(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)
Thích Mãn Giác dịch
Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1988
TẮC THỨ TÁM MƯƠI TÁM
THÙY: Các phương pháp của tông môn chúng ta là như vậy, phá hai làm ba. Muốn nhập lý tham đàm, cũng cần phải dùi mài mới được. Đối diện với cơ biến mà làm chủ chốt, phá vỡ xiềng xích vàng và các quan kiện huyền áo. Theo lệnh mà hành sự, tảo trừ tất cả các dấu vết. Thử nói xem, lúng túng ở chỗ nào? Thử nêu lên cho những người có mắt trên đỉnh đầu xem.
CỬ: Huyền Sa dạy chúng rằng, “Các bậc lão túc ở khắp nơi đều nói về việc tiếp vật lợi sinh. Hốt nhiên gặp phải ba loại người bệnh phải tiếp họ như thế nào? Gặp phải người mù thì dù mình có dơ trùy dựng phất trần họ cũng chẳng thấy. Gặp phải người điếc thì dù mình có nói về tam muội họ cũng chẳng nghe. Gặp phải người câm thì dù có bảo họ nói họ cũng chẳng nói được. Vậy thì phải tiếp những người ấy như thế nào? Nếu như không tiếp được, hóa ra Phật pháp không linh nghiệm sao?”
Có ông tăng hỏi Vân Môn về vấn đề trên, Vân Môn nói, “Ông lễ lậy đi cái đã.” Ông tăng lậy xong đứng dậy. Vân Môn lấy gậy thọc vào người ông tăng, ông tăng lui lại. Vân Môn nói, “Ông đâu có bị mù.” Rồi Vân Môn lại gọi ông ta bước đến gần, ông tăng bước đến gần. Vân Môn nói, “Ông đâu có bị điếc.” Vân Môn nói, “Ông có hiểu không?” Ông tăng nói, “Không hiểu.” Vân Môn nói, “Ông đâu có bị câm.” Ông tăng bèn tỉnh ngộ.
BÌNH: Huyền Sa tham Thiền đến mức độ cắt đứt tất cả các tính trần ý tưởng, tự tại thanh thoát, cho nên mới biết nói như vậy. Lúc ấy Thiền thịnh hành và các tự viện ngóng vọng lẫn nhau, Huyền Sa thường dạy chúng rằng, “Các bậc lão túc ở khắp nơi đều nói về việc tiếp vật lợi sinh. Hốt nhiên gặp phải ba loại người bệnh phải tiếp họ như thế nào? Gặp phải người mù thì dù mình có dơ trùy dựng phất trần họ cũng chẳng thấy. Gặp phải người điếc thì dù mình có nói về tam muội họ cũng chẳng nghe. Gặp phải người câm thì dù có boả họ nói họ cũng chẳng nói được. Vậy thì phải tiếp những người ấy như thế nào? Nếu như không tiếp được, hóa ra Phật pháp không linh nghiệm sao?” Người bây giờ mà hiểu theo lối mù điếc hay câm, rôt cuộc sẽ chẳng bao giờ mò mẫm cho ra. Cho nên mới có câu nói, “Đừng có chết trong ngôn ngữ.” Cần phải hiểu ý của Huyền Sa thì mới được.
Huyền Sa thường dùng lời này để tiếp người. Có một ông tăng ở với Huyền Sa rất lâu. Một hôm lúc Huyền Sa thượng đường, ông tăng kia hỏi, “Hòa thượng có cho phép đệ tử lập luận về lời nói về ba loại người bệnh không?” Huyền Sa nói, “Cho.” Ông tăng kia bèn chào từ biệt. Huyền Sa nói, “Sai, sai!” Ông tăng kia có hiểu được ý Huyền Sa không? Sau đó Pháp Nhãn nói, “ Lúc tôi nghe Địa Tạng Hòa Thượng thuật lại lời nói của ông tăng kia, tôi mới hiểu ý của lời nói về ba loại người bệnh.” Nếu như các ông bảo rằng ông tăng kia không hiểu, Pháp Nhãn tại sao lại nói như thế? Nếu như bảo rằng ông tăng kia hiểu, tại sao Huyền Sa lại nói, “ Sai, sai!”
Một hôm Địa Tạng nói, “Tôi nghe hòa thượng có lời nói về ba loại người bệnh , có đúng vậy không?” Huyền Sa nói, “Phải”. Địa Tạng nói, “Tôi có nhãn nhĩ tỉ thiệt, hòa thượng làm sao để tiếp đây?” Huyền Sa bèn thôi. Nếu như các ông hiểu được ý của Huyền Sa, há có ở trong ngôn cú sao? Cái hiểu của Đại Tạng quả nhiên là đặc biệt.
Sau đó có ông tăng thuật lại câu chuyện trên cho Vân Môn. Vân Môn hiểu ngay ý của ông ta cho nên nói, “Ông lễ lậy đi cái đã.” Ông tăng lậy xong đứng dậy. Vân Môn lấy gậy thọc vào người ông tăng, ông tăng lui lại, Vân Môn nói, “Ông lễ lậy đi cái đã.” Ông tăng lậy xong đứng dậy. Vân Môn lấy gậy thọc vào người ông tăng, ông tăng lui lại.Vân Môn nói, “Ông đâu có bị mù.” Rồi Vân Môn lại gọi ông ta bước đến gần, ông tăng bước đến gần, Vân Môn nói, “Ông đâu có bị điếc.” Vân Môn nói, “Ông có hiểu không?” Ông tăng nói, “Không hiểu.” Vân Môn nói, “Ông đâu có bị câm.” Ông tăng bèn tỉnh ngộ. Nếu như ông tăng kia là một tay ngon lành thì ngay khi Vân Môn nói, “Ông lễ lậy đi cái đã,” bèn lật đổ ngay giường Thiền, để xem có còn có lắm dây dưa như thế nữa không? Song thử nói xem, chỗ hiểu của Vân Môn và chỗ hiểu của Huyền Sa là giống hay là khác? Chỗ hiểu của hai người ấy chỉ là cùng một loại.
Nhìn xem cách cổ nhân bầy ra ngàn vạn phương tiện. Ý nằm ở đầu lưỡi câu. Biết bao nhiêu là mệt mỏi cũng chỉ nhằm để những người thời nay hiểu được vấn đề này mà thôi. Ngũ Tổ Lão Sư nói, “Một người nói được song không hiểu, một người hiểu song lại nói không được. Nếu như hai người này đến tham kiến, làm sao để phân biện được họ đây?” Nếu như không phân biện được hai người này, các ông thế nào mà cởi gỡ các dính dấp cho thiên hạ được. Nếu như các ông phân biện được thì vừa thấy họ vào đến cổng, các ông đã có thể đi giầy trong bụng họ đến mấy vòng rồi. Nếu như các ông vẫn chưa tự tỉnh ngộ được, các ông đi tìm cái bát gì đây?”
Các ông đừng có hiểu theo lối mù điếc câm.Nếu như các ông so đo kiểu đó, đã có câu nói, “Mắt thấy sắc mà như mù, tai nghe thanh mà như điếc.” Lại có câu nói, “Đầy mắt không thấy sắc, đầy tai không nghe thanh. Văn Thù thường che mắt, Quan Âm luôn bịt tai.” Đến chỗ này rồi các ông phải thấy sắc mà như mù nghe thanh mà như điếc thì mới có thể không mâu thuẫn với ý của Huyền Sa được. Các ông có hiểu được ý của những kẻ mù điếc câm chăng? Nghe Tuyết Đậu tụng rằng:
TỤNG
Đui mù câm điếc,
Tuyệt dứt cơ nghi.
Trên trời dưới trời,
Vui thay buồn thay.
Ly Lâu không biện chính sắc,
Sư Khoáng há hiểu huyền ty?
Sao bằng ngồi không dưới khung cửa,
Lá rụng hoa nở tự có thời.
Lại nói có hiểu hay không?
Trùy sắt không lỗ.
BÌNH: “Đui mù câm điếc, tuyệt dứt cơ nghi.” Tất cả những cái các ông thấy với không thấy, nghe với không nghe, nói với không nói, Tuyết Đậu một lúc quét sạch cả. Đến nỗi các kiến giải so đo theo kiểu đui mù câm điếc trong một lúc dứt bặt chẳng còn sử dụng được nữa. Sự việc hường thượng này có thể gọi là mù thật điếc thật câm thật vô cơ vô nghi.
“Trên trời dưới trời, vui thay buồn thay.” Tuyết Đậu một tay nâng lên một tay đè xuống. Thử nói xem vui cái gì? Buồn cái gì? Vui thay là vì câm là không câm, điếc mà không điếc, buồn thay là vì rõ ràng là không mù mà lại mù, rõ ràng là không điếc mà lại điếc.
“ Ly Lâu không biện chính sắc.” Nếu như không phân biện được xanh vàng trắng đỏ tức là mù. Ly Lâu là người thời Vua Hoàn Đế (ba ngàn năm trước công nguyên), cách xa ngoài một năm bộ vẫn có thể nhìn thấy đầu một sợi lông, có đôi mắt thật là sáng. Hoàng Đế đi chơi ở dòng sông Xích Thủy đánh rơi viên ngọc, sai Ly Lâu tìm mà tìm không được. Sai Khế Hậu tìm cũng tìm không thấy. Cuối cùng sai Tượng Võng tìm mới được. Cho nên mới có câu nói rằng, “Tượng Võng tìm mới được. Cho nên mới có câu nói rằng, “Tượng Võng lúc nào cũng sáng lạn, Ly Lạu hành trạng như sóng cao.” Ở chỗ cao vợi này ngay cả Ly Lâu để mắt nhìn mà cũng không phân biện được chính sắc.
“Sư Khoáng há hiểu huyền ty?” Thời nhà Châu (một ngàn năm trước công nguyên) Tấn Cảnh Công có người tên là Sư Khoáng tự là Tử Dã, khéo phân biện ngũ âm lục luật. Sư Khoáng có thể nghe thấy tiếng kiến đánh nhau phía bên kia ngọn núi. Lúc ấy Tấn và Sở tranh bá. Sư Khoáng chỉ còn biết đánh đờn phát khởi đề cung biết rằng Sở không thể nào thắng được. Tuy rằng Sư Khoáng có khả năng như thế, Tuyết Đậu vẫn nói rằng Sư Khoáng vẫn chưa hiểu huyền ty. Những người không điếc mà điếc, đối với cái âm thanh huyền diệu nơi cao này, thì cho dù là Sư Khoáng đi nữa cũng không hiểu được.
Tuyết Đậu nói, “Tôi không làm Ly Lâu cũng chẳng làm Sư Khoáng, sao bằng ngồi không dưới khung cửa? Lá rơi hoa nở tự có thời.” Nếu như đến cảnh giới này, tuy rằng nghe mà cũng giống như không nghe, tuy rằng thấy mà cũng giống như không thấy, tuy rằng nói mà cũng giống như không nói. Lúc đói thì ăn lúc mệt thì nằm ngủ. Để mặc lá rụng hoa nở. Lúc lá rụng là thu, lúc hoa nở là xuân, mọi cái tự có thời tiết của nó.
Sau khi đã quét sạch cả cho các ông, Tuyết Đậu lại đặt ra một con đường nói rằng, “Có hiểu hay không?” Tuyết Đậu sức kiệt tinh thần mệt mỏi; chỉ nói được rằng “trùy sắt không lỗ.” Câu này các ông phải mai để mắt nhìn thì mới thấy được. Nếu như toan lý luận là các ông lại để lỡ mất nó ngay.
Viên Ngộ dơ phất trần lên nói, “Các ông có thấy không?” Rồi lại đạp lên giường Thiền một cái , nói, “Các ông có nghe không?” Rồi lại bước xuống khỏi giường nói, “Các ông có nói được không?”