NGUYÊN NGUYÊN
Dịch giải
KIM CANG
DIỆU CẢM
Phụ lục 1
YẾU LƯỢC
Nhìn lại lời Kinh, thấy rằng với trí huệ và biện tài của Thế Tôn thì lời lẽ của Người không phải là lời lẽ thường. Tất phải là như vậy! Bởi vì lời lẽ thường thì không thể chuyển tải được Diệu Pháp vô ngôn!
Nói cách khác thì kinh Kim Cang không hề là một bài kinh dễ đọc! Điều đó Tổ Huệ Năng từng nói rõ: “ Phật đã vì những bậc đại trí và thượng căn mà thuyết giảng.”
Đó là duyên do của phần “Yếu lược” nầy vậy:. Là hi vọng trong muôn một giúp cho việc đọc kinh được dễ hơn!
Nội dung của “Yếu lược” là tóm tắt ý chính của 32 đoạn kinh.
Đoạn 1 PHÁP HỘI NHÂN DO
Đọc đoạn nầy hành giả có thể mường tượng trong trí quang cảnh của rừng Kỳ Đà và vườn Cấp Cô Độc. Hành giả cũng có thể mường tượng mà thấy phong cách của Thế Tôn. Hành giả cũng biết ý nghĩa chân thật của hành vi gọi là “khất thực”.
Đoạn 2 THIỆN HIỆN KHẢI THỈNH
Đoạn nầy kể lại việc trưởng lão Tu Bồ Đề hỏi Pháp. Hai câu hỏi là: Nếu có người trai lành hoặc gái tốt phát tâm chánh đẳng chánh giác thì phải
. an trụ tâm như thế nào?
. hàng phục tâm như thế nào?
Đoạn 3 ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG
Thế Tôn thuyết giảng về phép “hàng phục tâm”.
“Hàng phuc tâm” bằng cách nào? Bằng cách “độ” chúng sinh vào “vô dư niết bàn”.
Điều đó có nghĩa là sao? Cốt là ở cái thấy không chấp tướng, để thấy chúng sinh trong Như Tánh của chúng.
Đoạn 4 DIỆU HẠNH VÔ TRỤ
Thế Tôn diễn giải ý “vô trụ” trong hành vi bố thí _ gọi là “bố thí không trụ tướng”. Bố thí mà như thể là không bố thí. Cách bố thí nầy làm phát sinh “phước đức vô tướng”. Phước đức nầy lớn vô lượng.
Đoạn 5 NHƯ LÝ THỰC KIẾN
Thế Tôn chỉ ra điểm sai lầm thường có trong đại chúng: thấy thân tướng thái tử Tất Đạt Đa mà nghĩ rằng đó là Như Lai.
Nhân dạng thái tử Tất Đạt Đa thì chỉ mới là một trong ba thân Phật: “hóa thân” . “Như Lai” thì còn hơn thế: còn gồm cả “báo thân” và “Pháp Thân”!
Đoạn 6 CHÁNH TÍN HI HỮU
Đoạn trên nói về Như Lai vô tướng. Đoạn nầy nói về Phật Pháp vô tướng.
Phật Pháp vốn vô tướng. Nhưng thường phải dùng lời , là tướng, để chuyển tải. Phật Pháp vô tướng thì tất nhiên không “chấp” được. Khi ta chấp thì tức là ta chỉ chấp lời, cũng nói là “chấp kinh”. Cái mà ta chấp như vậy không phải là Chánh Pháp.
Đoạn 7 VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT
Thế Tôn tiếp tục nói về Pháp vô tướng, với một tên khác là “Pháp vô vi”.
Lặp lại ý “Không có Pháp nhất định để Như Lai thuyết”.
Đoạn nầy cũng giải trừ định kiến về “đắc”_ ở đây là “đắc Pháp”. Pháp không thể “đắc”, vì là “vô tướng”, hay “vô vi”.
Đoạn 8 Y PHÁP XUẤT SINH
Thế Tôn nói về phước đức vô hạn phát sinh từ việc trì tụng và diễn giải kinh Kim Cang. Tuy vậy Thế Tôn cũng nhắc nhở rằng kinh không phải chính là Phật Pháp. Chỉ là « phương tiện », như ngón tay chỉ trăng.
Đoạn 9 NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG
Thế Tôn nói về những quả vị một tu sĩ có thể chứng đắc. Tuy vậy nếu như nói « ta đắc » quả vị nầy hay quả vị khác thì là mê trong « ngã chấp ».
Đoạn 10 TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ
Thế Tôn phủ định khái niệm « Tịnh độ » như là có tính không gian và thời gian. Cũng theo đó Người phủ định truyền thuyết Phật Thích Ca xưa được thọ ký nơi Phật Nhiên Đăng. Và cũng theo đó Người thay khái niệm « trang nghiêm Tịnh độ » bằng khái niệm « sinh tâm thanh tịnh ». Ý nghĩa việc « sinh tâm thanh tịnh » được cô đọng trong câu kinh thực quan trọng :
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.
Đoạn 11 VÔ VI PHƯỚC TƯỚNG
Thế Tôn nói về phước đức vô lượng phát sinh từ việc diễn giải kinh nầy cho người khác hiểu. Thứ phước đức nầy cũng được gọi là « Tánh phước đức », tức là thứ phước đức ở bình diện Tánh.
Đoạn 12 NHƯ PHÁP THỌ TRÌ
Thế Tôn nói về uy lực của kinh nầy : nơi nào có kinh nầy, nơi nào kinh nầy được thuyết giảng thì nơi đó như là có Phật và các đại đệ tử hiện tiền. Có nghĩa rằng dù là nơi được xem như là « phàm tục » cũng trở thành linh thánh. Thế Tôn cũng nói rằng người thọ trì kinh nầy là người thành tựu được Pháp cao quý nhất.
Đoạn 13 NHƯ PHÁP THỌ TRÌ
Phật thuyết mấy ý sau :
. Tên kinh là Kim Cang Bát-nhã-ba-la-mật. Hàm ý là kinh có năng lực khai mở trí bát-nhã độ người sang « bờ bên kia ».
. Phật thuyết Pháp như là một phương tiện chuyên chở Pháp, do đó chớ nên « chấp kinh » như là chân lý nhất định.
. Qua những khái niệm « vi trần » và « thế giới» Thế Tôn khơi gợi cho thấy rằng chúng ta chưa thấy biết đúng về thế giới nầy. Thế giới nầy huyền vi hơn chỗ ta nghĩ.
. Thế Tôn nói cho biết rằng không nên dựa vào « tướng » mà nghĩ rằng đã có thấy biết về Như Lai. NhưLai vốn huyền vi hơn chỗ người ta thấy qua « tướng ».
. Thế Tôn lặp lại ý nói về phước đức lớn phát sinh từ việc trì tụng và diễn giải kinh Kim Cang.
Đoạn 14 LY TƯỚNG TỊCH DIỆT
Đoạn nầy có mấy ý sau :
. Trưởng lão Tu Bồ Đề nghe kinh mà ngộ « thực tướng » của mình. « Thực tướng » ấy về sau Thiền gia gọi là « Tánh », hay « Bản lai diện mục ». « Thấy thực tướng » tức là « thấy Tánh ».
. « Thực tướng » là vượt qua bên kia « tướng », cũng là « vô tướng ». Ba-la-mật, tức là « bờ bên kia », có nghĩa như vậy. Thế Tôn nói rõ ý ba-la-mật trong bố thí ba-la-mật và nhẫn nhục ba-la-mật. Cũng gọi là « bố thí vô tướng’ và « nhẫn nhục vô tướng ».
Đoạn 15 TRÌ KINH CÔNG ĐỨC
Thế Tôn nói về công đức không thể nghĩ bàn của kinh Kim Cang. Từ đó việc thọ trì và diễn giải kinh nầy tạo nên phước đức rất lớn.
Đoạn 16 NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG
Thế Tôn nói rằng công đức phát sinh từ việc trì tụng kinh nầy có khả năng giải trừ ác nghiệp tích lũy từ trước.
Đoạn 17 CỨU CÁNH VÔ NGÃ
Thế Tôn diễn giải những ý sau :
. Chấp « ngã tướng » cũng gọi là « ngã chấp ». Còn « ngã chấp » thì là còn chấp có ta, có người. Chẳng hạn như trong việc « độ » thì có phân biệt người độ và người được độ_ tức là có tâm phân biệt « năng độ » với « sở độ ». Hàng Bồ Tát không có cái tâm phân biệt đó. Vì vậy mà nói rằng Bồ Tát thấu lý « vô ngã ».
. Để thấu lý đó, tức là để cái tâm ngã chấp chuyển hóa thành tâm Bồ Tát như vậy, vốn không có « Pháp » nhất định. Ấy là Thế Tôn có ý ngăn ngừa bệnh « chấp Pháp ». v
Đoạn 18 NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN
Đoạn nầy có mấy ý sau :
. Thế Tôn thuyết giảng về năm thứ mắt, cũng có nghĩa là năm trình độ thấy biết.
Thấp nhất là « nhục nhãn », ấy là khả năng thấy biết giới hạn trong vòng lục trần _ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Cao nhất là « Phật nhãn », có khả năng « thấy Tánh ».
Mặc dù Phật và chúng sinh về phương diện « thể » thì là không-hai, nhưng về phương diện « dụng » thì có khả năng có nhiều cấp bậc tiến hóa khác nhau và có nhiều trình độ thấy biết khác nhau .
. Thế Tôn thuyết giảng về « vọng tâm » dưới những dạng « quá khứ tâm », « hiện tại tâm » và « vị lai tâm ».
Đoạn 19 PHÁP GIỚI THÔNG HÓA
Thế Tôn thuyết giảng về « phước đức hữu tướng » và « phước đức vô tướng ».
« Phước đức vô tướng » thì nhiều và lớn vô lượng
Đoạn 20 LY SẮC LY TƯỚNG
Thế Tôn nói : Không thể dựa vào « sắc’ và « tướng » mà cho là thấy Như Lai.
« Như Lai » bao gồm cả ba thân Phật : Pháp thân, báo thân, hóa thân.
Đoạn 21 PHI PHÁP SỞ THUYẾT
Thế Tôn phá cái chấp về « thuyết Pháp », đồng thời phá cái chấp về « chúng sinh » nghe Pháp.
Đoạn 22 VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC
Thế Tôn phá cái « chấp ngã » và « chấp Pháp », tức là phá cái tâm thấy có sự phân biệt « năng đắc » và « sở đắc » _ trong tư tưởng rằng Phật đắc Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Đoạn 23 TỊNH TÂM HÀNH THIỆN
Phật Pháp vốn một, không phân biệt cao thấp, có tên gọi là « vô thượng chánh đẳng chánh giác ». « Pháp tướng » thì có nhiều, có tên là những « Pháp lành ».Tu các « Pháp lành » thì là hội nhập với Pháp « vô thượng chánh đẳng chánh giác ».
Đoạn 24 PHƯỚC TRÍ VÔ TỈ
Thế Tôn chỉ cho thấy rằng thứ phước đức phát sinh từ việc bố thí bảy báu chất cao như vô số núi Tu Di không sánh được với phước trí phát sinh từ việc thọ trì và diễn giải kinh Kim Cang.
Đoạn 25 HÓA VÔ SỞ HÓA
Thế Tôn phá cái chấp khái niệm « độ » _ trong ý tưởng « Phật độ chúng sinh ». Khi chấp như vậy thì có cái tâm phân biệt « năng độ » với « sở độ ».
Thế Tôn cũng phá cái chấp khái niệm « phàm phu ». Đó cũng là cái chấp « chúng sinh tướng ».
Đoạn 26 PHÁP THÂN PHI TƯỚNG
Thêm một lần Thế Tôn nói lên chỗ sai lầm của đại chúng : dựa vào ba mươi hai tướng tốt mà nghĩ là thấy Như Lai. Và Thế Tôn đọc bài « tứ cú kệ » nói rằng không thể dưa vào sắc tướng và âm thanh để thấy Như Lai.
Đoạn 27 VÔ ĐOẠN VÔ DIỆT
Ở đoạn trên Thế Tôn nói không thể dựa trên ba mươi hai tướng tốt để thấy Như Lai. Trong đoạn nầy thì thế Tôn nói rằng cũng không thể loại trừ yếu tố sắc tướng nơi hóa thân Như Lai.
Thêm một ý nữa : Trong Phật Pháp không có « Pháp đoạn diệt ».
Đoạn 28 BẤT THỌ BẤT THAM
Thế Tôn nói về hạnh ba-la-mật của hàng Bồ Tát. Bồ Tát bố thí hay nhẫn nhục thì đều là bố thí và nhẫn nhục ba-la-mật _ không có lòng mong cầu phước báo.
Đoạn 29 UY NGHI TỊCH TĨNH
« Tứ uy nghi » trong Phật học chỉ về bốn tướng đi, đứng, nằm, ngồi của Như Lai. Tướng ấy thật thanh tú phi phàm. Tuy vậy không thể dựa vào các tướng ấy mà nói là « thấy Như Lai », bởi vì thật ra không thể nói là NhưLai có đến và có đi.
Đoạn 30 NHẤT HỢP TƯỚNG LÝ
Phàm phu thấy một hạt bụi chỉ là một hạt bụi. Và thấy rằng thế giới là một tướng hòa hợp của các hạt bụi _ để tạo nên « cõi trần ».
Như Lai thấy hạt bụi không chỉ là một hạt bụi, và thế giới thì không phải là cái thế giới như vậy. Thể Tánh của hạt bụi và của thế giới là một thể thống nhất huyền vi.
Đoạn 31 TRI KIẾN BẤT SINH
Trước đây Thế Tôn có nói là chớ chấp bốn tướng ngã,nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì đều là hư vọng. Và đại chúng hẳn đã có cái thấy biết về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả như vậy. Ấy là chấp tính hư vọng của các tướng. Nếu thế thì tức là đã không hiểu đúng ý của Thế Tôn vậy !
Trong đoạn nầy Thế Tôn còn dạy : « Chớ sinh pháp tướng ». Ấy là chớ để pháp tướng che mất Tự Tánh.
Đoạn 32 ỨNG HÓA PHI CHÂN
Ở những đoạn trước Thế Tôn có nói về thứ phước đức vô lượng phát sinh từ việc đọc tụng kinh Kim Cang và diễn giải cho người khác hiểu.
Trong đoạn nầy Thế Tôn nói rõ về những điều cơ bản cần diễn giải. Ấy là : « chớ chấp tướng » và « như như bất động ».
- «Chớ chấp tướng », bởi vì tướng giống như những cái bóng lướt qua, không chấp được.
- « Như như bất động » có nghĩa là phải qua tướng mà thấy « Tự Tánh như như ».