Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ HAI
ẤN ÐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG
Bihar, vùng đất thánh
Ði dọc sông Hằng
Hoa Thị Thành
Na-lan-đà, đại học Phật giáo đầu tiên
"Vui đẹp thay thành Vương Xá"
Trên đỉnh Linh Thứu
Từ Linh Sơn, nhớ về Yên Tử
BIHAR, VÙNG ĐẤT THÁNH
Ngày nay Ấn Độ là một quốc gia thống nhất với 25 tiểu bang và 800 triệu dân. Trong số các tiểu bang thì Bihar là một vùng đất đặc biệt nằm phía Đông Bắc Ấn Độ với thủ phủ là Patna. Bihar rộng khoảng nửa nước Việt Nam và với một số dân khoảng 90 triệu người, tiểu bang này có mật độ dân cư rất cao.
Bihar được xem là vùng đất thánh của Ấn Độ không phải chỉ vì có sông Hằng chảy qua. Đó là một vùng đất lạ lùng vì nó là nơi sản sinh và hoạt động của nhiều thánh nhân vĩ đại của Ấn Độ. Cách đây hơn 25 thế kỷ, đây là cũng là vùng hoạt động chính của Phật Thích-ca. Tại Bihar ngày xưa trong thế kỷ thứ hai sau công nguyên đã thành hình viện Phật học Na-lan-đà. Đây là nơi các vị luận sư nổi tiếng như Long Thụ, Trần Na giảng dạy, là nơi các vị tổ thiền Ấn độ lưu trú, là chỗ đón tiếp những khách hành hương đến học tập như Pháp Hiển, Huyền Trang. Bihar cũng là quê hương của rất nhiều vị Đại thành tựu giả [1], đó là những vị có chung một đặc điểm là trong một đời người mà giác ngộ giải thoát sau khi
trải qua nhiều cuộc khủng hoảng.
Những vị đó là những thánh nhân kỳ dị mới đầu mang đầy ô nhiễm của thế nhân, nhưng cuối cùng lại biến dục lạc thành phương tiện giác ngộ. Đó là những du già sư xuất hiện
cuối cùng trước khi đạo Phật diệt vong tại Ấn Độ. Trong các vị này có một kẻ mang tên Ti-lô-pa, đây là vị tổ đầu tiên của phái Ca-nhĩ-cư của Tây Tạng [2]. Ngày nay người ta còn nhắc tới Tan-tê-pa, người mê đánh bạc, chỉ cần quán “thế giới cũng rỗng như túi tiền của mình“ mà ngộ Tính
Không. Hay Kan-ka-ri-pa, kẻ say đắm nữ sắc, người được dạy hãy quán nữ nhân của mình là thần Không hành nữ [3] và nhận ra “mọi sắc thể đều do tự tính biến hiện“. Họ làm ta nhớ đến Từ Đạo Hạnh của Việt Nam trong thế
kỷ 12, trong một đời mà từ bỏ hắc đạo để “làm Phật làm tiên“ [4].
Vì thế Bihar có một lịch sử của hai ngàn năm trăm năm. Ngày Phật còn tại thế thì phía nam sông Hằng của vùng này là một tiểu quốc tên gọi là Ma-kiệt-đà, tại phía bắc là nước Kiều-tát-la [5]. Thời đó vua của Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la và kinh thành của ông là Vương Xá, thị trấn này ngày nay có tên là Rajgir. Như đã nói trong phần trước, ông chẳng may có người con trai ngỗ nghịch là A-xà-thế. A-xà-thế giam cha mẹ vào ngục, bỏ đói đến chết, giành ngôi vua và dời đô lên phía bắc Vương Xá, đến Hoa Thị Thành [6], nằm trên bờ nam sông Hằng. Hoa Thị Thành phồn vinh suốt cả ngàn năm, ngày nay có tên là Patna. Patna chính là thủ phủ của tiểu bang Bihar, có sân bay nội địa.
Trở lại chuyện ngày xưa thì sau đời A-xà-thế là một triều đại phồn vinh có tên là Maurya [7] lên ngôi, với sự lãnh đạo của nhà vua Chandragupta. Ông lấy Hoa Thị Thành làm kinh đô, thống nhất các vương hầu làm thành một thế lực hùng mạnh. Hồi đó là thế kỷ thứ ba trước công nguyên mà Chandragupta đã bắt đầu liên lạc với các nhà vua Hy lạp. Thế nhưng lúc đó cũng chưa phải là giai đoạn vàng son vì lịch sử phải đợi đến một người cháu của Chandragupta tên gọi là A-dục (Ashoka) mới lên đến tột đỉnh.
A-dục trị nước từ năm 269-232 trước công nguyên và
vương quốc của ông hùng hậu chưa từng thấy, trải dài từ Kashmir phía bắc đến Mysore miền nam, từ Bangladesh đến Afganistan ngày nay, hầu như toàn bộ nước Ấn Độ mênh mông bây giờ. Nhưng quyền lực bao giờ cũng phải được trả giá bằng xương máu, nhất là thời phong kiến của A-dục. Ngày nọ trên một bãi chiến trường đẫm máu, ông động tâm sâu sắc, thề không nhúng
tay vào chinh chiến nữa. Ông tìm nơi Phật Thích-ca là người thầy của mình, cho xây dựng trong vương quốc của mình khoảng 30 trụ đá [8], 18 tấm thạch bích ghi lại những lời giáo hóa và tán thán về đức Phật mà ngày nay người ta còn tìm thấy tại Bihar, Orissa, Delhi, Sarnath.
A-dục cho nhiều sứ giả mang kinh sách, tranh tương đi khắp nơi các vùng Đông Á để truyền bá đạo Phật. Huyền sử chép rằng ông có làm quà cho Trung Quốc một bức tượng của Phật Thích-ca, bức tượng đó ngày nay được thờ tại Lhasa Tây Tạng, bức tượng «biết nói», được xem như thiêng liêng nhất của Tây Tạng [9]. Con trai của A-dục là Mahendra về sau thành tăng sĩ, người đã mang giáo pháp qua Tích Lan. Tiện đường, Mahendra cũng mang một nhánh con của cây Bồ-đề, chỗ Phật thành đạo qua Tích Lan trồng và ngày nay còn xanh tốt. Trụ đá mang đầu sư tử của A-dục cho xây dựng ngày nay là quốc huy của nước Ấn Độ.
Sau khi vua A-dục chết năm 232, vương triều Maurya sớm suy tàn, nước Ấn Độ lại chia năm xẻ bảy ra nhiều tiểu quốc và suốt 2000 năm sau đó, cho tới lúc người Anh chiếm nước này làm thuộc địa, không có một vương quốc nào trên bán đảo này mà sự hùng mạnh có thể so sánh với thời kỳ A-dục. Khoảng sáu trăm năm sau A-dục, tức trong thế kỷ thứ 4 sau công nguyên là thời đại Gupta. Gupta cũng là một triều đại rực rỡ của Ấn Độ về văn hóa, triết học và toán học. Thế nhưng triều đại Gupta không kéo dài hơn 200 năm. Khoảng thế kỷ thứ 7, một tôn giáo khác ra đời, đó là Hồi giáo.
Sau khi nhà sáng lập Hồi giáo là Mohammed chết năm 632, đạo Hồi lan đến Ấn Độ năm 712 và bắt rễ tại đây, đồng thời mối tranh chấp giữa Hồi giáo và Ấn Độ giáo bắt đầu nảy sinh. Trong những cuộc thánh chiến giữa Hồi giáo và Ấn Độ giáo sau đó, đạo Phật cũng bị suy yếu nặng nề, thế lực của Hồi giáo cũng lan tràn đến Bihar và vùng đất thiêng liêng này là kẻ chứng kiến biết bao thảm họa do lòng tin tôn giáo mù quáng gây ra. Ngày nay trên bán đảo Ấn Độ mênh mông, đạo Phật xem như đã diệt vong, chỉ còn Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Giữa hai tôn giáo đó là một sự tranh chấp sâu xa, khi âm ỉ, khi bùng nổ, nhưng nó luôn luôn hiện diện từ những bình diện chính trị cao nhất đến đời sống bình thường của nhân dân.
Tuy có một quá khứ huy hoàng nhưng Bihar ngày nay là một tiểu bang nghèo. Hoa Thị Thành hay Patna là cố đô của một thời chói lọi, lại là điểm xuất phát để đi thăm nhiều thánh tích. Vì thế tôi lấy máy bay từ Delhi đi Patna.