Tâm Không Vĩnh Hữu
• Thiền sư Chân Không (Bính Tuất -1046): Sư họVương, thế danh Hải Thiềm, quê quán ở làng Phù Đổng (nay là Tiên Sơn-Bắc Ninh), xuất thân trong một gia đình quý tộc. Lúc thân mẫu của ông mang thai, cha ông nằm mộng thấy một vị tăng Ấn Độ trao cho cây tích trượng, sau đó thì ông ra đời. Mồ côi cha mẹ từ thuở niên thiếu, ông siêng chăm đọc sách không màng đến những chuyện vui chơi. Năm 20 tuổi ông xuất gia, rồi đi ngao du khắp nơi để tìm nơi tu học Phật Pháp. Nhân duyên đưa đẩy cho Sư đến chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu (Gia Lương-Hà Bắc), nghe Thiền sư Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa mà ngộ đạo, được nhận làm đệ tử, sớm tối tham cứu thiền học, và được sư thầy truyền tâm ấn, thuộc dòng thiền Tì-ni-đa Lưu -chi, thế hệ thứ 16. Sau, Sư lên núi Phả Lại, trại Phù Lan (nay thuộc huyện Mỹ Văn-Hưng Yên) làm trụ trì chùa Chúc Thánh, ở suốt 20 năm không xuống núi để chuyên trì giới luật, tiếng thơm đồn xa đến cả tai vua.
Vua Lý Nhân Tông kính mộ, xuống chiếu mời Sư về triều giảng kinh Pháp Hoa, thập phương bá tánh kéo về nghe pháp đông như trẩy hội, ai nấy đều kính phục. Thái Úy Lý Thường Kiệt, Tướng Quốc Thân Vứu, và Thứ sử Lạng Châu đều tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với Sư bằng cách thường cúng dường để sửa chùa, xây tháp, đúc chuông… Vào tuổi ngũ tuần, Sư về trùng tu chùa Bảo Cảm ở quê hương và ở luôn tại đó. Ngày mồng Một tháng 11, năm Hội Phong thứ 9 (1100), Sư đọc bài kệ cho chúng đệ tử nghe: “Hư vô diệu thế vẫn khoe bầy/ Khắp cõi Ta Bà gió dịu bay/ Vui nhất vô vi ai cũng hiểu/ Vô vi nhà ở chính nơi đây!” Rồi nửa đêm hôm ấy, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 55 tuổi, được 36 hạ lạp. Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, công chúa Thiên Thành, Diệu Nhân Ni Sư cùng đông đảo phật tử làm lễ cúng dàng phúng viếng. Lại còn có Nghĩa Hải Đại Sư ở chùa Sa Minh dẫn đầu tăng chúng làm lễ an táng, xây tháp thờ Sư ở trong khuôn viên chùa.
• Thiền sư Chân Nguyên (Bính Tuất-1646): Sư họ Nguyễn tên Nghiêm, quê quán ở làng Tiền Liệt-huyện Thanh Trì-Hải Dương. Ông xuất gia năm 9 tuổi, quy y thiền sư Chân Trú ở chùa Hoa Yên, được ban pháp danh là Tuệ Đăng, ở đó tu học. Đến khi Thiền sư Chân Trú viên tịch, Sư đã cùng với thiền sư Như Niệm tu hạnh Đầu Đà. Sau, Sư về đến chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Lương xin theo tu học với thiền sư Minh Lương, được đặt pháp danh khác là Chân Nguyên. Sư đã đốt hai ngón tay để phát nguyện khi
thọ giới Bồ tát. Đài Diệu Pháp Liên Hoa ở chùa Vĩnh Phúc là do chính Sư
đứng ra xây dựng. Vào năm 1684, Sư còn dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm sau khi được truyền thừa y bát của thiền phái Trúc Lâm.
Năm
1692, khi Sư được 46 tuổi đời, vua Lê Hi Tông triều thỉnh Sư về kinh để
tham vấn Chánh pháp, ban cho Sư mỹ hiệu “ Vô Thượng Công”, và cúng dường cà sa. Năm 1722, vua Lê Dụ Tông phong chức cho Sư (bấy giờ đã 76 tuổi) làm Tăng Thống, và ban tước hiệu “Cung Giác Hòa Thượng”. Đến năm 1726, Sư xả thân ngũ uẩn thị tịch khi thọ 80 tuổi, được 71 tuổi hạ. Vua Lê Dụ Tông ban lệnh xây tháp “Tịch Quang” tại chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm để ghi nhớ công lao và đạo hạnh của Sư. Thiền sư Chân Nguyên là một ngọn đuốc sáng của Phật giáo Đàng Trong đương thời, với công lao phục hưng môn phái Trúc Lâm bằng cách sưu tầm, hiệu chính khắc bản các tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm mà “Giác Hoàng Điều Ngự Đại Sư” Trần Nhân Tông là Đệ nhất Tổ.
• Thiền sư Pháp Hóa (Canh Tuất-1670): Thiền sư thế danh là Lê Diệt, pháp hiệu Minh Hải, người gốc Phúc Kiến (Trung Hoa), sang Việt Nam khi mới 24 tuổi. Sư là tổ khai sơn chùa Thiên Ấn trên núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi), được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn Tự” vào năm 1716. Tục truyền rằng khi Sư muốn đào một cái giếng nước ngọt trên núi, bỗng thấy một vị tăng trẻ không biết từ đâu tới xin đào giúp. Hai người cùng đào xuống thì gặp một tảng đá cứng chặn ngang, không nản lòng, đục tiếp đá thì có nguồn nước phun lên. Có nước rồi, Sư quay sang nhìn lại thì vị tăng trẻ kia đã biến mất từ khi nào rồi. Dân gian Quãng Ngãi còn truyền tụng câu ca: “Ông thầy đào giếng trên non/ đến khi thấy nước không còn tăm hơi”. Chùa Thiên Ấn còn nổi tiếng có một quả chuông thần. Tương truyền rằng quả đại hồng chung này là quả chuông không kêu nằm ở bên chùa Chúc Tượng, được vị tổ thứ 3 của chùa Thiên Ấn là thiền sư Bảo Ấn thỉnh về sau khi tham thiền nhập định được một vị Hộ pháp mách bảo chỉ đường. Chuông mang về, thiền sư Bảo Ấn chắp tay khấn nguyện, cầm dùi khai chuông thì tiếng chuông vang vọng bốn bề, nên chuông được đặt tên là Chúc Tượng. Về lai lịch của thiền sư Pháp Hóa không được rõ ràng, người đời chỉ biết được bấy nhiêu, không rõ năm Sư viên tịch.
• Thiền sư Liễu Quán (Canh Tuất-1670): Sư thuộc dòng thiền Lâm
Tế, thế danh là Lê Thiệt Diệu, quê quán ở làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Mồ côi mẹ lúc 6 tuổi, Sư cùng với cha đến thụ giáo Hòa thượng Từ Viên ở chùa Hội Tôn. Đến khi Hòa thượng Từ Viên viên tịch,
Sư ra Thuận Hóa xin tu học với Giác Hưng Lão Tổ (người Trung Hoa) tại chùa Báo Quốc, được một năm thì phải trở về quê làm nghề tiều phu phụng dưỡng cha già. Năm Ất Hợi 1695, Sư trở ra Thuận Hóa thụ giới với Hòa thượng Thạch Liêm. Hai năm sau thì thụ giới Cụ túc với Hòa thượng Từ Lâm
tại chùa Từ Lâm. Năm Nhâm Ngọ1702, Sư đến tham yết Hòa thượng Tử Dung tại Long Sơn để cầu được dạy pháp tham thiền, thụ lãnh tám chữ “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ” về nghiên cứu đến 8 năm mới ngộ, được Hòa
thượng Tử Dung chấp nhận và khen ngợi.
Các năm về sau, Sư được chư tăng trong tông môn triệu thỉnh dự nhiều đại giới đàn tại Huế, và về
ở tại chùa Thuyền Tông. Sư rất được chúa Nguyễn Ninh Vương trọng vọng, thường mời vào cung thuyết pháp. Ngày 22 tháng 2 năm Quý Hợi 1743, sau khi viết xong bài kệ truyền lại cho chúng đệ tử, Sư thanh thoát viên tịch. Vua nghe tin, liền sắc ban bia ký, tặng danh hiệu cho Sư là “Đạo Hạnh Thụy Chính Giác Viên Ngộ Hòa Thượng”. Từ thiền phái Lâm Tế có đông đảo tín đồ ở khắp miền Trung và miền Nam, Sư đã có công khai hóa thành một nhánh lớn được gọi là dòng thiền Liễu Quán, nên được xem là vị Sơ Tổ
của phái này.
• Sư Thiện Chiếu (Mậu Tuất 1898): Sư có thế danh là Nguyễn Văn Tài, quê ở xã Long Hựu, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Thuở nhỏ Sư đã học cả Tây học và Hán học, đến khi trưởng thành thì xuất gia học Phật ở Gò Công và Sài Gòn. Từ năm 1926, Sư lần lượt trụ trì các chùa Linh Sơn, Chúc Thọ ở Gò Vấp-Gia Định. Từ năm 1922 đến năm 1945, Sư dồn hết tâm sức cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, canh tân giáo lý nhà Phật để Chánh pháp được gần hơn với con đường dân tộc trước nạn bị trị. Sư đã lập ra Hội Phật Học Kiêm Tế ở Rạch Giá để dạy chữ cho con em lao động nghèo, phát hành tạp chí Tiến Hóa để hô hào cải cách Phật giáo, tham gia phong trào cộng sản cùng Hòa thượng Trí Thiền, và bị bắt đày đi Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám, Sư được về đất liền, rồi tiếp tục tham gia kháng chiến trong cương vị một nhà tôn giáo-xã hội. Sư Thiện Chiếu một thời vang vọng tên tuổi với những cuốn sách, những bài khảo luận về Phật giáo với tinh thần cải cách mạnh mẽ, cổ xúy việc học vấn theo Tây phương trong tăng ni Phật giáo đồ. Sau năm 1954, Sư tập kết ra Bắc, sang Trung Quốc làm chuyên gia Việt Nam tại Bắc Kinh. Đến năm 1965, Sư nghỉ hưu và đến năm 1974 thì viên tịch tại Hà Nội.
• Thiền sư- giáo sư Thích Thiên Ân (Nhâm Tuất 1921): Sư có thế danh là Đoàn Văn An, quê ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Thuở nhỏ học tại Huế, rồi xuất gia tu học tại các chùa Bảo Quốc, Linh Quang… Sau, Sư được du học tại Nhật bản để chuyên tâm nghiên cứu về dòng thiền (zen) của xứ sở hoa anh đào này. Sư đỗ bằng MA vào năm 1961, đến năm 1965 thì đỗ Tiến Sĩ (Ph.D) tại Đại học Tokyo. Trở về nước, Sư giảng dạy tại Đại học Văn Khoa Huế và Sài Gòn về môn Triết học. Năm 1967, Sư được mời sang giảng dạy tại Hoa Kỳ, rồi định cư luôn ở Mỹ. Năm 1979, Sư lìa bỏ cõi phàm trần tại California lúc 58 tuổi.
• Đại đức Thích Thanh Tuệ (Bính Tuất 1946): Sư có thế danh là Bùi Huy Chương, quê ở xã Ban Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Mới 15 tuổi, năm 1960, Sư đã xin xuất gia tu tại chùa Phước Duyên (ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên), được quy y học đạo với sư trụ trì Thích Đảnh Lễ. Năm 1963, được 18 tuổi, Sư đỗ bằng Trung học Đệ nhất cấp. Chỉ vài tháng sau, trước pháp nạn, vào đêm 12 rạng sáng 13-8-1963, Sư bình thản tự thiêu để phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp nhân dân và Phật giáo trong nước. Sư để lại 4 bức thư tuyệt mệnh: một gửi cho tổng thống Diệm, một gửi về bổn sư và phật tử chùa Phước Duyên nơi Sư tu học, một gửi đến tăng ni phật giáo đồ trong nước, và bức cuối cùng là gửi về cha mẹ và thân quyến với lời lẽ hết sức cảm động. Sư tử vì đạo khi mới 18 tuổi.
TÂM KHÔNG- VĨNH HỮU
(sưu tầm & biên soạn)