Như Thiện
CHỦ TRƯƠNG NGHIỆP CỦA JAIN
Kinh Devadaha là bài kinh số 101 thuộc Trung Bộ Kinh (gồm 152 bài kinh). Đây là bài kinh Đức Phật giảng cho các thầy Tỳ kheo tại thị trấn Devadaha. Nội dung bài pháp thuật lại cuộc thoại giữa Ngài với ngoại đạo Nigantha về giáo lý nghiệp. Đạo Jain đã chủ trương về nghiệp như thế nào? Theo bài kinh Devadaha có ba điểm cần chú ý về chủ trương nghiệp mà Jain đưa ra:
Thứ nhất, họ cho rằng mọi cảm thọ khổ, lạc, không khổ không lạc đều do nghiệp nhân quá khứ. Như vậy, khi nghiệp quá khứ được diệt tận và không gây tạo các nghiệp mới thì nghiệp được đoạn diệt không diễn tiến đến tương lai. Do nghiệp diệt, khổ cũng được dứt. Từ đó, cảm thọ cũng không còn và mọi khổ đau đều sẽ tiêu trừ. Như vậy, ở điểm thứ nhất này chúng ta thấy được hai vấn đề mà Jain nêu ra. Một là phàm trong cuộc đời này, những cảm thọ khổ, vui, vô kí mà con người nhận lãnh không phải do sự tạo ra từ một đấng thần linh nào mà tất cả những thọ ấy đều do nghiệp quá khứ mà con người đã gây tạo. Hai là muốn đoạn diệt khổ đau thì phải thiêu cháy nghiệp quá khứ, đồng thời không gây tạo nghiệp mới ở hiện tại để đến một lúc nào đó nghiệp cũ hết thì khổ đau không còn kéo dài đến đời vị lai.
Thứ hai, phương pháp để diệt tận nghiệp. Vì Nigantha cho rằng chính thân này tạo ra các bất thiện pháp ở tiền kiếp cho nên họ chủ trương diệt nghiệp bằng hình thức khổ hạnh ép xác như: Đứng một chân giữa trời, lấy cây đánh vào thân, lõa thể không mặc gì cả,… Lý thuyết này do Mahavira tuyên thuyết. Vì ông tự xưng mình là bậc có tri kiến toàn diện nên tín đồ tin nhận và thực hành một cách tinh cần.
Thứ ba, các Ni-kiền-tử đưa ra mười tùy thuyết về nghiệp. Một là do nghiệp quá khứ nên lãnh thọ những cảm giác vui, khổ. Hai là tất cả cảm thọ được tạo ra từ một đấng tạo hóa. Ba là các thọ do điều kiện mà sanh. Bốn là các cảm thọ ở hiện tại do sinh loại sinh. Năm là chính sự tinh tấn ở hiện tại mà các cảm thọ được sinh khởi. Năm thuyết sau là phủ định lại năm tùy thuyết trên.
ĐỨC PHẬT PHÊ BÌNH CHỦ TRƯƠNG VỀ NGHIỆP CỦA JAIN
Đức Phật khi nghe các ngoại đạo Nigantha có chủ trương về nghiệp như vậy, Ngài đã đến đối thoại và chỉ ra sự sai lầm trong chủ thuyết mà họ đưa ra. Trước hết, các Nigantha có tri kiến rằng mọi cảm giác mà con người lãnh thọ đều do nghiệp quá khứ. Như vậy, chủ thuyết trên của Jain là một thuyết về tiền định. Phật giáo không chủ trương như vậy. Đạo Phật chủ trương giải thoát mọi sự trói buộc, không chịu nô lệ vào ai, tự mình y chỉ mình và tự mình giải thoát bản thân. Bởi lẽ, Đức Phật có mặt nơi thế gian này là để chỉ ra nguyên nhân của khổ đau mà con người phải gánh chịu và con đường đưa đến khổ não tận, chứ Ngài không đưa ra những giáo lý mang tính cực đoan để trói buộc chúng sanh. Trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Thế Tôn dạy các đệ tử:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây” [1].
Với tuệ quán sáng suốt, Đạo Phật nhìn cuộc đời đúng với bản chất như nó đang là. Vậy Thế Tôn đã đặt ra vấn đề như thế nào để chỉ ra cái sai trong quan điểm của Jain và khiến họ khuất phục? Đức Phật chất vấn họ bằng những câu hỏi: Có biết quá khứ các ông có hiện hữu hay không? Có tạo ác nghiệp hay không? Và những nghiệp bất thiện ấy như thế nào? Mức độ của khổ đã được diệt; còn bao nhiêu khổ cần phải đoạn trừ? Đoạn trừ bao nhiêu nữa mới dứt sạch hết thảy khổ đau? Có biết về sự diệt trừ ác pháp ngay hiện tại hay sự thành tựu thiện pháp hay không? [2] Ngoại đạo Nigantha không trả lời được câu hỏi của Phật.
Sau đó, Thế Tôn đưa ra một ví dụ về một người bị trúng tên nếu như không khéo chữa trị thì nỗi đau đớn do vết thương gây ra sẽ dẫn đến tử vong. Người bị trúng tên là hình ảnh ẩn dụ cho những người thọ lãnh quả xấu do nghiệp quá khứ, mũi tên chỉ cho tham – sân – si. Nếu không tìm giải pháp để đoạn trừ ba độc thì chắc chắn sẽ mãi bị trầm luân trong sinh tử. Như vậy, ở trường hợp này, thọ khổ đưa đến cái chết. Ngược lại, cũng đồng thời là bị trúng tên nhưng người ấy được y sĩ chữa trị qua các bước: Lấy dao cắt rộng vết thương, dùng vật dụng để dò tìm mũi tên, rút tên ra khỏi thân và hơ chỗ bị thương bằng than đỏ, đắp thuốc. Những công đoạn trên đều gây ra sự đau đớn thống khổ đối với vị ấy. Nhưng chính nhờ quá trình điều trị này mà vết thương được lành, mạng sống được cứu. Đây là trường hợp khổ đưa đến an vui. Qua đây, có hai thứ khổ mà con người cần phải ý thức được đó là khổ đưa đến sanh tử luân hồi và khổ đưa đến giải thoát.
Từ ví dụ trên, Như Lai bác bỏ chủ thuyết của Nigantha vì nó chỉ thiên lệch về một bên và không mang lại lợi ích gì như trường hợp trúng tên nhưng không chịu chữa mà lo đi tìm loại tên đó là gì? Do ai bắn? Nguyên nhân bị trúng tên? Những hoài nghi này đều thuộc quá khứ. Mặc khác, họ chủ trương tất cả những gì con người cảm thọ đều do nghiệp quá khứ nhưng trường hợp người trúng tên kia trải qua sự điều trị của lương y thì vị ấy khỏe mạnh ngay trong đời này chứ đâu phải đợi đến kiếp sau. Cho nên, các nghiệp ở hiện tại cũng quyết định cảm thọ ở hiện tại, không hoàn toàn như quan điểm của Jain.
Khi bị Đức Phật phê bình, các Nigantha thưa với Ngài rằng: Nigantha Nataputta tự xưng là bậc A-la-hán chánh đẳng giác, có tri kiến toàn diện. Ông dạy các đệ tử: “Này các Nigantha, nếu xưa kia các ông có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh thống khổ này” [3]. Các đệ tử nghe thế hoan hỷ tin nhận thực hành. Như Lai hỏi tiếp các Nigantha về năm pháp (tín, hỷ, tùy văn, thẩm định lí do, kham nhẫn chấp thọ tà kiến) mà ngay trong đời này có hai quả báo nhưng không ai trả lời được. Ở đây, như lời trình bày của các Nigantha thì họ chỉ nghe lời dạy của giáo chủ mình và áp dụng tu tập chứ không hiểu rõ. Đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi về những điều không nên tin: “Chớ có tin vì nghe theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình” [4].
Phật dạy không nên tin theo một chủ trương hay chỉ vì nghe người ta nói rồi tin nhận, thậm chí ngay cả vị thầy của mình cũng đừng tin quá vội. Bởi vì chủ trương của Đạo Phật là thực nghiệm qua quá trình tự tu tập, tự chứng ngộ chứ không dựa trên một ai hay một pháp học mà không có sự chứng nghiệm thật thụ. Ví như người đi tìm kho báu nhưng chỉ xem bản đồ mà không chịu lên đường tìm cầu của báu thì không bao giờ đến và lấy được kho tàng hoặc giả có bản đồ, có đi tìm nhưng tấm bản đồ đó là giả thì chỉ nhọc công phí sức. Cũng vậy, khi vội tin vào một luận thuyết nào đó mà không có sự thẩm sát bằng tuệ giác thì dễ dẫn đến đi sai đường. Chỉ khi nào tự thân mình tuệ tri được đây là thiện pháp đưa đến giải thoát, kia là ác pháp dẫn tới khổ đau thì hành giả mới bắt đầu tinh tấn thực hành để điều thiện được phát triển và loại bỏ các bất thiện không cho nó có cơ hội sinh khởi.
Sau đó, Phật lại hỏi các Nigantha có phải khi họ tinh tấn thực hành khổ hạnh thì lãnh thọ cảm giác đau đớn, thống khổ và ngược lại khi từ bỏ sự tu tập ấy thì các cảm thọ khổ kia không xuất hiện nữa đúng không? Họ đồng ý với Phật về điều này. Một lần nữa Phật chỉ trích sự tinh tấn mê muội không mang lại ý nghĩa gì cho sự giải thoát hay tiêu diệt nghiệp mà họ đã chủ trương. Vì lẽ, mục đích hành trì lời dạy mà giáo chủ của họ đưa ra là để đốt cháy nghiệp quá khứ, dẫn đến các khổ không còn hiện hữu nhưng càng tinh cần bao nhiêu thì càng khổ đau bấy nhiêu và khi không thực hành pháp tu đó thì lại không khổ. Như vậy, việc khổ hay lạc ở trường hợp này đâu liên quan gì đến nghiệp quá khứ mà hoàn toàn ở trong đời sống hiện tại.
Jain chủ trương tinh cần hành khổ để dứt nghiệp quá khứ, nghiệp đoạn thì khổ đoạn, khổ đoạn thì cảm thọ đoạn, cảm thọ đoạn thì tất cả khổ được diệt tận. Nhưng khi được Phật hỏi: Đối với nghiệp ở hiện tại do tinh tấn có thể được thọ quả ở tương lai và ngược lại hay không? Có thể do tinh cần, tinh tấn mà nghiệp có lạc báo thành khổ báo và ngược lại; nghiệp đã thuần thục thành chưa thuần thục và ngược lại; nghiệp được thọ nhiều quả báo thành ít quả báo và ngược lại; nghiệp có thọ báo thành không thọ báo và ngược lại được hay không? Họ trả lời là không thể được. Đồng nghĩa với việc tự khẳng định sự tinh tấn của mình không có tác dụng gì cho việc chuyển nghiệp hay đốt cháy nghiệp cả.
Mặt khác, sự hành khổ ấy cũng không đưa tới sự thuần thục, tức là sự chín mùi của nghiệp. Người ta thường nói “của cho không bằng cách cho”, có nghĩa là vật chất không quan trọng bằng tấm lòng. Như trong truyện cổ Phật giáo, có kể về một bà lão ăn xin bằng tấm lòng cung kính hướng về Thế Tôn, bà đã dùng hết số tiền mình có được để mua dầu thắp đèn dâng cúng Phật. Ngọn đèn ấy sáng tỏ và không tắt trong khi các ngọn đèn khác đã tắt lịm (có chỗ ghi lại Ngài Mục-kiền-liên dùng thần thông để tắt nhưng đèn vẫn cháy sáng). Đức Phật bảo đại chúng đó chính là do tâm tha thiết chí thành của bà cụ quá lớn nên mới có sự việc như thế. Cũng vậy, sự tu tập do tâm thành quyết định chứ không phải do ép xác khổ hạnh. Trong đại kinh Sư Tử Hống, Phật kể lại quá trình tu tập khổ hạnh của Ngài vô cùng thống khổ. Vì thế, Ngài đứng đầu trong phương pháp tu trì ấy không ai có thể vượt qua được. Ngài tuyên bố: “Về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất” [5]. Nếu hành khổ có thể đưa đến giải thoát thì Phật đã không từ bỏ pháp môn này để rồi đến cội Assattha trầm tư thiền quán và thành tựu quả vị Chánh đẳng giác. Như vậy, sự nỗ lực hành khổ không phải là con đường đưa đến sự giác ngộ, chỉ có Bát chánh đạo mới thật sự là con đường đưa đến thanh tịnh chúng sanh, thành tựu chánh trí giải thoát.
Sau khi bị Phật chỉ trích về sự bất hợp lí trong chủ trương, các Nigantha tiếp tục đưa ra mười thuyết tùy thuyết: Một là do nghiệp quá khứ nên lãnh thọ những cảm giác vui, khổ. Hai là tất cả cảm thọ được tạo ra từ một đấng tạo hóa. Ba là các thọ do điều kiện mà sanh. Bốn là các cảm thọ ở hiện tại do sinh loại sinh. Năm là chính sự tinh tấn ở hiện tại mà các cảm thọ được sinh khởi. Năm thuyết sau là phủ định lại năm tùy thuyết đầu. Phật phê bình mười tùy thuyết này của Jain không hợp lý. Vì lẽ, nếu mọi cảm thọ khổ vui, vô ký là do nghiệp quá khứ thì họ đã làm ác hạnh nên nay phải chịu khổ như vậy. Nếu do tạo hóa tạo ra thì họ được tạo ra bởi một tạo hóa hung ác. Nếu do nhân duyên kết hợp thì họ bị ác nghiệp kết hợp. Nếu do nhân sinh loại thì các Nigantha bị ác sinh loại. Nếu do tinh tấn hiện tại thì họ đã tạo ác tinh tấn. Với năm tùy thuyết trái nghịch lại năm thuyết đầu thì chính Nigantha mâu thuẫn với lập thuyết mà họ đã chủ trương. Cho nên dù có nỗ lực, tin cần cách mấy thì họ cũng chỉ chuốc lấy khổ đau, sự tinh tấn theo chủ thuyết của Jain là không có kết quả.
SƯ TINH TẤN MANG LẠI LỢI ÍCH LỚN, KẾT QUẢ LỚN
Vậy sự tinh tấn như thế nào mới đem lại kết quả rốt ráo? Đó là tinh tấn không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị khổ đau nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp nhưng cũng không để bị lạc chi phối. Do tinh cần tu tập xả bỏ những nguyên nhân đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não hành giả đoạn diệt được tham ái. Chính sự xả ly không còn luyến tiếc tham ái ấy, nên người tu đạt được sự giải thoát, sự vô nhiễm. Đây chính là khổ diệt thánh đế (một trong bốn chân lý chắc thật của Phật giáo) [6]. Đức Phật đưa ra ví dụ về sự ái luyến của một người nam dành cho một nữ nhân. Khi thấy cô gái ấy vui cười với người con trai khác thì vị ấy thống khổ, sầu não. Nhưng khi anh ta biết được nguyên nhân cái khổ này không phải do ai khác mang lại mà chính tâm say đắm cô gái của mình tạo nên. Từ đó, vị ấy cố gắng xả bỏ tâm ái luyến này đi. Đến khi tâm ái nhiễm ấy không còn thì dù rằng nữ nhân kia có nói chuyện, cười đùa với ai chăng nữa cũng không làm cho người nam sanh lòng phiền não. Đó là ví dụ về trường hợp từ cái khổ để thực hành sự tinh tấn và đạt được kết quả lớn.
Cho nên, không thể mặc định khổ luôn luôn là cảm thọ tiêu cực, phải loại bỏ nó và lạc là cảm thọ tích cực cần duy trì, nắm giữ. Bởi vì, có những lúc ta cần nhờ vào khổ để cởi trói cho chính mình cũng giống như người thợ làm cung tên dùng lửa để uốn nắn chúng, nhưng khi cái cung đủ độ cong hay tên được thẳng rồi thì không cần dùng đến lửa để hơ nó nữa. Hay khi ngồi thiền thì vô vàn cảm thọ đau đớn nơi thân diễn ra nhưng nếu chiến thắng được cái cảm giác ấy thì thành quả đầu tiên đạt được đó là sự hỷ lạc nơi tâm và sau cùng là viên mãn tuệ giác vô thượng. Vậy với trường hợp nào thì lạc thọ cần nên bỏ? Đó chính là cái lạc do thỏa mãn sự khát ái, sự vui thích do nhục dục đem lại – là nguyên nhân dẫn đến khổ đau trong sinh tử. Thậm chí, các lạc do chứng được ở các tầng thiền định cũng không nên tham chấp vì nó chưa thật rốt ráo, chỉ khi hoàn toàn đại ngộ như Đức Phật thì đó mới là đích đến cuối cùng.
Thật vậy, thực hành theo giáo lí của Phật giáo chính là tu tập trung đạo, nghĩa là từ bỏ hai cực đoan hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác. Phật dạy các đệ tử của Ngài: Đối với cảm thọ lạc (khổ) nào mà làm cho thiện pháp tăng trưởng, ác pháp được tiêu trừ thì cần duy trì nhưng đến khi nó không còn cần thiết giúp cho sự tu tập giải thoát thì phải xả bỏ nó. Tuy nhiên Đạo Phật vẫn chủ trương lạc đem lại lợi ích cho sự tu tập hơn so với khổ, nhờ lạc mà định dễ sinh, nhờ định mà trí tuệ phát triển, còn khổ chỉ là nhân duyên phụ trợ quá trình tu để đoạn trừ dục vọng. Như vậy, sự tinh cần hành khổ của Jain là tà tinh tấn còn tinh tấn mà Phật dạy là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn là một chi phần trong Bát chánh đạo – con đường đưa đến sự giải thoát, chứng ngộ Niết bàn. Nó còn là một chi phần trong Thất giác chi và một phần trong Ngũ căn – Ngũ lực. Hơn thế, đây còn là nội dung của Tứ chánh cần trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo: Tinh cần khiến cho các thiện pháp chưa sinh được phát sinh; các thiện pháp đã sinh thì làm cho chúng phát triển đi đến sự viên mãn; tinh tấn đoạn trừ các ác pháp đã sinh khởi; các ác pháp chưa sinh thì tinh cần ngăn chặn không cho chúng sinh khởi. Tinh tấn tinh cần như vậy làm nền tảng cho sự viên mãn minh (tuệ) và giải thoát. Cuối cùng, Phật kết luận mười tùy thuyết của Jain đáng bị chỉ trích thì mười thuyết hợp pháp của Như Lai được tán thán.
SỰ HIỂU LẦM VỀ NGHIỆP
Nghiệp theo Phật giáo là một định lí đương nhiên và nó không có tính cố định. Cho nên, con người có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc giải thoát hay phàm phu có thể trở thành bậc thánh nhờ sự tinh tấn tu tập giới, định và tuệ. Đạo Phật không chấp nhận có một đấng tạo hóa ban phước, giáng họa cho con người, mà những gì con người gánh chịu đó là kết quả tất nhiên của những nghiệp nhân mà họ đã tạo nên. Đạo Phật phê bình những ai có tà kiến về thuyết định mệnh. Trong Kinh Tăng Chi Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” [7]. Khi sinh ra có người đẹp kẻ xấu, kẻ giàu người nghèo,… đó cũng là sự chi phối bởi nghiệp cũ nhưng yếu tố quan trọng quyết định sự thay đổi kiếp sống của con người là nghiệp mới. Chính chủ trương nghiệp mới mới là nhân bản, là giải thoát theo tinh thần của Phật giáo. Ở đó, con người chính là nhân tố quyến định hạnh phúc hay khổ đau cho cuộc đời của mình chứ không ai có thể đặt định hay thay thế được:
“Tịnh, không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai” [8].
Tóm lại, qua bài khảo luận “Giáo lí nghiệp qua lăng kính Devadaha Sutta” người viết hy vọng thông qua sự phê bình tà thuyết tiền mệnh của ngoại đạo Nigantha dưới góc nhìn tuệ giác của Phật giáo sẽ đem lại cái nhìn đúng đắn cho người đọc về giáo lí nghiệp. Từ đó, con người tự tin thực hiện ước mơ giải thoát cuộc đời mình khỏi mọi trói buộc của sầu, bi, khổ, ưu, não. Niềm tin vững chắc ấy là sức mạnh giúp hành giả làm sống dậy tinh thần lạc quan, yêu đời, có trách nhiệm với bản thân và hơn hết là tạo nhiều nhân duyên thiện lành đem đến kết quả lớn, lợi ích lớn cho mình, cho người.
Chú thích:
[1] Kinh Trung Bộ 2, Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả số 131, tr.519.
[2] Kinh Trung Bộ 2, Kinh Devadaha số 101, tr.272.
[3] Kinh Trung Bộ 2, Kinh Devadaha số 101, tr.275.
[4] Kinh Tăng Chi Bộ (Tập I), VII. Phẩm Lớn, tr.221.
[5] Kinh Trung Bộ I, Đại Kinh Sư Tử Hống số 12, tr.110
[6] Kinh Trung Bộ II, Kinh Phân Biệt Về Sự Thật số 141, tr.591.
[7] Kinh Tăng Chi II, tr.77.
[8] Kinh Pháp Cú, phẩm Tự Ngã số 165.
(Văn Hóa Phật Giáo 370)
Chú thích của BBT về JAIN:
Kỳ Na giáo (chữ Hán: 耆那教) hay là Jaina giáo (tiếng Anh: Jainism), là một tôn giáo của Ấn Độ, một tôn giáo có hệ tư tưởng ngoài hệ thống thánh điển Kinh Vệ-đà, mặc dù trong số những vị mở đường ấy có Rsabha, Agitanàtha và Aritanemi; cả ba đều ở thời cổ đại và được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda.
Kì-na giáo là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới.[1] Kì-na giáo do Mahavir (559 TCN - 527 TCN) sáng lập ra tại bắc Ấn Độ gần như là cùng thời với Phật giáo. Triết lý và phương thức thực hành của đạo dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn. Trong một thời gian dài Kì-na là tôn giáo của vương quốc Ấn Độ và được truyền bá rộng rãi ở tiểu lục địa Ấn Độ. Tôn giáo này đã suy yếu từ thế kỷ VIII do sự phát lên mạnh mẽ của các tín đồ đi theo đạo Hindu và đạo Hồi.[2][3]
Kì-na giáo là tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ với 4,2 triệu tín đồ, và có một số nhóm nhỏ di cư đến Bỉ, Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, và Hoa Kỳ.[4] Tín đồ Kì-na giáo có trình độ biết chữ cao nhất trong bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào khác ở Ấn Độ (94,1%),[5] và các thư viện bản thảo của họ là cổ nhất ở đất nước này.[6]
- Tag :
- Như Thiện