Những Sợi Dây Trói Buộc
I. DẪN NHẬP
Tu tập hằng ngày chúng ta thường được các vị Thầy hướng dẫn, nhắc nhở nếu muốn giác ngộ, thoát khổ, bài học đầu tiên là phải tu tập loại bỏ những nguyên nhân đưa đến phiền não, khổ đau. Các nguyên nhân đó chính là những sợi dây trói buộc chúng sinh vào vòng sinh tử luân hồi. Trong Tứ Diệu Đế, chúng là Tập đế, còn gọi là Lậu hoặc, Kiết sử, Tùy miên. Lậu hoặc được hiểu là những chủng tửác xấu tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… chúng ngủ ngầm trong tiềm thức của chúng sanh nên gọi là Tùy miên. Còn Kiết Sử là gì?
Kiết hay Kết là sự kết nối, trói buộc. Sử là ra lệnh, sai khiến. Như vậy Kiết sử là những sợi dây trói buộc, sai khiến chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Nó sai xử chúng sanh làm việc này việc nọ, thiện có, ác có… tạo đủ thứ nghiệp, khiến chúng sanh phải chịu luân hồi sanh tử hết đời này sang đời khác để trả nghiệp quả đã gieo.
Giáo pháp của đức Phật chỉ bày chúng ta phải lôi chúng ra nhận diện từng sợi dây trói buộc, để khi chúng xuất hiện chúng ta nhận rõ mặt mũi của chúng như thế nào hầu dễ bề tu tập loại trừ chúng. Kiết sử thì có rất nhiều nhưng tựu trung có mười sợi dây trói buộc, được chia làm hai loại: Năm Độn Sử và Năm Lợi Sử.
II. ĐỘN SỬ GỒM NHỮNG GÌ ?
Độn sử là loại dây trói buộc căn bản, người nào cũng có. Nó sai khiến con người tạo ra những hành vi lầm lỗi gây phiền não cho chính mình và những người xung quanh. Loại này có năm thứ gồm: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi. Gọi là năm độn sử vì năm món này là năm triền cái, là năm đám mây đen, ngăn che ánh sáng trí tuệ, khiến con người không thể đi đến giác ngộ được nên gọi là “độn sử” .
1) THAM DỤC, KHÁT ÁI: Tham dục khát ái là lòng ham muốn không bao giờ đủ. Ham muốn cái gì? Đó là sự ham thích hưởng thụ mọi thứ do giác quan mang đến. Ở đời thiên hạ xem sự hưởng thụ là quyền tự do của mỗi người. Chẳng hạn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý… muốn nhìn, muốn nghe, muốn ăn, muốn ngửi, muốn được vuốt ve, muốn được xoa nắn, muốn đi đâu, hay muốn phóng tâm suy nghĩ điều gì… đều được tự do hành động và hưởng thụ. Sự tự do hưởng thụ các dục lạc từ sáu căn đem lại, đối với họ, đó chính là hạnh phúc. Có điều, họ không nhận thức được rằng hạnh phúc và đau khổ chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Cũng giống như vậy, đối nghịch của sự tự do là sự trói buộc. Tự do hưởng thụ những gì mang đến sự hài lòng thích thú, để rồi sau đó bị trói buộcvào những bất mãn khó chịu. Tại sao vậy? Bởi vì tất cả các pháp hữu vi trên đời đều vô thường vô ngã. Không có cái gì ở mãi với mình cho dù đó là niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau.
Một người tỉnh thức học Phật thì cho rằng những dục lạc, khoái cảm đó chỉ là những trói buộc phiền não cho bản thân. Họ tu tập thiền Định để vượt qua những dục lạc giác quan đó. Khi chứng thiền, được giải thoát khỏi sự trói buộc bởi những khoái cảm của giác quan, nhưng họ lại dính mắc với hỷ lạc do việc thực hành thiền mang đến.
Cả hai loại cảm thọ ham thích do giác quan đem lại, hay sự an lạc do thiền Định đem đến, đều là sợi dây Tham trói buộc con người trong vòng luân hồi sanh tử.
2) SÂN: Nhẹ nhàng là sự bất bình, bất mãn, không vừa lòng. Nặng nề hơn là nóng nảy, sân hận, giận dữ, thù oán gây phiền não cho chính mình và não hại cho người đối diện. Khi giác quan tiếp xúc đối tượng thường xảy ra một trong ba cảm thọ thích hay ghét, hoặc trung tính không ưa cũng không ghét. Nhưng nhìn chung nếu ở đâu có thích thì ở đó có ghét. Trong thực tế con ngườithường sống trong ưa thích và chán ghét.
Thí dụ: Chúng ta thích sống trong nhà cao cửa rộng, nệm ấm chăn êm, ăn ngon mặc đẹp. Như vậy, chứng tỏ chúng ta ghét cuộc sống nghèo khổ, không nhà không cửa, không thích những món ăn dở và không thích vận những bộ quần áo xấu cũ. Muốn sở hữu những thứ chúng ta thích, thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải đi làm. Như vậy việc đi làm là do chúng ta thích có nhiều tiền. Thích có nhiều tiền đồng nghĩa với sự chán ghét không có đồng xu dính túi v. v…
Như vậy, có phải hằng ngày, chúng ta sống và làm việc để phục vụ cái thích và cái không thích của bản ngã hay không? Thích là muốn chiếm đoạt nên căn bản nó là tham. Ghét là không ưa, là dứt bỏ, nên nền tảng của nó chính là sân. Tham với sân là hai sợi dây trói buộc đưa chúng sanh vào vòng sinh tử luân hồi.
3) SI: Là tối tăm, mê mờ, là vô minh, không thấy được ánh sáng Giác ngộ. Do tâm trí mê mờ, tối tăm, nên không thông suốt được bốn sự thật về Khổ. Đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, gọi chung là Tứ Diệu Đế. Không hiểu về Lý Duyên Khởi Pháp Duyên Sinh, không biết nguyên lý Nhân Quả v. v… nên chìm đắm trong luân hồi sanh tử triền miên.
4) Mạn: Mạn là tự hào cho mình hơn người gọi là tự tôn, hoặc thấy mình thua kém mọi người nên có mặc cảm tự ty. Tự tôn hay tự ty đều là Mạn. Để hình thành Kiết sử, trong Phật giáo có 7 loại Mạn gọi là “thất chủng Mạn” gồm: Mạn, Ngã Mạn, Quá mạn, Thượng mạn, Tăng thượng mạn, Liệt Mạn, Ty Liệt mạn.
Nói đến Mạn là nói đến cái Ta. Cái Ta ngạo mạn, hống hách, kiêu căng, tự phụ gọi là Ngã mạn. Thượng mạn là tự xem mình như cái rún của vũ trụ, cái gì cũng biết. Tăng thượng mạn là coi Trời bằng cái vun, tự cho mình giỏi nhứt thiên hạ. Phía dưới Mạn là Liệt mạn. Người Liệt mạn tự cho mình không ra gì hết. Thấp hơn Liệt mạn là Ty liệt mạn. Ty liệt mạn tệ hơn cả Liệt mạn, tự xem mình là người thiếu trí, ngu đần, hèn hạ, thấp kém đến tận cùng con số không.
Những loại Mạn nêu trên là sợi dây trói buộc cần phải diệt trừ bằng cách không bao giờ khởi lên cái Ngã, cái Ta. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, đức Phật dạy: Khi có ý nghĩ khởi sanh thì thấy biết là ý nghĩđang khởi sanh, không có tôi suy nghĩ. Khi có một niệm sân khởi, biết là có niệm sân khởi, không phải tôi sân. Đừng bao giờ gán cái Ngã, cái Tôi vào. Thường quan sát tâm liên tục như vậy, sau một thời gian, cái Tôi, cái Ngã sẽ vắng lặng… thì trừ được Ngã mạn.
5) NGHI NGỜ: Nghi ngờ là không tin tưởng, là ngờ vực, phân vân, lưỡng lự, không quyết định dứt khoát một điều gì. Đối với người tu Phật, có ba loại nghi ngờ cần giải quyết, đó là:
1) Nghi mình: Nghi ngờ bản thân mình không thể giác ngộ.
2) Nghi người: Nghi bậc Đạo sư tức đức Thế Tôn, hay hiện tại là vị Thầy hướng dẫn mình không thể dạy đạo Giác ngộ.
3) Nghi pháp: Trong lộ trình tu tập, nghi ngờ pháp môn mình đang thọ trì, không biết có thực sự đưa đến an lạc, giác ngộ hay không? Hoặc nghi ngờ thuyết nhân quả, thắc mắc tại sao trên thế gian này có nhiều người làm ác mà vẫn sống giàu sang sung túc. Còn những người hay làm việc thiện giúp người, lại gặp nhiều chướng ngại xui xẻo trong đời sống.
Giáo lý nhà Phật không cấm nghi ngờ. Trên con đường tu tập, khi chưa thấu hiểu một vấn đề gì thì có quyền nghi ngờ, có quyền thắc mắc. Nhưng cần phải giải quyết những nghi ngờ những thắc mắc đó, bằng cách học hỏi, tìm hiểu rõ ràng.
Thí dụ như để xóa tan lòng nghi ngờ về Nhân quả. Người học Phật phải hiểu rõ nhân quả diễn tiếnba đời. Đời trước mình làm nhiều việc bất thiện thì đời này đương nhiên mình gặt quả xấu. Đời hiện tại tuy hưởng quả xấu, mà mình làm nhiều điều phước thiện thì đời sau mình hưởng nhiều phước báo. Hiện tại đôi khi mình làm việc lành tốt mà cứ hưởng quả đắng. Đó là quả của quá khứ. Hiểu rõnhân quả diễn tiến ba đời như vậy, sẽ không còn nghi ngờ nữa.
Tóm lại, Nghi ngờ là sợi dây trói buộc thứ năm khiến hành giả phân vân, giải đãi, buông lung, không biết đi hướng nào trên con đường tu tập tâm linh.
III. LỢI SỬ GỒM NHỮNG GÌ?
Lợi sử là sự trói buộc thuộc về Nhận thức. Có năm loại lợi sử là Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ kiến và Tà kiến. Năm lợi sử này còn gọi là “ngũ kiến” hay “ác kiến”. Gọi “ác kiến” vì cái thấy biết đi ngược với tinh thần Giác ngộ.
1) THÂN KIẾN: Hiểu biết sai lầm về thân, nhận lầm ngũ uẩn là ta, của ta, tự ngã của ta. Người chấp thủ thân kiến là người mê luyến tấm thân của mình và ra sức cung phụng nó về mọi mặt. Người nào mà ái luyến xác thân, cung phụng xác thân thái quá, thì rơi vào sợi dây trói buộc Thân kiến.
Người tu học Phật, nuôi dưỡng cái thân bình thường như bao nhiêu người khác. Nhưng người đó hiểu rõ tấm thân của họ chỉ là giả hợp, chỉ là đất, nước, gió, lửa. Nói cách khác tấm thân này là sự kết hợp của ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ngũ uẩn không phải là ta, của ta, tự ngã của ta, nên ta không thể bảo thân đừng đau khi nó đau. Khi thân già, ta không thể bảo thân đừng già được. Ta không làm chủ được cái thân vì nó chỉ giả hợp, vô thường, vô ngã. Tóm lại thân tâm chỉ là sự diễn tiến của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nó diễn tiến tạo nên đời sống của chúng ta. Người nào thấy được như vậy thì cắt đứt được sợi dây trói buộc về Thân kiến.
2) BIÊN KIẾN: Đây là cái thấy chấp nghiêng hẳn về một bên. Thí dụ: Chấp thế gian này là thường hằng, hay Vô thường đều là biên kiến.
3) KIẾN THỦ KIẾN: Kiến là kiến thức, là quan điểm. Thủ là nắm giữ, cố chấp. Vậy Kiến thủ là cố chấp vào nhận thức, quan điểm của mình. Cho rằng cái thấy cái biết của mình là đúng, của người khác là sai. Vì cố chấp nên cánh cửa học hỏi bị ngăn chận, không có cơ hội mở mang dù là kiến thức thế gian hay kiến thức Phật học.
4) GIỚI CẤM THỦ KIẾN: Thứ nhất ám chỉ sự tuân thủ những nghi lễ cúng tế mang tính cách mê tín dị đoan, chẳng hạn như giết trâu, bò, heo, gà, vịt… để tạ ơn thần linh, hoặc đốt giấy tiền, vàng bạc, xe hơi, nhà lầu làm bằng giấy… cho người quá cố xử dụng bên kia thế giới v. v… Tuân thủ theo giới luật hay theo truyền thống này không đưa đến giác ngộ giải thoát. Cho nên bản thân nó là Giới cấm thủ.
Trong đạo Phật, giữ Giới là điều quan trọng. Giới giúp cho hành giả sống một đời sống đạo đứckhông phạm những lỗi lầm gieo nhân xấu. Là người cư sĩ hay tu sĩ đã thọ giới và kiên quyết giữ giới, thì đây không phải là Giới cấm thủ.
Giữ giới mà thiếu trí tuệ, không uyển chuyển, thành ra cứng ngắc, thậm chí gây trở ngại trong việc tu mới là Giới cấm thủ. Thọ giới giữ giới mà ngã mạn tự hào xem thường người khác không giữ giới bằng mình thì đó là Giới cấm thủ. Nói cách khác một người cố giữ giới và hãnh diện rằng mình trong sạch hơn người khác nhờ giữ giới, giữ giới theo cách này chỉ tô bồi thêm bản ngã nên bản thân nó là Giới cấm thủ…
Sau cùng, muốn hoàn toàn giải thoát, tâm không thể vướng mắc vào bất cứ thứ gì, ngay cả việc lo giữ giới cũng phải buông, vì giới chỉ là các điều luật do đức Phật chế định giúp cho những người sơ tu khép mình vào đời sống đạo, nên thực tế nó vẫn còn là tục đế. Có câu “Không giữ giới mà không phạm giới thì đó mới thực là giữ giới” hoặc “tu mà không tu mới thật là tu” ám chỉ những bậc Thánh thành tựu cứu cánh, thì buông phương tiện không còn dính mắc nữa!
5) TÀ KIẾN: Là cái thấy biết sai lệch, không hợp với chân lý Giác ngộ. Trong kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh nói có tới 62 tà kiến ở Ấn Độ, nhưng gom lại có hai là: Thường kiến và Đoạn kiến
5-1: THƯỜNG KIẾN: Thường kiến có ba loại.
- Thứ nhất: Tin có một thần linh tối thượng nào đó, có khả năng ban phước giáng họa cho chúng ta, cho nên mình phải luôn làm những chuyện phù hợp với lời dạy của vị thần linh đó. Theo đạo Phật thì chúng sanh là chủ nhân của nghiệp và thừa tự nghiệp do mình gây ra. Mình làm cái gì thì hưởng cái đó. Tạo nhân tốt thì hưởng quả tốt, nhân xấu thì hưởng quả xấu. Nhân có tốt, có xấu, thì cho quả có tốt, có xấu.
- Thứ hai: Tin vào một cái tôi thường hằng bất biến, tức tin con người có một linh hồn vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi.
- Thứ ba: Cho rằng có một nơi nào đó đưa đến an lạc hạnh phúc chấm dứt hoàn toàn đau khổ mà không cần thực hành theo Bát chánh đạo.
5.2: ĐOẠN KIẾN: Gồm có 3: Vô nhân kiến, Vô hành kiến, Vô hữu kiến.
- Vô nhân kiến: Người Vô nhân kiến là người không tin vào nhân quả. Họ cho rằng tất cả mọi chuyện xảy ra trên đời ngẫu nhiên mà có.
- Vô hành kiến: Người ta làm việc thiện hay ác không có gì khác biệt, đó chỉ là hành động thôi. Cho nên họ tha hồ sống và làm theo ý thích.
- Vô hữu kiến: Không tin có luân hồi sanh tử. Chết là hết.
Tóm lại người theo quan niệm “Thường kiến” tin có linh hồn trường cửu. Ví dụ: Người chết vẫn tiếp tục được làm người, vật chết vẫn làm vật. Hoặc sau khi chết được lên thiên đường hoặc xuống địa ngục tùy theo sự ban thưởng của thần linh…. Còn nhóm người theo “Đoạn kiến”, cho rằng chết là chấm dứt, là mất hẳn. Nếu là người sống tử tế thì không nói gì, còn như có những kẻ xấu, họ muốn làm gì thì làm, có khi sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, tham lam, sân hận, tà kiến, mê tín dị đoan v. v… mà không hề sợ hãi nhân quả sẽ đến với mình… Đối với đạo Phật thì Thường kiến hay Đoạn kiến đều là Tà kiến.
IV. KẾT LUẬN
Khi hiểu rõ ý nghĩa của từng sợi dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử, mà phần lớn bị đọa vào ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thử hỏi có ai không sợ? Để thoát khỏi vòng trầm luân sanh tử khổ đau đó, chúng ta cần phải tu tập để loại trừ mười Kiết sử nêu trên. Trước hết chúng ta phải nhận diện những sợi dây trói buộc ấy sinh khởi và tồn tại trên thân tâm mình như thế nào? Nhận diện bằng cách thường tu tập “quay về nhìn lại tâm mình từng mỗi sát-na tỉnh thức”, tức là hằng ngày chúng ta tu tập sống trong chánh niệm. Có chánh niệm tỉnh thức, ta mới có cơ hội nhìn thấy được những gì xảy ra trong tâm. Như ham thích, buồn bực, bất bình, hay dửng dưng, bình thản… khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Siêng năng hành trì thiền Tuệ (Vipassana) thấy được sự sinh diệt vô thường, vô ngã, của từng sợi dây Kiết sử, dần dần tâm sẽ không còn dính mắc với nó nữa. Đến một lúc, Sân là Sân, Ta là Ta, Sân không phải là Ta, như vậy sợi dây trói buộc Sân đã bị triệt tiêu. Những Kiết sử khác cũng đều như thế!
Xem ra, toàn bộ những gì đức Phật giảng dạy chúng đệ tử, chung quy chỉ là một chữ buông. Tu “Hạnh buông xả” (upekkha), buông hết những thói quen trói buộc, hành giả sẽ kinh nghiệm trạng thái: vô tham, vô sân, vô si, vô mạn, vô nghi…
Ngoài ra, học và hành theo chân lý Phật dạy, tâm trí được mở mang, thoát ra khỏi màn vô minh tà kiến. Khi đó, chúng ta không còn chấp thủ bất cứ vấn đề gì trên thế gian này, ngay cả tấm thân ngũ uẩn đây cũng không phải là Ta, của Ta, tự ngã của Ta… thì lấy ai khổ đau phiền não. Không có cái Ta trong ngũ uẩn, thì những sợi dây trói buộc cũng không có chỗ bám vào nên phải tan biến thôi!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Chân Tâm Thiền đường, November 02-2023)
- Tag :
- Thích Nữ Hằng Như