Thấy Pháp Giới
Nguyễn Thế Đăng
Pháp giới là vũ trụ được các bậc giác ngộ chứng ngộ. Vào pháp giới là do hai sự tích tập trí huệ và công đức đã đầy đủ, và thấy được những kỳ diệu trong đó cũng là do đã đầy đủ trí huệ và công đức. Trí huệ và công đức chính là Bồ đề tâm mà Đức DiLặc đã giảng rộng và tóm lược cho Đồng tử Thiện Tài trước khi cho vào lầu các. Điều này được nói rõ trong phẩm Nhập pháp giới, kinh Hoa Nghiêm khi đồng tử Thiện Tài được Đức Di Lặc cho phép đi vàolầu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng của ngài. Vào trong pháp giới, Đồng tử Thiện Tài thấy những gì?
“Thiện Tài thấy trong lầu các này rộng lớn vô lượng, đồng với hư không. Có vô số châu báu làm đất. Vô số (a tăng kỳ) cung điện, vô số cửa lớn, vô số cửa sổ, vô số thềm bậc, vô số lan can, vô số đường sá, tất cả đều làm bằng bảy báu.
Có vô số tràng, vô số phan, vô số lọng, bày biện khắp nơi. Vô số chuỗi báu, vô số chuỗi chân châu, vô số chuỗi xích chân châu…
Lại treo vô số linh báu, thắp vô số đèn báu, trải vô số y báu, giăng vô số trướng báu, bày vô số tòa báu, vô số các hình tượng báu, vô số tượng Bồ tát báu diệu, đầy khắp mọi nơi. Có vô số các thứ chim hót tiếng hòa nhã. Có vô số hoa sen xanh báu, vô số hoa sen vàng, đỏ, trắng báu dùng để trang nghiêm. Có vô số cây báu thứ tự thẳng hàng. Có vô số ma ni báu phóng đại quang minh.
Lại thấy trong lầu các này có vô lượng trăm ngàn lầu các đẹp, đều nghiêm sức như trên. Mỗi mỗi lầu các đều rộng rãi trang nghiêm đẹp đẽ, đều đồng hư không, chẳng ngăn ngại nhau, cũng chẳng tạp loạn nhau.
Thiện Tài đồng tử ở một chỗ thấy tất cả mọi chỗ. Tất cả mọi chỗ đều thấy như vậy.”
Đồng tử Thiện Tài thấy lầu các của Đức Di Lặc, tức là thấy toàn bộ pháp giới, là tánh Không: “trong lầu các này rộng lớn vô lượng, đồng với hư không”, “mỗi mỗi lầu các rộng rãi trang nghiêm đẹp đẽ, đều đồng hư không, chẳng ngăn ngại nhau, cũng chẳng tạp loạn nhau.”
Đồng tử thấy toàn bộ pháp giới là tánh Không, nhưng tánh Không không phải là không có gì cả, không thấy gì cả. Pháp giới tánh Không có “vô số châu báu, vô số cung điện, vô số tràng phan, vô số hình tượng Bồ tát, vô số chim hót, vô số ma ni báu phóng đại quang minh, vô số lầu các trang nghiêm đẹp đẽ…” Nghĩa là có vô số sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tất cả đều trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp đẽ. Đây là công đức của pháp giới, công đức của lầu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng.
Sự tích tập trí huệ tánh Không đã hòa nhập với sự tích tập công đức để thành pháp giới đầy đủ trí huệ và công đức.
Tánh Không là nền tảng cho mọi xuất hiện sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, và mọi xuất hiện này đều trang nghiêm, thanh tịnh và đẹp đẽ. Mọi xuất hiện này chính là công đức của pháp giới tánhKhông.
Như vậy, qua đoạn kinh này, có thể hiểu rõ thêm câu trong Bát nhã tâm kinh: “ Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là Không, Không tức là sắc thanh hương vị xúc pháp.” Sắc, thanh, hương…tức là Không, nghĩa là công đức xuất hiện của pháp giới tức là Không. Và Không tức là sắc, thanh, hương…, nghĩa là Không là công đức biểu hiện ra thành những hình tướng trang nghiêm thanh tịnhcủa pháp giới. Ở cấp độ cao nhất, tích tập trí huệ tánh Không và tích tập công đức là một.
Trong lầu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng này “có vô lượng trăm ngàn lầu các đẹp, đều nghiêm sức như trên. Mỗi mỗi lầu các đều rộng rãi trang nghiêm đẹp đẽ, đồng với hư không chẳng ngăn ngại nhau cũng chẳng tạp loạn nhau”. Đây là cảnh giới sự sự vô ngại của pháp giới, một gồm chứa tất cả, và tất cả có đầy đủ trong một, không ngăn ngại nhau, cũng chẳng tạp loạn nhau.
“Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử thấy lầu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng có cảnh giới tự tại chẳng thể nghĩ bàn như vậy, sanh tâm đại hoan hỷ, hớn hở vui mừng vô lượng, thân tâm mềm dịu nhẹ nhàng, lìa tất cả tưởng, trừ tất cả chướng, diệt tất cả mê lầm, chỗ thấy chẳng quên, chỗ nghe đều nhớ, chỗ nghĩ chẳng tạp, chứng nhập môn giải thoát vô ngại. Tâm vận dụng cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp.
Vừa mới đảnh lễ, do thần lực của Bồ tát Di Lặc, Thiện Tài tự thấy thân mình ở khắp trong tất cả các lầu các, thấy đầy đủ những cảnh giới tự tại không thể nghĩ bàn.”
Thấy được pháp giới: thì thân tâm cũng trở thành pháp giới, “chỗ thấy chẳng quên, chỗ nghe đều nhớ, chỗ nghĩ chẳng tạp, chứng nhập môn giải thoát vô ngại.” Khi ấy tâm là tất cà pháp giới, pháp giới sự sự vô ngại, “tâm vận dụng cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp”. Pháp giới có trong mỗi lầu các nhỏ, từng phần tử nhỏ nhất của mỗi lầu các nhỏ.
Tóm lại, khi ấy “thấy, nghe, nghĩ” hòa nhập với pháp giới sự sự vô ngại thì trở thành (“chứng nhập môn giải thoát vô ngại”) pháp giới sự sự vô ngại.
“Đó là thấy Bồ tát Di Lặc lúc ban đầu phát tâm vô thượng bồ đề, với tên họ như vậy, dòng dõi như vậy, bạn lành khai ngộ khiến gieo trồng thiện căn như vậy, thọ mạng như vậy, ở kiếp như vậy, gặp Phật như vậy, ở cõi nước trang nghiêm như vậy, tu hành như vậy, phát nguyện như vậy.
Chư Phật Như Lai ấy, những chúng hội, thọ mạng, thân cận cúng dường đều thấy rõ cả.
Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc lúc ban đầu chứng được tam muội tâm từ, từ đó đến nay hiệu là Từ Thị…
Hoặc thấy cùng với chư Bồ tát nhất sanh bổ xứ khen nói môn tất cả chư Phật quán đảnh. Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc trong trăm ngàn năm kinh hành, đọc tụng, biên chép kinh điển, siêng cầu quán sát, vì đại chúng mà thuyết pháp…”
Vào được pháp giới, đồng tử thấy tất cả hạnh Bồ tát tạo thành công đức của Đức Di Lặc cho đếnkhi ngài thành Bồ tát nhất sanh bổ xứ, một đời nữa thành Phật. Đồng tử thấy tương lai Bồ tát Di Lặcđản sanh và thành đạo trong mỗi mỗi lầu các nhỏ của lầu các Trang Nghiêm Tạng:
“Lại ở nơi những lầu các của đại lầu các Tỳ Lô Giá Na đại trang nghiêm tạng này, mỗi lần các đều cao rộng trang nghiêm đẹp đẽ tối thượng, trong mỗi lầu các ấy đều thấy đại thiên thế giới, trăm ức Tứ thiên hạ, trăm ức trời Đâu Suất. Mỗi mỗi đều có Đức Di Lặc giáng thần đản sanh,…, đến ngồi đạo tràng hàng phục ma quân, thành Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân…
Thiện Tài lại thấy thân mình ở chỗ tất cả các Như Lai ấy, cũng dự trong tất cả chúng hội ấy, nhớ giữ không quên, thông đạt vô ngại.”
Trong pháp giới Trang Nghiêm Tạng, đồng tử thấy Đức Di Lặc tương lai thành Phật. Trong pháp giới Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng, cả quá khứ, hiện tại và tương lai hiện hữu đồng thời. Trong đó có tất cả chư Phật và chư Bồ tát. Đức Di Lặc thành Phật trong toàn bộ pháp giới, mà pháp giới ở đây là pháp giới sự sự vô ngại. Đồng tử Thiện Tài trong pháp giới sự sự vô ngại này cũng có mặt khắp, “tâm vận dụng cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp”.
Pháp giới được gọi là Trang Nghiêm Tạng, vì gồm chứa tất cả công đức của chư Phật, chư Bồ tát. Pháp giới tánh Không được trang nghiêm bằng tất cả các công đức của các bậc giải thoát, giác ngộ.
Pháp giới ấy được thấy ở mức vi tế cùng cực, ở mức vi trần, hạt bụi nhỏ, nên gọi là “thân vân”, thân đám mây:
“Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc nhập vào biến hóa tam muội, nơi mỗi lỗ chân lông hiện ra tất cả thân vân(thân mây) biến hóa. Hoặc hiện ra thân mây chúng rồng, thân mây dạ xoa, càn thát bà…Hoặc hiện ra thân mây tất cả chúng sanh. Hoặc hiện ra thân mây tất cả chúng sanh. Hoặc hiện ra thân mây của chúng Thanh văn, Bồ tát, Như Lai.”
Trong pháp giới ấy có đầy đủ thánh phàm, và tất cả đều ở trong pháp giới vô ngại.
Trong pháp giới này, không những các bậc thánh mới thuyết pháp, mà cả đến những sự vật vô triđều thuyết pháp:
“Lại nghe tất cả lưới, linh và các nhạc cụ trong tất cả các lầu các đều diễn xướng pháp âm vi diệuchẳng thể nghĩ bàn, nói đủ thứ pháp: hoặc nói phát bồ đề tâm của Bồ tát, hoặc nói tu hành các hạnh ba la mật…
Lại thấy đủ thứ hình tượng trong tất cả các gương báu. Đó là: thấy chúng hội đạo tràng của chư Phật. Hoặc thấy chúng hội đạo tràng của Bồ tát, thấy chúng hội đạo tràng của Thanh văn… Hoặc thấy thế giới lưới Nhân đà la, hoặc thấy thế giới úp, thế giới ngửa. Hoặc thấy thế giới chỗ ở của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc thấy thế giới đầy dẫy chúng trời người…
Lại thấy trong tất cả các cột trụ báu, phóng lưới đại quang minh ma ni vương, đủ màu của tất cả quang minh… Lại thấy những chuỗi chân châu thường xuất sanh nước thơm đủ tám công đức. Chuỗi lưu ly phóng ra trăm ngàn thứ quang minh, đồng chiếu sáng khắp. Những tràng phan, lọng báu, lưới báu, tất cả đều dùng các báu để trang nghiêm.
Lại thấy hoa sen bốn màu, mỗi mỗi đều sanh ra vô lượng hoa. Trong mỗi mỗi hoa đều đều thị hiệnđủ thứ hình tượng để trang nghiêm…”
Ở trên là một số đoạn kinh nói về cái thấy của Đồng tử Thiện Tài khi vào lầu các của Đức Di Lặc. Các vị giác ngộ thấy pháp giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Sở dĩ nói là các vị giácngộ vì Đức Di Lặc là Bồ tát nhất sanh bổ xứ, trên địa thứ mười và sắp thành Phật, còn đồng tửThiện Tài cũng ở một cấp độ tương đương vì chỉ còn gặp lại Bồ tát Văn Thù để cuối cùng gặp Bồ tát Phổ Hiền là hoàn tất con đường hành hương thành Phật.
Qua các đoạn kinh trên, cùng với sự tư duy (Tư) và thiền định (Tu), người ta có thể hình dung cái thấy của các vị giác ngộ là thế nào.
Cái thấy của một vị giác ngộ là thấy toàn thể pháp giới đều giác ngộ. Tất cả, không sót chỗ nào đều trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp đẽ, đầy đủ công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Đó là cái thấy của trí huệ và công đức. Như đoạn sau, kinh nói:
“Bấy giờ chư thiện tri thức ấy bảo Thiện Tài rằng:
Lành thay, đồng tử! Ngươi nhìn xem những sự chẳng thể nghĩ bàn của Bồ tát Di Lặc chớ có nhàm mỏi.
Lúc ấy vì được sức ghi nhớ chẳng quên, vì được mắt thanh tịnh thấy mười phương, vì được trí vô ngại khéo quán sát, vì được trí tự tại của Bồ tát, vì được cái hiểu rộng lớn của các Bồ tát đã vào trí địa, nên nơi mỗi mỗi sự vật trong tất cả lầu các đều thấy vô lượng cảnh giới trang nghiêm tự tại không thể nghĩ bàn”.
Với hạnh Bồ tát gồm tích tập trí huệ và tích tập công đức, người ta có thể nhập vào pháp giới để thấy ra pháp giới sự sự vô ngại, “nơi mỗi mỗi sự vật trong tất cả lầu các đều thấy vô lượng cảnh giới trang nghiêm”, tùy theo mức độ sâu cạn của “trí địa” của mình. Như thế vũ trụ này sẽ được dần dần thấy ra là pháp giới tánh Không trang nghiêm của các bậc giải thoát, giác ngộ.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng