- 01. Cáo Bạch Tang Lễ
- 02. Ban Tổ Chức Tang Lễ
- 03. Chương Trình Tang Lễ
- 04. Chân Dung Hòa Thượng
- 05. Tiểu Sử
- 06. Cảm Niệm Ân Sư
- 07. Mấy Dòng Tâm Sự
- 08. Sự Chết Xưa Nay Có Làm Ta Thức Tỉnh
- 09. Còn Đâu Một Bóng Áo Nâu!
- 10. Hành Trạng Hòa Thượng Thích Minh Tâm
- 11. Một Thoáng Hương Xưa
- 12. Câu Chuyện Một Buổi Chiều
- 13. Ôn Minh Tâm, Người Trồng Sen Trên Tuyết
- 14. Người Cha...
- 15. Sư Ông Của Chúng Con
- 16. Tưởng Niệm Thầy
- 17. Tất Cả Điện Thư Phân Ưu
- 18. Hình Cung Thỉnh Kim Quan Từ Phần Lan Về Pháp Quốc
- 19. Những Dòng Tưởng Niệm
- 20. Điếu Văn Tưởng Niệm của GH Âu Châu
- 21. Nhẫn
- 22. Tác Bạch Cúng Dường Trai Tăng
- 23. Cảm Niệm Ân Đức Của Sư Ông
- 24. Khóa Học Âu Châu - Ân Tình & Thành Quả
- 25. Ai Văn Bái Bạch
- 26. Trên Bàn Có Hai Đĩa Rau Muống
- 27. Cuộc đời và hành trạng Hòa Thượng Thích Minh Tâm
- 28. Đã Mất Rồi Bậc Xuất Trần Đại Sỹ
- 29. Vài Cảm Niệm Về Một Vị Hoà Thượng Đã Ra Đi
- 30. Kỷ Niệm Chuyến Đi Phần Lan Với Thầy Minh Tâm
- 31. Tưởng Nhớ Ôn Khánh Anh
- 32. Cơn Dông Giữa Mùa Hạ
- 33. Những Ngày Cuối Cùng Bên Sư Ông
- 34. Những Ngày Còn Lại
- 35. Hai Đĩa Rau Muống
- 36. Mảnh Ca Sa Lộng Sương Gió
- 37. Bài Thơ Dâng Người
- 38. Gương Thầy Năm Trước Còn «Sầu» Gió Thu !
- 39. Cảm Niệm Ân Sư
- 40. Đông Ấm Trời Âu
- 41. Một Năm Đã Trôi Qua
Paris phố mây giăng màu ảm đạm
Khánh Anh buồn tiễn biệt bóng Thầy đi
Thầy đã vào đời cách đây ba phần tư thế kỷ. Thầy xa quê cũng đã gần 50 năm trời. Từ những ngày xuất gia học đạo, rồi làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều Bình Định năm 1965-1967. Thế rồi, Thầy đã cất bước ra đi và chưa một lần trở lại. Đến xứ Hoa Anh Đào để miệt mài kinh sử, rồi Thầy vâng lệnh Giáo Hội đến Paris từ đầu thập niên 70. Kể từ ấy đến nay hơn 40 năm nơi xứ Tuyết trời Tây, Thầy đã gầy dựng biết bao nhiêu là sự nghiệp, bao nhiêu công trình cho đời, cho đạo. Giờ thì, Thầy đã thật sự an nghỉ rồi. Thầy không còn nhìn thấy những bạn đạo, học trò đệ tử của mình qua hơi thở và nhịp đập của con tim nữa, nhưng họ đã và sẽ quán chiếu những hành trạng của Thầy suốt một chặng đường dài, trải qua không biết bao nhiêu là chông gai của lịch sử và Đạo Pháp. Nhân lúc tiễn biệt Thầy, xin có đôi điều giao cảm.
Về thân giáo, Thầy đã dạy cho các đệ tử tại gia và xuất gia của Thầy bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tu tức là học, học tức là làm việc, làm việc tức là tu, tu tức là học v.v.. Đây là một định đề như tam đọan luận và từ đó, Thầy đã dùng chính bản thân của mình để chỉ bảo cho đồ chúng qua cách tu và làm việc của Thầy.
Có lần Thầy bảo:” ngày xưa còn nhỏ, lúc học trường làng thấy chúng bạn uống chai xá xị mà mình phát thèm, nhưng chẳng có tiền trong túi để mua. Còn ngày nay, cái gì cũng có, đôi khi dư thừa, nhưng chẳng ăn và uống được gì cả“. Quả là cuộc đời nó luôn luôn đối nghịch như thế.
Bao tử của Thầy đã bị cắt hết hai phần ba, ăn uống đâu có được bao nhiêu, mà ngày nào nếu thiếu mì Nhựt và rau xà lách, hình như Thầy chẳng vừa lòng. Suốt cuộc đời của Thầy, hình như chỉ nuôi sống bằng mì Nhựt là chính, chắc chắn trên bàn thờ của Thầy trong những ngày tuần thất và giỗ quải sẽ không thiếu món nầy. Năm 2005, Thầy bị mổ tim và từ đó đến nay đã bao lần mệt nhọc, thế mà Thầy vẫn không ngại tuổi cao, sức yếu, vào sanh ra tử không biết bao nhiêu lần để tranh đấu cho quê hương, cho nhân quyền và cho tự do Tôn Giáo, chỉ mong một ngày sau quê hương Việt Nam được thật sự nở ra những cánh hoa dân chủ, không còn độc tài, đảng trị như lâu nay.
Đạo Pháp và Dân Tộc trên hai vai Thầy gánh nặng ngang nhau, không biết bên nào khinh, bên nào trọng. Với hai bờ vai gầy ấy những thành quả thật nhiệm mầu. Nơi nào Thầy đến, nơi ấy sẽ yên. Quả là một cánh chim Di của đàn chim Việt đã an bang tế thế, đâu có khác gì Lê Lợi ngày xưa. Tuy Thầy không làm quan ở chốn cửu trùng, nhưng Thầy đã làm Pháp tử, con của đấng Đại Giác Thế Tôn, với tài an tâm thiên hạ. Thầy đã là một bạch hổ của trời Tây.
Về ý giáo, Thầy không thể hiện rõ nét qua sách vở, văn chương thi phú, nhưng những pháp ngữ của Thầy vẫn còn vang vọng đó đây. Đó là những kim chỉ nam cho đàn hậu học. Vốn đã làm thư ký cho Thầy hơn 40 năm qua, nhưng chưa bao giờ thấy Thầy nhăn mặt, khi một sự việc không hài lòng, cách giải quyết của Thầy là chẳng giải quyết gì cả, cuối cùng vấn đề ấy sẽ được tự giải quyết. Đây là bài tóan cao khó giải của Lưu Bang, Hạng Võ thời xưa, đời ngày nay mấy ai hiểu đựơc. Vấn đề ở đây không phải là chấp nhận hay bác bỏ, mà Thầy thừa nhận vấn đề như sự tự nhiên của nó.
Một Nguyễn Trãi công thần khuyên Vua Lê Lợi trong việc an bang tế thế vào thế kỷ thứ 15, khi Vua Lê đã dựng được nghiệp đế, thì Thầy chính là kẻ công thần ấy mà ít người nhìn ra được. Vì không có minh quân, mà tướng tài còn ẩn dật dưới nhãn hiệu một bần tăng, nhưng chúa tể sơn lâm ấy sẽ trổi mình, khi hòang thiên không phụ người có lòng tốt.
Ý của Thầy muốn dung chứa mọi khuynh hướng vào một chốn và họat động dưới một thể chế, để mong rằng thể hiện được tư tưởng tự do và bình đẳng của con người. Điều ấy hẳn tốt, vì chính nhờ vi trùng có thể nuôi dưỡng thân nầy để tồn tại mà cũng chính vì vi trùng mà ta tự hại lấy ta. Khi sức mạnh tự thân không còn nữa thì thân cát bụi sẽ trả về cho cát bụi; gió thời gian xin trả lại cho thiên nhiên. Đời hay Đạo lâu nay vốn là thế! chẳng thiên vị một ai bao giờ. Ai có đến ắt có đi, ai có còn hẳn có mất, nghìn thu vĩnh biệt từ đây!!!
Về khẩu giáo, Thầy luôn nói lời từ ái. Thỉnh thỏang vẫn có quở rầy đệ tử; nhưng với người ngòai hầu như không thể hiện tánh nóng nảy bao giờ. Đây là điểm son của người lãnh đạo. Người lãnh đạo cần phải biết hết tất cả mọi việc, chứ không cần làm hết mọi việc. Thầy đã thể hiện đúng được điều ấy. Bên trái bên phải Thầy đã có tả phù hữu bật, thì còn lo gì với bạch hổ cư Tây, anh hùng cái thế ấy! Do vậy Thầy không cần la rầy nhiều mà việc chùa , việc Giáo Hội vẫn thông suốt trôi chảy lạ thường. Có những cuộc họp Giáo Hội thật nan giải, nhưng với Thầy mọi việc đều bình thường, chỉ có cuộc họp lần cuối tại Phần Lan vào đêm 28 tháng 7 năm 2013 vừa qua lại là một cuộc họp lịch sử. Vì biên bản Thầy chưa ký và sẽ vĩnh viễn không bao giờ ký nữa. Những vấn đề đau đầu nhức óc hôm đó, sẽ để cho vấn đề tự giải quyết vấn đề. Đó có phải là ý nguyện của Thầy chăng!!!
Đối với những đòan thể quốc gia bên ngòai, Thầy cũng là một bậc long tượng của Thiền môn, ngồi giữa muôn trùng vây bủa, nào thị phi, nhân ngã, nào tán thưởng hăm dọa, vu oan . ....nhưng tất cả đối với Thầy, vật càng thối bao nhiêu, càng nuôi cây tốt bấy nhiêu; người càng chướng bao nhiêu, những kẻ ấy thể hiện là người tài. Thầy là một người nài huấn luyện tượng vương thật giỏi. Thầy là một kỵ mã giỏi như Quan Công giữa chốn quân trường. Thầy là một Bao Công đã xử án công bằng, khiến cho bao nhiêu người thấp cổ bé họng đựơc nhờ.
Tuy Thầy không chú trọng bằng cấp nhiều, nhưng chính Thầy đã đỗ đạt nhiều phẩm vị khác nhau ở Đại Học, Thầy không quan tâm về sức khỏe của chính mình. Vì Thầy ngại phiền lòng những người chung quanh phải lo lắng. Những ngày cuối của Thầy tại Phần Lan, ai cũng mong Thầy vào bệnh viện để sớm được chữa trị, nhưng Thầy mãi chần chờ. Vì Thầy không muốn xa khóa học, xa Pháp lữ và xa học trò đệ tử. Thầy đau mà như không đau. Vì Thầy nơi thân lẫn tâm chưa bao giờ thể hiện rõ điều ấy. Đời người có bốn giai đọan quan trọng. Đó là sanh, già, bệnh, chết. Thế mà Thầy đã đốt đi bớt hai giai đọan rồi, chỉ có sanh ra và chết đi, còn già và bệnh, Thầy không kinh qua cái đau đớn của già bệnh. Đây có phải là sự thị hiện vào đời của ngài Duy Ma Cật, đã thị hiện chăng! Thầy vẫn làm việc cho đến giây phút cuối cùng trên giường bệnh. Với Thầy lúc nào cũng là công việc và giải quyết vấn đề, chứ không tìm cách chạy trốn vấn đề. Đây là sự thể hiện tinh thần Bồ Tát của Thầy vậy.
Ngày Thầy bệnh nặng, mọi người đang lo lắng qua điện thọai từ Phần Lan được báo về. Bên nầy chưa kịp lo cầu an, đã phải chuẩn bị cáo bạch tang lễ chỉ trong vòng 10 phút sau đó vào sáng ngày 8 tháng 8 năm 2013 vừa qua...Trời đất đổi màu, máu chảy ngược về tim, trăng sao đều rơi rụng. Ai nghe tin Thầy ra đi cũng bàng hòang sửng sốt. Vì mới hôm qua còn nghe điện thọai, mới hôm nao ở lớp học còn nói nói cười cười, Thế mà bây giờ đã thành sự thật. Vả chăng cuộc thế vô thường, thế gian giả hợp như đức Phật đã dạy trong kinh Bát Đại Nhân Giác!
Giờ Thầy đã ra đi. Giáo Hội sẽ để trống ngôi chủ tịch, nhằm thể hiện tinh thần hiếu kính của hàng hậu côn. Ngôi vị ấy, nơi chốn kia không phải là chốn phân quyền cho ai đó được bầu vào để lãnh đạo, mà chính Thầy vẫn còn hiện hữu đó đây để lãnh đạo Giáo Hội trong cơn thử thách nầy. Có như thế tứ chúng mới đồng tu và đồng ân triêm lợi lạc được.
Ngôi chùa Khánh Anh là một ngôi chùa lịch sử, vì xây dựng suốt gần 20 năm qua chưa có một ngày dừng nghỉ. Ấy cũng chính là tâm nguyện của Thầy muốn thể hiện góp gió thành bão, không kêu gọi Phật Tử nhiều lần, khiến cho nhiều người phải thối thất đạo tâm, để ai đó cứ tùy nguyện đóng góp theo sự thở than nhẹ nhõm trên báo Khánh Anh của mình là mọi người đã tự động rồi.
Dĩ nhiên, những anh em còn lại trong Giáo Hội sẽ không làm ngơ được khi cơ đồ, ngôi Phạm Vũ Khánh Anh còn đang dang dở như thế nầy. Thế nào rồi cũng có Long Thần, Hộ Pháp chở che, gia hộ để mọi Phật sự của Khánh Anh nói riêng và của Giáo Hội sớm viên thành. Mặc dù, một tờ di chúc bằng giấy trắng mực đen Thầy không ghi lại, nhưng những lời Vô Ngôn như Phật ngày xưa, chỉ truyền tâm qua Ngài Ca Diếp chỉ một cái mĩm cười, mà mãi tận bây giờ, mấy ngàn năm sau vẫn còn lưu truyền giáo pháp ấy lại cho đời. Do vậy, đâu cần gì phải có giấy tờ văn tự, mà anh em trong Giáo Hội sẽ gánh vác cùng Thầy, mặc dù Thầy không còn hiện hữu trên cõi trần gian nầy nữa.
Tất cả các chùa, các Giáo Hội tại Âu Châu nầy hầu như chỉ nhờ vào một bàn tay, một khối óc của Thầy tạo dựng nên. Đâu có ai biết định kỳ hằng tháng xây chùa là gì! Đâu có ai rõ Hội Thiện không lời là sao! Tất cả đều nhờ Thầy tiên phương mà bao nhiêu ngôi chùa được xây dựng nên tại Âu Châu hay Canada để phụng thờ ngôi Tam Bảo. Từ chùa Viên Giác ở Đức, chùa Quan Âm ở Montreal, Canada hay các chùa tại các nước Âu Châu như Nga Sô, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Ý, Hòa Lan, Thụy Sĩ v.v...Tất cả đều ghi đậm dấu chân của Thầy. Nếu không có Thầy hiện hữu lúc ban đầu thì những ngôi chùa nầy sẽ phát triển theo một hướng khác rồi.
Trong Thầy không có kẻ thù. Nếu có chăng, chỉ là tham, sân, si, tật đố. Ai cũng là bạn của Thầy, dẫu người ấy không đồng quan điểm của Thầy. Đây là điểm son của người quân tử, như hoa sen vượt khỏi bùn nhơ, như lá sen không làm cho nước đọng lại. Tất cả rồi cũng trôi qua. Tất cả rồi cũng trở về vị trí uyên nguyên của nó. Đó là bản thể Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ. Tất cả điều nầy ai ai cũng có, chúng ta chỉ cần tánh sáng ấy hiển lộ ở mọi người mà thôi.
Nhiều đệ tử xuất gia bảo rằng đời Thầy đâu có bao giờ vui đâu, nên hình nào của Thầy cũng chẳng thấy Thầy cười. Thế mà khi Thầy mất, chụp hình thấy Thầy cười tự tại đó. Điều nầy cũng đáng nói. Ngạn ngữ của người xưa là:” khi tôi sinh ra đời nầy mọi người chung quanh tôi đều cười để mừng sự ra đời của tôi, trong khi tôi vẫn khóc o e đâu đó. Để rồi suốt trong một chặng đường dài của sanh tử, tôi phải làm một cái gì đó, để rồi một ngày nào đó tôi sẽ ra đi, mĩm cười buông xuôi hai tay, để mọi người chung quanh tôi đều khóc”. Điều nầy đã thể hiện được nơi Thầy một cách trọn vẹn rồi đó.
Chẳng còn bao lâu nữa thì cửa lò thiêu sẽ đóng lại, xác thân của Thầy sẽ không còn tồn tại như xưa nữa, nhưng đâu đó trên bầu trời hay trong chánh điện chùa Khánh Anh hay ở những ngày lễ chính tại các chùa và ngay trong những bữa cơm của các gia đình Phật Tử, những người đã chịu ơn Thầy, không bao giờ không nghĩ đến Thầy cho đến một lúc nào đó tâm thức nầy không còn chủ động được nữa mới thôi.
Bao nhiêu nước mắt mấy ngày nay đã chảy. Bây giờ mới thấy cái buồn nó len nhẹ vào hồn là sao, nhưng vẫn mãi tin rằng Thầy đã được giải thóat khi thấy hình chụp của Thầy lúc lâm chung hơi nóng, máu đỏ dồn lên đầu, chứng tỏ rằng một hành giả đã được vãng sanh. Xin chắp hai tay lại và đảnh lễ trước giác linh Thầy với câu niệm như sau
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn tứ thập tứ thế Liễu Quán Pháp Phái, khai sơn Khánh Anh Đường Thượng húy thượng NGUYÊN hạ CẢNH, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm giác linh Hòa Thượng thùy từ chúng giám.
Sa Môn Thích Như Điển