Đạo nghiệp là sự nghiệp trong đạo. Tuy nhiên cái gì hay thế nào là sự nghiệp trong đạo thì cần phải phân tích cặn kẽ để hiểu đúng và thành tựu đúng như pháp. Sự nghiệp của người thế gian là nhà cửa, đất đai, tiền bạc, địa vị, danh vọng, vợ con v.v…. Vậy thì sự nghiệp của người tu có phải là chùa chiền, đệ tử, đạo tràng, tài sản, chức vị…? Một số vị xuất gia sơ học đã hiểu chưa đúng về vấn đề này, cho rằng đạo nghiệp trong Phật pháp cũng giống như sự nghiệp ở thế gian, chỉ khác về hình thức hay tên gọi mà thôi.
Có người sau khi xuất gia, cố gắng học hành và tu dưỡng với mục đích kiến lập chùa to Phật lớn, mở mang đạo tràng, phát triển đồ chúng hay bằng mọi cách để có một vị trí trong tổ chức tôn giáo cũng như ngoài xã hội, nghĩ rằng như thế mới làm rạng danh thầy tổ và... thành tựu đạo nghiệp!
Thật ra chữ đạo nghiệp trong Phật pháp không mang ý nghĩa đó. Nếu đạo nghiệp được hiểu theo nghĩa như trên thì người thành tựu đạo nghiệp vẫn còn tham sân si, bị vô minh và phiền não chi phối; tức là còn phàm phu, chưa phải là Thánh, chưa giác ngộ và giải thoát.
Cần xác quyết rằng đạo nghiệp, tức là sự nghiệp ở trong đạo, sự nghiệp của người tu chính là thành tựu giác ngộ, giải thoát, là chứng đắc Niết-bàn, là chấm dứt sinh tử. Suốt đời người tu là học tập và thực hành Phật pháp cho đến khi đạt mục tiêu giác ngộ thì lúc đó mới được gọi là thành tựu đạo nghiệp, điều mà trong kinh gọi là: “Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong; không còn trở lui lại trạng thái này nữa”.
Việc từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải chỉ là sự thay đổi về hình thức, từ ở nhà sang ở chùa mà là thay đổi về nội dung, thay đổi trong bản chất, từ tham sân si… thành vô tham, vô sân, vô si… Nếu ta hiểu thành tựu đạo nghiệp theo kiểu thế gian thì Đức Phật và chư Thánh tăng thời xưa không có ai có đạo nghiệp cả, vì các vị ấy không sở hữu gì cả. Các bậc giác ngộ ấy không có sự nghiệp gì ở thế gian nhưng thật sự đã thành tựu đạo nghiệp.
Chúng ta ngày nay có rất nhiều thứ nhưng đạo nghiệp thì không biết có thành tựu được phần nào, hay những thứ mà mình đang sở hữu đó lại ngăn trở chúng ta với đạo nghiệp, ngày càng xa với đạo nghiệp? Nếu càng tu lâu mà ham muốn càng nhiều, không dám xả ly buông bỏ, tham sân si càng chồng chất, thì còn cách xa với lời Phật dạy là yểm ly, ly tham.
Do vậy, những người chưa có tâm xả ly nên tự nhìn lại mình để cảm thấy hổ thẹn với Đức Phật, với sự thanh tịnh của đoàn thể Tăng-già, với bản thân nhiều năm dấn thân trên đường đạo. Bởi đó chỉ là phương tiện, đâu phải là cứu cánh, đâu phải là đạo nghiệp, đâu có đưa đến giác ngộ, giải thoát.
Người con Phật chúng ta cần phát huy tinh thần Bi - Trí - Dũng để thẳng thắn nhìn nhận, mạnh dạn góp ý, dũng cảm phê phán để cùng nhau phản tỉnh và hướng về tương lai Phật pháp.
Khi đã phát tâm xuất gia, ai cũng muốn mình tu cho thật tốt nhưng nếu không thường tỉnh giác, có người khi sở hữu chút danh, lợi thì sự dính mắc, tham ái, chấp thủ phát sinh. Và người còn phàm tâm dễ dàng bị tha hóa, bị sa ngã. Tuy nói rằng các pháp thế gian chỉ là phương tiện để hành đạo, nhưng làm sao để không tham khi vẫn chưa là A-la-hán?
Đi tu đã là khó, thành tựu được đạo nghiệp lại càng khó hơn. Nhưng nếu người tu hiểu rõ được mục tiêu cốt lõi của sự nghiệp tu hành là nhàm chán, xả dục, ly tham thành tựu giác ngộ và giải thoát thì sẽ ít lầm đường lạc lối vậy.
- Tag :
- Thích Trung Hữu