- Lời Giới Thiệu
- Lời Người Dịch
- Tựa
- 1. Nghĩa Không Của Trung Luận
- 2. Long Thọ Và Những Bộ Luận Của Ngài
- 3. Duyên Khởi Sanh Diệt Và Bất Sanh Bất Diệt
- 4. Phương Pháp Luận Về Trung Đạo
- 5. Luận Đề Căn Bản Của Trung Quán Luận
- 6. Bát Bất
- 7. Hữu Thời – Không - Động
- 8. Luận Về Thật Tướng Của Các Pháp Theo Trung Quán
- 9. Trung Đạo Hiện Tượng Và Thật Tánh
- 10. Luận Về Nhị Đế
TRUNG QUÁN LUẬN
Đại Sư Ấn Thuận - TT. Thích Nguyên Chơn dịch Việt
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2008
Chương Mười
LUẬN VỀ NHỊ ĐẾ
TIẾT I : Tổng Quát
Nhị đế là một luận đề rất căn bản trong Phật pháp. Mục đích của Phật pháp là dẫn dắt chúng sanh chuyển mê khải ngộ, mà phương pháp dẫn đạo là lấy nhị đế làm gốc, cho nên cần phải hiểu Nhị đế một cách xác thực. Chương Nhị đế do các đại Sư Gia Tường, Khuy Cơ soạn, các tông phái khác cũng rất xem trọng. Trung luận ghi : “Chư Phật căn cứ vào Nhị đế thuyết pháp độ chúng sanh, đó là thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế. Nếu người không biết phân biệt Nhị đế thì sẽ không nhận được nghĩa chân thật của Phật pháp”. Luận theo giáo nghĩa thì đức Phật dùng phương thức nhị đế để thuyết pháp độ chúng sanh, cho nên nếu không biết Nhị đế một cách xác thật thì không thể hiểu rõ Phật pháp. Luận Thập Nhị Môn ghi: “Nếu không biết Nhị đế thì sẽ không biết lợi mình, lợi người và cùng lợi”. Người tu học Phật pháp không ngoài mục đích lợi mình, lợi người và cùng lợi. Cho nên có thể thấy việc tu học Phật pháp cần phải lý giải rốt ráo Nhị đế.
Nhị đế là thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế hay tục đế và chân đế. Phật y cứ vào Nhị đế để thuyết pháp, mà chủ yếu nhất trong Nhị đế là phàm Thánh Nhị đế hoặc có thể gọi là tình trí nhị đế, hữu không nhị đế. Phàm phu do mê tình vọng chấp không ngộ chân lý; cảnh giới của phàm tình là thế giới thường biết, là thế tục hữu, thế tục đế. Thế, nghĩa là đổi dời; tục là giả dối không thật. Theo Phạn ngữ thì thế tục là che đậy, chướng ngại; nghĩa là phàm tình bị tâm hư vọng không chân thật chướng ngại chân tướng. Thắng nghĩa đế là tri kiến bậc Thánh thể ngộ bản tướng các pháp, sự nhận thức bình thường không thể biết được. Đó là cảnh giới chân trí thù thắng, là thắng nghĩa, tức đệ nhất nghĩa đế. Phật pháp giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ từ mê mà được ngộ, từ phàm vào Thánh, chủ yếu dùng Nhị đế này làm phương thức căn bản để lập giáo. Có nhiều dạng thức giải thích Nhị đế, nhưng chủ yếu là làm thế nào để chúng sanh từ cảnh giới mê chấp mà vào được cảnh giới của Thánh giáo. Chúng sanh do vô minh vọng chấp, cho tất cả pháp là thật có, do đó mà dẫn đến lưu chuyển sanh tử. Muốn người được giải thoát, điều tất yếu là phải khai thị cho họ ngộ được các pháp chẳng phải thật có, ngộ được pháp tánh bản không là thắng nghĩa đế. Vì thế Trung Luận Thích của ngài Thanh Mục có nói: “Thế tục đế nghĩa là tất cả pháp tánh không, vì điên đảo, nên sanh ra hư vọng, thế gian cho là thật có. Các Hiền Thánh biết được tánh điên đảo, biết tất cả pháp đều không, vô tánh, cho nên đối với Thánh nhân đó là đệ nhất nghĩa đế, là chân thật”.
Đế là không điên đảo mà xác thật. Vậy thế tục là giả dối không thật; vì sao gọi là đế ? Thế tục tuy hư vọng điên đảo, nhưng trên mặt nhận thức chung cùng chấp nhận, thì nó vẫn có tánh xác thật, thỏa đáng tương đối. Tất cả pháp thế tục, nhìn từ lập trường thế gian, cũng có thể phân biệt được lầm và không lầm. Thế tục đế là sự chân thật của thế gian, còn cứu cánh là chân thật đương nhiên là bất nhị. Nhưng vì cảnh giới của phàm phu và bậc Thánh khác nhau, cho nên Phật tùy theo sự sai biệt này mà nói có hai loại chân thật. Nếu nhìn từ lập trường của phàm tình thì nói các pháp sắc là chân thật, còn tánh không là lý tưởng, không hiện thực. Đối với tánh không thì nhận thức của phàm tình không thể đạt đến, người bình thường không thể lý giải được, do đó mà gọi là đệ nhất nghĩa. Nhưng chẳng nên vì phàm tình không lý giải được mà phủ định nó. Về điều này bậc Thánh cũng phải chân thật thấy biết, vì đây là cảnh chứng ngộ chung, không sai biệt của bậc Thánh.
Thật ra, những điều thông thường được người ta nhận thức như thế như thế, thì các nhà khoa học chẳng chấp nhận như thế. Trái lại có rất nhiều điều mà khoa học đã chứng minh thì nhất định khó có thể phủ nhận. Như xác định mặt trời là một định tinh (hằng tinh) bất động, địa cầu là một hành tinh xóay chung quanh mặt trời. Điều này rõ ràng không đúng với sự nhìn thấy của con người. Vì con người nhìn thấy mặt trời vừa có mọc vừa có lặn, thế nên nói mặt trời xoay chung quanh quả đất lại có người thấy cái ghế là chắc chắn, chẳng biến động, nhưng các nhà khoa học cho rằng trong đó có sự xung đột của các điện tử, tuy không ngừng biến động, nhưng lại có khả năng duy trì sự quân bình vốn có, cho nên một số người lầm cho rằng chắc thật, bất động. Đương nhiên luận chứng khoa học chỉ là nhận thức thông thường có thêm sự chọn lọc nghiên cứu kỹ, mà chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế của Phật pháp. Nhưng cũng có thể nhờ vào đó để biết cảnh phàm thế chẳng phải là cứu cánh chân thật. Trí tuệ có sâu cạn, nên có thế giới quan bất đồng. Sở kiến này, mỗi loài đều có tính chính xác tương đương với loài của mình. Vì thế, không thể dùng thế tục chân thật làm cứu cánh, nên biết thắng nghĩa đế chẳng thể dùng kiến giải phàm tình mà luận bàn chứng minh. Vậy làm sao hiển thị được chân thắng nghĩa đế ? Làm sao thông đạt được thắng nghĩa đế mà không trái ngược với thế tục đế ? Đây là những vấn đề rất quan trọng của Phật pháp. Thế tục đế có một ý nghĩa rất trọng yếu đối với cảnh giới thế tục, như màu sắc đẹp đẽ làm cảm động lòng người, phát sinh tình cảm. Cho dù các nhà khoa học có nói đó chỉ là những làn sóng dài ngắn, nhưng con người vẫn dùng những tình cảm phong phú để tiếp nhận nó. Như thiện và ác,cho dù khoa học vật chất không thể phát hiện được, nhưng không mất đi ý nghĩa quan trọng của nó ở thế gian. Căn cứ theo Phật pháp thì thế tục và thắng nghĩa tuy có sự bất đồng, nhưng nhất định không phải là hai mặt mâu thuẫn xung đột. Y cứ vào thế tục mà ngộ thắng nghĩa, thắng nghĩa lại chẳng ngại thế tục. Thành lập nhân sinh quan tình trí hài hòa, chân tục thành tựu, đó là lập trường cơ bản của Phật pháp. Phàm Thánh nhị đế (hữu không nhị đế) là một phương thức đại thể, cơ bản. Nhưng Nhị đế vốn là chỗ thông đạt của bậc Thánh, tức trong tâm cảnh của bậc Thánh cũng có thể hai đế. Còn phàm phu tình chấp chỉ biết có thế tục mà chẳng biết thắng nghĩa, bậc Thánh thì thông đạt thắng nghĩa mà khéo léo tùy thuận thế tục. Vì thế, từ cảnh giới bậc Thánh mà luận thì đủ nhị đế, từ sự chứng ngộ sâu cạn thì có các nhị đế khác nhau:
Thật hữu chân không nhị đế: Đây chẳng phải luận đến việc chấp thế tục thật có để ngộ thắng nghĩa chân không, mà chính là muốn nói trong hàng học giả Thanh văn, những vị có tâm chán ghét thế gian chẳng quán pháp pháp tánh không, chú trọng tự lợi, muốn mau chóng ngộ nhập vô ngã, vô ngã sở. Khi ngộ nhập ngã tánh không, lìa chấp, tự chứng ngộ, cho là thắng nghĩa đế. Đến khi từ không hiện ra có, khởi tâm thế tục, thì đối với tất cả các cảnh giới, đều có tánh thật tại hiền tiền như cũ, đó là thế tục đế. Tuy những học giả Thanh văn chân ngộ, nhất định chẳng phải do đó mà cố chấp tất cả pháp thật hữu. Nhưng trong tâm cảnh thế tục của họ, đã có tướng tự tánh hiện tiền, không khác với tướng hiện nơi tâm phàm phu bao nhiêu, nhưng họ không chấp trước thật có mà thôi.
Huyễn tướng chân không nhị đế: Nhị đế này là chỗ chứng ngộ của hàng Thanh văn lợi căn và Bồ-tát, khi họ ngộ nhập tánh không, do quán pháp Duyên khởi mà biết pháp rốt ráo không, đó là thắng nghĩa đế. Từ thắng nghĩa không, khởi hậu đắc trí vô lậu (phương tiện trí), biết tất cả pháp hiện khởi là giả danh vô tự tánh, như huyễn như hóa. Nhưng đây chỉ là sức dư của thắng nghĩa không định, lúc bấy giờ chẳng thể thân chứng được pháp tánh không tịch. Đó là cảnh giới kiến đạo của các nhà Đại thừa. Không chỉ hàng Bồ-tát như thế, mà hàng Nhị thừa lợi căn cũng có thể được như thế.
Nhị đế này khác với Nhị đế thật hữu chân không nói trên, vì đây là do hậu đắc phương tiện trí mà thông đạt được các pháp giả danh như huyễn như hóa. Nhị đế này có thể gọi là sự lý Nhị đế, trong đó Lý trí thông đạt tánh không là thắng nghĩa, sự trí phân biệt huyễn hữu là thế tục.
Nhị đế diệu hữu chân không (tạm gọi như thế): Nhị đế này không có danh xưng cố định, là Thánh cảnh pháp pháp không tịch, như huyễn, nhất niệm viên dung mà Phật, Bồ-tát ngộ nhập. Song quán Nhị đế tức tục tức chân là chỗ thông đạt của trí như thật. Không thể hạn cuộc đây là thắng nghĩa, kia là thế tục. Nhưng nơi một niệm đốn ngộ rốt ráo không mà ngay nơi đó là như huyễn hữu, từ đây mà tạm lập thế tục. Như huyễn hữu mà rốt ráo không, từ đây mà tạm lập thắng nghĩa. Trong vô sai biệt mà nói sai biệt, không giống với Nhị đế huyễn hữu chân không là thấy không chẳng thấy có, thấy có chẳng thấy không. Tông Tam Luận và Viên giáo của Thiên Thai Trung Quốc đều từ lập trường này để lập Nhị đế. Diệu hữu tục đế được nói ở đây là thông đạt rốt ráo mà lại duyên khởi huyễn hữu. Lý này không giống với sự thông đạt của hậu trí khi quán riêng Nhị đế. Duyên khởi huyễn hữu tức không này gọi là diệu hữu, chẳng giống với diệu hữu của các nhà Bất không luận phủ định Duyên khởi mà nêu lên chân thật bất không.
Ba loại được nêu trên, loại thứ ba là thuyết của Tam Luận và Thiên Thai, loại thứ hai là tông nghĩa của Duy Thức. Bồ-tát Long Thọ cũng có nghĩa này; loại thứ nhất là thuyết của Thanh văn thừa. Ba loại này căn cứ theo sự chứng ngộ sâu cạn mà luận bàn, nhưng trong chánh kiến Duyên khởi và tánh không vô ngại, thì cả ba dung thông vô ngại.
Phật pháp an lập Nhị đế, vẫn để dẫn dắt chúng sanh từ lên Thánh, chuyển mê thành ngộ, cho nên phải từ cơ sở Nhị đế phàm Thánh, rồi từ từng lớp từng tầng mà thâm nhập, hầu đạt đến cảnh giới viên mãn. Nếu không, chỉ đàm luận viễn vông mà bỏ quên hiện thật, giống như những kẻ thích huyền đàm mà không cần thực tế.
TIẾT II : Sự an lập nhị đế
Nhị đế phàm Thánh làm gốc, dần dần thâm nhập, rất dễ giải ngộ, nhưng cần phải dùng nhị đế trung đạo làm cứu cánh, dung thông xuyên suốt hai nhị đế trước. Nếu chấp giữ nhị đế thứ nhất, tức chấp thế tục đế hữu tự tánh bất không; nếu chấp nhị đế thứ hai thì không thể dung thông nhị đế . Hàng thanh văn có thể liễu ngộ được rốt ráo nhị đế vô ngại, nhưng hàng Bồ-tát cần phải chứng ngộ mới được. Vì thế các loại học giả Đại thừa đều cho rằng đạt được trung đạo là thành Phật. Phật sở dĩ gọi là Phật, vì Phật đã dung thông không hữu, được trung đạo, thấu suốt được nhị đế bất cộng Thanh văn (không cùng chung với Thanh văn).
Kinh Bát-nhã ghi: “Khi Bồ-tát ngồi ở đạo tràng quán mười hai Duyên khởi như hư không vô tận, đó là diệu quán trung đạo Bất cộng của Bồ-tát Duyên khởi rốt ráo không, nhưng rốt ráo không, tịch diệt mà không ngại Duyên khởi hữu. Bồ-tát chẳng bỏ hữu vi, chẳng trụ vô vi, ngộ được lý này tức có thể thành phật. Người học phật đã lấy điều chứng ngộ của phật làm cứu cánh, thì phải lấy nhị đế này làm chỗ suy xét tối cao để dung thông, quyết trạch với hai loại nhị đế trước.
Đầu tiên nói về nghĩa thế tục đế. Luận theo nhị đế phàm Thánh: “Vì vô minh che lấp cho nên gọi là thế tục”. chúng sanh từ vô thỉ đến nay do vô minh, nên chấp tất cả pháp đều có tự tánh chân thật. Do đó, thế tục hữu ở nơi phàm phu chấp thật mà gọi là đế. Bậc Thánh thông đạt được các pháp là giả danh như huyễn nên gọi là thế tục. Vì sự tướng thế tục đều hư vọng điên đảo, nên khônng thể gọi là đế. Thế tục đế này có thể giống với tư tưởng thật hữu chân không, nhưng nghĩa chân thật của đế không nhất định như thế. Kinh A-hàm nói đế là như thật không điên đảo. Nếu vì như thật mà gọi là đế thì thế tục hữu của huyễn hữu chân không và diệu hữu chân không vẫn được xem là đế. Cho nên theo sự cố chấp của phàm tình thì thật chấp vô minh là đế; nếu nói theo như thật trí của thế tục thì bậc Thánh thế gian cũng có thể gọi là đế.
Nói theo nhị đế phàm Thánh, đế của thế tục đế là chẳng lìa huyễn hiện. Từ những quan điểm sai biệt, tuy có thể nói thế tục là như huyễn hiện, nhưng vì phàm phu ngu si, nên chấp là đế thật hữu, Đế thật chấp này khác với huyễn hiện. Từ cảnh giới của phàm phu, đã là đế ắt chẳng lìa huyễn hiện mà tồn tại. Hiện tướng và đế thật tướng, trong tâm cảnh của phàm phu không thể phân chia một cách máy móc cho đó là huyễn hiện, đây là thật hữu. Trên mặt nhận thức trực cảm của phàm phu tức có đế thật tướng hiện tiền. Tất cả Duyên khởi huyễn hữu, đối với phàm phu thành ra thật hữu; cũng nhân đó, khi quán đế thật tướng của phàm phu bất khả đắc thì hiện tướng như huyễn chẳng khởi, nên không thể thấy. Các nhà duy thức tuy chú trọng sự sai biệt của Y tha khởi và Biến kế chấp, nhưng cũng có nghĩa này. Nhiễm Y tha của phàm phu vị là Biến kế sở chấp tánh, đế chẳng thể kìa hiện tượng mà an lập. Trái lại, lìa tánh không của đế thật tướng cũng phải từ hiện tượng quán xét. Như sắc tánh không, tất cả pháp tánh không, chẳng thể lìa hiện tượng mà nói không (hàng lợi căn kiến đạo có thể tức không mà hữu). Đế thật tánh vọng hiện của phàm tình không lìa hiện tướng. Nhưng bậc Thánh đã ngộ nhập tất cánh không, sau được trí cảnh, nên không chấp thật hữu, liễu tri được tất cả pháp như huyễn hữu mà chẳng phải đế thật tánh, đó mới là hiện tướng chứ chẳng phải đế tướng. Từ đó, tánh sai biệt của đế và hiện mới biểu đạt rõ ràng. Trong phàm phu vị, chẳng nên quán xét hiện tướng và đế tướng quá cách biệt.
Các nhà duy thức nói ba tánh, nhưng nghiêng về Biến kế, do đó dẫn đến thiên chấp không chấp nhận Y tha tánh không. Trung Quán nói Nhị đế nghiêng về thế tục, do chúng sanh mà thành đế, cho nên phá trừ thế tục đế để dẫn phàm vào Thánh. Nhưng những hạng người không hiểu thì thường rơi vào ác thủ không, lầm cho rằng “không” có thể phá tất cả pháp. Kết quả, hoặc giống như đạo nhân Phương Quảng bác không tất cả, hoặc trở thành tín đồ của Thật tại hình nhi thượng.
Sự nhận thức của thế tục, thường thường có thể chia làm hai loại là chân thật và phi chân thật. Như thấy sóng nắng tưởng là nước, biết đó là nước giả, thấy nước trong mát tưởng là thật có. Loại trước, sự nhận thức thông thường cũng có thể biết không thật, nhưng loại sau thì con người đều cho là thật. Sự phân biệt thật giả này cũng giống với sự phân biệt của một số học giả. Như Nhị đế của Hữu bộ, theo giả hữu vô tự tánh và thật hữu tự tánh mà kiến lập, họ cho rằng màu xanh, vàng có tự thể thật tại, là thắng nghĩa hữu, còn hiện tượng tương tục hòa hợp giả hữu, là thế tục hữu. Nhưng nhìn theo lập trường của Trung Quán thì điều mà cho là không thật đó, chẳng phải hoàn toàn là sự thật. Như con đường càng nhìn xa càng thấy hẹp, nhưng con đường đâu có như thế. Nhận thức con đường càng xa càng hẹp trên là lầm lẫn, nhưng chẳng phải là lầm lẫn chủ quan, vì đó là quan hệ nhân duyên mà ra, nếu dùng máy ảnh để chụp, cũng sẽ thấy con đường như thế. Ví dụ nhúng cây bút vào trong ly nước thấy cây bút hiện ra tướng gấp gãy; cây bút này có tướng gãy, nhất định không chỉ là do nhận thức lầm lẫn. Các hiện tướng loại động như huyễn hóa, như sóng nắng, đó là giả hữu, cũng là không; nhưng chẳng phải là không có gì cả, chẳng qua đó không phải là tướng thật, mà là huyễn hiện mà thôi. Ngài Long Thọ nói: “ Pháp có huyễn tướng như thế tuy không, nhưng có thể nghe thấy”. Nói loạn động, như huyễn, không vô thật tánh, chẳng phải là không có gì cả. Không tông lập không mà chẳng ngại huyễn hữu, tức căn cứ vào đây mà lập luận. Ngược lại, điều mà người thường thấy là xác thật, cũng chẳng phải là hoàn toàn hiện có, như Tát-bà-đa bộ cho rằng vàng, xanh, đỏ, trắng là thật có tự tánh. Nhưng theo khoa học, đó là do những luồn ánh sáng mạnh yếu thay đổi, thì thấy màu sắc cũng khác. Có người cho rằng thể tích thật hữu; thật ra cực vi không thể phân tích, không thể dung chứa là bất khả đắc, tức không có thật tánh của thể tích. Dung tích co giãn nở, thâu hẹp cũng chẳng có thật thể cố định.
Như thế, điều mà người cho là chắc chắn chân thật thì chẳng thấy được hiện thật, những điều con người cho là hư giả cũng chẳng phải hoàn toàn hư giả. Thế gian thường lấy hai loại này chia làm giả thật, thực tế không thể được. Vì hai loại này, các nhà Trung Quán đều cho là giả hữu như huyễn, là vọng hiện, là loại động. Nếu còn lấy một vật nào đó làm thật hữu, thì cũng chưa thể hiểu được chân nghĩa của Duyên khởi vô tánh. Thật ra cảnh thế tục mà nhân loại thường nhận biết có thể chia làm hai loại là trạng thái thường và trạng thái biến động. Trạng thái thường, tức tánh đồng loại về căn thân của chúng sanh do nghiệp chiêu cảm, nhận thức do căn thân (sanh lý)xúc cảm mà sanh khởi có tánh công đồng và tánh tất nhiên. Nhưng trong sự nhận thức này có hai loại.
Một, như màu xanh, vàng… đối với cặp mắt và nhãn thức bình thường, cùng với một ánh sáng nhất định, mọi người đền nhận biết giống nhau. Như thế là có hiện hữu đế thật tánh, người thường khó liễu tri đây là hư vọng huyễn hiện, gọi là chánh thế tục. Như trăng trong nước, sóng nắng, tiếng vang trong hang, mây bay thấy trăng chuyển… đã nói ở trên, đó chẳng phải là do thân bệnh mà thành, cũng chẳng phải do nhận thức điên đảo dẫn đến. Đó là tướng giả dối của cảnh biến hiện ra, cũng là hiện tượng mà mọi người cùng thấy cùng nghe. Nhưng qua sự khảo sát của thế tục, cũng có thể biết đó là hư vọng, chỉ có đứa bé chưa có ý thức mới cho là thật.
Huyễn hóa, sóng nắng, bóng trăng trong nước, tiếng vang trong hang…nhân loại đều thấy nghe, rất dễ nhận ra đó là hư vọng vô tự tánh, gọi đó là dị giải không (không dễ hiểu). Trong kinh thường dùng những hiện tượng này dụ cho nan giải không (không khó hiểu) về uẩn, xứ, giới.
Trạng thái biến động hoặc là sự biến dị của căn thân như mắt bị bệnh nhặm, thân có ghẻ ngứa, hoặc cũng có người do uống thuốc mà thay đổi. Nếu nhận thức sanh khởi từ thân căn có biến dị như thế thì thấy như thế nào ? Hễ cái thấy đã ở vào trạng thái bệnh, thì sẽ mất đi tánh cộng đồng và tất nhiên. Về việc này, người thường cũng biết là lầm lẫn. Hoặc thức biến dị, hoặc trước đã bị những điều tà ngụy huân tập, hoặc hiện tại do xã hội, thầy bạn, tông phái đào luyện, hoặc xuất phát từ kết luận của những người suy lý sai lầm, hoặc tâm không chuyên chú mà sanh khởi ấn tượng lờ mờ không rõ ràng, cho đến thấy đây tưởng rắn, thấy trụ lầm người… đều có thể dùng tri thức chân chánh để uốn nắn, sửa chữa, phá bỏ nhận thức sai lầm kia. Sự giả dối của cảnh, sự biến dị của thân căn, sự lầm nhận của tâm thức, tuy là thế tục, nhưng chẳng phải là đế thật, trong thế tục có thể dùng thế trí để hiểu là hư vọng. Đó đều thuộc về thế tục điên đảo, tuy có chánh thế tục và đảo thế tục, nhưng trãi qua sự nhận xét như thật thì chánh thế tục cũng dần dần hiện ra tướng huyễn, tức không có tánh cố định, do duyên mà tựa như có hiện. Tựa như có tướng thời gian mà chẳng cá trước sau; tựa như có tướng không gian, mà chẳng có trong ngoài; tựa như có tướng sanh diệt mà chẳng có đến đi; ngay nơi đó mà biết là hư vọng loại động. Đó là dùng dị giải không dụ cho nan giải không. Như huyễn hóa, ảnh tượng là không dễ hiểu (dị giải không) cũng có thể thấy nghe, hiện hữu rõ ràng, có một quy luận nhất định nơi tâm và cảnh. Có người cho rằng đế thật hữu cũng là hư vọng, là tánh không, nhưng không ngại huyễn hữu Duyên khởi, không ngại việc thành lập phép tắc nhân quả.
Sự phân biệt chánh thế tục và đảo thế tục là phân biệt trên lập trường thông thường của nhân loại. Biến dị về căn thì có thể dùng thuốc để trị liệu; sai lầm về thức, như thấy dây tưởng rắn, chấp thế giới do thượng đế tạo ra (thố giác, huyễn giác), có thể dùng tri thức chính xác thế gian để sửa sai, phá bỏ. Vì những hư dối thuộc về cảnh tượng, đứa bé cũng cho là thật có, nhưng về sau do tri thức phát triển, nên cũng dễ biết được đó là giả không thật. Còn chánh thế tục như sắc…. người thường cũng thấy chân thật, nên khó biết đó là giả, cần phải qua sự quán xét của thắng nghĩa mới có thể ngộ được đó là hư vọng không tự tánh. Từ bậc Thánh nhìn xuống phàm phu cũng như người lớn nhìn đức bé. Hai loại này chỉ là nói theo tri thức sâu cạn, tức là sự ngộ giải bất đồng giữa thế tục thức và thắng nghĩa trí. Từ cực vô tự tánh mà nói hiện có loạn tướng, là nhất trí. Vì thế có thể dùng huyễn hóa Duyên khởi dụ cho Thanh sắc Duyên khởi. Về điều này hẳn cũng có người nghi rằng :
Lý giải các pháp tánh không, như thấy mặt trăng trong nước, ảnh trong gương là không thật, hư vọng, lẽ ra phải thông đạt đạo lý Duyên khởi tánh không, Duyên khởi tánh không chẳng phải là đối với một pháp nào, mà pháp pháp đều như thế. Vậy các học giả Tiểu thừa và học giả thế gian cũng có người biết được bóng trăng trong nước, hoặc ảnh trong gương là giả, vì sao họ không thông đạt được chân lý Duyên khởi tánh không ? Nên biết rằng, những người này tuy cũng biết những hiện tượng đó không thật, nhưng không đạt được chánh kiến tánh không, vì họ không thấu triệt được nghĩa giả hữu, nghĩa tánh không của Trung Quán. Tuy họ cho đó là không thật, nhưng đồng thời vẫn chấp có một tự tánh chân thật khác tồn tại, như mặt trăng thật trên hư không. Tất cả đều cho rằng có thật giả đối lập nhau, có cái thật kia, cho nên có cái giả này. Đó chẳng phải là sự hiểu biết chân chánh về nghĩa giả hữu của Trung Quán, nên không thể thông đạt được chánh nghĩa Duyên khởi, không thể liễu ngộ được tánh không mà đạt đến giải thoát. Khi thông đạt được các pháp Duyên khởi như huyễn của Trung Quán, nhất định chẳng an lập một cái gì chân thật nữa, mà quán tất cả pháp đều là giả lập, nương nhau thành tựu và khi vừa thông đạt được một pháp thì liền thông đạt tất cả pháp. Vì thế, khi liễu giải được các pháp Duyên khởi tánh không, thì biết rằng chẳng phải do có mặt trăng thật trên trời mà có bóng trăng trong nước. Cần phải đạt được tất cả như huyễn, hiểu được căn, cảnh, thức không thật tánh, để phản quán mà đạt được giải thoát. Vì thế y thật lập giả, là do từ vọng chấp tự tánh mà ra, chướng ngại Trung đạo không hữu vô ngại.
Thắng nghĩa là cảnh giới đạt ngộ từ trí huệ bát-nhã của bậc Thánh, gồm có hai nghĩa là rộng và hẹp. Nghĩa hẹp là chỉ cho tánh không. Chúng sanh chấp tất cả hiện tượng đều thật có, bậc Thánh biết đó là không vô tự tánh. Kinh dạy : “Sắc không, thọ tưởng hành thức cũng không”. Đó là nhờ vào pháp hiện tại để phủ định thật tánh mà hiển thị nghĩa không, chẳng nên lìa pháp hiện tại mà quán tướng không. Trong sự thể nghiệm của bậc Thánh, các Ngài biết bản tánh của các pháp đều không tịch, biết tất cả pháp là Duyên khởi như huyễn. Trong cảnh giới của bậc Thánh (thắng nghĩa) có bao hàm tánh không và hiện hữu. Giống như Viên thành thật của các nhà Duy Thức bao hàm bốn loại thanh tịnh. Nhưng trong cảnh giới của phàm phu thì nơi nơi đều chấp thật hữu, hiện ra các kiến chấp điên đảo. Bậc thánh dùng thắng nghĩa huệ phá trừ vọng chấp thật hữu của phàm phu, thông đạt được tánh không bình đẳng một vị, đó là thắng nghĩa. Thắng nghĩa bao hàm nghĩa như thật và chân thật, vì thế thắng nghĩa đế cũng gọi là chân nghĩa đế. Chúng sanh điên đảo, vô tự tánh mà chấp có tự tánh, bậc Thánh thấy được các pháp vô tự tánh, rốt ráo đều không, không có những loạn tướng hư vọng điên đảo, cho nên tánh không gọi là như thật, chân thật. Tất cả vốn không, nay có thể thấu suốt pháp tánh không tịch, há chẳng phải như thật sao ? Nói theo nghĩa này, tánh không gọi là Thắng nghĩa đế, chứ chẳng phải là nói có một thật thể nào đó gọi là thắng nghĩa đế. Các Sư Kinh bộ cho chân thật hữu là thắng nghĩa, vì thế không chấp nhận vô vi là thắng nghĩa. Những học giả này nói: Đã là thắng nghĩa, tức phải diệu hữu chân không, không thì chẳng nên nói là thắng nghĩa đế. Do đó họ chẳng hiểu được chân ý của danh từ thắng nghĩa.
Thắng nghĩa đế và thế tục đế chỉ là tạm thời lập ra, có tính đối đãi. Thế tục đế có nghĩa là biến diệt đổi thay, nhưng có hàm ẩn chân thật. Thắng nghĩa đế là bản tánh không tịch, lìa tất cả tướng hý luận lạo động; đối đãi với thế tục nên gọi là thắng nghĩa. Thắng nghĩa có hai nghĩa rốt ráo mà tất nhiên như thế, xưa nay vốn như thế, cùng khắp tất cả. Cho nên trong kinh gọi đó là pháp tánh, pháp trụ, pháp giới. Không nên tưởng tượng thắng nghĩa đế là một bản thể thật tại gì, hoặc là một thật tại vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Dù là cảnh giới giác ngộ của bậc Thánh, cũng có thể gọi chung là thắng nghĩa; nhưng Phật pháp lập Nhị đế chỉ chú trọng tất cả pháp không tịch.
TIẾT III : Sự quyết trạch Nhị đế
- Về Tự tha (tức Trung Quán và các tông phái khác) :
Luận Thập Nhị Môn nói rằng: “Các ông nghe thế đế cho là đệ nhất nghĩa đế”, đó là lời Luận chủ phá thiên chấp thật hữu của Tát-bà-đa bộ. Phật thuyết tất cả pháp như sắc… là căn cứ vào danh nghĩa của thế tục mà giả lập, nên phải biết đó là thế tục, mà không nên chấp là chân nghĩa. Tát-bà-đa bộ cho đó là thắng nghĩa hữu có tự tánh chân thật, cho nên chấp cực vi có tự tánh. Đây là ở nơi pháp thế tục mà chẳng biết là thế tục, lại cho là thắng nghĩa, thật là lầm lẫn lớn. Có người cũng nói: “Cho điều mà mình chấp nhận là thắng nghĩa, cho điều mà người khác chấp nhận là thế tục”. Câu nói này không được hoàn toàn. Trung Quán nhất định không cho rằng: Thắng nghĩa hữu của các tông phái là thế tục hữu của Trung Quán, Trung Quán có riêng một thắng nghĩa cao hơn. Phật nói các pháp như sắc… là thế tục, tức căn cứ vào thế tục để lập tất cả pháp. Biết các pháp như sắc… đều là giả danh an lập, Duyên khởi như huyễn, đó tức là như thế tục mà biết là thế tục. Đức Phật nói tất cả là thế tục hữu, Hữu bộ… chấp là thắng nghĩa, chấp thật có tự tánh, đồng thời phản bác chủ trương cho rằng thắng nghĩa hữu của mình là thế tục hữu. Cho nên Trung Quán nói thế tục là vì người vọng chấp thắng nghĩa. Nhưng thắng nghĩa của các nhà Trung Quán, có một số học giả không thể xác định được tinh nghĩa của Duyên khởi vô tánh, không thể ở nơi không mà lập tất cả pháp, cho rằng Trung Quán từ thắng nghĩa mà nói không, cho rằng thắng nghĩa của tông khác là thế tục của tự tông. Nên biết tông nghĩa của Trung Quán vàc các pháp khác không đồng một luận điểm về thắng nghĩa và thế tục. Trung Quán lập thế tục là không thừa nhận tự tánh hữu, khác với thắng nghĩa của các tông phái khác.
- Về hữu không :
Các nhà Trung Quán thường nói thế tục là giả hữu, thắng nghĩa là tánh không. Nhưng luận Trí Đô 1 lại nói: “Nhân… bởi thế tục cho nên có, vì Đệ nhất nghĩa cho nên không. Pháp tánh như như, nơi thế giới là không, nơi Đệ nhất nghĩa là có”. Từ đây, có người cho rằng ngài Long Thọ không nhất định nói thắng nghĩa không. Thắng nghĩa không do Ngài nói ra là căn cứ vào ngã pháp của thế tục hư vọng. Ngã pháp ở thế tục là có, còn trong Đệ nhất nghĩa đế là không. Nhưng chân như pháp tánh, tuy không có trong thế tục (chẳng phải cảnh thế gian), nhưng trong thắng nghĩa lại có. Vì thế, chân như pháp tánh do hành tam thừa chứng đắc là diệu hữu, chẳng không. Đó là lời chất vấn rất có sức mạnh đối với thắng nghĩa không của Trung Quán. Tư tưởng này đã có trong Phật pháp Đại thừa, nhưng chẳng phải của Trung Quán.
Các nhà Duy Thức nói rằng: Nhất thiết pháp không trong kinh Bát-nhã là luận theo Biến kế sở chấp hoặc tam vô tánh, còn Y tha và Viên thành là thật có thì trong kinh không nói rõ. Các nhà Chân thường Duy tâm luận và phái Giác-nẳng-ba của Tây Tạng cho rằng nhất thiết pháp không trong kinh Bát-nhã là nói theo việc phá trừ tình chấp thế tục của chúng sanh, còn chân như pháp tánh hoặc là chân ngã thì chẳng thể nói là không, mà là diệu hữu. Ngài Long Thọ dẫn dụng văn này, rốt cuộc phải giải thích như thế nào ? Nên biết rằng thể tài của luận Đại Trí Độ là viện dẫn nhiều thuyết mà đạt được chỗ cùng cực của tông nghĩa. Ngài Tăng Duệ nói về Luận Trí Độ rằng: “ Lúc mới lập, viện dẫn các thuyết để gom góp hết cái hay cái đẹp; khi hoàn thành, lập vô đắc để đạt được chỗ tối thiện”. Ngài Hưng Hoàng Lãng cũng đã nói: “Bao quát tất cả những cái diệu, nêu bày cái hay cái đẹp của các nhà, khiến cho các dị chấp đều vĩnh viễn tiêu diệt, đồng qui về một mối”.
Luận Trí Độ rõ ràng đã viện dẫn nhiều nghĩa, hoặc là chấp nhận hoặc là bác phá, để lấy chỗ ảo diệu trở về tất cánh không làm tông chỉ. Kinh Bát-nhã ghi: “Vì người sơ học nên nói sai biệt”; “Vì người sơ học mà nói sanh diệt như huyễn hóa, bất sanh diệt chẳng như huễn hóa; vì người cựu học mà nói tất cả sanh diệt và bất sanh diệt như huyễn hóa”. Nghĩa là vì người sơ học mà nói các pháp như sanh diệt, Niết-bàn, hư giả, chân thật đều có sai biệt, đó là giáo phương tiện, bất liễu nghĩa. Nói theo nghĩa cứu cánh, nói theo như thật liễu nghĩa thì tất cả sanh diệt và chẳng sanh diệt đều là huyễn hóa, là tánh không. Vì nhìn theo giả hữu vô tánh thì tất cả đều là giả danh như huyễn hóa, nhìn từ vô tự tánh giả hữu thì tất cả là rốt ráo không. Tất cả pháp hướng đến hữu, tất cả pháp hướng đến không, nhấn định chẳng có sự phân chia làm hai hướng riêng biệt, một có một không. Vì thế Luận Trí Độ khi nói đến ngã.. và pháp tánh, thì nói đây có kia không, đây không kia có. Đó là phương tiện tạm lập hai loại chân hữu và vọng hữu để dẫn dắt chúng sanh bỏ mê về ngộ. Nếu quyết trạch rốt ráo Nhị đế thì tất cả là tục hữu chân không. Không chỉ Trung Quán mới nói như vậy mà luận Thành Thật cũng nói rằng : “Đệ nhất trùng nhị đế, ngã pháp đều không, Niết-bàn là có. Đệ nhị trùng nhị đế thì ngay đến Niết-bàn cũng là thế tục giả lập, rốt ráo tánh không”.
Cổ Tam Luận, từ thời ngài Nhiếp Sơn về sau có xuất hiện hai câu: “Có thì không, không thì có”. Đó là giải thích tổng quát thường, lạc, ngã, tịnh trong kinh Niết-bàn. Nghĩa là hễ có sở đắc thì không, không có sở đắc là có. Có vô sở đắc là có sự thể ngộ lìa chấp, tức là diệu hữu thường được đề cập đến. Nhưng nếu căn cứ theo tông nghĩa của Trung Quán thì chẳng phải không thể nói hữu, cũng chẳng phải nói hễ chứng đắc tánh không tức không chấp nhận tất cả sanh tử, Niết-bàn. Trong cảnh giới bậc Thánh, cũng có thể nói không có pháp sanh tử mê vọng, mà có pháp Bồ-đề Niết-bàn chánh giác. Nếu căn cứ theo qui luật chính xác của ngôn giáo, hễ được gọi là hữu, là thế tục hữu thì đều phải căn cứ theo danh ngôn an lập. Nếu theo thắng nghĩa, quán tự tánh của tất cả pháp không thể được thì thắng nghĩa là tất cánh không. Đối với các dị thuyết về Nhị đế không hữu, có thể căn cứ vào đây mà quyết đinh.
- Ngang, dọc, đơn, phức :
Luận về ngang dọc : Các học giả Cổ Tam Luận thường nói đến ngang và dọc. Ngang là có đối đãi tức nương đây mà có kia, nương kia mà có đây. Thụ (dọc) là tuyệt đối, siêu việt và dứt bặt hết thảy. Đức Phật thuyết thế tục hữu mà lại là thắng nghĩa không. Gọi đó là không, không là giả danh thế tục. Đó là đối với hữu mà lập không vậy. Nhưng Phật nói bản nghĩa của Không giáo là khiến cho chúng sanh nơi thế tục mà lìa tất cả vọng chấp, dứt bặt hý luận, nhờ vào sự lìa chấp mà thể chứng như như, dứt bặt hết thảy. Về ý nghĩa này thì liễu nghĩa và bất liễu nghĩa không thể quyết trạch được. Bồ-tát Long Thọ nói: “Chư Phật nói pháp không, vì để lìa các kiến”. Lìa tất cả vọng kiến là muốn người học cần phải dứt bặt tất cả, ngay cả tướng không cũng chẳng nên đắm trước. Nếu có tướng không hiện tiền, liền cho có tướng không để giữ lấy thì chẳng phải là bản nghĩa của không mà đức Phật chỉ dạy. Bởi vì chấp tướng không là lạc vào đối đãi, ngại cho tịch diệt. Phật nói chân nghĩa không tịch là giáo liễu nghĩa, nhưng nói với những căn cơ chấp không, chẳng hiểu nghĩa không thì không này trở thành bất liễu nghĩa. Vì thế Ngài Long Thọ cũng có lúc phá không như: “Nếu còn thấy không thì chẳng phải là điều Phật dạy”. Ngài Long Thọ phá không, có người cho rằng có cái không để không, chấp không là thật thể, hoặc chấp không ngại hữu đều không. Tất cả đều chẳng phải là bản nghĩa của đức Phật. Vì thế ngài Thanh Mục nói: “Không cũng lại không, nhưng vì dẫn dắt chúng sanh, cho nên tạm lập danh không”. Nếu lạc vào đối đãi, chấp không thì không này giống với không trong “có không” vậy. Vì thế, ngài Long Thọ nói: “Trong rốt ráo không, hữu vô đều vắng bặt”. Phật nói không là lìa tất cả kiến chấp, siêu việt tất cả vọng chấp hý luận. Nếu nói từ mặt lìa tất cả vọng chấp mà không lạc vào đối đãi thì tất cả bất khả đắc, đó là nghĩ không. Như thế, bản nghĩa của không chính là nương vào giả danh mà ý thì siêu việt, tức là dọc. Nếu rơi vào đối đãi, y theo lời mà chấp tướng thì thắng nghĩa không chẳng thành thắng nghĩa, vậy không đây tức là ngang vậy. Giáo thì chỉ bày Nhị đế, chỉ thú thì qui về nhất thật, tức là căn cứ vào ngôn thuyết để làm rõ nhị đế, mà ý Phật thì dùng tục để nhập chân, chẳng nên chấp chân làm tục. Sở dĩ đối với “không” có phân biệt ngang dọc này là do sự lãnh ngộ bất đồng của các người học.
Luận về đơn phức: Nếu căn cứ theo Nhị đế thì đơn phức có liên quan đến ngang dọc. Thế tục hữu và thắng nghĩa không là Nhị đế. Có người không hiểu được thắng nghĩa không, nên không thể hiểu được không. Trái lại, do không mà sanh bệnh, quan niệm này không giống với giáo thuyết. Như nói hữu và không đều là thế tục, phi hữu phi không mới là thắng nghĩa, đó là phức nhị đế. Chữ phi trong “phi hữu phi không” là dứt bặt, siêu việt là chánh nghĩa của không. Điều này chẳng qua cũng cho không là không của không, là đối đãi với hữu; tuyệt đối đãi tức không rơi vào hữu không (phi hữu phi không). Cách nói tuy khác nhau, nhưng thật tế vẫn không ra khỏi ý nghĩa bao hàm trong Nhị đế. Có thuyết cho rằng ngoài không hữu có một cái phi không phi hữu khác không thể lý giải được. Tức hữu không mà siêu việt và dứt bặt vọng chấp là vẫn giải thích theo chiều ngang. Cho nên mới tiến thêm một bước mà nói rằng: Hữu không và phi hữu phi không đều là thế tục; phi hữu, phi không, phi phi hữu, phi phi không, mới là thắng nghĩa, đó là phức trong phức. Thật ra, thuyết này với thắng nghĩa không của Nhị đế không hữu chẳng có gì khác nhau. Vì thế các nhà Tam Luận nói: Phàm được ngôn ngữ diễn tả, do tâm hành Duyên khởi đều là thế tục, chỉ có “ tâm hành, ngôn ngữ đoạn dứt” mới là thắng nghĩa. Như thế tông Tam Luận lập tứ trùng nhị đế, thật ra chỉ là nhất trùng nhị đế mà thôi, vì tùy theo căn tánh của chúng sanh bất đồng mà có sai biệt.
Thuyết ngang dọc của tông Tam Luận có chỗ tương đồng với biện chứng pháp. Theo biện chứng thì hữu là khẳng định (chánh), không là phủ định (phản), cũng hữu cũng không là tổng hợp (hợp). Hợp này, là chánh ở bậc cao hơn. Quá trình biện chứng chánh, phản, hợp đều thuận theo danh ngôn thế tục mà lập. Nói cách khác, chỉ có ngang mà không có dọc. Bởi vì hợp lại trở về chánh, chẳng qua hợp là để hoàn mãn cho chánh mà thôi. Còn ngang dọc, đơn phức của Tam Luận đều thuận theo thắng nghĩa mà an lập. Như nói hữu là chánh, không là phản, nghĩa không tuy bao hàm hai tính chất là phủ định (chấp tướng lầm lẫn) và không ngại (giả dnh Duyên khởi), nhưng không chẳng ngại hữu và không phủ định hý luận lại là quá trình phủ định của không quán mà chẳng phải là cứu cánh. Chỉ có lìa chấp, ngộ được rốt ráo không tịch,mới là chân ý của không.
Phật pháp dẫn dắt chúng sanh ngộ nhập thắng nghĩa, cho nên quá trình luận biện, tuy có gần với biện chứng, nhưng nói không hay nói phi chẳng dính mắc nơi không hữu. Căn tánh của chúng sanh thuận theo thế tục, hầu hết là thuận theo chánh hoặc tổng hợp chánh. Như đức Phật thuyết tục hữu và chân không, không có ý cho dọc là siêu việt, nhưng chúng sanh từ chỗ thấy đối đãi để quán sát, mà cho rằng không là thiên về một bên, tổng hợp cũng có cũng không mới thật viên mãn. Nhưng đó là thuận theo thế tục, còn đệ nhị trùng nhị đế của Tam Luận, đầu tiên đã phủ định điều này mà nói phi hữu phi không, có không hoặc cũng có cũng không của thế gian đều là thế tục đế, nên dùng phi hữu phi không để phụ định. Phủ định cũng có cũng không, tuy không ngại cũng có cũng không, nhưng ý nghĩa là tức hữu không mà dứt bặt hữu không. Phi hữu phi không chẳng phải là đãn trung, nhưng chắc chắn chẳng phải là “nghĩa không” viên mãn, cần phải nói song già (phi hữu phi không), song chiếu (diệu hữu diệu không) đồng thời. Như nói song già, song chiếu đồng thời thì vẫn thuận theo thế tục, đó là câu hữu trong hai câu và câu song diệt trong bốn câu, vĩnh viễn rơi vào trong đối đãi của thế tục. Dọc (thụ) là một thủ đoạn hướng thượng mà ý ngoài lời. Ở đây, tông Tam Luận là siêu tuyệt luận mà chẳng phải rơi vào viên dung luận, đó là sự biến hiện đầy đủ về điểm đặc sắc của thắng nghĩa không tông. Bình thường nói bốn câu, y ngôn hoặc ly ngôn cũng có thể đạt đến lý giải chánh xác. Về giả, các Sư Cổ Tam Luận đã từng đề xuất danh từ Nhị đế và giáo nhị đế. Vậy thế là giáo nhị đế ? Có thể phân làm hai nghĩa:
- Luận theo Phật và Bồ-tát an lập ngôn giáo thì trung đạo bất nhị được Phật trí thể ngộ là chỗ y cứ của giáo Nhị đế, nương vào Nhị đế mà có ngôn giáo tức là giáo nhị đế. Trung luận nói: “Chư Phật y cứ vào Nhị đế mà thuyết pháp cho chúng sanh ? Sở y tức Nhị đế, vì chúng sanh thuyết pháp tức là giáo nhị đế.
- Luân theo sự tu học của chúng sanh, những điều Phật nói là giáo nhị đế, giáo này y cứ vào danh ngôn để lập. Theo danh ngôn để an lập là tương đối, chúng ta cần phải từ tương đối vô tự tánh mà thể ngộ chỗ tuyệt đối ly ngôn kia. Vì thế trong giáo nhị đế, Phật nói hữu là khiến cho chúng sanh liễu ngộ là phi hữu (hữu chẳng phải thật hữu), nói không là khiến cho chúng sanh liễu ngộ phi không (không chẳng phải chân không). Từ danh ngôn giả lập, nói hữu nói không mà ngộ giải được thật tướng lìa ngôn ngữ, chẳng có chẳng không (ly ngôn phi hữu phi không). Như thế, dùng giả danh ngôn giáo nhị đế (hữu vô) mà ngộ được trung đạo chẳng có chẳng không (phi hữu phi không).
Khi Tam Luận truyền đến Giang Đông lại chú trọng đến đệ nhị trùng Nhị đế, cho Nhị đế là giả danh, trung đạo là thật tướng. Một số người chẳng biết không hữu là giả danh, phàm phu nghe hữu liền chấp là thật hữu, Thanh văn nghe không liền trụ tại đãn không. Hữu này, đối với phàm phu trở thành tục đế; không này, đối với Tiểu thừa thành chân đế, ngộ được ly tướng mà chứng đắc đãn không. Đó gọi là ở Nhị đế mà không hoàn toàn hợp với nghĩa Nhị đế của Phật. Phật nói Nhị đế là muốn cho chúng sanh ngộ được trung đạo bất nhị, chẳng phải làm cho chúng sanh nghe hữu chấp hữu, nghe không kẹt vào không. Tông Tam Luận cho tất cánh không là đại dụng mà tông nghĩa là viên trung. Vì thế nói Tiểu thừa chứng đãn không thì đúng với phàm phu, chẳng đúng với trung đạo của chư Phật, Bồ-tát. Người học Phật cần phải biết rằng ở nơi tục hữu chân không mà chẳng chấp hữu không, chỉ nương vào đó để thể nhập trung đạo.
Vậy chánh nghĩa của tông Tam Luận là nghĩa trung giả, nhưng nhất định không chấp giữ trung giả. Nếu có người không khéo léo tu tập tông nghĩa, mà chấp trung, chấp giả thì những người này được các luận Sư Tam Luận chánh thống gọi là Trung giả Sư; họ có định tánh kiến với trung giả, nhất định gọi phi hữu phi không là trung đạo, diệc hữu diệc không là giả danh. Những người này không hiểu chân nghĩa trung giả, vì thế đại Sư Gia Tường bài xích là: “Các Sư Trung Giả tội nặng, vĩnh viễn không thấy Phật”. Cần phải biết rằng nói phi hữu phi không là trung đạo. Nếu nhìn từ ngôn giáo đối đãi thì phi hữu phi không đâu chẳng phải là giả danh ? Nếu ngộ được tức hữu mà không thì nơi hữu không triệt ngộ được thật tướng. Vậy hữu không đâu chẳng phải là trung đạo ? Do đó, Đại Sư Gia Tường căn cứ theo thể dụng mà nói rằng: “Khi nói trung đạo thì phi hữu phi không là thể trung, tức hữu mà không là dụng trung. Khi nói giả danh thì phi hữu phi không là thể giả, tức hữu mà không là dụng giả”, nhưng vì dẫn người học mà nói như thế. Nếu khẳng định chấp trước phi hữu phi không là thể, tức hữu mà không là dụng, thì sai với bản ý của Tam Luận.
Tóm lại, thông nghĩa của Tam Luận tức tục mà chân, siêu việt, xa lìa tất cả kiến chấp, đó cũng chính là trọng tâm của việc chứng ngộ Phật pháp.
TT. Thích
Nguyên Chơn dịch Việt
(Tu Viện Huệ
Quang)