- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
Chương I - TỔNG QUAN VỀ ẤN ĐỘ
IV. XÃ HỘI ẤN-ARYEN
Dân du mục – Nông dân – Công nhân – Thương nhân – Tiền tệ và tín dụng – Luân lí – Hôn nhân – Phụ nữ
Những người Aryen đó sống ra sao? Mới đầu họ sống nhờ chiến tranh và cướp bóc, rồi nhờ chăn nuôi, cày bừa, và các tiểu công nghệ cũng giống như các tiểu công nghệ châu Âu thời Trung cổ, vì chúng ta có thể bảo rằng từ thời đại tân thạch khí cho tới cuộc cách mạng kĩ nghệ tạo nên nền kinh tế hiện thời của chúng ta, đời sống hàng ngày của loài người đâu cũng như nhau, không có gì thay đổi. Người Ấn-Aryen nuôi bò cày và vắt sữa bò, không coi bò là một linh vật, và hễ có thể kiếm được thịt thì cứ ăn, sau khi dâng một vài miếng cho các tu sĩ hoặc các vị thần. Người ta ngờ rằng Phật Thích Ca sau khi nhịn ăn trong hồi trẻ, về già ăn thịt heo, bội thực mà tịch (trong cuốn Mahatma Gandhi của Gray, R.M. và Parekh, MC). Họ trồng lúa mạch nhưng hình như trong thời đại Veda[15], họ chưa biết trồng lúa. Ruộng là của công, phân phát cho mỗi gia đình trong làng nhưng công việc dẫn thuỷ nhập điền thì làm chung, tuyệt nhiên không được bán ruộng đất cho người làng khác và chỉ được truyền lại cho con trai, cháu trai thôi. Đại đa số dân chúng là tiểu nông cày cấy lấy ruộng của mình, người Aryen rất tởm cái lối làm việc lãnh tiền công. Ta có thể tin rằng thời đó không có đại điền chủ, không có kẻ nghèo quá, không có bọn triệu phú cũng không có những túp liều bẩn thỉu.
Tại các châu thành, có bọn thợ thủ công độc lập và bọn tập nghề, họ làm đủ mọi nghề lặt vặt, cả ngàn năm trước công nguyên họ đã biết tổ chức chặt chẽ thành các phường: phường kim thuộc, phường mộc, phường đá, phường da, phường ngà, phường đan thúng mủng, sơn nhà, trang hoàng, làm đồ gốm, nhuộm, đánh cá, chèo ghe, săn bắn, đánh bẫy, làm đồ tế, làm mứt, cạo râu, đấm bóp, bán hoa, làm bếp. Như vậy ta thấy đời sống của họ khá phát triển. Phường tự qui định lấy công việc làm ăn và có khi còn làm trọng tài xử các cuộc xích mích trong gia đình, trong phường nữa. Cũng như ở châu Âu, giá cả không tuỳ theo luật cung cầu, người bán nói thách mà kẻ nào ngớ ngẩn thì phải mua đắt, tuy nhiên ở triều đình cũng có một viên chức xem xét các món hàng và định giá bán cho người sản xuất.
Trên bộ, giao thông và chuyên chở dùng ngựa và xe bò hai bánh, nhưng cũng như thời Trung cổ ở châu Âu, có cả ngàn nỗi trắc trở: tới biên giới của một tiểu quốc, các thương đoàn phải trả thuế rất nặng, ấy là chưa kể phải đóng tiền mãi lộ cho bọn lục lâm nữa! Trên thuỷ, sự chuyên chở phát triển hơn. Khoảng 860 trước công nguyên, các tàu buồm nhỏ thôi, dùng rất nhiều mái chèo chở các thổ sản đặc biệt qua bán ở Mésopotamie, Ả Rập, Ai Cập: hương thơm, hương liệu, tơ lụa, bông vải, khăn san, sa lượt, trân châu, hồng ngọc, mun, gỗ quí, gấm thêu ngân tuyến, kim tuyến.
Vì cách thức trao đổi bất tiện nên thương mại không phát triển: mới đầu dùng cách đổi chác bằng hiện vật sau dùng gia súc làm bản vị, các cậu phải mua vợ bằng bò, thiếu nữ Ấn Độ thời xưa cũng như các “cô đem bò về cho cha mẹ” trong truyện Homère. Sau cùng người ta dùng một thứ tiền đồng rất nặng, chỉ được tư nhân đảm bảo thôi. Không có ngân hàng, tiền dành dụm được thì giấu trong nhà, chôn dưới đất hoặc giao cho bạn thân giữ dùm. Tới thời Thích Ca, người ta bắt đầu dùng tín dụng: thương nhân ở các tỉnh khác nhau giao tín dụng trạng cho nhau. Và đôi khi người ta có thể vay tiền của họ, lãi 18 phân mỗi năm, họ cũng dùng nhiều hối phiếu. Hệ thống tiền tệ đó không làm nản lòng các con bạc và những con thò lò đã thành một vật cần thiết cho văn minh. Có nhiều khi nhà vua mở sòng bạc cho dân chúng nướng tiền – y như Monaco ngày nay – để cho quốc khố thêm dồi dào. Chúng ta có thể cho như vậy là xấu xa vì ngày nay chúng ta không quen thấy chính phủ làm tiền dân cách đó.
Trong công cuộc làm ăn buôn bán, người Ấn Độ thời Veda rất lương thiện. Các vua chúa thời đó, cũng như vua chúa Hi Lạp thời Homère, nhiều khi ăn cướp bò lẫn nhau, nhưng sử gia Hi Lạp chép các chiến dịch của Alexandre, khen người Ấn Độ là “rất liêm khiết, rất biết lẽ phải trái, ít khi kiện nhau, và rất lương thiện, cửa không phải cài then, giao hẹn với nhau không phải làm giấy, và trung thực rất mực”. Trong Rig Veda có nói tới tội loạn luân, thói ve vãn, mãi dâm, phá thai, gian dâm, có cả vài trường hợp đồng tính ái nữa, nhưng cảm tưởng chung khi đọc các kinh Veda và các anh hùng trường ca là đời sống trong gia đình và sự giao thiệp giữa trai gái Ấn Độ thời đó rất đàng hoàng.
Muốn có vợ, người ta có thể mua hoặc cướp đoạt, hoặc ve vãn rủ rê. Cách sau cùng không được phụ nữ ưa, họ cho rằng không được vẻ vang bằng cách thứ nhất mà cũng không thích thú bằng cách thứ nhì. Chế độ đa thê được chấp nhận, và trong giới sang trọng còn được khuyến khích nữa: nuôi được nhiều vợ, đẻ được nhiều con để nối dõi là điều đáng khen. Truyện nàng Draupadi cưới một lúc năm ông chồng anh em ruột thịt với nhau, là một trường hợp của cái tục đa phu kì cục trong các bản anh hùng ca, tục đó còn lưu truyền ở Tích lan tới năm 1859 và hiện nay còn sót lại ở vài làng trong miền sơn cước Tây Tạng. Nhưng chế độ đa thê thịnh hành hơn. Đó là đặc quyền của giới đàn ông có mọi quyền hành độc đoán trong gia đình, có thể nói vợ, con là sở hữu vật của họ, trong một vài trường hợp, họ có quyền bán vợ, đợ con hoặc “tước tập cấp” của vợ con.
Tuy nhiên thời Veda, phụ nữ Ấn Độ được hưởng nhiều tự do hơn các thời sau nhiều lắm. Mặc dù bị các hình thức hôn nhân bó buộc, họ có quyền được chọn chồng. Họ được dự các buổi hội hè, khiêu vũ và cùng với đàn ông làm tế lễ. Họ có thể đi học và như Gargi[16], tranh luận về triết lí. Chồng chết, họ có thể tái giá. Trong thời đại người ta gọi là “thời đại anh hùng”, phụ nữ cơ hồ mất một phần những tự do đó. Người ta không cho họ học hỏi nữa, lấy lẽ rằng “đàn bà học kinh Veda thì quốc gia sinh hỗn độn”, các quả phụ ít tái giá hơn trước, tục purdah bắt đầu xuất hiện, đàn bà phải cấm cung, không để cho đàn ông thấy mặt, đi ngoài đường hoặc ngồi xe phải đeo khăn voan, và tục quả phụ phải hoả thiêu theo chồng, thời Veda chưa có, lúc này đã bắt đầu phổ biến. Người đàn bà lí tưởng thời này là người đàn bà tả trong anh hùng ca Ramayana: nàng Sita trung thành xuất giá tòng phu, một mực khúm núm vâng lời chồng cho tới suốt đời, can đảm chia sẻ mọi cảnh gian nan với chồng.