Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Chương 13

Saturday, September 10, 201100:00(View: 7656)
Chương 13

NẺO VỀ CỦA Ý
Nhất Hạnh

PHẦN THỨ BA

XIII

Thiền không phải là suy tư về những vấn đề triết học, Steve ạ, nhất là lối suy tư với hy vọng tìm ra giải đáp. Thiền là gieo những vấn đề lớn nhất của cuộc đời vào chính mảnh đất của bản thể mình, của tâm hồn mình, của máu huyết và xương tủy mình. Thiền là nuôi nấng bằng trọn con người mình - nếu quả thực mình có một vấn đề khẩn thiết. Rồi thiền cũng có khi là một cuộc đấu tranh thập tử nhất sinh trong một khoảnh khắc nào đó để được sống hay để được trở lại trong giòng lưu chuyển sâu thẳm. Có những giây phút gian nan hiểm nghèo quyết định cả một đời mình nhưng chẳng có ai hay ai biết. Mình hoàn toàn cô độc. Lại có những buổi công phu phải quán tự tâm, khi thì những thắng lợi xẩy ra liên tiếp, khi thì hiểm nguy đe dọa, khi thì thất bại nằm chết cứng một mình. Nhưng mà Steve đừng nghĩ thiền là những thứ tôi vừa kể đó. Những thứ tôi vừa kể đó thể chỉ để dành riêng cho tôi thôi. Để tôi nói chuyện này cho Steve nghe. Hãy tưởng tượng chúng ta là những đứa bé con đi chơi và gặp một ông già đang ngồi câu… trên một bãi cỏ xanh. Ông ta câu rắn. “Bãi cỏ xanh mướt như thế này đáng lẽ có thể trồng bao nhiêu thứ hoa đẹp. Nhưng mà có những con rắn nằm phía dưới. Lão phải câu tất cả chúng nó lên, và đập chết hết, trước khi chúng ta có thể vun bón khu vườn”. Rồi ông già kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm câu rắn của ông ta. Có những con rắn con, nằm trong những cái hang con. Khi nhử chúng lên được trên mặt đất thì chúng nằm quay ra chết, khỏi cần đánh đập gì hết. Lại có những con rắn lớn. Câu chúng lên, phải cẩn thận. Nếu không đủ sức đập chúng chết, chúng sẽ cắn mình trước, và mình ngã quỵ. Vì vậy phải biết mình biết ta. Phải biết lúc nào mình đủ sức, lúc nào mình không đủ sức. Lại có những con rắn cần được câu lên một lúc hai con, để chúng nó tự tiêu diệt nhau, khỏi phải nhọc sức mình đánh đập. Chúng ta thích thú nghe ông già kể chuyện và ngồi chứng kiến, tuy chúng ta có hơi sợ sệt. Có nhiều lúc thiền định nó giống như vậy đó Steve. Dưới đáy tiềm thức anh, từ vô lượng vô biên kiếp, đó là nói theo kiểu nhà Phật - có những con rắn, hoặc những con ma, hoặc những con gì đó mà ta không thể gọi tên. Có người gọi là triền là sử là tập. Chúng nằm ở đó và chúng chi phối. Vậy muốn được tự do ta phải mời chúng lên chơi trên mặt phẳng ý thức. Cũng không phải là để đánh đập chúng như trường hợp ông già câu rắn kia đâu. Chúng tôi cần nhận diện chúng, đối thoại với chúng, và nói với chúng rằng chúng ta không sợ chúng, bởi chúng ta là bạn chúng. Thế mà rồi chúng sẽ trở nên dễ thương hết chỗ nói đó Steve. Còn nếu không thì chúng vẫn tồn tại như là những mối đe dọa thường nhật của mình. Điều cần yếu là mình không nên sợ đối diện chúng. Và chỉ cần cẩn thận, biết lúc nào là lúc mình có thể mời chúng đến chơi. Thế thôi. Nghĩa là mình phải sẵn sàng. Thiền là sẵn sàng. Cũng gần như hướng đạo sinh vậy. Phải sẵn sàng. Nhưng mà muốn sẵn sàng thì phải có công phu sắp sẵn. Ví dụ bây giờ có người nói với Steve: tôi cho anh biết độ hai ngày nữa thì anh chết. Nếu Steve tin người đó chắc là Steve sẽ cuống lên. Bởi vì Steve không sẵn sàng. Không phải là không sẵn sàng để chết mà là không sẵn sàng để mà có phản ứng thông minh nhất đối với cái ý tưởng kia. Cũng như bây giờ người ta cho biết cái cô Hạnh Trí Tử mỹ miều kia không chịu yêu Steve nữa và đã đi theo một người con trai khác, thì Steve cũng thấy rõ là mình chưa sẵn sàng để mà đối phó với một ý tưởng như vậy. Và không sẵn sàng cho nên Steve sẽ không biết đặt chân đặt tay vào đâu cho phải khi xúc sự. Và Steve chuốc lấy nhiều khổ đau.

Lý do quan trọng nhất khiến cho Steve không sẵn sàng là sự sợ hãi những ý tưởng đó, sự ghét bỏ những ý trong đó. Steve không thích nghĩ đến cái chết của mình cũng không khí thích nghĩ đến cái phụ bạc có thể có của Hạnh Trí Tử. Xin lỗi Steve nhé, tôi lấy ví dụ chơi vậy mà thôi. Vì không thích, cho nên Steve cứ dìm chúng xuống dưới cát để có cảm tưởng là chúng không thể có. Nếu bây giờ Steve mời chúng nó ra trình diện và cười với chúng, thế là mọi việc xong xuôi. Nhưng mà cũng không dễ lắm đâu, hỡi người bạn trẻ tuổi của tôi.

Mới hôm đầu tháng đây đi qua Giác Minh tôi ngạc nhiên thấy Lý ngồi trong phòng khách, hai tay bị còng lại. Thứ còng có khóa rất chắc. Xung quanh Lý các bạn bè ngồi đông toàn là những nhà văn, nhà báo. Báo của Lý bị đóng cửa từ mấy tháng nay rồi, nhưng mà Lý vẫn tiếp tục cuộc vận động dư luận, không chịu thua. Chúng lùng bắt Lý. Đã có lần Lý cải trang đi tạm trú ở miền Gia Định. Khi Lý trở về xin tạm trú ở Giác Minh, không ai cho phép Lý đi ra khỏi chùa. Thế mà hôm đó tự dưng Lý ra khỏi chùa. Lập tức hai người lạ mặt đến xốc tay Lý kéo đi. Lý la lớn lên. Người bên đường đổ xô lại. Hai người lạ mặt vội vàng áp Lý tới cột trụ xe buýt và khóa còng hai tay Lý vào rồi lẫn mất. Những người bên đường xúm lại đưa bổng Lý lên cao luồn tay ra khỏi cột. Và với hai tay bị còng như thế, Lý trở về Giác Minh, yêu cầu gọi các bạn lại. Có người đang đi gọi thợ sắt để chặt chiếc còng. Cổ tay Lý đỏ bầm. Thấy tôi, Lý cười. Cổ tôi khan lại, không nói ra tiếng. Như thế này thì còn trời đất gì nữa. Giữa ban ngày ban mặt, lúc một giờ trưa, ngay trong khu đông đảo nhất của thành phố.

Steve ơi, chúng tôi đang tiếp tục đi tới đây. Những sẽ gì xảy ra cho chúng tôi ở đàng kia, chúng tôi chưa biết. Nhưng chúng tôi đặt niềm tin ở khả năng con người, dù con ngườitỏ ra ác độc đến mấy đi nữa. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người; kẻ thù của chúng tavô minh, là cựu thù.

Thôi, để tôi đưa Steve vào làng thăm để quên đi trong giây lát tất cả những vấn đề gay go đó. Steve xem, đây cũng là một làng nước mặn, thành ra vấn đề nước uống là một vấn đề lớn lao của làng. Người ta phải “đổi” một đôi nước tới ba đồng bạc, khi xe nước ngọt chèo tới và dân làng đem thùng và quang gióng ra để “đổi”. Người ta dù chữ “đổi” để khỏi dùng chữ “mua”, bởi vì nếu có người “mua nước” thì phải có người “bán nước” điều mà không ai muốn xảy ra cả. Steve xem, người dân quê yêu nước biết chừng nào! Steve đi qua con đê này và rẽ về phía bên trái. Cái hồ nước xây bằng đá này có thể chứa sáu thước nước, do dân làng góp và xây nên với sự trợ lực của chúng tôi. Một cái đơn do dân làng ký đã được bộ Công Chánh chấp nhận. Thế là lâu nay cứ mỗi tuần ba lần xe Công Chánh về ghé đổ nước ngọt vào hồ nước. Dân làng chỉ có việc ra gánh.

Tuy vậy vấn đề nước chỉ khó khăn trong mùa nắng thôi Steve. Về mùa mưa, nước sông trở thành nước ngọt và nước mưa hứng được có thể dùng dư dả. Đám đất lớn phía tay trái kia đã được dân làng khai phá trồng trọt; hoa mầu được chia đều cho nhau dù đó không phải là đất của người trong làng. Đất đó là đất chính quyền bỏ hoang từ bao nhiêu năm. Có những thứ cây cối có thể chịu được nước mặn, nhưng mà có những thứ cây phải chờ đợi đến mùa mưa mới có thể trồng trọt được. Bé Lê ở trong làng bảo là có những cây bầu, cây bí nếu ta tới từ nước sông (mặn) pha với nước mưa (ngọt) cho chúng thì chúng cũng quen dần với nước mặn và cuối cùng có thể chấp nhận được nước mặn. Cũng hay nhỉ. Steve có muốn về đây để tôi tưới cho một ít nước mặn, xem thử cậu có chấp nhận được không nào?

Dân làng đã bắt đầu trồng nấm rơm để bán theo phương pháp chỉ dẫn. Nhưng mà rơm năm nay đắt rồi; số ruộng được canh tác giảm xuống thật nhiều trong toàn quốc. Phải để dành rơm cho trâu bò ăn, nhất là trâu, cho tới mùa gặt mới. Có nhiều gia đình đã thực hiện chương trình nuôi gà, và họ đã thành công. Ban đầu, khi chúng tôi đề nghị nuôi gà, nhiều nhà lắc đầu. Gà của họ nuôi chết hoài. Họ nói: đất nước mặn, gà đi kiếm ăn cứ bị bệnh chết. Chúng tôi biết không thể thuyết phục họ bằng lời, nên tự xuất vốn nuôi một trăm con gà bằng lồng úm. Chúng tôi mượn nhà bé Lợi để thực hiện công tác trình diễn chứng minh. Bé Lợi chưa bao giờ thấy một cái lồng nuôi gà có hệ thống lò sưởi, nên tò mò lắm. Chúng tôi sưởi lồng bằng đèn bão. Gà con thì chúng tôi mua giống New Hamsphire. Thực phẩm của gà chúng tôi mua nhiều bao lớn đã được trộn sẵn. Những con gà con lớn lên mau như thổi. Chúng tôi theo đúng phương pháp chăm sóc, vệ sinh cho gà, nhỏ thuốc lỗ mũi cho gà, vân vân… Sau đó ba tuần, chúng tôi bắt đầu đem dụng cụ về làng đóng những chuồng gà tơ và gà giò. Bởi vì không mấy lúc nữa, gà con trở thành gà tơ. Nhà của bé Lợi luôn luôn có khách ra vào. Bác Ba, thím Tư, bà Bảy ai đến thăm cũng ngạc nhiên khi thấy gà lớn như thổi mà không chết con nào. Một đồn mười. Thế rồi chúng tôi được hỏi ý kiến. Năm ba gia đình quyết định nuôi gà để kiếm tiền lợi tức.

Mọi công tác ở các làng thí nghiệm đều được thực hành theo kiểu đó nghe Steve. Ban đầu thì phải nghiên cứu về tình trạng chung của làng về các mặt y tế, giáo dục, kinh tế, xã hội. Rồi tùy theo tình trạng mà bắt đầu công cuộc cải tiến. Phải đánh thức ước muốn của dân làng dậy bằng những công tác trình diễn chứng minh. Và tự nhiên dân làng hưởng ứng. Tuy vậy cũng công tác đầu phải làm ở nhiều làng vốn không phải là những công tác y tế và giáo dục. Trong thành phần giảng viên của trường Xã Hội, có một vị tăng sĩ mà chúng tôi gọi là thầy Tám: vị này chứng tỏ một khả năng thu phục nhân tâm rất lớn. Chúng tôi đôi khi cũng gọi đùa thầy là “bách khoa tự điển” bởi vì ông biết thật nhiều chuyện. Có lẽ chuyện gì ông cũng biết. Từ tiếng Pháp tiếng Anh, tiếng Miên cho đến thuốc Tây, thuốc Bắc, thuốc Ngoại Khoa; từ việc trồng cam trồng bưởi cho đến việc gieo hạt bí hạt bầu, từ dạy học cho đến coi sóc công trường kiến trúc. Chính ông sẽ coi sóc họa đồ và điều khiển việc xây cất trường Xã Hội của chúng tôi. Trong một làng thí điểm kia, mỗi lần thầy Tám về, ông chỉ mang theo một cái gói nhỏ trong đó có đựng cau, trầu, một ve dầu gió bạch tượng, vài trái chanh, một ít bông gòn và vài cái kim. Thế mà được việc bằng mấy các cô cậu khác. Ban đầu thì thầy tìm tới nhà một người bị bịnh ban, một cậu bé chẳng hạn. Thầy cạo gió, và nếu cần thì “cắt”. Cắt có nghĩa là chích lễ, một loại châm cứu giản dị. Thầy dùng lá trầu hoặc một múi chanh. Ít khi thầy dùng tới thuốc uống hay thuốc chích. Mà lạ quá, người bịnh nào được thầy “hành nghề’ cũng mát ra, và qua được cơn nóng. Tài thật. Thế rồi thầy mở khăn gói ra, ngồi trên bức ngựa, lấy trầu nhai bỏm bẻm, mời mọi người trong gia đình. Rồi thầy nói chuyện mưa gió, mùa màng, thời tiết. Chuyện gì thầy nói cũng hay, thế mới lạ chứ. Dân làng mê thầy. Và hàng xóm ai bị bệnh đều mời thầy tới. Hầu hết cả xóm đều là người chịu ơn thầy, một cái ơn nhỏ nhưng mà thật bền chặt. Và thầy đề nghị cái gì, dân làng cũng sốt sắng hưởng ứng, Steve ạ. Ở mỗi làng Việt Nam đều có một ngôi chùa và một ông thầy chùa. Nếu thuyết phục được ông thầy theo phong trào cải tiến nông thôn thì chắc là không bao lâu phong trào phải thành công. Khỏi phải tâm lý chiến, ấp chiến lược gì lôi thôi. Có phải không. hiện giờ chúng tôi rất cần chuyên viên, và chúng tôi phải lo đào tạo. Lấy kinh nghiệm của thầy Tám, công tác đưa vào chương trình học tập của trường môn thực hiện ngoại khoa. Người công tác viên xã hội sau này cần phải nói chuyện hay như thầy Tám, đến với dân làng dễ dàng tự nhiên như thầy Tám. Điều đó quan trọng hơn những kiến thứctính cách bác học mà thiếu giá trị thực dụng. Khinh thường kho tàng kinh nghiệm của dân quê tức là mua chuốc lấy thất bại. Phải xem kỹ thuật mới như một cái gì đi đến bổ túc, chứ không phải để bài bác, những kinh nghiệmphương pháp truyền thống. Chúng tôiý muốn kết nạp những thanh niên nam nữ gốc ở hương thôn hơn là ở thành thị, bởi vì họ có khả năng hiểu biết và đến với người dân nông thôn dễ dàng hơn.

Ngôi trường mà Steve thấy đây không phải là không có một lịch sử kỳ thú đâu nhé. Ban đầu, một cộng tác viên về làng, và làm quen với vài em bé trong lúc chơi đùa, câu cá, hát hò. Rồi anh công tác viên đó hỏi thăm về sự học hành của các em, và rốt cuộc là các em bằng lòng để hco anh dạy cho mà học thay vì đi chơi rong suốt ngày. Họ ngồi dưới gốc cây, kê một tấm gỗ để viết chữ. Thế rồi chỉ một tuần sau, số học trò tăng lên mười mấy em. Một “bác” phụ huynh thấy thương, liền gọi tất cả vào nhà ngồi học. Họ được phép sử dụng bức ngựa bên chái. Thế là họ tách năm tấm ván ra, lấy gạch kê làm năm chiếc ghế dài. Còn dư chỗ cho bốn năm em. Mấy tuần sau trẻ em tới đông thêm. Không khí học tập vui vẻ hăng hái. Phụ huynh mừng rỡ thấy con mình được học để sau này có “dăm ba chữ”, khỏi thua kém con người ta. Họ thương thầy giáo lắm. Steve biết sao không, ở Việt Nam chúng tôi chịu ảnh hưởng Nho giáo khá sâu đậm. Ngày xưa, ông vua là quan trọng hơn hết, rồi mới đến ông thầy, rồi mới đến ông cha. Quân, Sư, Phụ tức là “tam cương”. Chắc chắn là Steve biết dư điều đó, tôi khỏi cần phải xổ nho ra nữa. Vì vậy địa vị của ông hương sư rất là quan trọng, bởi vì ông ấy thay thánh hiền để dạy chữ nghĩa đạo đức cho con cháu. Cho nên người công tác viên xã hội nếu bắt đầu bằng công tác giáo dục, sẽ chiếm được chỗ khá tốt trong lòng người dân làng. Nhất là khi anh có thể dạy cho trẻ em thêm phép tắc ngoan ngoãn. Anh được các môn đệ bé tí của anh mời về nhà chơi, và cha mẹ các môn đệ ấy bao giờ cũng đón tiếp “thầy” của con mình một cách niềm nở. Thế là anh có dịp tuyên truyền cho chương trình cải tiến sinh hoạt nông thôn, một cách gián tiếp và kín đáo, cố nhiên, và tiếng nói của anh sẽ rất dễ lọt vào tai người đã sẵn có cảm tình với anh.

Khi học trò đông quá mà chỗ học thiếu thốn, các phụ huynh họp lại để giải quyết vấn đề trường ốc; có khi họ tự động làm như thế mà khỏi phải có ý kiến của người cộng tác viên. Một buổi họp như thế cố nhiên đưa đến kết quả là sự quyết định dựng một ngôi trường cho làng. Và người thì cho tre, người thì cho gỗ, người thì cho gạch, người thì cho công. Vật liệu không hiếm. Ban đầu chỉ cần là trường bằng tre, tranh và đất thôi. Khi mà dân làng ý thức được sự cần thiết, thì tự nhiên khả năng của thôn quê để tự cải tiến trở nên lớn lao. Người dân không nghèo như họ tưởng hay như chúng ta tưởng, ít nhất là trong tiềm năng của họ và của xứ sở họ. Đó, cái ngôi trường bốn gian mà Steve thấy đó là của chính họ làm ra. Họ không cầu xin của Chính phủ hay của viện trợ một xu nào. Hiện giờ đã có tới hai giáo viên là người làng, những giáo viên khác cũng sẽ thay thế bằng dân làng khi điều ấy trở thành có thể.

Có năm sáu thanh niên nam nữ trong làng tham dự sốt sắng vào công việc xây dựngcải tiến. Có một cậu mười lăm tuổi tên là Mười - có thể nói nó là một cộng sự viên đắc lực. Cha của Mười mất rồi. Mẹ nó cũng vậy. Mẹ của nó bây giờ là mẹ ghẻ. Nó có một đứa em gái chín tuổi rất kháu khỉnh dễ thương, cùng cha khác mẹ. Nó làm nghề “cày đáy” nghĩa là chài lưới. Từng đó tuổi mà gánh vác việc gia đình như một người lớn. Và nó cũng cư xử như một người lớn. Steve biết không, buổi sáng trước khi cho thuyền đi, nó cũng uống rượu “cho ấm bụng”. Và những buổi chiều thuyền về, trong khi em nó lo bán mẻ cá, nó ngồi “nhâm nhi” be rượu, khề khà như một ông lão. Tội nghiệp quá. Việc làm thì nặng nhọc. Bà dì ghẻ thì không ấm áp ngọt ngào. Không có một thứ giải trí lành mạnh nào. Không có phòng đọc sách, không có đàn hát, không có truyện kiếm hiệp, không có hội hè, bạn hữu đồng điệu, không có thể thao, bóng chuyền, bóng bàn… Chỉ có uống rượu và đánh bạc. Em gái nó, con Mười Một, là học trò trường Chim Sơn Ca. Có một hôm tới trường hai mắt đỏ hoe. Cô giáo hỏi vì sao. Nó nói anh nó bỏ nhà đi gần một tuần nay không chịu về. Hỏi nó thằng Mười đi đâu. Nó nói: nghe người ta nói anh nó xin vô làm công trong hãng sắt nguội trên Saigon. Khi tôi nghe câu chuyện, tôi nói. Chết rồi, thằng bé bị đô thành quyến rũ mất rồi. Để em nó lại đây ai nuôi. Hay là để cho cái bà dì ghẻ thiếu cảm tình ấy? Nó, nó thương em nó hơn là mẹ con bé thương.

Hơn một tháng sau, cô Chín, một trong các hướng dẫn viên thực tập ở làng, gặp Mười đang đi trên một con đường miệt Hàng Sanh. Mới đầu Chín không nhận ra nó, bởi vì nó mặc áo sơ mi rằn ri và quần cao bồi. Nó đi với một thằng bạn có vẻ mặt rất là Saigon. Có vẻ mặt Mười thì vẫn còn mang cái nét thơ ngây non non dại dại nhà quê. Con mắt nó vẫn còn chứa đựng sự ngơ ngác. Chín đã tới và hỏi: Có phải em là em Mười không. Nó thấy Chín thì mừng và nói: “Phải. Chị đi đâu vậy”. Và nó nói với thằng bạn. “Thôi mày đi chơi một mình đi, để tao gặp người quen”. Chị Chín đưa nó vào một quán cà phê. “Này Mười, bộ lâu nay em đi làm được nhiều tiền lắm hả”. “Đâu mà có, chị. Làm ở sắt nguội cũng đủ ăn mà thôi, không hơn gì ở làng”. “Vậy tại sao em bỏ làng mà đi”. “Tại buồn lắm chị Chín ơi. Cả đời như vậy hoài không có gì vui hết. Rồi mai mốt em đi lính, thế là xong”. “Vậy chớ em để con Mười Một một mình à? Mày không thương em mày sao, hả Mười?” Nó yên lặng, lúng túng. Chín không khuyên nó trở về làng ngay, mà chỉ hỏi xem nó làm tại hãng nào để thỉnh thoảng lại thăm. “Em làm ở sở B.S. gần Đakao đó chị”. Chín hẹn trưa thứ bảy tới đón nó đưa về làng thăm em. Nó nhận lời.

Từ đó ở làng có những buổi văn nghệ do học sinh tổ chức với sự tham dự và hướng dẫn của các giáo viên, các người bạn trẻ của làng từ các nơi tới. Có khi học trò trường Tình Thương bên làng Thảo Điền qua tổ chức, rồi thì học trò bên này đáp lễ. Muốn tổ chức “văn nghệ” lúc nào cũng được. Dân làng lớn tuổi mà cũng tham dự thật tình. Nhiều người biết ca sáu câu vọng cổ. Những buổi chiều mát, ở gốc cây dừa. Những buổi sáng trăng. Tủ sách của làng bây giờ có nhiều sách đọc giải trí. Và vô số tiểu thuyết kiếm hiệp. Lại có cả trọn bộ “Cô gái Đồ Long”. Buổi tối trong gia đình, tiếng thỏ thẻ của các em bé đọc tiểu thuyết Tàu tạo nên một không khí ấm cúng. Rồi thì có bóng bàn, bóng rổ. Các ông “cụ non” trong làng bắt đầu say mê những thứ giải trí mới, và bỏ dần uống rượu đánh bạc. Chị Chín dọa các cậu “Tôi sẽ xúi con gái ở các làng bên không thèm lấy các cậu. Lấy các cậu để rồi các cậu rượu chè be bét làm khổ gia đình ấy à. Mới mười ba, mười lăm tuổi mà đã uống rượu”. “Đừng làm ác, chị Chín à; có cậu trả lời. Mà thiếu gì con gái. Tụi tui sẽ đi cưới con gái làng thật xa. Nhưng mà nói chơi đó chị Chín. Buồn thì tụi tui uống chút chơi, chớ có say sưa gì đâu. Bữa nay có giải trí lành mạnh rồi thì không uống nữa cũng được”.

Cậu Mười của chúng ta ngày nay đã trở về làng rồi. Khỏi phải nói, con em gái nó mừng hết sức Mười cũng đã trở lại nghề chài lưới. Những thời gian còn lại trong ngày, nó dùng để hoạt động cho phong trào làng. Nó có vẻ đàn anh lắm. Bọn trẻ con rất thích. Nó thích tổ chức thiếu nhi nông thôn, thích chơi bóng chuyền; nó tập đánh đàn măng-đô và rất say văn nghệ. Giọng nó không tốt lắm, nhưng nó rất ưa ca hát.

Steve ơi, tôi là người rất tha thiết đến việc làm làng nhưng mà tôi thấy tôi thua kém thầy Tám cô Chín và rất nhiều người khác. Nhìn những thắng lợi liên tiếp của những người trẻ có lòng kia, lòng tôi thấy phấn khởi và hy vọng hơn. Thì ra rôi là người được thừa hưởng cái kết quả trước hết, chớ không hẳn đã là người dân nông thôn. Anh được yêu mến, được chấp nhận, được tin cậy. Anh lại sống có hy vọng, có ước mơ. Thế thì anh còn đòi hỏi gì nữa. Chính anh là người thừa hưởng công trình của anh trước hết, bất cứ thứ công trình nào mà anh có thể gọi là công trình. Điều đơn giản đó, gieo ngô được ngô, gieo đậu được đậu, thế mà cũng phải lao đao lắm mới chứng thực được nó.

Steve ơi, cái không khí Phương Bối phãng phất ở đâu đây, trong khi chính Phương Bối thì bị cô lập hóa trên miền núi rừng Bsu-Danglu lặng lẽ. Có lẽ vì có những con chim cũ của Phương Bối hay lui tới, nhất là ở những làng quê như làng này. Mà có lẽ là tại Phương Bối ngự trị nơi lòng của mỗi người. Phương Bối là tình yêu. Là hy vọng. Một ngày nào đó chúng tôi mong sẽ được đoàn viên trong chiếc nôi bông đá, hoa rừng và cỏ dại ấy. Những khu làng tương đối yên tĩnh như khu làng này ngày mai có còn được yên tĩnh nữa không? Sự dựng xây phải được thực hiện từng chút từng chút với tất cả công phu. Những sự phá đổ thì không cần đi từng bước một. Một vài phút, một vài giờ đồng hồ, thôi thế là tất cả tiêu tan. Chiến tranh không tôn trọng một giá trị nào, kể cả những giá trị truyền thốngnhân dân. Và nhất là nó tiêu diệt hy vọng…
 
 

Hết chương 13

VIII 

Hôm thứ bảy, nghĩa là sau đó hai hôm, tôi đi chùa lễ Phật cầu nguyện cho mẹ bởi vì hôm đó nhằm ngày rằm tháng chín âm lịch, ngày giỗ của mẹ. Tình cờ hôm đó tại chùa cũng có đại lễ kỷ niệm bảy mươi năm ngày Phật giáo du nhập Hợp Chủng Quốc. Lễ này tổ chức liên tiếp trong ba ngày và có nhiều đại biểu từ các tiểu bang đến dự. Ngôi chùa không to lớn gì, thành thử giảng đường nơi hành lễ cũng chỉ lớn bằng giảng đường chùa Ấn Quang. Vậy mà họ gọi là đó là Mỹ Quốc Phật Học Viện (American Buddhist Academy). Cái tên thì lớn, kỳ thực chùa chỉ có một số lớp dạy giáo lýthực hành cho các cư sĩ, còn ngoài ra thì dạy pha trà, cắm hoa và đàm thoại Nhật ngữ. Chùa thuộc hệ phái Tịnh Độ Chân Tông và do hai vị trông nom: Hozen Seki vị trú trì. Và giáo sư Phillips giảng sư. Vị này trước là giáo sư ở đại học đường Delaware.

Để tôi nói sơ lược về Phật giáo bên này cho Nguyên Hưng nghe. Ở Hiệp Chủng Quốc có vào khoảng tám mươi ngàn người theo đạo Phật, trong đó phần lớn là người Nhật và người Trung Hoa hoặc đã trở thành công dân Mỹ, hoặc chưa. Trung tâm Phật giáo đặt tại 1710 đường Octario, Cựu Kim Sơn. Các “tăng sĩ” đều là tân tăng của phái Tịnh Độ Chân Tông, khoảng bảy mươi vị, hầu hết là người Nhật rải rác trong các tiểu bang, một số có mặt trong các đại học Mỹ để dạy về ngôn ngữvăn chương Nhật Bản. Có năm mươi bốn ngôi chùa lớn nhỏ rải rác khắp toàn lãnh thổ. Ngôi chùa ở Nữu Ước so với các ngôi chùa ở Cựu Kim Sơn thì nhỏ bé hơn nhiều. Trong số những người về dự lễ, tôi gặp hai tu sĩ Nam Tông khoác áo vàng, đại đức Anuruddha và đại đức Vinita một người từ tiểu bang Connecticut, còn một người từ Massachusetts. Lễ dâng hương cử hành lúc ba giờ chiều. Vị đại sứ Tích Lan, ông Susantha de Fonseka, cũng có mặt để đọc diễn văn chúc mừng.

Tôi đi bộ một mình đến chùa và đi thật thong thả. Chùa chỉ cách nơi tôi ở có năm ô (bloc) ở vào số 331 đường Riverside Drive. Khi tôi đến thì gần đến giờ thuyết pháp. Khán giả chỉ chừng hai trăm người gồm nhiều quốc tịch trong đó đa số người Nhật. Bài giảng không gây nổi cảm hứng làm tôi thất vọng. Ở đất này mà giảng như thế thì không làm sao gieo được hạt giống đạo Phật trong quần chúng. Nguyên Hưng cũng biết, giáo lý Tịnh Độ Chân Tông cũng như tổ chức của Tịnh Độ Chân Tông không khác giáo lý Thệ Phản là mấy, cả hai đều chú trọng đến tha lực. Vậy thì món ăn đó không thể nào được gọi là mới lạ đối với người Anh và người Mỹ. Thêm nữa để diễn giải giáo lý Cơ đốc của họ, đã có biết bao viện thần học, bao nhiêu nhà truyền giáo xuất sắc; trong khi đó tổ chức Tịnh Độ Chân Tông ở đây thiếu cơ sở giáo dụcđào tạo bắt chước một cách thiếu thông minh nên không thể không chứng tỏ sự kém cỏi non nớt của mình. Thực ra dân Mỹ là một dân có tinh thần tự lập tự cường; trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội, con người được đào luyện để có tinh thần tự lập ấy và để khỏi phải nương tựa và sống bám vào những kẻ khác. Như thế chắc chắn một giáo lý như giáo lý tự lực của Thiền Tông sẽ rất thích hợp với họ. Giáo lý Thiền Tông hoàn toàn căn cứ vào tự lực để xây đắp, phát triển và giác ngộ bản thân trong lúc giáo lý Cơ ĐốcTịnh Độ tự nhận khả năng thiếu kém của con ngườinhấn mạnh đến năng lực cứu độ của một thế lực bên ngoài. Cho nên Nguyên Hưng sẽ không lấy làm lạ khi thấy sự truyền bá của đạo Phật Tịnh Độ ở đây chưa gặt hái được những kết quả nào đáng kể. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng Thiền được hâm mộ một cách nồng nhiệt ở đây. Giáo sư Suzuki đã gây được những tiếng vang lớn lao về thiền học ở đất nước này. Sống trong một xã hội quá hoạt động, quá náo nhiệt, và khi đã mệt mỏi vì những tính toán những suy luận hình thức, cố nhiên người ta khao khát một cái trầm tĩnh, tươi mát và tự tại như tinh thần Thiền học. Có sống ở đây Nguyên Hưng mới thực chứng được điều đó.

Để bù lại sự thiếu kém về nội dung giá trị tư tưởng, các nhà truyền giáo Tịnh Độ ở đây phải dùng đến những hình thái sinh hoạt văn hóa Nhật. Người Mỹ ưa món ăn Nhật, nghe đàn Koto, chứng kiến các cuộc pha trà, cắm hoa, vân vân. Thế cho nên sau thời thuyết pháp, có một buổi trình diễn đàn Koto. Mà buổi trình diễn đàn Koto độc chiếc ấy đã kéo lại thăng bằng cho buổi giảng. Ngồi hai bên tôi là những người Mỹ. Họ tỏ vẻ lơ đãng trong thời thuyết pháp như họ lại đã tỏ ra rất thích thú khi nghe đàn Koto.

Tôi cũng thích những bài đã được trình diễn hôm ấy lắm, Nguyên Hưng. Nhạc sĩ Kimioto Eto. Chàng còn trẻ, vào khoảng ba mươi tuổi, khuôn mặt hiền hậudễ thương. Trong chiếc Kimono màu đen, chàng bước chậm chạp lên diễn đài, theo tay dìu đỡ của một chàng thanh niên khác. Tôi nghĩ có lẽ vì mắt chàng không trông được rõ. Sau lời giới thiệu của đại đức Saki, chàng chậm rãi ngồi xuống, mỉm cười lặng lẽ, và không nói năng chi. Sao mà tôi yêu cái dáng điệu ấy quá. Chẳng bao giờ chàng nhìn xuống khán giả. Chàng chỉ để tầm mắt trên khoảng rộng của chiếc đàn phủ khăn trắng. Và nụ cười của chàng, nụ cười thật lạ kỳ, thật là lặng lẽ, thật là hàm xúc. Tôi không ngờ ở đất này mà có được một nụ cười như vậy.

Chàng nói là chàng sẽ đàn để cúng dường ngày kỷ niệm 70 năm Phật giáo du nhập Mỹ quốc, để dâng lòng thành lên đức Từ Bi. Con số bảy, chàng nói, nó rất quan trọng đối với chàng. Cha chàng mất đây bảy năm, và mẹ chàng cũng từ trần bảy tháng trước. Nay là lễ bảy mươi năm kỷ niệm Phật giáo du nhập. Và đôi mắt nhỏ lệ. Khuôn mặt trầm lặng, tràn đầy xúc cảm; một niềm cảm xúc lẫn lộn trong tín ngưỡng, thương nhớ và bâng khuâng. Chàng đàn, những bản tự do tay chàng sáng tác. Bản đầu tiên là bản tiếng hát hy vọng. Điệu nhạc tuy trầm buồn thao thức nhưng chứa đầy sức sống nhẫn nại, chứa đầy ý chí cố gắng đi tới. Bản thứ hai là bản Gió mùa thu ngát hương thương nhớ, và bản thứ ba. Tiếng nói tin tưởng của chàng đối với đạo Từ Bi. Mỗi bài được cách khoảng với bài khác bằng một thời gian lặng yên trong nụ cười trầm tĩnh. Xong bản thứ ba, chàng nói cho mọi người biết là hai mắt chàng mù và chàng không thấy gì hết. Mọi người xúc động; tôi cũng xúc động cả tâm hồn, bởi vì trước đây không ai nghĩ rằng chàng lại là một người mù.

Nước mắt tôi muốn trào ra; tôi đứng dậy ra về trước mọi người, bỏ nữa chừng cuộc trình diễn. Tôi thấy như vậy là quá đủ. Trên con đường Bờ Sông tôi đi thong thả từng bước một, lòng thấy bâng khuâng. Nụ cười của Kimioto vẫn còn nguyên vẹn, huyền diệu, trầm lặng. Nếu không biết khổ đau, không bao giờ người ta có thể có được một nụ cười như thế. Và tôi hiểu tại sao nụ cười đã làm cho tôi xúc động ngay từ khi tôi mới trông thấy chàng.

Đường Riverside Drive vắng vẻ. Đột nhiên tôi nhớ tới lời những người bạn dặn dò không nên đi một mình trong đêm khuya trên các con đường vắng đô thành. Nữu Ước có rất nhiều bọn bất lương như bất cứ thành phố nào trên thế giới. Nghĩ như thế, tôi định rẽ sang đường 108 để trở vào Broadway. Vừa rẽ sang đường 108 tôi bỗng thấy mặt trăng, tròn như khuôn mặt hoa sen đức Phật, hiện ra giữa mảnh trời do hai nhà hàng nhà cửa cao vút bên đường chừa lại. Thật là mầu nhiệm. Mặt trăng ở về phía trước mặt tôi, và cũng đi về phía tôi đi.

Mặt trăng Rằm tháng Chín. Chắc là mẹ tôi cũng đi theo tôi đến chùa khi trăng mới mọc.

Cái mặt trăng ấy đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi nghe thuyết pháp, đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi nghe trình diễn đàn Koto. Và mặt trăng ấy bây giờ cũng lại đi theo tôi về tận nhà. Sáu năm về trước, mẹ tôi mất vào ngày trăng tròn tháng chín… Trăng khuya bao giờ hiền hòa êm dịu và mầu nhiệm như tình mẹ. Trong suốt bốn năm trời tôi có cảm giác rất rõ rệt là tôi mất mẹ. Nhưng mà có một đêm tôi nằm mơ thấy mẹ, và từ lúc đó, cảm giác kia không còn nữa. Tôi thấy mẹ tôi chưa bao giờ mất cả, và những đau khổ xót xa trước kia chỉ là những ảo giác trong một giấc mộng. Tôi còn nhớ đó là một đêm tháng tư ở cao nguyên. Tôi nằm mơ thấy mẹ tôi, dung nhan không có gì biến đổi. Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất tự nhiên, không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu đựng ý tưởng mất mẹ. Chắc Nguyên Hưng muốn hỏi tôi rằng trong bốn năm ấy tôi có lần nào nằm mơ không. Có, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi vài lần, nhưng mà những lần thấy như thế không có tác dụng gì rõ rệt sau khi tôi tỉnh thức cả.

Lần này, khi tỉnh thức, tôi cảm thấy tâm hồn bình yên một cách kỳ lạ và tôi thấy một cách rất hiện thực rằng sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của mẹ tôi không tùy thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có. Cái có với cái không là sáng tạo phẩm của nhận thức chủ quan và do có không hẳn là có và không không hẳn là không. Có là để đối với không, và không là để đối lại với có. Thực ra, đã có thì không thể nào là không, và từ không thì không thể nào sinh ra có. Tôi không muốn lý luận với Nguyên Hưng, tôi chỉ muốn nói với Nguyên Hưng, thế thôi. Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ trong giấc mơ ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi. Điều này tôi càng thấy rõ hơn khi tôi đi mở cửa đi ra vườn. Vườn đầy ánh trăng khuya dịu dàng và nhiệm mầu. Đó là sự có mặt của mẹ, nhớ thương, đó không là một sự tự an ủi mình. Tôi có thể thấy mẹ tôi bất cứ ở đâu và lúc nào tôi muốn.

Nguyên Hưng, hồi tháng tám trong lúc còn ở Medford, tôi có viết để làm quà cho những người trẻ tuổi quen biết ở nhà một đoản văn tôi là Bông Hồng Cài Áo. Ngồi ở trong nhà gỗ Pomona, tôi đã viết ra những dòng chữ giản dị kia trong lúc chim hót vang rừng. Khi tôi gửi nó đi rồi - tôi gởi cho Nhiên - tôi mới biết rằng những cảm nghĩ trong ấy phát sinh từ một cái nhìn khá mới lạ, cũng là cái nhìn mà tôi đã diễn tả trong lá thư viết cho thầy Thanh Từ. Ngày xưa nói về văn học Việt Nam, tôi cứ giảng đi giảng lại mãi câu thơ:

“mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

của Mãn Giác Thiền Sư đời Lý, rất khâm phục ý tưởng của tác giả nhưng mà chưa bao giờ đón nhận được cái tâm tư của tác giả một cách đích thực. Thì ra trong lúc nhận thức cởi mở, trong lúc cái vỏ cứng nứt rạn, ta có thể trông thấy những điều thật là mầu nhiệm. Cũng như ta có thể thấy được sự hiện hữu của cành mai trong một đêm tăm tối và lạnh lẽo của mùa Đông.

Chúng ta sinh vào thời đại trong đó sự xung đột giữa các giá trị cũ và mới đang sắp đi đến chỗ kết thúc. Tuy vậy nó chưa kết thúc được, và dấu vết của sự xung đột còn hằn lên rõ ràng trong tâm hồn chúng ta. Những câu hỏi mới của triết học đã làm cho chúng ta bơ vơ thêm, lạc lõng thêm, thao thức thêm. Trong trạng thái rối bời của tâm trí, ý niệm về sự vô lý của hiện hữu xấu xa, con người xấu xa; con người muốn tốt cũng không thể nào tốt được, hiện hữu muốn đẹp cũng không thể nào đẹp được. Trong tình trạng đó lắm khi chúng ta còn có ảo tưởng rằng chúng tatự do, chúng ta còn là chúng ta. Nhưng hẳn Nguyên Hưng cũng đã từng biết rằng kinh nghiệm bản thân rằng chúng ta nhiều khi chỉ viết chính tả, mà kẻ đọc cho chúng ta viết vốn không phải là ta mà lại là những dấu vết được ghi trên chúng ta, hoặc nói một cách khác hơn là mệnh lệnh của nghiệp lực cộng đồng. Chúng ta đã không được là chúng ta thì, nếu chúng tatự do đi nữa, tự do đó cũng không phải là tự do của chúng ta. Có lúc chúng ta không còn “ham” tự do nữa, có lúc chúng ta sợ hãi tự do: đó là tại vì chúng ta không thực là chúng ta. Chúng ta bị bao phủ rất là nhiều lớp rong rêu và vôi gạch. Chúng ta cần đập vỡ tất cả để được giải thoát. Nhưng chúng ta sợ sự đập vỡ đó, bởi vì chúng ta cứ tưởng những lớp vôi gạch rong rêu đó mà vỡ thì chúng ta cũng vỡ luôn, mà những lớp vôi gạch rong rêu đó, than ôi, có phải là chúng ta đâu.

Ngày tôi khám phá ra cái điều mà tôi nói đó, tôi bổng thấy tôi nhìn tất cả mọi vật với một cặp mắt khác lạ. Trước hết, tôi nhìn vào tôi, và tôi thấy thân thể tôi quả là một cái gì mầu nhiệm. Tôi chưa bao giờ nhìn tôi như thế. Tôi thấy không có lý do gì mà ta lại có thể nhìn thân thể ta, một trong năm phần của hợp thể ngũ uẩn, với một cặp mắt coi thường. Chúng ta có khuynh hướng coi thường những gì nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta đánh giá chúng một cách quá hạlắm khiu mê chúng ta nguyền rủa sự tồn tại của chúng. Như đôi mắt của tôi đây chẳng hạn. Vì tôi có đôi mắt, và vì tôi cho đó là một sự thực hiển nhiên - mà hiển nhiên sao được, làm gì mà hiển nhiên được một cách dễ dàng thế - cho nên tôi không chú trọng tới chúng, không cần hỏi han chúng, không nhận được thông điệp của chúng và do đó tôi mất chúng. Có cũng như không. Chỉ khi nào người ta bị mù đột ngột, người ta mới cảm nhận được sự hiện hữu trước kia của đôi mắt; nhưng cảm nhận như thế thì muộn quá rồi. Một người mù được sáng mới biết thế nào là sự hiện diện quý giá của một đôi mắt; người đó có thể sống sung sướng ngay trên trái đất, sung sướng hơn cả trên thiên đường. Thế giới đầy màu sắc này, cùng với đôi mắt kia là những gì thật mầu nhiệm, là những gì có thể hiến dâng cho chúng ta những sung sướng ngây ngất. Từ lúc đó chẳng khi nào nhìn mây trắng trời xanh mà tôi lại không nhìn với nụ cười. Thế giới đột nhiên giầu có hẳn lên và tươi sáng hẳn lên. Người mù mới sáng có thể tìm thấy thiên đường, nhưng hắn sẽ làm quen với thiên đường trong một thời gian ngắn, rồi vẫn coi thường thiên đường, cho thiên đường là cái gì hiển nhiên. Và vì vậy, hắn sẽ mất thiên đường trong vài ba tuần lễ, nhiều lắm trong vòng ba tháng. Trong khi đó một con mắt tâm linh của Nguyên Hưng sẽ không bao giờ làm mất thế giới pháp thân.

Hồi nhỏ chúng ta được dạy rằng những đau khổ lớn của con người là sinh, lão, bệnh, tử, là ước mong mà không được thành tựu, là hợp nhau mà không được chung nhau, là khắc nhau mà vẫn vẫn phải gần nhau. Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, những đau khổ đích thực của con người không nằm trong sinh, lão, bệnh, tử, không nằm trong trường hợp ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc. Nó nằm ở trong cái cách chúng ta nhìn thực tại. Quả là như vậy đó, Nguyên Hưng. Sinh lão bệnh tử, sự chia cách, sự kết hợp vẫn có những mầu nhiệm của chúng, vẫn là những đặc tính quý giá của hiện hữu. Điều quan trọng nhất là làm như thế nào ngồi yên lành trên những đợt sóng hiện tượng đó với một nụ cười của bản thể không sinh không diệt.

Tôi nhớ trong kinh Bảo Tích có một đoạn như sau đây. Phật nói: Có một người nhặt cục đất ném vào con chó. Con chó đau quá, tức giận chạy theo cục đất để cắn trả thù. Con chó không biết rằng kẻ thù không phải là cục đất mà là người ném cục dất. Cũng như vậy, những kẻ khờ dại nghĩ rằng mầu sắc, âm thanh, hương vị v.v… là nguyên do khổ đau và kết luận rằng muốn hết khổ đau thì phải tiêu diệt hoặc lánh xa sắc, thanh, hương, vị, xúc… Kỳ thực đau khổ không nằm trong sắc, thanh, hương,vị xúc. Đau khổ nằm nơi cách nhìn và sử dụng của chúng ta đối sắc, thanh hương vị xúc. Vấn đề là như thế. Chúng ta khổ đau không phải vì thực tại chất chứa khổ đau, mâu thuẫnvô lý mà vì chúng ta đã nhìn thực tại qua những lớp màn nhận thức đen tối mang nặng tư kiến tư dục của chúng ta để thấy thực tại chất chứa khổ đau, mâu thuẫnvô lý. Có lần đi xa quê nhà hằng năm phải nói tiếng ngoại quốc cả ngày tôi bổng thấy nhớ những giọng nói quen thuộc quá chừng. Lắm khi tôi ao ước được nghe những giọng nói quen thuộc ấy đến nỗi tôi nghĩ rằng vài ba phút thôi cũng đủ làm cho tôi sung sướng suốt ngày. Mà kỳ lạ thực, Nguyên Hưng, tự nhiên - sao lại tự nhiên - một buổi sáng chuông điện thoại reo và tôi được nghe tiếng của Phượng từ bên nhà gọi sang. Câu chuyện tuy ngắn ngủi và chỉ gồm có một số câu hỏi về công việc nhưng tôi cũng thấy quý giá và do đó cũng sung sướng đến mấy ngày. Từ đó mỗi khi nói chuyện với một người thân là tôi để hết tâm ý vào câu chuyện và ngthe thấy cả tiết điệu của giọng nói. Tôi phân biệt được giọng nói và cả những lo âu những cảm động những thao thức vân vân… chứa đựng trong giọng nói. Đó thật cũng là một điều mầu nhiệm. Dễ gì mà nghe được như thế, hiểu được như thế và cảm nhận được như thế. Tuy vậy trong chúng ta ai cũng có điều kiện để nghe, để hiểu để cảm nhận. Tôi không bao giờ còn thái độ khinh suất và lơ là với bất cứ một hiện tượng nào xẩy ra đến trước giác quan của tôi. Một cái lá rơi vào phòng hay một tiếng kêu của em bé chơi đùa dưới bãi cỏ non cũng là một sứ giả của hữu thể. Tôi nhìn ngắm, lắng nghe tiếp nhận thông điệp của hữu thể đó do chúng mang đến. Sự xa cách người thân yêu, sự thất vọng sự chạm trán với những gì ta không ưa thích cũng trở nên mầu nhiệm và tràn đầy tính cách xây dựng. Nhờ những thứ đó mà tôi mới được là tôi. Nguyên Hưng mới được là Nguyên Hưng và nụ cười kia mới có thể là một nụ cười. Dưới ánh sáng của cái nhìn ấy, thấy những yếu đuối những dại dột của con người cũng có những khía cạnh mầu nhiệm của chúng. Có những bông hoa khi nở rồi thì không bao giờ còn héo tàn nữa. Nhìn dưới ánh sáng ấy thì sinh diệt nào có khác chi niết bàn. Vì vậy có một đêm trong giờ tư duy tôi bỗng muốn la lên rằng: sự nghiệp của các đức Phật đã được hoàn tất tự những bao giờ, và sở dĩ nó đã hoàn tất cũng vì nó chưa bao giờ thực sự khởi đầu cả.

Nguyên Hưng, nhìn lại lịch sử nhân loại và nhìn lại quá khứ của chúng ta, Nguyên Hưng sẽ phải công nhận rằng quả tình Nguyên Hưng không thể phân biệt được cái gì là thực sự may và cái gì thực sự rủi, cái gì thực sự tốt và cái gì thực sự xấu. Chắc Nguyên Hưng còn nhớ câu chuyện người trại chủ mất ngựa. Mất ngựa có hẳn đó là rủi ro không, điều đó chỉ có một cái nhìn bao quát thời giankhông gian mới trả lời được. Bất cứ sự thành công nào cũng kéo theo sự bất lợi của nó và bất cứ sự thất bại nào cũng đóng góp được vào cái ánh sáng trí tuệ hoặc cái thành công của tương lai. Ta có thể nói rằng cái kia vừa may lại vừa rủi, vừa tốt lại vừa xấu, và như thế có khác chi nói rằng không thực sự có may, rủi, tốt, xấu mà chỉ có nhận thức ngắn và hẹp của con người tạo nên tốt xấu. Tất cả đều là những phân biệt biến kế của nhận thức. Nguyên Hưng, người ta nói rằng không thể nào thành lập được một nền luân lý nếu không thiết lập được tiêu chuẩn thiện ác. Nhưng mà mây bay hoa nở, gió thoảng, nước trôi có cần đến luân lý đâu, có cần đến tiêu chuẩn thiện ác đâu. Thế mà nhiều kẻ lại khen ngợi họ là những bậc thánh, những nhà đại luân lý, nhiều kẻ lại nhìn vào họ, xét nghiệm hành động ngôn ngữtư tưởng họ để cố thiết lập ra một nền đạo đức luân lý có cơ sở tiêu chuẩn thiện ác đàng hoàng, và gán cái nền luân lý tìm ra ấy cho họ. Họ chỉ mỉm cười. Nếu nói rằng chính họ, họ không biết thế nào là thiện là ác, thì chắc là không ai không nghĩ rằng họ nói đùa. Chỉ có người điên mới nói thực một câu như vậy. Cho nên người điên nào cũng khó tìm ra một tri kỷ để trao tâm ấn của mình. Một nhà thi hào là gì? Đó là một người không biết gì hết về kỹ thuật vần điệu. Chỉ khi nào anh không phải là thi hào, anh mới biết thế nào là vần điệu mà thôi.

Thế thì, Nguyên Hưng, thứ cam lộ mỗi ngày mà họ uống có thể được bọn phàm nhân xem là độc dược. Mà nói cho ra lẽ, thì độc dược bao giờ cũng là độc dược đối với ai. Đối với người đã nhìn thấy sự vật, thì nhận thức đồng thời là hành động; đâu có thể nói rằng ta phải thiết lập triết lý hành động trên cơ bản triết lý nhận thức, khi chúng ta còn là tù nhân của ý niệm ngôn từ thì chúng ta mới vướng vào sự phân biệt nhận thức và hành động mới có cái hăng hái trẻ con để bàn luận về triết học hành động. Đối với kẻ đã nhìn thấy thì không có sự nhận thức chân lý cũng như khôngphương châm hành động. Không có sự chứng đắc và không có đối tượng của chứng đắc. Tâm Kinh đã chẳng nói thế là gì. Và bởi vì đã là sự sống chân thực, đã là gió thoảng, là mây bay, là nước trôi, là hoa nở, kẻ kia cần gì phương châm hành động. Khi người ta bay thì người ta không cần biết đến những luật lệ những dấu hiệu đi đường của xe cộ, dù là xe lớn hay xe nhỏ. Ngôn ngữ kẻ kia sẽ là ngôn ngữ của mây, của gió, của hoa, của nước. Anh đừng đến đặt cho họ những câu hỏi vớ vẫn về triết học. Họ sẽ trả lời anh bằng một câu thơ, hoặc giả họ sẽ hỏi anh xem anh ăn cơm chưa, đã rửa bát chưa. Nếu anh bị bó chặt trong câu hỏi họ sẽ chỉ ra núi rừng:

“Bất tín, chỉ khán bát cửu nguyệt.

Phân phân hoàng diệp mãn sơn xuyên!”

Phải rồi. Không tin, hãy ngắm mùa thu đến; tơi bời lá rụng ngập sơn xuyên. Còn nếu anh cứng đầu thì họ có thể lấy gậy đánh anh cho anh chừa đi cái thói quen đem kính khái niệm đi soi chân lý. Nguyên Hưng ơi, ở Phương Bối chúng ta mà có được một thi sĩ như thế thì núi rừng đã đẹp lại càng thêm đẹp, phải không.

Trong kinh Phật, từ ngữ trang nghiêm được dùng theo nghĩa làm cho đẹp và Bồ-tát trang nghiêm Phật độ có nghĩa là sự hiện hữu của các vị Bồ-tát làm cho đất Phật đẹp đẽ hẳn lên. Tôi nhớ có lần vua Huệ Tông nhà Lý nghe danh Hiện Quang thiền sư, cho người lên núi mời ngài về cung. Người từ chối, trả lời rằng nội các vị Thiền sư tài đức hiện đang phục vụ ở thủ đô cũng đã là trang nghiêm đến điện các rồi. Sự có mặt của người đạt đạo quả có thể làm đẹp cuộc đời bằng chính đạo đức vô hành của họ. Mà đạo đức vô hành thì làm gì có tiêu chuẩn, có phương châm hả Nguyên Hưng.

Bây giờ là mấy giờ, Nguyên Hưng biết không? Còn mười lăm phút nữa là nửa đêm. Lễ Giáng Sinh sắp đến rồi. Nghĩ cũng thật là một điều mầu nhiệm. Tôi thức trong cái giờ linh thiêng này, ngồi đây viết cho Nguyên Hưng. Những ý tưởng của tôi trào lên và tôi cảm thấy dễ chịu khi trút chúng bớt xuống đầu ngòi bút. Tôi vừa nói cho em nghe về nguồn linh cảm đã khiến cho tôi biết nhìn, biết nghe thế giới hiện tượng một cách cẩn thận. Có những giây phút chỉ xảy đến một lần hoặc vài lần trong đời, xảy đến như sự xuất hiện của một vị sứ giả của chân như, một thông điệp của thực tại, và nếu ta vô tâm, ta sẽ để cho chúng đi qua và không bao giờ trở lại. Bí quyết của Thiền tông chắc hẳn là ở chỗ khám phá được đường đi nẻo về của những giây phút như thế và sửa soạn, cống hiến cơ hội cho chúng trở lại. Và cuối cùng, làm cho ánh sáng rạng rỡ của nó tỏa chiếu rạng rỡ trong một chuyến trở về, không từ đâu tới mà cũng sẽ không đi về đâu. Để tôi đọc cho Nguyên Hưng nghe bài thơ sau đây của Quách Thoại nóivề sự hiện diện của bông hoa thược dược:

“đứng yên ngoài hàng dậu

em mỉm nụ nhiệm mầu

lặng nhìn em kinh ngạc:

vừa thoáng nghe em hát

lời ca em thiên thâu

ta sụp lạy, cúi đầu…”

Nguyên Hưng có nghe gì không? Tôi thấy rất rõ là giây phút đã xuất hiện bức màn đã hé, dù trong giây lát, và thi sĩ đã thấy. Bông hoa thược dược đứng ngoài hàng dậu kia, có lẽ vì “hiển nhiên” quá, nên không ai thực sự trông thấy. Khi tâm linh ta nghe được tiếng hát bất diệt của nó và nhìn thấy nụ cười nhiệm mầu của nó thì nó không còn là một bông hoa thược dược tầm thường nữa. Nó là sứ giả, nó là thông điệp, nó là pháp thân. Tôi nhớ có lần Trụ Vũ ca ngợi:

“cánh hoa là tứ đại

mà tỏa hương tinh thần

mắt em là tứ đại

mà rạng ngời yêu thương”

Tôi tưởng Trụ Vũ không ca ngợi mà thốt ra những lời biểu lộ một sự ngạc nhiên. Giây phút cũng đã tới, ánh sáng lòe lên rồi lại tắt. Nhưng trong một đời người mà có được một lần thấy, nào có phải là ít ỏi gì đâu. Đã thấy được một lần thì có thể thấy mãi. Vấn đề là ở chỗ ta có tha thiết không, có thành khẩn không, có cẩn trọng không, thế thôi. Trong thế hệ những người trể tuổi đang bị giam giữ vào ngục tù của chán nản, của sự vô lý và sự tự khinh, ta thấy không biết bao nhiều người nhận thức thực tại như một cái gì nhầy nhụa và thân thể tâm hồn mình như một vũng bùn tanh hôi. Thảm thương biết bao. Sự giải thoát, như thế, chỉ có thể đi tìm nơi hủy diệt. Tứ diệu đế nên áp dụng trong mục đích tìm ratiêu diệt nguyên nhân của nhận thức đen tối ấy thì là một điều quý hóa. Còn nếu, vì muối giải thích biện hộ cho sự thực thứ nhất bằng cách phải bôi lem bức tranh thực tại, gán cho thực tại tính cách khổ tự nó không có gì đó là bắt đầu một cuộc vu khống to lớn. Thực tại không khổ không lạc, chỉ có qua nhận thức ta nó mới là khổ hay lạc mà thôi. Nói như thế, Nguyên Hưng ơi không phải là nói rằng những trận động đất, những con vi trùng, những trận chiến tranh, những hiện tượng sinh lão bệnh tử… là không có thực. Chúng có thực chứ, cũng như muôn ngàn hiện tượng khác. Nhưng tự thân của chúng không phải là sự đau khổ. Và con người có thể giảm thiểu sự hiện hữu của chúng đến một giới hạn nào đó. Còn tiêu diệt chúng hoàn toàn, đó là điều không thể thực hiện. Cũng như muốn có trắng mà không có đen, có dài mà không có ngắn, có sinh mà không có tử, có một mà không có nhiều. Tính cách biến kế của nhận thức tạo tác ra thế giới khổ đau, những như người thợ vẽ vẽ ra hình ma quỹ và khiếp sợ chính những bức hình của mình. Những bức hình ấy, Nguyên Hưng ơi, nào phải là ảo ảnh: nó là những bức hình có thực.

Nguyên Hưng, đêm mùng hai tháng mười tiếp sau đó là một đêm tôi cần ghi nhớ. Nguyên Hưng cứ tưởng tượng một trời đầy sao sáng, không trăng; nhưng ngôi sao nào cũng sáng cũng đẹp cũng lấp lánh, cũng to như đôi mắt của trẻ con, trên một nền trời không gợn mây. Cố nhiên khung trời đó chỉ là khung trời nội tâm. Vì hôm ấy ở thành phố tôi ở mưa gió về đầy trời. Các cửa phòng đều đóng kín. Suốt một đêm tôi không ngủ, vì có muốn đi ngủ thì “cũng không thể nào ngủ được”. Đầu hôm tôi thức để đọc Bonhoeffer, và giai đoạn chót của đời chàng đã giúp tôi làm bừng tỉnh dậy cái bầu trời đầy sao sáng sẵn có trong tâm linh mỗi người. Tôi bỗng thấy sung sướng lạ kỳ và có cảm nghĩ rõ rệt rằng tôi có thể chịu đựng nổi. Viết đến đây tôi còn thấy tâm hồn rạt rào những cảm xúc mới lạ, và có lẽ Nguyên Hưng cũng đang chia xẻ những cảm xúc ấy với tôi. Bonhoeffer chỉ là một giọt nước cuối cùng làm tách nước tràn đầy, một nhân duyên cuối cùng, một làn gió nhẹ thổi tới cho trái cây chín muồi rụng xuống. Được sống trọn một đêm như thế thì ta không nên than trách chi hết nữa về cuộc đời. Những đêm như thế đẹp lắm Nguyên Hưng; lòng ta ngập tràn thương yêu. Can đảmnghị lực dâng tràn, ta thấy óc và tim ta là những đóa hoa; những cảm xúc, những rung động, những đau khổ của chúng ta đều hiện hữu một cách rất mầu nhiệm, tuy ta biết rằng hình hài ta vẫn là hình hài của chính ta. Nguyên Hưng chớ cho rằng đó là một trạng thái tôn giáo, đạo đức hay thánh thiện của tâm hồn, khơi động do một nguồn cảm thông hay một ân huệ thiêng liêng nào. Trạng thái tâm linh ấy hoàn toàn nhân bản. Tôi biết, ngay trong giờ phút đó, không có thần thánh, không có giác ngộ ngoài tim tôi, phổi tôi, những hạch tiết tuyến, những tế bào của cơ thể tôi. Sự sống đã mầu nhiệm mà khổ đau cũng mầu nhiệm. Cuộc đời sẽ xấu xí sẽ đen tối và sẽ không thể có, nếu không có khổ đau. Trong cuộc đời không có thường có ngã nhưng cũng không có vô thường vô ngã. Không có sự chết nếu quả thực ta thấy được sự sống. Chỉ nên nói sự sống, và đừng bao giờ dại đột nói Sự sống miên viễn; mệnh đề sự sống miên viễn cũng như ý niệm trường sinh bất tử tự nó là một sự mâu thuẫn, một sự dốt nát, một sự tham lam. Tham lam chỉ là dốt nát; và tham lam dốt nát đánh mất chính sự sống.

Suốt một tháng, tôi tiếp tục tư duyquán tưởng hình dung các vị Bồ-tát trong Kinh Pháp HoaBát Nhã. Chân dung các vị ấy đẹp lắm, hèn gì các vị ấy không “trang nghiêm” được cho đất Phật. Mà cần gì là đất Phật. Cứ nói đến trái đất của chúng ta đây, sự có mặt của các vị Bồ-tát như thế cũng đủ làm cho đất chúng ta trở thành đất Phật? Cây nêu mà dân Việt dựng lên để ăn tết cũng phản chiếu ước muốn của dân ta rằng đất này là đất Phật, có phải không Nguyên Hưng.

Có khi tôi thấy các vị Bồ-tát trong hình dáng nghèo nàn và lem luốc nhưng khỏe mạnh của họ. Như Trì Địa như Thường Bất Khinh. Một người thì chuyên môn đi nối lại những cây cầu gãy và đắp lại những con đường hư làm gián đoạn giao thông và liên lạc. (Thế giới chúng ta hôm nay có biết bao niều cây cầu đã gãy đổ và bao nhiêu nẻo giao thông bị cắt đứt, hả Nguyên Hưng? Và thế giới chúng ta hôm nay đã có được bao nhiêu Trì Địa, đem tâm lực và thân lực mình để nối lại những nhịp cầu thông cảmhiểu biết giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác?) Người thứ hai thì đi đâu cũng nói vào tai mọi người rằng: ông có đủ khả năng tiến tới, vậy hãy tin ở sức mình, đừng nên có mặc cảm bất lực, đừng nên thụ động. “Tôi không dám khinh ngài, ngài sẽ thành Phật”. Bức thông điệp của bình đẳng, của tinh thần tự tín tự lực ấy nếu không do những con người kiên nhẫn như Thường Bất Khinh mang đi thì biết do ai? Nguyên Hưng cứ nghĩ đến những người dân quê ở xứ ta và những người dân quê ở các nước chậm tiến khác. Ai nói cho họ biết rằng họ tin nơi sức lực của chính họ để tạo một tương lai cho chính họ, một tương lai mà họ có quyền nắm lấy như bất cứ ai? Thế giới của chúng ta đang cần có thêm nhiều vị Bồ-tát như thế, luôn luôn trên các nẻo đường về, gieo rắc niềm tin, sự tự lực tự cường cho nhân loại. Còn Bồ-tát Quan Thế Âm nữa, mà sau này được gọi là Quán Tự Tại. Chân dung của người là chân dung của sự cảm thông và của sự tìm tới với khổ đau không ngần ngại không e sợ bất cứ một trở ngại nào. Nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời và tìm tới bằng mọi cách. Tìm tới trong bất cứ một hình dáng nào thích hợp. Nguyên Hưng, một vị tăng sĩ, một nhà chính trị, một nhà tư bản, một nhà cư sĩ, một người đàn bà, một em bé, một thiên thần, một con ác quỷ… hình dáng nào thích hợp thì dùng hình dáng ấy. “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phu nữ thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dọa xoa, càn thát bà, atula, khẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”. Nguyên Hưng có nghe không? Thế giới chúng ta ngày nay phải được cứu nguy bằng mọi mặt bằng mọi hình thức mọi hình thức mọi phương tiện theo tinh thần đại bi tự tại của Quan Thế Âm, phải được xây dựng bằng thái độ dấn thân của tinh thần Thường Bất Khinh, Trì Địa. Lại còn hình dung của Địa Tạng nữa; hình dung của một con người muốn có mặt nơi chốn nhiều đau khổ nhất của cuộc đời. Chừng nào địa ngục còn chưa trống không thì chừng ấy tôi còn phải ở lại địa ngục. Dấn thân mà với tinh thần như thế thì mới thực là dấn thân, có phải không Nguyên Hưng. Tôi tưởng ở đâu có những con người như thế là ở đấy đất phải nở hoa, dù cho ở địa ngục. Dù cho ở bất cứ địa ngục nào.

Nguyên Hưng, tiếp tục đi tìm hình dung các vị Bồ-tát, lắm lúc tôi thấy họ trong những chiếc áo thật đẹp, ngọc minh châu sáng ngời trên đầu, trên tay và trên cổ. Nguyên Hưng hãy nghĩ đến Vô Tận Ý xem. Các vị tăng sĩ thì không bao giờ được miêu tả bằng những hình dáng như vậy. Chắc chắnhình dáng đó tượng trưng cho sự trang nghiêm tịnh độ. Sự có mặt của họ làm dẹp cho cuộc đời. Áo của các vị Bồ-tát đẹp như những chiếc áo trẻ em ngày Tết. Tôi nghĩ đến một ngày hội đầu xuân. Không ai nhìn thấy khổ đau của con người rõ bằng các vị. Nhưng cũng không ai giữ được nụ cười tươi không bao giờ héo như các vị. Tôi nghe họ nói: chúng tôi không có mặt để khóc than; chúng tôi có mặt để làm đẹp cho cuộc đời. Cám ơn, cám ơn các vị. Cám ơn các bạn. chúng tôi sẽ mặc những chiếc áo đẹp nhất mà chúng tôi có thể cùng với các bạn tô điểm cho cuộc đời. Các vị sẽ sung sướng lần đầu được những người sùng bái các vị gọi các vị là bạn. Các bạn sẽ không còn bị xa cách và bị hiểu lầm do những người quá sùng kính các bạn nữa. Chúng tôi thấy sự có mặt của các bạn rồi. Chúng tôi đến đây, và chúng tôi không có một mảy may tự hào, một mảy may kiêu ngạo, phạm thượng. Chúng tôi chỉ đến với tình thương, với sự hiểu biết. Chúng tôi đã thoát khỏi chiếc vỏ cứng đã từng giam hãm chúng tôi. Này con chim hoàng oanh, cổ họng ngươi tuy bé nhỏ nhưng ngươi hãy hát lên sáng nay, để ca ngợi tính cách mầu nhiệm của thực hữu. Chuỗi ngọcVô Tận Ý vừa trao tặng cho Quan Thế Âm thì long lanh, sáng ngời, trong suốt; tràng nhạc của người cũng sẽ long lanh, sáng ngời trong suốt như thế. Để cho nắng mai tuôn chảy trên các sườn đồi như những dòng thủy tinh và để cho tất cả các bông hoa lớn nhỏ trên cánh đồng cỏ xanh đều cùng nở một lượt đón chào sự tỉnh thức mầu nhiệm.

Nguyên Hưng, tôi đã nói đến cái đêm mầu nhiệm trong đó óc tim tôi nở như những đóa hoa, và tôi tìm thấy các vị Bồ-tát không như những thần linh xa cách con người mà là những người bạn quý mà ta có thể gặp ngay trong cuộc sống này. Tình cờ mà những điều tôi thấy phù hợp với những điều trong bài “nguyện sinh” mà chúng ta thường đọc hàng ngày: Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh, bất thối Bồ-tát vi bạn lữ. Tim ta và óc ta một khi đã nở thành những đóa hoa thì những đóa hoa này sẽ không bao giờ héo cũng như những đóa sen nở ở Tịnh Độ. Sen nở thì thấy được ánh sáng và tìm được bạn đường.

Nguyên Hưng, hôm qua viết cho Nguyên Hưng, đến đúng nửa đêm Giáng sinh thì tôi ngừng lại. Tôi mặc áo thật ấm, mở cửa ra ngoài và đi đến Campus Center. Tuyết vẫn lặng lẽ rơi. Đến Campus Center tôi gặp anh Ralph Nelson đang ngồi bó gối xem TV một mình trong gian phòng rộng thênh thang. Tôi đến ngồi cạnh Ralph và theo dõi chương trình đặc biệt đêm Giáng sinh. Tôi nghĩ có lẽ Ralph buồn lắm, và cô đơn lắm trông một đêm như đêm nay. Ralph quê ở tận miền Nam, xa quá không về nhà được trong dịp lễ Giáng sinh này. Ralph đã lái xe hơi từ hôm qua, về miền tây Pennsylvania, để thăm một người bạn. Và trên đường về Princeton hôm nay, Ralph bị kẹt tuyết và suýt phải ngủ giữa đường. Ngủ giữa đường thì nguy hiểm lắm, dù là ngủ trong xe, dù là quay kín các cửa xe lên. Bởi vì trời rét lắm không thể chịu nổi. May mắn Ralph vượt khỏi chướng ngạitrở về Campus lúc mười một giờ. Tôi hỏi: “Anh cảm thấy buồn không, trong đêm Giáng sinh này, khi mọi người đều en famille? “Tôi sống lẽ loi cũng quen rồi, Ralph đáp, thành ra không buồn lắm”. Tuy vậy khi ngó anh ta, tôi biết anh ta đang buồn. May mắn lúc đó, máy truyền hình bắt đầu trình bày một phim trào lộng nên tôi thấy trên miệng Ralph một nụ cười. Một giờ rưỡi khuya chúng tôi đi Campus center. Thì ra tuyết vẫn tiếp tục rơi. Tuyết lên cao tới gần đầu gối. Tôi phải lội về Brown Hall từ giả Ralph, rồi vào phòng lau chân thay bít tất, hơ chân vào lò sưởi.

Năm ngoái tôi đi chơi suốt một ngày Giáng sinh bằng xe hơi ở vùng quê và đã chứng kiến được không khí thân mật của các gia đinh vào ngày lễ ấy. Thật không khác gì ngày tết bên ta. Trẻ con và người lớn ai cũng có quà, và có rất nhiều quà. Tôi bị một em nhỏ hỏi: “Ông theo đạo Phật hả? Vậy ở xứ ông, người theo đạo Phật như ông có ăn lễ Giáng sinh không?” Tôi trả lời: “Có chứ, bên xứ tôi người Phật tử ăn lễ giáng sinh vào ngày rằm tháng tư và họ gọi ngày Giáng sinh là ngày Phật đản.” Tôi nghĩ đến những chú bé con như thế ở trại Cherroskees và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.
 
 

Hết chương 8
Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 4366)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Ca Nguyễn Du - HT Thích Như Điển
(View: 3487)
Phật Giáo Việt Nam Tại Châu Âu - HT Thích Như Điển
(View: 8233)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Trần - Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thượng
(View: 6010)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc.
(View: 4464)
Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ - Thích Nữ Giới Hương. Hồng Đức Publishing. 2020
(View: 3427)
Tác phẩm “Xây dựng hạnh phúc gia đình” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan là cẩm nang hướng dẫn xây dựng hạnh phúc cho người Phật tử tại gia.
(View: 13196)
“Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”
(View: 5472)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch.
(View: 4267)
Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý bản PDF - Nguyễn Vĩnh Thượng
(View: 10163)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(View: 8387)
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - hồi ký về một ngôi chùa đã đi vào lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tùng Thư 2019 - Nhà xuất bản Liên Phật Hội
(View: 27578)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
(View: 6331)
Tôi đặt bút bắt đầu viết "Lời Vào Sách" nầy đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 1995 sau khi tụng một thời kinh Lăng Nghiêmtọa thiền tại Chánh điện.
(View: 6071)
Có lẽ đây cũng là một trong những viễn ảnh của tâm thức và mong rằng những trang sách tiếp theo sẽ phơi bày hết mọi khía cạnh của vấn đề, để độc giả có một cái nhìn tổng quát hơn.
(View: 6640)
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
(View: 6579)
Sống Trong Từng Sát Naphương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
(View: 5977)
Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life. Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(View: 8461)
Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) HT Thích Như Điển
(View: 5074)
Nguyệt San Chánh Pháp Số 84 Tháng 11/2018
(View: 12863)
Nhẫn nhục là thù diệu nhất vì người con Phật thực hành hạnh nhẫn nhục thành thục, thì có thể trừ được sân tâm và hại tâm, là nhân tố quan trọng để hành giả thành tựu từ tâm giải thoátbi tâm giải thoát.
(View: 22331)
Tác giả: Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đínhgiới thiệu
(View: 6838)
Cảm Đức Từ Bi - tác giả Huỳnh Kim Quang
(View: 7886)
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
(View: 7183)
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại...
(View: 6659)
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017.
(View: 9021)
THIỀN QUÁN VỀ SỐNG VÀ CHẾT - Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành - The Zen of Living and Dying A Practical and Spiritual Guide
(View: 6508)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(View: 6000)
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng, Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa, Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng, Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
(View: 14917)
TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT Thích Chơn Thiện Nhà xuất bản Phương Đông
(View: 21235)
Người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần...
(View: 7402)
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California...
(View: 7158)
Từ Mảnh Đất Tâm - Huỳnh Kim Quang
(View: 6730)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(View: 6827)
Chung trà cuối năm uống qua ngày đầu năm. Sương lạnh buổi sớm len vào cửa sổ. Trầm hương lãng đãng quyện nơi thư phòng..
(View: 6345)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(View: 7904)
Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước.
(View: 7835)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dươnglưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoátgiác ngộ cho...
(View: 9011)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn...
(View: 6877)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình...
(View: 7242)
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc...
(View: 10934)
Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - Ấn Độ - và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông...
(View: 20875)
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những gì mọi người đều công nhậngiáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật... Con Đường Thoát Khổ - Đại đức W. Rahula; Thích Nữ Trí Hải dịch
(View: 30719)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
(View: 16684)
Tập sách do Minh Thiện và Diệu Xuân biên soạn
(View: 20373)
Phật GiáoVũ Trụ Quan (PDF) - Tác giả: Lê Huy Trứ
(View: 11415)
Hạnh Mong Cầu (sách PDF) - Lê Huy Trứ
(View: 15022)
Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian...
(View: 8087)
Báo Chánh Pháp Số 48 Tháng 11/2015
(View: 10813)
Nguyệt san Chánh Pháp Tháng 10 năm 2015
(View: 8222)
Báo Chánh Pháp Số 46 Tháng 9/2015 - Chuyên đề Vu Lan - Mùa Báo Hiếu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant