Tam tam-muội là chỉ cho ba loại định, tức là ba loại pháp môn quán hành của Phật giáo, được xem như là nguyên lý thực tiễn của Thiền định. Định có nghĩa là tâm hành giả trụ vào một đối tượng nào đó khiến cho ý không bị tán loạn, dần dần tâm ý trở nên trong sáng và phát sinh trí tuệ. Ba định này còn gọi là Tam ma-địa, tam tam Đẳng trì; đối với quán lý thì gọi là tam không, đối với ý nghĩa đoạn trừ chướng ngại thì gọi là tam trị. Tam tam-muội (trayaḥ samādhayaḥ), Tam ma-địa, tam tam đẳng, hay Tam tam định, là chỉ cho ba định, ba chánh định, đó là: Không môn (śūnyatā), tức là lúc hành giả vào định, quán tất cả các pháp đều không, không có ngã cùng ngã sở, các hành đều vô thường, không chân thật. Vô tướng môn (animitta), còn gọi là vô tưởng, vì nhờ quán nhân không nên hành giả không khởi lên ý niệm chấp thủ vào tướng các pháp. Vô nguyện môn (apraṇihita), còn gọi là vô tác, vô dục, vì nhờ quán vô tướng đối với các pháp nên đối với sự tương tục sinh tử đời vị lai không khởi lên mong cầu ái nhiễm nữa.
Ở đây, samādhyaḥ, cựu dịch là tam-muội, là định, còn tân dịch là tam-ma-địa, là đẳng trì; nhưng trayaḥ samādhyaḥ, tức là tam tam-muội được gọi là ba định này chúng câu hữu chung cho cả hữu lậu và vô lậu, nên còn gọi là tam giải thoát môn (ba cửa giải thoát), vì ba cửa giải thoát này là con đường đưa đến Niết-bàn, cho nên gọi là ba cửa giải thoát.
Nếu chúng ta đem ba cửa giải thoát này làm nguyên lý thực tiễn chính là ba phương pháp quán khi hành giả đi vào Thiền định; ba cửa giải thoát này tuy chúng câu hữu với giải thoát đối với pháp vô lậu, nhưng chúng cũng là nguyên lý thực tiễn chung cho các hành giả Tiểu thừa lẫn Đại thừa trong việc thực hành giải thoát khổ đau đưa đến Niết-bàn an vui tịch diệt, vì tự thân của ba định giải thoát này tuy dành cho các pháp vô lậu là chính, trên mặt tuyệt đối, nhưng trên mặt tương đối chúng vẫn được dành cho các bậc học pháp hữu lậu cả thế gian và xuất thế gian, cho nên trong Câu-xá luận 28 (Đ. 29, tr. 149c) viết: “Ba pháp này, mỗi pháp có hai loại, đó là tịnh và vô lậu. Vì định của thế gian và xuất thế gian khác biệt nên thế gian dành chung cho mười một địa, còn xuất thế gian chỉ dành chung cho chín địa (trong mười ba trụ địa, hay còn gọi là mười ba hành vị từ nhân đến quả của Bồ-tát). Ở đây vô lậu gọi là tam giải thoát môn, khế hợp với cửa vào Niết-bàn.” Và cũng cùng nghĩa này, theo Hiển Dương Thánh Giáo luận 2 (Đ. 31, tr.490b): “Nên biết, nếu theo nghĩa vô sai biệt thì gọi chung là không, vô tướng, vô nguyện. Ba cửa này thông với Văn-Tư-Tu nơi sinh ra trí tuệ thế gian và xuất thế gian. Nếu gọi không, vô tướng, vô nguyện định thì chỉ có Tu mới sinh ra trí tuệ thế gian và xuất thế gian.” Chính vì sự câu hữu của Ba định này chúng vừa câu hữu với pháp hữu lậu, vừa câu hữu với pháp vô lậu, nên đối với ba định này theo kinh luận đã có nhiều thuyết khác nhau.
Theo kinh Tăng nhất A-hàm 16, “Đối với Không tam-muội thì nhơn và pháp của vạn hữu, hành giả đều quán là không. Ở trong pháp quán mười sáu hành tướng của Tứ đế thì định này cùng với hai hành tướng không và vô ngã của khổ đế tương ưng với nó; tức là chúng ta quán ngã kiến cùng sở kiến của ngã đều không. Đối với Vô tướng tam-muội thì, vì chúng ta đã quán ngã-pháp đều không, nên tướng trạng của chúng không sai khác, chúng cùng với bốn hành tướng diệt, tịnh, diệu, ly của diệt đế tương ưng với định. Vì Niết-bàn lìa năm trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, hai tướng nam, nữ, cùng với ba tướng hữu vi sinh, dị, diệt cộng lại là mười tướng nên đều gọi là vô tướng; định này vì duyên vào diệt nên có tên gọi là vô tướng. Đối với vô nguyện tam-muội hay còn gọi là vô tác tam-muội, vô khởi tam-muội thì vì chúng ta đã quán tướng trạng của các pháp là không sai khác, nên chúng ta không có những điều gì mong cầu về nó, nên mới cùng với hai hành tướng khổ và vô thường của khổ đế; bốn hành tướng nhân, tập, sinh, duyên của tập đế; bốn hành tướng đạo, như, hành, xuất của đạo đế là mười hành tướng tương ưng với định. Khổ, vô thường cùng với bốn hành tướng của tập đế đều đáng nhờm tởm, lo sợ cho nên chúng ta không mong cầu giữ chúng, ngay đến đạo đế như chiếc thuyền mà cũng nên từ bỏ; định này chỉ là duyên nên nó được gọi là vô nguyện. Hơn nữa các pháp không có gì để cầu mong vui sướng, thì không có gì để tạo tác, nên gọi là vô tác hoặc gọi là vô khởi.”
Và Thành Thật luận 13 trong phẩm Tam tam-muội (Đ. 32, tr. 335b) lại giải thích: “Nếu hành giả không thấy chúng sanh, cũng không thấy pháp, đó gọi là không. Trong không như vậy không có tướng để giữ, không này tức là vô tướng. Và trong không, không chỗ để nguyện cầu, không này tức là vô nguyện. Vì vậy cho nên ba cái này cùng một nghĩa. Hỏi: “Nếu vậy, tại sao nói là ba?” Đáp: “Vì không này có khả năng, nên phải tu không, vì tu không được lợi nên không thấy tướng, vì không thấy tướng nên vô tướng, vì vô tướng nên chẳng nguyện, vì chẳng nguyện nên chẳng thọ thân, vì chẳng thọ thân nên thoát tất cả khổ, những lợi như vậy đều do từ tu không mà có được, cho nên nói là ba.” Và chỗ khác cũng trong luận Thành Thật 12, phẩm Tam tam-muội thì ba định này được chia ra cách tu như sau: (1) Nhất phần tu định, tu định không tu tuệ, hoặc tu tuệ không tu định. (2) Cộng phần tu định, vừa tu định, vừa tu tuệ, là chỉ cho định thế gian, ở trong phá noãn vị (là một trong bốn vị của Gia hành vị trong năm vị của Tiểu cũng như Đại thừa). (3) Thánh chánh định, khi nhập vào pháp vị thì có khả năng chứng định Diệt đế. Hành giả dùng định tu hàng phục tâm, nhờ tuệ để ngăn chận phiền não; dùng định để hàng phục tâm, nhờ định để ngăn chận phiền não; và nhờ định tuệ để hàng phục tâm, nhân tánh được giải thoát, tánh ở đây tức là đoạn tánh, ly tánh, diệt tánh. Hơn nữa, lúc này cùng lúc đầy đủ định tuệ nên gọi là Thánh chánh.
Trong khi đó cũng theo một số kinh luận Tiểu thừa và Đại thừa thì chủ trương lại khác. Theo Trung A-hàm 17, luận Câu-xá 28 cùng kinh Đại phẩm Bát-nhã I thì ba định này chỉ cho: (1) Hữu tầm, hữu tứ tam-ma-địa, là cùng với tầm và tứ tương ưng với định, vì định này là nơi nhiếp của vị đáo định cùng sơ thiền của sắc giới. (2) Vô tầm, hữu tứ tam-ma-địa, chỉ cùng với tứ tương ưng với định mà thôi, vì định này là nơi nhiếp trung gian của tịnh lự. (3) Vô tầm, vô tứ tam-ma-địa, vì định này là nơi nhiếp từ đệ nhị tịnh lự trở lên cho đến phi tưởng phi phi tưởng nên không tương ưng với tầm và tứ. Ở đây, tâm thô gọi là tầm, tâm tế gọi là tứ. Hữu tầm, hữu tứ là theo cách dịch của các nhà tân dịch, còn các nhà cựu dịch thì dịch là hữu giác, hữu quán tam-muội, vô giác hữu quán tam-muội, vô giác vô quán tam-muội. Theo phần trên Pháp giới thứ đệ quyển trung (Đ. 46, 679b) thì, (1) Hữu giác hữu quán tam- muội, nếu dùng tâm tương ưng với không, vô tướng, vô tác mà nhập vào các định, vì trong lúc quán sơ thiền cùng phương tiện thì tất cả giác quán đều câu hữu với thiền nên tất cả đều chánh trực, cho nên gọi là hữu giác hữu quán tam-muội. (2) Vô giác hữu quán tam-muội, nếu dùng tâm tương ưng với không, vô tướng, vô tác mà nhập vào các định, vì quán thiền trung gian thì tất cả không có giác mà có quán câu hữu với thiền, tất cả đều chánh trực, cho nên gọi là vô giác hữu quán tam-muội. (3) Vô giác vô quán tam-muội, nếu dùng tâm tương ưng với không, vô tướng, vô tác mà vào các định, vì trong lúc quán vô giác vô quán câu hữu với thiền, thì từ nhị thiền cho đến diệt thọ tưởng định tất cả các thiền, vì quán vô giác vô quán đều là chánh trực, nên gọi là vô giác vô quán tam-muội.
Và theo Pháp Hoa Huyền nghĩa IV thượng thì ba định này có tên gọi lại khác nữa, có lẽ đây cũng là một cách để tiếp cận căn cơ thuộc tính của hành giả mà đức Đạo sư dùng một tên khác để gọi tên, đây là giáo lý theo chủ trương của các nhà Viên giáo, nhất tâm quán ba đế viên dung, ba hoặc đồng thời được đoạn tận: (1) Chân đế tam-muội, đạt được quán lý không chân đế, nhờ phá kiến, tư hoặc mà thành tựu. (2) Tục đế tam-muội, đạt được định quán nghĩa tục đế giả, nhờ phá trần sa hoặc mà thành tựu. (3) Trung đạo vương tam-muội, ngăn chận hai biên không và giả, mà đạt được định quán lý trung đạo, nhờ phá vô minh hoặc mà thành tựu.
Trong sự sắp xếp ba định này theo thứ tự của chúng cũng không thống nhất: Hoặc theo thứ tự không, vô tướng, vô nguyện, hoặc không, vô nguyện, vô tướng. Theo Đại thừa nghĩa chương 2 thì tùy thuộc vào ý nghĩa mà phân biệt trước sau không giống nhau có ba cách sắp xếp theo thứ tự như sau: (1) căn cứ vào sự tu nhập mà có thứ tự: Trước tiên nói đến vô nguyện khiến cho hành giả nhờm tởm sinh tử, kế đến nói vô tướng khiến cho hành giả cầu mong Niết-bàn, cuối cùng nói đến không môn khiến cho hành giả khế chứng vào chúng. (2) Y cứ vào sự thành tựu chung cuộc theo thứ tự gốc ngọn: Không là gốc của các đức, Bồ-tát trước phải quán nó, nên trước phải rõ không; do thấy được không, nên không thấy sinh tử để tham cầu cho nên nói vô nguyện; vì do chứng được nghĩa không, không thấy sinh tử, nên liền cùng với Niết- bàn vô tướng tương ưng, cho nên lần thứ ba tuyên nói vô tướng. (3) Y cứ vào thể tướng dụng của chỗ không mà là rõ thứ tự của chúng: Trước hết nói không môn, không thể của các pháp; kế đến nói vô tướng, không là tướng của các pháp; nói về vô tác, không là dụng của các pháp.
Ngoài những kinh luận Tiểu-Đại thừa thuộc hiển giáo chúng tôi đã trích dẫn ra còn có ba định theo quan điểm của các nhà Mật giáo được kiến lập dựa vào ý nghĩa thâm sâu mà thiết trí Mạn-trà-la để biểu trưng đức lý mà nói thì, hoặc dùng không, vô tướng để ngăn ngừa tình, vô nguyện để lộ cái đức lý. Nếu tất cả theo nghĩa đức mà nói thì, không là nghĩa của tất cả các pháp vô ngại để bước vào, vô tướng là nghĩa muôn đức tròn đầy vô tận, vô nguyện là đức của hai bộ mạn trà-la đầy đủ xưa nay của hành giả, nên gọi là vô sở nguyện cầu.
Qua những trích dẫn từ kinh luận Đại Tiểu thừa cho hành giả chúng ta nhận thức rằng ba định (tam tam-muội) về mặt hữu lậu tương đối thì chúng lệ thuộc và câu hữu vào lý nhân quả được gọi là tam tam-muội; nhưng đứng về mặt vô lậu tuyệt đối thì chúng lệ thuộc và câu hữu với duyên khởi được gọi là tam giải thoát môn, đó là ba định tùy thuộc vào đặc tính của căn cơ của hành giả mà nhận thức và thực hành. Và cũng tùy những pháp tùy duyên thuộc tính của từng đối tượng tu tập mà theo đó ba định cũng xứng hợp với chức năng để đối trị bệnh khổ phiền não của chúng sanh trong quán pháp của minh để đưa đến giải thoát hoàn toàn. Vì vậy vấn đề sắp xếp theo thứ tự trước sau cũng tùy thuộc vào căn cơ và nhận thức của hành giả mà có sự sắp xếp trước sau của ba quán pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện hay ngược lại cùng những tên gọi khác nhau nhưng cũng cùng đưa đến kết quả như nhau như các kinh luận đức Đạo sư đã dạy.
- Tag :
- HT Thích Đức Thắng