Chơn Thật Ngữ là lời nói chân thật phát xuất từ tâm hồn thanh tịnh chính trực. Chơn Thật Ngữ chính là Phật ngữ, là chánh pháp ngữ, là thanh tịnh ngữ vì nó đem lại niềm tin sự hoan hỷ an lạc và lợi ích chúng sanh. Như chúng ta đã biết, khẩu nghiệp rất quan trọng, nó trực tiếp đem lại sự an lạc hay bất an trong mối quan hệ hằng ngày giữa người với người. Cổ Đức có dạy: “Cẩnthận lời nói như đề phòng lửa cháy”.
Vì sự quan trọng của khẩu nghiệp, cho nên mở đầu các nghi thức hành trì, Đức Phật đã dạy hành giả phải niệm câu chơn ngôn tịnh khẩu nghiệp: “Tu rị tu rị ma ha tu rị, tu tu rị ta bà ha” để khẩu nghiệp được thanh tịnh mà thọ trì Phật pháp.
• Trong kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật khẳng định: “NhưLai thị chơn ngữ giả, thiệt ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả” (Lời nói của Như Lai là lời nói chân thật, ngay thẳng, như pháp, không giả dối, không thay đổi).
• Trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có dạy: “Nên xa lìa lời nóivô nghĩa, luôn luôn giữ gìn lời nói chân thật, tức là lời nói đúng thời, đúng pháp hợp với chân lý. Ngoài lời nói lợi ích chúng sanh, tất cả các lời nói khác, dù chỉ là nói chơi, cũng không nên nói”.
• Có lần một Đồng Tử hỏi đức Phật:
- Thật ngữ là gì?
Đức Phật trả lời:
- Thật ngữ có 3 nghĩa. Đó là:
+ Không dối Phật (tức là không trái lời Phật dạy)
+ Không dối chính mình (tức là không trái lương tâm)
+ Không dối chúng sanh (không làm đau khổ chúng sanh)
Đồng Tử lại hỏi tiếp:
- Thế nào là nói thật?
Đức Phật đáp:
- Không nói nhiều, không nói lời vô ích.
- Giữ gìn lời nói cẩn thận hơn đề phòng lửa dữ.
- Không nói lời thô ác, không dối gạt chúng sanh.
Qua những lời Phật dạy nêu trên, hành giả tu tập đạo giải thoát luôn luôn cẩn thận lời nói. Lời nói có thể cứu người, nhưng lời nói cũng có thể giết người (sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn).
Người chánh niệm luôn luôn nói lời chánh ngữ, chánh ngữ đưa đến ái ngữ, ái ngữ có công năng đem lại hoan hỷ an lạc, lợi ích cho chính mình và người khác.
Trong Kinh Niết Bàn, đức Phật nhấn mạnh: “Người thích yêntĩnh luôn luôn nói lời thật ngữ chánh ngữ, thường được Chư Thiên tôn kính”.
Đề cập đến tính quan trọng của thật ngữ, trong Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, đức Phật có dạy:
- Trong các thứ ngọc, ngọc thật ngữ là quý giá nhất.
- Trong các thứ đèn, đèn thật ngữ là sáng nhất.
- Trong các thứ thuốc, thuốc thật ngữ là hay nhất.
- Trong các thuyền bè, thuyền thật ngữ là an toàn nhất.
- Trong các người dẫn đường, người thật ngữ là đáng tin nhất.
- Trong các bạn tri thức, bạn thật ngữ là đáng tin tưởng nhất.
- Trong các thế lực, lực thật ngữ là mạnh mẽ nhất.
Tóm lại, lời nói chân chính rất hữu ích, giúp hành giả thoát ly phiền não, an lạc giải thoát. Người thường ca tụng chân lý, tán thán, thọ trì kinh luật, luôn nói lời chân thật ái ngữ được phước báo rất lớn: âm thanh tốt, lời nói trong sáng rõ ràng được mọi người tin tưởng ưa thích, hơi thở có mùi thơm dễ cảm mến, hàm răng trắng đẹp, miệng nói cười chiếm được cảm tình của quần chúng, rất thuận duyên trong việc giảng giải hoằng dương chánh pháp, đưa người vào đạo giải thoát.
Miệng là cửa ngõ của tâm hồn, lời nói là sản phẩm của tâm hồn. Tâm hồn thanh tịnh nhất định sẽ sinh ra chánh ngữ: Chánh ngữ là con đường tắt đi vào chánh đạo.
Trong một thế giới có quá nhiều điên đảo, giả dối, lừa đảo như hiện nay, thì chân thật ngữ có giá trị như là một thần dược có khả năng ngăn chặn, chữa khỏi căn bệnh trầm kha của thời đại, đem lại tin yêu và hạnh phúc cho nhân loại.
- Tag :
- HT. Thích Thiện Đạo