Pháp Lạc Cúng Dường Kinh Phật
Tôi đến Cố đô Huế một tuần để tham gia trọn vẹn “Tuần lễ thơ thiền” cùng nhà thơ Nguyễn Duy, đạo diễn Xuân Phượng, luật sư Ngô Tiến Nhân và ban tổ chức cùng quý Phật tử tín tâm. May thay, trong các chương trình có buổi toạ đàm “Lãnh đạo tỉnh thức” mà tôi cùng doanh nhân Lê Bá Thông và chị Trần Thị Mỹ Yến chia sẻ những trải nghiệm về thiền và tu tập chánh pháp. Tràn ngập an vui.
Về đến Sài Gòn, việc đầu tiên tôi muốn làm ngay là ngồi thiền bên bộ Kinh Phật gốc Nikaya do Hoà thượng Thích Minh Châu dày công dịch ra tiếng Việt trong khói trầm thơm và tâm an yên. Trọn bộ Kinh đầy đủ cả Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ vừa in xong. Kinh lần này là đầy đủ nhất và in trên loại giấy pơ luy siêu nhẹ, bìa simili rất trang trọng, thiết kế, trình bày công phu với khổ lớn 19 x27 cm, với cách dàn trang nén khoảng cách, thêm số dòng của mỗi trang, với bìa cứng, bọc simili nhuyễn của Đài Loan, chữ mạ vàng tựa Kinh và cạnh gáy trong. Rất trang trọng, và đầy năng lượng.
Và tôi muốn dâng ngay bộ Kinh đầy đủ, trọn vẹn, rất đẹp này ngay lập tức lên Thầy của chúng tôi – Hoà thượng Thích Minh Châu, người Thầy lớn đáng kính mà tôi hay gọi là “Đường Tăng của Việt Nam”.
Tôi liên hệ với thầy Thích Tâm Chánh và hẹn cùng thầy dâng Kinh lên Ôn. Đến nơi thầy đã đón tôi. Tôi trân trọng bê trọn vẹn bộ Kinh 9 cuốn trong niềm hân hoan. Tôi nhẹ nhàng đặt lên bàn thờ Ôn Minh Châu. Trước mặt tôi là di ảnh của thầy. Ảnh trắng đen và rất có thần thái, đúng như Thầy mà tôi đã được gặp, được học xưa kia. Tôi đứng thiền một lát và lạy Ôn 3 lạy, 5 vóc sát đất trong những hơi thở nhẹ và êm. Tôi đứng nguyên trong tư thế thiền đứng và tụng Kinh trong tâm hoan hỷ vô cùng, rất khó tả.
Rồi chúng tôi ngồi thiền trà cùng thầy Thích Tâm Chánh. Bên tay trái tôi là chiếc giường nhỏ, cũ, xưa kia Ôn vẫn nằm nghỉ. Chúng tôi thưởng trà và cùng ôn lại những kỷ niệm với Ôn, về Ôn. Hỷ lạc cứ thế tràn dâng.
Chợt tôi nhớ về những câu của Ôn mà tôi nhớ không thể quên “… chúng tôi được tưởng thưởng xứng đáng khi được tận hưởng những Pháp lạc do Chánh Pháp đem lại trong khi phiên dịch. Pháp lạc này ẩn chứa trong từng chữ, từng câu, tiềm tàng trong câu văn, giọng nói, và chính Pháp lạc đã nuôi dưỡng và khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công tác phiên dịch này”.
Đó là tâm sự của Hoà thượng Thích Minh Châu. Còn tôi, học trò nhỏ bé của Ôn thì luôn có Pháp lạc khi ngồi đọc Kinh Nikaya, khi tụng Kinh, khi suy nghiệm về từng câu Kinh, khi cúng dường Kinh Phật. Ngay lúc này đây, Pháp lạc đang tràn dâng, cứ thế dâng tràn khi tôi cúng dường trọn bộ Kinh Phật gốc Nikaya này đến Ôn!
Tôi ngồi trầm tĩnh bên tháp Ôn. Tôi nhớ lại những câu từ của Ôn trong lời giới thiệu của Trung Bộ Kinh “Chúng tôi dịch Kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là NGUYÊN THUỶ thủy hay GẦN NGUYÊN THUỶ NHẤT, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chớ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ, Đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Đạo của người nhắm mắt; Đạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.
Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm, tìm đọc và tìm hiểu những lời Phật dạy thật sự là những lời dạy của đức Phật, và vì trách nhiệm ấy chúng tôi đã cố gắng phiên dịch Kinh Tạng Pàli ra Việt ngữ. Chúng ta chỉ cần đọc, cần suy tư chính chắn và rồi chính chúng ta tự ý thức đâu là những lời dạy trung thực của đức Bổn sư chúng ta.”
Tôi nhớ lại, lần đầu tiên được đọc những dòng viết này của Ôn vào năm 2008, tôi đã gần như bật khóc. Khóc vì xúc động. Nước mắt cứ thế chảy. Con đã THẤY PHÁP. Con đã CÓ PHÁP của Phật. Có Đường đi rồi con không còn sợ nữa!
Tôi giật mình rất nhiều lần: Nếu không có Hoà thượng Thích Minh Châu dịch Kinh phật gốc Nikaya ra tiếng Việt tôi là người mù, tôi tu mù. Thật là khủng khiếp! Ngày đã cho tôi bảo bối, đã cho tôi Pháp của Phật, cho tôi đường đi sáng mà tôi u mê trong vô minh mấy chục năm nay, không hề biết đến. Cái mốc 2008 được trực tiếp đọc Trung Bộ Kinh lần đầu tiên với 152 bản Kinh thật sự làm tôi chấn động và đã thay đổi hoàn toàn lối sống của tôi.
Ngồi bên tháp của Ôn cùng thầy Thích Tâm Chánh, tôi nhớ lại câu này, câu mà hàng ngàn vạn học trò của Đức Phật đã đều thốt lên khi biết đến Chánh Pháp “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng.”
Tôi cứ thế nhẩm đi nhẩm lại trong đầu rất nhiều lần câu “… Chánh Pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”
Hỷ lạc tràn ngập trong tôi. Pháp lạc cứ thế tuôn trào. Tôi lạy Ôn và chào thầy Thích Tâm Chánh và rời thiền viện Vạn Hạnh để về. Pháp lạc vẫn cứ thế tuôn chảy trong tôi, liên tục. Tôi biết rằng Ôn Minh Châu đã nhập diệt nhưng Pháp mà Ôn đã giảng dạy, Kinh mà Ôn đã dịch vẫn thấm đẫm trong các học trò của Ôn như thầy Tâm Chánh, Tâm Đức, Tâm Hạnh,… và trong hàng ngàn hàng vạn học trò của Ôn, trong đó có tôi.
Sớm nay, thiền toạ xong, tôi lại ngồi ôn lại các bản Kinh do Ôn Minh Châu dày công dịch ra tiếng Việt. Sáng nay tôi đọc Tương ưng bộ Kinh. Và cứ thế những câu từ của Ôn lại tuôn chảy trong tôi …
“…Chúng tôi chỉ có thể nói một cách vắn tắt là Kinh Trung Bộ đặt nặng về phần Chánh Tri Kiến và các phương pháp tu hành, nhất là những tiến trình tu chứng đi từ Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Còn Kinh Trường Bộ đặt nặng phần lịch sử, có tánh cách đối ngoại đối với Bà La Môn, du sĩ ngoại đạo, Kỳ na giáo... Tăng Chi Bộ đặt nặng phần phân tích giáo lý theo pháp số từ số 1 đến số 11. Tương Ưng Bộ đặt nặng phần phân tích giáo lý theo đề tài. Còn đọc Kinh Trung Bộ chúng ta đi sâu vào phần giáo lý và phần hành trì, đặt nặng về những phản ứng tâm lý tế nhị của người tu hành khi đạt đến những quả vị tối cao.
Công trình phiên dịch của tôi, một mặt đáp ứng sở nguyện xuất dương tu học của tôi, một mặt xây dựngnhững tài liệu nghiên cứu đạo Phật cho các Học giả và Phật tử Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên trong trách nhiệmhiện tại của tôi, sự phiên dịch đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều dụng công kiên trì và liên tục, nhưng chúng tôi đã được tưởng thưởng xứng đáng, khi được tận hưởng những Pháp Lạc do Chánh Pháp đem lại trong khi phiên dịch. Pháp Lạc này ẩn chứa trong từng chữ từng câu, tiềm tàng trong từng câu văn giọng nói, và chính Pháp Lạc đã nuôi dưỡng và khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công tác phiên dịchnày.
Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.”
Pháp lạc là có thật! Tôi đang thân chứng Pháp lạc. Tu là phải thực chứng, phải trải nghiệm kết quả, phải thân chứng.
Con xin lạy Ôn 10 lạy. Xin nói thầm 1 từ với Ôn thôi, nhưng con xin nói 1 triệu lần “Biết ơn Ôn, biết ơn Hoà thượng Thích Minh Châu – Đường Tăng của Việt Nam”
Sài Gòn 05h30 sáng
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty sách Thái Hà
- Tag :
- Nguyễn Mạnh Hùng