LUẬN QUÁN SỞ DUYÊN DUYÊN
Bồ-tát Trần Na tạo luận.[1]
Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch.
Việt dịch: Quảng Minh
[888b07] Có những người chủ trương lấy ngoại sắc làm sở duyên và duyên cho năm thức: nhãn thức, v.v…; họ chấp rằng cực vi là có thật thể, vì nó dẫn sinh ra sự nhận thức; hay họ chấp rằng cực vi hòa hợp, vì khi nhận thức sinh khởi nó mang theo hình tướng của cực vi hòa hợp. Cả hai chủ trương ấy đều phi lý. Vì sao?
Cực vi đối năm thức
Làm duyên, chẳng sở duyên
Trong thức không tướng chúng
Giống như nhãn căn, v.v…
[888b12] Sở duyên là cái mà thức năng duyên mang theo hành tướng[2] của nó khi sinh khởi, và duyên là cái có tự thể thật hữu để thức năng duyên dựa vào đó mà sinh khởi. Nếu cực vi của sắc các thứ mà có tự thể thật hữu và có khả năng sinh ra nhận thức của năm thức, thì chúng chỉ có nghĩa là duyên (: điều kiện), chứ không phải là sở duyên (: đối tượng của thức). Như nhãn căn, v.v…, đối với nhãn thức, v.v…, chúng không có đặc tính của nhận thức. Như vậy, cực vi đối với năm thức: nhãn thức, v.v…, nó không có cái nghĩa sở duyên.
Hòa hợp đối năm thức
Làm sở duyên, chẳng duyên
Thể kia không thật hữu
Như mặt trăng thứ hai.
[888b18] Đối với nhãn thức thì sắc có tính chất hòa hợp[3]. Giả sử cái hòa hợp tuy có thể là sở duyên của năm thức nhưng không phải là duyên, vì tự thể của nó không thật hữu, cũng như con mắt rối loạn thấy mặt trăng thứ hai[4]. Mặt trăng ấy không có thật thể nên không thể sinh ra cái thấy chính xác. Như vậy, đối với năm thức, cái hòa hợp của sắc, v.v… không thể làm duyên.
Đối với sở duyên và duyên, cả hai chủ trương trên đều thiếu sót một phần, cho nên cả hai không đúng.
Có người chấp rằng sắc, thanh, v.v…, mỗi trần cảnh có nhiều hình thái, mà một phần nào của những hình thái ấy là cảnh hiện lượng. Các cực vi hỗ trợ nhau, mỗi cực vi có chung tính chất là hòa tập. Tính chất này là thật hữu, cho nên mỗi cực vi có khả năng phát sinh ra sự nhận thức có tính chất tương tự nó. Do đó cực vi làm sở duyên và duyên cho năm thức. Điều này cũng phi lý. Tại sao?
Hòa tập như cứng, v.v…
Trong năm thức: nhãn, v.v…
Làm duyên, chẳng sở duyên
Tính cực vi vẫn vậy.
[888b27] Những tính chất như cứng, ướt, ấm, động tuy là thật có, nhưng đối với năm thức chúng chỉ có thể là duyên, chứ không phải là sở duyên, bởi vì trên nhận thức của năm thức không có những tính chất ấy. Tính chất hòa tập của cực vi của sắc các thứ, lý cũng phải vậy. Cả hai chấp trên[5] làm thành tính chất của cực vi. Nếu chủ trương năm thức có thể duyên được với cực vi, thì tính chất hòa tập của cực vi lại có lỗi riêng.
Tri giác về bình, chậu
Kia chấp cũng không khác
Chẳng hình khác biết khác
Hình khác không thật có.
[888c04] Các đồ vật như bình, chậu, … lớn hay nhỏ khác nhau, nhưng những cực vi tác thành chúng dù nhiều hay ít thì vẫn giống nhau về tính chất; vậy sự tri giác lấy đồ vật làm đối tượng hẳn phải không khác nhau. Nếu cho rằng hình tướng của đồ vật kia khác nhau, nên sự tri giác cũng khác nhau; lý lẽ đó không đúng.
Hình dáng riêng của nắp bình, v.v… chỉ có nơi cái bình, v.v… là giả pháp, trên đó có cái chẳng phải cực vi, vì vậy không nên chấp cực vi cũng có hình tướng sai biệt. Vì sao?
Lượng cực vi bằng nhau
Dáng khác kia là giả
Tách chúng thành cực vi
Tri giác kia phải bỏ.
[888c11] Không phải những cực vi tạo thành bình, chậu, v.v… có hình lượng khác nhau, bởi vì bỏ đi tính chất tròn và nhỏ của cực vi thì biết những hình dáng khác nhau kia chỉ là giả, không thật. Lại nữa, những đồ vật có hình dáng khác nhau kia, nếu tách chúng ra thành cực vi thì sự tri giác về đồ vật kia chắc chắn không còn, nó chẳng còn là vật có sắc chất xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v… Chia chẻ đến cực vi thì sự tri giác về hình tướng phải xả bỏ. Điều đó cho thấy hình tướng khác nhau chỉ là sự hiện hữu thế tục[6], chẳng phải như sắc chất xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… nơi vật thật. Như vậy, đối với năm thức, thể của sở duyên và duyên chẳng ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc; lý lẽ ấy hoàn toàn thành tựu.
Sở duyên và duyên ấy là hoàn toàn không có hay chẳng phải hoàn toàn không có? Vì sao?
Nội sắc như ngoại hiện
Sở duyên, duyên cho thức
Tính chúng ở trên thức
Và làm thức phát sinh.
[888c19] Ngoại cảnh dù không có mặt thì vẫn có nội sắc là tợ ngoại cảnh hiện hành, làm sở duyên và duyên. Chấp nhận năm thức sinh khởi mang theo những ấn tượng của nội sắc, và năm thức từ những ấn tượng ấy sinh khởi, vì có đủ hai nghĩa: sở duyên và duyên.
Ấn tượng nội cảnh ấy đã không rời thức, nó cùng sinh khởi với thức như thế nào để có thể làm duyên cho thức?
Vì quyết định theo nhau
Cùng thời để làm duyên
Cái trước làm duyên sau
Công năng dẫn cái sau.
[888c24] Ấn tượng nội cảnh và thức quyết định đi theo nhau. Tuy ấn tượng nội cảnh đồng thời sinh khởi với thức, nhưng nó lại làm duyên cho thức. Luận sư Nhân minh nói rằng, ấn tượng nội cảnh và thức có hay không có đi theo nhau, tuy nhiên, khi chúng đồng thời sinh khởi thì cũng có tính chất nhân quả với nhau[7]. Tướng phần của thức niệm trước làm duyên cho thức niệm sau sinh khởi, tức là nói cái công năng dẫn sinh tợ tự quả từ trong [chủng tử của] bản thức khiến cho thức sau sinh khởi, và điều đó không trái với lý lẽ.[8]
Nếu năm thức sinh khởi chỉ duyên với nội sắc, thì làm sao cũng nói nhãn căn, v.v… làm duyên?
Công năng sắc trên thức
Gọi năm căn, hợp lý
Công năng và cảnh sắc
Vô thủy, nhân cho nhau.
[889a02] Do công năng phát sinh nhận thức nên suy luận biết là có căn. Đó là công năng[9] của căn, chứ không phải là cái được tạo tác ở bên ngoài. Công năng của năm sắc căn ấy dựa trên bản thức, nên gọi là nhãn căn, v.v…[10], điều này cũng không trái lý lẽ, vì cái lý về công năng phát sinh nhận thức là không có pháp nào khác ở ngoài tâm. Không thể nói được rằng công năng ấy ở nơi thức hay ở nơi cái khác, nhưng cho rằng các pháp ở ngoài tâm, lý ấy không có, vì vậy phải nhìn nhận rằng, công năng ấy ở nơi thức chứ không ở nơi cái khác. Công năng của năm căn và nội cảnh sắc nói trên, từ vô thủy đến nay lần lượt làm nhân cho nhau, nghĩa là công năng ấy khi đến giai đoạn thành thục[11] thì có khả năng sinh ra năm loại nội cảnh sắc trên mặt hiện hành của năm thức. Những nội cảnh sắc ấy trong thức dị thục lại có khả năng dẫn khởi công năng của năm căn. Hai sắc là căn và cảnh cùng với thức, hoặc chúng là một với thức, hoặc là khác với thức, hoặc là chẳng phải một với thức, hoặc là chẳng phải khác với thức[12], đó là tùy ý thích mà nói như vậy. Tóm lại, các thức chỉ lấy ấn tượng nội cảnh sắc làm sở duyên và duyên. Lập luận này khéo thành lập.
@23/4/2017
[1] Trần Na (陳那, Dignàga hay Màhadignàga), Hán dịch là Đồng Thọ hay Vực Long, sinh ở cuối thế kỷ thứ 5, tại Kiến Trì Thành (Kàncipura) thuộc nước Đạt La Tỳ Trà (Dràvida), Nam Ấn. Lúc đầu ngài học giáo lý Hữu bộ, sau chuyển sang học giáo lý Đại Thừa, kế thừa tư tưởng A lại da duyên khởi của Vô Trước và Thế Thân. Lúc lưu lại đại tu viện Na Lan Đà, ngài đã đánh bại lý luận của một nhà luận lý nổi tiếng Bà la môn tên là Sudurjaya trong một cuộc tranh luận tôn giáo. Ngài cũng chu du đến Odivisa (Orissa) và Maharattha và có các cuộc tranh luận với các học giả ở đây. Ngài cũng tinh thông môn lý luận của phái Chính Lý (Nyàya) là Nhân minh học (Hetuvidhyà), nhưng thấy còn phức tạp với 5 giai đoạn: Tôn, Nhân, Dụ, Hợp và Kết, nên ngài đã giản lược chỉ còn có 3 là: Tôn, Nhân, Dụ. Nó đã trở thành môn Luận lý học Phật Giáo. Ngài là sơ tổ của tông Nhân Minh. Trong lịch sử luận lý học của Phật giáo, tên tuổi của Trần Na chiếm một vị trí nổi bật. Ngài là người sáng lập ra lý luận Phật giáo, được gọi là cha đẻ của luận lý học Trung cổ. Ngài được xem là tác giả của khoảng trên 100 bộ luận về luận lý học. Hầu hết các bộ luận nầy hiện còn được lưu lại qua các bản dịch chữ Hán. Theo Nghĩa Tịnh thì những bộ luận của Trần Na được dùng làm sách giáo khoa về lý luận vào thời của ông. Trong số các tác phẩm quan trọng của Trần Na có cuốn Tập lượng luận (Pramanana-samuccaya), tác phẩm vĩ đại nhất của ngài, Nhân minh nhập chính lý luận (Nyaya-pravesa), và nhiều bộ khác như Quán sở duyên duyên luận (Alambanaprtyaya-hyàna-sàstra, No. 1624), Thủ nhân giả thiết luận (No. 1622), Quán tổng tướng luận tụng (No. 1623), v.v… Luận Quán sở duyên duyên là một trong 11 bộ luận của tông Duy thức: 1. Luận Du-già sư địa; 2. Luận Hiển dương Thánh giáo; 3. Luận Đại thừa trang nghiêm kinh; 4. Luận Tập lượng; 5. Luận Nhiếp Đại thừa; 6. Luận Thập địa kinh; 7. Luận Quán sở duyên duyên; 8. Luận Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập; 9. Luận Duy thức nhị thập; 10. Luận Biện trung biên; 11. Luận Phân biệt Du-già.
[2] Chánh văn là tướng = hành tướng, ảnh tượng, ấn tượng. Cảnh bên ngoài tâm là đối tượng (sở duyên). Ảnh tượng tương tự đối tượng ấy xuất hiện trên tâm gọi là hành tướng. Tâm năng duyên có tướng tương tự sở duyên, gọi là đái (mang theo).
[3] Chủ trương của Kinh bộ (Sautrāntika): cực vi thực hữu, nhưng đặc tính của nó không xuất hiện trên thức do đó không phải là đối tượng của thức. Hòa hợp là tập hợp của nhiều cực vi. Thể hòa hợp là giả, y trên cực vi thực hữu mà tồn tại. Khi được nhận thức, đặc tính của thể hòa hợp xuất hiện trên thức.
[4] Quan điểm của Kinh bộ: năm thức không duyên mặt trăng thứ hai.
[5] Chỉ cho tính cứng v.v… và tính hòa tập.
[6] Hiện hữu thế tục: trên bình diện thế tục đế thì các pháp là giả danh không thật.
[7] Chánh văn là Nhược thử dữ bỉ hữu vô tương tùy. Thử chỉ cho tướng phần. Bỉ chỉ cho kiến phần. Đây là nguyên tắc của lý duyên sinh về điều kiện tính, tương đối tính và tính tương quan, tương liên: “Cái này có thì cái kia có; Cái này sinh thì cái kia sinh; Cái này không có thì cái kia không có Cái này diệt thì cái kia diệt.” Hữu tương tùy là hiện hành. Vô tương tùy là chủng tử.
[8] Trần Na theo quan điểm nhân quả dị thời của Kinh bộ. Kiến phần của thức thuộc sát-na sau lấy tướng phần của thức sát-na trước là đối tượng (sở duyên). Khi năm thức duyên đối tượng ngoại giới, tướng phần hiện hành của năm thức được huân tập thành chủng tử. Sát-na tiếp theo, chủng tử này xuất hiện thành hiện hành tướng phần làm đối tượng. Đây là thức niệm sau duyên đến thức niệm trước.
[9] Công năng = hiện sắc: từ chủng tử của chính nó, thức xuất hiện như là ảnh tượng.
[10] Chủng tử của năm thức là căn: nhãn căn, v.v… Tướng phần của năm thức là cảnh: sắc, v.v…
[11] Thành thục vị = quả báo vị.
[12] Căn, cảnh và thức là tướng phần, kiến phần và tự chứng phần của thức. Về bản thể, tướng phần và kiến phần không rời tự chứng phần, nên nói là một. Về mặt hoạt dụng, sở duyên và năng duyên hoàn toàn có riêng khác, nên nói là khác. Hoạt dụng của tướng phần, kiến phần và tự chứng phần có khác nhau, nên nói là chẳng một (khác). Hoạt dụng của cả ba tuy khác mà cùng chung bản thể là thức dị thục, nên nói chẳng khác (một).
- Tag :
- Quảng Minh
- ,
- Bồ tát Trần Na