NIẾT BÀN
Tác giả: Alexander Berzin, 1978
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển, Wednesday, December 11, 2013
Ý Nghĩa Của Chữ "Niết Bàn"
Niết bàn, nirvana (S), nibbana (P), trong Sanskrit và Pali có nghĩa bóng là, một "thể trạng dập tắt". Hình ảnh của một ngọn lửa đã bị dập tắt qua việc không còn nhiên liệu nữa. Trong cách thường dùng nhất, lửa tượng trưng cho những khổ đau tái diễn không thể kiểm soát của luân hồi; trong khi nhiên liệu tượng trưng cho những cảm xúc phiền não, và nghiệp tượng trưng cho nhiên liệu. Thuật ngữ Tây Tạng cho "niết bàn" có một ý nghĩa khác. Nó có nghĩa bóng là một "thể trạng vượt khỏi khổ đau", liên hệ đến một tình trạng thoát khỏi khổ đau.
Những Loại Niết Bàn
Theo sự giải thích của tông Hoàng Mạo - Trung Quán Cụ Duyên Phái thì có hai loại niết bàn:
*Niết bàn tự nhiên - Tự tánh thanh tịnh niết bàn.
*Niết bàn thành tựu.
Niết bàn tự nhiên là một dạng khác của tánh không, cung cách thật sự mà trong ấy mọi sự tồn tại.
Có ba loại niết bàn thành tựu được đạt đến:
*Niết bàn hữu dư y.
*Niết bàn vô dư y.
*Niết bàn vô trụ xứ.
Những hệ thống Tiểu Thừa, và trong Đại Thừa, Duy Thức và Trung Quán Tự Quản Tông không thừa nhận niết bàn tự nhiên. Nó chỉ xuất hiện trong Trung Quán Cụ Duyên tông, như được giải thích bởi tông Hoàng Mạo. Hơn thế nữa, Tiểu Thừa và nhiều truyền thống Đại Thừa giải thích ba loại niết bàn thành tựu một cách khác biệt. Chúng ta hãy thẩm tra vài truyền thống này.
Sự Trình Bày của Tiểu Thừa
Theo những hệ thống Tiểu Thừa, như được trình bày trong Đại Thừa, một chúng sanh đắc niết bàn với thân thể còn lại - hữu dư, trong kiếp sống của vị ấy, vị ấy trở thành một vị A La Hớn của Thanh Văn hay Độc Giác Phật, hay một vị Toàn Giác Phật. Được gọi là hữu dư bởi vì vẫn còn sót lại những uẩn nhiễm ô của vị ấy. Có một sự hữu dư nhiễm ô còn lại bởi vì không như những hệ thống Đại Thừa, hệ thống Tiểu Thừa không thừa nhận bất cứ điều gì vô nhiễm ngoại trừ những tâm đạo thật sự (đạo đế của Bốn Chân Lý Cao Quý). Vì vậy, những hệ thống này không chấp nhận ngay cả một Đức Phật có thể có những uẩn vô nhiễm.
Với sự chết, một vị A La Hớn hay Đức Phật đạt đến niết bàn không còn thừa - vô dư y niết bàn, khi dòng suối của sự tương tục của những uẩn nhiễm ô của vị ấy bị cắt đứt, như sự dập tắt của một ngòn đèn bơ. Rồi thì chỉ có một sự chấm dứt thật sự tĩnh tại (diệt đế). Hai loại niết bàn này, hữu dư y và vô dư y, cùng với nhau, được gọi là giải thoát (S: moksha, P: mokkha).
Niết bàn vô trụ xứ là thể trạng bất biến tĩnh tại của Giác Ngộ tròn vẹn được đạt đến bởi một Đức Phật trong khi ngài đang tại thế. Bởi vì trong thể trạng này, một Đức Phật không duy trì trong cực đoan của khổ đau tiếp tục luân hồi cũng không ở trong cực đoan thụ động niết bàn vô dư y của một vị A La Hớn Tiểu Thừa, cho nên được gọi là "vô trụ xứ".
Sự Trình Bày Phổ Thông của Đại Thừa
Mặc dù không có sự thống nhất hoàn toàn, theo quan điểm của Đại Thừa, chỉ những vị Thanh Văn và Độc Giác Phật đạt đến niết bàn hữu dư khi các vị đạt đến quả A La Hớn trong kiếp sống của các vị ấy. Các vị ấy vẫn còn một sự sót lại của các uẩn nhiễm ô. Với sự viên tịch của các vị ấy từ kiếp sống mà các vị đã đạt đến quả A La Hớn, các vị Thanh Văn và Độc Giác Phật đạt đến niết bàn vô dư y. Các vị ấy không còn những uẩn nhiễm ô; tuy nhiên, sự tương tục tinh thần của các vị ấy không dập tắt (chưa thật diệt) như sự thừa nhận của những hệ thống Tiểu Thừa. Sự tương tục của các vị ấy tiếp diễn với những uẩn vô nhiễm - nói cách khác, với thân thể thanh tịnh, an trú hầu hết trong Phật độ. Cuối cùng, họ sẽ tiếp tục đi trên con đường Bồ tát. Hai loại niết bàn được đề cập với A La Hớn Tiểu Thừa vẫn được gọi là "giải thoát".
Những thuật ngữ niết bàn hữu dư y và niết bàn vô dư y không áp dụng cho những Đức Phật. Ngay lập tức với sự Giác Ngộ của các ngài, chư Phật có các uẩn vô nhiễm. Một Đức Phật chỉ đạt vô trụ xứ niết bàn, vẫn được định nghĩa như không duy trì trong cực đoan khổ đau tiếp tục luân hồi cũng không ở trong cực đoan niết bàn vô dư y của A La Hớn Tiểu Thừa.
[See: Fine Points Concerning the Physical Bodies of Buddhas and Arhats .]
Sự Trình Bày của Trung Quán Cụ Duyên Tông Theo Truyền Thống Hoàng Mạo
Theo truyền thống Hoàng Mạo Tây Tạng, hệ thống Cụ Duyên Tông có một cung cách đặc thù của việc định nghĩa những loại niết bàn khác được thành tựu. Những gì một vị Thanh Văn hay Độc Giác Phật đạt đến vẫn gọi là "giải thoát" và những gì Đức Phật đạt đến là "vô trụ xứ niết bàn". Tuy nhiên, cả hai thứ này được phân thành niết bàn hữu dư y và niết bàn vô dư y.
Với sự quan tâm đến một A La Hớn Thanh Văn hay Độc giác Phật, niết bàn vô dư y liên hệ đến những thể trạng của họ trong lúc hoàn toàn thể nhập với tánh không (thắng định, đẳng dẫn, tam ma hý da, samahita), khi không có hiện tướng có thể tìm thấy một sự tồn tại chân thật. Niết bàn hữu dư y liên hệ đến thể trạng của họ trong những thời điểm sau đấy, khi hành thiền trên những đề mục khác hơn là tánh không, hay khi hoàn toàn không hành thiền gì cả. Bởi vì những vị A La Hớn như vậy chưa vượt thắng những chướng ngại nhận thức, [sở tri chướng], ngăn trở việc toàn giác, được gọi là những thói quen kiên cố chấp thủ vào sự tồn tại cố hữu [pháp chấp], hiện tướng làm ra một kiểu thức không thể tồn tại [có tự tánh] trở lại trong những thời điểm như vậy. Vì vậy, Trung Quán Cụ Duyên Tông đặc biệt thừa nhận, trong ý nghĩa này, là niết bàn vô dư y được đạt đến trước niết bàn hữu dư y.
Tuy nhiên, khi liên hệ đến một Đức Phật, một sự phân biệt như vậy giữa niết bàn hữu dư hay vô dư y thì không nói đến trong dạng thức hoặc là có hay không có hiện tướng làm nên một sự tồn tại chân thật có thể tìm thấy. Một Đức Phật đã chiến thắng ngay cả những thói quen bất giác vốn đã đưa đến một hiện tướng [có tự tánh] như vậy và luôn luôn hoàn toàn thể nhập trong tánh không ngay cả trong khi hành động. Thế nên, trong liên hệ đến những Đức Phật, niết bàn hữu dư hay vô dư y là những khía cạnh khác của thể trạng vô trụ xứ niết bàn. Niết bàn hữu dư y liên hệ đến những Thân Hình Sắc Giác Ngộ (Sắc thân * Rupakaya) và vô dư y niết bàn liên hệ đến Thân Tỉnh Thức Thậm Thâm Bao Hàm Tất Cả (Tuệ Giác Thân * Jnana-Dharmakaya) của một Đức Phật.
Nirvana