Đừng Bao Giờ Tuyệt Vọng
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Một kiếp người có bao lâu, hơi đâu mà giận với hờn để rồi đánh mất chính mình và chịu chết chìm trong đau khổ. Cuối con đường cùng là cảnh cửa giải thoát sẽ dang tay đón nhận chúng ta. Đã làm người trong thiên hạ, ai không một lần thất bại, nếu ta ngồi yên hay đứng lại một chỗ thì không bao giờ vấp ngã. Càng bước đi, càng dễ dàng vấp ngã, nhưng nó không làm chết đi những con người tài đức, mà chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, lập trường cho người có đức hạnh và tài ba. Ngược lại nó, sẽ quật ngã những kẻ mềm lòng, yếu đuối, bạc nhược, dễ duôi, không có khả năng kiên nhẫn, chịu đựng, để rồi rơi vào hố sâu của đam mê tội lỗi.
Khi con người rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực, không còn phương hướng, không còn lối thoát trong cuộc sống, người đó tự giết mình để chạy trốn cuộc đời. Nhiều người nhìn đời với con mắt bi quan, cho rằng đời là bể khổ. Cuộc đời vốn vẫn đẹp như những vì sao lấp lánh. Bản chất cuộc đời không có tốt xấu, tùy theo suy nghĩ và nhận thức của mỗi người mà cuộc đời trở nên thiên đường hạnh phúc hay địa ngục trần gian. Tại sao ta cô đơn, tại sao ta tuyệt vọng? Ai đưa đẩy ta vào chỗ đó? Thượng đế ư. Thần linh ư. Vua quan ư. Gia đình ư. Bạn bè ư. Xã hội ư. Chỉ có ta làm cho ta tuyệt vọng, không ai ngoài chính bản thân mình.
Người tuyệt vọng là người hết còn hy vọng trong hiện tại và tương lai nữa. Trước mắt họ chỉ thấy một bầu trời đen tối, họ không có đủ niềm tin và nghị lực, để khai mở con người tâm linh của mình. Nên họ cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ giữa dòng đời vô tận. Mặc dầu đang sống chung với người thân, với gia đình, với bè bạn, với xã hội, nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn hụt hẫng trước một sự thật quá phũ phàng, trước một sự thật quá đau thương buồn tủi. Bởi vì họ không còn chỗ bám víu, không còn nơi nương tựa, họ cảm thấy lạc loài cô đơn, như người đã từng giàu có bây giờ trắng tay sạch sành sanh. Mọi cái mọi thứ trên đời giờ đã hết, một sự thật không thể chối cãi được, trong khi mọi cái đều thay đổi quá nhanh như vậy, ta cảm thấy chới với bơ vơ như không còn chỗ đứng, nên cam đành chịu khổ đau, trong tuyệt vọng.
Nghịch cảnh hay chướng duyên, không phải là tảng đá lớn ngăn cản bước đi của chúng ta. Nó chỉ là thềm đá rộng, để giúp cho bước chân chúng ta đi đều và vững vàng hơn, trong cuộc hành trình trở về với chính mình.
Giống như cục đất sét, khi chưa được nhào nặn để đưa vào lò nung đúng độ, gặp trời mưa chúng sẽ rã ra, không còn xài vào việc gì được nữa, thậm chí còn làm tổn hại đến cho nhiều người khác. Ngược lại! Cục đất sét kia, sau khi đã được con người nhào nặn và tôi luyện đúng độ trong lò nung, dễ trở thành một bình trà xinh xắn, cuối cùng đã giúp cho con người có cơ hội thưởng thức những tách trà thơm ngon.
Để minh họa và động viên mọi người biết cách vươn lên vượt qua thất bại khi vấp ngã, chúng ta cùng nghe một câu chuyện như sau:
Có một vị thương gia sau nhiều năm lập nghiệp kiếm được rất nhiều tiền và đã thành công. Tuy nhiên, trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khiến anh ta bị phá sản, nợ nần chồng chất. Cuối cùng không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông định kết liễu cuộc đời. Nửa đêm anh lần mò ra bờ sông, chợt nhìn thấy một người thiếu nữ xinh đẹp đang ngồi than khóc thảm thương, động lòng hiếu kỳ anh đến hỏi cô gái:
Có chuyện gì mà đêm khuya thanh vắng cô ngồi khóc một mình ở đây? Cô gái buồn bã nói trong nghẹn ngào uất ức: Em bị người yêu bạc đãi, nên không còn muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy em không thể nào sống nổi. Vị thương gia vừa nghe xong liền lập tức dùng lời khuyên nhủ, trước khi quen bạn trai em vẫn bình thường sống một mình mà! Cô gái vừa nghe xong liền thức tỉnh và cám ơn chàng thương gia rối rít, sau đó bỏ ngay ý định tự tử. Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia: còn anh sao nửa đêm ra đây để làm gì? Vị thương gia hổ thẹn quá, đành nói dối chỉ dạo mát ngắm trăng nhìn dòng sông thơ mộng.
Chàng thương gia và cô gái cả hai đều đánh mất chính mình, nên trong cuộc mưu sinh phải chịu vật vã trong khổ đau, thậm chí hết đường cùng đành chọn giải pháp quyên sinh khi mất mát xảy ra, xét cho cùng cũng chỉ thiệt cho mình mà thôi. Vì trước khi mất mát, chúng ta đâu có gì?
Con người do bám víu vào sắc thân này mà cho là thật ta, nên làm cái gì cũng để đáp ứng nhu cầu cho thân. Chúng ta ai sinh ra đời cũng với hai bàn tay trắng, vậy mà khi lớn lên sự chấp ngã ngày càng nhiều hơn nên si mê, sân giận, tham lam chiếm đoạt giành lấy về phần mình làm khổ đau cho nhiều người khác. Chính vì thế, Phật dạy từ con người cho đến muôn loài vật đều chịu sự chi phối của vô thường, thay đổi vốn là bản chất của cuộc đời này để chúng ta bớt làm tổn hại nhân loại.
Send comment