Đỗ Hồng Ngọc
Tôi không biết. Nhưng tôi biết có kiếp trước. Làm sao biết? Bởi vì nếu không có kiếp trước, làm sao có tôi ở kiếp này? Chắc chắn phải có kiếp trước mới có kiếp này của tôi chứ. Còn có kiếp sau hay không. Tôi không biết. Vậy tôi ở kiếp trước và tôi kiếp này có giống nhau không? Tôi không chắc sẽ giống, có chăng, giống một chút do cái nghiệp tôi mang theo. Nghiệp là cái tôi “thừa tự” mà, tôi phải mang theo chứ. Nhưng tôi chắc, khó mà nói rằng kiếp trước tôi là con kiến hay con bò, bởi mỗi giống loại nào sẽ mang cái nghiệp riêng của giống loại đó. Con ong nó mang phấn hoa từ cây xoài này qua “phết” vào hoa cây xoài khác, ít khi phết nhầm đến một loại khế chua khế ngọt nào đó, mà có phết nhầm thì cũng không đậu quả. Cái gì đã giúp con ong bay xa mấy dặm đường để trao duyên gởi phận cho xoài? Có chăng ngày nay người ta cấy gène, tạo ra những “dị thục” khác thường để chơi, tuy có tăng năng suất nhưng không còn “ngon” như xưa nữa. Các họa sĩ thường vẽ người con gái đẹp xõa tóc đứng bên con ngựa có bờm dựng đứng, không phải hy vọng một ngày kia có thứ mình người đầu ngựa đâu, chẳng qua muốn nói người con gái có tính dễ thương như… ngựa đó thôi. Người ta tạo giống cà chua sai hàng ngàn trái nhưng đều không có hột, nghĩa là không gieo giống được. Dưa hấu bây giờ cũng không hột làm sao còn có An Tiêm?
Tự nhiên mà có ta trong cõi đời ư? Ta tự nhiên như từ “vô tướng” mà hiện ra thành “hữu tướng” dù chỉ là giả, là tạm mà cũng xài được một thời gian. Cha mẹ gặp nhau, hàng tỷ tinh trùng mà chỉ có một con duy nhất được gặp cái trứng như hẹn hò nhau từ muôn kiếp trước, rồi mọi thứ cứ theotrình tự sắp đặt mà nhào nặn, nhồi nắn thành một con người ngo ngoe, ò è, khóc, bú, đòi ăn, rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, rồi leo trèo chạy nhảy, đến một lúc lại vòng lại như cũ, từ leo trèo chạy nhảy đến đứng chựng, đến đi, té lên té xuống, rồi từ từ… nằm một chỗ, mọi thứ như bị lấy lại, sau khi đã lắp ráp cho mượn xài một thời gian chẳng hiểu tại sao. Trong quá trình đó, có một giai đoạn ta lại vất vả tìm trứng, gieo tinh trùng để mà tiếp tục nhiệm vụ duy trì nòi giống. Con ếch, con cóc, ễnh ương, gà, vịt, chim chóc, mỗi con một kiểu, cho nó sướng khoái ngất ngư sau khi giành giựt đấu đá ghen tuông đã đời rồi sẵn sàng chết khi hoàn thành nhiệm vụ. Con bọ ngựa đực chết ngay trong lúc giao phối, lấy thân xác mình làm thức ăn để con bọ ngựa cái nuôi con. Con mối mù rào rạo tạo giống mối mù để gặm nhấm gỗ nuôi thân, và đẻ…; chuột thì kêu rúc rích trong rương, con ong, cái bướm mạnh con nào nấy hùng hục kiếm ăn và giao hợp truyền giống kiểu này kiểu khác hết sức vui nhộn, náo nhiệt, tưng bừng… Tóm lại, trùng trùng những dây mớ rễ má, dính chùm dính chụp, mà ngộ, con nào ra con đó… Gène chăng, DNA, RNA, virus, vi khuẩnrào rào kiếm ăn rồi nhân giống, con này ăn con kia, rồi đơn bào đa bào, đâu đó răm rắp nề nếp chẳng chơi, muốn lộn xộn phá phách cũng trớt quớt không thành. Con người thông minh chơi ngẳng cấy cái nọ, ghép cái kia… hy vọng tạo ra nhũng sinh vật rốt cuộc thất bại. Ai bảo cây cỏ không đau, sỏi đá không buồn khi xa… cục đá khác.
Thiệt ra, đau khổ buồn lo cũng chỉ để cho ra những hóa chất gọi là hormone này nọ giúp cho sinh hoạt vui vầy. Đến một lúc, xếp ve, đâu vào đó, răm rắp, răm rắp. Cho mượn rồi đòi lại, nhởn nhơ không thương tiếc. Duyên ư, nghiệp ư? Ai làm ra mấy thứ quái quỷ đó. Mọi thứ có một trình tự, một gạn lọc, tính toán không chê vào đâu được. Stephen Hawking bảo chắc chắn phải có một design, một thiết kế vĩ đại từ con virus đến khủng long… nhưng không có designer, không có nhà thiết kế. Nhưng tôi tin có một cái gì đó, gọi bằng tên gì cũng được, tạo ra cái trò chơi này và ngắm nghía thú vị. Dù là một miếng đất sét được vọc bởi một em bé thành hòn bi hay thằng người… thì cũng có một em bé… đầy sáng tạo. Dù là từ Như Lai tạng thì cũng phải có một “nghệ sĩ” vẽ vời, nắn nót tạo nên mọi thứ và chịu trách nhiệm chớ?
Ta từ cái duyên của cha mẹ, ông bà, từ muôn vạn thứ duyên khác, từ đất, nước, gió, lửa (C,H,O,N…) các thứ vun đắp, nấu nung làm ra, màu mè tô phết các thứ, từ các chất liệu tạo thịt xương gân cốt, với 60 nguyên tố hóa học trong thiên nhiên sẵn có từ đồng, chì, sắt, kẽm, măng gan, ma nhê, phốt pho… rồi từ tế bào đơn lẻ, gom tụ lại thành các cơ quan chịu trách nhiệm một chức năng nào đó, trao đổi chất để cái chánh báo và y báo xen tạp nhau cùng phát triển rồi tiêu vong khi hết duyên. Ta thấy tế bào tạo xương (ostéoblaste) hì hục lắp ghép các chất liệu cần thiếtthành một cục xương, thì tế bào hủy xương (ostéoclaste) hì hục đục khoét làm thành dạng xương này xương khác, ráp nối lại thành cái khung xương, gắn kết nhau bằng những dây chằng, rồi đắp thịt da, thần kinh, mạch máu… có vẻ tất cả đã được thiết kế và xây dựng một mô hình đâu đó có sẵn… rồi mới thi công, nghiệm thu. Có hoa hậu và có Thị Nở. Đành phải nhận ra trước đó chắc phải có cái gì bày vẽ, do tay nghề của “con tạo” Như Lai, có vẻ như bất công mà có lý của nó. Khi hào hứng tạo cô hoa hậu, khi buồn ngủ tạo cô Thị Nở. Coi vậy mà không phải vậy. Cô hoa hậuthường sống đời… không vui, cô Thị Nở thì sống đời khoái sướng, như bù đắp, vay trả. Để tạo xương thì cần calcium, từ đâu ra, thì từ các thứ xương vụn vỡ của muôn loài có trước. Cái chết của lớp trước dùng tạo cho lớp sau, như hồng cầu trong cơ thể ta cũng tạo từ các chất liệu, chỉ tồn tại 3 tháng rồi tiêu vong, hết xài vì già yếu, không đủ sức ôm oxy di chuyển đến các tế bào, thế là dẹp, và tức khắc thay bằng một lứa tế bào hồng cầu mới… Các chất liệu tan tác cũ, chẳng mất đi đâu, gom tụ ở “nghĩa địa hồng cầu” là lá lách để được tận dụng lại. Cho nên hàng tỷ hằng triệu triệu con người sau khi… “hoàn thành nhiệm vụ”, già nua hết xài được thì trở thành tro bụi. Tro bụi đó, vẫn xài lại, nặn lại… tiếp tục đợi duyên sinh. Calcium đó không chỉ trong xương người, xương cá, xương heo, xương cọp gì cũng là… xương. Nên khi nhào nặn thì… chẳng cần phân biệt. Ta mải mê phân biệt chẳng đáng tức cười ư? Ngộ là các thứ sắp đặt được điều hành bởi bộ gène, cấu kết từ một chùm những chất liệu có lẽ là riêng biệt cho mỗi loài tùy sự phân bố. Tinh tinh có bộ gène giống người 99%, chuột giống 97%, cây cổ thụ 70%, ruồi giấm 60% và cải ngồng 26%... Chẳng lạ khi cây cỏ cũng tình duyên ứ hự, chuột mãi kêu rúc rích trong rương, “anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay”! Nhưng gène hình như cũng chưa phải khúc cuối của Như Lai. Người ta đã tìm ra hạt, ra sóng và chẳng bao lâu nữa sẽ kêu như Huệ Năng: Bổn lai vô nhất vật!
Nghiệp là gì? Không biết. Nó đeo đẳng mình, đòi nợ, phải “trả nghiệp”. Trả cách nào? Không biết. Có chuyển nghiệp được không? Chắc phải được chớ. Cha ăn mặn con khát nước. Tội nghiệpchưa? Nghiệp do “thân, khẩu, ý” mà ra. Thì ra do thái độ, cử chỉ, do lời nói, ý nghĩ của mình mà sinh ra. Nói chung là cách sống. Tùy chọn. Ý nghiệp chưa phải là hành vi mà chính ý nghiệp mới dẫn dắt. “Ý dẫn đầu các Pháp” không phải sao? Ba “nghiệp” mà thanh tịnh thì hết chuyện.
Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp mà truyền đi từ kiếp này qua kiếp kia? Khoa học não bộ trả lời: Ở hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệmcả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh). Thế nhưng, khi thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăng “ngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó” (Tổng quan về Nghiệp, Tuệ Sỹ)?
Nghiệp “truyền” đi không chỉ từ gène mà còn từ môi trường (“biểu sinh” = ngoại di truyền, epigenetic). Trước kia không biết, cứ tưởng tại DNA, RNA là những chất cơ bản của gène, cố định, không thay đổi. Nhưng không, ngoài những bệnh lý gène như ta biết ngày càng rõ hơn, tiến đến chẩn đoán sớm trong thai nhi và can thiệp, ngày nay ta còn biết gène… cũng có thể thay đổi do môi trường bên ngoài. Phật học nói về chánh báo và y báo là rất đúng.
Chế độ ăn uống, bệnh tật, nghiện ngập, lối sống, môi trường xã hội và thiên nhiên… là các cơ chế của y báo (ngoại di truyền, epigenetic mechanisms) có tác động đến hoạt động của các gène, điều hòa các gène.
Ta làm gì để có một “kiếp sau”…?
- Tag :
- Đỗ Hồng Ngọc