(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)
Thích Mãn Giác dịch
Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1988
TẮC THỨ NĂM MƯƠI
THÙY: Vượt qua thứ lớp, siêu lên phưong tiện, cơ cơ tương ứng , từng câu hợp nhau.Nếu như chưa nhập đại giải thoát môn, đắc đại giải thoát dụng,làm sao có thể đo lường Phật Tổ, giám sát tông thừa được? Thử nói xem, trực tiếp đương đầu với cơ duyên, thuận nghịch tung hoành, làm thế nào có thể nói lên một câu xuất thân được? Thử nêu lên xem.
CỬ: Có ông tăng hỏi Vân Môn, “Trần trần tam muội là gì?”[8] Vân Môn nói, “Cơm trong bát, nước trong thùng.”
BÌNH:Các ông có thể định được công án này chăng? Nếu được thì lỗ mũi của Vân Môn nằm trong tay các ông. Nếu không được thì lỗ mũi các ông nằm trong tay của Vân Môn. Vân Môn có câu chặt đinh cắt sắt, trong một câu này có đủ cả ba câu. Có người bị hỏi về công án này bèn nói. “Cơm trong bát, mỗi hạt đều tròn. Nước trong thùng, mỗi giọt đều ướt.” Nếu như các ông hiểu như thế, các ông không hiểu được chỗ vì người của Vân Môn.
TỤNG
Cơm trong bát nước trong thùng,
Ông thầy lắm miệng khó mở mồm.
Bắc đẩu Nam Tào vị không khác,
Sóng cao tận trời dâng từ đất.
Toan không toan,
Thôi không thôi,
Đều là con trưởng giả không khố.
BÌNH: Trong bài tụng về “một lời đúng” của Vân Môn (Tắc 14) Tuyết Đậu nói, “ Một lời đúng, quá siêu tuyệt! Đóng chốt vào tấm sắt không lỗ.” Sau này trong bài tụng về việc Mã Tổ “ ly tứ cú tuyệt bách phi” (Tắc 73) Tuyết Đậu nói, “ Tạng đầu trắng Hãi đầu đen, nạp tăng mắt sáng không hiểu được.” Nếu như các ông hiểu được công án này thì các ông sẽ thấy được bài tụng.
Mở đầu Tuyết Đậu đã nói ngay, “Cơm trong bát nước trong thùng.” Trong lời của thầy ta có âm vọng, trong câu có trình bày tâm cơ.” Ông thầy lắm miệng khó mở mồm.” Sau đó bèn để thêm cước chú cho các ông. Nếu như các ông ở đây còn muốn tìm đạo lý huyền diệu để so đo, thì lại càng khó mở miệng hơn nữa. Tuyết Đậu chỉ cần (tụng) đến đây là cũng đủ rồi, song thầy ta lại thích nắm chắc từ đầu, sợ trong chúng hội có kẻ có mắt nhìn thấu được. Sau đó thầy ta phải buông long một phen, cúi thấp vì những kẻ sơ cơ, mở ra một tụng để cho thiên hạ thấy. “Bắc Đẩu Nam Tào vị không khác.”
“Sóng cao tận trời dâng từ đất.” Hốt nhiên đất bằng nỗi sóng, các ông phải làm gì đây? Nếu như nhìn trong sự vật thì dễ, còn nếu như tìm kiếm nơi ú căn, rốt cuộc rờ rẫm chẳng ra. (Công án) này cũng giốngnhư thể một thanh sắt, rút ra không được mà ghé miệng vào cũng không được. Nếu như các ông toan so đo, thì muốn hiểu cũng không hiểu được, muốn thôi cũng không thôi được, chỉ để lộ cái tối ám của mình ra. Đây chính là ý nghĩa của câu, “Đều là con trưởng giả không khố.”
Hàn San Thi có bài như sau:
Khắp nơi đều bị khổ,
Thiên hạ bàn vu vơ,
Có tài ném trong cỏ,
Không thể đóng cửa lâu.
Nhật hiện núi vẫn tối,
Khói tan thung lũng mờ.
Trong ấy con trưởng giả,
Kẻ
nào cũng không khố.
[1] Xin xem chú thích số 7 của tắc thứ bốn mươi.
[2] Có nghĩa là gây ác nghiệp đến phải đọa địa ngục vô gián (avici)
[3] “Vô sinh pháp nhẫn” (anuttpattikadharmaksànti): Bồ Tát tu đến đệ bát địa không còn thấy có một pháp nào sinh khởi cả.
[4] Nguyên văn: “Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên. Đại hà ngôn tai, vạn vật sinh yên.” Trích từ thiên “Dương Hóa” trong sách Luận Ngữ.
[5] Đoạn này bản của Ito Yuten hoàn toàn khác hẳn.
[6] Kinh Kim Quang Minh (Suvarnaprabhàsasùtra)
[7] Kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarìkasùtra)
[8] Xin xem “ Hiền Thủ Phẩm” trong Kinh Hoa Nghiêm