Ý nghĩa của việc làm công đức
Công đức mang ý nghĩa là làm trong sạch tâm, làm cho tâm thanh tịnh. Sau khi tìm hiểu và phát tâm thiện lành trước khi làm những việc cứu giúp người nghèo khó, trong khi làm lòng vẫn thiện lành và đầy từ bi, sau khi làm vẫn thấy đó là điều cao đẹp, đáng làm, đáng bỏ công, đáng hy sinh.
Về mặt ngôn từ, thì chữ “công đức” là được dịch nghĩa từ chữ “punna” trong tiếng Pali. Tiếng Anh dịch thành chữ “merit”. Chữ “punna” có nghĩa là sự thanh tịnh, sự làm cho trong sạch. Làm việc công đức là làm sạch, gội sạch những những bản chất tham, sân, si ra khỏi tâm. Tức là làm trong sạch tâm, làm cho tâm thanh tịnh. Đức Phật đã dạy cho mọi người tạo công đức bằng những hành động cho đi, giúp đỡ (Bố thí), sống và làm việc theo đạo đức (Giới hạnh), và tu tập phát triển tâm (Thiền tập).
Một khi chúng ta đã hiểu được những khái niệm và phạm vi của công đức, chúng ta sẽ biết cách làm và tạo ra công đức bằng nhiều cách làm thiết thực khác nhau.
Những hành động san sẻ, chia sẻ, cho đi, tặng, hiến, giúp đỡ, tham gia việc từ thiện, cứu giúp, nhường cơm sẻ áo cho cha mẹ, anh em, bà con, láng giềng, đồng hương, đồng bào, người lạ, nhường một chỗ ngồi, một chỗ xếp hàng cho một người lớn tuổi, yếu ớt, cho đến việc tha mạng, phóng sinh, cứu sống cho những loài sinh vật hay rừng cây,… đều là những hành động công đức, đầy lòng rộng lượng.
Những việc làm lương thiện, không trái luân thường đạo lý, không gây tội lỗi, không làm phương hại cho người khác, không gây đau buồn và khổ sở cho cha mẹ, anh em, bà con, láng giềng, đồng hương, đồng bào, người đáng kính, người lạ, không giết chóc sinh vật, không tàn phá cây rừng, môi sinh, là những việc làm đạo đức, mang tính đạo đức và tu dưỡng đạo đức. Chấp nhận và sống giữ theo những Giới hạnh đạo đức, hợp tình, hợp lý, hợp lẽ nhân sinh mà Đức Phật đã đề ra để tu dưỡng đạo đức là những việc làm công đức.
Nhiều người vẫn lầm tưởng là những tu sĩ và Phật tử cứ dành thời gian ngồi một chỗ để thiền tập là hành động tu hành chứ không phải là làm công đức. Không phải vậy, nếu đã hiểu rõ định nghĩa của chữ công đức “punna”, thì hành động làm trong sạch tâm, tu dưỡng tâm thanh tịnh (tức là thiền tập) cũng là một trong những hành động công đức công phu và đáng quý nhất. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, một người ngồi trên ghế hay bất kỳ tư thế tĩnh tại nào để làm cho tâm an tĩnh, làm cho tâm không vướng phải tạp niệm, không dính chấp những ô nhiễm và bất thiện, làm cho tâm trong sạch bớt khỏi những tham, sân, si và những bất tịnh khác, thì người đó đang thực hiện hành động công đức, đang tạo công đức tốt đẹp cho bản thân mình. Về mặt triết lý cho đến thực hành, những việc làm đúng đắn để làm tăng trưởng lòng rộng lượng, từ thiện (Bố thí); gìn giữ và tu dưỡng đạo đức (Giới hạnh); và tu tập, làm trong sạch tâm (Thiền tập) là những việc làm công đức.
Không phải cứ mua nhang đèn hoa quả đến cúng dường ở chùa mới là việc công đức. Không phải cứ bỏ tiền ra góp cho người ta đi cứu giúp những vùng bị thiên tai là việc làm công đức. Còn rất rất nhiều những việc đúng đắn ở trên đời để làm và tạo lập công đức, tuy nhiên công đức có được hay không cũng tùy thuộc vào tâm và ý của người lúc thực hiện. Ý muốn, ý chí của tâm phải là thiện lành, tốt lành, trong sạch, thanh tịnh trước khi, trong khi và sau khi làm những hành động công đức. Bởi vậy, bản thân chữ “công đức” mang ý nghĩa là “làm trong sạch tâm, làm cho tâm thanh tịnh” là vậy. Sau khi bạn tìm hiểu và phát tâm thiện lành trước khi làm những việc cứu giúp người nghèo khó, trong khi làm lòng vẫn thiện lành và đầy từ bi, sau khi làm bạn vẫn thấy đó là điều cao đẹp, đáng làm, đáng bỏ công, đáng hy sinh. Vậy là bạn thấy hạnh phúc và an lạc, bạn thấy lòng mình đẹp hơn, thấy tâm mình nhẹ nhàng và thanh cao hơn.
Tâm hoan hỷ và an lạc sau khi làm việc công đức, thì tâm thanh tịnh, trong sạch, trở nên hướng thiện, thì những bản chất trái ngược khác như ích kỷ, hẹp hòi, ghét bỏ, khinh khi, hèn nhát, lười nhát, an phận sẽ dần bị loại bỏ. Vì vậy, việc làm những hành động công đức đúng đắn sẽ giúp phát huy những tâm thiện, cùng lúc giúp đối trị và loại bỏ những tâm bất thiện.
- Từ khóa :
- Minh Chính