Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

1. Tinh Yếu Lâm Tế Lục Nhất Hạnh Viết

Sunday, October 10, 201000:00(View: 3943)
1. Tinh Yếu Lâm Tế Lục Nhất Hạnh Viết

Nhất Hạnh
TINH YẾU LÂM TẾ LỤC
BÌNH GIẢNG
Lá Bối 2006

Tinh Yếu Lâm Tế Lục
Nhất Hạnh viết

Trong Lâm Tế Lục, Tổ có nói rằng mục đích của Tổ là đánh phá, trị bệnh và cởi trói. Như vậy thì mục đích của Tổ không phải là đưa ra những tư tưởng uyên áo để chúng ta học hỏi, đàm luậnmắc kẹt vào đấy. Vì vậy nếu ta học Lâm Tế Lục với mục đích tìm cầu những tư tưởng uyên áo để đàm luận và để mắc kẹt vào chúng là ta đã đi ngược với ý của Tổ. Những giáo lý và những phương tiện thi thiết của người xưa (người xưa ở đây là Bụt và Tổ) sẽ trở thành những cái bẫy sập giam hãm ta, vì vậy ta hãy cẩn thận, hãy nhớ tất cả những thi thiết ấy, dù là tam thân, thập địa, thế giới hoa tạng hay Tịnh Độ..., trước hết đều là những giả danh (Tổ gọi là danh từ suông, văn cú, chữ nghĩa). Nếu ta mắc kẹt vào những thi thiết ấy, cho chúng là những thực tại khách quan có mặt ngoài ta, là ta đã bị sa vào bẫy sập.

Ta không nên đi tìm cầu Bụt, Tổ, Bồ Tát, tam thân, thập địa, thế giới hoa tạng, lầu các của Di Lặc ngoài ta. Ta phải chấm dứt mọi tìm cầu. Phải ngưng sự tìm cầu ngay và hãy trở về bản thân trong giây phút hiện tại. Bản thân trong giây phút hiện tại chứa đựng tất cả những gì ta muốn tìm cầu: pháp thân, bát nhã, giải thoát, Bụt, Tổ và các cõi nước trang nghiêm. Bản thân ở đây không hẳn là năm uẩn, vì năm uẩn vô thường có đó không đó. Nhưng bản thân cũng không phải là một cái gì có thể nhận thức ngoài năm uẩn, bởi vì nhờ có năm uẩn nương nhau mà ta nhận diện được bản thân ấy vốn là con người thật của chính ta. Con người thật ấy là chân tâm sáng chói có diệu dụng nhận diệntiếp xúc với mọi mầu nhiệm của sự sống: Tổ gọi đó là cái tinh minh sáng rỡ biểu hiện thành sáu đạo thần quang: khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tư duy. Năm uẩnvô thường nhưng bản tâm biểu hiện nhờ năm uẩncon người thật của ta thì không sinh, không diệt, không có, không không, vượt thoát mọi khái niệm. Đó là con người thật khôngvị trí (nghĩa là không thể được đồng nhất với một uẩn trong năm uẩn hoặc cả năm uẩn). Con người thật đó là Bụt. Bụt không phải là một thực thể có ngoài con người thật đó. Bụt và chúng sinh không phải là hai thực thể riêng biệt (Phật sinh vô nhị). Nếu không thấy được điều này, nếu khôngđức tin vững chãi nơi sự thật này, thì không bao giờ chấm dứt được sự tìm cầu, phóng thể, vẫn không dừng lại được để làm một con người vô sự, vẫn còn có khuynh hướng chán phàm yêu thánh, vẫn chưa có được hạnh phúc và an vui thật sự.

Người nào có khả năng vận dụng được cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang kia thì có thể ngay tại đây trong giờ phút này tiếp xúc được với thế giới hoa tạng, với tam thân, với hằng sa Bụt và Bồ tát, có thể ứng thân hiện vật, độ đời, giúp người, và thấy rằng tất cả những cảnh giới này cũng đều là những hình ảnh phản chiếu (quang ảnh) của cái tâm sáng chói và mầu nhiệm kia.
 Mẫu người lý tưởng trong đạo Bụt nguyên thỉ là vị La hán, mẫu người lý tưởng trong đạo Bụt đại thừa là vị Bồ tát, còn mẫu người lý tưởng trong thiền Lâm Tế là con người vô sự. Con người vô sự là con người không chạy theo nắm bắt bất cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Bụt, là Tổ, là Niết bàn, là tam thân, là Tịnh Độ. Con người vô sự là con người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết. Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh, cứu đời. Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Bụt và các Phật độ.

Bụt không phải là đối tượng tìm cầu của ta, đừng lấy Bụt làm mục tiêu lý tưởng của mình, đừng cho Bụt là một thực thể tồn tại ngoài ta. Hình ảnh của ta xây dựng trong đầu về Bụt không phải là Bụt. Bụt ấy có sinh, có trú, có hoại, có diệt, Bụt ấy không đáng là hình ảnh lý tưởng mà ta chạy theo. Bụt ấy là một bóng Ma, gọi là Ma Bụt, có thể hớp hồn ta, vì vậy gặp Ma Bụt ta phải chém đầu liền, gặp Ma Tổ cũng vậy, ta cũng phải chém đầu. Ta phải chém đầu tất cả các loài Ma, bởi vì tất cả những tạo dựng của trí óc, tất cả những thi thiết của cổ nhân chỉ có giá trị của thuốc hay trị bệnh, nếu ta xem những cái đó là những thực tại có thật biệt lập ngoài ta, không phải là những phương tiện chữa trị các căn bệnh si mê, tham ái, sân hận và tìm cầu của ta thì chúng trở thành chướng ngại, trở thành bẫy sập, vì vậy ta phải chặt đầu chúng mỗi khi chúng xuất hiện.

Con người thật, con người vô sự không bao giờ bị cảnh vật lôi kéo, vì vậy luôn luôn giữ được tự do. Cảnh giới Ma không lôi kéo ta được đã đành, cảnh giới Bụt cũng không lôi kéo ta được. Tại vì ta đã thấy rằng Ma và Bụt tương tức, Ma và Bụt bất nhị, đó là bệnh và thuốc có mặt một lần để trị nhau, để nương nhau. Con người vô sự vì thế thấy Ma cũng mỉm cười và thấy Bụt cũng mỉm cười. Con người vô sự có thể đánh dẹp được cả Ma và cả Bụt.

Tổ khuyên mọi người đừng ỷ lại vào kẻ khác, dù họ tự gọi là Bụt, là Tổ, là đại thiền sư, là thánh tăng, đừng đi tìm kiến giải nơi từ chương, nơi kinh điển, nơi văn cú, đừng kẹt vào các danh từ, đừng hy vọng tìm giải thoáttrí tuệ nơi sự học hỏi và nghiên tầm kinh điển. Tìm giải thoátgiác ngộ nơi sự nghiên tầm kinh điển cũng như hy vọng tìm được những giọt nước mát trong một bộ xương khô. Giáo điển chỉ là những bộ xương khô. Phải trở về giây phút hiện tại, vận dụng cái tâm sáng chói đang có mặt ngay tại đây thì mới có thể tiếp xúc được với giải thoátgiác ngộ, tiếp xúc được với Bụt và Tổ đang là những thực thể sống động nơi giây phút này.

Người tu đạo không cần phải dụng công mệt nhọc. Đừng đày đọa thân thểtâm trí bằng cách chạy đi tìm cầu. Trong tinh thần vô đắc ta phải thấy rằng ta đã là cái ta đang tìm cầu rồi, cũng như đợt sóng tự biết mình là nước, có thể ngưng ngay lại sự bôn ba đi tìm nước. Phương pháp thực tập là dừng lại, bởi vì giây phút hiện tại nào cũng là giây phút trở về ngôi nhà đích thực của chính ta, từ bước chân, hơi thở cho đến hành động ăn cơm, mặc áo, uống nước, đi cầu. Không cần đi đâu hết, không cần làm gì nữa. Cái mà ta đi tìm đã có sẵn ngay ở đây. Vì vậy ta có thể thực sự là một người vô sự. Nếu ta tiếp tục đày đọa thân tâm vì sự thực tập, vì sự tìm cầu, vì sự nghiên cứu, vì sự dụng công khổ nhọc của ta thì ta đi ngược với con người của Tổ và của Bụt, và ta cách xa với Tổ và Bụt như trời xa cách đất.

Con người vô sự là con người tự do, ở đâu cũng làm chủ được mình. Nếu ta có được cái thấy chân thật (kiến giải chân chính) thì ta không còn bị kẹt vào những tướng sinh, trú, dị, diệt của vạn pháp, kể cả những tướng sinh, trú, dị, diệt của Bụt Thích Ca, và vì vậy ta cũng không bị kẹt vào hóa thân Bụt. Dù sự vật quanh ta và chính bản thân năm uẩn của ta có đang đi ngang qua những tướng sinh, trú, dị, diệt ấy thì ta cũng không trở thành nạn nhân của sự buồn vui hay thương ghét. Ta không bị cảnh đoạt. Ta luôn luôn đứng vào vị trí chủ động, đứng vững trong chánh kiến của mình và không trở nên nạn nhân của hoàn cảnh, của kẻ khác, không than phiền rằng hoàn cảnh như thế đó, người ta như thế đó cho nên tôi đã phải như thế này. Ta chuyển được hoàn cảnhhoàn cảnh không thể chuyển được ta. Ta luôn luôn là con người thật của mình trong bốn động tác đi, đứng, nằm, ngồi. Ta không cần phải đóng kịch, dù là đóng vai giải thoát, đóng vai giác ngộ, đóng vai đại thiền sư. Cái này gọi là ‘tùy xứ tác chủ, lập xứ đắc chân’. Con người thật có nghĩa như thế.

Vì ta có khả năng sống với con người thật của ta cho nên ta không cần phải làm dáng làm điệu. Ta đâu có cần phải chứng tỏ mình là giải thoát, là giác ngộ. Ta có thể sống một cuộc sống bình thường, ta chỉ cần làm một con người bình thường. Con người bình thường này là con người vô sự, có giá trị cao hơn cả những vị Bồ tát tự xưng là đang đi trên con đường viên đốn, đang đi ngang qua mười địa, đang đi vào Tịnh Độ, tại vì các vị này vẫn còn mang theo tâm niệm yêu thánh, ghét phàm, vẫn còn cái nhìn nhị nguyên, vẫn còn đi tìm cầu, chưa dừng lại được. Con người vô sự mới đích thực là con người đáng được chư thiên ca tụng, được địa thần nâng gót, được chư Bụt muôn phương xưng tán. Tại vì con người vô sự là con người hoàn toàn tự do, vô tướng, không làm dáng làm điệu, không cần để lại vết tích gì.

 Con người vô sự này chính là Bụt, là Tổ đích thực. Ngay trong giờ phút này, con người (vô sự) ấy đang ở trên quê hương của mình, không cần đi tìm cầu gì nữa. Ngay trong giờ phút này, con người ấy có thể ứng thân hiện vật, thể hiện thần thông, tiếp xúc với chư Bụt mười phương, rong chơi nơi mọi cõi nước, và dù năm uẩn của người ấy vẫn còn là năm uẩn có sinh có diệt, người ấy vẫn có thể ngay trong giờ phút hiện tại, biểu diễn được phép thần thông là đi an lạc ngay trên mặt đất (địa hành thần thông). Người ấy không cần đi đâu hết, không cần phải ra khỏi tam giới. Tam giới đối với người ấy chỉ là quang ảnh. Người ấy có tự do cho nên người ấy thảnh thơi ngay tại nơi này. Những yếu tố của tam giới là dục, sắc và vô sắc không động được người ấy.

Tổ Lâm Tế rất có ý thức là những lời nói của Tổ chỉ là những phương tiện đánh phá, cởi trói và trị bệnh nên Tổ không muốn chúng ta xem những lời nói ấy là khuôn vàng thước ngọc để học hỏi và tôn thờ. Tổ dạy rằng những lời Tổ nói chỉ là những bức vẽ được thực hiện trong hư không, chúng ta đừng bị kẹt vào chúng. Tổ dạy: Để độ đời, có khi ta phải mặc đủ thứ áo - áo thanh tịnh, áo giải thoát, áo giới luật, áo vô phân biệt... Thấy những chiếc áo ấy người ta phát sinh kiến giải rồi bị mắc kẹt vào những kiến giải ấy. Vì vậy có khi ta phải cởi hết áo ra, để cho người ta thấy được con người. Con người có thể mặc áo. Nhưng con người không phải là áo. Chỉ khi nào thấy được con người, ta mới tiếp xúc được với con người, và với con người trong ta, và chỉ lúc ấy ta mới buông bỏ được tất cả những gông cùm ta từng mang lấy xưa nay, những gông cùm do cổ nhân (Bụt, Tổ) thi thiết và đem tới. Thấy được con người thật, họ mới đạt được quả vị vô sự.

Không nên đi tìm Văn Thù trên Ngũ Đài Sơn, không nên đi tìm Quan Âm ngoài biển Nam Hải, không nên đi tìm Phổ HiềnNga Mi Sơn. Các vị làm gì có mặt trên đó. Các vị đang có mặt tại đây, trong giờ phút này trước mặt chúng ta, trong tâm chúng ta. Phải tiếp xúc với các vị ngay trong giờ phút này. Nếu thất bại thì sẽ thất bại mãi mãi trong tương lai, tại vì Văn Thù, Phổ HiềnQuan Âm không có trong tương lai và không thể tiếp xúc được trong tương lai. Ta là kẻ đại trượng phu, tại sao ta phải đi tìm Văn Thù, Phổ HiềnQuan Âm ngoài ta. Ta chính là Văn Thù, Phổ HiềnQuan Âm ngay tại đây, trong giây phút hiện tại.

Từ bỏ sự tìm kiếm bên ngoài không phải là để bắt đầu một sự tìm kiếm bên trong. Cái mà ta tìm cầu bên ngoài đã không có thì bên trong làm gì có! Trong và ngoài chỉ là hai ý niệm. Động cũng không phải là nó mà tĩnh cũng không phải là nó. Đừng tưởng tĩnh là cửa ngỏ và bức màn vén cho ta thấy sự thật. Sự thật vượt ra ngoài động và tĩnh, vượt ra khỏi trong và ngoài. Công án cũng như mặc chiếu đều là sự tìm cầu, không thể đưa ta tới trạng thái vô sự.

Để độ người, ta có thể hoặc đoạt cảnh, hoặc đoạt nhân, hoặc đoạt cả cảnh và nhân, hoặc không cần đoạt cái gì hết. Đoạt cảnh là giúp cho người ta chấm dứt sự tìm cầu bên ngoài. Con chó có Phật tính không? Đại ý của Phật pháp là gì? Chủ ý của Tổ Đạt Ma là gì? Tất cả những cái ấy đều là bẫy sập. Tìm hiểu tất cả những cái đó không có ích lợi gì cho sự thực hiện tùy xứ tác chủ, lập xứ đắc chân cả. Phải đoạt tất cả những cảnh đó. Nếu cần thì đánh. Nếu cần thì hét. Nhưng học nhân có thể trở vềmắc kẹt vào chủ thể nhận thức, nghĩ rằng mình đã thoát được đối tượng nhận thức. Nhưng chủ thể làm gì có, nếu đối tượng không có? Cho nên đoạt cảnh xong cũng phải đoạt người. Đoạt cảnh mà giúp người ta đừng kẹt vào người thì hay rồi, nhưng nếu người ấy còn kẹt vào nội hướng, vào chủ thể thì phải đoạt luôn. Có khi đoạt người có thể giúp kẻ kia thoát luôn cả cảnh cùng một lúc. Đó là những phương tiện đánh phá, cởi trói, trị bệnh, có gì là thần kỳ bí hiểm?

Kiến giải chân chính không phải là kết quả của công phu nghiên tầm học hỏi. Kiến giải chân chính là cái thấy sâu sắc về tính không sinh không diệt, không người không ta, không có không không của vạn pháp. Thấy được là thấy ngay, không thấy được thì có nói qua nói lại nhiều lần cũng vô ích. Cho nên đệ nhất cú, câu khai thị đầu, là cơ hội duy nhất. Đánh mất cơ hội này thì đánh mất hết. Đệ nhị cú là sự vớt vát. Đệ nhị cú chỉ là sự an ủi. Đệ tam cú là sự thất bại hoàn toàn. Tứ liệu giản không có gì bí hiểm thì tam huyền, tam yếu cũng như tiếng hét và cây gậy, cũng không có gì là bí hiểm. Trong quá trình học hỏitu chứng, công phu tham vấn được dựa trên nguyên tắc chủ và khách. Chủ đáng lý là phải độ được khách. Chủ là người thiện tri thức và khách là người đến tham vấn. Có khi khách giúp được chủ. Có khi khách giúp được khách. Có khi chủ giúp được khách. Có khi chủ giúp được chủ. Có khi chủ và khách đều giúp được nhau. Có khi chủ và khách làm hại cho nhau. Đó là những trường hợp ta có thể nhận diện nếu ta có được trực giác của chánh kiến. Cũng không có gì là bí hiểm trong tứ tân chủ.

Tuệ giác không phải là kiến thức khái niệm. Tuệ giác có khả năng mang tới sống độngtự do trong giây phút hiện tại. Kiến thức không làm được việc ấy. Vì vậy cho nên không hiểu thì bị đòn đã đành mà hiểu cũng bị đòn như thường, nếu ‘hiểu’ chỉ là kiến thức suông mà không phải tuệ giác. Nếu thấy được điều này, ta có thể cảm thông được với những gì đang xảy ra trong các cuộc đối diện: Ta không nên cố tìm trong các mẩu đối thoại và hành xử (khám biện) ấy những tư tưởng đặc thù hoặc những ý chỉ sâu sắc. Những gì ta thấy đang xảy ra giữa các đương sự là cơ hội của họ. Nếu đứng ngoài mà quán sát ta sẽ không thấy được gì. Nếu ta bước vào trong, đem hết sự sống của ta ra tham dự thì ta có thể có một cơ hội để tuệ giác bừng mở. Nếu bước vào trong mà ta không cảm được một cái gì hết, thì có nghĩa là trường hợp đó không phải là trường hợp của ta, thế thôi. Cũng như khi ta đứng ngắm một bức tranh siêu thực, ta đừng cố tìm hiểu nghĩa lý. Ta đừng nói là ‘ta không hiểu’. Hiểu hay không hiểu ta cũng lãnh ba mươi gậy như thường. Tổ không có ý muốn khuyên ta chấm dứt sự học hỏithực tập giới, định và tuệ. Tổ chỉ muốn ta đừng mắc kẹt vào sự học hỏithực tập mà thôi. Học hỏi để trở thành học giả, tam tạng pháp sư, thuyết giảng thao thao bất tuyệt, Tổ không cần cái đó. Cái đó Tổ gọi là nghiệp địa ngục. Bản chất của nó là sự tìm cầu, không hẳn là sự tìm giải thoát mà là sự tìm cầu danh lợi. Ta cần học hỏi, ta cần hành trì, nhưng sự học hỏihành trì ấy phải có tác dụng giúp ta trở thành con người vô sự, con người giải thoát. Bằng không, những học hỏi và những thực tập đó chỉ là gông cùm.

Con người vô sự là con người tùy xứ tác chủ nên không phải là con người thụ động. Trái lại, người ấy luôn luôn đứng về phía chủ động. Ta không thể nào nói rằng: nếu người tu đạo không theo đuổi một chí hướng, không thao thức thực hiện một lý tưởng, không có mục đích theo đuổi, thì ai sẽ là người tế độ chúng sinh, cứu vớt những loài đang chìm đắm trong biển khổ? Bụt là một người vô sự, không tìm kiếm một cái gì. Nhưng Bụt là một người hoạt động độ sinh không ngừng nghỉ. Con người vô sự tuy rất tích cực trong việc giúp đời độ người, nhưng không bao giờ bị kéo theo hoàn cảnh và công việc, không bao giờ đánh mất mình trong mong cầu, trong dự án, trong công việc. Con người vô sự luôn luôn còn là mình, còn tự do, không bao giờ bị ‘burnt out’ (hết xí quách), cho nên con người vô sự còn mãi thong dong. Tổ khuyên chúng ta: đừng chạy theo danh lợi, đừng chạy theo sự nghiệp, đừng bỏ thì giờ mua vui, đừng ham xây cất chùa lớn, đừng vận động làm tăng thống, đừng cố thi đậu bằng tiến sĩ, đừng mong cầu chức vụ đại thiền sư. Chỉ cần mỗi ngày một bát cơm, một manh áo, một chiếc giường nhỏ. Để thì giờ để sống thật với mình, để trở thành một con người vô sự, giải thoát thật sự. Tất cả những công phu học hỏitu tập đều phải giúp cho mình trở nên thong dong, đem lại hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Nếu không làm được như vậy, thì tất cả đều chỉ là gông cùm. Con người thật của ta, vô vị chân nhân, cũng như con người thật của Bụt, đang có mặt đích thật trong giờ phút hiện tại. Hãy trở về vận dụng cái tâm sáng chói với sáu đạo thần quang để nhận diện nó. Nó không phải là sáu trần đang mang tính thành, trú, hoại, không. Nó không phải là một vật, vì vậy gọi nó là một vật thì không đúng. Nhưng nó đang có mặt kia, và ta chỉ cần nhận diện nó.

 

 

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant