! Nhược nhơn ngôn: Phật thuyết ngã- kiến, nhơn-kiến, chúng-sanh kiến, thọ-giả kiến; Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Thị nhơn giải ngã sở thuyết nghĩa phủ?
Phất dã, Thế-Tôn! Thị nhơn bất giải Như-Lai sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Thế-Tôn thuyết ngã-kiến, nhơn-kiến, chúng-sanh kiến, thọ-giả kiến, tức phi ngã-kiến, nhơn-kiến, chúng-sanh kiến, thọ-giả kiến, thị danh ngã-kiến, nhơn-kiến, chúng-sanh kiến, thọ-giả kiến.
Tu-Bồ-Đề! Phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm giả ư nhứt thiết Pháp, ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng. Tu-Bồ-Đề! Sở ngôn pháp-tướng giả, Như-Lai thuyết tức phi pháp-tướng, thị danh pháp-tướng.
Tu-Bồ-Đề! Như có người bảo: Phật nói thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng-sanh, thấy có thọ-giả; Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Người ấy có hiểu nghĩa lời ta nói chăng
Bạch Thế-Tôn! Không, người ấy không hiểu nghĩa lời Như-Lai nói. Bởi vì sao? Vì Thế-Tôn nói: thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng-sanh, thấy có thọ-giả, tức chẳng phải là thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng-sanh, thấy có thọ-giả, ấy gọi là thấy có ta, thấy có người, thấy có chúng-sanh, thấy có thọ-giả.
Tu-Bồ-Đề! Người phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác đối với tất cả các pháp nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, không sanh pháp-tướng. Tu-Bồ-Đề! Pháp- tướng của Như-Lai nói đó, tức chẳng phải là pháp-tướng, ấy gọi là pháp-tướng.
Đoạn nầy nói rõ sanh ra tri-kiến (cái biết, cái thấy) cũng là tham chấp. Những kẻ phàm-phu sở-dĩ cứ tham chấp lấy cái sự tướng chỉ vì họ thấy có ta. Đã thấy có ta, tức là thấy có cả nhơn, chúng-sanh và thọ-giả. Nếu bốn cái thấy ấy đã không có, thời đâu có chủ-thể hay tham chấp (người tham chấp), và đâu có sự vật bị tham chấp. Huống nữa những sự vật ngoại cảnh đều do tự-tâm mình biến hiện ra, vốn rỗng không , không có gì,  dù cho có tham chấp cũng chẳng khác nào tham chấp hoa trong gương, trăng dưới nước.
Cho nên Bồ-tát mới phát ý, mà phát tâm Bồ-Đề, thì ngã kiến đã không nên có, mà pháp-kiến cũng không nên có. Tuy nhiên, tại sao Phật lại nói chúng-sanh có ngã-kiến, Phật nói: Chúng-sanh chấp trước ngã-kiến, thì tợ hồ như có ngã-kiến vậy. Thế-Tôn muốn giãi điều nghi nầy, nên hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: Có người nói: Phật có nói ngã-kiến, nhơn-kiến, chúng-sanh kiến, thọ-giả kiến, thì người ấy có hiểu nghĩa lời ta nói chăng? Ông Tu-Bồ-Đề đáp rằng: Người ấy không hiểu rõ nghĩa lời Như-Lai nói. Bởi vì sao? Vì Thế-Tôn nói ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả kiến đó, là biết rõ cái ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả kiến là không có, tức chẳng phải là ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả kiến ấy giả, ấy gọi là ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả kiến mà thôi; chẳng phải là vì nói ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả kiến mà quyết định là thật có ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả kiến.
Đức Thế-Tôn thấy ông Tu-Bồ-Đề đã rõ cái nghĩa “ngã” bản lai rốt ráo là không có được, nhưng còn e ông chưa rõ được cái nghĩa “pháp” cũng bản lai là không có được, nên bảo ông rằng: Người phát tâm Bồ-Đề, thì đối với sáu căn, sáu trần, sáu thức, tất cả pháp, phải rõ thấu bản lai nó vốn là không, không có thật, chẳng khác nào như hoa trong gương, như trăng dưới nước, thấy, biết, tin hiểu như thế rồi không sanh một mảy may tri-kiến có pháp-tướng, tức là chứng được vô-thượng Bồ-Đề. Song “pháp-tướng” nói đó, cũng như cái nghĩa của “ngã” kia, ngã đã không có, thì pháp cũng không thể có được. Cho nên nói rằng “ Tức chẳng phải là pháp-tướng, ấy giả gọi là pháp-tướng vậy.”


32.- ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI CHƠN THẬT
Tu-Bồ-Đề! Nhược hữu nhơn dĩ-mãn vô-lượng A-tăng-kỳ thế-giới thất bảo trì dụng bố-thí;
Nhược hữu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn phát Bồ-Đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ-trì đọc tụng vị nhơn diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ.
Vân hà vị nhơn diễn thuyết ? Bất thủ ư tướng, như-như, bất động. Hà dĩ cố?
Nhứt thiết hữu-vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ, diệc như điển, Ưng tác như thị quán.
Tu-Bồ-Đề! Như có người nào đem bảy báu đầy khắp vô-lượng, vô số thế-giới mà bố-thí; lại nếu có thiện-nam, tín-nữ nào, phát tâm Bồ-Đề trì kinh nầy, cho đến người chỉ thọ-trì, đọc tụng được bốn câu kệ nào thôi, lại diển nói cho người, thì phước người nầy nhiều hơn người kia.
Diễn nói cho người như thế nào? Không chấp lấy tướng như-như chẳng động. Bởi vì sao?
“Tất cả các pháp hữu-vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng. Như sương và như chớp. Nên quán sát như thế”.
Đoạn nầy nói rõ việc ứng hóa như huyễn mị, không nên chấp lấy, thì phước đức rất nhiều.
Đức Thế-Tôn bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Như có người nào đem bảy báu đầy khắp vô-lượng vô số thế-giới mà bố-thí, người ấy được phước đức vốn thật nhiều. Nhưng lại có thiện-nam, tín-nữ nào phát tâm Bồ-Đề, thọ-trì kinh nầy, hoặc là chỉ bốn câu thôi, tự mình thọ-trì đọc tụng, lại vì người, nói mà không nói, không nói mà nói, thì được phước-đức rất lớn, hơn người bố-thí bảy báu đầy khắp vô-lượng vô-số thế-giới kia.
Thế nào nói mà không nói, không nói mà nói? Nghĩa là nói mà không chấp có cái tướng người nói, cũng không chấp cái tướng người nghe nói, và cũng không chấp có cái tướng pháp  bị nói. Cứ đúng như pháp-tánh  mà nói, không khởi tâm móng niệm, như tánh chơn-như, lặng lẽ không động. Pháp vô-vi cố nhiên phải như thế, chớ không phải như pháp hữu-vi trái lại thế. Bởi vì sao? Vì những pháp hữu-vi cũng như chiêm bao, lúc chiêm bao thì có, khi thức dậy thì không, cũng như những sự vật của nhà ảo-thuật hóa ra, sự vật ấy là huyển hiện giả dối, thật không có gì cả; cũng như bọt nước nổi trên mặt nước, ánh mặt trời chiếu vào, lóng lánh như ngọc Ma-Ni, khiến người sanh tâm tham đắm, mà thật không phải là ngọc Ma-Ni; cũng như cái bóng, vật có thì bóng có theo, vật không có thì bóng cũng không có, vật đã là không, không phải là có, thì cũng là giả, không phải là thật; cũng như sương mốc, khi nắng chói lên, thì biến tan mất hết, không phải là thường còn; cũng như chớp nhoáng, thoạt hiện, thoạt mất, thoạt đây, thoạt đó, không phải là thường, không phải là khắp.
Các pháp hữu-vi đã như sáu thí dụ nói trên, người tu-hành vào sâu Bát-Nhã, phải nên quán sát như thế, đừng nên chấp trước có cái gì cả.

Phật thuyết thị Kinh dĩ, Trưởng lão Tu-Bồ-Đề cập chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nhứt thiết thế-gian: Thiên, nhơn, A-tu-la… văn Phật sở thuyết, giai đoạn hoan-hỷ, tín thọ phụng hành.
Phật nói Kinh nầy rồi, Trường-lão Tu-Bồ-Đề và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế-gian : Trời, Người, A-tu-la…được nghe Phật nói, đều rất vui mừng, tin lãnh vâng làm.
Đoạn nầy là phần lưu thông.
Phật nói kinh nầy rồi, Trưởng-lão Tu-Bồ-Đề, và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Cư-sĩ-nam, Cư-sĩ-nữ, cùng các vị Trời, Người, A-tu-la v.v…nghe Phật nói xong, thân tâm thư thái đều rất vui mừng, phát sanh chánh-kiến, lòng tin thanh-tịnh, kính vâng làm theo để chứng Phật quả, và nguyện đem kinh nầy lưu-thông truyền-bá mãi mãi, để làm cho tất cả chúng-sanh cũng đều được chứng thành Phật quả,
Giảng nghĩa Kinh-văn đã xong, xin kính dâng bài kệ rằng:

“Trụ Tâm và hàng Tâm,
Ấy gọi là Bát-Nhã
Nhơn, Pháp đều vô-ngã
Nhân quả của Đại-thừa.”


HẾT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 2203)
“Tướng” là cái gì? “Tướng” chính là tướng trạng của sự vật biểu hiện nơi ngoài và tưởng tượng ở nơi trong tâm chúng ta.
(Xem: 32343)
Các chuyên gia đã từng nói cơ năng não bộ của con người so với máy vi tính phức tạp nhất trên thế giới lại càng phức tạp hơn.
(Xem: 6445)
Duy Thức Học được gọi là môn triết họcmôn học này nhằm khai triển tận cùng nguyên lý của vạn hữu vũ trụ nhân sanh mà vạn hữu vũ trụ nhân sanh...
(Xem: 6395)
Phật Đà Thập Đại Đệ Tử Tán - Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch
(Xem: 3787)
Tạo sao gọi là Phổ Môn? vì tự tính của mình phổ biến khắp hư không pháp giới, nên gọi Phổ Môn.
(Xem: 5051)
“Quán” là xem xét, “Thế Âm” là âm thanh của thế gian. Quán Thế Âmxem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ-tát.
(Xem: 11026)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(Xem: 30189)
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa.
(Xem: 7860)
Tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
(Xem: 11962)
Bảy Đức Thế Tôn quá khứ từ Thế Tôn Tỳ Bà Thi, Thế Tôn Thích Ca, và chư Thế Tôn vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ sự chứng ngộ sự thật Duyên khởi.
(Xem: 3237)
Một bài pháp được ban cho chư Tăng Ni ở International Mahayana Institute tại Boudhanath, Nepal, ngày 2 tháng 2, năm 1975. Nicholas Ribush hiệu đính.
(Xem: 34281)
Quy Sơn Cảnh Sách Học Giải - Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu; Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải
(Xem: 52061)
Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt Pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: Mai đóng chung và chiều nhập chung lại làm một đại thể làm một tập lớn. - Chú giải: Ngài Quán Nguyệt; Dịch giả: HT Thích Khánh Anh
(Xem: 12905)
Đại ý bài kinh này Đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận.
(Xem: 21601)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm.
(Xem: 9491)
Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào.
(Xem: 3055)
"Niệm Phật" nghĩa là xưng danh hiệu - hay nhớ tưởng đến hình tướng, bản nguyện hay công đức của một đức Phật - như Phật Thích-ca hay Phật A-di-đà.
(Xem: 10260)
Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật.
(Xem: 12447)
Nguyên tác Hán văn: Tì-kheo Linh Diệu, tông Thiên Thai soạn - Dịch sang tiếng Việt: Thích Thọ Phước
(Xem: 12614)
Ngài Buddhaghosa sanh ra và lớn lên nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ V trong ngôi làng Ghosa, gần địa danh nơi đức Phật thành đạo Bodhigaya
(Xem: 16067)
Nghiên Cứu Về Kinh A Hàm (Ãgama, Sanscrist)
(Xem: 13650)
Kinh Địa Tạng là một trong các kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay song song với các kinh Kim Cương, Di Đà, Phổ Môn...
(Xem: 14199)
Nguyên tác: Tôn giả Thế Thân (Acarya Vasubandhu) - Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng; Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh
(Xem: 9088)
No. 1613 - Nguyên tác: Tôn giả An Huệ; Dịch Hán: Tam Tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la; Dịch Việt: Tâm Hạnh
(Xem: 11635)
Duy thức nhị thập luận, do bồ tát Thế Thân soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường... được thu vào Đại chính tạng, tập 31, No.1590.
(Xem: 11162)
Bồ-tát Trần Na tạo luận. Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch. Việt dịch: Quảng Minh
(Xem: 11360)
Đời Đường, Thận Thủy Sa Môn Huyền Giác Soạn; Thánh Tri dịch nghĩa Việt và viết bài học giải...
(Xem: 12413)
Thích-ca là phiên âm của tiếng Phạn. Phiên âm Hán Việt là Năng Nhân. Tức là họ của đấng hóa Phật ở cõi Ta-bà...
(Xem: 17393)
Niệm Phật Tâm Muội do HT Hư Vân soạn, Sa môn Hiển Chơn dịch; Tọa Thiền Dụng Tâm Ký do Viên Minh Quốc Sư soạn, HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 31687)
Viết ra các bài Phật học thường thức này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn bộ Phật pháp và chỉ cốt giúp cho các bạn sơ cơ hiểu được một cách đúng đắn, đạo lý năm thừa trong Phật giáo mà thôi.
(Xem: 11879)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Kinh văn số 1675. Tác giả: Long Thọ Bồ Tát; Sa Môn Sắc Tử dịch Phạn sang Hán; HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 11649)
Đức Thế Tôn từ nơi cung trời Đâu-suất sinh xuống thành Ca-duy, chán đời sống dục lạc ở vương cung, thành tựu đạo chơn thường dưới cội cây...
(Xem: 4281)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32, Luận Tập Bộ Toàn; Kinh văn số 1678. Pháp Hiền dịch ra chữ Hán. HT Thích Như Điển dịch Việt
(Xem: 12610)
Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của Kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê HoànNiết bàn (Nirvana, Nibbâna).
(Xem: 10149)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1637. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 16224)
Năm nay (2016) trong chương trình của tôi, không dự định đi sang Úc, nhưng ngày 23 tháng 6 năm 2016 vừa qua...
(Xem: 11590)
Nay ở nơi chư Phật Chắp tay kính đảnh lễ Con sẽ như giáo nói Tư lương Bồ-đề Phật.
(Xem: 14589)
Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát (1) liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu (2), chấp tay hướng Phật mà bạch rằng:
(Xem: 11853)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20.
(Xem: 16613)
Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo.
(Xem: 12599)
Đại Chánh Tân Tu Đại tạng Kinh, quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Kinh văn số 1641. HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 51630)
Toàn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt trên 203 tập đã dịch và in xong...
(Xem: 12486)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực.
(Xem: 9827)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1634, HT Thích Như Điển dịch
(Xem: 14305)
Dịch từ văn Phạn sang văn Trung Hoa: Pháp sư Pháp Đăng; Thật Xoa Nan Đà (Siksananda), Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(Xem: 19940)
Nguyên tác Hán văn: sa-môn Pháp Tạng, chùa Sùng Phúc, Kinh Triệu thuật
(Xem: 13582)
Thời đại Dao Tần, Pháp Sư ba tạng Cưu Ma La Thập, dịch văn Phạn sang văn Trung Hoa, Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(Xem: 15259)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng.
(Xem: 17335)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinhbài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông...
(Xem: 16647)
Nhập Trung Quán Luận (PDF) - Tổ Sư Nguyệt Xứng - Chuyển dịch: Thích Hạnh Tấn, TN Nhật Hạnh
(Xem: 13356)
Luận rằng: Ông bảo lời ta không có đạo lý, nếu thế thì lời ông cũng không có đạo lý. Nếu lời ông không có đạo lý thì lời ta ắt có đạo lý.
(Xem: 12328)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh,Luận Tập Bộ Tòan thứ 32, Thứ tự Kinh Văn số 1631
(Xem: 11937)
Như Bà-la-môn nói, trong các kinh điển, bốn Vệ-Đà là chính; Lại, trong đó, niệm là chính ; lại trong niệm này, năng thuyênsở thuyên là chính;
(Xem: 13139)
Nếu hiểu được Luận này, Ắt được các pháp luận, Nghĩa sâu xa như thế, Nay sẽ rộng tuyên nói.
(Xem: 12382)
Kinh văn số 1672, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32
(Xem: 25325)
Duy Thức Học, người nào nếu như nghiên cứu đến cũng phải công nhận là một môn học rất thực tế, rất sống động...
(Xem: 14381)
Từ A-Di Đà, tức là phiên âm từ chữ Sanskrit: अमित​ amita, có nghĩa là: Vô lượng, đây là dịch sát theo ngữ nguyên अमित​ amita của Sanskrit.
(Xem: 28129)
Nhiều người đọc Kinh Dược Sư hiểu sai ý của Phật Thích Ca muốn nói, hiểu sai nên đã đưa vào đường mê tín mà không biết, vì ở phần đầu của kinh Dược Sư...
(Xem: 10185)
"Tánh Không" (còn gọi là tính-không) là một từ ngữ liên hệ đến sự giảng dạy chính yếu của mọi ngành Phật giáo, nhưng ý nghĩa thật sự của từ ngữ nầy thường bị hiểu lầm.
(Xem: 8210)
Đạo Phật trên ý nghĩa thiết yếu là “biện chứng giải thoát” hay là con đường gỉai thoát. Gỉai thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant