VƯỢT KHỎI DANH TƯỚNG
Nguyễn Thế Đăng
Về hương và vị, kinh Pháp hội Văn-thù-sư-lợi phổ môn dạy quán như vầy để giải thoát cái thấy sai lầm của ta về chúng:
“Lại này, Văn-thù-sư-lợi, thế nào gọi là Hương tướng tam-muội?
Dầu là trăm ngàn kiếp Thường ngửi các thứ hương Như biển nạp các dòng Mà không hề chán đủ. Hương ấy nếu là thật Lẽ ra phải đủ đầy Chỉ có danh tự giả Thật ra bất khả đắc, Mũi cũng vô sở hữu Biết rõ tánh không tịch Đó là Hương tam muội.
Lại này, Văn-thù-sư-lợi, thế nào gọi là Vị tướng tam-muội?
Lưỡi kia chỗ nếm biết Mặn chua các thứ vị Đều từ các duyên sanh Tánh nó vô sở hữu. Nếu biết được như vậy Nhân duyên hòa hợp khởi Biết nghĩa bất tư nghị Đó tên Vị tam muội.
Sự quán sát, quán chiếu khởi từ danh tướng - danh là hương, là vị; tướng là những tính chất đặc trưng của chúng - để bóc danh tướng ra khỏi sự vật, và để thấy sự vật như nó là. Danh tướng chỉ là chân lý tương đối, quy ước. Khi bóc danh tướng ra khỏi sự vật, bóc chân lý tương đối quy ước ra khỏi sự vật, thì chân lý tuyệt đối, tối hậu sẽ hiện bày.
Kinh nghiệm thực tế là hương đến rồi đi đâu mất, không chứa ở đâu cả; nếu chứa trong thân tâm thì lẽ ra hương phải còn đó, và có lúc đầy. Muốn kinh nghiệm được hương, phải có mũi; không có mũi ngửi thì hương không là hương. Nhưng mũi chưa đủ, phải có thức đi kèm với mũi, vì mũi của người chết đâu có ngửi được hương. Và thức, tức là hệ thống diễn dịch thông tin, thì mỗi loài mỗi khác, chẳng hạn mùi con vật chết thì người tri giác thúi, chó thì cho là thơm. Hương đưa tới mũi còn phải nhờ có không khí, gió.
Hương là một chất với công thức hóa học nào đó (trần) nhưng hương chỉ là hương khi có giác quan mũi (căn) và thức của sinh vật (thức). Đó là ba yếu tố chính tạo ra hương, thiếu một cái thì hương không thành, không hiện hữu. Hương là duyên sanh hợp tạo của căn, trần và thức. Ba yếu tố ấy duyên sanh hợp tạo theo một cách nào đó thì có hương sanh ra. Hương là duyên sanh, hợp tạo nên hương là không tự hiện hữu, không có bản chất nội tại, không có tự tánh, và do đó không thể sở đắc như một thực thể tự hiện hữu luôn luôn có mặt. Không chỉ có hương, mà mũi và thức cũng như vậy, đều do nhiều duyên mà sanh, nên “bất khả đắc”, “vô sở hữu” (không thật có, không có ở đâu cả). Đã chẳng thể đắc, không chỗ có, nên cả ba hương, mũi, thức “chỉ có danh tự giả”.
Quán sát hương càng lúc càng sâu như vậy, lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì có lúc chúng ta sẽ lột bỏ được danh tướng của hương, thấy trực tiếp tánh Không của hương, và chúng ta được giải thoát khỏi mê lầm về hương. Thấy tánh Không của hương và luôn luôn ở trong thật tánh của hương, không bị danh tướng của hương lừa dối, đó gọi là hương tam-muội.
Vị sở dĩ có là do ít nhất ba nhân duyên hòa hợp mà sanh khởi: một vật nào đó (trần), lưỡi (căn), thức để nhận biết (thức). Vì do nhân duyên hòa hợp mà sanh nên nó không tự hiện hữu, thiếu một nhân duyên thì vị không thành. Ngay cả một nhân duyên, phân tích cho tận cùng thì chỉ là những nguyên tử; những nguyên tử làm gì có vị, cảm giác, màu sắc… và phân tích thêm nữa thì ngay những hạt cơ bản tạo thành nguyên tử cũng không còn. Vị là vô sở hữu, không thật có ở đâu cả. Vị là duyên sanh, nên là tánh Không, vô sở hữu. Vì vị vô sở hữu nên không thể nghĩ bàn đối với nó (bất khả tư nghị).
Lại này, Văn-thù-sư-lợi, thế nào gọi là Xúc tướng tam-muội?
Xúc chỉ có danh tự Tánh nó bất khả đắc Mịn trơn ấm các pháp Đều từ các duyên sanh. Nếu biết được tánh xúc Nhân duyên hòa hợp khởi Rốt ráo vô sở hữu Đó tên Xúc tam-muội.
Lại này, Văn-thù-sư-lợi, thế nào gọi là Ý giới tướng tam-muội?
Dầu họp cõi tam thiên Vô lượng các chúng sanh Nhất tâm cùng suy tìm Ý giới bất khả đắc. Chẳng ở trong hay ngoài Cũng chẳng thể tụ tập Chỉ dùng những giả danh Nói có thảy thảy tướng. Giống như là huyễn hóa Không trụ, không xứ sở Biết rõ nó tánh Không Đó tên ý tam-muội.
Nếu quan sát thấu đáo, xúc được thấy biết là nhân duyên hòa hợp mà khởi sanh, cho nên nó là bất khả đắc, vô sở hữu, chỉ có nơi văn tự, nghĩa là chỉ có nơi chân lý tương đối, quy ước. Xúc là tánh Không, nên tam-muội của xúc là ở trong nền tảng tánh Không của nó, không bị trôi nổi, lưu lạc trong danh tướng tương đối, quy ước, giả hợp của nó.
Ý giới tướng trong kinh này tức là pháp trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Cõi của ý, phạm vi của ý, thậm chí chỉ một ý, thì dù họp cả cõi tam thiên đại thiên cùng suy tìm cũng không thấy đâu là chỗ sanh chỗ trụ và chỗ diệt của nó. Cùng suy tìm nhưng không thể thấy, chẳng thể được, bất khả đắc. Ý thoạt hiện thoạt biến, không bắt đầu từ đâu, không chấm dứt ở đâu. Nếu ý lúc ban ngày với những đối tượng của nó, những pháp, những tướng là thật, thì tại sao ban đêm khi mộng lại không có? Và ý với những đối tượng của nó, những pháp, những tướng hiện hữu khi mộng vào ban đêm thì ban ngày lại không có? Cho nên, ý và thảy thảy tướng của nó giống như huyễn hóa, không có chỗ trụ, không có xứ sở. Như huyễn là đồng nghĩa với tánh Không.
Tóm lại, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tạo nên thế giới của chúng ta đều vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu, như huyễn hóa, đều là tánh Không, và sở dĩ có tất cả hiện hữu là do phân biệt.
Chính phân biệt đã làm cho cái vô tự tánh thành cái có tự tánh, cái bất khả đắc thành cái khả đắc, cái như huyễn thành cái có thật. Chính sự phân biệt của chúng ta đã tạo thành danh tướng để đánh lừa chúng ta. Không phân biệt tức là lột bỏ được những bề ngoài danh tướng đánh lừa để thấy tận bản tánh Không của mọi sự, thân tâm và thế giới, người ta được giải thoát khỏi những vô minh, phân biệt mê lầm của mình. Cái thấy đúng, chánh kiến, là phá hủy vô minh phân biệt của mình chứ chẳng phải phá hủy đối tượng là người khác và thế giới. Giải thoát, rốt ráo chẳng phải là giải thoát khỏi cái gì cả, vì tất cả là tánh Không vô sở hữu, không có cái gì để phải giải thoát khỏi nó cả.
Nguyễn Thế Đăng
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng